THUYẾT ĐẠI ĐỒNG TRONG ĐẠO CAO ĐÀI. * Quang Thông.

1 - Đại Đồng là gì ?
“Đại đồng là cả thế giới chung một nhà, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc.
Xã hội đại đồng là một xã hội trong đó khắp mọi nơi đều hòa bình, an lạc, mọi người đều bình đẳng, không còn phân biệt chủng tộc, quốc gia, xem nhau như anh em một nhà.
Đó là một xã hội thái bình an lạc lý tưởng, là đời Thượng nguơn Thánh đức, mà nhơn loại đều mong ước”.(CĐ Từ Điển)
Thế Giới Đại Đồng là một xã hội lý tưởng mà loài người mơ vọng đạt đến để có thể sống hạnh phúc trong hòa bình, an lạc. Những người chủ trương thuyết duy vật cũng từng nêu lên cứu cánh của họ nhằm tiến lên một thế giới đại đồng nhưng họ đã hoàn toàn thất bại…Giờ chúng ta chỉ còn trông cậy vào con đường duy tâm để có thể thực hiện được Đại Đồng mà thôi.
Riêng đối với đạo Cao Đài Đức Chí Tôn đến qui Tam giáo hiệp nhứt Ngũ chi lập thành mối Đạo để độ tận tất cả chúng sanh toàn thế giới. Có câu Thánh giáo Đức Chí Tôn dạy rằng:
“Nếu cả thế gian nầy biết tu, thì thế gian có lẽ cải lý Thiên đình mà làm cho tiêu tai, tiêu nạn đặng, huống lựa mỗi cá nhân biết tu, thì là Thiên đình cầm bộ Nam tào cũng chẳng ích chi”.(TNHT, 21-7-1926)
Nếu muốn cả loài người biết lo tu hành thì phải có một mối Đạo với nền tảng giáo lý đại đồng để thống nhứt đức tin thì nhân loại không còn hận thù, chiến tranh giết chóc lẫn nhau nữa. Đạo Cao Đài nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là Cha Mẹ thiêng liêng, tức nhiên loài người nhìn nhau là anh em ruột thịt . Các nền tôn giáo trong Ngũ chi là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo cũng do Chư Tiên Phật vâng lịnh Đức Chí Tôn  Thượng Đế lập thành, tức là có cùng nguồn gốc thì không có gì hềm khích lẫn nhau hết…
Cho nên Đạo Cao Đài có một nền tảng giáo lý đại đồng để có thể thống nhứt tinh thần nhân loại làm một.
2-Đức Hộ Pháp thuyết về Đại Đồng theo quan niệm Cao Đài.
“…Vậy hai chữ Đại-đồng là gì ? Tht ý-nghĩa bạn đồng-sanh, nhìn nhau hiệp một trong nguyên-căn gọi là Đại-đồng. Hỏi thuyết đại-đồng ngày nay xuất-hiện là tại sao? Chúng ta đoán dễ lắm. Cung-kỉnh, tôn-trọng, quý-hoá mạng sanh vạn-loại, loài người đứng phẩm tối cao tối trọng , thay thế hình ảnh Chí-Tôn có quyền-hành làm Chúa Đại-đồng. Loài ngưòi bị tàn-ác, chẳng những sát hai vạn-linh mà thôi , lại chém giết tranh ăn, tranh sống, lấy cường-lực đàn-áp làm căn-bản, dùng bạo tàn làm chúa thiên-ha. Cái thuyết duy-vật là trong khuôn-luật vật-hình nhứt-định, còn thuyết-duy-tâm chỉ có khuôn khổ thiên-nhiên , theo thuyết duy-vật nào là các cường-quốc trên khắp địa-cầu tìm đủ phương-châm luật-pháp, làm cho thiên-hạ hóa ra đại-đồng ấy là điều mơ-mộng , vì không hề đạt vọng được . Chưa ai hiểu đặng một người tài-tình quán-chúng , trí-não cao sâu phải hạ mình làm người ngu dốt. Chưa có quyền-năng nào mà đem một đứa ngu dốt lên làm ông Tể-tướng triều-đình.  Hàng-phẩm căn-mạng đều do Chí-Tôn sở định . Đã biết không ai ép buộc được , không khuôn luật nào biểu một vị đại văn sĩ ăn mày ngoài chợ được.
