ĐỨC DI LẠC VƯƠNG PHẬT.
Phật giáo có nói về Đức Phật
Di Lạc sẽ tiếp nối Đức Thích Ca đến thế gian để cứu độ chúng sanh và khai mở
Long Hoa Hội điểm Đạo cho những người đoạt vị. Tuy nhiên kinh điển Phật giáo
không nói thời gian chính xác và có thể hàng trăm ngàn, hay hằng triệu năm nữa
mới tới thời kỳ của Phật Di Lạc hóa độ chúng sanh.
Trái lại Đạo Cao Đài từ
khi mới thành lập đã đưa ra rõ ràng ngươn hội của Đức Phật Di Lạc bắt
đầu năm nào, sứ mạng của Ngài ra sao và ngươn hội của Ngài bao lâu... Ý niệm
về Đức Phật Di Lạc và Hội Long Hoa qua các bài kinh, qua Thánh giáo và qua lời
thuyết Đạo ĐHP,… có thể khai trỉển thành
cả một học thuyết trong đạo Cao Đài.
1 - Hai câu liễn trong ngày khai Đạo Rằm tháng mười năm Bính Dần.
Đức Chí
Tôn có ban cho 2 câu liễn để treo vào dịp lễ Khai Đạo, Rằm tháng 10 Bính Dần
(1926) tại Chùa Gó Kén, Tây ninh, như sau:
Di
Lạc Thất Bá Thiên Niên Quãng Khai Đại Đạo
Thích
Ca Nhị Thập Ngũ Thế Chung Lập Thiền Môn
Ý nghĩa :
Đức
Phật Di-Lạc mở rộng nền ĐĐTKPĐ trong 700.000 năm.
Đức
Phật Thích Ca lập Phật giáo 2.500 năm thì chấm dứt.
Hai câu
liễn trên của Đức Chí Tôn cho chúng ta biết rằng, Đức Phật Thích Ca mở Phật
giáo cứu độ nhơn sanh trong vòng 2.500 năm thì chấm dứt, Phật giáo sẽ thất chơn
truyền và bị bế lại.
Giáo thuyết Đạo Phật cũng cho rằng:
“Phật Pháp được chia thành ba thời kỳ là thời Chánh Pháp, thời Tượng Pháp,
và thời Mạt Pháp. Các thời kỳ Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi chép
trong các kinh điển thì không đồng nhất, nhưng hầu hết các bậc cổ đức đều theo
thuyết định thời kỳ Chánh Pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng Pháp là 1.000 năm, và
thời kỳ Mạt Pháp là 10.000 năm.
Trong thời Chánh Pháp, mặc dầu Đức Phật đã diệt độ, nhưng Pháp nghi vẫn
không thay đổi. Có giáo pháp, có sự hành trì, và có người chứng đắc quả vị, đó
gọi là thời kỳ Chánh Pháp, và còn được mệnh danh là thời kỳ “Thiền Định kiên
cố”. Trong thời Tượng Pháp, tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số
người chứng đắc quả vị thì rất ít. Trong thời Mạt Pháp (mạt có nghĩa là suy vi,
yếu kém), Phật Pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp chứ không có sự hành trì,
và càng không có người chứng đắc quả vị…”
Đây cũng đúng với các lời dạy trong Cao Đài, vì tu mà không thấy
có người chứng đắc nên gọi là Đạo bị bế lại.
Nối tiếp
theo là thời kỳ cứu độ của Đức Di-Lạc Vương Phật với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, kéo
dài được 700.000 năm ( Thất ức niên).
Đạo Cao
Đài khai mở vào năm 1926, tính theo Phật Lịch là năm 1926 + 544= 2470 năm,
cũng vừa gần đến 2500 năm.
Về phía
đạo Phật, Đức Phật Thích Ca có tiên tri thời gian Đức Phật Di Lạc ra đời nhưng
Ngài chỉ dùng phép ẩn dụ về tuổi thọ của chúng sanh tăng hay giảm, nên người ta
suy đoán ra hàng triệu năm nữa Phật Di Lạc mới ra đời...Nhưng khi Đức Phật Di
Lạc thực sự xuất thế thì cả thế giới sẽ nhận biết mà thôi.
