Tứ Nguyện: "Thiên Hạ Thái Bình".* Bảo Chơn (ghi lại)

Tóm lược Thảo Luận Giáo Lý ngày Thứ Bảy 16-4-2022.
1-Thế giới luôn xảy ra chiến tranh là do đâu ?
Có thể nói từ khi loài người biết sống thành bộ lạc thì bắt đầu có chiến tranh rồi. Người ta tranh giành đất đai, tài nguyên thiên nhiên,…Chiến tranh giữa sắc tộc, chiến tranh vì niềm tin tôn giáo, chiến tranh ý thức hệ…
Nhân loại đã chứng kiến hai cuộc thế chiến gây nên bởi những kẻ điên rồ đầy tham vọng muốn thống trị thế giới vào tay họ. Ngày nay viễn ảnh đó vẫn còn tồn tại đe dọa nền hòa bình toàn nhân loại…
2-Chính sách Hòa Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp như thế nào ?
Sau thế chiến thứ hai, hai khối Tư bản và Cộng sản bắt đầu đối kháng nhau. Họ đã âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam làm đôi theo vĩ tuyến 17 qua hiệp định Genève. Đức Hộ Pháp sau khi dự hội nghị Genève trở về Ngài nhận thấy một cuộc chiến tranh tương tàn sắp xảy ra trên đất nước VN thân yêu nên Ngài đã đưa ra chính sách Hòa Bình Chung Sống. Chánh sách này nhằm loại bỏ ảnh hưởng của cả 2 khối Tư bản và Cộng sản xen vào nội bộ Việt Nam.
Chính sách này qua Bản Cương Lĩnh gồm các bước thực hiện như sau:
- Để hai chính phủ địa phương tạm giữ nguyên vẹn nền tự trị nội bộ mỗi miền theo ranh giới vĩ tuyến 17.
-Thành lập một “ỦY BAN HÒA GIẢI DÂN TỘC” gồm có các nhân sĩ trung lập và một số đại diện bằng nhau của chính phủ hai Miền để tìm những điểm dung hợp giữa hai Miền.
-Tổ chức nước Việt Nam thống nhất thành chế độ Liên bang Trung lập gồm có hai miền liên kết (Nam và Bắc) theo hình thức của Thuỵ Sĩ với một Chính phủ Liên bang lâm thời để điều hoà nền kinh tế trong nước và để thay mặt cho nước Việt Nam thống nhứt đối với Quốc tế và Liên Hiệp Quốc.
-Bãi bỏ bức rào vĩ tuyến 17, dân chúng được bảo đảm sự lưu thông tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam để so sánh và chọn lựa chế độ sở thích mà định cư.
-Vĩ tuyến 17 chỉ là một ranh giới hành chính của hai Miền hiện hữu mà thôi, còn dân tộc Việt Nam vẫn là một khối duy nhất Trung lập và tự do.
-Khi dân tộc đã trưởng thành và khối tinh thần đã thống nhứt thì toàn dân Việt Nam sẽ tự giải quyết thể chế thiệt thọ theo nguyên tắc Dân tộc tự quyết bằng cách mở cuộc tổng tuyển cử thể theo Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 để thành lập Quốc Hội duy nhất cho nước Việt Nam.
Cuộc Tổng tuyển cử này sẽ tổ chức dưới sự kiểm soát và trách nhiệm trọn vẹn của Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa mọi điều áp bức dân chúng. Quốc hội này sẽ định thể chế thiệt thọ và thành lập một Chính phủ Trung ương nắm chủ quyền trong nước Việt Nam.
Như vậy chánh sách Hòa Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp nhằm tạo nên hòa bình, độc lập cho đất nước VN trong thời điểm đó. Nhưng tiếc thay, chính phủ 2 miền đã không nghe theo đường lối này và sau đó cuộc chiến tranh Quốc Cộng đã xảy đến và cướp đi sinh mạng khoảng 5, 6 triệu dân VN như chúng ta đã thấy.
Đường lối trung lập ngày nay xét ra vẫn còn hữu hiệu, vì nếu mình làm chư hầu của một phe nào thì khi xảy ra chiến tranh mình phải lãnh đủ đòn thù của phe kia. Mà những cuộc chiến tranh lớn như thế chiến thứ ba xảy ra thì mỗi bên họ sẽ thi thố vũ khí tối tân hạt nhân, nguyên tử thì có thể đi đến hủy diệt cả một đất nước…
Cho nên trung lập là đường lối khôn ngoan để tồn tại…
3-Đạo Cao Đài góp phần tạo nên hòa bình thế giới như thế nào ?
