1 - Phân biệt Thể pháp và Bí pháp.
- Trong các nền tôn giáo thì luật về hữu hình là thể pháp còn luật về vô vi
là bí pháp. Một nền chơn giáo có thể pháp là cơ quan giải khổ và bí pháp làm cơ
quan giải thoát cho chúng sanh, tức là độ về cả phần xác và phần hồn cho nhân
loại...
2 - Một số các tôn giáo bị thất truyền như thế nào ?
Trải qua hàng ngàn năm thì các bí pháp đạt đạo của các tôn giáo không còn
đúng theo chánh pháp buổi ban đầu nên tu nhiều mà thành Đạo rất ít. Ngày nay
chúng ta ít khi nghe đến một vị nào tu hành đắc được đạo quả.
Một thí dụ như bí pháp để đoạt Đạo thể hiện qua con đường phụng sự chúng
sanh, nhưng ngày nay các vị tu hành bắt chúng sanh phụng sự cho mình thì trái với
bí pháp...
Một lý do nữa, theo lời giảng của Đức Hộ Pháp :
"Đối với các triết lý Bí pháp buổi nọ, bây giờ nhân loại tăng tiến quá
lẽ thành thử các vị giáo chủ đã lập luật pháp, nhưng luật pháp đơn sơ ấy ngày
nay không có đủ quyền năng trị tâm thiện hạ nữa"...
3 - Bí pháp tu hành của đạo Cao Đài như thế nào ?
Trước tiên phải nói đến 4 bí pháp mà phải có chức sắc hành pháp đó là các
phép:
Giải oan : ý nghĩa là chức sắc hành pháp giải trừ các oan nghiệt, nghiệp
chướng để người Đạo bớt đi khổ não, nhẹ nhàng trong đời sống để tâm lo tu hành
đoạt Đạo. Chức sắc hành pháp trong khi Đồng nhi đọc bài kinh Giải Oan.
Tắm Thánh : Chức sắc luyện nước Ma Ha Thủy làm phép rải lên đầu trẻ con để
các cháu được mạnh giỏi thông minh, học hành giỏi giắn sau nầy. Chức sắc hành
pháp nầy trong khi Đồng nhi đọc bài kinh Tắm Thánh.
Hôn phối: Chức sắc hành pháp nầy mong đem lại hạnh phúc và bền lâu cho các
cặp vợ chồng đều đã nhập môn vào Đạo. Chức sắc hành pháp nầy trong khi Đồng nhi
đọc bài kinh Hôn phối.
Cắt dây oan nghiệt : Quan niệm Cao Đài là chơn thần mỗi người chúng ta nối
với thể xác qua 7 sợi dây từ khí. Người nào tu hành đúng luật Đạo, tạo nhiều
công đức khi qui vị thì chơn thần thoát ra khỏi thể xác dễ dàng; trái lại người
nào tạo nhiều nghiệp quả nặng nề thì chơn thần khó rời thể xác vì các sợi dây từ
khí buộc chặc. Trường hợp nầy phải nhờ chức sắc hành pháp cắt dây oan nghiệt cắt
7 sợi dây từ khí để chơn thần không còn bị níu kéo của thể xác mà ra đi về cõi
trên. Chức sắc sẽ hành pháp nầy trong khi tất cả Đồng Đạo đọc bài kinh cầu
siêu.
Pháp độ thăng: (phép nầy cũng có ý nghĩa như cắt dây oan nghiệt nhưng
dành riêng cho hàng chức sắc).
Pháp nầy được làm cho người chết là chức sắc nhằm giúp cho các chức sắc cao
thăng lên cõi Thiêng Liêng Hằng sống.
Các pháp trên đây cũng giống như các phép Bí tích trong Đạo Công Giáo.
