NGHỆ THUẬT UỐNG TRÀ. Chương 1. * Nguyễn Vân Xuyên.

 
Lời giới thiệu:
Lúc người viết còn trẻ suy nghĩ rằng: Trà cũng chỉ là một thức uống dùng để giải khát, như những thức uống giải khát bình thường. Nhưng có một lần, vì thầy giáo vắng mặt cho nên người viết không có giờ học mà được về nhà sớm hơn, khi người viết về đến nhà thấy Thân phụ đang ngồi uống Trà với hai người bạn. Người viết đến chào Thân phụ và khách, vừa lúc ấy cảm nhận được hương vị của Trà đang tỏa ra hương thơm phức trong phòng rất hấp dẫn, trong lòng người viết cảm thấy sảng khoái lạ thường.
Được biết hai người bạn của Thân phụ, đã một thời thanh xuân cùng học ở Trường Bá Nghệ Thủ Dầu Một (sau này là Trường Mỹ Nghệ tỉnh Bình Dương), nay có dịp đến thăm Ông, và đêm nay sẽ ở lại cùng Thân phụ đàm đạo và uống trà, vì lâu ngày xa cách ít có dịp gặp lại nhau.
Buổi tối, Thân phụ và khách tiếp tục đàm đạo, và uống trà. Từ chiều, cho đến lúc này những hương thơm của Trà đã làm cho người viết chú ý, và thích thú cho nên xin phép người giúp việc trong nhà, cho người viết được thay thế hầu Trà dâng lên cho Thân phụ và khách, xem như một lần đặc biệt có dịp thưởng thức hương thơm của Trà.
 
Thân phụ thấy người viết mang Trà lên phòng khách, Ông có vẻ ngạc nhiên, liền hỏi :
- Sao, cô út Thanh Trà đâu mà con lại mang Trà lên đây ?
Ngưới viết đặt khay Trà xuống bàn trịnh trọng trả lời:
- Dạ thưa Thân phụ, và hai Bác, lần đầu tiên con tìm thấy được hương thơm đặc biệt của Trà vào buổi chiều nay, khi con đi học về thấy Thân phụ và hai Bác uống Trà. Bây giờ con bắt đầu thấy thích Trà, cho nên con đã xin phép cô út để con hầu Trà dâng lên Thân phụ và hai Bác, đây cũng là dịp cho con được thưởng thức hương thơm của Trà.
Thân phụ và hai người khách cùng bật cười, sau câu nói bộc lộ chân chất, thật thà tự nhiên vốn có của người viết. Một trong hai người bạn của Thân phụ là bác Châu (mà sau nầy được biết là một Họa Sĩ, và Giáo Sư dạy Vẽ cho Trường Mỹ Thuật tỉnh Bình Dương), bác Châu mỉm cười, lộ rõ tâm trạng rất vui, nói rằng:
- Cháu thấy thích Trà là tốt đấy! Uống trà là cả một nghệ thuật chứ không phải bình thường như uống một ly cà-phê hay một ly nước đá lạnh. Sau này, cháu có dịp gặp lại bác sẽ kể cho cháu biết thêm về Trà, và Nghệ thuật thưởng thức Trà. Cha của cháu cũng như hai bác đây, hồi còn trẻ cùng đi học chung với nhau cũng đã thích uống trà lắm, và đã xem Trà như là một người bạn không thể thiếu trong cuộc đời.
Hương thơm của Trà ngày hôm đó, và lời nói của bác Châu đã làm cho người viết ghi nhớ Trà trong ký ức, và muốn tìm hiểu về Trà cũng như muốn được uống, và thưởng thức Trà.
Kể từ đó, tối nào người viết cũng được uống Trà với Thân phụ, được nghe Ông luận và kể chuyện truyền thuyết về Trà rất thú vị.
 
Khi rời quê huyện, xuống Sài Gòn tiếp tục theo học bậc Trung Học và Đại Học, cuộc sống hàng ngày của người viết đã gắn liền với Trà. Người viết có cái thú đam mê Trà, tìm đọc những tiểu luận văn, thơ hay cuốn sách bình phẩm về Trà, hoặc có những buổi thảo luận về Trà ở bất cứ nơi nào, người viết cũng không thể bỏ qua, cố gắng tận dụng thời gian tốt nhất để tham dự cho bằng được.
Cũng từ đó người viết có một hoài bảo, viết một cuốn sách về Trà để kỷ niệm sự thâm trằm và hưng phấn của Trà mà chính mình là một trong những tín đồ Trà, và để nhớ lại lúc độc ẩm, tri ân những người đã kể cho người viết về Trà trong đó có Thân phụ và nhất là để làm vui lòng Thân phụ trong tuổi về già của Ông.
 
Ngày này, qua tháng nọ, hứa lần hồi, trôi qua năm tháng mòn mỏi mà lời hứa vẫn chưa thực hiện được như ước mơ, vì hoàn cảnh cuộc sống. Đến khi động viên vào quân đội, cuộc sống chiến trận của một người lính, ở đơn vị tác chiến thì những thú vui cực mạnh là rượu, thuốc lá, cà-phê... còn Trà thì ít khi được nhắc tới. Cuộc sống quân ngũ đã làm cho người viết càng bận rộn hơn. Hoài bảo viết sách về Trà không thực hiện được, bởi quân ngũ cuốn theo thời gian năm tháng lãng quên ước vọng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những tháng, năm sau đó cuộc đời đổi thay tại Việt Nam, lắm cảnh tang thương, xem như người viết chôn kín hoài bảo viết sách về Trà...
 
Mãi sau khi người viết định cư tại Pháp. Ý định viết sách về Trà được bừng sáng, và thôi thúc trở lại. Nhưng vì nhu cầu cuộc sống tai quê hướng mới, bước chân đầu cuộc sống hoàn toàn mới, người viết phải bắt đầu hội nhập vào an sinh xã hội và văn hóa của quốc gia Pháp.
 
