TÌM HIỂU LỜI DẠY CỦA ĐỨC HỘ PHÁP TRONG QUYỂN BÍ PHÁP . THỂ PHÁP LÀ CƠ QUAN GIẢI KHỔ, BÍ PHÁP LÀ CƠ QUAN GIẢI THOÁT . * Minh Nguyên.

M
ỗi cơ quan nơi CKVT này có hai luật: Luật Hữu Hình tức nhiên là Thể Pháp. Luật Vô Hình tức nhiên là Bí Pháp. Một thí dụ về Thể Pháp và Bí Pháp: Làm bánh bông lan cần phải có bột, đường, và trứng gà, tất cả là ba món. Ba món này là Thể Pháp.  Cách làm cho bành nướng chín và nổi phồng lên là Bí Pháp.

Cơ Sanh Hóa của ĐCT cũng vậy, nó có hai định luật, hình luật có thể quan sát được là Thể Pháp, còn hình luật bí ẩn chúng ta không thể lấy trí định được tức nhiên Bí Pháp. Các nền Tôn Giáo tại mặt địa cầu nầy, được trường cửu hay chăng là do luật Bí Pháp.

Một nền Tôn Giáo nào đã xuất hiện tại thế gian này dầu Thể pháp cao siêu bao nhiêu đi nữa, nếu không có Bí pháp CƠ QUAN GIẢI THOÁT thì nền Tôn Giáo ấy chỉ là Bàng Môn Tả Đạo mà Thôi.  

BÍ PHÁP ĐƠN SƠ CỦA CÁC TÔN GIÁO KHÔNG CÒN PHÙ HỢP VỚI LƯƠNG TRI LƯƠNG NĂNG CỦA CON NGƯỜI NGÀY NAY

Chúng ta đều biết các Tôn Giáo hiện nay đã thất chơn truyền là do Bí Pháp của các Tôn Giáo không đúng theo lương tri lương năng của loài người. Lương tri lương năng của nhơn loại hiện nay đã đạt đến một mức cao thượng. Những triết lý đơn sơ của các Tôn Giáo xưa không cầm được tâm lý của nhân loại trong khuôn khổ đạo đức nữa.

Các vị Giáo Chủ đã lập luật pháp, nhưng luật pháp đơn sơ ấy, ngày nay không có đủ quyền năng trị tâm thiên hạ nữa. 

SỐNG LÀ ĐỜI THUỘC THỂ PHÁP, LINH LÀ ÐẠO THUỘC BÍ PHÁP

Cơ thể Tạo Đoan có hai đặc điểm trọng yếu: Một là Sống, Hai là Linh. Sống tức là Đời thuộc Thể Pháp. Linh tức là Đạo thuộc Bí Pháp.

Thể Pháp là xu hướng theo sống, đồng sống với nhơn loại, cái sống ấy đặng bảo thủ cho tồn tại cái Linh, tức là bảo thủ tồn tại cái khôn ngoan trí thức của mình. Con người sau khi chết cái Linh ấy còn tồn tại mãi mãi và lưu truyền cho đến mai sau. 

Thế giới hiện nay có nhiều sắc dân, sắc dân nào đã khôn ngoan thì họ truyền tử lưu tôn, khôn ngoan đặc biệt, điều ấy không ai chối đặng. Ấy vậy cái Linh của chúng ta không ngó thấy mà biết rằng có cái truyền thống. Cũng như Bí Pháp là cơ quan bí mật ta không ngó thấy, nhưng ta biết rõ nó vẫn tiến triển mãi.

THỂ PHÁP CỦA ĐỜI LÀ SỰ BẢO TOÀN SỰ SỐNG CỦA NHƠN LOẠI

Thể Pháp của Đời là để đặng bảo toàn sự sống chung của nhơn loại. Thể Pháp của một Quốc Gia cần phải phù hợp với tinh thần tiến triển của người dân nước ấy thì nó tồn tại, còn trái ngược lại tức nhiên dùng cường quyền ép bức người dân thì không bao giờ tồn tại.

