|
QUAN NIỆM ĐỐI PHẨM TRONG ĐẠO CAO ĐÀI. * Quang Thông, Biên soạn.
Đối phẩm trong Cao Đài có nghĩa liệt kê những
phẩm tước tương đương của CTĐ, HTĐ hay Phước Thiện đối với phẩm vị Thiêng Liêng
Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thí dụ: Giáo Thiện (PT) = Lễ Sanh (CTĐ)= Sĩ Tãi
(HTĐ) = Thiên Thần.
Thiên Tiên, Nhơn Tiên, Địa Tiên.
Thiên Thánh, Nhơn Thánh, Địa Thánh.
Thiên Thần, Nhơn Thần, Địa Thần.
2-Bảng đối phẩm giữa chức sắc CTĐ, HTĐ và Phước
Thiện…
Bảng nầy trích từ quyển Bước Đầu Học Đạo của HT
Nguyễn Văn Hồng.
3-Việc đối phẩm được qui định và diễn tả ở đâu ?
a)-Việc đối phẩm đầu tiên được qui định qua Pháp
Chánh Truyền chú giải. Trong phần quyền hành Chánh Phối Sư như sau:
“…Trong Cửu Trùng Ðài có Ðầu Sư thì đối với phẩm
Ðịa Tiên, Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên, Giáo Tông thì đối với phẩm
Thiên Tiên: Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy. Ấy vậy, các
Ðấng ấy đối phẩm cùng các Ðấng Trọn Lành của Bát Quái Ðài. Giáo Tông giao quyền
cho Ðầu Sư, Ðầu Sư lại phân quyền cho Chánh Phối Sư, Hay(1) lập Ðạo đặng độ
rỗi nhơn sanh; cũng như Hộ Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm; còn
Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh, Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh,
Giáo Hữu đối phẩm Ðịa Thánh, Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần, Chánh Trị Sự, Phó Trị
Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, Chư Tín Ðồ đối phẩm Ðịa Thần. Hay(1) Ấy vậy, các vị ấy
đối phẩm vào hàng Thánh của Bát Quái Ðài là cầm quyền lập Ðạo”…
b)-Kế đó qua Lời Thuyết Đạo, Đức Hộ Pháp nhắc
lại rất nhiều lần về việc đối phẩm điển hình như các đoạn sau:
-Kìa cái Cửu Trùng Thiên Chí Tôn đem phô bày tại
mặt thế nầy đối với Cửu phẩm Thần, Tiên, không còn ai chối đặng, ai đi trọn thì
được giải thoát. Ngôi Giáo Tông môi giới hay thiệt? Chính Anh Cả chúng ta đã
ngồi được. Ai làm được vậy chăng? Làm được chớ! Nếu có kẻ nói mắc lo gia đình,
không thể lo Ðạo được là phi lý. Ðạo là trường học đạt đại gia đình, Ðạo
là trường thi lập vị, sao lại làm không được? Tại làm biếng học! Học đặng
hành. Nên hư do tại mình, không phải do Chí Tôn và cũng không phải tại Ðạo. Tôn
giáo nào không đạt được Cửu phẩm Thần, Tiên dưới thế nầy, thì trên Cửu Thiên
kia không hề đạt vị được. Ấy vậy, về mặt bí pháp Ðạo Cao Ðài là rõ ràng một nền
chánh giáo của Chí Tôn vậy. (TĐ ĐHP, 13-2-1948)
-“Vậy Đức Chí Tôn đến cậy nhơn sanh làm Thánh
Thể của Ngài, Ngài phải bồi thường, phải trả mắc cho người, người ta mới phụng
sự cho Ngài trả bằng cách đến ký hòa ước với loài người nhứt là với dân tộc
Việt Nam nầy trước đã, nếu các người thay thế cho Tôi phụng sự con cái Tôi, Tôi
có phận sự lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật cho các người chịu không? Nếu các
người chịu làm tôi cho con cái Tôi, cho vừa sức Tôi muốn, cho vừa sở ý Tôi
định, thì Tôi sẽ trả mắt cho mấy người, vì công ấy Tôi thường lại ngôi Thần,
Thánh, Tiên, Phật, tức nhiên Tôi đem đưa cơ quan giải thoát nơi tay mấy người,
mấy người đạt được nơi thế nầy thế nào, nơi cõi vô hình Tôi cũng không chối
cải.