Người viết hội nhập xã hội mới rất nhanh, được may mắn làm việc trong ngành giáo dục, cho nên có nhiều thời giờ rỗi rãnh và cuộc sống bây giờ đã  được tạm "an cư lạc nghiệp". Người viết lấy quyết định thực hiện ngay hoài bảo viết một quyển sách nhỏ, vinh danh Trà.
Vì là một cuốn sách mang tính chất biên khảo dựa theo các tài liệu tra cứu, và theo các hiểu biết qua kinh nghiệm, hiểu biết qua lời kể của các người thân, bạn bè, các nghệ nhân thưởng trà cùng sự ghi nhận, bố cục viết lại của cá nhân ... Người viết suy nghĩ rằng quyển sách nhỏ bé này không sao tránh khỏi những khiếm khuyết sai sót. Rất mong nhận được những sự chỉ giáo quý báu của các bậc cao minh.
Ba-Lê, ngày 27 tháng 3 năm 1988.
* Nguyễn Vân Xuyên. 
 
Chương 1: Nguồn Gốcy T.
Hiện nay, khắp mọi nơi trên thế giới, ở đâu người ta cũng uống Trà. Trà trở thành một thứ nước giải khát rất phổ thông. Vì là một thứ nước giải khát phổ thông cho nên vì vậy người ta uống Trà mọi lúc và bất cứ thành phần nào của xã hội cũng có thể uống Trà: Do đó đã làm cho Trà bị mất đi cái vẽ nghệ thuật thi vị nguyên thủy thanh cao.
 
Từ những người bình dân nơi thôn dã bên cạnh ruộng vườn, bên cạnh cái đe chiếc búa cho đến những bậc phú túc, phong lưu quan cách hay những bậc quý phái vương giả trong các lâu đài đầy yến tiệc cũng dùng Trà và đã dùng theo các phong cách khác nhau.
Trà trở nên một thức uống thông thường người ta còn dùng theo thói quen. Người ta đã uống Trà vào những buổi sáng tinh mơ, những buổi trưa hè oi ả hay vào những lúc nửa đêm khuya khoắt.
 
Có người uống Trà từng hóp lớn với mục đích giải khát. Trà bị pha trộn thêm đủ thứ hương vị khác như vỏ cam, quế, bạc hà và thậm chí cả sữa, bơ, đường... Tóm lại, nền văn minh vật chất hiện đại đã "phàm tục hóa" cung cách, phong vị của nghệ thuật và đạo chất của chén Trà.
Thế nhưng, cũng có người đã uống Trà như để tán dương một nghệ thuật, đã chiêm ngưỡng cái hương vị thanh cao của Trà trong cung cách "thoát tục" vì đã tìm thấy ở Trà cái cảm giác như những câu thơ sau :
"Uống xong chén sáu vào mình.
Nhẹ nhàng khoan khoái như hình lên Tiên.
Đến bảy chén nắp liền chẳng nổi.
Nách hai bên gió thổi hay hay.
Bồng lai ở chốn nào đây.
Để ta theo gió lướt mây đi về ..."
Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng là một trong những dân tộc thích uống Trà. Khi có khách đến thăm, chủ nhà thường mang Trà ra để đãi khách: Chủ nhà và khách cùng đàm đạo và uống Trà.
Những ngày sống ở hải ngoại xa quê hương, với nhu cầu ẩm thực hàng ngày trong xã hội Âu Mỹ, đôi lúc đã làm cho chúng ta quên Trà. Cho nên, mỗi lần uống Trà, ngoài cái nghệ thuật thưởng Trà, còn làm cho chúng ta có dịp tìm lại một cái gì thể hiện cho "hương vị quê hương".
 
Ở Ba-Lê, Kinh thành ánh sáng, cái thú của những nghệ sĩ, nghệ nhân thích Trà, không phải nửa đêm lái xe đến đại lộ Champs Élysées vào một nhà hàng sang trọng để uống một ly trà Lipton, mà có lẽ cái cung cách thích thú nhất là cùng với một người bạn gọi là "tri âm Trà" đến quán trà HL ở quận 13, ngồi vào một góc quán với vẻ tịch liêu, thưởng thức những tách trà Ô Long và để tìm cho mình cái sảng khoái thần tiên của cuộc đời. (sự thật người viết không cố tình quảng cáo cho quán trà HL, nhưng theo sự hiểu biết, nhận thấy ở thủ đô Ba-Lê nước Pháp, chì có một quán Trà HL của người Á Đông với khung cảnh yên tĩnh và Trà ở đây lại có hương vị đặc biệt ngon. Người viết đã có được cái hân hạnh uống Trà ở đây nhiều lần ... có khi một mình và có khi với bạn bè.
 
Người ta đã uống Trà thật nhiều, và Trà cũng đã được xuất cảng cũng như nhập cảng thật nhiều và khắp nơi trên thế giới [1]. Nhưng tìm ra nguồn gốc của cây Trà thì không phải là chuyện đơn giản. Một điều được biết một cách chắc chắn: Cây Trà đầu tiên của nhân loại xuất hiện ở Á Đông.
Người ta đã bắt đầu uống Trà vào thời kỳ nào và nước nào đã sản xuất ra cây Trà đầu tiên trên thế giới thì lại là một câu hỏi có nhiều tranh luận, và nhiều giải đáp khác nhau. Vì cây Trà cũng như việc uống Trà đã đạt đến một nghệ thuật tinh vi toàn hảo mà người Á Đông cổ xưa đã đưa Trà lên trên các bộ môn nghệ thuật khác như Cầm, Kỳ, Thi, Họa... Ai cũng biết rằng dân tộc Á Đông cổ xưa rất yêu chuộng quý trọng các bộ môn nghệ thuật trong đời sống... và cũng chính các dân tộc Á Đông cổ xưa được mọi người trên thế giới chú ý tới trên khía cạnh Trà là Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn và thêm cả Ấn Độ, vì các nơi nầy đã sản xuất ra những tác phẩm văn chương nổi tiếng, những trà cụ tuyệt đẹp, quý báu và nhất là các nơi đã có được những nghệ nhân, nghệ sĩ thưởng thức Trà đứng vào hàng Trà Sư, Trà Thần của nhân loại.
Có lẽ cũng vì địa vị cao quý của Trà trong "nhân sinh quan" mà các dân tộc Á Đông kể trên ai cũng muốn tranh giành cho mình có được cái vinh dự, cái hân hạnh là nơi đầu tiên sản xuất ra cây Trà của nhân loại.
Thực vậy, theo huyền thoại thì các dân tộc Á Đông kể trên đều có thể tự đưa ra những dữ kiện, những giả thuyết để kết luận cho nguồn gốc về cây Trà của mình. Thế nhưng, xét về nguồn gốc cây Trà, chúng ta không thể xét đơn thuần qua huyền thoại mà chúng ta phải xét và tìm hiểu qua nhiều khía cạnh khác nhau như Khoa học, Lãnh thổ, Thư tịch, Văn học, Nhân chủng học, Cổ vật học ...  
 
1). Cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Nếu theo cái giả thuyết cho rằng cây Trà đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thì chúng ta được biết như sau: Người Việt Nam đầu tiên là con cháu của Vua Thần Nông (dĩ nhiên phải nghĩ rằng Vua Thần Nông cũng chính là người cổ Việt Nam. Đế Minh, cháu 3 đời của Vua Thần Nông đi tuần thú ở phía Nam, đến núi Ngũ Linh, lấy con gái của Bà Vụ Tiên và sinh ra Lộc Tục. Rồi phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương trị vì phương Nam lấy tên nước là Xích Quỷ (vào khoảng năm 2879 trước Tây Lịch). Lộc Tục lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ và sinh ra Lạc Long Quân Sùng Lãm... Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra được 100 con. Rồi phong cho người con trưởng làm Vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương tức là Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.
 
Sau này dân tộc Việt Nam bị lệ thuộc Bắc Phương, hàng năm phải triều cống với các cống phẩm trong đó có Trà. Vì theo sách "An Nam Chí Lược" của Lê Tắc, một người Việt Nam lưu vong, phản quốc chạy sang Trung Hoa đã viết vào khoảng năm 1271 rằng: "Năm Tống Thái Tổ thứ 8 (năm 971), vua Đinh Liễn của Việt Nam đã phải triều cống cho Trung Hoa các cống lễ, trong đó có ngà voi, sừng tê giác, Trà thơm..." vì cổ tịch Việt Nam có rất muộn và trong thời kỳ Minh Thuộc lại bị tịch thu và đốt phá gần hết, cho nên cổ tích xưa của Việt Nam có thể ghi về sự xuất hiện của cây Trà.
Theo quyển Trà Kinh của Lục Vũ cũng đã khẳng định rằng: "Cây Trà là loại cây quý ở phương Nam". Theo sách Quảng Bác Vật Chi cũng có viết lại rằng: "Cao lư là tên của một thứ Trà có lá lớn, nhụy nhỏ, người phương Nam dùng để uống". Theo sách Nghiên Bắc Tạp Chí thì viết lại như sau: "Trà ở Giao Chỉ xanh như rêu, có vị đắng ... ".
 
Nhưng cũng có giả thuyết nói rõ ràng: "Thần Nông chính là Người Cổ Việt Nam và là một trong những người lãnh đạo các bộ lạc Lạc Việt cổ xưa. Chính những người Việt Nam cổ xưa nay đã dạy cho người Trung Hoa biết đến Nông Nghiệp và Trà là một trong những Thổ Sản Nông Nghiệp của Việt Nam cổ xưa lúc bấy giờ."
 
Theo cách đo phóng xạ cacbonic qua các cổ vật đã chứng minh rằng Việt Nam đã có nền Nông nghiệp trước Trung Hoa khoảng 500 năm. Và lãnh thổ Lạc Việt ngày xưa là lãnh thổ của dân tộc Việt Nam cổ xưa. Theo Sử Liệu Địa Hình Cổ Xưa cho các vùng đất ở phía Nam sông Dương Tử.
 
2). Cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa.
Nếu theo cái giả thuyết cho rằng cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa thì được biết như sau: Cây Trà có tên khoa học là Camellia Sinensis hay Camellia Thea. Và Genesis nghĩa là gốc Trung Hoa. Và cũng theo cái giả thuyết cho rằng cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa thì người ta chấp nhận sự phỏng đoán của ông Lục Vũ, một bậc Trà Sư của Trung Hoa, là người đã viết ra quyển sách mang tên Trà kinh ở đời nhà Đường, thế kỷ thứ 8 và quyển sách nói rằng "Thần Nông, một người cổ Trung Hoa là người đã biết sử dụng đến Trà trước tiên vào khoảng 2737 năm trước Tây Lịch."
 
Nhưng lại có truyền thuyết cho rằng: " Sự uống Trà có lẽ khởi phát do sự truyền bá Đạo Phật. Vị Phật Tổ thứ 6 của Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma hay Tamo) đã đến Trung Hoa truyền bá Triết Lý Phật Giáo vào năm 526 sau Tây Lịch, đã là người khai sáng ra thói tục uống trà ở đất Trung Hoa. Sư Tổ Đạt Ma đã ngồi Thiền nhiều năm, ngồi day mặt vào diện bích. Trong thời gian Sư Tổ hoằng đạo pháp, Ngài đã chợt ngủ thiếp trong lúc ngồi thiền ở chùa Thiếu Lâm ở đất Lạc Dương (bây giờ là địa phận tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa). Ngài buồn giận, cắt bỏ mí mắt quăng đi xuống đất trong khu vực ngồi thiền và tiếp tục ngồi thiền thêm 5 năm nữa, nhưng rồi cũng lại bị buồn ngủ nên Ngài bèn bứt vài đọt cây cỏ lá ở bụi cây gần đó (nơi Ngài đã bỏ các mí mắt trước đây), nhai rồi nuốt nước. Ngài bng thấy mình bình tĩnh lạ thường. Và huyền thoại đó, người đời cho rằng đôi mí mắt liệng bỏ của Ngài Sư Tổ Đạt Ma đã sinh ra bụi cây Trà đầu tiên tại Trung Hoa. (huyền thoại !)
 
