Thánh ngôn Đạo Cao Đài cho
biết có ba đấng thiêng liêng giữ chức vụ rất đặc biệt trên thiên đình. Đó là Đức
Đại Tiên Lý Thái Bạch, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Quan Thánh Đế Quân.
• Hiệp Thiên = phối hợp với
Trời. Hành Hoá = dạy dỗ. Cung Hiệp Thiên Hành Hoá là một cơ quan trên cõi trời
có chức năng giống như Hiệp Thiên Đài của Đạo Cao Đài, nghĩa là thực thi quyền phán
xét của toà án.
• Trấn = giữ cho yên ổn, dẹp
loạn. Oai Nghiêm = oai quyền nghiêm khắc. Tam Trấn Oai Nghiêm là Đức Đại Tiên
Lý Thái Bạch, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Quan Thánh Đế Quân, thay mặt ba tôn
giáo Phật, Lão, Nho. Chức trách của ba đấng thiêng liêng này là trấn áp những
ai gây rối loạn trật tự của vũ trụ.
• Toà Tam Giáo = Toà Án lập
ra ở Cung Hiệp Thiên Hành Hoá thay mặt Tam Giáo (Phật, Lão, Nho). Con người sau
khi chết, phần thể xác sẽ ở lại thế gian, tự phân rã để biến đổi thành vật chất
khác, còn phần hồn (gồm có chơn thần và linh hồn) sẽ đến Toà Tam Giáo chờ phán
quyết có phạm tội trong kiếp sống hay không. Lẽ dĩ nhiên, có tội sẽ bị trừng phạt,
có công sẽ được khen thưởng. Để biết thêm quyền lực của Toà Tam Giáo, xin mời đọc
lời Ðức Chí Tôn Thượng Đế dạy hai Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch
Nguyệt như sau: “Trung, Lịch, hai con phải dụng đại lễ mà an táng cho Tương,
nghe! Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam Thập Lục Thiên, phải để
nó đợi nơi Ðông Ðại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát lạc” 11/12/1926 - Đạo Sử
II. Xin nói thêm chỗ này cho rõ. Kinh sách Cao Đài dạy rằng vũ trụ của chúng ta
đi từ thấp lên cao như sau: 72 địa cầu (địa cầu chúng ta số 68), lên Tứ Đại Bộ
Châu (4 châu lớn), lên Tam Thiên Thế Giới (3,000 thế giới) và lên bậc cao nhất
là Tam Thập Lục Thiên (36 tầng trời).
Cứ sau một kiếp, linh hồn của
chúng ta sẽ được lên bậc ít hay nhiều tuỳ theo công đức mình đã tạo ra ở thế
gian. Nếu không có công đức hay phạm tội sẽ bị hạ bậc. Nhìn lại mình, chúng ta đang
ở địa cầu 68, gần chót danh sách, có nghĩa là những kiếp trước mình chưa có
công đức gì nhiều. Và trong buổi thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 16-01-1949, Đức Hộ
Pháp nói chưa có ai biết hết vũ trụ của Đức Chí Tôn, tức là chưa có ai đi đến bậc
cuối cùng của 36 tầng trời.
Thánh ngôn trích dẫn ở trên
khiến chúng ta dễ dàng thấy được là dù nắm quyền lực bao trùm vũ trụ, Đức Chí
Tôn Thượng Đế vẫn phải chờ Toà Tam Giáo quyết định trước, chứ không thể ưu ái
đem Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương từ địa cầu 68 thẳng lên 36 tầng trời
được, dù Ngài Chưởng Pháp có công mở đạo. Như vậy cũng đủ biết Toà Tam Giáo
quan trọng cỡ nào! Hoạt động của cơ quan này được miêu tả khá đầy đủ trong 35
bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
(Ban Tốc Ký Toà Thánh ghi chép, Hội Thánh phát hành).
