ĐƯỜNG CÒN XA BAO LÂU? * Ngọc Vân Lê Thị.

K
ính chào Quý Hiền Huynh, Hiền Tỷ, ngày xuân qua mau, hôm nay nếu theo người xưa là "hạ nêu ăn chè" để rồi ngày mai tiếp tục công việc thường ngày. Ai ai còn lăn lộn giữa chốn hồng trần, nợ áo cơm chưa bỏ, trách nhiệm bên mình đều phải chịu theo luật thời gian. Để công việc đầu năm vui vẻ, tiện muội xin kể cùng Quý Hiền một câu chuyện.
Đã một năm trôi qua, nhân loại chịu nhiều biến động mất mát, đau thương mà luật nhân quả để tiến hóa của Vũ trụ đã thể hiện trên quả địa cầu 68 này. Mạng sống con người mong manh giữa cõi vô thường, còn, mất chỉ trong một chớp mắt thời gian.
Từ đó những giáo điều vi thiện được truyền rao và người ta hối hả rủ nhau hành thiện tích đức nhiều hơn.
Nhìn chuyện ngày nay, người ta lo tu, tiện muội xin mạn phép kể chuyện ngày xưa.
Chuyện tôi nghe như vầy: - Vào thời Nhị Kỳ Phổ Độ xa xưa, khi các vị Bồ Tát còn thể hiện ở thế gian để giảng Đạo pháp. Có vị Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, gọi tắt là Văn Thù Bồ Tát là một vị Bồ Tát thân cận với Đức Thích Ca Mâu Ni, Ngài là một trong Tứ Đại Bồ Tát là Quán Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Địa Tạng Bồ Tát. Hình tượng của Ngài là ngồi trên lưng sư tử tượng trưng cho sự Dũng mãnh, tay phải cầm cây gươm lửa tượng trưng cho Trí Huệ, tay trái cầm cuốn Kinh Bát Nhã tượng trưng cho sự giác ngộ. Văn Thù Bồ Tát là vị Bồ Tát tiêu biểu cho sự giác ngộ do trí huệ để dứt sạch mọi ô trược thế gian do tham, sân si, ngã, mạn. Ngài mặc trên người chiếc áo giáp gọi là giáp nhẫn nhịn. Nhờ chiếc áo giáp này nên những thị phi chướng ngại không làm Ngài mất tâm từ bi, giữ vẹn tâm thanh tịnh.
Khi ấy, Ngài vâng lệnh Đức Phật Thích Ca đến an trú tại Ngũ Đài Sơn thuộc vùng Nam Thiệm Bộ Châu, có ngọn núi Thanh Lương ở phía Đông Bắc là nơi Ngài tu hành. Mùa xuân năm đó Ngài mở Đạo tràng thuyết giảng Phật Pháp, chúng sanh như mở hội về tụ tập nơi Ngũ Đài Sơn. Cảnh trí diễm lệ non xanh nước biếc, hoa cỏ tốt tươi và chim muông về bay lượn hót ca mừng Đạo pháp được truyền giảng từ Vị Bồ Tát Trí Huệ.
Nhiều tăng chúng cùng tề tựu nơi ngọn Thanh Lương để kịp nghe thuyết Pháp. Có một vị Tăng già thường tu ở một thảo am xa xôi cũng quyết định đi đến Ngũ Đài Sơn dù đường xa vạn dặm. Hành trang lên đường chỉ có một bình bát và cây gậy trúc, mang theo một tấm lòng ước mong được gặp và nghe Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuyết giảng Phật Pháp.
Trải qua nhiều ngày lặn lội trên đường hành hương vào một chiều cuối đông, vị Tăng già nhìn thấy ngọn Ngũ Đài Sơn ở phía chân trời, lòng khấp khởi mừng rỡ, rộn lên một niềm vui giúp bước chân già thêm vững chắc. Nhìn thấy bên đường có một quán nhỏ bán nước cho khách bộ hành, vị Tăng già vào quán nghỉ chân. Đón lấy chén trà nóng từ tay bà lão chủ quán, vị Tăng cúi đầu cảm tạ, nhấp chén trà ngồi nghỉ ngơi chốc lát và hỏi thăm bà lão.
" - Mô Phật, bần tăng xin phép hỏi thí chủ đường từ đây đến núi Ngũ Đài còn bao xa,?"
Bà lão im lặng nhìn vị Tăng già, không trả lời.
Nghĩ rằng chắc chủ quán chưa nghe kịp lời hỏi thăm, nên vị Tăng cất tiếng hỏi lần thứ hai
" - Mô Phật, xin hỏi nữ thí chủ đường lên Ngũ Đài Sơn còn bao xa,bao lâu thì đến?"
Một lần im lặng nữa.
Vị Tăng già nghĩ rằng hay chủ quán đã già nên không nghe rõ, liền cất giọng lớn hơn hỏi lại lần thứ ba.
Vẫn là im lặng, bà lão đưa mắt nhìn vị Tăng già, không trả lời!