Và cũng theo truyền thuyết cho rằng cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa, người ta cũng được biết thêm như sau: Tục uống Trà được các học giả Trung Hoa đoán là khởi phát ở vùng Tứ Xuyên vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch và vào đời Khổng Tử (551- 479 trước Tây Lịch), Trà cũng đã được dùng nhiều. Và đến đời nhà Hán, Hán An Đế đã định nghĩa "đọt trà" hái để uống là "dành" hay "mính". Cây Trà lúc đó viết là chữ "đồ", về sau, chữ này rụng đi một nét thành chữ "Trà" như hiện nay.
 
Khi đã có cái luận lý cho rằng cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa thì người ta cũng xét thêm về tình trạng Trà của Trung Hoa vào thời đại Nhà Đường để có một cái nhìn xa hơn về các nước láng giềng của Trung Hoa: Đến đời Nhà Đường (thế kỷ thứ 8 sau Tây Lịch), Trà mới phổ biến nhiều và mạnh trong khắp dân gian. Đời nhà Đường là đời thịnh trị văn học và nghệ thuật của Trung Hoa, và các bộ môn này đã phát triển cực mạnh và lan tràn khắp các nước lân bang ... Vào thời đó, Việt Nam lệ thuộc Trung Hoa và các sư sãi đã đưa Trà vào xứ Giao Châu.
 
Cũng vào thời gian đó, Trà đã du nhập vào Nhật Bản cùng với Phật Giáo. Sau này có một vị sư Nhật Bản tên là Yagai đã sang Trung Hoa học về Thiền, lúc hồi hương, ông đã mang giống Trà quý về nước và trồng nhiều nơi ở Uji. Và cũng trong đời nhà Đường, có một Sứ Giả của Triều Tiên tên là Kim Taeyeon đi sứ ở Trung Hoa, khi về nước đã đem nhiều giống Trà về trồng ở phía Nam của núi Chiri.
 
3). Cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ.
Nếu như cho rằng Cây Trà Đầu Tiên của nhân loại xuất hiện tại Ấn Độ thì chúng ta được biết như sau: Cũng theo truyền thuyết thì từ trước ở Trung Hoa không có Cây Trà mà chính Vị Phật Tổ thứ 6 của Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma khi Ngài đến Trung Hoa để truyền bá Triết Lý Phật Giáo và Ngài đã mang theo giống Trà của xứ Ấn Độ, rồi trồng ở các chùa tại Trung Hoa để làm loại nước uống cho được tỉnh táo, sáng suốt trong lúc ngồi Thiền.
 
Có vài giả thuyết cho rằng cây Trà đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ đã làm cho nhiều người bàn tán tranh luận rất nhiều: Vì gần đây nhất, vào năm 1935, khi người Anh cai trị xứ Ấn Độ, người Anh đã chú ý đến việc khai thác Trà và so sánh với các giống Trà của Trung Hoa thì vô tình người ta đã tìm thấy "một loại cây rừng mọc hoang dã tự nhiên" ở vùng cực Đông Bắc của Ấn Độ, đó là vùng núi Assam (vùng đất này từ rất xa xưa cho đến thời điểm này chưa bao giờ có người khai thác kể cả người dân bản xứ Ấn Độ). Loại cây nầy cao 30 mét và các nhà Thực Vật Học sau khi nghiên cứu, phân tích và đã xác định rằng: "Đây là loại cây Trà nguyên thủy, cùng họ, cùng chủng và cùng gốc với Cây Trà Trung Hoa (Camellia Sinensis)".
 
Sau khi tìm được cây Trà như thế ở Ấn Độ, các nhà Thực Vật Học lại tiếp tục khai thác và lại tìm thêm ra được những cây Trà thiên nhiên như thế ở các vùng biên giới Ấn Độ, Tây Tạng, Miến Điện và Trung Hoa. Và điểm đặc biệt đáng chú ý là: "Nếu như chúng ta nhìn theo bản đồ Trung Hoa và Việt Nam cổ xưa thì các vùng đất này là biên giới Lạc Việt" (vùng đất thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang, Việt Nam).
 
4). Kết luận cuối cùng.
Kính thưa quý vị, qua các dữ kiện mà người viết vừa trình bày cùng quý vị thì chúng ta phải có cái kết luận nào đây cho: Cây Trà đầu tiên của nhân loại đê xuất hiện tại quốc gia nào trên thế giới?
 
Nếu được phép có một cái nhìn khách quan theo cả huyền thoại, khoa học, thư tịch, lãnh thổ, địa hình, cổ vật học, nhân chủng học... thì "Việt Nam của chúng ta là nước đầu tiên đã sản xuất ra Cây Trà cho nhân loại". Trước đây, khi còn ở Việt Nam (lúc còn trẻ). Người viết đã được Thân Phụ nhiều lần kể cho nghe về Trà và Ông đã khẳng định rằng: Cây Trà đầu tiên của nhân loại xuất phát tại Việt Nam.
Nhưng khi đó thì có những người bạn của Thân sinh, có người thì cho rằng cây Trà đầu tiên của nhân loại xuất hiện ở Trung Hoa hoặc ở Ấn Độ. Bản thân của Tôi lúc bấy giờ còn quá trẻ, trình độ hiểu biết còn hạn hẹp và mỗi khi đọc sách, báo viết về Trà... Thực ra, đối với người viết, đã không có một cuốn sách Việt Ngữ nào hoàn toàn đề cập một cách chi tiết về Trà, mà chỉ thỉnh thoảng trong các đặc san, tuần báo, nguyệt san, nhật báo và nhất là các báo vào dịp Xuân, Tết, chỉ bàn đến hoặc viết về Trà qua một bài văn, bài thơ hay một bài có tính cách bình luận về Trà một cách tổng quát cho nên tài liệu về Trà không được đầy đủ và chính xác cho lắm và mỗi lần đọc được những tiểu phẩm Trà, người viết nhận thấy hầu như đa số có khuynh hướng nói rằng: Cây Trà đầu tiên của nhân loại xuất phát từ Trung Hoa. Điều đó cũng dễ hiểu vì phần lớn các sách báo viết về Trà của Việt Nam đều dựa theo các sách báo của Trung Hoa.
 
