CON ĐƯỜNG ĐẠI ĐẠO NẾU CẢ THẾ GIAN NẦY BIẾT TU... * Quang Thông.

Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa từng đoạn Thánh giáo trên. Cả thế gian nầy biết tu tức là mọi người trên thế giới nầy đều biết sống đời đạo đức, hiền lương; sống theo lương tâm trong tình thương yêu huynh đệ một nhà. . .
Khi mỗi người lo tu thì sẽ tạo nên một khối phước đức và phước đức nầy sẽ hóa giải được nghiệp chướng, nạn tai như lời Phật dạy.
Nếu ta đổ một ly nước muối thật mặn vào trong một hồ nước lạnh thì nước trong ly hòa lẫn nước trong hồ sẽ không còn mặn nữa. Nước muối tượng trưng cho nghiệp chướng, nạn tai...còn nước trong hồ tượng trưng cho phước đức.
Nếu mỗi cá nhân đều biết lo tu thì khi mãn kiếp sanh linh hồn sẽ đoạt được địa vị cao hơn trên cõi Thiêng liêng tức là vào hàng phẩm Thần Thánh Tiên Phật thì bộ Nam tào trên Thiên đình, để ghi chép sự sanh tử luân hồi, cũng sẽ không cần thiết nữa là điều hẳn nhiên rồi...
Nhưng toàn câu Thánh giáo bắt đầu bằng chữ NẾU, có nghĩa rằng từ trước tới nay điều nầy chưa từng xảy ra trên thế gian...

Sứ mạng của nhà tôn giáo là khuyên bảo và dìu dẫn con người vào đường tu, nhưng tại sao từ bao ngàn năm nay rất nhiều tôn giáo ra đời vẫn không độ rổi cho tất cả hết thảy mọi người biết lo tu hành, mà trong thời điểm hiện tại nạn tai, nghiệp chướng và tội lỗi con người vẫn tràn ngập và con người vẫn đau khổ triền miên. Phải chăng các tôn giáo đã bất lực và không làm tròn sứ mạng của mình ?

Tại sao con người luôn có khuynh hướng làm ác mà không làm việc thiện ?
Theo Nho giáo “nhân chi sơ tánh bản thiện”,  khi mới sanh ra con người vốn có tánh thiện nhưng khi lớn lên tiếp xúc với xã hội, môi trường xung quanh thì dần bị nhiểm lấy môi trường ác trược rồi tạo nên tội lỗi, đó là mầm mống của nạn tai oan nghiệt ...

Nói một cách đơn giản thì mỗi con người gồm có 2 phần là: một hữu hình là thể xác và một phần vô hình là linh hồn.  Linh hồn là vô hình, vô ảnh nên người ta khó nhận biết và có khi cho là không có như trường phái duy vật.
Như vậy con người chỉ biết lo cho thân xác là trước nhứt, tức là muốn cho xác thân nầy ăn ngon, mặc đẹp, hưởng nhiều tiện nghi đời sống mà không phải làm lụng vất vả. . . Ngày nay khoa học tiến bộ tạo ra muôn ngàn tiện nghi cho đời sống vật chất tức phụng sự cho xác thân, điều nầy càng làm tăng dục vọng của con người...Và dục vọng càng tăng, con người gây ra tội lỗi càng nhiều...

Nhà tôn giáo thì lấy Thiên đàng, Cực lạc... để khuyến thiện người tu, và lấy địa ngục để răn kẻ làm ác, nhưng kẻ đắm chìm trong dục vọng thì họ chỉ lo hưởng thụ trước mắt còn Thiên đàng, Địa ngục coi như chuyện xa vời hơi đâu lo nghĩ, nên việc ác gì cũng chẳng từ...
Con người càng khôn ngoan, trí thức mà không biết Đạo, càng nghĩ ra nhiều mưu sâu kế độc để hại lẫn nhau, và rốt cuộc nghiệt oan chồng chất là vậy. . .
Sự thật thì hiện tại cũng có số đông người thấm nhuần lời dạy của Trời, Phật, Chúa ...và lo làm lành lánh dữ, cứu giúp tha nhân, nhưng số người làm ác cũng không phải là ít, nên khí ác trược xông lên không gian lấn át cả điển lành gấp bội nên nhân loại phải chịu nhiều thiên tai, địa ách...

Chúng ta là nhà tôn giáo trong kỷ nguyên của văn minh vật dục lên ngôi, và chúng ta làm thế nào tìm ra giải đáp cho bài toán khó nầy ? Làm thế nào để tất cả mọi người đều quay về đường tu, hiền lành đạo đức như sự mong muốn của Ông Cha Thiêng Liêng là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế qua lời Thánh giáo nêu trên ??
Đạo Cao Đài, hay còn gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là một nền Đạo do chính mình Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế lập nên trong thời kỳ Hạ ngươn sau chót nầy, thử hỏi Đạo Cao Đài có giải pháp nào hữu hiệu để tận độ tất cả nhân loại trên mặt địa cầu nầy không ?
Ý Nghĩa "Tam Kỳ Phổ Độ" là gì ?
Thánh giáo Đức Chí Tôn:
"Tam Kỳ Phổ Độ" là gì?
Là phổ độ lần thứ ba,

Sao gọi là phổ độ ? Phổ độ nghĩa là gì ?
Phổ là bày ra.
Độ là gì?
Là cứu chúng sanh.
Muốn trọn hai chữ phổ độ phải làm thế nào?
Chúng sanh là gì?

