Đề tài: Mục đích hay mục tiêu của Đạo Cao Đài. * Bảo Chơn (ghi lại)


Tóm lượt thảo luận giáo lý ngày Thứ Bảy 26-3-2022. 
1 - Phân biệt ý nghĩa giữa 2 từ mục đích và mục tiêu ?
Hai từ ngữ mục đíchmục tiêu ý  nghĩa là những điều mà người ta nhắm tới, mong đạt tới. Nhưng ý nghĩa  2 từ nầy có khác nhau đôi chút.
Thí dụ điển hình như câu nói : Mục đích của cuộc đời tôi là trở thành một thầy giáo dạy học. Muốn vậy tôi phải thi đậu vào trường đại học sư phạm hay cao đẳng sư phạm, đây là mục tiêu tôi phải đạt được trước tiên để đi đến mục đích.
Mục tiêu là những gì cụ thể và rõ ràng hơn mục đích. Thí dụ như : mục đích của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine là Nga không muốn thấy những đầu đạn nguyên tử đối phương đặt sát biên giới Nga. Do vậy, mục tiêu của Nga là cố đánh chiếm Ukraine…
2 - Mục đích hay mục tiêu của Đạo Cao Đài là gì ?
Nay là thời kỳ hạ ngươn là thời kỳ cuối mà nhơn loại còn bị đọa lạc quá nhiều nay Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài là để độ rỗi phần lớn hay tất cả nhân loại về cùng Thầy, tức là giải thoát sanh tử luân hồi. Vậy mục đích tối thượng của Đạo Cao Đài là độ rỗi tất cả nhân loại trên địa cầu nầy thoát khỏi luân hồi sanh tử không còn sót một ai.
Ngoài ra, từ khi có loài người Đức Chí Tôn đã cho một trăm ức nguyên nhân xuống thế để làm bạn với các hóa nhân mới tiến lên làm người. Nhưng trải qua hai thời kỳ phổ độ các nguyên nhân nầy mới trở về có tám ức…Vậy kỳ ba nầy mục tiêu trước tiên của Cao Đài là phải độ cho hết 92 ức nguyên nhân còn lại trở về cựu vị.
Muốn độ rỗi tất cả nhân loại trên mặt địa cầu nầy thì phải dùng những biện pháp hữu hiệu gì ?
Thứ nhứt phải qui hiệp đức tin nhân loại về một Đấng Cha Lành duy nhứt là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì vậy Cao Đài đưa ra tôn chỉ Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt. Tất cả nhân loại từ nay sẽ nhìn nhau là anh em con một cha thì sẽ biết thương yêu, dìu  dẫn nhau trở về nguồn cội.
Thứ hai là tạo lập một thế giới đại đồng, trong đó quyền của Vạn linh ngang bằng với quyền Chí Tôn như trong Đạo Cao Đài. Nghĩa là quyền của toàn dân ngang bằng quyền vua hay nguyên thủ quốc gia, thì sẽ không còn cảnh bất công, người bốc lột người trong xã hội…Điều nầy thể hiện qua tượng Tam Thánh ký hòa ước gồm 2 điều khoản: Thương yêu và Công chánh…(Humanity and Justice).
Trong các sớ văn Cao Đài vào các ngày Lễ Vía thường có đoạn: ..."tế độ nhơn sanh định tâm giác ngộ, hòa ái tương thân Đại Đồng huynh đệ, phục hồi Thượng ngươn Thánh đức, Nghiêu Thuấn lương dân, an cư lạc nghiệp, cộng hưởng thạnh trị thái bình, thanh nhàn hạnh phước...". Nói chung mơ vọng của Cao Đài là lập nên đời Thánh Đức, mọi người trong xã hội đều sống hiền lương, đạo đức.
- Theo Bản Hiến chương 1965 của Hội Thánh có viết đơn giản mục đích đạo Cao Đài là giáo hóa nhơn sanh, lập đại đồng huynh đệ.
 
3 - Trên con đường tu theo đạo Cao Đài, chúng ta có quyền tự chủ định đoạt số phận mình hay không ?
 
Ý kiến 1: Kinh Giải Oan có câu :  
"Dầu chăng phải mực Thiên điều,
Cũng quyền tự chủ dắt dìu thiên lương…"
Ý nghĩa là : Là người tu, chúng ta có quyền quyết định vận mạng chính mình, mà để cho quyết định được chin chắn, mình phải tuân thủ theo luật Thiên điều và theo sự dắt dìu của thiên lương là điểm lương tâm của mình…
Làm sao biết được luật Thiên điều ở đâu để theo ? Luật lệ căn bản của Đạo Cao Đài là Tân luật, luật nầy đã được Quyền Chí Tôn hướng dẫn soạn thảo và chuẩn y nên đây chinh là luật Thiên điều của Đạo…(xem thêm Pháp Chánh truyền chú giải, phần quyền hành Chánh Phối Sư)
Ý kiến 2:
Người tín đồ Cao Đài luôn luôn làm chủ chính mình chớ không ai bắt buộc mình cả.
Khi nhập môn vào Đạo phải đủ hoặc trên 18 tuổi là tuổi đã trưởng thành. Và mình phải xin nhập môn vào Đạo nên giấy nhập môn được gọi là Sớ Cầu Đạo…
Nguời Đạo luôn làm chủ lời nói, hành vi, tư tưởng của chính mình. Tuy nhiên có những khi không thắng được chính mình như lúc nóng giận, khi say rượu,… ta phát ngôn những lời làm mất lòng người khác hay mang tội như câu thi một câu thất đức thiên niên đọa…Cho nên ta phải hết sức cẩn thận không nên để cho dục vọng phàm tâm thắng thế nó sẽ xui khiến ta làm việc quấy và mang lấy nghiệp quả không tốt về sau…
Quyền tự chủ còn thể hiện sau khi ta chết về cõi Thiêng Liêng được coi quyển kinh vô tự ghi lại mọi hành vi lời nói trong kiếp sống rồi ta tự định tội phước cho chính mình chớ không phải ai khác…
 