Như trường hợp của bác Chương, ông cũng là một nghệ nhân thưởng trà và rất am tường về Trà. Thêm vào đó, vợ của ông là một người Trung Hoa (sinh quán ở tỉnh Triết Giang, Trung Hoa), bà đã sinh ra và sống ở Trung Hoa lúc còn trẻ và sau đó mới đến Việt Nam. Bà rất thông thạo về chữ Trung Hoa và cũng là một người rất thích thưởng Trà và đã tìm hiểu, đọc, nghiên cứu rất nhiều sách, báo về Trà bằng Hoa Ngữ. Có lẽ bác Chương bị ảnh hưởng nhiều ở sách, báo viết về Trà có khuynh hướng bênh vực cho nguồn gốc cây Trà ở Trung Hoa, cộng thêm người vợ gốc Trung Hoa của ông, cho nên ông đã quyết liệt khẳng định cây Trà Đầu Tiên của nhân loại xuất phát từ Trung Hoa.
 
Trong khi đó, bác Châu, ông cũng là bạn thân của cha tôi, cũng là một nghệ nhân thưởng trà và thích tìm hiểu, nghiên cứu về Trà. Từ nhỏ khi học ở Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương sau này), ông ở trọ tại Chùa Hội Khánh (2), cho nên, có lẽ, ông đã bị ảnh hưởng nhiều ở Phật Giáo và do đó, ông luôn luôn khẳng định: Cây Trà Đầu Tiên của nhân loại xuất phát từ Ấn Độ, nhất là khi ông đọc sách thấy viết là năm 1935 khi người Anh cai trị Ấn Độ đã tìm thấy một loại cây hoang dã tự nhiên từ cổ xưa, được nghiên cứu và phân chất lại chính là cây Trà của Trung Hoa sau này... thì đúng là Ấn Độ chính là quốc gia đầu tiên sản xuất ra cây Trà cho nhân loại.
 
Người viết còn nhớ và nhớ rất chính xác: Trong một buổi tranh luận về "Nguồn Gốc Cây Trà Đầu Tiên của Nhân Loại" tại tư gia của người viết, vào tháng 10 năm 1960, trong đó có Thân phụ, bác Châu, bác Chương (cả 2 vợ chồng), bác Bạch (cả 2 vợ chồng), ông Đốc Học Dương Văn Tương, thầy giáo Trần Văn Thưởng... Điểm quan trọng chính của buổi tranh luận là có phần trình bày của 3 người để bênh vực cho sự khẳng định về nguồn gốc của cây Trà của mình: Thân phụ cho là nguồn gốc Việt Nam, bác Châu là nguồn gốc Ấn Độ, bác Chương là nguồn gốc Trung Hoa... những người còn lại thì ngồi nghe... Người viết cũng được cho phép ngồi nghe.
 
Bác Châu đã tỏ ra hãnh diện và sung sướng nói rằng: "-Các anh chị có thấy không, nếu bảo rằng cây trà đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa thì tại sao từ xưa đến giờ Trung Hoa không có loại trà mọc tự nhiên này. phần lớn thì người ta luôn căn cứ vào huyền thoại mà bênh vực cho Trung Hoa."
Người viết tin rằng cây trà được mang từ Ấn Độ sang trồng ở Trung Hoa cùng với việc truyền bá giáo lý Nhà Phật của Bồ Đề Đạt Ma, dĩ nhiên từ xa xưa tại Ấn Độ đã có loại trà này... Chứng cứ xác đáng là năm 1935 tại Ấn Độ người ta đã khám phá ra cây Trà mọc tự nhiên hoang dã. Nếu những cây trà đang trồng ở Trung Hoa như hiện nay, mà cứ để cho nó mọc tự nhiên thì nó sẽ to và cao như những cây trà của Ấn Độ cổ xưa hoang dã tự nhiên... điều đó chứng tỏ cả 2 chính là 1... là cây trà gốc từ Ấn Độ.
 
Phần của bác Chương thì ông đem những sách dịch từ những sách, báo Hoa Ngữ ra Việt Ngữ trong đó đề cập đến quyển sách Trà Kinh của ông Lục Vũ và chỉ dẫn chứng những năm, tháng mà người Trung Hoa sử dụng đến trà cũng như những áng văn, thơ nói về trà của các thi nhân, văn nhân Trung Hoa mà thôi.
 
Trường hợp của Thân phụ, lúc đó, Ông đã cương quyết bênh vực lý luận của mình, cho rằng: Cây Trà đầu tiên của nhân loại đã xuất phát tại Việt Nam.
 