Ngoài ra Cao Đài còn nhiều Bí pháp mà Đức Chí Tôn cho lồng vào các sinh hoạt
Đạo thường ngày như cúng kiến, dâng tam bửu, dự lễ Hội Yến Diêu Trì hằng năm,
Phụng sự chúng sanh, Niệm danh Thầy…
Tứ Thời Tụng Niệm: Theo Tân luật Cao Đài thì người tín đồ phải lập Thiên
bàn nơi tư gia để cúng Thầy bốn thời tý, ngọ, mẹo, dậu. Ngoài ra ngày rằm, mùng
một âm lịch và các ngày lễ vía thì về Thánh Thất cúng Đàn…
Đây là một bí pháp quan trọng trong buổi Tam kỳ, Đức Hộ Pháp từng có lời
phê rằng:…Hễ càng già lại càng nên cúng nhiều đặng dâng mạng căn số kiếp cho
Chí Tôn định, dẫu cho mình chết trước mặt Đức Chí Tôn càng hay. Tứ thời tụng niệm
là một bí pháp của đạo Cao Đài, nên tuyên truyền cho ai cũng hiểu bí pháp nầy …
Ngoài ra các Đấng còn dạy nhiều lần : khi ta cúng tức là cho linh hồn ăn
uống…
Khi cuối đàn cúng có phần dâng Tam bửu và Ngũ nguyện, đây cũng là bí pháp
quan trọng:
“…Chúng ta thấy gì ? Mỗi ngày ta kêu Đức-Chí-Tôn làm chứng, kêu Tam-Giáo
làm chứng, giờ phút này con nguyện dâng cả xác thịt, trí não và linh hồn của
con cho Thầy đặng Thầy làm lợi khí mà phụng sự cho Vạn-linh. Hễ dâng rồi còn gì
của mình nữa, có trả nợ tiền khiên chớ không có tạo nữa…
…Ấy vậy, mỗi ngày từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya
tới sáng, mình vô Đền-Thánh kêu Đức-Chí-Tôn, kêu Tam Giáo và các Đấng
Thiêng-liêng mà phân chứng trước. Thân tôi không còn của tôi nữa, tôi đã hiến
cho Đức-Chí-Tôn làm tôi tớ cho Vạn-Linh thay thế cho Đức-Chí-Tôn, giờ phút đó
chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm dầu có tội mà chúng ta không làm điều
gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt không
thể gì định tội được. Đức-Chí-Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta; mà chúng
ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta tức nhiên
ta đã đoạt cơ giải thoát…” (trích Bí Pháp)
Ngoài ra các bí pháp khác như Hội Yến Diêu Trì, phụng sự chúng sanh, niệm
danh Thầy,…cũng không kém phần quan trọng và Đức Hộ Pháp cũng đã giải rõ qua
quyển Bí Pháp…
4 - Xin hãy nói rõ về sứ mạng giải khổ của Cơ Quan Phước Thiện Cao Đài ?
Cơ Quan Phước Thiện được gọi là cơ quan bảo tồn, có sứ mạng giúp đỡ cho những
người không may trong xã hội như: nghèo đói, bệnh hoạn, tật nguyền, côi cúc,
già yếu không người chăm sóc,… Đặc điểm của cơ quan nầy là được tổ chức sâu rộng
trong xã hội căn bản là cấp Tộc đạo tức là đơn vị Quận ngoài đời và người chức
sắc Phước Thiện không cần phải có tài cao học rộng chỉ cặm cụi lo làm ra của cải
để phụng sự chúng sanh từ những sở lương điền, công nghệ, sản xuất mọi ngành…
Người chức sắc Phước Thiện hiến thân trọn đời, quên mình để phụng sự chúng
sanh tức là lo cho chúng sanh bằng tình thương yêu chân thật. Đây cũng nằm
trong bí pháp của Đạo cho nên chức sắc Phước Thiện gồm 12 đẳng cấp được đối phẩm
với chức sắc CTĐ, và đối phẩm Thiêng Liêng từ Thần Thánh Tiên và Phật vị…
Vì vậy chúng ta có thể nói đây là cơ quan giải khổ chúng sanh nhưng cũng
chính là trường thi công quả để người chức sắc đoạt cơ giải thoát tức là cơ
quan nầy gồm cả thể pháp lẫn bí pháp…Đặc biệt là cấp số chức sắc của cơ quan nầy
không bị giới hạn như chức sắc CTĐ nên đây là cơ quan dễ tu nhất trong cửa Đạo
Cao Đài…
5 - Muốn cho chơn thần thanh nhẹ căn bản ta phải làm gì ?
Thứ nhứt: Ta biết rằng một thân thể tinh khiết mới xuất ra một chơn thần
tinh khiết, mà muốn có thân thể tinh khiết chúng ta phải trường chay. Vậy người
tu phải ăn chay 10 ngày rồi phải lên trường chay mới đoạt phẩm vị cao được…
Thứ hai: Ta cũng biết chơn thần là tạng chứa thất tình lục dục của con người,
vậy muốn cho chơn thần thanh nhẹ ta phải loại bỏ những tình cảm nặng trược như
nộ (giận), ai (buồn), ố (ghét), dục (ham muốn) đồng thời phát huy những tình tốt
là Hỉ (mừng) Ái (thương yêu), Lạc (vui tươi). Đây chính là ý nghĩa của ngai Thất
đầu xà của Đức Hộ Pháp vậy…
Thứ ba: Ngoài ra ta cũng phải tránh gây ra những nghiệp xấu từ thân khẩu ý
để chơn thần không bị lôi cuốn, luân hồi theo những nghiệp xấu nầy…
Đây là những điều căn bản nhứt để giữ cho chơn thần chúng ta được thanh nhẹ
mà người tu phải ghi nhớ…
6 - Ý nghĩa của Bí pháp Hội Yến Diêu Trì là đoạt cơ giải thoát, qua bí pháp
nầy chúng ta được hưởng ân huệ giải thoát như thế nào ?