Ý kiến 3:
Đức Chí Tôn đã từng dạy rằng Thầy không thể vì thương mà bồng ẳm các con về cõi Thiêng Liêng được. Cho nên nếu chúng ta không cố công trên đường tu, các Đấng dầu muốn giúp cũng không thể làm gì hơn vì luật công bình không thiên vị.
Chúng ta cũng cần lưu ý quyền tự chủ hay làm chủ ở đây là làm chủ 2 phần thân và tâm.
Muốn làm chủ thân là phải giữ ngũ giới cấm : Không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, rượu chè hút xách,…
Muốn làm chủ tâm phải kềm hảm thất tình là hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Đè nén, tiêu trừ những tình xấu là : nộ (giận) ố (ghét) ai (buồn) dục (ham muốn) và nuôi dưỡng những tình tốt là : hỉ (mừng) ái (thương yêu) lạc (vui)…
Một mặt khác ta có quyền tự chủ nhưng nếu hành Đạo sai chơn truyền, chơn lý của Đạo nhất là thời kỳ Hội Thánh đã bị giải thể, thì ta cũng nhận lảnh nghiệp quả không tốt…
Có câu Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Chúng ta phải hiểu rõ luật nhân quả để tránh gây ra những nhân xấu sẽ gặp những quả xấu về sau…
Tóm lại, chúng ta luôn được quyền tự chủ định vận mạng của mình nên luôn cẩn trọng trong mọi hành vi, lời nói, tư tưởng. Và luôn xét mình hằng ngày để kịp thời tránh gây ra tội lỗi, nghiệp chướng về sau…
4 - Ý nghĩa của câu trở về ngôi xưa vị cũ là gì ?
Ý nghĩa 1:
Đức Chí Tôn có dạy rằng đức háo sanh của Thầy vô cùng tận nghĩa là sự sanh hóa các chơn hồn trong càn khôn vũ trụ không bao giờ ngừng nghỉ. Các hồn được sanh ra từ kim thạch, rồi tiến hóa lên thảo mộc, rồi thú cầm, loài người, rồi tu thành Thần Thánh Tiên Phật, cuối cùng trở về hiệp nhứt với khối Đại linh Quang của Đức Chí Tôn. Vậy các chơn hồn được sinh ra từ Đức Chí Tôn sau một chu trình tiến hóa lại trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn nên được gọi là trở về ngôi xưa vị cũ.
 
Ý nghĩa 2:
Những người đã đạt được ngôi vị ở cõi Thiêng Liêng nay đầu kiếp xuống trần lập công tiếp tục mong ngày về sẽ cao thăng phẩm vị thêm lên hay ít nhứt cũng còn giữ ngôi phẩm cũ nên gọi là trở về ngôi xưa vị cũ.
Thí dụ: Đức Hớn Chung Ly đại tiên đã chiết chơn linh xuống thế là Ngài Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư để giúp Đức Chí Tôn mở Đạo. Nay Đức Cao Thượng Phẩm làm xong phận sự trở về được đắc vị Kim Tiên tức là cao thăng phẩm vị, đó là hình thức qui hồi cựu vị vậy…
5 - Phân biệt một số danh từ Đạo thông thường .
Chúng ta nên hiểu rõ ý  nghĩa một số từ ngữ chỉ về người Đạo Cao Đài như :
- Tín đồ, tín hữu : chỉ những người đã nhập môn vào Đạo, chưa bước vào hàng chức việc, chức sắc.
- Đạo hữu: là người có Đạo, chỉ chung hàng chức sắc và tín đồ.
- Môn đồ, môn đệ : Cũng chỉ chung cả hàng chức sắc lẫn tín đồ.
- Đạo tâm: là những người đến sinh hoạt Đạo nhưng không có nhập môn vào Đạo.
- Chư nhu: Trong Thánh ngôn chúng ta thấy các Đấng dùng từ nầy để chỉ những người đến sinh hoạt Đạo nhưng chưa nhập môn.
Về một số từ ngữ tiếng Anh như:
- Disciple : đệ tử, môn đồ, thí dụ như câu “The path of Cao Dai Disciple”  dịch ra: Con đường của người đệ tử Cao Đài (tên một quyển sách của HT Nguyễn Long Thành). Chữ đệ tử chỉ những người đã nhập môn vào Đạo kể cả tín đồ  và chức sắc.
- Follower, Believer: Có khi chỉ người tín đồ, có khi chỉ người có đức tin và có sinh hoạt Đạo nhưng chưa vào Đạo. Tóm lại 2 từ nầy chưa có sự thống nhất ý nghĩa đối với nhiều người…

* Bảo Chơn (ghi lại)