Người viết còn nhớ rất rõ ràng, lời Thân phụ đã nói như sau: " - Xin lỗi các anh các chị, nhất là anh chị Chương, có lẽ vì chị Chương là người chính gốc Trung Hoa, anh chị đã có nhiều ảnh hưởng bởi các sách, báo, tài liệu của Trung Hoa viết về Trà. Nhưng căn cứ vào các vùng lãnh địa cổ xưa của Trung Hoa thì có sách, báo nào đã khẳng định là cây Trà đầu tiên của nhân loại nằm ở lãnh thổ của Trung Hoa đâu, mà tất cả chỉ căn cứ vào huyền thoại và sách báo, văn phẩm, thi phẩm về Trà mà thôi... Nếu cho rằng Thần Nông là người đầu tiên biết dùng Trà thì có chắc rằng Thần Nông là người cổ Trung Hoa chăng ? Vì theo lãnh thổ địa hình cổ xưa thì vùng phía Nam sông Dương Tử là lãnh thổ của người cổ Việt Nam, là nơi Vua Hùng Việt Nam lập quốc Văn Lang, của nguồn gốc Lạc Việt. Thêm vào đó, vào năm 1935, người ta cũng tìm thấy tại vùng Lạc Việt cổ xưa có những cây Trà, như cây trà mọc hoang dại ở vùng cực Bắc Ấn Độ, Tây Tạng, Miến Điện và Trung Hoa... thì đây cũng chính là vùng đất Lạc Việt cổ xưa của Việt Nam chúng ta... Xin anh Châu chú ý ghi nhận điều này để hiểu rằng cây trà đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ thì khó được chấp nhận. Đất nước Việt Nam vào thời kỳ Bắc Thuộc, đặc biệt thời kỳ Nhà Minh, sách sử đã bị tịch thu và đốt phá gần hết cho nên bây giờ chúng ta không còn các thư tịch để chứng minh. Nhưng chính các sách sử của Trung Hoa cũng luôn luôn khẳng định cây Trà và tục uống Trà từ ngàn xưa đã xuất phát từ Phương Nam mà Phương Nam chính là vùng đất ở phía Nam của sông Dương Tử, tất nhiên vùng Đất của Lạc Việt cổ xưa."
Cuối cùng, Ông Đốc học Dương Văn Tương (Đốc Học của Trường Tiểu Học quận Bến Cát tỉnh Bình Dương sau này), là người cao niên nhất trong các người tham dự buổi họp mặt tranh luận về Trà đã phát biểu như sau: " - Thưa quý vị, theo ý của tôi thì lý luận trình bày của Ông Quận (3) là hợp lý nhất vì ông đã căn cứ chính xác về địa lý lãnh thổ cổ xưa của Việt Nam chúng ta trong giống nòi Lạc Việt... thử hỏi như đất nước Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay, vùng đất Trung Phần của người Chăm ngày xưa, vùng đất Nam Phần chúng ta đang ở là vùng đất Thủy Chân Lập của người Cao Miên ngày xưa, thì những đền đài, cung điện cổ xưa của họ còn tồn tại chúng ta cũng phải công nhận là của họ chứ không thể là nói của chúng mình, thì "Cây Trà đầu tiên ở vùng đất Lạc Việt cổ xưa" chính là của Vua Hùng dân tộc Việt Nam."
 
Thú thật, lúc bấy giờ căn cứ theo lời trình bày của Thân sinh, theo ý kiến góp thêm của Ông Đốc Dương Văn Tương thì cá nhân người viết rất tin tưởng vào các lý luận của cha Tôi... vì Thân phụ đã có dịp du học ở Pháp vào giữa thập niên 1930, ông cũng có dịp đi du lịch nhiều nơi trên thế giới (trong đó có cả Trung Hoa và Đài Loan). Ông đã cố công tìm hiểu, sưu tầm nhiều tài liệu, sách báo của nhiều quốc gia trên thế giới nhất là các tài liệu viết về Trà qua nhiều ngôn ngữ khác nhau.
 
Và gần đây nhất, căn cứ theo cuốn sách mang tựa Trà Kinh của học giả Vũ Thế Ngọc, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1987, đã đưa ra những dẫn chứng xác đáng, vô tư và khoa học để chứng minh là "Cây Trà Đầu Tiên Của Nhân Loại Đã Xuất Phát ở Quê Hương Việt Nam của chúng ta". Người viết xin phép Học giả Vũ Thế Ngọc và độc giả được ghi lại nguyên văn phần để quý độc giả có cái nhận định chung về nguồn gốc cây Trà đầu tiên trong lịch sử Trà của nhân loại.
 
Trích nguyên văn một phần của quyển "Trà Kinh" của học giả Vũ Thế Ngọc:
" 6.1. Việt Nam là quê hương của cây Trà.
Trong chương đầu tiên, chúng tôi đã phủ nhận cây Trà phát sinh từ Trung Quốc (chữ Camellia Sinensis đã chỉ còn đúng một nửa). Các lý luận nầy có thể tóm lược như sau:
1. Không có tài liệu nào nói đến cây trà đã xuất hiện ở thời cổ Trung Quốc. Phần viết về cây trà ở sách Bản Thảo là ngụy tạo về sau.
2. Cây "Đồ" ở "Kinh Thi" và trong sách "Nhĩ Trà" thực sự chỉ là cây Khổ Trà không phải là cây Trà.
3. Một dẫn chứng cụ thể là không có cây trà ở trạng thái thiên nhiên trên đất Trung Quốc (vì vậy ta thấy rất nhiều huyền thoại về nguồn gốc trà ở Trung Quốc đều gián tiếp nói đến sự thực này: trà do chim tha hạt đến, trà sinh từ mí mắt của một thiền sư từ Tây Trúc ...).
 
Từ xưa cho đến nay, các danh từ cũng như các vùng sản xuất trà quan trọng đều ở phía Nam của sông Dương Tử hoặc vùng biên giới Tây Nam. Chưa bao giờ có ai nhắc tới các vùng đất Trung Hoa cổ đại (Bắc sông Hoàng Hà) có trồng cây trà. Sử của Trung Hoa cũng luôn luôn cho thấy tục uống trà là do miền Nam đưa lên miền Bắc. Hiện nay, tài liệu cổ nhất cho thấy dân Thục (Tứ Xuyên) biết uống trà trước dân miền Trung Thổ. Sử đến thời Tam Quốc chỉ nói đến Tôn Hạo (vua nước Ngô miền Nam) bày tiệc trà thay rượu. Cho đến thời Nam Bắc Triều (420-581) tục uống trà mới bành trướng rộng ở Giang Nam. Đến đời Tùy (581-621), tiên triều của thời đại hoàng kim nhà Đường (618-907), trà mới lan tràn qua miền Bắc, sau biến cố lịch sử Tùy Văn Đế (589-601) được chữa khỏi bệnh nhức đầu nhờ uống trà.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tôn trọng một sự thật hiển nhiên: Quả thực dân tộc Trung Quốc nói chung và đặc biệt là các thiền sư, ẩn sĩ, nghệ sĩ Trung Quốc đã khuếch trương, đã phát triển, đã trau chuốt, đã đưa việc uống trà, đã làm cho trà trở nên một nghệ thuật tinh vi, người Trung Quốc xứng đáng hãnh diện với một cái tên nôm na mà ta gọi là "Trà Tàu".
 
