Kính thưa Quý
Hiền thân hữu, đã lâu rồi tiện muội mới quay lại trao đổi với Quý Hiền một bài
viết mới. Tiện muội hy vọng bài viết này sẽ cho chúng ta có một hướng nhìn vượt
qua những loạn động phiền não vây quanh trong một cuộc thế bước vào thời kỳ hạ
ngươn cuối trên quả địa cầu 68 này.
Trong thời đại
"càn khôn dĩ tận thức" (lời Đức CHÍ TÔN dạy) thì chỉ với một nhấp tay
trên một vật dụng nhỏ gọn bằng bàn tay, ngồi một chỗ đã biết nhiều tin tức xảy
ra, có thể tận bên kia quả địa cầu hay một vùng xa xôi ở hai cực đại địa. Kèm
theo những tin tức gần xa cho ta nhìn ra một xã hội đầy biến động,con người ở
một vị thế thật chênh vênh.
Chênh vênh được
giải nghĩa là không vững vàng, bấp bênh, 1 vị thế dễ bị xô ngã, ngoài ra còn thêm
một ý nghĩa chỉ một trạng thái tâm lý bất an căng thẳng vì không biết bất trắc
có thể xảy đến với mình hoặc cho người thân bất cứ lúc nào. Trong một xã hội
nền đạo đức suy đồi, bắt đầu từ gia đình nơi gắn kết yêu thương gần gũi nhất đã
trở nên lỏng lẻo, rồi đến những tệ nạn xã hội mà kỷ cương chuẩn mực của người
đối với người cũng mất dần đi. Cuộc đua tranh tìm sự thành đạt, tuổi trẻ và sắc
đẹp là những ham muốn không ngừng để thỏa mãn hưởng thụ vật chất, con người
dùng khối óc để sống và trái tim không còn giá trị cho đời, chuyện mưu
sinh giữa cuộc thế nhiễu nhương làm mất dần sự rung cảm của trái tim. Chúng ta
đã dùng khối óc để sống làm việc nhiều hơn trái tim nên vô tình ta đã ở một vị
thế thật chênh vênh, từ đó lôi kéo sang tâm trạng bất an tạo thành những căn
bệnh xã hội như trầm cảm, tim mạch ngày càng tăng, số người đột quỵ ngay cả ở
người trẻ tuổi càng ngày càng nhiều.
Tìm một vị thế vững
chắc dài lâu trong một cuộc sống chênh vênh chực chờ bị xô ngã, con người lại
quay về phần tâm linh trong ý nghĩa tin vào những điều cầu nguyện với Đấng
Thiêng Liêng mà họ tin tưởng. Hiện nay ta thấy chùa,tịnh xá, thánh đường cất
nhiều như vậy,đáng mừng chăng? Khi con người không còn chỗ bám víu hữu hình thì
người ta quay về tâm linh để cúng bái cầu xin phước lành. Đôi khi còn mù quáng
tin điều khác lạ nào xảy ra cho đó là Thần linh tái sinh. Bỏ thế chênh vênh này
để nhảy sang một thế bấp bênh khác
Người ta không thể
cưỡng chế được tứ khổ "sinh lão bệnh tử", bệnh, già, chết như một
hiền nhiên không ai thoát khỏi, không thể làm chủ được những sự việc tự đến và
đi. Mỗi ngày già đi một chút,mỗi ngày mất đi một chút dương khí và rồi con
người cứ mãi trôi lăn theo giòng thời gian và xác thân bị cuốn vào vòng luân
hồi sinh tử. Thế thì sau khi trải qua những khổ đau của kiếp nhân sinh, người
ta tìm cái không sinh không diệt không già không chết bằng cách tìm Chân Lý.
Để tìm một cân bằng
trong cuộc sống, các tôn giáo từ xưa đều có nhiều giải pháp để cứu rỗi con
người ta tạm gọi là pháp môn, quy điều, giới cấm, v.v... Hôm nay tiện muội xin
mạn phép đưa Quý Hiền thân hữu vào con đường sinh hoạt của người đệ tử Cao Đài
giữa một thời hạ mạt nhiều loạn động, người đệ tử Cao Đài làm gì mà vẫn trôi
qua được thị phi của thế gian để có một cuộc sống tự tại, không chạy theo đám
đông bên ngoài (trend) để tìm an lành.
Với một triết lý
sống dùng chữ "Hòa" như lời Đức CHÍ TÔN dạy, Đức CHÍ TÔN là tiếng gọi
của người Cao Đài để chỉ về một Đấng Sáng Thế cũng là CHA của vạn loài.
"Chẳng phải
đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Đạo
tức một CHA
Nghĩa nhân đành gởi
thân trăm tuổi
Dạy lẫn cho nhau
đặng chữ Hoà"
Trong ý nghĩa sâu
sắc chữ Đạo không đơn thuần chỉ là thờ kính một vị Thần linh hay một tôn giáo,
Đạo được hiểu là Hư vô chi khí là nguyên lý sinh ra vũ trụ càn khôn, mọi vật
đều do Đạo mà thành, Hư vô Chi Khí là Đức CHÍ TÔN là Đấng Sáng Thế tạo dựng vũ
trụ nên tất cả vạn loài đều là anh em đồng một CHA.
