Thảo Luận Giáo Lý. * Bảo Chơn.

Đề tài Kinh Tận Độ vong linh.
1 - Tại sao ở thế gian cấm uống rượu nhưng ở cõi Thiêng Liêng nhiều lần chơn hồn được ban thưởng tiên tửu ?
Rượu ở thế gian làm bằng chất men với nồng độ cao có hại cho thể xác và chơn thần con người, nhưng rượu ở cõi Thiêng liêng làm bằng quả đào tiên nên không có hại mà trái lại còn tốt cho chơn thần. Vì vậy qua các bài kinh Cửu có rất nhiều lần chơn thần được ban cho Tiên tửu:
Kinh Nhị Cửu:
Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,
Chén trường sanh có lịnh ngự ban.
Chén trường sanh là chén rượu uống vào sẽ sống thọ nơi cõi Thiêng liêng.
Kinh Bát Cửu:
Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,...
Hồ Tiên vội rót tức thì,
Lại một phen chơn thần được thưởng thức Tiên tửu.
Kinh Cửu Cửu:
Hội Bàn Đào Diêu Trì Cung,
Phục sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.
Như vậy Tiên tửu là phần thưởng quý báu cho các chơn thần về đến các cõi Thiêng Liêng và uống vào sẽ được trường sanh như là ở cõi trần ta được tăng thêm thọ mạng vậy.
2 - Minh Cảnh Đài và Kinh Vô Tự hai cái nầy khác nhau như thế nào ?
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo trong Con Đường TLHS nói về Minh Cảnh Ðài như sau:
"Ðài ấy là Tòa Tam Giáo, chúng ta không thấy cái trạng thái hình thể nó ra sao. Khi chúng ta đến, hào quang chiếu diệu xông lên như ngọn lửa vậy. Lửa ấy chẳng phải lửa thật, nó là hào quang, cho ta thấy trước rồi biến mất đi, kế thấy một cây Cân Công Bình hiện ra trước mắt chúng ta, rồi cũng từ từ biến mất. Chúng ta thấy mình chẳng khác nào như khán giả đứng trước đài kia coi cả kiếp sanh của chúng ta, không điều gì sót, phải chăng nơi ấy Kinh Phật gọi là Minh Cảnh Ðài? Trước mặt chúng ta, khi trước chúng ta làm những việc gì, nay nó chiếu lại cho xem, chẳng khác gì như mình xem tuồng hát bóng vậy. Mỗi khi mình hành động gì trong kiếp sanh khi xưa, hôm nay đều ngó thấy trước mặt, và Cân ấy tùy theo nên hư tội phước mà hiện tượng ra hết thảy, quyết đoán một cách công bình, không sai chút nào hết. Phải chăng đó là huyền bí của Tòa Thiêng Liêng  ấy? Vậy hành tàng đã có trước mặt, Luật Tam giáo chẳng hề sai chạy. Kiếp sanh đã làm gì, Ðời hay Ðạo, mặt Thiêng Liêng không sót một điều."
Cũng trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết về Vô Tự Kinh như sau:
"Nếu khi về được rồi thân-nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một Cung có một quyển sách Thiên-Thơ để trước mặt ta, dỡ ra xem thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì thì trong quyển Thiên-Thơ ấy nó hiện-tượng ra hết. Chúng ta tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử cho mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là đoạt đến địa-vị nào, mình đứng đến mức nào, thì cũng do mình định-đoạt lấy.
Vị Chưởng-Quản nơi Cung ấy theo tiếng phàm của chúng ta đặt tên là Nam-Tào Bắc-Đẩu. Nơi Nam-Tào Bắc-Đẩu không có ai trị hết, chính ta trị ta; không có ai định kiếp cho ta, chính ta định kiếp cho ta; chưa có ai phân tội phước cho ta, chính ta định tội phước cho ta, mạng căn kiếp số ta, ta định, không có một hình-luật nào buộc được chúng ta, chúng ta có quyền tự-do, quyền sở-hữu định mạng căn cho ta vậy…” (23-2-1949)