-Thứ nhất : Đạo Cao Đài xướng xuất một nền tảng giáo lý đại đồng. Từ trong bát hồn vận chuyển, muôn loài vạn vật, cây cỏ, thú cầm loài người đều đều thọ điểm nguyên hồn từ Đức Chí Tôn Thượng Đế. Nên tất cả đều là anh em với nhau vậy phải biết thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau trên đường tấn hóa. Do đó, toàn thể các sắc dân, dân tộc trên thế giới đều nhìn nhau là anh em con một cha Trời. Như vậy sẽ không còn những cuộc tranh giành chém giết lẫn nhau nếu mọi người thấm nhuần nền giáo lý đại đồng này.
Đức Chí Tôn từng dạy trong TNHT, 28-10-1927, như sau
“ Hãy đọc các Thánh ngôn của Thầy, giáo lý của Thầy sẽ là đại đồng. Nếu nhân loại biết tu hành thì đó sẽ là nền hòa bình hứa hẹn chung cho các dân tộc…”
-Thứ hai : Đức Chí Tôn thiết lập một nền chính trị đạo vô cùng độc đáo. Nền chính trị đạo thể hiện hòa bình, dân chủ, tự do, như  hai câu liển trước cửa Tòa Thánh và các Thánh Thất. Nền chính trị đạo đặt nền tảng trên sự thương yêu và công chánh. Một xã hội không còn những bất công, tranh chấp, và đầy tình người thì nhà nhà sẽ ấm no hạnh phúc…Đó là đời thái bình hay đời Thánh đức đó vậy.
Đức Chí Tôn đã dạy : Ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng dùm cho nhân loại…
4-Đạo Cao Đài sẽ thực hiện một thế giới đại đồng như thế nào ?
Đạo Cao Đài sẽ trở thành nền Quốc Đạo của Việt Nam. Từ đó Việt Nam sẽ phát huy ý thức hệ Cao Đài xây dựng thành một nước Việt Nam đạo đức, văn minh. Cơ Quan Phước Thiện Cao Đài sẽ giúp phát triển an sinh xã hội, không còn ai vô gia cư thiếu ăn thiếu mặc. Một xã hội đặt căn bản trên tình thương yêu và phụng sự. Nhà nhà ấm no hạnh phúc và lo tu hành hướng thượng. Đó gọi là đời Thánh đức.
Sau đó các nước sẽ noi gương Việt Nam càng ngày càng lan tỏa tạo nên thế giới đại đồng…
Đức Hộ Pháp từng thuyết : Đức Chí Tôn đến lập nên một quốc gia Thiên định tại thế gian này và Ngài tin chắc rằng quốc gia đó phải thành hình…
Hỏi vậy chớ ai sẽ biến Cao Đài thành Quốc Đạo ?
Nhìn lại lịch sử Thiên Chúa Giáo La Mã, ban đầu các vua La Mã bắt bớ giết chóc các nhà truyền đạo của Chúa Jésus, mãi đến năm 313 vua La Mã là Constantine I mới tin theo Chúa cho tự do tôn giáo và đến năm 380 Công giáo La Mã được chính thức nhìn nhận là Quốc giáo của toàn đế quốc La Mã…
Đạo là của Ông Trời lập ra, đến lúc nào đó sẽ có những Thiên sứ đến để thi hành sứ mạng của họ mà thôi…Đạo Cao Đài luôn chủ trương Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế…
5-Khi khoa học vật chất phát triển tột bực thì vai trò tôn giáo có còn cần thiết không ?
Khoa học vật chất giúp đời sống con người càng tiện nghi nhưng chỉ lo về phần xác thịt mà thôi. Khi tiện nghi vật chất gia tăng thì con người càng gia tăng dục vọng chạy theo dục lạc thế gian mà quên mất phần tâm linh trong mỗi con người chúng ta.
Trong phần lời tựa quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Hội Thánh có cẩn đề như sau:
“Cuối Hạ Ngươn nầy, nhơn loại phần nhiều dụng hết tinh thần xu hướng vào lối văn minh vật chất; món ăn sẵn đủ sơn trân hải vị; chỗ ở lại nguy nga đài các; y phục tiện dùng gấm nhiễu che thân, thậm chí ra một tấc đường vẫn có ngựa xe đỡ gót. Cái lạc thú hiện thời trên cõi tạm nầy làm cho con người mê mẩn; rồi đua chen nhau tranh giành phúc lộc; lăng xăng xạo xự trên chốn võ đài; mạnh đặng yếu thua; khôn còn dại mất. Phần đông bực thông minh, lại đem cả trí khôn làm món binh khí hại người; kẻ tước trọng thêm dùng hết thế quyền ép dân đen ra bạc trắng. Quanh năm cứ lo cho xác thân hưởng điều khoái lạc, vợ ấm, con no, được ngày nào vui ngày nấy; cho kiếp chết là kiếp mất; gọi Thiên đường, Ðịa ngục là câu chuyện hoang đàng. Bậu bạn lỗi câu tín nghĩa, vợ chồng quên đạo tào khương; mảng vụ chữ kim thời mà phong dời tục đổi. Than ôi! Lượn sóng văn minh tràn dập tới đâu thì nền luân lý ngửa nghiêng tới đó.