Kinh sách
Cao Đài cũng có nói về Đức Phật Di Lạc, Ngài phải mai danh ẩn tích để khỏi bị
chúng sanh bắt giết như Chúa Jésus vào Nhị kỳ Phổ Độ vậy.
Trong đạo
Cao Đài, Đức Thích Ca có giáng cơ cho hai bài kinh nói về sứ mạng của Đức Phật
Di Lạc, mà các vị chức sắc Tiền bối CĐ cho rằng đây chính là biên bản bàn giao
giữa Đức Phật Thích Ca và Đức Phật Di Lạc, đó là bài kinh Đại tường và Di Lạc
Chơn Kinh. Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa hai bài Kinh nầy.
2 - Ý nghĩa Di Lạc Chơn Kinh (Về phần Đức Phật Di Lạc).
Di Lạc
Chơn Kinh là bài kinh vô cùng quan trọng, do chính Đức Phật Thích Ca giáng cơ
ban cho để tụng đọc nhằm cầu siêu rỗi và cả cầu được bình an, bịnh chướng tiêu
trừ ...Trong cả bài Kinh Di Lạc nói lên sự cứu độ chúng sanh của Chư Phật ở
khắp 6 tầng Trời:
- Hổn
Ngươn Thượng Thiên và Hội Ngươn Thiên do Đức Di Lạc Vương Phật chưởng quản.
- Hư Vô
Cao Thiên do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chưởng quản.
- Tạo Hóa
Huyền Thiên do Đức Diêu Trì Kim Mẫu chưởng quản.
- Phi
Tưởng Thiên do Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản.
- Hạo
Nhiên Pháp Thiên do Đức Chuẩn Đề và Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản.
Trong bài
nầy chúng ta chỉ nói về 2 tầng do Đức Di Lạc chưởng quản mà thôi.
Hai từng
Trời nầy trong Kinh Di Lạc được dịch nghĩa ra như sau :
“Từng
Trời ở trên hết là Hỗn Nguơn Thiên có:
-
Brahma Phật,
-
Civa Phật,
-
Christna Phật,
-
Thanh Tịnh Trí Phật,
-
Diệu Minh Lý Phật,
-
Phục Tưởng Thị Phật,
-
Diệt Thể Thắng Phật,
-
Phục Linh Tánh Phật,
Tất
cả các vị Phật, có biết có cảm động, có sanh có chết, biết rõ cái khổ do nghiệp
chướng gây ra, luân hồi chuyển kiếp hóa sanh ra, có khả năng đi khắp các cõi
trần cứu giúp tất cả Chơn linh, được trở về ngôi vị Phật.
Từng Trời Hội Nguơn Thiên có:
-
Trụ Thiện Phật,
-
Ða Ái Sanh Phật,
-
Giải Thoát Khổ Phật,
-
Diệu Chơn Hành Phật,
-
Thắng Giái Ác Phật,
Tất
cả các vị Phật, nghe theo mệnh lệnh của Ðức Di-Lạc Vương Phật, có khả năng
chiếu ánh sáng huyền diệu làm tiêu trừ các nghiệt chướng.
Nếu
như có người nào nghe biết lời TA, thì phải thoát khỏi các nghiệp ác, niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng theo và nhìn nhận là đúng Luật pháp của Ðại
Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, ắt được giải thoát khỏi luân hồi, đắc đạo Thượng Chánh Ðẳng
Chánh Giác, ấy là chứng được quả vị nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn (Cực Lạc Thế Giới).
Nếu
như người đang sống, nếu như người chưa được sanh ra, nếu như người có kiếp
sống, nếu như người không có kiếp sống, nếu như người có tội, nếu như người
không tội, nếu như người có lòng tưởng niệm, nếu như người không lòng tưởng
niệm, nghe được lời nói của TA, phát khởi lòng tưởng nghĩ điều lành, ắt được
phẩm vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, ắt được giải thoát.
Nếu
như có người nhận lãnh và gìn giữ làm theo lời Phật dạy, bị sợ hãi vì ma quỉ
cản ngăn, một lòng một dạ tưởng nghĩ điều lành, niệm: Nam mô Di-Lạc Vương
Bồ Tát, có khả năng cứu giúp tai nạn khổ sở, có khả năng cứu giúp 3 tai họa
lớn, có khả năng cứu được bịnh tật, có khả năng cứu giúp và dẫn dắt chúng sanh
thoát khỏi các thứ nghiệt chướng, ắt được giải thoát”. (Ht Nguyễn Văn Hồng dịch
nghĩa)
Đây là 2
tầng cao nhứt trong 12 tầng Trời.
