CON ĐƯỜNG ĐẠI ĐẠO . * Quang Thông.

(tiếp theo kỳ trước)

CỨU CÁNH ĐẠO CAO.
 
Cứu cánh được định nghĩa là mục đích cuối cùng, vậy mục đích cuối cùng của Đạo Cao Đài là gì ?
Trong đạo Cao Đài ta vẫn thường nghe câu: Thế Đạo đại đồng, Thiên Đạo giải thoát.
Câu nầy tuy đơn giản nhưng đã nói lên cứu cánh của đạo Cao Đài. Chúng ta hãy lần lượt phân tích khảo cứu 2 đề mục nầy.
Phần 1 : THIÊN ĐẠO GIẢI THOÁT.
Nhắc lại lời Thánh giáo Đức Chí Tôn:
"Phổ là bày ra, Độ là cứu chúng sanh, Chúng sanh là toàn cả nhân loại, chớ không phải lựa chọn một phần người như ý phàm các con tính rổi".
Ở một đoạn Thánh giáo khác Thầy cũng có dạy:
"Thử nghĩ lập một nước còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền, huống chi trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả năm châu thì trách nhậm ấy lớn lao là bực nào ?"
Theo như ý nghĩa 2 câu Thánh giáo nầy thì trách nhiệm của Tam Kỳ Phổ Độ là phải độ rổi tất cả nhân loại trên địa cầu nầy không chừa sót một ai. Đây là một sứ mạng lớn lao mà xưa nay chưa có tôn giáo nào làm đặng. Để thực hiện sứ mạng nầy Đức Chí Tôn đã mở ra cơ tận độ.
1 - Đức Chí Tôn mở cơ Tận độ chúng sanh, độ cho người sống lẫn người chết và dầu hạng người nào cũng có cơ hội tu hành được.
Trong Lời Tựa của quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Hội Thánh đã có giải rõ như sau:
"Từ khi mở Đạo, Chí-Tôn duy giáng cơ truyền cho Phật-Giáo, Minh-Sư, Minh-Đường, Minh-Lý dạy dâng kinh cho Đại-Đao Tam-Kỳ Phổ-Độ, song kinh Tận-Độ vong linh chưa hề giáng cơ cho nơi nào tất cả.
Đức Quyền Giáo-Tông (khi còn tại thế) và Đức Hộ-Pháp, trót mười năm trường, nghĩa là từ ngày mở Đạo, đã nhiều phen dâng sớ cho Đại Từ-Phụ và các Đấng Thiêng-Liêng đặng xin kinh Tận-Độ, nhưng mà Chí-Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vẫn chưa định ban ân cho toàn sanh chúng.
Mãi đến ngày 23 tháng 7 tới mùng 4 tháng 8 năm Ất-Hợi (DL, 21 đến 31 - 8 - 1935) mới giáng cho Tân-Kinh. Ấy là một giọt nước Cam-Lộ của Đức Từ-Bi rưới chan đặng gội-nhuần cho các đẳng linh-hồn của toàn Thế-Giới.
Chúng ta thầm xét thì đủ hiểu rằng: Đã trải qua mười năm Chí-Tôn mới mở cơ tận độ. Cơ tận độ nhơn sanh duy kể từ ngày ban Tân-Kinh nầy mà thôi.
Thương thay cho những kẻ vô phần chịu phận thiệt thòi qui liễu trước ngày Tân-Kinh chuyển Pháp. Ấy cũng là quả kiếp của nhơn sanh do Thiên-Thơ tiền định. Nếu chúng ta thương tưởng thì duy có một phương độ-rỗi là trì tụng Di-Lặc Chơn-Kinh hầu các đẳng linh-hồn đặng siêu-thăng Tịnh-độ".
Như lời giải trên của Hội Thánh, Di Lặc Chơn Kinh là bổn kinh quan trọng nhứt để siêu độ vong linh dầu đã chết lâu hay mới chết. Khi còn sanh tiền chúng ta trì tụng kinh nầy hằng ngày sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng như trong đoạn kinh :
"Nhược hữu nhơn thọ trì khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm : Nam Mô Di Lặc Vương Bồ Tát, năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư nghiệt chướng tất đắc giải thoát".