Bởi chính mình Ngài cậy làm tôi tớ cho con cái
Ngài tại thế nầy, Ngài mới đem Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật đưa cho ta.
Nếu chúng ta đạt được, khi trở về cõi hư linh
Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và Đức Chí Tôn không hề chối cải mà chẳng có quyền
luật nào định cải được phẩm vị của chúng ta do phụng sự Vạn Linh mà lập được
tại thế nầy”.(TĐ. ĐHP, 5-6-Kỷ Sửu, 1949.
-Đức Chí Tôn Ngài đến ký hòa ước với loài người
nhứt là dân tộc Việt Nam trước cái đã, mấy người làm Thánh Thể cho tôi, đặng
tôi phụng sự cho Vạn Linh, thì tôi sẽ lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật lại cho
mấy người. Nếu các người chịu thì ký hòa ước với tôi, hể các người làm tôi cho
con cái của tôi cho vừa sức của tôi muốn, hay vừa ý của tôi định thì tôi sẽ trả
lụng lại là lập ngôi vị cho mấy người trong Thánh Thể ấy, tôi đã định phẩm vị
Thần, Thánh, Tiên, Phật, tôi đã lập vị sẵn cho mấy người, mà mấy người đoạt
được tại mặt thế này, tới chừng về cõi vô hình tôi không chối cãi gì hết, trái
lại còn trả hơn khi mấy người phụng sự cho Vạn Linh tại mặt thế này nữa là
khác. (Trích Bí Pháp, 29-6-1949)
-Mấy em đã ngó thấy trong Đạo Đức Chí Tôn đã để
hàng Tín Đồ đối với Đại Từ Phụ, Phó Trị Sự và Thông Sự đối với Phẩm Giáo Tông
và Hộ Pháp, Chánh Trị Sự đối với Phẩm Đầu Sư, thì mấy em thử nghĩ coi khuôn khổ
Thánh Thể của Ngài không có một cái gì sơ sót hết.
(TĐ
ĐHP, 29-10-Quý Tỵ, 1953)
4-Việc đối phẩm giữa phẩm trật chức sắc và phẩm
vị Thần Thánh Tiên Phật có đáng tin không ?
-Việc đối phẩm được quy định ngay trong Pháp
Chánh Truyền chú giải là bộ Hiến pháp của Đạo đương nhiên ta không thể ngờ vực
được. Pháp Chánh Truyền chú giải đã được Đức Hộ Pháp chú giải và Đức Lý duyệt
lại, chấp thuận, như vậy việc đối phẩm nầy đã được Quyền Chí Tôn phê chuẩn cho
nên hai cõi hữu hình và vô vi sẽ thi hành theo luật nầy…
-Đức Hộ Pháp thay thế Đức Chí Tôn đến mở Đạo ,
Ngài được Đức Chí Tôn khai mở huệ quang khiếu nên những điều Ngài dạy đều nằm trong chơn lý…
-Như lời dạy của Đức Hộ Pháp trên kia thì chức
sắc mượn phẩm tước phàm trần để làm phương tiện phụng sự cho vạn linh sanh
chúng chớ không phải cậy quyền ỷ thế mà bắt chúng sanh phụng sự cho mình…
5-Đối phẩm có ích lợi gì ?
