Một thời Đức Phật ngự tại vườn
Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ trong thành Xá Vệ có một Trưởng Giả tên Nguyệt
Quang, lập gia đình đã lâu chưa có con, nên thường cầu khẩn trời đất thánh
thần, mong có con nối dõi. Một thời gian sau, người vợ có
thai, sau hơn chín tháng sinh được con trai đẹp đẽ như màu hoa đào. Nhưng khi
đang sinh, hai tay hài nhi ôm hạt châu Ma ni quý giá mà ra, lại vừa sinh ra
liền nói:
"Nay
tôi muốn bố thí,
Nhà
này nếu không của,
Đây
ngọc châu vô giá,
Tặng
khắp người nghèo khổ".
Người mẹ
nghe nói, ngạc nhiên lạ lùng, còn mọi người chung quanh thấy sự lạ chưa từng
có, cho rằng sinh ra Ma Qủy, vừa sinh ra đã nói, nên đều sợ hãi bỏ chạy tán
loạn! Người mẹ bình tĩnh liền nói kệ hỏi:
"Là
Trời hay Càn Thát?
Ma Quỷ hay La Sát?
Là ai tên họ gì?
Nay ta muốn được biết."
Hài nhi liền đáp:
"Không Trời chẳng Càn
Thát,
Không Quỷ chẳng La Sát,
Là con của cha mẹ,
Là người chớ nghi ngờ."
Phu nhân nghe những lời ấy thì
vui mừng, cho rằng “Con mình là Thần đồng”, liền kêu gọi những người bỏ
chạy trở lại.
Rồi phu nhân cho mời Trưởng
giả đến, và đem việc ấy nói với Trưởng giả.
LỜI BÀN:
Chuyện một hài nhi ôm viên
ngọc châu Ma Ni khi sinh ra, lại còn phát nói như người lớn, thật là kỳ lạ chưa
từng có trên thế gian. Nhưng những gì đã viết trong Kinh đều là sự thật, vì các
Kinh Phật đều do 500 vị A La Hán đệ tử của Phật. Là những vị tu hành phạm hạnh
chân chính đã đạt qủa Thánh. Tất cả cùng duyệt xét kết tập Kinh Luật Luận, sau
khi Phật nhập Niết Bàn vài tháng, thì không thể giả dối, không
thể sai sót.
Chúng ta
tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp của câu chuyện.
PHẦN 2: BẬC TRÍ VÀ KẺ SI
MÊ:
Sau khi
nghe người vợ nói sự việc, Trưởng giả Nguyệt Quang liền nghĩ: “Đây là duyên
gì?” Nay ta hãy đem duyên này hỏi Ni Kiền Tử (là ngoại đạo tu khổ hạnh),
rồi ông cho bồng đứa nhỏ đi hỏi Ni Kiền Tử, ông trình bày tất cả sự việc xảy
ra, Ni Kiền Tử nghe xong bảo:
-
Đứa bé này vô phúc, vô ích, nên đem giết đi, nếu để nó sống, ông sẽ bị hao tài
tốn của vì nó, và cuối cùng cả nhà sẽ bị chết hết.
Trưởng
giả nghe mấy lời ấy suy nghĩ: “Ta không có con nên cầu khẩn trời đất thánh
thần biết bao năm nay mới có đứa con này, ta chẳng thể giết nó được. Ta sẽ đi
hỏi Sa Môn, Bà La Môn xem sự thể thế nào?”
Khi ấy,
Sa Môn Cù Đàm thành Phật chưa được lâu, mọi người gọi Ngài là Đại Sa Môn;
Trưởng giả Nguyệt Quang liền nghĩ: “Ta có thể đem việc này hỏi Đại Sa Môn”
Rồi ông cho bế đứa nhỏ đến chỗ Đức Phật. Đang đi giữa đường, ông lại nghĩ: “Nay
có Trưởng lão Phạm Chí lớn tuổi thông minh trí tuệ, được mọi người cung kính nể
trọng. Ta nên đến chỗ Phạm Chí hỏi hơn là Sa Môn Cù Đàm còn trẻ, học đạo chưa
được bao lâu, há có thể biết việc này sao? E rằng không giải quyết được mối
nghi của ta, nay ta nên đến hỏi Phạm Chí”.