Hễ không có hình luật nào làm được , sửa được , thì thuyết đại-đồng thiên-hạ không thành tựu. Thuyết ấy kết liễu được là khi nào lấy thuyết hữu thần duy-tâm làm môi giới chung trong sự yêu-ái tôn-trọng nhau trong tình anh em đồng một căn-bản, một máu thịt, một chủng-tộc. Vì cớ các đấng giáng cơ bên Âu-châu nói : Loài người sẽ đạt được đến địa-vị tối-cao tối-trọng mà họ muốn đạt, là loài người sẽ có một nòi-giống, một quốc-gia , một Tôn-giáo, ngày giờ nào loài người đạt được ba điều ấy thì thế-giới đại-đồng kết-liễu thành tướng.
Chí-Tôn đến với loài người , Ngự-Mã-quân của Ngài sợ-sệt Ngài xuống trần phải nguy-hiểm . Ngài đến tạo cho loài người một quốc-gia, một nòi-giống, một Tôn-giáo. Nhưng Ngự-Mã-Quân của Ngài không muốn cho Ngài đến, nên thay Ngài đến làm cho ba điều ấy thành tựu nên hình. Nếu ba điều ấy thành thì Đại Đồng thế giới thành. Nếu ba điều ấy không thành , thì đại-đồng thế-giới là thuyết vẫn còn trong vòng mơ-mộng”.(TĐ ĐHP 1-11-Đinh Hợi, 1947)
Tựu trung Đức Hộ Pháp đã nêu lên thuyết Đại Đồng Thế Giới của Cao Đài là thực hiện cho được ba điều: Nhân loại sẽ là Một, một về nòi giống, một về tôn giáo và một về xã hội.
Trong ba điều ấy, một đức tin tôn giáo duy nhứt là quan trọng nhứt và giáo lý Cao Đài đáp ứng được một cái nhìn toàn diện, dung hòa mọi đức tin tôn giáo xưa nay. Có thể có vài tôn giáo trước Cao Đài đã xướng xuất nền tảng giáo lý đại đồng như thế, nhưng đạo Cao Đài còn có một cơ cấu tổ chức, một hệ thống luật pháp rất tân kỳ do chính Đức Chí Tôn chỉ dạy thành lập. Chính cái nền tảng pháp lý nầy mà danh từ Cao Đài gọi là nền Chánh Trị Đạo, sẽ làm khuôn mẫu tổ chức một xã hội với tình thương yêu, công bằng và dân chủ,…
3-Con đường tiến lên Đại Đồng của Cao Đài như thế nào ?
a). Quốc Đạo Cao Đài:
Để thực hiện đại đồng thế giới, trước tiên các Đấng lấy Việt Nam làm thí điểm gieo hạt giống đại đồng. Tức nhiên thành hình một nền Quốc Đạo Cao Đài và một khuôn mẫu xã hội lý tưởng trên nền tảng : Thương yêu, công bằng, dân chủ , tự do,…Nhìn lên hai câu liễn trên mỗi cổng Thánh Thất chúng ta sẽ thấy điều nầy.
Đoạn nầy chúng ta nói về nền Quốc Đạo, có câu Thánh giáo Đức Chí Tôn:
“Thầy nhập ba chi lại làm một là chủ ý qui tụ các con trong đạo Thầy lại một nhà. Thầy làm Cha chưởng quản, hiểu à !
Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo chơn thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con gọi là QUỐC ĐẠO hiểu à !” (TNHT, 18-9-1926)
“Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà,
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền chơn Đạo một mình ta”. (TNHT, 25-10-1926)
Ý nghĩa câu “Từ đây nòi giống chẳng chia ba” theo Đức Hộ Pháp thì chẳng còn chia ba Đạo chớ không phải ba Kỳ là Nam Trung Bắc. Đến câu “Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc”, hiện nay đạo Cao Đài chỉ mới phổ độ ở các tỉnh miền Nam mà thôi, bây giờ còn truyền giáo ra miền Bắc xong rồi mới phát triển ra ngoại quốc…
Ngày nay, một số khá đông tín đồ Cao Đài ra định cư ở nước ngoài, cũng tạo được Thánh Thất phô bày hình tướng Đạo và giữ Đạo chớ việc truyền Đạo chưa thâu đoạt kết quả khả quan, có lẽ phải chờ “Nam Bắc cùng rồi” mới tới thời kỳ truyền Đạo cho người ngoại quốc chăng ?
