TÌM HIỂU PHÁP CHÁNH TRUYỀN. * Quang Thông.

1. Pháp Chánh Truyền do chính Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho:
Theo Cao Đài Từ Điển của HT Nguyễn Văn Hồng:
“Pháp Chánh Truyền là pháp luật chơn chánh mà Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền dạy để làm căn bản lập giáo, tổ chức và điều hành nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Pháp Chánh Truyền được Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho ngay sau khi làm Lễ Khai Đạo tại Thánh Thất tạm đặt tại Từ Lâm Tự (chùa Gò Kén) Tây Ninh. Đó là đêm 15 rạng 16 tháng 10 năm Bính Dần (dl 20-11-1926), phò loan: Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
Theo lời thuật lại của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu thì đêm đó, Đức Chí Tôn giáng cơ viết rất nhanh, điển ký là ông Giáo Hữu Son chép không kịp, Đức Chí Tôn bảo ông Hậu chép tiếp”.
Chúng ta biết cặp cơ phò loan do Đức Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm là cặp cơ quan trọng nhứt gọi là cặp cơ Phong Thánh. Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức có thuyết giảng như sau: “Theo lời Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh Hớn Chung Ly, một vị Đại Tiên trong Bát Tiên, lãnh sứ mạng của Chí Tôn đến tạo dựng nền tôn giáo tại thế nầy. Người cùng Đức Hộ Pháp hợp thành cặp cơ Phong Thánh, lập Pháp Chánh Truyền và Tân Luật để làm hiến chương cho nền Quốc Đạo”.
Kế đến là việc khi Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho Pháp Chánh Truyền thì cơ viết rất nhanh mà một người chép không kịp, đây là một huyền diệu để chúng ta thêm tin tưởng rằng đây quả là Thiên ý chớ không mảy may có phàm ý xen vào.
2. Pháp Chánh Truyền chú giải :
Pháp Chánh Truyền do Đức Chí Tôn ban cho rất ngắn gọn chớ không có diễn tả chi tiết nên đến ngày mùng 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (1930), Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp ban hành Đạo Nghị Định thứ sáu, có đoạn sau:
“Nghĩ vì, Pháp Chánh Truyền, Lão đã dạy Hộ Pháp chú giải, chẳng thi hành từ thử, làm cho Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài phản khắc Ðạo quyền, gây nên rối loạn Chánh Giáo Chí Tôn.
NGHỊ ÐỊNH
Hai vị Thiên Phong Giáo Tông và Hộ Pháp phải điều đình Hiến Pháp, sửa trị Ðài mình cho hiệp Pháp Chánh Truyền, nên đồng ký tờ nầy mà ước hẹn”.
Do Đạo Nghị Định nầy Đức Hộ Pháp chú giải, tức là giải nghĩa từng câu trong Pháp Chánh Truyền và sau đó Đức Lý phê duyệt lại và từ đó chúng ta có Pháp Chánh Truyền chú giải.
 
3. Pháp Chánh Truyền được Đức Chí Tôn và Đức Lý ban cho qua nhiều bài Thánh giáo.
Pháp Chánh Truyền ấn định sự phân quyền, phân nhiệm, phẩm phục cũng như phương pháp công cử của tất cả chư chức sắc, chức việc . . . tức là tổ chức cơ quan quyền lực của Đạo nên Pháp Chánh Truyền được mệnh danh là bộ hiến pháp của Đại Đạo. Theo lời giải thích của các bậc tiền bối thì hiến pháp nầy thuộc cang tính hiến pháp tức là không thể sửa đổi và có giá trị đến thất ức niên.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn có dạy: “Thầy tưởng chẳng cần nói, nếu ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng dùm cho nhơn loại”.(15-4-1928)
Pháp Chánh Truyền được ban cho qua nhiều bài Thánh giáo trong nhiều ngày khác nhau, chúng ta có thể kể như:
-PCT Cửu Trùng Đài nam phái do Đức Chí Tôn ban cho ngày 16-10-Bính Dần, tức là ngày thứ hai trong lễ khai đạo tại Từ Lâm Tự (chùa Gò Kén).
-PCT Hiệp Thiên Đài do Đức Chí Tôn ban cho ngày 21-1- Đinh Mão (13-2-1927).
-PCT Cửu Trùng Đài nữ phái do Đức Lý Giáo Tông ban cho (không thấy ghi ngày tháng).
- Riêng về các phẩm trật chức việc Bàn Tri Sự do Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập thành chớ buổi ban sơ không có trong Pháp Chánh Truyền CTĐ.