Từ trước đến giờ, con người bao giờ cũng chiến thắng với các trở lực làm mất tự do, mất quyền vi chủ của mình. Họ không chịu thua một cuỡng bức nào làm cho họ mất quyền vi chủ, họ chiến đấu mãi thôi. 

Giáo Sư, Hàn Lân Viện France. Gustave Meillon  phỏng vấn Đức Hộ Pháp tại Paris, Pháp Quốc .1954.

BÍ PHÁP CỦA ĐỜI LÀ SỰ LƯU DANH HẬU THẾ

Những hạng vĩ nhân đã lập công trạng đối với nhơn loại, chủ trương của họ là tạo nên cơ nghiệp vĩ đại nơi mặt địa cầu này. Họ mơ ước một điều là trước khi chết họ được lưu danh cho hậu thế hay là để lại một trang sử tốt đẹp cho đoàn hậu tấn của nhơn loại. Những bậc vĩ nhân này đối với Quốc dân họ phụng sự cho Quốc dân, đối với vạn linh họ phụng sự cho vạn linh.

Hể quyết tâm phụng sự tức nhiên họ phải lấy chánh tâm làm căn bản, do chánh tâm ấy họ bước vô khuôn khổ của Đạo, tương liên với Đạo. Muốn phụng sự Quốc dân hay Quốc Gia cho đắc lực phải có thành ý và chánh tâm.

Bí Pháp của Đời là để lại một trang lịch sử tốt đẹp, một hình ảnh tôn nghiêm cho hậu thế. 

CHÌA KHOÁ TINH THẦN CỦA THỂ PHÁP VÀ BÍ PHÁP THIÊN ÐẠO.

Chúng ta thử tìm hiểu tại sao chúng ta vào cửa Đạo Cao Đài, Chúng ta tôn sùng ĐCT để làm gì? Đấng ấy có hữu ích gì cho chúng ta hay chăng? Nên tìm tàng cái nguyên lý của nó cho thấu đáo mới gọi rằng tu. Chúng ta phải biết giá trị đó mới dám can đảm thí thân cho Đạo mới có thể cương quyết đặng chung sống với con cái của Ngài. Chớ không lẽ ngồi đó tu theo họ mà không biết chơn lý ở đâu.

Để tâm suy nghĩ chúng ta thấy nhơn loại muốn bảo thủ mạng sống của họ nên họ phải tận diệt mạng sống người khác. Các mạng sống bị tận diệt họ phải chịu đau khổ thống thiết vô ngần vô đối.

Chúng ta cần tìm kiếm cái hữu ích của kiếp sống của mình đối với bạn đồng sanh của ta, hễ thấy mình ăn thì bạn mình mất ăn; mình mặc thì bạn mình mất mặc, tức nhiên chính mình giành sống với họ. Mình giành giựt cái sống của họ để bảo thủ cái sống của mình, thành ra mình không hữu ích gì cho họ hết.

Ta tự hỏi có thể nào ta làm nô lệ cho họ, như tôi không ăn mà tôi sống được không. Nói đến cái đó thì rất khó làm trong suốt kiếp sanh, tức nhiên tôi không thể làm được. Muốn kiếm giải pháp ấy cho được thì tôi gởi cả tâm hồn tôi vào tay một Đấng vô hình, nương theo cái quyền năng vô hình làm Chúa của các mạng sống ấy đặng kiếm thế bảo thủ mạng sống của thiên hạ.

Đấng ấy bảo chúng ta rằng: giúp sống chớ không phải giành sống. Đấng đó tôi nên theo vì hai lẽ: 1) Về phần Đời tôi khỏi cái bệnh đau thảm của tôi. 2) Về phần Đạo tôi khỏi côi cút lẻ loi.