Tại sao việc xây dựng Quốc Đạo là quan trọng ?
Vì cứu cánh Cao Đài là tận độ tất cả chúng sanh không chừa sót một ai. Muốn vậy trước tiên phải độ họ vào Đạo tức là tạo cho họ cơ hội nhập vào trường thi công quả.
Muốn nền Quốc Đạo thành tướng phải có mối tương liên Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế được. Nhìn vào lịch sử Công Giáo La Mã là một ví dụ, Đạo Thánh phát triển vượt bực từ khi được chánh quyền La Mã nhìn nhận là Quốc Giáo. Bởi vậy Pháp Chánh Truyền chú giải đã có ghi câu: “Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền. Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế”.
Đây là nói về mối tương quan giữa HTĐ là Đạo và CTĐ là Đời mà cũng mang ý nghĩa Đời và Đạo thông thường nữa.
Chúng ta có kinh nghiệm vào thời chiến tranh trước năm 1975, có một số người chưa hiểu Đạo là gì nhưng vì hoàn cảnh lánh nạn họ về sống ở vùng Thánh địa. Trong mỗi Hương đạo với sự chăm lo, hướng dẫn của các Bàn Tri Sự, từ từ cảm hóa những người dân mới về và lần hồi họ hòa nhập vào sinh hoạt Đạo và trở nên những đạo hữu thuần thành. Cho nên một khi Quốc Đạo thành hình sẽ có năng lực cảm hóa mạnh mẽ độ dẫn chúng sanh tu hành đoạt Đạo…
Nhưng làm sao để thực hiện Đạo Đời tương đắc ?
Nhìn lại hai nền tôn giáo lớn Nhị Kỳ Phổ Độ là Công Giáo La Mã và Phật Giáo Ấn Độ, các vị Vua chúa thấy được huyền diệu thiêng liêng của tôn giáo rồi họ tâm phục khẩu phục rồi có đức tin theo Đạo và ủng hộ Đạo trở thành Quốc giáo,…
Về phần chúng ta cố gắng học Đạo, hành Đạo, phổ thông chơn Đạo trong phạm vi khả năng, tận nhân lực rồi có ngày tri thiên mạng vậy…
b). Nền chánh trị Quốc gia đồ  theo pháp chánh đạo Cao Đài.
“Thầy tưởng chẳng cần nói, nếu ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng dùm cho nhơn loại…” (TNHT, 15-4-1928)
Chúng ta biết Đức Chí Tôn đã ban cho Pháp Chánh Truyền là bộ hiến pháp của Đạo, trong đó qui định quyền hạn mỗi phẩm trật chức sắc thuộc hai Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng, tức là phân chia hai quyền chánh trị (hành chánh Đạo) và bảo thủ luật pháp. Đặc biệt là cách thông qua một Đạo luật trên thượng tầng Hội Thánh,…
Tiếp theo cho đến năm 1931 Đức Chí Tôn ban cho cách tổ chức ba Hội của Quyền Vạn Linh và quyền Vạn Linh được ngang bằng với quyền Chí Tôn.
Đây là một khuôn mẫu phân quyền chưa từng thấy trong các thể chế chánh trị đời hiện hữu…
Ngày nay khi nghiên cứu nền chánh trị Đạo Cao Đài ta thấy Chánh trị Đạo thâu thập những ưu điểm của các chế độ chánh trị hiện hữu từ dân chủ, quân chủ, độc tài…
“Tóm tắt lại Chánh Trị Ðạo không đặc biệt giống một chánh thể trị Ðời nào hết, mà trong Chánh Trị Ðạo hầu như gom góp cả cái hay của toàn cầu, dung hợp cùng nhau làm thành chánh thể thích hợp với cả mọi người, trong đó quyền dân được thi hành tùy sự tấn triển của dân trí, và quyền Vua được tôn trọng, tùy sự bảo tồn của nhơn phong, ta có thể tạm gọi chánh thể trị Ðạo là chánh thể Quân Chủ Dân Quyền vậy”.(Chánh Trị Đạo, Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)
Tiếp theo đây là  Lời Thuyết Đạo Đức Hộ Pháp:
“.........Ngày nay chúng ta thấy cả toàn mặt địa cầu nầy đều xu hướng theo dân chủ, dân chủ là gì ? Là đại đa số dân chúng tổng hợp lại nắm chủ quyền, mà ảnh hưởng cũng do đại đa số đó cầm vận mạng mặt địa cầu nầy. Hại thay có nhiều hạng người không đủ tinh thần học thức hay không đủ tâm đức cầm sanh mạng nhơn loại, thảo nào ta không thấy phương tranh đấu ai mạnh là hơn. Làm chúa thiên hạ với phương xảo mị, không phải làm chúa loài người với phương pháp tối cổ. Nhơn loại để lại cái giống loạn, cả tinh thần toàn thể trên mặt địa cầu nầy đều loạn, chỉ vì không có quyền vi chủ.