Trên hết
là tầng Thượng Thiên Hổn Ngươn có các vị Cổ Phật như Brahma, Shiva,
Christna,...chúng ta liên tưởng đến hình ảnh trên nóc Bát Quái Đài Tòa Thánh có
tượng hình 3 vị. Đức Brahma Phật là Thần Sáng Tạo, Đức Shiva Phật là Thần Hủy
Diệt, Đức Christna Phật là Thần Bảo Tồn…Đặc biệt là Đức Christna Phật theo tài
liệu khảo cứu Ngài cởi Giao long tuần du trong cõi Ta Bà thế giới dầu cho chúng
sanh nào chết nơi chân trời góc bể, rừng sâu núi thẩm mà tâm thuần lương, hạnh
đức trong sáng công nghiệp đủ đầy âm chất, Đức Krishna Phật sẽ tìm rước chơn
hồn ấy về ngay Bạch Ngọc Kinh mà diện kiến Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ…
Về tầng
Hội Ngươn Thiên có 5 vị Phật tùng lịnh Đức Di Lạc năng chiếu diệu quang tiêu
trừ nghiệt chướng cho chúng sanh…Chúng ta có thể hiểu mỗi lần tụng Di Lạc Chơn
Kinh, chúng ta thành tâm niệm danh hiệu các vị Phật ở tầng Trời nầy thì sẽ được
các vị phóng chiếu diệu quang là ánh sáng huyền diệu có khả năng tiêu trừ bớt
chương nghiệp cho chúng sanh…
Tầng Trời
nầy, các vị cũng cho biết ai tùng theo pháp điều, tức là luật pháp chơn truyền
của Tam Kỳ Phổ Độ mà tu thì sẽ được giải thoát…
3 - Tìm hiểu ý nghĩa Kinh Đại Tường:
Bài kinh
Đại Tường do Đức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho vào năm 1935, để làm kinh tận
độ vong linh, nguyên văn như sau :
Hổn Ngươn Thiên dưới quyền Giáo chủ,
Câu 1: Tầng Trời Hỗn Nguơn thuộc quyền chưởng quản của Đức Di Lặc
Vương Phật. Ngài giáng linh vào vị Hộ Pháp, là giáo chủ hữu hình của Đạo Cao
Đài.
Di Lạc đương thâu thủ phổ duyên.
Câu 2: Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật đang dùng quyền
năng để hội tựu và truyền đạt chân lý cho ai muốn hiểu và học về đạo pháp khắp
mọi nơi.
Tái sanh sửa đổi chơn truyền,
Câu 3: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng linh xuống cõi trần một lần nữa
để sửa đổi lại những giáo pháp của các nền Tôn giáo xưa cho đúng với chơn
truyền.
Khai cơ tận độ cửu tuyền diệt vong.
Câu 4: Đức Phật Di Lặc cho bãi bỏ Địa ngục và mở ra một cơ quan tận độ
chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị,
Câu 5: Đức Di Lặc Vương Phật mở ra một Đại hội Long Hoa để tuyển chọn
những bậc hiền lương đạo đức, có công nghiệp để phong vào ngôi vị Phật.
Cõi Tây phang đưổi quỉ trừ ma,
Câu 6: Nơi cõi Tây phang, Đức Phật Di Lặc xua đuổi và trừ khử quỉ ma
thử thách bậc chân tu.
Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
Câu 7: Đức Di Lặc Vương Phật giáng Chơn linh xuống phàm làm một vị Hộ
Pháp Di Đà tức là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh,
Câu 8: Đức Hộ Pháp chuyển cây Giáng ma xử để xua đuổi trừ khử tà tinh
quỉ quái.
Thâu các Đạo hữu hình làm một,
Câu 9:Thâu các Tôn giáo hiện có ở nơi thế gian làm thành một nền Đại Đạo,
có một tín ngưỡng duy nhất dưới quyền giáo hóa của Đức Di Lặc Vương Phật.