Trong bài viết này, tôi chỉ
bàn về Đệ Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Lý
Thái Bạch. Qua giải thích ở trên, có thể thấy chức vụ Giáo Tông của Đạo Cao Đài
cực kỳ quan trọng trong lần ân xá thứ ba, đến độ Đức Chí Tôn phải bổ nhiệm Đệ
Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm giữ. Xin nhấn mạnh, đây là đấng có quyền trấn áp mọi
tội phạm trong vũ trụ này chứ không phải chỉ riêng trong phạm vi của Đạo Cao
Đài với vài triệu tín đồ ở nước Việt Nam nhỏ bé đâu. Nếu hiểu được điều này và
mường tượng được vũ trụ lớn tới đâu, thì người phàm với chút tài vặt như chúng
ta, có lẽ không một ai dám mơ đến chuyện giữ chức vụ Giáo Tông Cao Đài.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lớn nhất Việt Nam
Nguồn
Đức Lý Bạch 李白 tự là Thái Bạch 太白
(701-762) là một nhà thơ lớn. Đời Đường bên Tàu được xem là thời cực thịnh của
thi phú nhờ hai nhà thơ vĩ đại nhất lịch sử văn học Trung Hoa: thi hào Lý Bạch
(Li Bai) và Đỗ Phủ (Tu Fu). Đức Lý Bạch không những là đại thi hào của Trung
Hoa mà tên tuổi còn vượt khỏi biên giới ra nhiều nước khác nữa. Một minh chứng
là hiện nay, quý đọc giả chỉ cần gõ Li Bai hoặc Li Po vào khung tìm kiếm trên
Google sẽ thấy có đến 377 triệu kết quả hoặc hơn nữa. Vì vậy, trong bài này tôi
xin phép bỏ qua phần tiểu sử của Ngài, bởi đã có đầy đủ chi tiết trên mạng
Internet rồi, mà chỉ bàn đến công nghiệp trong chức vụ Giáo Tông của Đạo Cao
Đài.
Theo cơ bút, Ngài là Đệ Nhứt
Trấn Oai Nghiêm, được phong kiêm nhiệm Giáo Tông Đạo Cao Đài ngày 29-10-1926,
sau khi Ngài Ngô Văn Chiêu từ chối nhận chức vụ này. Vậy vị Giáo Tông đầu tiên
của Đạo Cao Đài là một đấng thiêng liêng, điều hành việc đạo qua cơ bút, không
phải là người dưới trần gian. Đến ngày
22-11-1930, Đức Lý Giáo Tông
giáng cơ lập Đạo Nghị Định thứ 2, ban quyền Giáo Tông ở địa cầu 68 cho Ngài Đầu
Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung). Vì vậy Ngài Lê Văn Trung chỉ là Quyền Giáo
Tông, tạm thời giải quyết sự vụ khi chưa có lịnh của Đức Lý. Hiển nhiên, Đạo Cao
Đài chính thức chỉ có hai vị Giáo
Tông này mà thôi.
Sau khi Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung qua đời, tình hình đạo cực kỳ rối
loạn. Trước đó, một số chức sắc (xin miễn nêu tên) đã tách ra lập chi phái, nay
họ muốn trở về lật đổ Hội Thánh, dành ngai Giáo Tông và chiếm giữ Toà Thánh. Do
đó, ngày 8-11-1935 ,
Hội Thánh và toàn thể tín đồ đã nhóm họp và đồng thanh yêu cầu Đức Hộ
Pháp Phạm Công Tắc cầm quyền cả Hiệp Thiên Đài lẫn Cửu Trùng Đài để đối phó.
Sau đó, Đức Lý Giáo Tông cũng giáng cơ cho biết đã giao quyền quản lý Cửu Trùng
Đài (Giáo Tông) lại cho Đức Hộ Pháp. Tuy nhiên, trên thực tế Đức Lý vẫn lãnh đạo
toàn bộ Hội Thánh bởi vì Đức Hộ Pháp luôn luôn tham khảo ý kiến Đức Lý qua cơ
bút trước khi có một quyết định quan trọng.