Nếu Ðạo Trời không sớm mở lần ba, nền phong hóa, mối cang thường sau này phải vì đó mà hư hoại”.
Trên đây Hội Thánh đã cho thấy đời càng văn minh vật chất, đạo càng cần thiết để kìm giữ con người khỏi bị sa đọa vào ngục tù tội lỗi.
Đức Lý Giáo Tông còn dạy thêm khoa học chỉ nuôi sống về xác thịt, còn đạo đức nuôi linh hồn, nếu không đạo đức thì linh hồn sẽ bị đói …
6-Đạo Cao Đài sẽ ảnh hưởng gì đến nền văn minh tương lai ?
Một nền Đạo lớn xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội con người trong vùng miền mà Đạo truyền bá. Hay nói rõ hơn những nền tôn giáo lớn sẽ tạo nên nền văn minh của nhân sanh trong khu vực. Thí dụ như Đạo Hindu đã tạo nên nền văn minh Ấn Độ, Nho giáo xuất hiện đã tạo nên nền văn minh Trung Hoa, Thiên Chúa Giáo xuất hiện đã tạo nên nền văn minh Phương Tây hiện tại…
Nay Đạo Cao Đài do chính mình Đức Chí Tôn đến thành lập và các Đấng còn nêu lên cứu cánh Đại Đạo là: Nhân loại sẽ là một: một về nòi giống, một về tôn giáo và một về xã hội. Đạo Cao Đài tự xưng là nền Đại Đạo, một nền Đạo cho cả toàn cầu nhân loại thí ắt hẳn sẽ có ảnh hưởng rộng rãi hay sẽ tạo nên một nền văn minh mới cho toàn nhân loại. Việt Nam ta lại được hân hạnh làm cái nôi cho nền văn minh tương lai của thế giới qua 2 câu Thánh Thi
Quốc Đạo kim triêu thành Đại Đạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong…
Nói lên điều này để chúng ta giữ vững niêm tin trong thời Đạo mất chủ quyền, rồi có một ngày tương lai Đạo sẽ trở nên xán lạn hơn xưa…
7-Sứ mạng truyền giáo của môn đồ Đại Đạo như thế nào ?
Thánh giáo Đức Chí Tôn đã dạy từ buổi đầu khai Đạo là mỗi tín đồ Cao Đài phải độ cho đặng ít nhất 12 người nhập môn vào Đạo. Như vậy việc truyền giáo phổ độ chúng sanh không phải chỉ dành riêng cho hàng phẩm chức sắc, chức việc mà cho cả người tín đồ nữa…
Thường người xin nhập môn vào Đạo nằm trong một số trường hợp sau đây :
-Con cháu trong gia đình đạo dòng. Chúng ta nói Đạo cho con cháu từ khi còn nhỏ và cho các cháu tham gia cúng kiến sinh hoạt Đạo để lớn lên sẽ quen dần nề nếp Đạo…
-Một số người nhập môn vì thấy kinh kệ, nghi thức Đạo hay và tinh thần tương thân tương ái trong tình đồng môn đối đãi như anh em ruột thịt.
-Trong các mối liên hệ giao tiếp hằng ngày chúng ta luôn chủ ý giới thiệu Đạo cho mọi tầng lớp xã hội…
-Đức Chí Tôn từng dạy rằng : dầu cho sắt đá cỏ cây nghe đến Thánh ngôn của Thầy cũng cảm động, nên mình cứ tặng cho những người muốn tìm hiểu Đạo quyển Kinh Thánh Cao Đài đó là Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
-Ngày nay việc truyền bá giáo lý thật dễ dàng qua các trang mạng xã hội, chúng ta có khả năng phổ biến những nét đặc thù của nền Đại Đạo…
-Tham gia các Hội nghị Tôn giáo Thế giới đưa ra tôn chỉ đại đồng của Đạo, thử tạo mối liên kết với các nền tôn giáo có giáo lý dung hòa như đạo Bahai chẳng hạn…
-Nếu chúng ta cố gắng hết sức mà không độ được người thì cũng đừng buồn vì Phật còn phải thốt : Phật chỉ độ được người có duyên mà thôi…
* Bảo Chơn (ghi lại)