Thực ra nếu cho PCT là bộ Hiến pháp của Đạo Cao Đài thì phải bao gồm cả : Hành pháp, lập pháp và tư pháp. Chúng ta biết cơ quan lập pháp của Đạo là ba Hội lập quyền vạn linh tức là Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, và Thượng Hội. Mà ba hội nầy được thành lập do bài Thánh giáo Đức Chí Tôn ban cho vào ngày 23-12-1931 như sau:
Thầy, các con
Thầy lấy làm vui được gặp các con đủ mặt ngày-nay mà hầu Thầy.
Các con nghe lời dặn cần-yếu nầy, mà làm phận-sự các con cho vẹn vẻ cùng Thái-Bạch.
Các con phải nhớ rằng toàn Thế-giới Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Ðại-Ðạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ: quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là sanh-chúng, ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Ðạo mới ra thiệt-tướng. Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một . Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà thôi.
Thái-Bạch hằng giận các con rằng: mọi điều chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ-Pháp mà ban-hành, thì các con lại còn khi lịnh mà xem rẻ-rúng. Vậy thì từ đây hễ có mạng-lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ-truyền thì các con phải hội đủ nhơn-sanh Hội-Thánh và Thượng-Hội mà xét nét cho cặn-kẽ phân-minh, đặng thi hành phận-sự. 
Thái-Bạch đã hứa cùng Thầy rằng, qua ngày Tòa Tam-Giáo nữ-phái rồi, thì nó sẽ phong Thánh thêm nữa, Các con rán mà chìu theo lòng nó nghe.
Thầy ban ơn cho các con. Thăng.
Đây là bài Thánh giáo rất quan trọng mà từ bài nầy mới có Ba Hội Lập quyền Vạn Linh: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội. Và qua bài thánh giáo nầy ĐCT ban quyền Chí Tôn tại thế cho 2 vị Giáo Tông và Hộ Pháp gộp lại.
Nên sau nầy chúng ta có thể thỉnh cầu Hội Thánh cầu xin ĐHP chú giải thêm bài Thánh giáo nầy và thêm vào PCT chú giải.
4-Một số điểm đặc biệt của Pháp Chánh Truyền:
- Tam đầu chế: tức là một phẩm nhưng có đến 3 người quyền hành ngang nhau, đó là các phẩm: Chưởng Pháp, Đầu Sư và Chánh Phối Sư. Đây là điểm ít thấy trong các nền chánh trị Đạo hay đời xưa nay…Dĩ nhiên một việc gì ba người họp lại quyết định thì vẫn hay hơn một người…
-Trên hết là hai vị Giáo Tông và Hộ Pháp, một người cầm quyền chánh trị và một người về luật lệ chớ không phải một người nên tránh được nạn độc tài, độc đoán.
- Tuy nhiên trong trường hợp cần quyền thống nhất thì hai vị Giáo Tông và hộ Pháp sẽ giao vào tay ba vị Đầu Sư như trường hợp loạn Đạo thì ba vị Đầu Sư cầm quyền thống nhất để đối phó, xong rồi thì giao lại cho Giáo Tông và Hộ Pháp như cũ…
-Buổi Tam Kỳ nữ phái được nâng đỡ rất nhiều do vậy nữ phái cũng được vào hàng chức sắc Thiên phong như nam phái song không được nắm quyền ở hai phẩm cao nhất là Giáo Tông và Chưởng Pháp. Tuy nhiên về cấp số mỗi phẩm thì vô giới hạn chỉ trừ phẩm nữ Đầu Sư và nữ Chánh Phối Sư thì chỉ một vị.
- Về Cơ Quan Lập Pháp gồm có ba Hội là Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội, tức là Tam Viện chế (ngoài đời thì Quốc hội chỉ có một Viện hay hai Viện mà thôi).