-Trước tiên việc đối phẩm là thước đo để mình
biết việc tu tiến của mình tới đâu và mình phấn đấu để đoạt địa vị cao
hơn…Nhưng ta phải coi áo mão phẩm tước là tạm mượn để lập công quả, phụng sự
chúng sanh và lo trau giồi phẩm hạnh cho xứng đáng. Nếu muốn đoạt vị Thánh phải
trau giồi phẩm hạnh cho nên Thánh. Muốn thành Tiên phải gìn tư cách như bực
Tiên…
Cao
quyền khó kiếm đặng cao ngôi,
Đạo đức
gầy nên đã phải hồi,
Mượn
của trần gian lưu chất lại,
Thiên
niên còn mặc đứng gầy Trời.(Thi Văn Dạy Đạo)
-Việc đối phẩm kích thích lòng hăng say hành Đạo
để tạo được công nghiệp xứng đáng hầu tương công chiếc tội giải quả tiền khiên
hầu trở về ngôi xưa vị cũ như lời Thánh giáo:
“Thầy
vì thương căn qủa của các con mà lấy đức từ-bi đặng Thiên-Phong cho các con là
cố ý để các con hành Ðạo cho hoàn toàn, dễ bề tương công chiếc tội tiền khiên,
hầu nâng mình vào nơi cựu-vị”…(TNHT, 24-12-1926)
“Thiên-phong là để cho
các bậc Thánh, Tiên, Phật lìa trần phải lắm dày công cùng sanh-chúng mới
trông-mong hồi cựu-phẩm đặng. Các con nên nhớ, Thầy lấy Từ-Bi phong-tịch, nhưng
các Chức-sắc, nếu vì áo-mão hơn đạo-đức, thì tội chất bằng hai…(TNHT,
17-9-1927)
6-Những lỗi lầm của chức sắc sẽ bị mất đối phẩm.
-Trường hợp thứ 1 : Theo lời phê của Đức Hộ Pháp
ai đã hiến thân vào Phước Thiện được phong vào thập nhị đẳng cấp Thiêng Liêng
mà sau đó chối bỏ thì bị hình phạt phải ẩn trú nơi Đại Hải Chúng :
“Phước Thiện cũng có phẩm tước là Thập Nhị đẳng
cấp Thiêng Liêng, nếu chê bỏ không kể đến thì phần hồn thay vì đi về với Cửu
Thiên Khai Hóa, lại ẩn trú nơi Đại Hải Chúng, liệu mà tính lấy, hầu đừng trách
mình hối hận”.
Đó là trường hợp ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi . Ông
trả phẩm Giáo Thiện và lên núi Bà tu, sau nầy Ông bị bịnh khổ và hối hận trước
khi mất có làm tờ xin tội với Đức Hộ Pháp…
-Trường hợp thứ hai là không trọn tùng mạng lịnh Hội Thánh, phân
chia Thánh Thể Đức Chí Tôn, điển hình là trường hợp Ông Đinh Công Trứ là người
lập ra Trường Qui Thiện. Sau khi Đức Hộ Pháp từ Mã Đảo về Ngài có dạy Ông Đinh
Công Trứ như sau :
“Hội Thánh duy có một, dầu biến ra trăm hình
ngàn trạng cũng luôn luôn chỉ có một. Chủ quyền là Thánh thể của Đức Chí Tôn đó
thôi. Hễ tâm lý muốn tạo ra đây đặng phân chia, sẽ bị tiêu diệt, nghe không?
Ngọn lửa hai lần muốn thiêu hủy Trường Qui Thiện
là do nguyên căn Trứ muốn chia rẽ, cái hại ấy do tinh thần của Trứ . Đây không
phải Qua nói, Thánh Màng về nói những điều em dự định làm, những ý nghĩ em dự
định thực hành.
- Trứ! Qua hiểu em hơn ai hết, thầy em hiểu em,
mà không lẽ Phối Thánh Màng cáo gian cho em? Nó nói hết công chuyện với Qua, ở
nhà em làm gì và còn muốn làm gì nữa. Qua dặn một lần nữa: Vì đạo của Chí Tôn
có một, ai muốn phân chia lực lượng Thánh thể của Ngài sẽ bị tiêu diệt mà thôi.
Chẳng những bị tiêu diệt mà còn phải xuống Phong Đô đền tội nữa. Đạo biến ra
trăm hình ngàn tướng vẫn dưới một chủ quyền của Chí Tôn”.
Trường hợp thứ ba là phản lại Hội Thánh như
trong Đạo sử có ghi lại một vị Giáo Sư đi tố cáo Đức Hộ Pháp cho nhà cầm quyền
Pháp bắt. Sau đó vị nầy bị hình phạt gì đa số chúng ta đều biết.