Ngoài ra các bài kinh khác cũng nói lên Cơ Tận Độ và Đại Ân Xá của Đạo Cao Đài như các đoạn:
"Hỗn Ngươn Thiên dưới quyền Giáo chủ,
Di Lặc đương thâu thủ phổ duyên.
Tái sanh sửa đổi chơn truyền,
Khai cơ Tận độ cửu tuyền diệt vong". (kinh Đại Tường)
"Nam Mô Thượng Đế Ngọc Hoàng,
Mở cơ Tận độ nhẹ nhàng chơn linh" (Kinh Đưa Linh Cửu)
"Hườn hồn chuyển đọa vi thăng"
Nghĩa là : Hườn hồn cho cả chúng sanh bị tiêu hủy được phục siêu sanh cải đọa lạc ra siêu thăng. (ĐHP)
"Trùng hườn phục vị Thiên môn"
Nghĩa là: cho trở lại ngôi xưa vị cũ là về nơi cửa Trời. (ĐHP)
Ngài Hồ Bảo Đạo giải nghĩa thêm chữ “trùng hườn” nghĩa là đi về chung một lượt ý nói số đông cùng về ngôi xưa cảnh cũ.
"Ngươn linh hóa chủng quỉ hồn nhứt thăng"
Nghĩa là: Các Huyền linh biến hóa ra nhiều quỉ hồn cũng được siêu thăng, được đi chung đường với Thần Thánh Tiên Phật mà phục vị. (ĐHP)
"Vô địa ngục vô quỉ quan"
Không còn địa ngục cũng không còn chỗ nhốt quỉ hồn, không còn quỉ quan là cai ngục nhốt các quỉ hồn.
"Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên".
Điểm kế tiếp là trong Đạo được phân chia ra nhiếu cơ quan Hành chánh, Phước Thiện, Phổ Tế, Pháp Chánh, Ban Thế Đạo, Ban Đạo Sử, Ban Kiến Trúc,… đủ mọi ngành nghề như ngoài xã hội… nên nhơn sanh dầu trình độ nào cũng có thể vào lập công trong cửa Đạo …
Để thực hiện cơ tận độ Cao Đài đã đưa ra những phương pháp độ rỗi nhơn sanh hữu hiệu có thể kể ra sau đây:
2
- Pháp tu tại thế: Nghĩa là người tu bắt đầu không cần phải sống ly gia cắt ái tu hành khổ hạnh như buổi nhị kỳ phổ độ.
Người tu vẫn sống đời sống gia đình bình thường, và lo tròn phần nhơn đạo như bổn phận làm con, làm cha mẹ, làm công dân...đồng thời tuân giữ theo luật Đạo của người tín đồ ăn chay, giữ ngũ giới cấm,... Sau đó bước lần lên tham gia vào Bàn Tri Sự, hoặc các ban chuyên môn: lễ nhạc, đồng nhi, thư ký, ban đạo tỳ, nhà thuyền,... Đây là thời kỳ lo học Đạo và học phương cách hành Đạo để bước lên cầu phong các chức phẩm chức sắc cao hơn...Thời gian nầy vừa lo bề sanh nhai cho gia đình vừa lo hành Đạo nơi địa phương...Khi đã đến tuổi trung niên đã tạo được cơ ngơi sự nghiệp đời rồi thì hơi nhẹ gánh gia đình thì sẽ cầu phong để dành toàn thời gian đi hành Đạo ...Con đường nầy dễ dàng hơn cho người tu hành vừa trả được nghiệp đời vừa tạo được sự nghiệp Đạo ...
Trong lịch sử Cao Đài có nhiều vị chức sắc cao cấp như Đầu Sư là hàng Tiên vị đã leo lên từ bậc tín đồ...
3 - Về đề mục tu hành cũng dễ dàng hơn xưa.
Đề mục tu hành buổi Tam Kỳ chính yếu là lập công quả như lời Thánh giáo :
"Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả".
Buổi ban sơ có vài chức sắc khi qui vị, Đức Lý giáng cơ cho biết Ngài dở Thiên thơ ra xem thầy trống trải quá nghĩa là chưa lập được công quả xứng đáng thì Ngài không can dự vào để xin siêu rổi cho...Điều nầy chứng tỏ Thiêng Liêng xét phần công quả là chính yếu xem có đạt phẩm vị không.