- Chánh trị đời theo chính thể dân chủ hiện tại thường áp dụng nguyên tắc Tam quyền phân lập nghĩa là các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau. Còn Chánh trị Đạo Cao Đài các nghị viên trong Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội đều là chức sắc chức việc đương quyền nghĩa là người của cơ quan hành pháp cũng là cơ quan lập pháp…Điều nầy có lợi điểm là các vị nầy nhìn thấy được sự khó khăn trong khi thi hành luật pháp và thấy được nhu cầu của nhơn sanh cần những luật lệ gì để lập nên…Nhưng không phải vì vậy mà đưa đến độc tài vì ngay trong nội bộ cơ quan đã có sự giám sát như Hội Thánh anh thì có phẩm Chưởng Pháp là người của HTĐ nằm trong CTĐ; còn ở Hội Thánh em thì có phẩm Thông Sự có quyền giám sát hành tàng của Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự…Và  bên cạnh còn có Pháp Chánh HTĐ giám sát việc hành Đạo ở từng địa phương Trấn, Châu, Tộc Đạo…
-Hai phẩm Giáo Tông và Đầu Sư có thể so sánh với Vua (hay Tổng Thống) và Thủ Tướng theo quyền đời. Theo chính thể dân chủ thì Tổng Thống trong hoàn cảnh đặc biệt khẩn trương của đất nước có thể được ban hành các sắc luật mà không cần quốc hội biểu quyết…Trong Đạo Cao Đài Giáo Tông và Đầu Sư được quyền lập luật nếu thấy cần thiết cho nền Đạo…
5-Ba phương cách lập luật trong chánh trị Đạo Cao Đài:
a.Ba hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội là Cơ Quan Lập Pháp chính yếu của Đạo. Ba Hội nầy được gọi là ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.
Theo quyển Chánh Trị Đạo của Ngài Khai Pháp:
“Trong chánh thể trị Đạo, quyền dân được đặc biệt tôn trọng. Coi như Hội Nhơn Sanh, trên có hai hội Hội Thánh và Thượng Hội hiệp lại làm cơ quan của quyền Lập pháp, tức quyền Vạn Linh. Nguyện ước của Nhơn sanh sau khi được ba hội thảo luận và đồng ý kiến chấp thuận được dâng lên quyền Chí Tôn phê chuẩn thành luật ban hành”…
Về cách biểu quyết nơi Thượng Hội:
“Các điều ước nguyện của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh; những điều nào hoặc của Hội Nhơn Sanh mà Hội Thánh đánh đổ, hoặc của Hội Thánh mà Hội Nhơn Sanh đánh đổ thì không được phép đệ lên Thượng Hội, trừ khi nào có đơn của hai ông Nghị Trưởng kêu nài”…
“Khi đã bàn cải xong rồi, Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới tỏ bày sau rốt, rồi Nghị Trưởng (Giáo Tông) định cho bỏ thăm, vẫn lấy đa số thăm làm qui tắc.
Quyền của Giáo Tông và của Hộ Pháp hiệp lại là quyền Chí Tôn tại thế, cho nên hai vị Đại Thiên Phong nầy khong có bỏ thăm .
Nếu cả 3 Hội phản khắc nhau thì quyến Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại chỉ định thế nào thì chánh trị Đạo phải đi theo thế ấy.
Thảng Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau thì cả thảy ý kiến chánh trị và nguyện ước của chúng sanh đều hủy bỏ. Chừng ấy, Hội Nhơn Sanh Hội Thánh và Thượng Hội phải nhóm lại để thảo luận lần thứ hai nữa”.
b.Hai vị Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại là Quyền Chí Tôn tại thế:
Theo Thánh giáo Đức Chí Tôn ngày 23-12-1931:
“Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một”.
Đây là trường hợp Bát Đạo Nghị Định do ĐHP và Đức Lý Giáo Tông ký ban hành vào ngày mùng 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (1930) và ngày Rằm tháng bảy năm Giáp Tuất (1934).
Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp còn ban hành một số Đạo Luật khác như Đạo Nghị Định số 48 ban hành ngày 19 tháng 10 năm Mậu Dần (1938) thành lập Thập Nhị Đẳng Cấp Phước Thiện và ấn định sắc phục cho chư vị nầy…
Ngoài ra Đức Hộ Pháp và Đức Quyền Giáo Tông cũng ban hành một số Đạo luật điển hình như Đạo Luật tổ chức Thượng Hội ban hành ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Thân 1932…
c. Đạo Luật do chư vị Giáo Tông, Đầu Sư và Chưởng Pháp thành lập:
Pháp Chánh Truyền chú giải nơi quyền hành Chưởng Pháp :
“Giáo Tông có quyền lâp luật, ấy là quyền cao trọng của các Đấng Thiêng Liêng cùng Chí Tôn ban cho nắm giữ, và Đầu Sư là người thay mặt cho cả nhơn sanh, ấy là quyền cao trọng của cả nhơn sanh ban cho, hai đàng phải tương đắc mới bền vững cơ tạo thế Trời người hiệp một…
Một Đạo luật nào của Giáo Tông truyền xuống mà nghịch với sụ sanh hoạt của nhơn sanh, Đầu Sư đã định quyết không thể thi hành đặng thì chính mình Đầu Sư phải đệ lên cho Chưởng Pháp mà cầu người sửa cải.