-Trường hợp thứ 4 : những chức sắc sai phạm lỗi
nặng bị đưa ra Tòa Đạo bị ngưng quyền chức hay bị trục xuất ra khỏi Đạo thì
đương nhiên việc đối phẩm cũng không còn nữa…
Phần Kết :
-Trong các nền tôn giáo hiện nay đặc biêt duy có
đạo Cao Đài là có sự đối phẩm rõ ràng từ chức phẩm phàm trần so với phẩm vị
Thiêng Liêng. Đây là một đặc ân vô cùng lớn lao do Đức Chí Tôn ban cho. Vậy khi
đạt được phẩm vị chức sắc, chức việc hay ngay cả tín đồ, chúng ta rán lo làm
tròn phận sự được Hội Thánh giao phó và rán giữ giới luật, trau giồi đạo hạnh,
lập công bồi đức thì chắc chắn chúng ta sẽ về trên con đường Cửu Thiên Khai
Hóa, dầu thấp hay cao cũng có phẩm vị trên kia… Tuy nhiên, chúng ta phải quan
niệm các Đấng cho mượn áo mão để mình có cơ hội lập công quả, tức là mượn cái
giả để tạo cái chơn, mà đạt được cái chơn hay không là do mình.
Sau đây chúng tôi xin mượn lời dạy của Đức Lý
Nhứt Trấn Oai Nghiêm để kết thúc bài nầy:
“Học Đạo cốt yếu là nâng mình lên cao hơn tính
chất của thường tình, phải cho phi thường thì giá trị của người học đạo và dìu
đạo mới được người kính nể. Đời không yên, Đạo phải có bậc phi thường để nâng
đỡ cứu giúp kẻ sái bước về vật chất hoặc tinh thần. Mỗi vị Chức sắc cần phải có
một phận sự, nếu không phải là phận sự Đạo thì là một phận sự đối với đời về
mặt bác ái thì mới thật hành câu cứu nhân độ thế. Không có phận sự gì
đặc biệt để đếm ngày giờ trông mong cầu thăng phẩm thì là tội với thiêng liêng đó.
Cơm ăn áo mặc cũng là một việc đáng kể, toàn thể Hội Thánh có phận sự góp phần
xây dựng chớ không phải có một ít người lo xong đâu.
Chư Chức sắc có nhiệm vụ phải để ý lời của Lão,
dường như không có ai sốt sắng lo cho vận mạng nền Đạo về vật chất, có lẽ chờ
cho Lão phải lo chăng ? Chư
hiền hữu Hiệp Thiên, Cửu Trùng cố gắng, phải tận tâm, Lão sẽ giúp.
Lão kiếu. THĂNG”. (Trích Thánh Giáo Sưu Tập, HT
Nguyễn Văn Hồng)
* Quang Thông (12-3-2022 ).
* * *
Phần thảo luận
giáo lý :
1-Chức sắc Thiên phong
nếu làm tròn phận sự sau khi qui vị sẽ được đối
phẩm cõi Thiêng Liêng còn chức sắc phàm
phong có được về không ?
-Chúng ta cũng cần nên biết thể thức
cầu phong, cầu thăng của chức sắc hành chánh Đạo (CTĐ) như sau :
Đầu tiên Hội Thánh sẽ ra thông tri
có đợt cầu phong cầu thăng ai muốn xin cầu phong sẽ nộp đơn về Hội Thánh. Sau
khi Hội Thánh nhận hồ sơ sẽ gởi qua HTĐ nhờ Bộ Pháp Chánh minh tra công nghiệp
xem có đúng với lời khai của đương đơn không. Sau đó Hội Thánh sẽ đưa tất cả hồ
sơ nầy ra Hội Nhơn Sanh duyệt xét .
Xong rồi chuyển tất cả hồ sơ nầy qua
HTĐ để cầu Đức Lý về chấm phong.
Tức là các phẩm chức sắc Thiên phong
phải được cà hai Quyền Chí Tôn và Quyền Vạn Linh công nhận, nếu
làm tròn chức trách xứng đáng với phẩm vị của mình thì
sau khi qui vị sẽ được về cõi Thiêng Liêng được quy định qua đối phẩm nơi Pháp
chánh truyền.