Nghĩ rồi
ông bèn quay trở lại. Lúc ấy có một Thiên thần trước kia khi còn sống ở thế
gian là bạn với Trưởng giả, biết tâm niệm của Trưởng giả, nên bèn ở trên không
nói vọng xuống:
- Này
Nguyệt Quang, Trưởng giả nên biết Như Lai ra đời rất khó gặp, Sa Môn Cù Đàm
chính là Như Lai, như nước cam lộ đúng thời mới có. Sao ông lại quay về? Hãy
tiến lên sẽ được lợi ích lớn, ông nên biết có bốn việc nhỏ nhưng chớ coi thường
là: “Khinh Vua còn nhỏ nên bị chết, Coi thường đốm lửa nhỏ, nhưng có thể thiêu
rụi cả núi rừng. Không để ý Rồng thần hiện nhỏ, nhưng có thể giáng mưa làm lũ
lụt, Người có đạo tuổi tuy nhỏ, nhưng có thể độ người thật vô lường.
Trưởng
giả nghe xong, tâm ý mừng rỡ, liền quay lại tiến bước đến chỗ Phật. Trưởng giả
cúi lạy rồi đem nhân duyên thưa đầy đủ với Phật. Đức Phật nghe xong bảo Trưởng
giả:
-
Đứa bé này phúc rất lớn. Đứa bé sau này lớn lên sẽ đem 500 đồ chúng đến chỗ Ta
xuất gia học đạo, đắc quả A La Hán. Trong hàng Thanh Văn của Ta, đứa bé này là
người phước đức bậc nhất không ai bì kịp.
Trưởng
giả nghe Đức Phật nói xong, vô cùng mừng rỡ, rồi thưa:
- Đúng
như Ngài nói, chẳng phải như Ni Kiền Tử.
Rồi
Trưởng giả lại bạch:
- Cúi xin
Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo thương xót đứa bé này, nhận lời thỉnh cúng dàng bữa ăn
ngày mai của con.
Đức Phật
im lặng nhận lời, Trưởng giả biết Đức Phật đã nhận lời, ông liền từ chỗ ngồi
đứng dậy cúi lễ rồi lui về nhà, cho người sửa soạn thức ăn thức uống. Tới nửa
buổi hôm sau, ông trở lại thỉnh mời Đức Phật cùng chư Tăng tới nhà thụ trai.
Sau khi thọ trai xong, Trưởng giả vái lễ trước Phật rồi thưa:
- Con đem
hết ruộng vườn nhà cửa tài sản cho hết đứa con, cúi xin Thế Tôn đặt tên cho nó.
Đức Phật
bảo:
- Lúc đứa
bé mới sinh ra, mọi người đều bỏ chạy, nói nó là Quỷ Thi Bà La. Nay Ta đặt tên
nó là Thi Bà La.
Đức Phật
thuyết pháp cho vợ chồng Trưởng giả và quyến thuộc, nghe xong đều xin được quy
y Phật Pháp Tăng và thụ Ngũ giới; xong, Đức Phật và đại chúng Tỳ Kheo ra về.
LỜI BÀN:
Đoạn Kinh
trên cho thấy người tu theo ngoại đạo không có trí huệ, nên khi gặp người khác
hỏi những vấn đề khó khăn, thì chỉ trả lời theo lối đoán mò, không thể xác
thực. Ni Kiền Tử nghe nói đứa bé khi sinh ra ôm bảo châu, lại biết nói và đòi
bố thí, thì ngờ rằng đó là Ma Quỷ nhập vào thai mà sinh ra. Nên đã tiên đoán
đứa nhỏ sau này sẽ phá hoại hết tiền của tài sản, hại chết hết cả gia đình, và
Ni Kiền Tử khuyên nên giết đứa nhỏ để trừ mọi hậu hoạn cho gia đinh. Đây là lời
nói của người si mê không biết sự thật nên đã nói bậy vậy.
May thay!
Hài nhi có phúc lớn, nên đã khiến Trưởng giả không muốn hại đứa con, và khởi
nghĩ đến việc đi hỏi Đức Phật. Lúc đang trên đường đi đến chỗ Phật, Trưởng giả
chợt nghĩ tới tuổi trẻ học đạo chưa được bao lâu của Sa Môn Cù Đàm.