Trường thi Tiên, Phật dượt kiếp khiên,
Câu
10: Ðức Chí Tôn lập ra một Trường thi Công quả tuyển phong Tiên, Phật vị,
giao cho Ðức Di-Lạc làm Chánh chủ khảo, duyệt xét tội tình của nhơn sanh để
chấm thi đậu rớt.
Tạo đời cải dữ ra hiền,
Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn.
Câu
11-12: Tạo lập đời Thượng nguơn Thánh đức bằng cách giáo hóa người dữ
thành người hiền, bảo toàn sự sống cho chúng sanh, nắm giữ quyền pháp huyền
diệu của Ðức Chí Tôn.
4 - Ý nghĩa của câu kinh Giáng linh Hộ Pháp Di Đà ?
- Theo Cao Đài Tầm Nguyên Tự Điển của soạn giả Nguyên Thủy:
Hộ Pháp
Di Đà 護 法 彌 陀: Theo Phật giáo, Hộ Pháp Di Đà là vị Thần bảo vệ
Phật pháp, hộ trì Tam bảo, giữ gìn cho Phật pháp được tồn tại. Trong các chùa
Phật, người ta thường thờ tượng Hộ Pháp Di Đà cầm cây Giáng ma xử đặt nơi bàn
thờ đối diện với Đại Hùng Bửu Điện, tức Chánh điện Phật…
Theo Đạo Cao Đài, Hộ Pháp là một phẩm chức sắc Hiệp
Thiên Đài cao nhứt, nắm quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, đối phẩm với hàng Phật
vị.
Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp được thờ đối diện
với ngôi Chánh Điện Đức Chí Tôn, hai bên Ngài là Thượng Phẩm và Thượng Sanh,
sau lưng Ngài có thờ "Bùa chữ Khí". Ngài ngự trên Thất Đầu Xà, mình mặc
Khôi Giáp, tay cầm cây Giáng Ma Xử.
Đức Di Lạc Vương Phật giáng Chơn linh xuống phàm
làm một vị Hộ Pháp Di Đà. Đức Hộ Pháp chuyển cây Giáng Ma Xử để xua đuổi trừ khử
tà tinh quỉ quái.
- Theo Trang WIKIPEDIA
Phật giáo thì: Vi Đà hộ pháp hay còn gọi
là Vi Đà Tôn Thiên (chữ Vi chứ không phải Di) là một vị Hộ pháp (và
cũng là Bồ tát)
trong Phật giáo Đại Thừa được
coi là người hộ pháp của các Chùa chiền, tu viện Phật giáo, người bảo vệ các
giáo lý của Phật giáo (pháp)… Trong các ngôi chùa ở Trung Quốc, Việt Nam thường
bài trí tượng Vi Đà với nét mặt hiền hòa, dung mạo tuyệt mỹ, mặc trang phục võ
tướng, tay chống thanh kiếm, đối diện với tượng Phật trong điện thờ chính hoặc
ngoài cùng bên phải của điện thờ chính…Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma,
bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp (stupa) của Phật Tổ (chứa
xá lợi Phật). Kể từ đó hình tượng Vi Đà được song hành cùng linh tháp chứa Xá lợi,
mang ý nghĩa bảo vệ cho Phật pháp.
- Theo một tài liệu được cho là Đức
Hộ Pháp giáng cơ gần đây có giảng nghĩa câu kinh: Giáng linh Hộ Pháp Di Đà như
sau:
Xuống thế trong thời mạt pháp Tam
Kỳ Phổ Độ cùng các hiền nhân khai sinh tôn giáo Cao Đài và là giáo chủ với
Thánh danh Hộ Pháp, nhưng chính ở Ngài từ thử khai thiên là Đấng A-Di-Đà…
Đức Hộ Pháp sẽ đem đến sự huyền
diệu qua cơ bút giáng linh của Đấng A Di Đà để viết nên những sử lược qua văn
bút tâm linh hầu giúp cho nhân thế tự tìm hiểu về cái Đạo mà tự tu tự trị để giải
thoát cho chính mình.
Từ những sử liệu, văn bút sẽ giúp
cho hiền sĩ trí thức hiểu về tôn giáo để tự
cách mạng tâm thân và từ đó tạo nên một ý chí sắt đá và xua đuổi những gì cố hữu
không phù hợp với đà tấn hóa của nhân sinh còn đang ẩn chứa trong tư tưởng…
5 - Ý nghĩa tượng Phật Di Lạc
trên nóc HTĐ Tòa Thánh.