Chúng ta cũng lưu ý giáo lý Cao Đài không phân biệt công quả hay công đức mà chỉ làm công quả với cái tâm thương yêu, phụng sự chúng sanh thì cũng là công đức rồi...
4 - Đức Chí Tôn cho đem ngôi vị Cửu phẩm Thần Tiên để nơi mặt thế cho con cái Người nếu đạt được nơi thế gian thì khi về Thiêng liêng vẫn được đối phẩm tương đương . Đây là một ân huệ lớn lao mà xưa nay chưa có tôn giáo nào có được...
- Đức Hộ Pháp thuyết Đạo :
"…Đức Chí Tôn đến cậy nhơn sanh làm Thánh Thể của Ngài, Ngài phải bồi thường, phải trả mắc cho người, người ta mới phụng sự cho Ngài trả bằng cách đến ký hòa ước với loài người nhứt là với dân tộc Việt Nam nầy trước đã, nếu các người thay thế cho Tôi phụng sự con cái Tôi, Tôi có phận sự lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật cho các người chịu không? Nếu các người chịu làm tôi cho con cái Tôi, cho vừa sức Tôi muốn, cho vừa sở ý Tôi định, thì Tôi sẽ trả mắt cho mấy người, vì công ấy Tôi thường lại ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật, tức nhiên Tôi đem đưa cơ quan giải thoát nơi tay mấy người, mấy người đạt được nơi thế nầy thế nào, nơi cõi vô hình Tôi cũng không chối cải".
5 - Nữ phái được nâng đỡ đồng quyền cùng nam phái trong Tam Kỳ Phổ Độ.
Đại Từ Phụ đã nâng đỡ Nữ phái, ban cho phẩm trật, quyền hành để có thể ngang bằng cùng Nam phái.
"Phần các con truyền đạo kỳ Phổ-độ nầy cũng lắm nặng nề; bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch-Ngọc-Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều". (TNHT)
Theo Pháp Chánh Truyền , chức sắc Nam phái trong hàng Thánh thể có số lượng ấn định: nhứt Phật, tam Tiên, tam thập lục Thánh, thất thập nhị Hiền, tam thiên Đồ đệ, nhưng chức sắc Nữ phái thì vô hạn định chỉ không đạt đến phẩm Chưởng Pháp và Giáo Tông mà thôi ... Thật là một ân huệ to lớn cho Nữ phái lập vị trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ. . .
6 - Đức Chí Tôn đã để các bí pháp trong các sinh hoạt Đạo thường ngày để con cái Người dễ dàng đoạt Đạo.
Đạo Cao Đài rất xem trọng việc cúng kiếng. Tân luật quy định người tín đồ phải lập Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn nơi tư gia và cúng kiếng tứ thời mỗi ngày. Ngoài ra người Đạo còn cúng đàn lễ nơi Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu...Việc cúng kiếng là việc rất dễ làm, dễ tu, ai làm cũng được. Nhưng Thầy đã cho lồng bí pháp đoạt Đạo trong sinh hoạt thường ngày nầy. Các Đấng cũng giải thích cho biết cúng kiếng là cho linh hồn ăn uống. Và trong cuối đàn cúng có phần dâng tam bửu cho Đức Chí Tôn, đây cũng là bí pháp quan trọng như Đức Hộ Pháp đã từng thuyết về phần nầy rất nhiều lần...
Như vậy Đức Chí Tôn đem bí pháp đoạt Đạo lồng vào những sinh hoạt Đạo thường ngày để ai cũng có thể tu hành đọat cơ giải thoát được hết.
7 - Đức Chí Tôn ban cho cuộc đại ân xá để người tu được giảm trừ chướng nghiệp, nhẹ nhàng trong đời sống để lo tu hành đoạt Đạo.
Đại ân xá là gì?
Theo luật nhân quả, nếu chúng sanh gây ra tội lỗi trong quá khứ, nay phải chịu hình phạt tương ứng đền bù gọi  là trả quả.
Nay nhằm thời kỳ Đức Chí Tôn khai mở Tam Kỳ Phổ Độ  nên Thầy mở cơ đại ân xá có nghĩa là các hình phạt trả quả nghiệp được xóa bỏ hay giảm nhẹ để nhơn sanh dễ bề tu hành giải thoát...