Còn như Giáo Tông tiếp đặng một Đạo luật nào của Đầu Sư dâng lên mà phạm phép Thiên điều thì chính mình Giáo Tông cũng phải truyền xuống cho Chưởng Pháp xét nét, hai bên không đặng ỷ quyền bỏ luật, làm cho thất thể đôi đàng; phải phải phân phân, để cho Chưởng Pháp định liệu. Như quyết định mà hai đàng không thuận, thì người phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy sửa lại, hay là Hộ Pháp luận ý đôi bên mà lập lại…”
Ấy vậy Chưởng Pháp có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành. Luật lệ nào không có ba ấn Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên  Đài phê chuẩn thì cả chư Tín Đồ của Thầy không tuân mạng”.
Trong Pháp Chánh Truyền, phần quyền hành Đầu Sư cũng có đoạn:
“Ba vị Đầu Sư không ai lớn, không ai nhỏ, Hay(1) quyền vốn đồng quyền, Luật Lệ nào của Giáo Tông truyền xuống hay là của nhơn sanh dâng lên mà đã có Chưởng Pháp và Hiệp Thiên Đài phê chuẩn, thì dầu cho một người trong ba mà chịu vâng mạng thì Luật Lệ ấy cũng phải buộc ban hành. Hay..(1) Trừ ra khi nào ba người đồng không thể tuân mạng lịnh đặng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông; buộc Giáo Tông phải truyền xuống cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa”…
6-Tính cách Dân Chủ trong chánh trị Đạo Cao Đài:
1)-Quyền ứng cử và bầu cử vào các phẩm BTS nơi thôn xã:
Các phẩm trật BTS nơi thôn xã được tổ chức bầu cử và ứng cử công khai và dân chủ để điều hành sinh hoạt Đạo trong địa phương.
Trích Pháp Chánh Truyền :
“Thông Sự là người đồng thể cùng Phó Trị Sự trong địa phận của Phó Trị Sự cai quản, song người có quyền về luật lệ chớ không có quyền về chánh trị.
Thông Sự là người của Hiệp Thiên Đài để tùng quyền Chánh Trị Sự. Phận sự của người thì phải xem xét, kiểm dượt cử chỉ hành đạo của Phó Trị Sự. Moi việc chi làm cho mất lẽ công bình nơi địa phận của Phó Trị Sự cai quản mà Hội Thánh không rõ thấu, thì Thông Sự phải chịu phần trách cứ.
Những điều chi sái luật Đạo, chẳng y theo lịnh Hội Thánh tư truyền, hoặc sửa cải Tân Luật, hoặc cải lịnh hành chánh,  nếu chẳng có phép của Chánh Trị Sự truyền dạy mà Phó Trị Sự tự chuyên thi hành, Hội Thánh lại không hay biết chi hết, thì tội tình ấy về phần Thông Sự.
Tuy người phải chịu dưới quyền Chánh Trị Sự mặc dầu, song đặng quyền sửa lỗi của Chánh Trị Sự. Thảng như đã thấy lẽ vô Đạo hiển nhiên của Chánh Trị Sự, thì Thông Sự đặng phép can gián sửa lỗi; nếu đã nhiều phen mà Chánh Trị Sự chẳng nghe và đã có tư tờ về Cửu Trùng Đài mà Cửu Trùng Đài yêm ẩn, thì người đặng phép chạy tờ về Hiệp Thiên Đài mà cầu xin sửa trị. Người phải chăm nom, binh vực những kẻ cô thế, bất  câu người có Đạo hay là ngoại Đạo, hoặc là bị tai nạn thình lình, hoặc bị nghèo nàn đói khó, hoặc bị bịnh hoạn cô thân, hoặc phải bị tha hương lữ thứ, hoặc bị yếu tha già thải, người đặng trọn quyền buộc Phó Trị Sự phải liệu phương giúp đỡ.