       ..........Bây giờ nhơn loại đương chạy kiếm chủ quyền, chủ quyền ấy dầu nó thế nào cũng không thể tồn tại được. Vì cớ cho nên Đức Chí Tôn đến, Đức Ngài nói: Phương pháp tạo quyền của nhơn loại không thể gì bền vững được, Ta coi các người đập phá tan tành hết; Ta đến cho lại, Ta chỉ đường cho.
       Đường Đức Chí Tôn chỉ là con đường Pháp Chánh vậy. Ngày giờ nào trên mặt địa cầu nầy : quốc gia, xã hội, nhơn quần biết tìm chủ quyền đặc sắc vĩnh cữu, công chánh; tức phải đồ theo Pháp Chánh của Đạo Cao Đài, tạo hình tướng Thánh Thể quốc gia, có lẽ ngày giờ đó Thiên hạ mới thấy chủ quyền của Đạo Cao Đài định thật quyền cho quốc gia và toàn thể nhơn loại.............
       Ấy vậy ngày giờ nào nhơn loại trở lại con đường đạo đức đặng giải kiết, gầy dựng phương pháp sống mới sống vinh quang sống ôn tồn hạnh phúc. Ngày giờ nào tiêu diệt được quả kiếp hung tàn trở lại con đường đạo đức , ngày giờ ấy quốc gia mới yên ổn, ngày giờ ấy thiên hạ mới hưởng được hồng ân đặc biệt của Đức Chí Tôn ban cho .
* (Trích Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp thuyết tại Đền Thánh đêm mùng 8 tháng 10 năm Mậu Tý (11-1948)
Nền Pháp Chánh của đạo Cao Đài thể hiện tinh thần dân chủ, lấy luật thương yêu, quyền công chánh làm căn bản. Đó là điểm siêu việt của luật pháp Cao Đài nên Đức Hộ Pháp dạy chánh thể quốc gia muốn tốt đẹp cần phải đồ theo Pháp chánh của Đạo là vậy.
c). Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế :
Nguyên văn câu Pháp Chánh Truyền chú  giải :
“Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền: Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh Giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm giáo".(PCT chú giải)
Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa:
Đạo không Đời không sức :
-Đạo và Đời hiểu theo nghĩa Đạo là Hiệp Thiên Đài và Đời là Cửu Trùng Đài.
Nếu không có chức sắc CTĐ điều hành, phổ thông chơn Đạo thì chức sắc HTĐ không thôi cũng khó mà làm tròn sứ mạng thể thiên hành hóa.
-Đạo và Đời hiểu theo nghĩa thông thường : Đạo mà không được chánh quyền Đời ủng hộ cho tự do hành Đạo thì Đạo không sao phát triển tận độ chúng sanh được.
Đời không Đạo không quyền :
- CTĐ mà không có HTĐ cầm cân giữ cho trật tự điều hòa, thì sẽ loạn hàng thất thứ không còn tôn trọng quyền hành đẳng cấp phân minh nữa.