Mỗi kỳ khai đạo đều có một cuộc ân xá, tuy nhiên Đạo Cao Đài thì gọi là đại ân xá có nghĩa là cuộc ân xá lớn để cho nhơn sanh nhẹ nhàng trong đời sống mà tu hành dễ dàng đoạt Đạo. Như Thánh giáo các Đấng đã dạy lúc sơ khai Đức Phật Mẫu cho xuống thế một trăm ức nguyên nhân và trải qua hai thời kỳ phổ độ chỉ mới trở về có 8 ức còn lại 92 ức vẫn còn bị đọa trần nên kỳ nầy là kỳ chót Đức Chí Tôn mở cơ đại ân xá nghĩa là tha thứ tội lỗi tiền khiên và tạo điều kiện dễ dàng cho nhơn sanh tu hành đoạt đạo trở về ngôi xưa vị cũ. . .
Trong quyển Thánh Huấn Hành Thiện cũng có đoạn:
"Vì Thầy muốn cho các con của Thầy lập công cho kịp Long Hoa Hội, nếu trể phải chờ qua khỏi thất ức niên mới lập công tạo vị cao thăng phẩm giá nơi Thiêng liêng.
"Kỳ Hạ Ngươn nầy chính Thầy đến độ các con và ân xá cho các con tu thật dễ. Chỉ có lập đức, lập công và lập ngôn, tu chơn luyện tánh tại gia mà các con được đắc quả, như thế sung sướng dường bao mà các con chưa chịu tu còn chờ chừng nào Thầy không biết. Thầy cho các con nhồi quả trả một kiếp nầy là xong một kiếp nợ. Các con suy nghĩ đi nào". (THHT, bài 36)
Về Kinh kệ:
- Quan trọng nhứt phải kể trước tiên là Phật Mẫu Chơn Kinh:
"Vô địa ngục, vô quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên…"
Ý nghĩa : Không còn địa ngục cũng không còn chỗ nhốt quỉ hồn, Quỉ quan là cai ngục nhốt các hồn quỉ, là nơi giam cầm hình phạt khổ sở các quỉ hồn…
Chí Tôn ân xá tội tình, đem tất cả con cái của Ngài về hiệp cùng Ngài…
Kế tiếp là trong bài kinh Giải oan với các câu kinh:
"May đặng gặp hồng ân chan rưới,
Giải trái oan sạch tội tiền khiên. 
Đóng địa ngục mở tầng Thiên,
Khai miền Cực lạc dẫn miền Tây phương."
Tức là may nhờ gặp đại ân xá kỳ ba nầy nên mới được tha hết các tội tình từ các kiếp trước. Địa ngục nay bị đóng lại và đường về Tây phương thì khai mở để độ rỗi các đẳng chơn hồn.
Khi cửa địa ngục bị đóng lại thì các tội hồn trước kia nay cho đầu kiếp lên thế gian để lập công tạo vị, tức là trên thế gian ngày nay gồm cả nguyên nhân, hóa nhân và quỉ nhân đều có cơ hội lập công đoạt vị. Trong TNHT, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn có giảng giải:
"Bần đạo khi đắc lịnh cầm Chưởng đạo lập Hội Thánh giáo Đạo tha phương, thì tùng lòng bác ái của Chí Tôn, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị, Bần đạo chẳng kể là nguyên nhân, hóa nhân hay là quỉ nhân ví biết lập công thì thành Đạo".
Đến kinh Thân Bằng quyến thuộc qui liễu có câu:
"Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ căn…
“Ơn Tạo Hóa tha tiền khiên trước,
Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân".
Tiền khiên là tội từ nhiều kiếp trước đều được tha hết.
Và nếu trong kiếp sanh hiện tại lỡ tạo thêm nhiều nghiệp chướng oan gia, mà người đang hấp hối nếu biết cầu khẩn Chí Tôn cũng được tha thứ như trong bài kinh Cầu Hồn khi hấp hối:
"Dầu nghiêt chướng số căn quả báo,
Đừng hãi kinh cầu đảo Chí Tôn". . .
"Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,
Dầu oan gia tội báo buộc ràng,
Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong".