Bất kỳ Chức Sắc nào, dầu lớn nhỏ cũng vậy, khi Thông Sự có gặp  việc cần dùng gắp rút trong khi hành chánh của Đạo thì buộc phải giúp đỡ binh vực. Những kẻ nào mà Thông Sự đã nhiều phen trách cứ về tánh cường ngạnh, không chịu giúp sức người trong cơn gắp rút đã đủ chứng cớ thì Hiệp Thiên Đài sẽ xin Hội Thánh trừng trị…”
Đọc qua đoạn Pháp Chánh Truyền nầy chúng ta vô cùng thích thú bởi vì Thông Sự là một chức việc cấp thấp nhất nhưng quyền hành rất rộng lớn. Tiếp theo sau đây là quyền hành vị CTS cũng lớn lao không kém:
Pháp Chánh Truyền ban quyền cho phẩm CTS, có đoạn sau:
“Theo Thánh ý Đức Lý Giáo Tông, thì quyền hành Chánh Trị Sự như vầy: Chánh Trị Sự phải chăm nom, giúp đỡ sự sanh hoạt của Môn Đệ Thầy đã chịu dưới quyền người điều khiển, giúp khó, trợ nghèo, coi cả Tín Đồ như em ruột, có quyền xử đoán, nhứt là việc bất bình nhỏ mọn xảy ra trong phần Địa phận của mình, song phải tùng lịnh Giáo Hữu và Lễ Sanh cùng người Đầu Họ.
Người Tín Đồ mà phạm luật Đạo, thì Chánh Trị Sự phải khuyên  nhủ răn he, ít nữa là đôi lần, thảng như không biết ăn năn chừa cải, thì tư tờ về Thánh Thất sở tại cho Giáo Hữu, đặng người đòi đến mà dạy dỗ răn he. Như Giáo Hữu đã dạy dỗ răn he rồi, mà còn tái phạm, thì Chánh Trị Sự có quyền đệ tờ lên cho người Đầu Họ mà cầu xin Hội Thánh trừng trị hay là trục xuất, chiếu theo Tân Luật.
Tờ nầy phải làm ra hai bổn, một bổn tư về Hiệp Thiên Đài, và một bổn về Cửu Trùng Đài.
Như có điều chi sái luật Đạo, mà Chánh Trị Sự đã nhiều phen tư tờ cho Cửu Trùng Đài, song Cửu Trùng Đài yêm ẩn, thì Chánh Trị Sự đặng phép tư tờ thẳng lên Hiệp Thiên Đài, kêu nài định đoạt”.
Chúng ta chưa thấy một cơ chế hạ tầng nào được hay đến nhu vậy, CTS là anh cả trong hương thôn lấy tình thương yêu lo lắng cho chư tín đồ như anh ruột lo cho em. Cái hay ở chỗ nếu gặp sự im ẩn theo hệ thống hành chánh Đạo thì các vị  nầy có quyền tư tờ thẳng về Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo vệ luật pháp tối cao của Hội Thánh…
Bây giờ xét đến quyền hành và trách vụ của Hội Nhơn Sanh cũng gồm các đại biểu nhơn sanh từ Lễ Sanh, BTS và chư tín đồ:
2)-Trách vụ tuyển cử:
“Nhơn sanh tuyển chọn Chức sắc của Ðạo trong hàng Tín đồ. Bắt đầu cho chọn vào phẩm vị Chức việc Bàn Trị Sự rồi mỗi khi thăng cấp, phải có sự công nhận của quyền Vạn Linh, hay nói trước hết của Hội Nhơn Sanh”.(trích Chánh Trị Đạo, Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)
Chúng ta nên biết Nhơn sanh có mặt ở khắp mọi nơi, cho nên hành tàng của chư Chức sắc không thể nào qua mắt được nhơn sanh, thảng như vị đó trong quá trình hành Đạo phạm phải lỗi lầm gì trọng hệ dầu Hội Thánh không biết nhưng thì khi cầu phong sẽ đưa ra HNS duyệt xét trước, nếu HNS bác thì tên người đó sẽ bị loại ra khỏi danh sách cầu phong…
3)- Quyền ủy nhiệm quyền hành: 
“Thường những quyền nào trong nền Chánh Trị Ðạo đã khuyết mà không người thay thế, vì nó có tánh cách quan hệ, cơ quan Chánh trị trao cho Hội Nhơn Sanh để Hội nầy giao lại cho người nào và trọn ủy nhiệm cho người đó hành sự.
Ví dụ như: Quyền thống nhứt Chánh Trị Ðạo thuộc về Ðầu Sư mà trong Ðạo khuyết phẩm Ðầu Sư nên Hội Nhơn Sanh năm Mậu Dần (1938) ủy nhiệm quyền thống nhứt cho Ðức Hộ Pháp cầm cho tới ngày nào có Ðầu Sư chánh vị”.