Chúng sanh là toàn cả nhân loại, chớ không phải lựa chọn một phần người như ý phàm các con tính rổi". (TNHT, Q 1, ngày 8-4-1926)
Theo lời dạy trên đây của Đức Chí Tôn thì danh xưng "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" có nghĩa là một nền Đạo lớn mở vào kỳ ba là buổi hạ ngươn và có sứ mạng cứu hết tất cả nhân loại toàn cầu.
Cứu ở đây có nghĩa là cứu độ, cứu rỗi. Khi một người vừa qua đời chúng ta thường cầu nguyện cho người đó được siêu thăng tịnh độ, hay siêu thăng nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, hay về với Đức Chí Tôn, về với Chúa. . .chẳng hạn. Tức là mình cầu cho người chết được về nơi một cõi nào an nhàn, sung sướng hơn cõi trần gian nầy.

Theo giáo lý Cao Đài trong càn khôn vũ trụ nầy có tất cả tám đẳng cấp linh hồn gọi là bát phẩm chơn hồn, kể từ thấp đến cao gồm: kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.
Những người nào trong kiếp sanh gây ra nhiều tội lỗi thì sau khi chết có thể thoái hóa trở lại thú cầm, còn tội tình quá nặng có thể trở lại kim thạch hồn mà ba lần như vậy nên gọi là tam đồ bất năng thoát tục.

Ngược lại, những người trong kiếp sanh biết sống đời đạo đức tu hành thì sau khi qui vị được sanh lên cõi cao hơn cõi trần nầy là các cõi Thần Thánh, Tiên, Phật ...
Theo Pháp Chánh Truyền chú giải:

“Trong Bát Quái Đài kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị của các Đấng Trọn Lành "classe des Parfaits ou des Purs" , từ Thánh vị trở xuống nhơn vị thì vào hàng Thánh "classe des Épures" , từ thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục "classe des Impurs" , ấy vậy trong Bát Quái Đài từ bực Thánh hồn thì còn phận sự điều đình Càn Khôn Thế Giái, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị. Hễ vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh Đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành, lên địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo Hóa, từ bi, tự tại bất tiêu bất diệt..."
Theo ý nghĩa đoạn Pháp Chánh Truyền nêu trên thì ta phải tu hành đoạt được từ Tiên vị mới bước vào hàng phẩm trọn lành tức là được tự tại, bất tiêu bất diệt...cũng như nhà Phật nói tu đoạt được từ phẩm
  A La Hán mới được giải thoát khỏi luân hồi sanh tử...Hay Đạo Thánh nói rằng tu để được về cõi Thiên đàng tức là được giải thoát...

Vậy cứu cánh của Tam Kỳ Phổ Độ là phải độ tất cả nhân loài về đến phẩm trọn lành là hàng Tiên vị trở lên mới tròn câu phổ độ...Nếu mình đã lập được nhiều công đức với đời và nay gặp được cơ duyên để tu rốt ráo thì có thể về đến cõi tiên trong vòng một kiếp sanh. Bằng không mình phải đầu kiếp xuống làm người trong nhiều kiếp, mỗi kiếp sẽ tiến hóa từ từ lên hàng Thần vị, rồi Thánh vị mới đến Tiên vị.
Cũng có những trường hợp đặc biệt như Quan Vân Trường thời Tam Quốc, sau khi thoát xác Ngài đắc Thánh vị, nhưng vì đức trung nghĩa cũng như cái chí anh hùng ngài quá lớn là bất sát hạ mã chi nhơn, nghĩa là ai đánh trận với Ngài mà té xuống ngựa thì Ngài tha cho sống chớ không giết. Cái đức độ của Ngài quá lớn nên từ cõi Thánh phát huy thêm sau đó Ngài chỉ dùng huyền diệu cứu nhơn độ thế mà đã đạt nên Phật vị là một vị Cái Thiên Cổ Phật...
Trường hợp các vị giáo chủ như Đức Khổng Thánh gieo truyền Nhơn Đạo, Đức Chúa Jésus gieo truyền Thánh Đạo, nhưng các vị nầy đều là những chơn linh cao trọng giáng phàm.
Có tài liệu nói Đức Khổng Tử là vì sao Văn Xương trên Thượng giới giáng phàm và người đời xưng tụng là một vị Đế Quân (Hoằng nhơn Đế Quân).
Và theo Đức Hộ Pháp thuyết đạo thì ngươn linh của Đức Chúa Jésus là Đức Phật Christna, một trong ba vị Phật cổ đại gọi là Tam Thế Tôn: Brahma, Shiva, và Christna. . .giáng thế. Vì vậy nên khi cúng vía Đức Khổng Thánh hay Đức Chúa Jésus thì lạy 9 lạy theo hàng Tiên Phật vị.
Trở lại cứu cánh đạo Cao Đài là phải độ cho hết toàn cả nhân loại nên ngươn hội của Cao Đài rất lâu dài, theo Thánh giáo Đức Chí Tôn có cho biết trước là đạo Cao Đài sẽ tồn tại đế thất ức niên là bảy trăm ngàn năm mới chấm dứt...