Tôi theo Ổng vì tôi có một đám người biết tình ái vô hạn của tôi, có một đám người cùng tôi gánh khổ của đời tức nhiên họ chịu nhiều khổ đặng họ giải khổ cho thiên hạ. Tôi để hết tâm hồn theo Ổng về mặt Đời và về mặt Đạo. Tôi chỉ nghĩ có bao nhiêu đó thôi ngoài ra tôi không biết gì nữa hết.

Giờ phút nào tôi thoát xác tôi về với Hư Linh, tôi được một vài triệu linh hồn về cảnh Thiêng Liêng Hằng sống thì tôi không còn hạnh phúc nào hơn chỗ đó nữa. Tôi có thể làm bạn với cả trăm, cả triệu Chơn Linh trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, vì cớ cho nên tôi phải vào Đạo Cao Đài đặng tôi phụng sự cho Ổng tức nhiên tôi phụng sự cho con cái của Ổng. Tôi nghĩ có bao nhiêu đó mà tôi theo Đạo Cao Đài cho đến ngày nay.

THỂ PHÁP THIÊN ÐẠO CAO ĐÀI GIÁO LÀ CỨU KHỔ.

Chúng ta quan sát coi các nền Tôn Giáo nào đã có phương pháp giải khổ cho chúng sanh hay chăng? Đức Chí Tôn cho chúng ta thấy các cơ quan trong CKVT cốt yếu là phải phụng sự cho cho Vạn Linh. Tôn giáo nào không phụng sự cho Vạn Linh mà lợi dụng Vạn Linh là tôn giáo đó không có phương pháp giải khổ, tức nhiên là giả pháp.

Còn Đạo Cao Đài Đức Chí Tôn đến biểu chúng ta làm gì? Biểu chúng ta dùng cả xác thịt, trí não, linh hồn, làm Thánh Thể cho Ổng, làm đầy tớ cho cả con cái của Ổng, đó mới là thuyết giải khổ vậy.

Các cơ quan Đạo Cao Đài cốt yếu là giúp đồng Đạo tương thân, tương trợ nhau, xem nhau như anh em một nhà để giúp nhau về mặt tinh thần, để giải khổ chúng sanh về sự sống.

Đối với Sanh, Lão thì chúng ta đã lập thành đại gia đình; như thân nầy khi già rồi còn em, còn bạn, còn con, còn cháu, một đại gia đình càng ngày càng lớn hơn nữa. Chúng ta dầu sống đi nữa cũng không phải cô độc mà khi chúng ta phụng sự trong Thánh Thể Đức Chí Tôn tức nhiên phụng sự cho Ngài, tuổi già chớ tinh thần không già, không buổi nào chúng ta già hơn Đức Chí Tôn, nhỏ làm tôi mọi cho nhỏ, lớn làm tôi mọi cho lớn, già làm tôi mọi cho già.

Không buổi nào thấy cái già cái khổ của chúng ta tức nhiên giải khổ rồi đó vậy.

Sanh, Lão không phải cái khổ của chúng ta, mà nó là một cơ quan giúp cho đời được lịch duyệt. Bịnh, Tử không phải cái khổ của chúng ta, mà nó là cơ quan giúp ta đoạt Thiêng Liêng vị. Bịnh Tử, bịnh chúng ta làm gì chúng ta bịnh, tại số chết của chúng ta, tại khối sanh quang của ta hết lực mà thôi.

Kiếp sanh này làm tôi cho người, dầu cho có bỏ xác hay chết là cùng. Mạng sống kiếp sanh của mình do quyền Đức Chí Tôn định liệu, thì sợ gì cái chết; trái ngược lại thiên hạ sợ chết là khổ mới chết, còn chúng ta không sợ chết vì chết là cơ quan giải thoát đó vậy.

Giờ phút này người tu là đem thân làm nô lệ cho nhơn loại, rồi có vui sướng gì với kiếp sanh mà cần sống, giá trị cái sống của ta khác hẳn hơn thiên hạ tưởng tượng, mà tưởng tượng cái chết của ta là buổi nghỉ ngơi, buổi hết cực; cái chết ấy chẳng phải do mình mà do nơi Đức Chí Tôn định là tới buổi Đức Chí Tôn nói các con đã làm xong phận sự, Thầy cho con về.