Đức Lý Giáo Tông đã điều hành việc đạo thông qua cơ bút từ lúc khai đạo
cho tới năm 1975. Lần giáng cơ cuối cùng của Ngài là vào ngày 17-12-1975 tại Cung Đạo Toà Thánh, theo
tài liệu của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng - Đức Nguyên. Lần đó, Ngài vẫn xưng danh
“Lý Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Rồi sau
đó, có lịnh cấm cầu cơ. Từ đó đến nay không thấy thông tin nào về việc Đức Ngài
giáng cơ nữa. Tuy nhiên xét tình thế đạo, thì rõ ràng cho đến năm 2022 này, Đức
Ngài vẫn là đương kim Giáo Tông, do đó mọi tín đồ vẫn phải theo tịch đạo là
Thanh (nam) và Hương (nữ). Thêm vào đó, khi các chơn hồn ra Toà Tam Giáo, thì Đức
Ngài vẫn đương quyền Nhứt Trấn.
Tượng Quan Thánh Đế
Quân ở Trung Quốc
Luật
Công nghiệp của Đức Ngài trong Đạo Cao Đài rất lớn lao, trải rộng trên
nhiều lãnh vực.
Thu nhận tín đồ
Ngay từ lúc đầu, khi 7 cặp đồng tử phò cơ được Đức Chí Tôn chỉ định đi lập
đàn thu nhận tín đồ ở các tỉnh miền Nam, đã thấy Đức Ngài thường xuyên giáng
cơ. Thường thì Đức Ngài cho người xin
gia nhập 4 câu thơ 7 chữ (tứ tuyệt) có ngụ ý rất sâu sắc. Cuối bài thơ sẽ
có chữ “thâu” nếu được nhận và “lui” nếu bị từ chối. Lưu ý rằng số vị nhận chữ
“lui”
cũng khá nhiều. Đặc biệt đối với những vị vô lễ như uống rượu hay đến cầu
vui đều bị quở, thậm chí đuổi ra khỏi đàn. Xin nêu thí dụ hai bài thơ sau đây,
ngày 17/1/1927 :
" Giành phần mình đặng chẳng thương người,
Thói tục thường tình khéo dễ ngươi.
Trước mắt thấy Trời còn chẳng sợ,
Cứ lo đổ lỗi vận cùng thời."
(Lui)
"Gần hiền mới học đặng nên hiền,
Phải đặng gần Tiên mới biết Tiên. Cười...
...Thường kẻ phàm cho người ở núi,
Chẳng dè sừng sựng trước thềm Tiên."
(Thâu)
Tôi nhớ là trước năm 1975 có một tác giả (quên mất tên sách và bút danh)
đã tìm đến tận nhà những người lãnh chữ “lui” để xem có bị hậu quả gì về sau
không. Theo tác giả này, ít lâu sau hầu hết họ đều bị tai nạn, bệnh tật hoặc
lâm vào cảnh khốn cùng.
Hướng dẫn các hoạt động của đạo
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, còn ghi lại những hướng dẫn chi tiết của Đức
Lý, từ việc phải mua đất ở đâu đến kích thước phải
theo khi xây dựng Toà Thánh. Thậm chí bản thiết kế Toà Thánh cũng được lịnh
gắn viết vào đầu cơ cho Ngài vẽ. Mọi tín đồ đều biết câu nói nổi tiếng của
Ngài: “Lão phải vẽ mới đặng”. Nói tóm lại, Đức Ngài đã thực sự điều hành toàn bộ
hoạt động của Đạo Cao Đài. Những cơ sở vật chất, những cách thức hoạt động mà chúng
ta thấy ngày nay đều là kết quả của những chỉ dẫn của Ngài. Theo thiển ý, trí
óc của người phàm không thể nào tự mình thiết kế được một thể chế phức tạp như
thế.