4)-Xem xét công việc đã thi hành và kết quả của nó: 
“Mỗi năm, kỳ Ðại Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh trình bày công việc của mình sắp sửa làm, đang làm hoặc đã làm, và trình bày kết quả của nó giữa Hội và sẽ được Hội Nhơn Sanh thừa nhận hay là khong”.(trích Chánh Trị Đạo)
 
 
5)-Thể thức dân chủ trực tiếp:
Mỗi năm đầu tháng chạp âm lịch thì vị Nghị Trưởng HNS sẽ gởi chương trình nghị sự xuống Châu Đạo, và vị Khâm Châu Đạo sẽ tổ chức HNS trong tỉnh mình gồm tất cả Đầu Tộc Đạo, tất cả CTS, tất cả PTS, tất cả TS để bàn thảo các vấn đề nêu ra rồi đúc kết quyết định của tỉnh nhà sau đó giao cho chư vị nghị viên mang về HNS ở Tòa Thánh. Đây có thể nói là hình thức dân chủ trực tiếp có thể phản ảnh nguyện vọng của nhơn sanh khắp nơi không thiếu nơi nào dầu xa xôi nhất… Một nền dân chủ quá hay…
6)-Nền dân chủ hướng thượng:
Hội Nhơn Sanh đưa ra những luật lệ chìu theo phàm ý, dục vọng của nhơn sanh. Sau đó dâng lên Hội Thánh, và Hội Thánh sẽ lọc lừa, sửa đổi lại các điều nhơn sanh đưa ra để phù hợp với Thánh chất. Sau cùng trình lên Thượng hội và Thượng Hội sẽ duyệt lại lần nữa để chắc rằng luật lệ ấy khong rời xa Thiên ý…
Cho nên chúng ta có thể nói luật lệ Cao Đài theo thể thức dân chủ nhưng là nền dân chủ hướng thượng…Cho nên xã hội sẽ luôn tiến triển theo chiều hướng đạo đức chớ khong bị sa đọa tội lỗi…
7)-Quyền Vạn Linh ngang bằng quyền Chí Tôn:
Quyền Vạn Linh là quyết định chung của ba Hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội. Còn quyền Chí Tôn tại thế Thầy ban cho hai vị Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại. Đức Chí Tôn dạy tiếp:
“…quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một . Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà thôi”.
Đây là nói chung toàn cả nhơn loại, còn nói riêng trong phạm vi một quốc gia, nếu áp dụng theo thể chế Cao Đài thì quyền hành của toàn dân ngang bằng với quyền hành của vua hay nhà cầm quyền. Như vậy sẽ không còn giai cấp thống trị và kẻ bị trị. Đây là điều nhức nhối xưa nay người ta đi tìm kiếm một thể chế công bằng không còn cảnh người bốc lột người, thì nay Đức Chí Tôn đã đem đến cho nhân loại điều đó…
 
7-Quyền Thống Nhất của Đầu Sư.
Trong Pháp Chánh Truyền chú giải phần quyền hành Đầu Sư:
“QUYỀN THỐNG NHỨT: Khi minh thệ rồi, Đầu Sư đặng cầm quyền luôn cả và Chánh Trị cùng Luật Lệ .
Nhờ quyền lớn lao này; Đầu Sư sẽ có đủ thệ lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Đạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn, thì Đầu Sư đặng dùng quyền thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy”. 
Nghĩa là khi bình thường Đầu Sư phải tùng lịnh của Giáo Tông và Chưởng Pháp mà hành sự, nhưng khi cầm Quyền Thống Nhứt thì Người có toàn quyền quyết định (sau khi minh thệ và được Giáo Tông và Hộ Pháp chấp thuận).
Trong quyển Chánh Trị Đạo của Ngài Khai Pháp có giải nghĩa về Quyền Thống Nhứt như sau:
“Trong Chánh Trị Ðạo tuy rằng tôn trọng dân quyền một cách đặc biệt, không phải là không độc tài.
Trong buổi loạn Ðạo mà GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP phản khắc nhau, không thể gì nắm vững nền Chánh Trị Ðạo cho khỏi xáo trộn, hoặc vì tà quyền lẩn lộn, thì GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP ủy nhiệm cho ÐẦU SƯ cầm quyền thống nhứt Chánh Trị Ðạo, nghĩa là nắm cả chánh trị và luật lệ trong tay, tự do sử dụng, tùy nghi thế nào để dẹp yên mối loạn. Khi đó GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP cũng phải cúi đầu vâng mạng lịnh của quyền thống nhứt. Khi hết loạn thì ÐẦU SƯ phải giao quyền thống nhứt lại cho GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP”.
8-Đức Hộ Pháp chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài.