- Đời mà vô đạo đức, không kể tôn giáo ra gì thì xã hội sẽ loạn lạc mạnh đặng yếu thua, khôn còn dại mất,…Người cầm quyền lúc đó không còn kể quyền hành của mình được hiến pháp, luật pháp ban cho đến đâu mà tự do thao túng…Rốt cuộc đất nước loạn lạc, dân chúng lầm than, khổ sở…
Muốn cho Đạo Đời luôn luôn tương đắc có lẽ cách hay hơn hết là biến cơ chế Đời trở thành một hay nhiều cơ quan của Đạo nghĩa là công sức phụng sự nhân dân của chánh quyền Đời sẽ được tính công quả như người chức sắc đi hành Đạo vậy…
Khi đó trường công quả sẽ được mở rộng thêm cho nhơn sanh thi thố…
Điều nầy thực hiện được khi nào Đạo có đủ uy tín, đủ lòng tin của toàn thể quốc dân giao phó…
d). Quốc Đạo Kim triêu thành Đại Đạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
Ý nghĩa là sau khi nước Việt Nam thành công tốt đẹp tôn vinh Quốc Đạo Cao Đài, cùng áp dụng thể chế đồ theo Chánh trị Đạo sẽ tạo được quốc thái dân an, thanh nhàn đạo đức,…các quốc gia khác sẽ bắt chước theo Việt Nam và khi đó Cao Đài sẽ trở thành tôn giáo duy nhất trên hoàn vũ, cùng phổ biến nền phong hóa tốt đẹp của nước Việt ảnh hưởng toàn thế giới…
Để chứng minh điều nầy cũng có Thanh giáo các Đấng đã dạy trong Thánh Ngôn như sau:
“Ngày 05 tháng 05 Canh Ngọ (10-06-1930)
LÝ BẠCH,
 Hỉ chư đạo hữu, … … … Ðạo chẳng phải một món hàng mà nay đem cầu người nầy, mai đem nài kẻ kia, cho họ biết mà nhìn nhận, thật nên nhục thể Ðạo quá! Ðấng Chí Tôn đã gieo giống quí hóa rồi, thì cần phải vun trồng cho cội sởn sơ. Cội sởn sơ mới có đâm chồi trổ tược nhành lá sum sê, hoa đơm sắc sảo, rồi mới đến trái oằn sai mà thành kết quả xứng đáng. Chừng hương nực mùi, hoa đơm trái rồi, ngàn dặm cũng tìm đến hưởng nhờ giống quí, nhọc chi phải hạ mình mà làm cho nhẹ nhàng phẩm giá. Các đạo hữu cứ đường ngay thẳng tới, chung lưng đâu cật mà lo việc mình, thì muôn việc đều nơi Chí Tôn sắp đặt nghe…”
 
Ngày 18-7-1928:
“CHƠN CỰC LÃO SƯ, Hỉ chư đạo hữu,
Chư đạo hữu đã có nghe lời Thánh giáo về vận mạng nên hư của nền Ðạo. Vậy có hiểu rõ tôn chỉ chánh đáng của Ðạo là sao chưa? …
Chư đạo hữu phải biết rằng: Ðạo trước khi gieo truyền cho ngoại quốc, phải dìu dắt kết chặt dân sanh nơi vùng Nam nầy, đặng cùng nhau chung hợp trên con đường hòa bình, chậm rãi lần ra khỏi lối khốn khổ lao lung nơi cõi trần nầy, rồi tự tại ngâm câu thái bình. Chừng ấy chim về cội, cá về sông, hớn hở trau về thiện niệm mà bước lên nấc thang thiêng liêng mới đặng…
… Chư đạo hữu phải lọc lừa lại, tìm người có tâm chí kết liên thân ái, chung hiệp nhau, bỏ sự lãng phí, dụng đồng tài nơi giọt mồ hôi, được tích thiểu thành đa gầy dựng một cái nhà chung, để ngày phong võ nương dựa được thung dung, ngồi ngắm thế sự và chấn hưng mối Ðạo quí hóa; ấy là không làm mà no; không đắp mà ấm cúng đó…” (TNHT)
 
“Bần Đạo cả quyết ngày nào toàn thể nhân loại đều biết hồi tâm hướng thiện, nhìn Đạo TRỜI của ĐỨC CHÍ TÔN là một cơ quan cứu thế, thật hành chủ nghĩa Thương Yêu cho ra thiệt tướng thì ngày ấy mới đặng tận hưởng hòa bình thế giới đó vậy”.(THHT, bài 57)
4 - Về nhân sự để thực hiện Đại Đồng :
Đọc lại Đạo sử, trước tiên là  Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương đến độ dẫn các bậc Tiền Khai mở Đạo, cũng trong thời gian nầy có  Đức Trạng Trình với Thánh danh Thanh Sơn Đạo Sĩ và Nhàn Âm Đạo Trưởng đến cho hai bài Thập Thủ liên hườn ý nghĩa rất cao xa và ám chỉ về phần Đời.
