GIÁO HỮU THÁI ABADIE THANH (GABRIEL ABADIE DE LESTRAC) DIỄN THUYẾT TẠI HÀ NỘI, VỚI NỘI DUNG ĐẠO CAO ĐÀI. * Huỳnh Tâm.

I - GIÁO HỮU THÁI ABADIE THANH
Ông Abadie gọi đầy đủ là Gabriel Abadie de Lestrac, là một công dân Pháp làm Lục sự tại tòa án Paris. Giữa năm 1931, Giáo Hữu Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) được nhà cầm quyền Pháp tại Nam Vang cử sang Pháp công tác, nhân dịp nầy, Tòa Thánh giao thêm cho ông Vinh nhiệm vụ truyền Đạo. Chuyến công tác ấy của ông tại Paris kéo dài 9 tháng, từ 7 tháng 3 đến 5 tháng 12 năm 1931, đạt được thành công lớn. Ông đã tiếp xúc với các quan chức tại Thủ Đô Pháp Quốc như các ông: Albert Sarraut (Tổng Trưởng), Edouard Daladier (Tổng Trưởng, Cựu Thủ Tướng), Henri Guermut (Nghị Sĩ, Tổng Thơ Ký Hội Nhân Quyền), Ernest Outrey (Nghị Sĩ Quốc Hội) cùng nhiều trí thức có uy tín khác. Sau khi trình bày về đạo Cao Đài và tình trạng bị áp bức hiện nay, Giáo Hữu Thượng Vinh Thanh đã đạt được ít nhiều sự ủng hộ của các viên chức ấy.
Đặc biệt trong chuyến đi Pháp nầy, ông độ dẫn được năm người Pháp nhập môn vào đạo Cao Đài, thọ phong chức sắc vào năm sau, 1932, đó là ông Gabriel Abadie de Lestrac, Lục sự tòa án Paris (sau thọ phong Giáo Hữu), cùng với bốn người khác là:
- Gabriel Gobron, Giáo Sư Trung Học (được ân phong phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn)
- Bà Marguerite Gobron (Lễ Sanh)
- Bà Félicien Challage (Giáo Sư).
- Charles Bellan, Cựu Tham Biện Đông Dương (Giáo Hữu).
Ông Gabeiel Abadie de Lestrac thọ phong Giáo Hữu phái Thái (Thánh danh là Thái Abadie Thanh), vài năm sau ông được chuyển công vụ làm Chánh Lục Sự Tòa Án Hà Nội, lúc nầy ông mới tham gia tích cực việc hành Đạo tại Thánh Thất Hà Nội.
II - GIÁO HỮU THÁI ABADIE THANH DIỄN THUYẾT NỘI DUNG CAO ĐÀI TẠI HÀ NỘI. 
Ngày 16 tháng 5 năm 1937, tại rạp hát Majestic Hà Nội.
Giáo Hữu Thái Abadie Thanh, tổ chức một cuộc diễn thuyết, mục đích truyền bá Đạo Cao Đài rộng rãi. Trước Ban cử tọa, thính giả giới trí thức người Pháp và nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội.
Cuộc diễn thuyết nầy trước đây nhà văn Nguyễn Vỹ, một người bình thường không liên hệ nào với Đạo Cao Đài, có tham dự và đã ghi chép lại trong một tác phẩm thuộc loại "chứng tích thời đại từ 1900 đến 1971", có tựa đề là "TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT". Sau đây chúng tôi xin chép lại nguyên văn một đoạn nói về cuộc diễn thuyết đó như sau:
"Tuấn có quen với ông Abadie, làm Lục Sự (greffier) tại Tòa Án Hà Nội, một người Pháp theo đạo Cao Đài. Sự quen biết nầy có một một nguyên do không ngờ. Năm 1936, Tuấn có làm chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ Tuần báo Pháp ngữ chuyên về chính trị, xã hội và văn hóa. Trong hai số liên tiếp, Tuấn có viết một bài xã thuyết dài tám cột trang nhứt, công kích chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, và kêu gọi dẹp bỏ Triều đình Huế. Theo thể lệ báo chí Pháp hồi đó được "tự do ngôn luận", tờ báo không bị kiểm duyệt, không bị đóng cửa, mọi công dân đều được quyền tự do phát biểu ý kiến của mình. Nhưng Tuấn bị Triều đình Huế và phủ Thống sứ Bắc Kỳ truy tố ra Tòa án Pháp tại Hà Nội về tội "xúc phạm đến an ninh quốc gia và chủ quyền người Pháp ở Đông Dương", chiếu theo đạo luật báo chí Pháp tháng Juillet 1889.