Tình hình Đạo rối loạn từ năm 1933, một số các vị chức sắc cao cấp tổ chức Hội Vạn Linh tại Tòa Thánh nhằm đánh đổ Đức Quyền Giáo Tông nhưng bất thành, sau đó đến giữa năm 1934, hai ông quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh về Thánh Thất An Hội Bến Tre lập Ban Chỉnh Đạo…
Tình hình còn đang gay go thì đến ngày 13-10-Giáp Tuất (1934)  Đức Quyền Giáo Tông đột ngột đăng tiên. Lễ an táng nhập bửu tháp vào ngày 26-10-Giáp Tuất, cũng trong ngày nầy Hội Thánh lưỡng đài họp phiên đặc biệt giao cho Đức Hộ Pháp đảm nhận luôn quyền Giáo Tông (phần xác) của Đức Quyền Giáo Tông vừa đăng tiên tức là chưởng quản luôn Cửu Trùng Đài.
Quyết định nầy của Hội Thánh lưỡng đài sau đó được Đức Lý chấp thuận qua bài thi:
       Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ.
       Pháp luân thường chuyển máy Thiên cơ,
       Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị,
       Quản xuất càn khôn định cõi bờ.
       Nhị kiếp Tây Âu cầm máy Tạo,
       Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ,
Hình hài thánh thầ chừ nên tướng,
Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.
Bài thi khoán thủ các chữ đầu câu họp lại thành: Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài. Từ đó Đức Hộ Pháp dùng danh xưng nầy trên các văn kiện ban hành.
Sau đó, bởi vì không còn ba vị Đầu Sư và trong tình hình loạn Đạo. (hai vị Đầu Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh tách rời Tòa Thánh còn vị Đầu Sư Thái Thơ Thanh thì về nơi tư gia an dưỡng), nên đến năm 1938, Hội Nhơn Sanh năm Mậu Dần (1938) đã ủy nhiệm quyền thống nhứt của chư vị Đầu Sư cho Ðức Hộ Pháp cầm cho tới ngày nào có Ðầu Sư chánh vị.
Như vậy thời kỳ nầy Đức Hộ Pháp nắm luôn quyền Giáo Tông và Quyền Thống Nhứt của ba vị Đầu Sư. Và Đức Lý Giáo Tông vẫn còn cầm quyền Giáo Tông Thiêng Liêng.
9-Vấn đề đối phẩm.
Pháp Chánh Truyền chú giải, phần quyền hành Chánh Phối Sư có đoạn:
“Trong Cửu Trùng Đài có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên, Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên, Giáo Tông thì đối với phẩm Thiên Tiên: Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy. Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn Lành của Bát Quái Đài. Giáo Tông giao quyền cho Đầu Sư, Đầu Sư lại phân quyền cho Chánh Phối Sư, lập Đạo đặng độ rỗi nhơn sanh; cũng như Hộ Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm; còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh, Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh, Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh, Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, Chư Tín Đồ đối phẩm Địa Thần. Ấy vậy, các vị ấy đối phẩm vào hàng Thánh của Bát Quái Đài là cầm quyền lập Đạo”.
Tuy nhiên, người chức việc, đạo hữu muốn được đối phẩm phải được Hội Thánh công nhận và làm tròn trách vụ của mình. Ngoài ra người chức sắc Đại Đạo còn phải được Quyền Chí Tôn phê chuẩn. Trước năm 1975, việc cầu phong vào hàng chức sắc CTĐ do Đức Lý Giáo Tông phê chuẩn, còn chức sắc HTĐ và Phước Thiện do Đức Hộ Pháp phê chuẩn.
Như vậy ngày nay nơi Hải ngoại chúng ta công cử BTS để hành Đạo nhưng chưa được Hội Thánh (đúng chơn truyền) công nhận thì việc đối phẩm cũng không chắc được. Và các chức sắc chưa được cơ bút chấm phong thì cũng vậy…
10-Vấn đề Tịch Đạo.
Tịch Đạo nêu lên Thánh danh của chư chức sắc CTĐ, mỗi đời Giáo Tông thì dùng Thánh danh khác nhau để phân biệt từng thời kỳ mỗi vị Giáo Tông.
Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho Tịch Đạo nam phái:
Thanh Đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như địa huyển thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tại vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.