 
Sau đây chúng ta hãy nghe Đức Hộ Pháp giảng về đại ân xá:
"Bần Đạo không cần nói; buổi buộc thì khó, buổi mở thì dễ. Đức Chí Tôn Ngài đến để hai chữ ân xá thì chúng ta đoán hiểu rằng: Ngài đã đến rồi và Ngài biết con cái của Ngài đã chịu khổ nhiều rồi, đã có nhiều phương pháp giải khổ của Ngài đến giao nơi mặt địa cầu nầy, từ thử đến giờ cái thống khổ tâm hồn của nhơn loại bao nhiêu, thì Ngài thống khổ bao nhiêu. Ngài đến đem Long Hoa Hội cốt để bảo thủ hai chữ ân xá, trong bao nhiêu đó, chúng ta cũng đủ thấy lòng thương yêu vô tận của Ngài thế nào? Bần Đạo nói thật, thời buổi nầy chúng ta không tìm phương giải thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ thì không có thời buổi nào có năng lực độ rỗi Cửu Huyền Thất Tổ của mình cho đặng, không có buổi nào hạnh phúc làm đặng như vậy. Bởi thế nên toàn thể con cái của Đức Chí Tôn nam, nữ cũng vậy, có tấm lòng yêu ái nồng nàn hoài vọng giọt máu mảnh thân mình, giờ phút nầy là giờ phút nên để trọn tâm cho thanh tịnh đặng cầu nguyện siêu thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ. Bần Đạo dám nói giờ phút nầy, mấy người có thể nhỏng nhẻo với Đức Chí Tôn được. Ngài sẵn sàng để hai chữ ân xá, thì mấy người xin cái gì thì ông cũng cho cái nấy”.
Những tội lỗi mình làm trong kiếp hiện tại làm sao để được ân xá ?
Thánh giáo Bà Thất Nương DTC dạy về cõi Âm quang như sau:
"Âm-Quang là nơi Thần-Linh-Học gọi là nơi Trường-đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Ðại-Từ-Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là "Tịnh-Tâm-Xá" nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước-tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn-sanh biết xét mình trước khi thoát xác, thì tự nhiên tránh khỏi Âm-Quang. Nói cho cùng nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội-tình, mà phút chót biết ăn-năn tự-hối cầu-khẩn Chí-Tôn độ-rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm-Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân-huệ của Chí-Tôn, là các chơn-hồn đặng tự-hối hay là đặng giáo-hóa mà hiểu trọn chơn-truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn-hồn cầu rỗi".
- Kế tiếp, bài kinh Cầu Hồn khi Hấp Hối cũng nói lên ý nghĩa nầy tức là những tội lỗi mình lỡ làm trong kiếp hiện tại nếu mình biết ăn năn sám hối và nhất là khi hấp hối mình cầu khẩn Thầy thì cũng được ân xá.
- Thậm chí giờ phút chót cuộc đời mình chỉ nhớ niệm danh Thầy thì cũng được xá tội.
Tóm lại, muốn được ân xá tội lỗi trong kiếp sanh thì mình phải biết xét mình hằng bửa, việc nào thấy sai thì phải thật tâm ăn năn sám hối, như tụng kinh Di Lạc và Cứu Khổ, tụng kinh sám hối, can đảm thú thật tội lỗi và chịu những hình phạt do Hội Thánh ban hành để khi về cõi Thiêng liêng không bị phạt nữa…
Rồi đến giờ phút hấp hối mà minh vẫn còn biết cầu nguyện hay niệm danh Thầy thì sẽ được Thầy độ rỗi…
8 - Đức Di Lạc Vương Phật sẽ xuất hiện trong cửa Đạo Cao Đài, Ngài sẽ độ cho nhiều người đoạt Đạo.
Đức Phật Di Lạc sẽ thị hiện trong đạo Cao Đài, Đây là điều chắc chắn mà người Đạo ai cũng đều tin tưởng. Sứ mạng của Đức Ngài được diễn tả qua bài kinh Đại tường : Khai cơ tận độ cửu tuyền diệt vong, khai mở Hội Long Hoa điểm Đạo cho chúng sanh, chuyển cây ma xử đuổi tà trục tinh, thâu các Đạo hữu hình làm một, tạo đời cãi dữ ra hiền,…
Thời đại ngày nay văn minh vật chất tiến bộ tột bực không phải dễ dàng làm cho chúng sanh quay về nẻo Đạo lo tu hành…Cho nên nếu có Đức Phật Di Lạc xuất thế, và muốn tận độ chúng sanh thì Ngài phải có đủ quyền năng, đủ phép mầu mới mong tạo thời cải thế được.