Tuấn không có tiền thuê luật sư, ông Abadie phụ trách về hồ sơ của Tuấn, và có cảm tình riêng với Tuấn, một chàng trai hăng hái vì tuổi trẻ nhưng không có hành động nguy hiểm nên có giới thiệu Tuấn đến Luật sư Lambert, một người bạn của ông ở trước cổng Hội Chợ đường Gambetta, nhưng xem qua bài báo bị truy tố, Luật sư bảo Tuấn: Tôi rất tiếc không thể bênh vực cho anh trước Tòa án. Mặc dầu có sự gởi gắm tử tế của ông Abadie, bởi vì…tốt hơn là tôi sửa soạn va li để lên đường về Marseille!
Ý của Luật sư Lambert bảo rằng ông không thể bênh vực một tờ báo có tính cách chống Pháp và có khuynh hướng đòi đuổi Pháp ra khỏi đất Đông Dương. Bênh vực Tuấn thi tốt hơn là ông xách va li về Pháp cho rồi.
Tuấn đem câu chuyện của Luật sư Lambert nói lại cho ông Abadie rõ. Ông nầy có ý muốn cứu Tuấn khỏi tù tội, khẽ bảo Tuấn: Tôi khuyên anh tốt hơn là nên đi vắng Hà Nội trong thời gian có phiên tòa xử anh, Tòa sẽ xử khiếm diện. Nhưng anh sẽ trở về kịp ngày chống án sang Pháp. Tôi sẽ tìm cách tạo ra một vice de forme, để tòa án hủy bỏ bản án của tòa Hà Nội và bắt xử lại. Từ đây đến đó anh sẽ có thì giờ vận động, vì thủ tục Tòa Phá Án còn kéo dài lâu lắm.
Nghe theo lời ông Abadie, Tuấn chuẩn bị đi Sài Gòn một tuần lễ trước ngày có phiên tòa. Nhân tiện ông Abadie viết thư giới thiệu Tuấn với ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Quyền Giáo Tông đạo Cao Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh. Tuấn không hiểu do trường hợp nào một người Pháp chính cống như ông Lục sự Abadie lại theo đạo Cao Đài? Tuấn không hỏi ông, vì lễ độ. Nhưng cứ thắc mắc về vấn đề đó.
Đạo Cao Đài có gì lạ? Có gì hấp dẫn đến đỗi một người trí thức Pháp đã bỏ đạo Thiên chúa để theo đạo Cao Đài?
(đoạn văn Tuấn lên Tây Ninh vào Tòa Thánh yết kiến Đức Hộ Pháp và tìm hiểu về đạo Cao Đài rồi trở về Hà Nội chúng không chép lại ở đây)
Tuấn về Hà Nội, vội vàng tìm đến ông Lục sư Abadie tại văn phòng của ông ở Tòa án, để biết Tòa xử tội viết báo của Tuấn như thế nào.
Trông thấy Tuấn, ông Abadie vui cười, khẽ bảo: Tòa xử vắng mặt anh: 6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt. Bây giờ anh ký giấy chống án qua tòa Phá Án Paris. Tuấn không hiểu gì cả, hỏi ông Lục sự: Tại sao vậy? Tôi có quyền chống sang Paris sao? Đây là một phương pháp để kéo dài vụ nầy chứ sớm muộn gì rồi anh cũng sẽ bị án. Nhưng tòa Phá Án Paris sẽ bác hẳn án của tòa Hà Nội vì khuyết điểm hình thức. Còn lâu lắm tòa Phá Án Paris mới gởi trả hồ sơ về đây. Từ nay tới đó, anh còn rộng thì giờ bay nhảy…
Nói xong ông Abadie đưa cả sổ sách và giấy tờ gì đó, bảo Tuấn ký tên. Tin cậy hoàn toàn nơi ông Abadie, (chỉ vì cảm tình riêng của ông đối với Tuấn), không cần tìm hiểu thêm, Tuấn cầm bút ký đại, và cảm ơn ông Lục sự.