Nhân loại nói chung phải cảm tạ họ, như nhân loại cảm tạ nước mắm Việt Nam, với rượu của Pháp... (không phải chỉ Việt Nam mới có nước mắm, Pháp mới có rượu và Trung Quốc mới có trà).
 
Trở lại quê hương Việt Nam. Như ai nấy đều biết, chỉ hơn 10 năm bị lệ thuộc nhà Minh (1414-1427) tài liệu văn hóa của chúng ta gần như bị tru diệt hoàn toàn. Chiếu dụ của nhà Minh còn đó: Đốt hết, chở hết sách vở về Tàu, kể cả những chữ đục trên bia đá, viết trên núi cũng bị đục bỏ... cho nên tài liệu viết của chúng ta còn lại trước thời đại này đa số là một vài bài thơ, tài liệu còn được các nhà chùa cất giữ.
 
Nhưng điều hiển nhiên: ở đâu, bất cứ thời kỳ nào, hễ tìm thấy "chữ" là ta cũng sẽ tìm thấy chữ viết về "Trà". Một trong những bài thơ cổ còn lại của ta thời Lý cũng đã nhắc đến trà :
"Tặng bạn xa ngàn dặm.
Cười dâng một bình trà."
(Tặng quân thiên lý viễn.
Tiếu bá nhất bình trà).
* Viễn Chiếu Thiền Sư.
 
Cũng từ thời nhà Lý, ta đã thấy nhà chùa ở trên các núi cũng đã thường khai thác trà để tự túc kinh tế:
"Sơn tăng hoạt kế trà tam mẫu.
Ngư phủ sinh nhai trúc nhất cần."
* Cao Tăng Truyện.
 
Ta cũng nên nhớ trước thời kỳ giành được độc lập và thế kỷ thứ 10, nước ta bị sát nhập vào đất đai Trung Quốc. Thời nhà Đường (618-907), Trung Quốc là một đại cường quốc duy nhất trên thế giới về cả 2 phương diện Văn Hóa và Lĩnh Vực.
Sinh hoạt trên đất nước chúng ta như thế nào ? Chắc đã cũng phải ít nhiều giống các quận, huyện của Trung Quốc nhưng rất đặc biệt. Điểm đặc biệt thứ nhất là về địa dư: Giao Châu (Việt Nam) là vùng đất trung gian, là trạm nghỉ chân, là nơi có thể tìm những thông dịch viên (biết cả Hoa Ngữ lẫn Phạn Ngữ) trên con đường giao thông văn hóa và thương mại Ấn Độ, Trung Quốc, hay nói rộng hơn Trung Quốc và gần cả thế giới còn lại.
 
Trong một tài liệu nghiên cứu khác, người viết có dịp chứng minh kinh điển Phật Giáo được dịch ra chữ Hán đầu tiên là ở Việt Nam. Phật Giáo được đưa đến Việt Nam trước khi vào lục địa Trung Quốc. Cho đến đời thịnh Đường, Phật Giáo là tôn giáo mạnh nhất ở Trung Quốc, chi phối toàn diện sinh hoạt văn hóa trí thức ở Trung Quốc như thế. Thế mà sử Trung Quốc, văn thơ Trung Quốc đã phải ghi là triều đình phải cung thỉnh các nhà sư như Duy Giám, Phụng Đình... từ Giao Châu vượt vạn dặm để đến tận triều đình Trung Quốc để giảng kinh. Nói tóm lại là ở Giao Châu có nền "văn hóa" cao như vậy mà không còn dấu vết tục uống trà đời Đường, đời Tống ở Việt Nam ? (như lối uống mạt Trà trong Trà Đạo Nhật Bản là do lối uống trà đời Tống truyền qua cùng với các nghi thức uống trà ở các chùa chiền Trung Quốc).
 
Điều này dễ hiểu, bởi vì ta đã biết uống trà trước Trung Quốc và ta đã dạy cho họ uống trà, và lối uống trà của ta hoàn toàn khác họ và lối uống trà này còn truyền đến ngày nay, sẽ có dịp trình bày ở phần sau. Đó là lối uống trà tươi, trà nụ, trà mạn của ta. Trái lại, cây trà và lối uống trà truyền sang Trung Quốc thì đã biến đổi thật nhiều. Và người Trung Quốc đã nâng lên một trình độ thưởng thức cao tuyệt ở thời nhà Minh, nhà Thanh... thì lúc đó ta mới bị chinh phục, ta bắt đầu nhập cảng "Trà Tàu" làm theo lối biến chế của họ. Vì vậy ta chỉ uống trà theo lối trà biến chế cuối cùng và tinh vi nhất của họ mà không bao giờ nghe nói đến Trà Gạch, Trà Bánh, Trà Bột... hoặc bỏ thêm vào trà những thứ khác như hành, muối, vỏ cam, vỏ quýt... như lối uống trà cổ của Trung Quốc.
 
Chúng tôi cũng đã trích dẫn "An Nam Chí Lược" để chứng minh ngay thời kỳ độc lập đầu tiên, vua Đinh Liễn của nước ta đã phải triều cống cho Trung Quốc trà thơm hoặc sách "An Nam Vũ Công" (Địa Dư Chí) của Nguyễn Trãi đã kể đến loại Trà Tước Thiệt là loại trà danh tiếng của Việt Nam... Rất tiếc, tài liệu chỉ viết có thế. Mặc dù tôi đã chứng minh bởi cổ thư tịch Trung Quốc từ quyển sách nổi tiếng nhất về Trà của Lục Vũ (Trà Kinh) cũng đã khẳng định trà xuất xứ từ phía Nam ngay từ dòng đầu tiên (trà gia, Nam phương chi gia mộc dã). Điểm cuối cùng chúng tôi cũng đã thưa rằng cho đến hiện nay người ta chỉ tìm thấy cây trà thiên nhiên ở vùng biên giới Hoa Ấn, Miến Điện, Tây Tạng và Bắc Việt Nam.
 