Và Tịch Đạo Nữ phái:
Hương Tâm nhứt phiến cận Càn Khôn,
Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn
Về Tịch đạo, Pháp Chánh Truyền chú giải phần quyền hành Nữ Đầu Sư có giải thích về Tịch Đạo như sau:
“Đương đời này của Đức Lý Giáo Tông, thì Nam lấy chữ "THANH" Nữ lấy chữ "HƯƠNG" làm tịch, tức là cả Đạo Hữu Nam Nữ từ Tín Đồ chí Thiên Phong đều trong đời Đức Lý Giáo Tông hành chánh đứng vào tịch Thanh, Hương. Qua đời Giáo Tông khác thì Nam sẽ lấy chữ "Đạo" Nữ chữ "Tâm". Rồi cả chư Đạo Hữu Nam Nữ sẽ lấy Tịch: Đạo, Tâm; như vậy nối truyền hoài cho hết Tịch Đạo thì Thầy sẽ giáng cơ cho Tịch Đạo khác nữa. Lớn nhỏ, sau trước nhờ chữ Tịch Đạo ấy mà phân biệt.
Tức là mỗi chữ trong hai bài thi trên tương ứng với một Tịch đạo, mỗi bài thi gồm 28 chữ, vậy trải 28 đời Giáo Tông mới hết, và Đức Chí Tôn sẽ giáng cơ ban cho Tịch Đạo tiếp theo…
11-Nếu áp dụng luật công cử thì còn cầu cơ bút không ?
Pháp Chánh Truyền chú giải về luật công cử chư chức sắc CTĐ nam nữ như sau:
“Cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài Nam Nữ, đều phải thọ phong nơi Hiệp Thiên Đài hoặc bởi cơ bút hoặc bởi khoa mục hoặc bởi công cử.
Nên khi công cử phải có mặt Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, giữ lẽ công bình cho khỏi điều tư vị, lại còn có phương thế hỏi Đức Giáo Tông cùng Thầy, coi người đắc cử có phải chánh vị hay chăng? nên trước khi thọ sắc phải do nơi Đức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng”.
Chúng ta nên để ý câu cuối: “trước khi thọ sắc phải do nơi Đức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng”, tức là sau khi công cử phải cầu cơ bút để Đức Lý Giáo Tông hoặc Đức Chí Tôn chấp thuận mới được…
12-Phần kết:
Pháp Chánh Truyền là bộ hiến pháp do chính Đức Chí Tôn và Đức Lý ban cho. Sự phân quyền phân nhiệm giữa các cơ quan, các phẩm trật nhằm thực hiện được: luật thương yêu và quyền công chánh. Một xã hội thực hiện được điều nầy sẽ tốt đẹp biết bao.
Pháp Chánh Truyền áp dụng nguyên tắc Trời người hiệp nhứt hay Quyền Vạn Linh hiệp nhứt cùng Quyền Chí Linh, loài người tiến hóa thuận theo Thiên ý thì thế giới sẽ thăng hoa theo chiều hướng tốt đẹp chớ không còn sa đọa tội lỗi nữa…
Sau cùng chúng tôi xin mượn lời thyết Đạo của Đức Hộ Pháp để kết luận bài nầy:
“...Bây giờ nhơn loại đương chạy kiếm chủ quyền, chủ quyền ấy dầu nó thế nào cũng không thể tồn tại được. Vì cớ cho nên Đức Chí Tôn đến, Đức Ngài nói: Phương pháp tạo quyền của nhơn loại không thể gì bền vững được, Ta coi các người đập phá tan tành hết; Ta đến cho lại, Ta chỉ đường cho.
       Đường Đức Chí Tôn chỉ là con đường Pháp Chánh vậy. Ngày giờ nào trên mặt địa cầu nầy : quốc gia, xã hội, nhơn quần biết tìm chủ quyền đặc sắc vĩnh cữu, công chánh; tức phải đồ theo Pháp Chánh của Đạo Cao Đài, tạo hình tướng Thánh Thể quốc gia, có lẽ ngày giờ đó Thiên hạ mới thấy chủ quyền của Đạo Cao Đài định thật quyền cho quốc gia và toàn thể nhơn loại...
       Ấy vậy ngày giờ nào nhơn loại trở lại con đường đạo đức đặng giải kiết, gầy dựng phương pháp sống mới, sống vinh quang sống ôn tồn hạnh phúc. Ngày giờ nào tiêu diệt được quả kiếp hung tàn trở lại con đường đạo đức , ngày giờ ấy quốc gia mới yên ổn, ngày giờ ấy thiên hạ mới hưởng được hồng ân đặc biệt của Đức Chí Tôn ban cho”.(Trích Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp thuyết tại Đền Thánh đêm mùng 8 tháng 10 năm Mậu Tý (11-1948)
* Quang Thông.

 (8-2021)