Người tín đồ Cao
Đài luôn lấy chữ Hòa mà Đức CHÍ TÔN dạy để ứng xử trong mọi tình huống xã hội. Vì
vậy tình thương được xây dựng bằng một trái tim nhân hậu trên ý thức Hoà ái,
không xét đoán phê phán người khác.
- Chấp nhận người
khác bằng tình thương và thấu hiểu để tạo một tinh thần hòa đồng.
- Chấp nhận khổ đau,
không có lý do gì để phàn nàn về cuộc sống dù nặng nề khó khăn khi đối diện với
những sự kiện bên ngoài,xem như một phúc lành Thượng Đế ban cho để làm bài thi
trong một trường thi lập vị về cõi vĩnh hằng. Khi chấp nhận khổ đau sẽ tìm thấy
sức mạnh nội tâm để sẵn sàng mang lấy nó nhẹ nhàng hơn là sợ hãi.
- Biết thương yêu
trắc ẩn với tha nhân, cảm thọ nỗi đau của người khác như mình đang gánh chịu để
mở lòng với nhơn sanh yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình.
"Khát khao tìm
Chân Lý Đạo phát xuất từ sự kiếm tìm bình an của nội tâm. Đây là điểm chính để
thoát khỏi thế đứng chênh vênh trên cuộc sống nhiều khủng hoảng loạn động của
xã hội với bao biến cố như chiến tranh, thất nghiệp, đạo đức suy đồi, gia đình
không còn là chỗ dựa cho tình cảm thăng hoa, những đổ vỡ hạnh phúc làm cho con
người thật cô đơn giữa bộn bề thế sự.
Người tín đồ Cao
Đài đi trên con đường tìm về Đạo phải bước vào nhập thế trong tâm thức nhìn
nhận vạn loài đồng sanh cùng là anh em một CHA chung là Đấng Sáng Thế gọi trìu
mến là Đại Từ Phụ.
Dưới áp lực của đời
sống cuồn cuộn của nghiệp lực buồn vui phiền não, nếu không nhìn ra cái Tâm bất
động, an trú trong sự tỉnh lặng của Trí thì ta sẽ mãi cuốn trôi theo vòng luân
hồi sinh tử.
Sống với Đạo bằng
một tâm không vướng bận những phàm tục danh, sắc, biết đủ để dừng tham, và chia
sớt từ hữu hình vật chất đến phần tri thức giúp bạn đồng sanh hiểu Đạo và sống
Đạo.Đó là Phước và Trí. Phước, Trí phải đủ đầy. Phước là đem phước đến cho
người bất hạnh không phải tìm phước cho mình, người Cao Đài gọi là Phước Thiện
nghĩa là hành thiện để đem phước đến cho người mà không cần vụ lợi danh tiếng
đánh bóng tên tuổi cho mình.
Làm được Phước Trí
cũng là thực hiện pháp môn Tam công của Cao Đài giáo.hay gọi là Tam lập.
- Tam công gồm công
quả, công phu, công trình.Trong công quả còn tùy theo căn duyên của mỗi người
để lập công, lập đức và lập ngôn.Và người tín đồ phải làm cho tròn dù người vừa
bước vào học Đạo hay đã hành Đạo nhiều năm.
* Công Quả không
phô trương hình thức, hoặc vì muốn có danh, hoặc vì không muốn có tai tiếng với
người đời. Công quả phải phát xuất từ lòng tự nguyện, không vì cầu tư lợi cho
mình được phẩm vị hay để mọi người ca tụng.
*Công Phu: với
người tín đồ Cao Đài có 4 thời khắc trong ngày để lễ bái tiếp xúc với Đấng
Thiêng Liêng qua những bài Kinh gọi là Tứ thời nhật tụng. Sự lễ bái tụng niệm
không là hình thức để cầu xin các Đấng Thiêng Liêng cho mình tài lộc, quyền
pháp, mà để tập hạ mình khiêm cung trước Thần Thánh Tiên Phật và cả những người
chung quanh qua lễ nghi trật tự, dẹp bỏ cái tôi." Lễ bái thường hành tâm
Đạo khởi" như lời dạy của Đức Nữ Phật Thất Nương Diêu Trì Cung.Là một pháp
môn đệ chuyển hóa từ phàm tâm sang Thánh tâm, một con đường vô vi giúp người
tín đồ Cao Đài trở về với Vô vi.
Trước tiên khi đọc
Kinh là phải sửa soạn giữ thân tâm trong sạch để điều hòa thần khí, an định
thân tâm trong câu Kinh để Trí não được mẫn huệ có nghĩa Chơn Thần được tiếp
sức cùng Chơn Linh sáng suốt tự chọn con đường đi về nẻo Đạo, lời Kinh êm dịu
nhẹ nhàng giúp Chơn thần hội tụ được điển linh của các Đấng Thiêng Liêng hòa
vào tâm thức.