Ý kiến 1 : Khi dự Hội Yến Diêu Trì (HYDT) thì chúng ta đều có ước mơ hưởng
được ân huệ thiêng liêng của Đức Phật Mẫu để được giải thoát khỏi chốn hồng trần
luân hồi đau khổ. Chính cái ước mơ, lòng ham muốn nầy khơi lên động cơ để ta cố
gắng học Đạo và hành Đạo, lập công quả, phụng sự nhơn sanh để đoạt cơ giải
thoát mai sau...
Cũng nhờ vào điển lực huyền diệu của Đức Phật Mẫu ban cho khi dự HYDT làm
cho chúng ta luôn hướng về đường Đạo chớ không ham mê hồng trần nữa, mà trái lại
phát tâm tu hành, xả thân vì Đạo để cuối cùng được đắc Đạo...
Tại sao dự HYDT được ăn quả đào mà không phải quả nào khác ? Theo sự nghiên
cứu khoa học cho thấy trong quả đảo có một chất khi ăn vào làm kích thích nảo bộ
làm cho con người cảm thấy vui sướng hạnh phúc...
Ý kiến 2: HYDT chứng minh ngoài thế giới hữu hình còn có thế giới vô hình,
mà qua HYDT ta cảm nhận một cách rõ ràng được hội diện cùng Cha Mẹ Thiêng
Liêng, Cửu Vị Tiên Nương,...Từ đó ta phát tâm tu để đoạt Đạo sau nầy về hưởng
HYDT thực sự trên cõi Thiêng liêng.
Ý kiến 3: HYDT cũng nhằm độ rổi 92 ức nguyên nhân, mà đa số họ đã quên mất
đường về. Nay Đức Phật Mẫu đem HYDT xuống thế gian làm cho các bậc nguyên
nhân nầy khi tham dự sẽ nhớ lại tiền căn mà lo tu hành để trở về ngôi xưa
vị cũ. HYDT dành cho mọi người dầu có Đạo hay không có Đạo đều được tham
dự vì vậy sẽ độ được một số người có căn duyên nhập vào trường thi công quả tu
hành để đoạt Đạo mai sau...Qua HYDT Đức Phật mẫu đã dùng điển lực thiêng liêng
để trực tiếp cứu độ con cái Người...
Ý kiến 4: Nếu so sánh nhân số 7 tỉ người trên toàn thế giới thì số người đã
được dự HYDT rất nhỏ nhoi, do đó đây là một hồng ân rất quý báu cho những người
thật may duyên mới hưởng được...
Ngoài ra, Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban rất nhiều hồng ân, nhiều cơ hội
giải thoát cho con cái Người ở buổi hạ ngươn nầy. Chúng ta có thể kể sơ :
- Tham dự HYDT, hưởng được ân huệ thiêng liêng gặp nhiều thuận duyên trên
đường tu để mau đoạt Đạo.
- Khi hiểu Đạo, học hỏi Thánh ngôn Thánh giáo chúng ta sẽ lo tu, hằng ngày
biết xét mình, ăn năn sám hối, nếu có gây tội tình trước kia nay cũng được giảm
nhẹ và không bị đọa lạc vào cõi Âm Quang...
- Hằng ngày biết lo cúng kiếng được hưởng ân điển Thiêng Liêng, chơn thần
chúng ta càng ngày thêm mẫn huệ, đó là ta đã tiến bước trên con đường giải
thoát...
- Nếu chúng ta thực hành việc niệm danh Thầy hàng ngày và ghi nhớ đề giờ
phút lâm chung còn tưởng tới Thầy và niệm được danh Thầy thì Thầy cũng độ cho
được giải thoát...
-Cuối cùng nếu giờ phút lâm chung ta không còn tỉnh táo để niệm được danh
Thầy, ta vẫn còn được hưởng phép cắt dây oan nghiệt do chức sắc hành pháp…
- Chưa hết, nếu rủi ta bị đày vào cõi Âm quang mà ta còn nhớ tưởng và niệm
danh Thầy thì vẫn có Thầy cứu độ …bằng chứng là các chơn hồn về đến Cung Hổn
Ngươn Thượng Thiên họ vẫn còn niệm danh Thầy để được hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn
…(Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống).
Chúng ta cũng cầu mong sau nầy Hội Thánh sẽ đào tạo chức sắc hành pháp đầy
đủ nơi trung ương cũng như địa phương để con cái Chí Tôn hưởng được các bí pháp
như giải oan, cắt dây oan nghiệt…
Tóm lại, trên đây là các bí pháp mà nếu chúng ta lo thực hành từ bây giờ, chúng
ta có quá nhiều cơ hội chưa kể đến việc lập công bồi đức, thì lo gì không đoạt
Đạo giải thoát trong một kiếp sanh nầy,/.
* Bảo Chơn (ghi lại)