Tuấn trao cho ông bức thư của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc nhờ Tuấn chuyển lại. Ông tín đồ Cao Đài Pháp vui sướng xem thư của ông "Pape" (đức Giáo Hoàng) danh từ nầy của người Pháp thời bấy giờ tặng cho vị lãnh tụ Cao Đài giáo (Le Pape Caodaiste).
Rồi ông cho Tuấn biết tuần tới ông sẽ diễn thuyết về đạo Cao Đài tại rạp chớp bóng Majestic, đại lộ Đồng Khánh. Ông trao cho Tuấn một thiệp mời, 5 giờ chiều thứ Bảy.
Tuấn có đi dự buổi diễn thuyết, Majestic là một rạp chớp bóng mới mở. Lớn nhất và sang nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ. Phòng thật rộng có thể chứa được một nghìn khán giả. Một số dự thính khá đông Tây và Đầm ngồi chật hết các dãy ghế đầu. Chỉ có vài người "Annam" nào đó, thuộc về hạng quan lại, ngồi với họ. Còn tất cả "Annamit" trí thức lẫn học sinh, sinh viên, đều ngồi các dãy ghế sau.
Lúc bấy giờ chưa có máy vi âm (microphone), ông Abadie phải nói lớn, ông cố nói thật to nhưng vẫn khó nghe cho những người "Annam" ngồi xa.
Bắt đầu ông Cao Đài Abadie thuyết trình về lịch sử và giáo lý đạo Cao Đài hết nửa tiếng đồng hồ. Xong ông giới thiệu với thính giả một người Pháp, bạn đồng Đạo của ông, tên là De Lagarde, chủ sự nha Bưu Điện Vientiane, Lào, hôm ấy có mặt ở Hà Nội. Ông Abadie kể chuyện về ông De Lagarde, như sau đây: "Ông De Lagarde trước kia không theo đạo nào hết. Ông là một người "tin tưởng tự do" (un libre penseur) Ông làm chủ sự sở Bưu Điện ở Thủ đô xứ Lào đã mấy năm, và có vợ người Nam kỳ quê ở Cần Thơ. Một hôm chủ nhật, ông đi săn bắn trong rừng sâu bị một bầy voi rừng đuổi, ông liệu bề không bắn được và không dám chống cự, bèn ù té chạy. Vì kinh hoàng và sớn sác sao đó, ông bị vấp đá, ngã vào một bụi gai cào chảy máu cả mặt mày. Do tai nạn bất thần đó, ông De Lagarde bị thương nặng nơi hai con mắt.
Về Vientiane, mấy vị bác sĩ chữa không khỏi. Ông bị đui luôn. Người vợ Nam kỳ của ông, đưa ông đi các nhà thương lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, được các bác sĩ danh tiếng nhất săn sóc, nhưng bịnh không lành. Ông tốn hết không biết bao nhiêu là tiền bạc, nhưng đành chịu tật mù. Ông lại phải nghỉ việc, chức vị của ông bị người khác thay thế.
Bỗng dưng một hôm nghe lời mấy người bạn đàn bà khuyên bảo, bà vợ Nam kỳ của ông De Lagarde đưa ông đi Tây Ninh đến Tòa Thánh Cao Đài. Người ta đồn rằng nơi đây, nếu bịnh nhân thành tâm cầu cơ, sẽ có Tiên giáng bút về cho thuốc chữa bịnh gì cũng lành.