Tuy nhiên theo Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
ĐHP thuyết giảng, nếu một vị Thiên phong mà phạm tội lỗi khi linh hồn về đến
Bát Quái Đài vẫn bị rớt xuống Bích Hải tức là bị đọa như thường.
Còn chức sắc phàm phong vì chưa có
quyền Thiêng Liêng phê chuẩn nên không chắc được như vậy.
2-Nếu áp dụng luật công cử chức sắc như Pháp
Chánh Truyền qui định thì có được đối phẩm không ?
Luật công cử chức sắc CTĐ được quy định trong
Pháp Chánh Truyền nguyên văn như sau :
"CHÚ GIẢI: Cả Chức Sắc Cửu Trùng Ðài
Nam Nữ, đều phải thọ phong nơi Hiệp Thiên Ðài hoặc bởi cơ bút hoặc bởi khoa mục
hoặc bởi công cử. Nên khi công cử phải có mặt Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, giữ lẽ
công bình cho khỏi điều tư vị, lại còn có phương thế hỏi Ðức Giáo Tông cùng
Thầy, coi người đắc cử có phải chánh vị hay chăng? nên trước khi thọ sắc phải
do nơi Ðức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng".
Chúng ta lưu ý câu cuối: trước khi thọ sắc phải
do nơi Ðức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng.
Như vậy
sau khi công cử xong, Hội Thánh phải nhờ HTĐ cầu cơ bút để Đức Chí Tôn hay Đức
Lý phê duyệt xong thì mới được chánh vị với phẩm tước ấy. Trường
hợp nầy cũng có Quyền Chí Tôn định vị nên dĩ nhiên cũng được đối phẩm như
trường hợp Thiên Phong.
3-Phân biệt phẩm và
chức trong Đạo khác nhau như thế nào ?
-Chúng ta thấy hệ
thống chức sắc, chức việc CTĐ từ Giáo Tông xuống đến Bàn Tri Sự, mỗi cấp bậc
đều được qui định quyền hạn và áo mão riêng. Tương tự chức sắc HTĐ và Thập nhị
đẳng cấp bên Phước Thiện cũng vậy. Theo ý nghĩa thông thường mỗi cấp bậc chức
sắc, chức việc nầy gọi là phẩm, thí dụ như phẩm Giáo Hữu, phẩm Giáo Thiện, phẩm
Chánh Trị Sự,....
-Kế đó là danh từ chức
có nghĩa thông thường là phần hành, nhiệm sở được Hội Thánh bổ nhiệm thí dụ như
: Đầu Hương Đạo, Đầu Tộc Đạo, Khâm Châu Đạo,...
-Tuy nhiên cũng có
trường hợp các vị dùng từ phẩm và chức không phân biệt nhau rõ ràng như:
Đàn cơ ngày 18-5-1973 :
Đức Hộ Pháp giáng cơ : "Bần đạo rất vui
mừng nhận thấy thiện chí của Hiền muội để tâm giúp cơ nghiệp Đạo. Vậy Bần đạo
đặc cách phong Hiền muội chức ĐẠO NHƠN Phước Thiện, vì phù hạp
với khả năng và tinh thần của Hiền muội. Bần đạo xin để lời chúc mừng và cầu
nguyện Hiền muội sớm thành công trên bước đường nhiệm vụ".
Đàn cơ ngày 1-1-1972 , Đức
Lý giáng cơ:
Ngài Hiến Đạo bạch :
- Hội Thánh Lưỡng Đài kính cẩn cầu xin Đức Ngài
ban phẩm vị cho Bà Từ Cung Đoàn Huy Hoàng Thái Hậu.
- Vì có lời yêu cầu của Khâm Châu Đạo Thừa
Thiên, Lão đặc cách phong chức Phối Sư cho Bà Từ Cung....
Ngài Hiến Đạo bạch :
- Cầu xin Đức Ngài phán định về trường hợp của
vị Nguyễn Ngọc Hiểu.
- Cười . . . Lão dùng quyền Nhứt Trấn Oai
Nghiêm mà đặt tạm cho Hiểu chức Sĩ Tải để chờ cơ hội Lão sử dụng. Nay muốn xây
dựng nghiệp Đạo phải cần đến người đủ khả năng.