Trong quyển Thánh Huấn Hành Thiện nơi bài số 34:
"…Luật Tam Giáo Tòa phải có cách trừng trị ra lẽ.
- Một là tận thế để lập lại đời Thánh Đức.
- Hai, THẦY cho một Đại Tiên xuống thế, kỳ này có đủ quyền năng nắm cả hai mặt luật để sửa đổi Chơn truyền có đủ quyền trừng trị về mặt hữu hình và vô vi, có đủ phép tắc ước chế rất mầu nhiệm. Nếu bằng không sẽ dẫm lên lối đi của JESUS ngày xưa…" .
Và cũng trong Thánh Huấn Hành Thiện bài 38: Đức Hộ Pháp giáng bút:
"Bần Đạo cam đoan với cả con cái Đức CHÍ TÔN, hiện giờ nhơn sanh đang ở trong phòng thi chuyển cấp phẩm Tiên Phật Long Hoa Hội, ngày tới đây có một vị Chơn Minh ra đời để chứng nhận chấm bài thi đó, đặng có ân thưởng tại mặt thế này, có như vậy mới công bằng luật Tạo Đoan. Về mặt Thiêng Liêng Thần, Thánh, Tiên, Phật giám sát định vị cao thăng cho các Ngươn căn hữu công lập vị tại mặt thế này không sót một ai đó vậy…"
Chúng ta tin tưởng thời gian Đức Phật Di Lạc xuất thế cũng gần kề chớ không phải vài ngàn năm nữa như lời một số người giải thích…
Còn có một điều nữa cần nên biết là sứ mạng Đức Phật Di Lạc điểm đạo cho người tu đoạt vị trong Hội Long Hoa, còn sứ mạng đức Chúa Jésus tái lâm là chấm điểm thi trong kỳ phán xét cuối cùng…So ra hai việc nầy đều giống nhau nên Đức Phật Di Lạc xuất thế hay Đức Chúa tái lâm cũng chỉ là một vị mà thôi…
Trong một bài cơ bút của Đức Chúa Jésus về Sứ mạng dân tộc được chọn các câu sau:          
"…Ta đến với một mùa đông đầy gió rét,
       Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài;
       Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,
       Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.
       Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,
       Sống muôn đời và sống mãi muôn đời…
…Chư hiền hãy dọn mình cho sẵn. Ngày giờ đến đang sửa soạn đến. Cái sống của mùa Xuân đang luân lưu trong mùa Đông chết chóc, trong đêm tối âm u là bình minh dọn đường bừng sáng.
      Hỡi dân tộc được hiến dâng! Đừng mê ngủ, đừng say đắm, đừng mơ màng trong bóng tối đêm đông. Hãy bừng tỉnh, hãy đợi chờ ánh Xuân quang đến khi không ai ngờ đến…".
Câu thi : Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi, phải chăng đó là lúc xảy ra thế chiến thứ ba, Đức Phật Di Lạc sẽ xuất thế để cứu nhân loại khỏi bị hủy diệt bởi bom nguyên tử, hạt nhân…Thế chiến thứ ba có viễn ảnh gần kề chứ không còn xa xôi gì lắm…
Còn câu Hãy chờ đợi ánh xuân quang đến khi không ai ngờ đến…nói lên sự xuất hiện bất ngờ của Đức Phật Di Lạc, Ngài đoạt Đạo một cách không ai ngờ như một phép mầu…Chúng ta tin điều nầy có thể xảy ra vì trong Đạo đã có nhiều phép mầu như: Sự xuất hiện của Thiên Nhãn nơi biển Phú Quốc, như việc Đức Chí Tôn trục xuất chơn linh Ngài Phạm Công Tắc và cho chơn linh Phật Hộ Pháp nhập vào…
Tóm lại chúng ta phải lo bài thi Long Hoa hội và phải tỉnh thức để chờ đón Đức Phật Di Lạc. Có điều chúng ta nên để ý, một vị Phật sẽ có nhiều hóa thân nên có thể Ngài cũng đến trong nhiều tôn giáo khác để thực hiện một sứ mạng nào đó thì không có gì lạ cả…
9 - Bát Quái Đài do Đức Chí Tôn cùng chư Tiên Phật chưởng quản, và Thầy cũng ngự nơi Hiệp Thiên Đài để cầm quyền Đạo, nên Đạo Cao Đài không sợ bị sai lạc chơn truyền chánh pháp.