Giờ phút này chúng ta đương phụng sự cho Ngài đây, thì cái sống chết của chúng ta không còn giá trị gì đối với chúng ta nữa, và trong Tứ Khổ không còn giá trị gì đối với chúng ta nữa: Ấy vậy, "Tứ Diệu Đế" duy có Đạo Cao Đài giải quyết nó, đánh mất nó, làm cho nó không còn giá trị chi nữa.

Chúng ta trọn hiến thân làm Thánh Thể cho Ngài mà ta sống cho mình chớ không phải sống cho Ngài là không đúng; sống không phải sống cho mình mà chính là sống cho Ngài.

Ta lại gặp thời kỳ này may duyên gặp được một cảnh sống lạ thường, sống về Thánh chất, sống về Thiêng Liêng, sống về CKVT, sống về Trời Đất, sống dường ấy mà gọi là khổ sao đặng.

SỰ LIÊN HỆ GIỮA THỂ PHÁP VỚI BÍ PHÁP LÀ PHỤNG SỰ VẠN LINH, THÌ ÐẠT VỊ THẦN THÁNH TIÊN PHẬT.

Cơ quan Tạo Đoan CKVT là cơ quan Đức Chí Tôn tạo ra để phụng sự cho Vạn Linh. Đất phải hy sinh đặng phụng sự cho cây, tức nhiên là thảo mộc. Cây phải hy sinh đặng phụng sự cho thú, tức nhiên nó phải hy sinh đặng nuôi thú, mà loài người đứng đầu trong loài thú chớ không có chi khác nữa, và người phải hy sinh đặng phụng sự cho Trời.

Chúng ta thấy luật phụng sự cho Vạn linh đi từ vật loại đến nhơn loại. Con Ong chúa vì làm chúa nên phải có nhiều phụng sự, nó phải chịu sanh sản, làm giống nòi nó sanh sản mãi mà thôi.

Trong xã hội xưa, triều chính nhà Vua phải phụng sự cho lê dân. Một mình Ổng phụng sự cho toàn thể lê dân không thể được nên phải lập triều chính, từ Tể Tướng, dĩ chí cho tới bực hạ quan. Chánh trị một quốc gia là thay thế hình ảnh cho Vua đặng phụng sự cho lê dân mà thôi.

Bây giờ Đức Chí Tôn Ngài phụng sự cho Vạn Linh toàn cả trong CKVT, Ngài đã dùng cái gì? Ngài dùng phương pháp phụng sự Vạn Linh là lấy Vạn Linh phụng sự cho Vạn Linh.

Đức Chí Tôn đến lập Đạo Ngài muốn phụng sự cho cả toàn nhơn sanh mặt địa cầu 68 này, Ngài phải làm thế nào? Ngài cũng phải mượn loài người phụng sự cho Ngài. Ngài phải dùng loài người đặng làm Thánh Thể cho Ngài là lập triều chính của Ngài.

Chúng ta ngó thấy Đức Chí Tôn đến lập Đạo; lập Đạo phải lập Hội Thánh đặng phụng sự cho Vạn Linh. Chúng ta ngó thấy cái quyền rồi, ban cho cái quyền phụng sự, vì phụng sự ấy mới làm Chúa như con Ong kia vì phụng sự mới làm Chúa. Ông Vua cũng vì phụng sự cho dân mới làm Vua; Bây giờ Đức Chí Tôn vì phụng sự cho Vạn Linh mới làm Trời.

Ngài phải lập Hội Thánh tức nhiên Ngài lập Thánh Thể của Ngài. Muốn cho Hội Thánh cầm quyền thống trị đặng phụng sự cho Vạn Linh, Ngài phải lập triều chính, triều chính là ngôi Thần, Tiên, Thánh, Phật đó vậy.