Khi đoạt được Tiên vị rồi, ta được hưởng cảnh Tiên trong vòng một vài ngàn năm rồi cũng phải đầu kiếp xuống trần để độ rổi chúng sanh, lập công quả , tu hành tiếp để tiến lên Phật vị.
Như chúng ta đã biết chư vị Bát Tiên đã thành đạo từ mấy ngàn năm trước bên Trung Hoa ngày nay đã tái kiếp để giúp Đức Chí Tôn khai mở đạo Cao Đài như ngài Lý Thiết Quả đầu kiếp thành Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, ngài Hớn Chung Ly là Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, ngài Lữ Đồng Tân là Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang,...

 Hàng Tiên vị được chia ra làm ba đẳng cấp từ thấp lên cao là: Địa Tiên, Nhơn Tiên và Thiên Tiên. Phẩm Thiên Tiên thì đồng đẳng cấp với Bồ Tát theo cách gọi của nhà Phật...
Đến Phật vị rồi, muốn cho ngôi vị thêm cao trọng ta cũng phải phân thân xuống trần lập công đức nữa.  Theo lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, một vị Phật A muốn tạo thêm cho mình một từng liên hoa nữa phải phân thân xuống trần đầu kiếp thành một con vật và chừng nào con vật nầy tu hành nhiều kiếp về đến ngôi Phật vị thì cái ngai của vị Phật A sẽ tăng thêm một từng liên hoa nữa...

Như vậy mỗi chơn hồn trên thế gian nầy đều phải đi trong khuôn luật tấn hóa từ phàm đến Thánh, từ Thánh lên Tiên, lên Phật vị. Đắc vị Phật rồi còn phải phân thân xuống thế lập công thêm nữa để tông đường càng thêm đông đúc...Tông đường càng to lớn thì càng vẻ vang, vinh hạnh.
Ở một đoạn Thánh giáo khác Đức Chí Tôn cũng nhắc nhở thêm:

"Thử nghĩ lập một nước còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền, huống chi trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả năm châu thì trách nhậm ấy lớn lao là bực nào ? Cái hạnh và cái đức các con nó phải phù hạp với cái trách nhậm mới đặng. Các con là đèn và gương soi của nhơn loại; phải tập mình cho xứng đáng.. ."
(TNHT, Q1, 25-7-1926)
Đoạn nầy Đức Chí Tôn nhắc lại sứ mạng trọng đại của Tam Kỳ Phổ Độ là phải độ rỗi nhân loại khắp năm châu. Để điều hành guồng máy Đạo, Đức Chí Tôn ban cho bộ hiến pháp Đạo gọi là Pháp Chánh Truyền. Bộ hiến pháp nầy ấn định phẩm trật và quyền hạn của mỗi cấp bậc chức sắc trong Hội Thánh. Và Hội Thánh là thay thế hình ảnh Đức Chí Tôn tại thế nên mỗi thành viên trong Hội Thánh phải giữ tròn hạnh đức là vậy.
Đức Chí Tôn tự xưng là Thầy của chúng sanh là cách xưng hô thân mật để dạy dỗ cả con cái Người. Đọc qua Thánh giáo, Thầy dạy từ việc nhỏ chí việc lớn, và cử chỉ tánh hạnh người tu phải đi trong khuôn luật thương yêu, công chánh, anh trước em sau dìu dẫn nhau trên đường tu đễ tất cả đều được  trở về cùng Thầy.

Luật thương yêu, quyền thì công chánh,
Gần thiện lương xa lánh phàm tâm.

Tóm lại, sứ mạng của đạo Cao Đài thật vô cùng vĩ đại là phải độ rỗi cho hết tất cả nhân loại trên mặt địa cầu nầy. Vì vậy đạo Cao Đài phải đưa ra được nhưng phương pháp thật hữu hiệu mới có thể hoàn thành sứ mạng nặng nề khó khăn nầy…
Vậy chúng ta hãy tìm xem giải pháp độ rổi nhân loại của Đạo Cao Đài có những ưu điểm gì ? (còn tiếp)
* Quang Thông.
(2-2022)