Pháp Chánh Truyền HTĐ, Thầy dạy: HTĐ là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì HTĐ vẫn còn.
Hiệp Thiên Đài hiện nay vẫn còn do Đức Hộ Pháp chưởng quản, trước kia có thời gian Ngài giao cho các vị Thời Quân Quyền chưởng quản mà thôi. Quyền theo từ ngữ Hán Việt có nghĩa là tạm thay thế. Hiện nay nhiệm vụ chức sắc HTĐ bị gián đoạn vì Quyền Thiêng Liêng thả lỏng cho cơ thử thách khảo đảo để phân biệt trắng đen…Khi chấm dứt cơ thử thách thì trở lại bình thường đâu vào đó mà thôi…
Đức Chí Tôn dạy HTĐ là nơi Thầy ngự để cầm quyền Thiêng liêng mối Đạo chớ Thầy không giao chánh giáo cho tay phàm như thời Nhứt Kỳ, Nhị Kỳ nữa…Do đó chơn truyền của Đạo muôn đời vẫn không cải sửa theo phàm ý được…
10 - Đạo Cao Đài thông công với cõi vô hình qua huyền diệu cơ bút nên ta có thể biết được nhiều người đã đắc Đạo đây cũng là bằng chứng để chúng ta rán lo tu hành để đoạt vị.
Qua cơ bút HTĐ, chúng ta biết được nhiều vị chức sắc đắc vị sau khi qui tiên như Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng, Phối Thánh Bùi Ái Thoại, và ông Thánh Hiển tức Sĩ Tải Đổ Quang Hiển,…Ngoài ra buổi ban sơ như Ngài Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương làm Đạo chỉ vài tháng cũng được đắc vị nhờ ơn cứu độ của Đức Chí Tôn…Còn Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Quyền Giáo Tông cũng đoạt vị Kim Tiên… Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa được Đức Chí Tôn khen thưởng tức nhiên là cao hơn phẩm vị lúc ra đi… Ngoài ra còn rất nhiều vị Phạm Môn đắc từ Thần, Thánh, Tiên vị…
Tóm lại đối với Cao Đài thì hai cõi hữu hình và vô vi chỉ cách nhau bức màng mõng có thể liên lạc nhau dễ dàng…Điều nầy để chúng ta học hỏi nhiều điều huyền vi và rán lo tu hành đoạt Đạo…
11 - Ngươn hội Đạo Cao Đài kéo dài đến thất ức niên (bảy trăm ngàn năm) là thời gian rất dài nên có thể độ tất cả mọi người về lại ngôi xưa vị cũ.
Đạo Cao Đài được các Đấng cho biết sẽ kéo dài đến bảy trăm ngàn năm. Đây là thời gian rất rất dài nên các chơn hồn có thời gian chuyển kiếp nhiều lần để tu hành cho đến khi nào viên mãn về ngôi Phật vị. Cũng chính vì vậy nên chúng ta tin tưởng đạo Cao Đài sẽ hoàn thành sứ mạng tận độ chúng sanh đều được giải thoát luân hồi sanh tử, và đó là điều khả thi mà thôi…
Tóm lại, Nay là thời buổi Hạ ngươn của Đệ tam chuyển quả địa cầu nầy, chính mình Đức Chí Tôn đến độ rỗi cả con cái Người qua Đạo Cao Đài. Đức Chí Tôn ban hành đại ân xá và tạo mọi điều kiện để người tu dễ dàng đoạt Đạo. Tuy nhiên cũng phải có sự cố gắng của mỗi cá nhân chớ các Đấng cũng không thể bồng ẳm chúng ta đem về được. Chúng ta cứ tu hành theo chơn pháp Cao Đài ắt đoạt giải thoát như câu kinh "Tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát:"...
* Quang Thông
 (6-2022)
Home.   *Mc Lc: [1[2] [3] [4] [5] [6] [7] [8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17].