“Các tội-tình đều đưa ra trước mặt, từ Tiểu-Hồi tức nhiên là giác-hồn, sanh tử biết bao nhiêu kiếp sanh, mới đoạt đến Đại-Hồi. Cả cái sanh-hoạt, cả cái liên quan, cả cái căn bản, cả cái quả kiếp bất kỳ cái gì thì trong quyển Vô-Tự-Kinh đều có ghi ghép. Chính ta định cho ta, mà chối sao được, dầu muốn chối cũng không chối đặng. Chính Chơn-Thần ta định-án cho ta chớ không phải ai định-án cho ta, sợ hay chăng là điều đó vậy”. (27-2-1949)
Như vậy khi đến Minh Cảnh Đài thì ta đi chỉ có một mình và xem cả hình ảnh kiếp sanh của ta hiện ra như xem phim chiếu bóng.
Còn khi vào cung có quyển kinh vô tự thì ta đi cùng với cả thân nhân của ta trên cõi Thiêng Liêng. Quyển kinh nầy không có chữ , khi ta đến dỡ ra thì nó mới hiện chữ lên: Quyển kinh nầy có ghi rõ ràng tên họ ta và hành tàng ta làm trong cả kiếp sanh, và trăm ngàn kiếp sanh của ta từ Tiểu hồi lên Đại hồi… Và khi xem xong ta sẽ tự mình định tội cho ta nên ta không chối cãi được. Khi ta thấy hối tiếc vì kiếp sanh gây nhiều tội lỗi thì lúc đó ta liền bị giáng xuống cảnh đọa, mà tông đường ta cũng chia sự khổ não nên đó là một hình phạt đáng sợ...
3 - Mình định án cho mình thì mình có thiên vị hay định án nặng hơn không ?
Sau khi xem Vô Tự Kinh thì chính chơn linh ta sẽ định tội phước cho ta. Chơn linh là điểm linh quang của Đức Chí Tôn ban cho nên rất công bình vô tư, không khi nào thiên vị. Trái lại, chơn linh ta còn có khuynh hướng định tội nặng hơn để trả cho sạch tội tình, oan nghiệt. Với lại khi còn ở cõi trần, chơn thần ta đã không nghe theo điểm lương tâm hay chơn linh mới gây lắm tội tình, nay chơn linh buộc phải xử nặng. Vì vậy các Đấng Thiêng Liêng có nhiệm vụ nơi đó lo sợ cho mình kêu án mình quá nặng như lời thuyết CĐTLHS của Đức Hộ Pháp :
"Trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa cốt yếu chỉ cho người tội nhơn ấy làm tòa xử lấy họ, họ biết tự-tỉnh lấy họ, tự-tỉnh lấy họ đặng ngó thấy quả kiếp bớt oai-quyền mà quyết định tội mình. Trái lại người tội nhơn làm tòa xử lấy mình, còn người cầm-quyền lại để bảo-vệ hạnh-phúc, giảm bớt tội tình cho ta, cầm-quyền chánh-trị Càn-Khôn Vũ-Trụ là vậy đó... Khi chúng ta vô đến Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa rủi chúng ta có làm tội tình, thì dường như các Đấng ngự nơi Cung ấy hồi hộp lo sợ, họ sợ mà mình không sợ. Trái lại họ sợ cho mình, sợ mình kêu án mình quá nặng nói trái ngược vậy đó”. (3-3-1949)
Cũng theo lời dạy Đức Hộ Pháp, nếu mình không muốn chơn linh mình kết tội nặng cho chơn thần thì ngay khi còn sinh tiền ta phải biết xét mình, ăn năn sám hối về tội lỗi mình đã lỡ gây ra. Mình tìm cách quẹt lọ cho mình như thú tội với Hội Thánh để có hình phạt tượng trưng thì sau chơn linh không kết tội nặng nữa vì một tội chỉ phải chịu một hình phạt mà thôi…
4 - Tại sao trong kinh Tam Cửu chơn hồn gặp vị Lão Quân rồi đến kinh Ngũ Cửu lại gặp Đức Lão Quân lần nữa ?
Trong kinh Tam Cửu chơn hồn gặp Lão Quân để nhận sách Trường Xuân :
Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,
Hội Thánh Minh giao sách Trường xuân.
Trường Xuân là trẻ mãi không già, có lẽ sách chỉ dạy cách tu luyện để thành Tiên tác Phật vì khi đoạt vị Tiên Phật thì mới không già không chết.
Đến kinh Ngũ Cửu 2 câu cuối:
Kỵ kim quang kiến Lão Quân,
Dựa xe Như Ý oai Thần tiển thăng.
Lần nầy chơn hồn gặp lại Đức Lão Quân để được Ngài chỉ dạy thêm sau khi chơn hồn học tập theo sách Trường Xuân và sau đó được ban cho chiếc xe Như Ý dùng để bay qua tầng Trời Kim Thiên.
 