Vì vậy,
Trưởng giả nghĩ rằng như thế Sa Môn không thể giải quyết được vấn đề, nên ông
đổi hướng, để đến chỗ Trưởng lão Phạm chí. Lúc ấy vị Thiên Thần kia biết được ý
nghĩ của Trưởng giả, bèn khuyến cáo và Trưởng giả tỉnh ngộ, liền quay lại tiến
đến chỗ Phật.
Khi gặp,
Đức Phật dùng trí huệ nói chứ không phải là đoán mò nói càn như ngoại đạo,
khiến Trưởng giả vô cùng phấn khởi. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế
tiếp.
PHẦN 3: PHÚC ĐỨC BẬC NHẤT:
Bấy giờ,
Trưởng giả Nguyệt Quang tìm rất nhiều (500) thiếu niên nghèo, cùng lứa tuổi hay
ít tuổi hơn để hầu hạ Thi Bà La từ khi còn nhỏ cho tới trưởng thành. Tới năm 20
tuổi, Thi Bà La thưa với cha mẹ:
- Cúi
mong cha mẹ cho con được theo Đức Thế Tôn học đạo.
Thi Bà La
liền được song thân chấp thuận, vì ông bà Trưởng giả đã biết việc Đức Phật đã
thụ ký từ 20 năm về trước rồi, Thi Bà La đem hết các thanh niên đến chỗ Đức
Phật và thưa:
- Cúi xin
Đức Thế Tôn chấp nhận cho con được nhập đạo.
Đức Phật
liền thu nhận Thi Bà La cho làm Sa Môn, được vài ngày Tỳ Kheo Thi Bà La liền
thành A La Hán, có đủ Lục thông và Tám giải thoát. Khi ấy 500 thanh niên đồng
loạt đến trước Đức Phật xin được làm Sa Môn, tất cả đều được chấp nhận, và
chẳng bao lâu, tất cả đều thành A La Hán.
Khi ấy
Tôn Giả Thi Bà La cùng 500 Tỳ Kheo trở về làng cũ tại nước Xá Vệ, mọi người đều
kính ngưỡng cúng dàng đầy đủ. Ở được ít ngày, Tôn Giả nghĩ: “Nay ở làng mình
thật ồn náo phiền toái, ta nên đi du hóa trong nhân gian” Sau khi khất thực
tại thành Xá Vệ xong, Tôn giả rời khỏi tịnh xá Kỳ Hoàn cùng với 500 Tỳ Kheo du
hóa trong nhân gian. Đi tới đâu cũng được cúng dường đầy đủ từ thức ăn đến áo
mặc, thuốc men v.v... vì có các vị Trời báo trước cho thôn xóm rằng: “Nay có
Tôn giả Thi Ba La đã đắc A La Hán có phúc đức hạng nhất cùng với 500 Tỳ Kheo
đều là bậc Thánh du hóa trong nhân gian sắp đến, chư vị nên cúng dàng, nếu bây
giờ không làm, sau hối tiếc vô ích”. Vì vậy, Tôn giả đi tới đâu, nhân dân
đều biết trước và sửa soạn thức ăn sẵn sàng nên mọi thứ đầy đủ.
Lúc ấy
Tôn giả lại nghĩ rằng:
“Chán
sự cúng dường nhiều quá, ta nên tìm chỗ nào ở cho mọi người không biết chỗ ta”,
Rồi Tôn
Giả vào sâu trong rừng núi. Chư Thiên lại báo cho từng người trong thôn xóm
biết chỗ: “Tôn giả Thi Bà La đang ở núi này rừng kia, hãy đến cúng dàng, nếu
không làm, sau này hối tiếc vô ích”. Nhân dân nghe Trời bảo như thế, liền
gánh đội thức ăn uống đến tận nơi cúng dường và nói:
- Xin
Ngài dừng lại vì chúng con.
Tôn giả
du hóa dần dần đến vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành La Duyệt nước Ma Kiệt, cũng
được nhân dân cúng dàng đầy đủ các thứ. Lúc ấy Tôn Giả nghĩ: “Ta phải nhập
hạ ở phía Tây núi Quảng Phổ để mọi người không thể đến”, rồi Tôn giả dẫn
các Tỳ Kheo đi.