Lập những bộ luật quan trọng
Nổi bật nhất trong lúc đương quyền Giáo Tông là Ngài lập những bộ luật
quan trọng của Cao Đài, có ảnh hưởng lâu dài đến thất ức niên (700,000 năm). Có
thể kể trường hợp tiêu biểu: Bát Đạo Nghị Định (22-11-1930 ). Đây là những nghị định quan trọng vì là bằng chứng
không chối cãi được của một giai đoạn hết sức rối ren. Nhất là Nghị Định thứ 8
mạnh mẽ khẳng định các chi phái Cao Đài là “bàng môn tả đạo”. Bàng & tả =
sai trái; môn & đạo = phe, phái, nhóm! Chính nghị định này đã khiến cho các
chi phái mất chính danh nên phải lui về các tỉnh, không dám đòi chiếm Đền Thánh
nữa.
Cho đến nay, dù chấp nhận hay phản đối thì nghị định này cũng không thể
đảo ngược được. Đau lòng hơn nữa, sau gần 100 năm phát triển hiện trạng của đạo
cả trong lẫn ngoài nước cũng vẫn còn chia rẽ y hệt như vậy. Nhìn xa hơn, nhân
loại bây giờ cũng là một phóng ảnh của hiện tượng này và dù hơi bi quan, người
ta không tránh được ý nghĩ: có lẽ loài người không có cách nào để “chung sống
hoà bình” với nhau. Đi tu thì dành chức Giáo Tông, ngoài đời thì dành làm “Minh
Chủ Võ Lâm”. Vậy, phải chăng một trận thảm sát để kết thúc nền văn minh này là
không thể nào tránh khỏi? Đó là Hội Long Hoa chăng?
Trên cương vị Giáo Tông, Đức Ngài đã thể hiện quyền anh cả toàn đạo rất
thẳng thắn, không vị nể một chức sắc cao cấp nào. Chúng ta đã từng thấy tội nhẹ
là Ngài phạt quỳ hương, nặng hơn là ngưng phong thưởng. Một bằng chứng là câu
chuyện vui Đức Hộ Pháp kể trong bài thuyết đạo tại Báo Ân Từ ngày 15/9 Bính Tuất
(1946). Vào khoảng năm 1927 có lịnh cấm cầu cơ của thiêng liêng, nhưng
các vị tiền bối vẫn cầu cơ vì ghiền nghe thiêng liêng giáo huấn. Kết quả là những
vị phạm luật gồm Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp và Phối Sư Bính bị Đức Lý
Giáo Tông phạt quỳ hương. Còn đối với toàn thể tín đồ, Ngài ban hành Bộ Luật Thập
Hình (1930), nêu rõ 10 tội danh và cách trừng phạt trong
đạo.
Về thăng cấp, từ trước đến nay chức việc muốn lên hàng chức sắc đều phải
được sự chấp thuận của Ngài. Chức sắc thì vẫn công cử (bầu cử) theo Tân Luật rồi
trình lên cho Đức Ngài duyệt. Nhưng quan trọng nhất là phải được Ngài “chấm
phái”, nghĩa là giáng cơ quyết định các vị tân chức sắc sẽ thuộc phái nào trong
ba phái:
Thái (Phật), Thượng (Lão) hay Ngọc (Nho). Kể từ khi bị cấm cầu cơ, các vị
tân chức sắc phải bốc thăm để biết mình thuộc phái nào.
Triết lý và tiên tri
Theo lời dạy của Đức Hộ Pháp thì không có chuyện gì nằm ngoài thiên thơ
(sách của Trời) và mọi Thể Pháp đều chứa đựng Bí Pháp.
Vậy những việc bàn ở trên ẩn chứa điều gì? Theo tôi thì có hai lãnh vực
nổi bật.