Nhìn vào Đền Thánh từ phía trước, chúng ta sẽ thấy
ngay tượng Đức Phật Di Lạc ở giữa hai lầu chuông và lầu trống. Ngài cởi trên
lưng cọp ngụ ý rằng ngươn hội của Ngài khởi đầu từ năm Bính Dần là năm chính thức
khai mở Đạo Cao Đài. Và qua lời Thánh giáo thì Đạo Cao Đài kéo dài đến thất ức
niên (bảy trăm ngàn năm) vậy ngươn hội của Đức Di Lạc cũng là bảy trăm ngàn
năm.
Về hình dáng Đức Di Lạc, ngài đội mảo Kim khôi Trên
Kim Khôi có thể Tam Sơn, giống như cái chỉa ba ngạnh, chủ nghĩa là Chưởng Quản
Tam Thiên bên Tây Phương Cực Lạc, giống thể Tam sơn trên mão của Đức Hộ
Pháp.
Về y phục phía tay phải Ngài choàng mãng bào và phía
tay trái choàng áo cà sa, với ý nghĩa sứ mạng của Ngài bao gồm cả hai phần Thế
đạo đại đồng và Thiên đạo giải thoát như mục tiêu của Đạo Cao Đài nêu ra.
Thế đạo đại đồng là nhằm xây dựng một xã hội mà mọi
người đều biết lo tu hành chân chính, sống hiền lương, đạo đức. Xã hội lấy luật
thương yêu quyền công chánh làm gốc. Danh từ đạo thường dùng là lập đời Thánh đức
...
Còn Thiên đạo giải thoát là sứ mạng độ rỗi toàn thể
nhân loại trên mặt địa cầu 68 nầy thoát vòng sanh tử luân hồi, cao thăng Thiên
vị nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Ngài ngự trên nóc Hiệp Thiên Đài (HTĐ) mà HTĐ là cơ
quan gìn giữ luật pháp chơn truyền Đại Đạo cho khỏi qui phàm kéo dài đến thất ức
niên.
6 - Có phải Đức Phật Di Lạc mở Hội
Long Hoa và Đức Chúa Jésus tái lâm trong tương lai, hai vị chỉ là một người ?
Phần nầy trích từ Cao Đài Từ Điển:
“Đức Lý Giáo Tông thố lộ nguyên căn của Đức Phạm Hộ
Pháp và quyền năng của Ngài trong bài thi khoán thủ:
1. Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ,
2. Pháp luân thường chuyển máy Thiên thơ.
3. Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị,
4. Quản suất Càn khôn định cõi bờ.
5. Nhị kiếp Tây Âu cầm máy Tạo,
6. Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ.
7. Hình hài Thánh Thể chừ nên tướng,
8. Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.
(Khoán thủ: Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình
Đài)
CHÚ THÍCH:
Câu 1: Đức Ngài là Ngự Mã Thiên Quân hộ giá Đức
Chí Tôn từ trước đến nay.
Câu 2: Đức Ngài nắm về Pháp, xoay chuyển cơ Trời
theo Thiên thơ đã định.
Câu 3: Đức Ngài nắm quyền phân định ngôi vị
nơi cõi CLTG. (Chính Đức Ngài được Đức Chí Tôn sai đi mở cửa CLTG bằng bửu pháp
Giáng Ma Xử cho các chơn linh đạo đức nhập vào CLTG).
Câu 4: Đức Ngài sẽ thay mặt Đức Chí Tôn cầm
quyền cai trị CKTG. Câu nầy kết hợp với bài Kinh Đại Tường cho chúng ta biết rằng,
Đức Hộ Pháp sẽ giáng trần là Đức Di-Lạc Vương Phật, thay mặt Đức Chí Tôn cai trị
CKTG.
Câu 5: Cho biết kiếp giáng sanh xuống trần lần
thứ nhì là Đức Chúa Jésus, mở Đạo Thiên Chúa ở Do Thái rồi truyền qua Âu Châu,
cứu độ các sắc dân Âu Châu.
Câu 6: Kiếp nầy Ngài giáng sanh xuống nước VN
làm Hộ Pháp chưởng quản HTĐ, nắm giữ Thiên điều.