Trong lúc tuyệt vọng về y khoa Tây phương, ông Tây De Lagarde đành nghe lời người vợ Annam và thành tâm nguyện rằng nếu có vị Tiên hay vị Thánh nào giáng cơ bút chữa khỏi bịnh của ông, ông sẽ theo đạo Cao Đài liền, và sẽ hy sinh suốt đời ông cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Buổi cầu cơ được tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh một đêm rằm, vợ chồng ông De Lagarde đều thành tâm cầu nguyện và chính ông cũng theo đúng các nghi lễ cúng dường các Phật Thánh Tiên của Đạo Cao Đài. Ông phải ăn chay, giữ gìn thân thể và tâm hồn trong sạch suốt ba ngày đêm trước buổi cầu cơ. Thế rồi trong không khí trang nghiêm tịch mịch của đêm khuya trước điện Huyền Linh, ông De Lagarde ngồi vào đàn cơ, chờ vị Tiên giáng bút. Quả nhiên một vị Tiên ông nào đó, không nói tên tuổi, nhưng giáng bút cho ông bài thơ bằng tiếng Việt trong đó chỉ bảo ông lấy một ít tro nhang hòa vào ly nước lạnh đang cúng trên Điện thờ mà xoa vào đôi mắt mù. Xoa như thế thường xuyên ba ngày đêm, sẽ thấy ánh sáng. Ông Tây De Lagarde làm đúng như lời Tiên dặn. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba. Sáng ngày thứ ba bà vợ Nam kỳ xoa cho ông giọt nước mầu nhiệm cuối cùng còn ở đáy ly…Bỗng tự nhiên cặp mắt của ông Tây dần dần hé mở…lim dim như người mới ngủ dậy…rồi mở hẳn. Ông De Lagarde mừng quýnh, đang nằm trên giường liền ngồi vùng dậy reo cười lớn lên: Tôi đã tìm được nhãn quan của tôi rồi! Tôi đã thấy lại được rồi!
Và thật thế, ông De Lagarde đã hết đui mù. Và ông đã trở thành một tín đồ Cao Đài nhiệt thành nhất trong đám một triệu tín đồ của tôn giáo mới.
Ông Abadie nói xong đến đây rồi nói tiếp: - Thưa quý bà, quý ông, tôi xin mời ông De Lagarde lên đây để xác nhận câu chuyện tôi vừa kể.
Ông mỉm cười đưa bàn tay ngoắc một người trong đám cử tọa Pháp. Người nầy vui vẻ và hãnh diện, từ giã ghế ngồi tiến lên diễn đàn. Cả phòng đều im lặng, đăm đăm nhìn ông De Lagarde, không cao lắm, mảnh khảnh, đôi mắt sáng, nhã nhặn chào khán giả với một nụ cười:
- Thưa quý bà, quý ông, tôi là De Lagarde, chủ sự nha Bưu Điện Vientiane, tôi xin xác nhận câu chuyện của bạn tôi, ông Abadie, vừa nói là hoàn toàn đúng sự thật…
Cả phòng vỗ tay hoan hô ông, Ông nói tiếp: - Vã lại trong cử tọa sang trọng nầy, có nhiều bạn thân của tôi, nhất là trong ngành Bưu điện Đông Dương, đã biết tai nạn xảy ra cho tôi trước đây 3 năm, và đã làm cho tôi phải nghỉ việc vì đôi mắt bị mù hoàn toàn. Bây giờ tôi được trở lại làm việc trong ngành Bưu điện vì cặp mắt tôi hết mù nhờ ơn cúa vị Tiên Cao Đài đã cứu chữa bằng một ít tro nhang hòa với nước Thánh.
Tiếng vỗ tay lại nổi dậy vang cả phòng Majestic và cuộc diễn thuyết chấm dứt. Tây Đầm bu lại hỏi han ông De Lagarde, nhất là các mụ Đầm có vẻ tin tưởng hơn ai hết thảy.
Sau đó, Tuấn thường gặp ông De Lagarde tại Thánh Thất Cao Đài Hà Nội, một căn nhà ngói ở đường phố khu Chợ Hôm (gần Route de Huế). Ông Abadie cũng thường đến đây hành lễ. Chỉ hai ông đó là tín đồ Pháp của đạo Cao Đài mới bành trướng ở thủ đô Bắc Kỳ không lâu.
Nhà văn Nguyễn Vỹ (1912-1971) là nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút hiệu khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Về trường hợp De Lagarde, Tuấn cho rằng nó là một hiện tượng đặc biệt, hy hữu. Cũng như chính Tuấn đã chứng kiến những cuộc cầu cơ nghiêm trang trong đó một vị Tiên Ông tự xưng danh là Hư Không, hay Huyền Mặc Đạo Nhân giáng cơ bút làm những bài thơ Đường luật rất hay và ý nghĩa thâm trầm thanh thoát. Những chuyện Tiên, Thánh, Phật, thỉnh thoảng xuất hiện trong cơ bút, báo trước một biến cố thời sự quan trọng, hoặc cho thuốc chữa bịnh, đều không phải là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng trí óc phàm tục của chúng ta không thể nào giảng giải được.
* Huỳnh Tâm.