Triết lý
Về mặt triết lý, Đạo Cao Đài vẫn đề cao Công Bình và Thương Yêu trong
Giao Ước thứ 3 giữa Trời và Người. Tuy nhiên thực
hiện hai đề mục này cùng một lúc là cực kỳ khó khăn bởi vì công bình
thiên về lý trí trái lại thương yêu thiên về tình cảm. Nếu muốn thực hiện công
bình, thì phải gắt gao tuân thủ luật lệ, nghĩa là lý trí phải mạnh hơn tình
thương. Nếu muốn thương yêu cho hết mức, thì phải áp dụng luật lệ uyển chuyển,
tránh cứng nhắc, nghĩa là lý trí phải nhường bước. Nếu không tìm ra giải pháp
thích hợp, chúng ta chỉ thực hiện được một trong hai điều đó mà thôi.
Câu chuyện Đức Hộ Pháp kể tại Đền Thánh đêm 18 tháng 8 Kỷ Sửu (1949)
nhân Vía Đức Lý đã chứng minh điều này. Khi các chi
phái gây rối loạn, Đức Lý yêu cầu Đức Hộ Pháp cùng ký Bát Đạo Nghị Định
để loại bỏ kẻ phá đạo. Nhưng Đức Chí Tôn thì lại bảo đừng ký vì dù sao cũng là
anh em đồng đạo. Đức Chí Tôn là hình ảnh của thương yêu còn Đức Lý là hình ảnh
của lý trí. Việc này khiến Đức Hộ Pháp phân vân ít lâu, không biết phải quyết định
thế
nào.
Mỗi người trong chúng ta đều trải qua hoàn cảnh này ít nhất một lần
trong đời. Hai yếu tố lý trí và tình thương dằng co trong mọi quyết định của mỗi
người chúng ta và tìm một thế “trung dung”, thực hiện để đạt được cả hai là cả
một nghệ thuật. Có khi phải cần đến Trí Bát Nhã mới có cách giải quyết tốt đẹp.
Cuối cùng, sử đạo ghi lại Đức Hộ Pháp đã đồng ý ký Bát Đạo Nghị Định, gọi các
chi phái là “bàng môn tả đạo”. Vậy Đức Lý Giáo Tông đã dạy chúng ta một điều
quan trọng, đó là lý trí vượt qua tình thương trong những tình huống khẩn cấp,
nhưng sẽ để lại một vết thương tình cảm lâu dài.
Tiên tri
Đức Lý Đại Tiên đã có một tiên tri mà không tín đồ nào là không biết:
“Lão tưởng chẳng cần nói chi một nước nhỏ nhen đã đặng danh Thánh Ðịa là Nước
Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho Thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Huế, Hải
Phòng, Hà Nội...
Thảm! Thảm! Thảm!” Theo lời Đức Hộ Pháp, tiên tri này đã ứng nghiệm rồi.
Một tiên tri gián tiếp nữa là Đức Lý Giáo Tông đã hợp cùng Đức Hộ Pháp bổ
sung Pháp Chánh Truyền các phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự (còn gọi Hội
Thánh Em). Dĩ nhiên không thể có chuyện các đấng thiêng liêng lập thêm chức việc
cho vui.
Ngày nay, chúng ta đã tận tường nhìn thấy tác dụng của Hội Thánh Em rồi
đó. Những tín đồ ở xa nếu vì lý do nào đó không liên lạc được với Hội Thánh
cũng vẫn thực hiện được các Thể Pháp Cao Đài nhờ Hội Thánh Em điều hành ở cấp
cơ sở. Do đó, đạo vẫn sẽ phát triển mà không cần phụ thuộc vào một hình thức trung
ương tập quyền nào.
Và cuối cùng, chức danh Nhứt Trấn Oai Nghiêm của Đức Ngài đã gián tiếp
tiên tri biến động của Hội Long Hoa sẽ vô cùng khốc liệt, đến độ phải cần những
biện pháp mạnh để lập lại ổn định trên địa cầu 68 nói riêng và vũ trụ nói chung.