Vậy Lão đặc cách cho Hiểu thăng phẩm Phối
Sư phái Thái và lãnh Quyền Thái Chánh Phối Sư thế cho Thái Bộ
Thanh kém sức khỏe…
Như vậy việc phân biệt giữa phẩm và chức trong
Đạo Cao Đài chỉ có tính cách tương đối mà thôi.
4-Tại sao một một số
nhiệm vụ như Đạo tỳ...không thấy đối phẩm ?
Các nhiệm vụ trong Ban nhà thuyền như Đạo tỳ
chuyên tẩn liệm, đẩy xe tang đi chôn cất và Ban chèo thuyền : tổng lái, Tổng
mủi, Tổng thương,...cũng đều không thấy nói đối phẩm.
Theo bí pháp Đức Phật Di Lạc chính là chủ của
Thuyền Bát nhã, vậy những vị làm việc trong Ban Nhà thuyền là nhân viên của Đức
Phật Di Lạc. Những vị nầy quên mình cứu giúp chúng sanh, đây là việc lập đức
rất lớn, nên khó đối phẩm với những nhiệm vụ thông thường được. Hơn nữa, các vị
làm tay chơn cho Đức Phật Di Lạc nên sẽ được hưởng nhiều ân huệ trực tiếp của
Ngài nên không cần đối phẩm...
5-Các chức phẩm nào
giữ trọn đời chớ không thể cầu thăng cấp ?
Một số chức phẩm người được thọ phong sẽ giữ
trọn đời chớ không thăng lên cấp cao hơn như là: Hộ đàn pháp quân, Tả Hữu phan
quân, Thập nhị Bảo Quân,Thập nhị Thời Quân,...
6-Chức sắc nữ phái phụ
trách phần hành gì ?
Pháp Chánh Truyền qui định quyền
hành chức sắc, chức việc nữ phái giống như nam phái nhưng chỉ cai quản phần nữ
phái mà thôi. Như vậy ở đơn vị hành chánh Đạo địa phương, vị cai quản nữ phái
sẽ điều hành những sinh hoạt Đạo do nữ phái đảm trách như : ban đồng nhi, ban
ẩm thực, nấu ăn, may vá,...
Riêng bên Điện thờ Phật Mẫu, vị cai
quản nữ phái sẽ chứng đàn và nữ phái được quì tất cả gian giữa chánh điện, nam
phái chỉ quì bên phía nam mà thôi...
7-Một vị Hiền tài có
thể chứng đàn được không ?
Hiền tài là chức sắc Ban Thế Đạo
nhưng nếu được nhơn sanh công cử vào chức vụ hành chánh Đạo như: Quyền Đầu Tộc,
Quyền Khâm Châu,...Khi đó vị Hiền tài lấy tư cách là Q. Đầu Tộc, Q. Khâm Châu
sẽ được phép chứng đàn, thượng sớ lên Đức Chí Tôn.
8-Ai có quyền mang
giây sắc lịnh ?
Theo Hiến pháp Hiệp Thiên Đài, Ðiều
Thứ Sáu:
"Khi thọ mạng lịnh của Chưởng Quản Hiệp Thiên Ðài hay của
Thập Nhị Thời Quân, từ phẩm Sĩ Tải đến phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn được buộc dây Sắc
Lịnh nơi mình trong lúc hành sự, nhưng phải theo Chi của vị Chưởng Quản Hiệp
Thiên Ðài hay của vị Thời Quân ra lịnh mà thả mối. Trường hợp mang dây Sắc Lịnh
phải được ghi rõ trong Thánh Lịnh giao phó nhiệm vụ cho đương sự".
Đây là dây sắc lịnh Tam giáo ba màu
vàng xanh đỏ. Khi mang dây sắc lịnh vào tức là vị nầy có thêm
quyền hành của vị Chưởng Quản ban cho qui định qua Thánh Lịnh. Dĩ nhiên sau khi hoàn tất công tác được giao phó thì vị nầy
phải hoàn trả lại dây sắc lịnh chớ không được mang luôn.
* Quang
Thông, Biên soạn.