Vị Tăng già chợt nghĩ có lẽ bà lão bị câm điếc chăng? Tăng già cúi đầu chào cảm tạ bà lão và quay gót trở ra đi. Đi được một quãng ngắn thì vị Tăng già nghe tiếng gọi lại:
- Đi một ngày đường nữa sẽ đến núi, nơi hội tụ nghe thuyết Pháp.
Vị Tăng già ngạc nhiên quay đầu lại nhìn thấy bà lão đang chỉ tay về phía trước và nói với Tăng già. "Sư đi thêm một ngày đường nữa sẽ đến núi".
Vị Tăng già vừa ngạc nhiên, nên quay lại cảm ơn bà lão và hỏi tiếp:
- Mô Phật! bần tăng thật có lỗi và xin thí chủ lượng thứ, lúc nãy bần tăng đã nghĩ rằng thí chủ chắc bị bệnh câm điếc nên không trả lời dù đã hỏi đến 3 lần. Bần tăng cảm tạ ân đức thí chủ đã trả lời.
Bà lão nhìn Tăng già và từ tốn trả lời:
- Mô Phật! Lúc nãy vì nhà sư ngồi, tôi không biết nhà sư có sức đi được bao nhiêu nên không thể trả lời. Khi nhìn thật nhà sư bước đi tôi mới biết sức lực của nhà sư và trả lời cho sư biết.
Vị Tăng già nghe xong, cúi đầu chấp tay đảnh lễ với bà lão. Lúc này tâm trạng của vị Tăng chợt bừng tỉnh như ánh sáng lóe lên trong màn đêm vô minh: "Bà lão chỉ là một người bình thường mà có nhận xét tinh tế như vậy, ta tự hổ thẹn vì nghĩ rằng mình tu đã lâu, đọc Kinh kệ tụng niệm hằng mấy chục năm mà sao chưa ngộ ra điều gì trong tâm mình! Khoảng cách đến với Phật Pháp không là đường bao xa, không là thời gian bao lâu mà chính là nội lực từ tâm của ta!"
Từ câu chuyện trên, ta thấy thời Nhị Kỳ Phổ Độ, con người tìm Đạo để cầu giải thoát rất khó khăn gian khổ.
Đến nay là thời mạt kiếp, Đức CHÍ TÔN một mối Đạo bày ra cho nhơn sanh tỏ tường Đạo Lý, Đại Ân Xá kỳ Ba để phổ độ toàn sanh chúng, hầu cứu vớt chúng sanh khỏi vòng luân hồi. Nhưng không phải ai ai cũng biết Tu, con người còn mê đắm hồng trần, xem thể xác là chủ của trí khôn, để khi lục căn tiếp xúc với lục trần làm ý thức phát sinh khiến tâm không thanh tịnh, vì lục trần luôn có sức hấp dẫn.
Chúng ta học ở Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dùng sức mạnh nội tại, mở tâm trí huệ để chặt đứt phiền não tham sân si ngã mạn, lấy tâm từ bi hòa ái với tha nhân, một lòng phụng sự vạn linh. Để lục căn không còn bị lục trần quyến rũ.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, người tín đồ Cao Đài thực hiện những lời dạy của Đức CHÍ TÔN là dùng Thương yêu làm chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh là để trở về với Chân Ngã Uyên Nguyên. Trên con đường trở về, người tín đồ Cao Đài phải thực hiện được tam lập là lập công (công phu, công quả, công trình), lập đức và lập ngôn, và làm tròn Nhơn đạo. Khi đã đủ duyên sẽ bước vào Thiên Đạo giải thoát bằng những lời dạy "Phương luyện kỷ để vào con đường thứ ba Đại Đạo" là đường Thương Huệ Kiếm.
" Dâng gươm huệ kiếm xin cầm
Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiêng"
 
Vậy con đường hiệp nhứt với Thượng Đế của người tín đồ Cao Đài còn bao xa hay lâu,mau đều tùy theo hành tàng của người tín đồ, căn cơ tu dưỡng Đạo đức, thực hành Ngũ giới, Điều Quy và nhất là thực hiện Tam lập sẽ giúp người đệ tử Cao Đài trở về với Chân Ngã Uyên Nguyên.
" Ngồi trông con đặng phi thường
MẸ đem con đến tận đường Hằng Sanh"
Lời Kinh Phật Mẫu Chơn Kinh đã nhắc nhở chúng ta nguyện lòng Phụng Sự Vạn Linh là con đường trở về với CHÍ TÔN và PHẬT MẪU.
Lời kết, tiện muội cầu nguyện Quý Hiền được nhận Ân Phước của Đức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU. Ngày Đại Lễ Vía ĐỨC CHÍ TÔN sắp tới, xin tâm nguyện Hoằng Khai Đại Đạo, Phổ Độ Chúng Sanh, Xá Tội đệ tử, Thiên Hạ Thái Bình, Thánh Thất an ninh.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
* Ngọc Vân Lê Thị.