Câu 7: Nhờ Ngài mà hình thể của Đức Chí Tôn tại
thế (tức là Hội Thánh CTĐ) được nên hình tướng.
Câu 8: Phẩm vị của Ngài rất cao trọng, nhơn
sanh gắng cậy nhờ ân huệ lớn lao của Ngài.
Chúng ta với trí não phàm phu thô thiển, không thể hiểu
rõ huyền diệu của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng, nhưng qua các tài liệu
vừa nêu trên, chúng ta có thể nêu lên một thuyết về Nguyên căn của Đức Phạm Hộ
Pháp:
Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp là: Ngự Mã
Thiên Quân, Hộ Giá Đức Chí Tôn.
- Kiếp giáng trần thứ nhứt là Vi Hộ, với bửu pháp
là Giáng Ma Xử, một trong Thất Thánh vào thời Phong Thần. (Thời Phong Thần, cuối
Nhà Thương, khởi đầu Nhà Châu, trước kỷ nguyên Tây lịch chừng 1100 năm). Vi Hộ
sau khi giúp mở ra nhà Châu xong thì trở về núi tu luyện, đắc quả Phật Hộ Pháp,
gọi là Vi Hộ Pháp, tức là Đức Phật Hộ Pháp họ Vi.
- Kiếp giáng trần lần thứ nhì là Đức Chúa Jésus mở
Đạo Thánh Thiên Chúa giáo bên Âu Châu.
- Kiếp giáng trần thời ĐĐTKPĐ là Hộ Pháp Phạm CôngTắc.
- Đức Ngài sẽ giáng sanh xuống trần lần nữa là Đức
Di-Lạc Vương Phật, làm Giáo Chủ Đại Hội Long Hoa, mở ra đời Thượng Nguơn Thánh
đức”.
Như vậy trong tương lai Ngài giáng sanh hay giáng
linh làm Đức Di Lạc Vương Phật, Ngài cũng là Đức Chúa Jésus tái lâm bởi vì
trong quá khứ Ngài đã là Đức Chúa rồi…Vả lại sứ mạng của Chúa tái lâm là để
phán xét cuối cùng cho nhân loại, nghĩa là phong thưởng cho người hiền và trừng
phạt kẻ dữ…Sứ mạng nầy cũng giống như Đức Phật Di Lạc chấm điểm cho những người
thi đậu vào Long Hoa Đại Hội…Và cả hai đều xảy ra vào thời kỳ cuối cùng tức Hạ
Ngươn Tam Chuyển. Vậy cả hai vị có cùng một sứ mạng và một mốc thời gian giống
nhau vậy chỉ có thể là một vị mà thôi…
7 - Có phải Đức Di Lạc thị hiện để
điểm Đạo cho chúng sanh trong tương lai là một vị Giáo Tông hay không ?
- Nhìn hình tượng Đức Phật Di Lạc trên nóc Hiệp
Thiên Đài Tòa Thánh và Ngài đã giáng linh thành một vị Hộ Pháp Di Đà, chúng ta
nghĩ ngay đến Ngài sẽ đến trong phẩm vị một chức sắc HTĐ thì đúng hơn.
- Hơn nữa trong câu kinh: Tái sanh sửa đổi chơn
truyền, phải là một vị có quyền năng cao cả nắm về mặt Luật và Pháp của Đạo
mới có thể sửa đổi được.
Vậy chúng ta có thể đoán chắc rằng Ngài sẽ đảm nhiệm
vai trò của chức sắc Hiệp Thiên Đài trong tương lai chớ không phải với địa vị
Giáo Tông bên Cửu Trùng Đài…
8 - Đức Phật Di Lạc chỉ thị hiện
trong Đạo Cao Đài hay Ngài còn đến với các tôn giáo khác ?
Trong nội bộ các tôn giáo khác cũng có nói về một
cuộc phán xét cuối cùng hay hội Long Hoa giống như đại hội Long Hoa trong đạo
Cao Đài. Đây là một cuộc biến chuyển của toàn thể địa cầu 68 nầy để tiến sang một
thời kỳ mới là Thượng ngươn Thánh đức. Ta biết rằng đại hội Long Hoa do Đức Phật
Di Lạc là chánh chủ khảo, nhưng một vị Phật có thể phân thân giáng trần hay
giáng linh nhiều nơi cùng một lúc hoặc tùy thời kỳ khác nhau, nên Ngài có thể
xuất hiện nơi nầy nơi kia với nhiều danh hiệu khác nhau ta cũng không nên lấy
làm lạ.