Tất cả những luận cứ đó, chúng tôi chỉ đưa đến kết quả Việt Nam đã biết trà trước Trung Quốc rất lâu. Lối uống trà ở Việt Nam rất sơ sài (trà tươi, trà nụ), nhưng truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc đã nâng lên một nghệ thuật tinh vi. Đến lúc này, Việt Nam lại nhập cảng trở lại nghệ thuật uống trà của Trung Quốc mà ta gọi nôm na là Trà Tàu. Cũng như tương tự, đại đa số các sơn môn, giáo phái Phật Giáo ở Việt Nam sau này đều phát gốc ở Phật Giáo Trung Quốc mặc dù Việt Nam đã biết đến Phật Giáo trước Trung Quốc.
(Trích quyển Trà Kinh của Học giả Vũ Thế Ngọc & Các trang 156-157-160-161). Hết trích.
 
5). Phẩn kết luận của người việt.
Rất tiếc là bây giờ Thân phụ không còn sống để ông được đọc quyển Trà Kinh của Học Giả Vũ Thế  Ngọc, để Ông được nhìn thấy "cái lý luận ngày xưa của Ông đã nói đúng về nguồn gốc của cây Trà xuất phát ở quê hương Việt Nam."
 
Thú thật, nếu qua lời nói thì chính lời nói đầu tiên xác định nguồn gốc cây trà là ở Việt Nam, đối với người viết lời nói của Ông Thân sinh quá đúng. Nếu đọc các sách, báo Việt Ngữ nói về Trà thì chính quyển sách "Trà Kinh" của Học giả Vũ Thế Ngọc là cuốn sách đầu tiên mà người viết được đọc có những chứng tích khoa học, xác nhận cây Trà đầu tiên của Nhân loại xuất phát ở Việt Nam.
 
Ngày hôm nay, quyển Trà Kinh của Học Giả Vũ Thế Ngọc đã đến với mọi người và những lời người viết về Trà cho quyển sách nhỏ bé này, trong đó có đề cập đến Ông Thân sinh. Nghĩ rằng: " Ông Thân sinh cũng được Vui và đã được mãn nguyện một phần nào nơi âm cảnh vì có được một người con đã thay mặt cho ông nói đến nguồn gốc cây Trà của Nhân loại đã xuất phát từ Việt Nam".
 
Còn đối với Âu Châu và các nước khác trên thế giới thì Trà càng đến muộn hơn nữa (4). Trong thời gian Marco Polo làm gạch nối giao thương của Âu-Á, ông cũng đã nói đến Trà nhưng rất khái quát không rõ ràng. Và quyển sách Anh Ngữ đầu tiên viết về Trà là quyển Discours of Voyage into East and West Indies của Jan Huygen Van Linschoten năm 1598. Và có lẽ người Âu Châu bắt đầu nếm được hương vị của Trà đầu tiên là từ thời kỳ Marco Polo.
 
* C Thích.
(1): Các nước sản xuất Trà tính theo thứ tự với số lượng đơn vị "Triệu Cân Anh" hàng năm: 1. Tích Lan (444) & 2. Ấn Độ (440) & 3. Kenya (104) & 4. Trung Hoa (95) & 5. Nam Dương (93) & 6. Đài Loan (47).
Các nước nhập cảng Trà tính theo thứ tự với số lượng đơn vị "Triệu Cân Anh" hàng năm: 1. Anh Quốc (460) & 2. Hoa Kỳ (170) & 3. Ai Cập (66) & 4. Úc Châu (59) & 5. Gia Nã Đại (47) & 6. Nga Sô (43).
 
(2): Ở tỉnh Thủ Dầu Một ( sau này là tỉnh Bình Dương) có một ngôi chùa rất cổ tên là Chùa Hội Khánh. Theo lời bác Châu là người đã từng ở trọ tại chùa để đi học cho biết: Vào thời vua Gia Long, ở nước ta đã có chùa Hội Khánh và đã có một vị thiền sư của chùa này đã sang Trung Hoa, vùng Triết Giang, thăm viếng các chùa ở đây và khi trở về Việt Nam có mang về một giống Trà ngon của Triết Giang và đã trồng ở chùa Hội Khánh và sau này chùa trồng nhiều và sản xuất một loại trà bán ra thị trường mang tên Trà chùa Hội Khánh.
 
(3): Vào đầu thập niên năm 1950, Cha của Tôi là Quận Trưởng Hành Chánh của quận Bến Cát tỉnh Thủ Dầu Một, cho nên mọi người địa phương thường gọi ông một cách thân mật là "Ông Quận".
(4): Chính xác nhất có lẽ mãi đến thế kỷ thứ 16 thì người Âu Châu mới thực sự nếm được hương vị tuyệt hảo của Trà. Không biết chúng ta có nên tin rằng câu nói sau đây của một người thưởng Trà đã nói có "Đúng hay không". Nhờ có Trà mà ngày nay mới có nước Hoa Kỳ. Vì theo người ta được biết thì có lẽ Trà đã làm cho người Anh Quốc quá say mê, ưa chuộng và xem Trà như một loại hàng quý cho nên đã đánh thuế thật nặng và do đó làm cho người dân thuộc địa Hoa Kỳ đã bị kiệt sức không chịu nổi và đã vùng dậy, và có lúc đã ném hơn 342 triệu thùng trà xuống biển và tiếp theo đó là một cuộc đấu tranh giành độc lập cho người Hoa Kỳ và có nước Hoa Kỳ. Không hiểu ngày nay, mỗi khi uống trà, người dân Hoa Kỳ có nghĩ và nhớ đến điều này của lịch sử hay không ?

Về khía cạnh Trà ở Âu Châu thì được biết có một sinh viên người Pháp tên Morisset đã quá đề cao về Trà trong một luận án trước Viện Y Học Ba-Lê và đã cho rằng: Trà là một thức uống làm tăng thêm sự minh mẫn cho trí tuệ. Và cái lý luận này đã bị phản đối kịch liệt và đã bị hủy bỏ vì lúc bấy giờ có một số người đã muốn bênh vực cho một số thức uống khác (và hình như trong đó có Rượu, vì đây là nước Pháp).

* Nguyễn Vân Xuyên.

Home.   *Mc Lc:  [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17].