Đức Trạng Trình là tổ sư Bạch Vân Động còn Đức Nhàn Âm là chủ Nhàn Âm Động, Phải chăng đây là các vị vâng lịnh Đức Phật Mẫu với sứ mạng chánh yếu trong việc xây dựng một xã hội Đại Đồng. Đức Phật Mẫu là tạo hóa phần hữu vi trong càn khôn vũ trụ "Càn khôn sản xuất hữu hình" , một xã hội Đại Đồng cũng nằm trong cơ chế hữu vi, vì vậy trong Phật Mẫu Chơn Kinh cũng có câu "Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch". Rõ ràng là một thế giới Đại Đồng đã được dự liệu và đã được phân công cho chư vị thực hiện. 
Khi vào lạy Phật Mẫu với câu niệm là:
Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn,
Nam Mô Cửu Vị Tiên Nương,
Nam Mô Bạch Vân Động Chư Thánh.
Như vậy sứ mạng của môn đệ Bạch Vân Động rất quan trọng để đem Đạo vào Đời, và  đưa Đời vào Đạo để xây dựng nên thế giới Đại Đồng. Tuy nhiên kỳ nầy Đức Trạng Trình Thanh Sơn Đạo Sĩ Ngài không chiết chơn linh giáng trần qua bài thi của Ngài nhắn với môn đệ Bạch Vân:
Bạch Vân nhàn lạc khỏe thân già,
Thương kẻ nặng mang nợ Quốc gia...
Trái lại Đức Nhàn Âm thì có nhiều nỗi lo toan như câu thi của Ngài:
Thi họa vừa khi bước hứng nhàn,
Vòng trần luân chuyển luống lo toan.
Chúng ta có thể đoán biết rằng kỳ nầy Đức Nhàn Âm cũng có sứ mạng hiệp với môn đệ Bạch Vân Động để lo về cơ chế xã hội Đại Đồng là một phần quan trọng trong cơ tận độ của Cao Đài.
Phần kết.
Tương lai nước Việt sẽ trở nên huy hoàng và dẫn đầu thế giới nhờ nền Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập nên cho và khi đó nền Đại Đồng thế giới được thực hiện.
Đảnh vân mở  lối định biên cương,
Nước Việt ngày sau sẽ  phú cường.
Đạo đức  treo giềng  nơi vạn quốc,
Tinh thần  để lối  dẫn  đài  chương.
Diệt tà  định  được hồn  Hồng Lạc,
Tôn chánh  tạo nên cõi thái bường.
Liệt  quốc sau cơn nguy  đại chiến,
Hướng về Việt quốc lãnh niềm thương.
(Bà Bát Nương giáng cơ 1950)
 
Lời Tiên tri của Đức Hộ Pháp về tương lai dân tộc Việt Nam.
“THÀNH CÔNG VỚI LẬP TRƯỜNG DÂN TỘC TỰ QUYẾT
Việt Nam sẽ giúp các sắc dân trên mặt đất ứng dụng lập trường ấy cho xứ sở mình, hầu xóa tan những nổi bất công, buộc ràng áp bức, họ được hưởng một đời sống tự do đầy đủ, vui tươi. Các sắc dân sẽ cảm mến dân tộc Việt Nam, xem người Việt như anh cả…
Nhờ đức tính chánh đáng mà Việt Nam cảm hóa được thiên hạ, sau trận đại chiến kỳ ba, hai nước Nga và Mỹ sẽ bị tàn phá tan tành, không còn địa vị nữa. …
Còn Nhựt Bổn là căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, hoàn toàn bị sụp đỗ dưới lửa bom mưa đạn.
Chỉ có Việt Nam về mặt nhơn Đạo thực hiện được chánh nghĩa.
Về Thiên Đạo được nêu cao nhơn nghĩa, bác ái, đại đồng, thuận thiên lý, hợp nhơn tâm. Nên nắm giềng mối cho chúng sanh trên mặt địa cầu nầy đời đời, kiếp kiếp…”
Như vậy nền Quốc Đạo sẽ thành hình trước khi xảy ra thế chiến thứ ba bùng nổ…
Thánh giáo :
“Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ”.
* Quang Thông (Sưu khảo, 6-2023)

 NỐI BƯỚC N°10.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [ 9 ] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] .