Nhưng mà cuối cùng Ngài cũng sẽ qui nhứt đức tin
nhân loại về một gốc mà thôi vì từ mấy trăm năm trước đã có câu sấm truyền:
Mạt hậu càn khôn đồng nhứt đái, Thiên môn vạn giáo cộng qui căn. (kinh Tỉnh Thế
Ngộ Chơn)
9 - Kết luận.
Đức Phật Di Lạc giáng linh vào Ngự Mã Thiên Quân,
chính là Đức Hộ Pháp. Ngài đã đến để giúp Đức Chí Tôn mở Đạo, tuy nhiên thời kỳ
đầu nầy Ngài còn mai danh ẩn tích vì sợ chúng sanh làm hại như thời kỳ Đức Chúa
Jésus vậy. Sứ mạng của Ngài quá ư trọng đại, ngươn hội của Ngài quá ư lâu dài
nên Ngài còn phải đến và còn đến nữa trong tương lai bảy trăm ngàn năm mới mãn.
Sứ Mạng của Ngài về phần Đạo và cả phần đời. Ngài
tuyển lựa chúng sanh vào Hội Long Hoa, Ngài độ rỗi 92 ức nguyên nhân và tất cả
nhân loài trên trái đất trở về ngôi xưa vị cũ. Ngài còn tạo lập một thế giới đại
đồng trong tình thương yêu, công chánh trong đạo đức luân thường phục hưng tốt
đẹp…
Biết vậy chúng ta phải lo tu hành gấp rút không nên
giải đải mà phí uổng thời gian nơi cõi thế. Chúng ta phải nhận định con đường
nào đúng đắn để bước đến Long Hoa hội và đề thi Long Hoa là gì để làm bài cho
đúng. Chúng ta phải thật sáng suốt và phải có đức tin vững mạnh nơi Đức Chí Tôn
và Phật Mẫu…cùng có tâm dũng mảnh thì mới mau đắc kỳ sở nguyện vậy…
* Quang Thông (3-2023).
Phần giải đáp các câu hỏi :
Câu hỏi 1:
Theo sự kết luận của Huynh thì Đức Hộ Pháp:
“Đức Ngài sẽ giáng sanh xuống trần lần nữa là Đức Di-Lạc Vương Phật, làm Giáo
Chủ Đại Hội Long Hoa, mở ra đời Thượng Nguơn Thánh đức”. Nhưng theo một bài
thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp (quyển 5, bài 39) có đoạn:
“Qua cuối Hạ nguơn Đức Chí Tôn đến để mở Hội Long
Hoa đặng lập vị cho Đức Di Lặc Vương Phật. Nhưng khi ấy cả Chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật tại Ngọc Hư Cung cầu xin Đức Ngài để cho các Đấng ấy đảm đương phận
sự thay thế cho Ngài. Vì cớ cho nên Ngài không đi, Ngài không có đến tức nhiên
Ngài không có giáng trần tái kiếp. Từ thử đến giờ,
Bần Đạo chưa hề biết nói đến sứ mạng Thiêng Liêng của Bần Đạo, là vì Đức Chí
Tôn không đi, nên mới có Hộ Pháp của Ngài đến. Hộ Pháp của Ngài đến, cốt yếu
thay thế cho Ngài đặng lập vị cho Đức Phật Di Lặc Vương Phật mở Hội Long Hoa, tức
nhiên sứ mạng của Hộ Pháp là cầm cân công bình Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn
giao phó”
Đoạn văn trên dường như ý của ĐHP là Ngài
thay thế ĐCT giáng trần để lập vị cho Đức Phật Di Lạc. Huynh nghĩ
đoạn văn này có khác với thuyết Huynh đưa ra không?
Giải đáp:
- Để trả lời câu hỏi nầy, trước tiên chúng ta đọc lại
đoạn Đức Hộ Pháp nói chính Ngài sẽ mở Hội Long Hoa tại Tòa Thánh vào năm Tý,
nhưng chưa biết vào năm Tý nào. Vào năm 1956, theo tài liệu Thánh Ngôn Sưu Tập,
Đức Hộ Pháp đã dự định gởi thư mời các tôn giáo đến Tòa Thánh dự Hội Long Hoa,
nhưng cuối cùng không thực hiện được.