5 - Từng cửu thứ nhứt và thứ hai có phải chơn hồn qua 2 tầng trời thứ nhứt và thứ hai ?
Theo lời giảng của Đức Hộ Pháp, cửu thứ 9 chơn hồn về đến tầng trời thứ 9 là Tạo Hóa Thiên, vậy cửu thứ nhứt thì chơn hồn sẽ đến tầng trời thứ nhứt, và cửu thứ hai sẽ lên tầng trời thứ hai. Tuy nhiên trong hai bài kinh Nhứt Cửu và Nhị Cửu không có cho biết tên của 2 tầng trời nầy. Trong bài kinh Nhứt Cửu có nói cái hoa bổn mạng của mình trên vườn Ngạn Uyển đã héo tàn và chơn hồn đi qua cung thiềm là mặt trăng mà thôi.
Trong bài kinh Nhị Cửu có nói đến Vườn Đào Tiên của Đức Bà Tây Vương Mẫu, và Nhị Nương DTC là người cai quản vườn đào nầy.
Vậy chúng ta coi đây là những đặc điểm để nhận biết hai tầng trời nầy.
6 - Sau khi nghiên cứu qua các bài kinh Tận Độ vong linh từ Nhứt Cửu đến Đại Tường, Di Lạc Chơn Kinh, huynh tỷ rút ra được 3 điều gì quan trọng nhứt để có thể áp dụng trên đường tu của mình ?
Ba điều mình cho là quan trọng nhứt để giúp cho sự giải thoát linh hồn đó là:
- Phải thường xét mình hằng bửa, nếu thấy lỗi mình phải rán sửa đổi, ăn năn.
- Giữ gìn luật Đạo để không phạm Thiên điều như: thất thệ, tạo ra sự xích mích giữa Đồng Đạo hay làm mất danh thể Đạo…
- Cố gắng học hỏi để có thể đi nhanh hơn trên đường Đạo.
7 - Thường ngày tụng Di Lạc Chơn Kinh, điều nào bạn tâm đắc nhứt trong Kinh Di Lạc?
Ý kiến 1:
Mình tin tưởng trong tương lai, có thể vô số kiếp sanh, nhưng mình sẽ thành Phật, vì trong kinh Di Lạc có nói đến hằng hà sa số chư Phật. Chúng ta biết rằng Thất Thập Nhị Địa chỉ là trường thi để chúng sanh đến đây lập công tu hành, còn các phần trên của càn khôn thế giới như Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu, Tam Thiên Thế Giới là ngôi vị Thiêng Liêng…Con đường đi mình thấy được điểm đến chớ không phải mờ hồ nữa. Mình cũng thấy các hàng Tiên Phật dù đã đoạt vị nhưng vẫn luôn tiếp tục lập công để tiến hóa cao hơn. Vì vậy không lý do gì chúng ta đứng lại…
 
Ý kiến 2:
Tất cả mọi chức sắc, tín đồ phải “tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ” tức là phải tuân theo pháp luật, chơn truyền của Đạo thì mới hưởng được cơ Tận độ.
 
Ý kiến 3:
Chúng ta thấy có 4 lý do để mình tụng Di Lạc Chơn Kinh hằng ngày, đó là:
- Nhắc nhở ta tuân theo luật pháp Đạo.
- Cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát.
- Diệt trừ ma chướng quấy phá để ta an ổn tu hành.
- Cầu siêu rỗi cho Cửu Huyền Thất Tổ.
 
Ý kiến 4:
- Nếu chúng ta có đức tin mạnh, Di Lạc Chơn Kinh giúp ta giải trừ nghiệp chướng và giải thoát linh hồn. Kinh Di Lạc có đầy đủ các hồng danh chư Phật giúp ta tiêu trừ nghiệp chướng và giải thoát luân hồi sanh tử.
* Bảo Chơn (ghi lại)

Home Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18].