Tóm Lược Thảo Luận Giáo Lý. * Bảo Chơn ghi lại.

Đ
ề tài Phương Tiện và Cứu Cánh.
1 - Phân biệt phương tiện và cứu cánh trên đường tu.
Cứu cánh được định nghĩa là mục đích sau cùng mình mong đạt đến. Vậy cứu cánh của người tu chính là đoạt được ngôi vị Thiêng liêng hay đắc Đạo hay đoạt giải thoát khỏi luân hồi sanh tử sau kiếp sanh nầy. Cũng có người tu chỉ mong kiếp sau sẽ được giàu sang sung sướng thì đó cũng là cứu cánh của họ...
Còn phương tiện là những điều giúp mình đoạt được cứu cánh, thí dụ như ăn chay, giữ ngũ giới cấm, cúng tứ thời, làm công quả,...
Người tu đừng quá chú tâm vào phương tiện mà hãy lo đoạt được cứu cánh…
2 - Tâm là gì ? Tạo sao nói sự trau giồi cái tâm mới chính là cứu cánh của người tu ?
Chữ Tâm con người khó giải thích rõ ràng bởi vì nó vô hình vô tướng, tâm có thể hiểu nôm na là tâm tính, là những điều chất chứa tận đáy lòng con người...
Kinh Đại Thừa Chơn Giáo giải thích về chữ Tâm như sau
"...Vị Đế vương là trung tâm cho xã hội, còn với nhơn loại cái "tấm lòng" lại là trung tâm của con người, nó làm chủ cho nhơn thân mà điều khiển ngũ quan vận hành khí huyết...
Cái tâm thì là thiện, là sáng suốt, nhưng bị vật dục ngoài đưa đẩy vào làm cho choán cái thanh-quang, sanh lòng quấy-quá, mà cái Tâm thì tức là Tánh, Tánh tức Tâm.  Người quân tử bao giờ cũng giữ cái tâm cho thanh-bạch tịnh an, không cho phóng túng chạy bậy ra ngoài.  Biết cách gìn giữ cho định cái tâm rồi thì trăm mạch lưu-thông khí huyết, nhơn-dục tịnh tận, Thiên-lý lưu hành, tâm, tánh không không, chẳng một vật chi dính vào, ấy là "Vạn pháp qui tông, ngũ hành hiệp nhứt"  ....
...Tâm là cái kho chứa đồ, nhưng kho chứa đựng đầy rồi, không chứa đặng nữa, chớ cái tâm chứa đựng bao nhiêu cũng đặng.
Con người nên chủ cái Tâm, gìn cái Ý, mà bảo tồn lấy tam-bửu, ngũ-hành.  Tam-bửu là quí nhứt của con người.  Thành Phật, Tiên cũng do đó, mà làm ma quỉ cũng tại đó..."
Ngoài ra theo Cao Đài Từ Điển :
“Ông Trần Đoàn hiệu là Hi Di, mô tả chữ Tâm  và nói ý nghĩa của nó trong 4 câu thơ Hán văn sau đây:
" Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tự nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha."

GIẢI NGHĨA:
Ba điểm như hình ngôi sao,
Nét cong nằm ngang như mảnh trăng xế.
Mang lông theo đó mà được,
Nên Phật cũng do đó vậy.
 