* Công trình: đó là
sự rèn luyện tu tâm sửa tánh, hoàn thiện khắc kỷ vọng tha, không để tham,
sân,si, ngã mạn điều khiển lục căn.Học hỏi Kinh, Sách, để hiểu rõ nhận định
được cốt lõi của con người nơi cõi thế không chỉ là hưởng thụ vật chất,đam mê
thú vui riêng để bản ngã bị lục trần lôi kéo, lấy giả làm chân.
Công trình được
đánh giá bằng mức độ tấn hóa trên đường hành Đạo
Pháp môn Tam công
của Cao Đài giáo hay gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thay cho pháp môn Bát nhã Ba
la mật của Nhị kỳ phổ độ.
Từ đó người tín đồ
Cao Đài tin tưởng vững chắc vào Chân Lý Đạo, dễ dàng chấp nhận những chông gai
thử thách để vượt qua bằng cách quán chiếu nội tâm, khiêm cung hòa ái, Phụng sự
nhơn sanh, tự cứu độ và giúp độ lẫn nhau bằng một niềm tin đạt được do năng lực
của mình, không ỷ lại vào Thần quyền ban phát như lời dạy của Đức CHÍ TÔN
"THẦY hằng nói cùng các con rằng một trường thi công quả, các con muốn đến
được Cực Lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi".
* Sự cân bằng giữa
Thế và Đạo giúp người tín đồ Cao Đài có cảm giác an lành tự tại như lời Đức Hộ
Pháp dạy "Không để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh". Chơn tánh là tâm
trong sáng, bản tánh thiện lương có sẵn nơi người.
Cùng nhau một Đạo
đó là lý duy nhất bất di bất dịch. Là nguồn gốc của nhân bản trước hết để tiến
tới một thế giới an lạc và tiền bộ..
Với một ý thức nhân
bản trong giáo lý Đại Đạo, người đệ tử Cao Đài giải quyết vấn đề nhân sinh và
tâm linh trong một Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo giải thoát: không tách rời
cuộc đời thế gian để chỉ mưu cầu giải thoát cho riêng mình, không duy tâm mà
cũng không duy khoa học. Tâm - vật bình hành là đường đi của người đệ tử Cao
Đài phải trôi qua, khoa học và đạo lý không tách rời nhau.Hiện nay khoa học
không gian,khoa học lượng tử đã nhận thấy triết lý Nhị nguyên đã không còn đứng
vững, người ta dùng lý nhị nguyên để áp dụng vào khoa học đời sống để rồi lần
lượt khoa học đã chứng minh phải trở về Nhất nguyên "Một là tất cả".
Khoa học giúp cho con người đạt địa hiểu biết toàn quả địa cầu này và hiểu thêm
về vũ trụ gọi là thông thiên và trật tự trong vũ trụ được vận hành theo một lý
Nhất nguyên.
Để đúc kết, tiện
muội mạn phép tóm lại con đường Đại Đạo vạch ra là để xây dựng lại con người
trong một tính nhân bản cao quý của kiếp người đã bị mất dần do vật chất tăng
tiến mà bỏ quên phần trái tim nhân hậu.
Sống theo khối óc
hoàn toàn nên đã tự bước vào thế chênh vênh không nơi nương tựa.
Với tôn giáo lấy
nhân bản làm căn bản đời sống thế tục, người tín đồ Cao Đài thực hiện tam công"
- Công quả để giúp
đời, cứu khốn phò nguy.
- Công phu để quán
tâm tìm về Chân Lý Đạo để tấn hóa theo cung bậc vận chuyển trở nên hiền nên
Thánh.
- Công trình: học hỏi
để khắc kỷ, rèn luyện bản thân vượt qua những đòi hỏi thấp hèn của phàm tính.
Với ý thức cân bằng
giữa Thế Đạo và Thiên Đạo người tín đồ Cao đài vững vàng trên đường nhập thế,
thoát khỏi chênh vênh loạn động bất an buồn vui phiền não để có một đời sống an
bình. Tiện muội xin gởi đến Quý Hiền thân hữu bài thơ nhỏ.Tỉnh Giác.
"Tỉnh r một
giấc Hoàng lương
Nồi kê chưa chín,
thân vương lụy trần
Nhủ rằng Khanh
tướng thế nhân
Trôi qua một thoáng
phù vân chẳng màng
Trời chiều tách bến
đò ngang
Mau chân bỏ lại
hành trang chợ đời
Thỏng tay thuyền nhẹ
ra khơi
Bên kia bờ giác
trăng cười vô ưu".
Thân kính chúc
Quý Hiền thân tâm an lạc, cám ơn Quý Hiền đã đọc một bài khô khan, bài viết nếu
chưa nêu hết được triết lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là do tiện muội lời thô
trí kém, ngôn từ chưa tỏ hết Đạo THẦY, mong rằng Quý Hiền Huynh Tỷ lượng thứ. NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN
ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
NAM MÔ DIÊU TỰ KIM
MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN.
* Đạo muội Lê Thị Ngọc
Vân
Sài Gòn đầu thu tháng sáu Giáp Thìn, tháng bảy dương lịch 2024.
Home. Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] .