Điều này đã được tiên tri qua câu sấm của Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Mười
phần
mất bảy còn ba, mất hai còn một mới ra thái bình”. Nếu có đọc Thiên Thai
Kiến Diện của Đức Hộ Pháp chúng ta sẽ hiểu đợt dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine hiện nay chỉ là một
phần nhỏ của Hội Long Hoa mà thôi.
Mời quý vị muốn đọc Thiên Thai Kiến Diện vào đây:
Kết
Những người không tin sức mạnh thiêng liêng nói rằng nếu Đức Lý Giáo
Tông linh thiêng, sao không trừng phạt những kẻ vi phạm luật đạo, hiện vẫn
thung dung tự tại kia? Xin trả lời, thứ nhất, những trừng phạt của thiêng liêng
người phàm chúng ta thường là không dễ thấy. Có thể một thời gian sau người bị
phạt mới thấy, có khi kiếp sau mới thi hành. Thứ hai, những huyền diệu, tức là
phép lạ chỉ có những người mang sứ mạng thiêng liêng giao phó, hoặc người tu học
hết sức chân thành mới được chứng kiến thôi. Người không tin tôn giáo hay tò mò
cho vui đều không thể thấy gì. Một thí dụ hiện nay là Đức Mẹ Maria hiện ra nói
chuyện với các thị nhân (người nhìn thấy Đức Mẹ) ở Medjugorje, một làng nhỏ thuộc
tỉnh Mostar, nước Bosnia và Herzegovina (Nam Tư cũ). Ngay
lúc này chúng ta có thể lên YouTube để xem video quay lại cảnh thị nhân Mirjana
nói chuyện với Đức Mẹ. Dù xung quanh bà có rất nhiều người cùng đứng, nhưng chẳng
ai thấy gì cả, chỉ có bà là nhìn thấy và nghe lời Đức Mẹ dạy thôi. Sau cuộc nói
chuyện, bà mới kể lại cho mọi người nghe. Nếu muốn xem, mời quý đọc giả bấm vào
link sau đây:
Hoặc
Cuối cùng, ngày 1/8/1931 Đức Lý Giáo Tông
có dạy Ngài Thượng Trung Nhựt rằng “Hiền-hữu đã lãnh trách-nhiệm nặng-nề giáo-hóa,
thì khá dạy sanh-chúng biết lẽ chánh-tà mà toan độ rỗi, còn mưu-chước của quỉ-quái,
tinh-ma là mưu của Lão để phân-biệt chơn-giả, vàng-thau, cho phẩm-giá trọng-khinh”.
Suy ra, những điều chướng tai gai mắt đối với tín đồ Cao Đài hiện nay là “mưu của
Lão”. Vậy hãy suy nghĩ cho thấu đáo trước khi hành động, đừng để lọt bẫy. Điều
tín đồ Cao Đài chúng ta cần là trả nợ tiền khiên của chính mình và nếu đủ công
quả thì tiến lên tu học cho đắc đạo để trở về cảnh thiêng liêng hằng sống. Những
hành động nào không đáp ứng hai yêu cầu này thì hãy tránh ra xa. Xin nhắc lại một
tấm gương tu học, mấy ngàn năm nay ở Á Đông chỉ có ông thầy chùa nhỏ ở Núi Điện
Bà là đắc đạo. Công việc ông làm suốt một đời tu hành chỉ là gánh nước lên núi
cho khách thập phương uống. Ông chẳng có một chức vụ gì mà cũng không ai biết đến
tên. Chỉ nhờ Thánh Ngôn chúng ta mới biết ông đắc đạo mà thôi. Ngoài ra, xin thận
trọng tránh những sai lầm mà người đi trước đã phạm phải: lập chi phái vì bất đồng
ý kiến ! Đừng để khi ra Toà Tam Giáo mới biết kiếp sau phải xuống địa cầu 68 nữa
chỉ vì lỡ ... nói chơi một câu cho đã nư giận!
* Từ Chơn
Sài
Gòn 23/2/2022