Nhiệm vụ mở Hội Long Hoa là của Đức Phật Di Lạc, mà
Đức Hộ Pháp Ngài sẽ mở Hội Long Hoa, vậy Ngài mặc nhiên nhận mình là Đức Di Lạc
nhưng không nói ra thôi. Ngài biết Ngài sẽ trở lại một lần nữa, lần nầy với
một hóa thân khác và sẽ tu hành đắc Đạo khi đó Ngài sẽ chánh thức xưng là Phật
Di Lạc.
Kiếp sanh nầy (Đức Hộ Pháp PCT) Ngài chỉ nói thay
thế Đức Chí Tôn đến lập vị cho Đức Phật Di Lạc, điều nầy có nghĩa là Ngài đã lập
nên hình thể Đạo, Ngài giảng dạy đủ mọi phương tu luyện để con cái Chí Tôn theo
đó tu hành đoạt Đạo, Ngài truyền bí pháp Đạo,...Để rồi sau nầy khi Đức Phật Di
Lạc tái sinh theo đó tu hành mà đoạt Đạo và sẽ điểm Đạo cho chúng sanh như đoạn
ĐHP thuyết vào ngày 30-8-Nhân Thìn (1952):
"Ngày giờ nào khi nhơn-sanh đã tiến bước, Bần
Đạo chỉ nói một người mà thôi đoạt được Phật-vị thì
ngày ấy Hội-Long Hoa mới mở, mà Hội-Long Hoa chưa có mở thì Đức Di-Lạc
chưa có đến". (danh từ "mở" Hội Long Hoa trong đoạn nầy chúng ta
có thể hiểu là Hội Long Hoa chánh thức được tổ chức nơi Tòa Thánh).
Câu hỏi 2 :
“Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có
treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy
trong hàng Phật có ba người:
Phật Thích Ca
Phật Di Lặc
Ðức Chúa Christ
Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người
sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết
đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói”.
(Thuyết Đạo ĐHP ngày 29-4- Đinh Hợi (1947)
Trong đoạn nầy Đức Hộ Pháp có
nói: một trong 3 Đấng là Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jésus Christ, Đức Phật Di
Lạc sẽ được chọn làm Trời. kế vị Đức Chí Tôn. Nếu Đức Phật Di Lạc là Đức Chúa
thì chỉ còn 2 Đấng thôi ?
Giải đáp :
Dĩ nhiên là trên cõi Thiêng Liêng
3 vị: Phật Thích Ca, Đức Chúa Jésus và Đức Phật Di Lạc là 3 vị khác nhau, nhưng
khi các vị giáng linh vào Đức Hộ Pháp thì Ngài nhận cả 2 sứ mạng của Đức Chúa
và cả Đức Phật Di Lạc.
Chúng ta nên biết rằng khi một vị Tiên Phật nào chiết
điểm Linh Quang giáng trần thì chỉ một phần Linh Quang của vị ấy giáng nơi cõi
thế mà thôi. Thí dụ như Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang là ngươn linh Đại Tiên Lữ
Đồng Tân giáng trần, nhưng đồng thời trên kia vẫn còn Đức Lữ Đồng Tân giáng cơ
dạy Đạo...
Quan niệm 2 vị là một cũng không
có gì lạ như trong đoạn của Thông Thiên Học sau đây:
"Đức Bồ Tát [2] hiện
kim là Đức Di Lặc (Seigneur Maîtreya); Ngài đã giáng phàm hai lần. Lần thứ nhứt
tại Ấn Độ 2.400 năm trước đây lấy tên là Chúa Hài đồng Christna, múa hát với
các nữ mục đồng Gori. Lần thứ nhì, tại Palestine, Ngài mượn xác Đức Jésus, nên
người ta gọi Ngài là Jésus-Christ. Luôn luôn Ngài nhấn mạnh về giá trị của cá
nhơn và sự hi sanh Bản ngã". (trích QUẦN TIÊN HỘI VÀ SỰ CAI TRỊ THẾ
GIAN, web site Thông Thiên Học)
Home. Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18].