Nếu người giữ được cái Tâm luôn luôn lương thiện, bác ái và công bằng, thì sẽ trở thành Tiên, Phật.
Nếu người để cho cái Tâm buông lung trở nên vạy tà, gian ác, thì sẽ gây ra biết bao ác nghiệp, nên phải bị đọa đày thành loài quỉ ma, hoặc luân hồi trở lại cõi trần mà làm thú cầm đền bồi tội lỗi…”
Vậy người Tu muốn thành Tiên tác Phật phải lấy việc trau giồi cái Tâm làm cứu cánh mới mong đoạt được.
3 - Ở Việt nam có nhiều đạo sự nên việc lập công quả được nhiều còn ở hải ngoại hành đạo rất ít ỏi làm sao để việc tu hành lập công bồi đức được hữu hiệu ?
Tu theo Cao Đài chủ yếu là lập công, lập đức và lập ngôn, tức là khi có đủ tam lập mới mong đoạt vị thiêng liêng. Ở hải ngoại hành chánh Đạo thì ít công việc nhưng ta có thể nghĩ ra các phương cách làm việc phước thiện như giúp người nghèo khó , hay giúp người trong cộng đồng qua những dịch vụ, hay khả năng nghề nghiệp chuyên môn của mình…Ngoài ra ta rán lo về việc lập đức, giữ giới luật, trau giồi tánh đức mình cho giống với các bậc Thánh, Tiên,…Chúng ta có thể trau giồi ngoại ngữ để nói Đạo cho người ngoại quốc, đây cũng là công quả lớn bằng lập ngôn vậy…
Tóm lại ở hải ngoại ít có cơ hội lập công thì ta sẽ chú trọng nhiều hơn  ở phần lập đức và lập ngôn.
4 - Nơi Đền Thánh có nhiểu biểu tượng nói lên thể pháp và bí pháp giúp ta tu hành đoạt Đạo, quý Hiền có thể nói lên ý nghĩa một vài biểu tượng nầy ?
Sau đây là một vài biểu tượng được nêu lên :
- Ý nghĩa 2 bức tượng Ông Thiện và Ông Ác, tức là hai anh em Tùy văn và Tùy Võ  nói lên ý nghĩa, người hiền thì tu hành dễ đắc vị đã đành rồi nhưng người ác mà biết quày đầu thì cũng có thể đoạt vị được như thường…Tức là người tu phải luôn xét mình, sám hối tội căn đã làm…
- Hình tượng Tam Thánh ký Hòa Ước có rất nhiều ý nghĩa nhưng chánh yếu nói lên tôn chỉ của Đạo là thực hiện 2 điều căn bản là thương yêu và công chánh thì xã hội mới tốt đẹp…Và mỗi người chúng ta cũng phải rán thực hiện cho được 2 điều nầy trong mọi hành vi, cử chỉ, lời nói,…
- Về cấu trúc 3 đài nơi Đền Thánh nối tiếp nhau với ý nghĩa chánh yếu là: người tu trước tiên phải minh thệ nhập môn vào Đạo, làm giao ước với Trời (Hiệp Thiên Đài), sau đó tham gia hành chánh Đạo mới mong đoạt được cửu phẩm Thần Tiên (Cửu Trùng Đài) rồi sau đó mới có thể hiệp nhứt cùng Thầy (Bát Quái Đài).
- Hình Thiên Nhãn xung quanh đền Thánh tượng trưng cho ngôi Thái Cực là Trời, mà nhãn thị chủ tâm, con mắt là chủ cái tâm nên người tu muốn về hiệp nhứt cùng Thầy thì phải trau giồi cái tâm.
- Hình ảnh ngai thất đầu xà là con rắn bảy đầu. Bảy đầu làm ngai Hộ Pháp tượng trưng cho thất tình của con người. Đức Hộ Pháp ngồi trên ngai chưn đạp lên 2 đầu : nộ và dục, hai tay đè lên 2 đầu ai và ố, còn 3 đầu vươn lên phía sau lưng Ngài là hỷ, ái và lạc. Ý nghĩa người tu không phải diệt hết thất tình mà kềm hảm, tiêu trừ  những tình xấu : ai, ố, nộ, dục (buồn, ghét, giận, ham muốn) và phát triển những tình tốt là hỷ, lạc, ái (mừng, vui, thương yêu).
Ngoài ra rắn bảy đầu quấn cả 3 ngai Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh ý nghĩa người tu muốn đắc Đạo phải hiệp nhứt được tinh khí thần mới tạo được đệ nhị xác thân bất tiêu bất diệt…
5 - Cứu cánh hay mục đích sau cùng của Đạo Cao Đài là gì ?
Cứu cánh của Đạo Cao Đài được tóm gọn trong hai đề mục là Thế Đạo đại đồng và Thiên Đạo giải thoát.
Về Thế Đạo đại đồng được diễn tả qua câu kinh : Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch, qui tất cả các sắc dân lại chung một nhà một nguồn cội. Đức Lý Giáo Tông còn dạy rõ hơn :
“Nhơn loại sẽ là một; một về nòi giống, một về tôn giáo và một về xã hội”.
Khi toàn nhơn loại đều tôn sùng Đại Đạo thì nhìn nhau là một ông Cha là Đức Chí Tôn tức nhiên nhìn nhau là anh em tức là cùng một nòi giống. Và theo Đức Hộ Pháp thì muốn có một xã hội tốt đẹp sau nầy chánh trị đời sẽ đồ theo nền pháp chánh của Đạo để xây dựng được một xả hội thương yêu, công chánh, hòa bình, dân chủ, tự do…
Về Thiên Đạo giải thoát :
Giáo lý Cao Đài dạy rằng Đức Chí Tôn đến mở Đạo Cao Đài nhằm độ rỗi hết 92 ức nguyên nhân còn bị đọa trần nói riêng và độ hết toàn thể nhân loại trên mặt địa cầu nầy nói chung như đoạn Thánh giáo Thầy dạy về ý nghĩa của Tam Kỳ Phổ Độ như sau :
"…Tam-kỳ Phổ-độ là gì?
Là Phổ-độ lần thứ ba,
Sao gọi là Phổ-độ?
Phổ-độ nghĩa là gì?
Phổ là bày ra.
Ðộ là gì
Là cứu chúng sanh.
Muốn trọn hai chữ Phổ-độ phải làm thế nào?
Chúng sanh là gì?
Chúng sanh là toàn cả nhơn-loại, chớ không phải lựa chọn một phần người như các con tính rổi…”
Vậy cứu cánh của Đạo Cao Đài về phần Thiên Đạo là độ rỗi tất cả chúng sanh trên mặt địa cầu không còn sót một ai tức là đúng với ý nghĩa hai chữ tận độ chúng sanh vậy./.