Khi ấy
Vua Trời Đế Thích biết được tâm ý Tôn Giả như thế, liền hóa hiện cảnh Chùa,
vườn cây hoa lá quả tốt tươi đầy đủ tại chỗ ấy, chung quanh lại có hồ sen thơm
trong mát. Vua Trời Thích lại hóa hiện đầy đủ tòa ngồi, giường dây, và dùng cam
lộ của Trời để dâng món ăn thức uống.
Hết ba
tháng nhập hạ, Tôn giả Thi Bà La lại dẫn 500 Tỳ Kheo đến thành Xá Vệ để được
gần gũi Đức Phật. Bấy giờ Tại thành Xá Vệ, Tôn giả Thi Bà La có người Chú là
Trưởng giả rất giàu có, nhưng keo kiệt không bao giờ chịu bố thí giúp ai, những
người thân tộc bảo: “Sao không dùng của cải tạo dựng tương lai đời sau?”
Trưởng giả nghe hiểu ra liền đem trăm nghìn vàng bạc tiền của bố thí cho các
Phạm Chí, dị học (là người tu hành của ngoại đạo), Tôn giả nghe nói Chú mình
làm như thế.
Tôn giả
Thi Bà La đến chỗ Đức Phật cúi đầu lễ lạy, xong đi nhiễu ba vòng quanh Phật,
rồi đi vào thành khất thực dần dần đến nhà Chú đứng lặng thinh. Trưởng giả thấy
cháu, bảo:
- Mấy bữa
rồi sao không đến, tôi đã đem vô số vàng bạc, tiền của, cúng dàng hết rồi, nay
có thể cho tấm vải.
Tôn giả
đáp:
- Nay tôi
đến đây để khất thực, chẳng dùng vải.
Trưởng
giả đáp:
- Tôi đã
bố thí hết rồi, không thể bố thí nữa.
Tôn giả
muốn độ cho Chú mình, bay lên hư không, làm phép thần biến, thân ra lửa, ra
nước, đi đứng ngồi nằm trên không tùy ý. Trưởng giả thấy sự biến hóa ấy liền
nói:
- Thôi
xuống đây ngồi, tôi sẽ thí cho thức ăn.
Tôn giả
liền xuống ngồi.
Trưởng
giả đem thức ăn dở tệ ra. Tôn giả vốn con nhà hào tộc, tùy ý ăn uống, vì Trưởng
giả nên nhận ăn thức ăn ấy, ăn xong trở về. Đêm ấy có vị Trời ở trên không bảo
Trưởng giả, sáng sớm đến nhắc lại rằng: “Bố thí cho Thi Bà La bậc Thánh đã
giải thoát được phúc lớn”
Trưởng
giả nghe vị Trời nói liền nghĩ: “Hôm trước ta đem vô số vàng bạc cúng dường
Phạm chí, dị học chẳng có cảm ứng. Hôm qua ta lấy thức ăn dở tệ thí cho Thi Bà
La có cảm ứng liền. Sáng ra, ta sẽ đem trăm nghìn vàng bạc tiền của dâng cho
Thi Bà La”.
Sáng ra,
Trưởng giả kiểm điểm vàng bạc cho đủ số, liền đem đến gặp Thi Bà La. Sau khi
chào hỏi, ông liền nói:
- Mong
Thi Bà La nhận cho trăm nghìn vàng bạc này.
Tôn gia
đáp:
- Mong
cho Trưởng giả được phúc vô cùng, trường thọ. Nhưng Thế Tôn không cho Tỳ Kheo
nhận trăm nghìn vàng bạc.
Trưởng
giả liền đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lạy rồi thưa:
- Cúi xin
Đức Thế Tôn chấp thuận cho Tôn giả Thi Bà La được nhận trăm nghìn vàng bạc để
con được hưởng phước báu về sau.
Đức Phật
liền bảo một Tỳ Kheo đi mời Tôn giả Thi Bà La đến gặp Phật. Khi Tôn giả đến cúi
lễ xong, Đức Phật bảo:
- Nay
Thầy có thể nhận trăm nghìn vàng bạc của Trưởng giả khiến Trưởng giả được phúc
báu, đây là nghiệp duyên đời trước.
Tôn giả Thi Bà La đáp:
- Xin vâng, thưa Thế Tôn.
* Toàn Không.