Đức Chí Tôn Ngài đến ký hòa ước với loài người nhứt là dân tộc Việt Nam, Ngài dạy: Mấy người làm Thánh Thể cho tôi, đặng tôi phụng sự cho Vạn Linh, thì tôi sẽ lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật lại cho mấy người. Nếu các người chịu thì ký hòa ước với tôi, kế các người làm tôi cho con cái của tôi, cho vừa sức của tôi muốn, hay vừa ý của tôi định thì tôi sẽ trả lại là lập ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật cho mấy người. Mấy người phụng sự cho con cái của Tôi đi, tới chừng về cõi vô hình tôi không chối cãi gì hết, trái lại còn trả công nhiều hơn khi mấy người phụng sự cho Vạn Linh tại mặt thế này nữa là khác. 

BÍ PHÁP CỦA CAO ĐÀI GIÁO LÀ GIẢI THOÁT.

Chơn pháp CKVT là định cho loài người phụng sự cho Vạn Linh, mà cũng là dẫn đạo cho Vạn Linh. Hễ không phụng sự tức nhiên là vô Đạo, mà vô Đạo thì không thể gì đoạt được cơ giải thoát hết.

Chúng ta biết con người đến nơi mặt thế này có ba điều để làm: 1) Trả quả kiếp đã tạo ra. 2) Học hỏi thêm. 3) Lập vị mình thêm cho đặng cao trọng. Ba điều ấy muốn đoạt được thì phải phụng sự Vạn Linh mới được.

Cơ quan giải thoát là phụng sự, dầu cho quả kiếp mà đến cũng vậy; dầu cho vì học hỏi mà đến cũng vậy; dầu cho lập vị mà đến cũng vậy. Chúng ta phải phụng sự cho Vạn Linh mới được, nhờ phụng sự ấy mà mình gặp được người mình muốn trả nợ tiền khiên, biết đâu nhờ hồng ân Đức Chí Tôn định cho mình gặp đúng người để đặng trả. Tóm lại, cũng phải phụng sự mới có.

Bây giờ về học hỏi thì chúng ta muốn biết mọi điều về huyền vi cơ tạo, muốn biết thì phải phụng sự cho Vạn Linh mà thôi; rồi trong phụng sự ấy nó sẽ chỉ những điều chúng ta cần biết để lập vị.

Muốn phụng sự như Đức Chí Tôn đã làm thì ta phải làm gì? Ngài biểu chúng ta hiến ba món báu trong mình chúng ta là Tam Bửu: Xác thịt, Trí não, và Linh hồn. Đức Chí Tôn biểu ta hiến cho Ngài đặng Ngài phụng sự cho Vạn Linh.

Mỗi ngày ta kêu Đức Chí Tôn làm chứng, kêu Tam Giáo làm chứng, giờ phút này con nguyện dâng cả xác thịt, trí não và linh hồn của con cho Thầy đặng Thầy làm lợi khí mà phụng sự cho Vạn linh. Hễ dâng rồi còn gì của mình nữa, có trả nợ tiền khiên chớ không có tạo nữa; nếu có tạo mà giờ phút này mình đến Đền Thánh này đây, ngồi trong lòng của Đức Chí Tôn đứng trong phần tử Thánh Thể của Ngài tình cờ mình bị quả kiếp gì xảy đến, mình không biết, vì thân thể mình không biết duy chủ nữa mà chính Đức Chí Tôn duy chủ, vì mình giao cả thân thể mình nơi tay Đức Chí Tôn thì mình không còn biết gì nữa. Ngày kia mình có thể nói mỗi hành tàng của con làm, con đã tạo, con giao cả trong tay Đại Từ Phụ, quyền hạn xử định do nơi tay Thầy chớ con không biết.

Mình giao cả hình hài đó cho Ngài sử dụng, nếu sự thật có gì không hay xảy tới cho mình, mình không hiểu, mình giao cả thân thể mình cho Đức Chí Tôn đặng Đức Chí Tôn phụng sự cho vạn linh, quyền sử dụng ấy do Đức Chí Tôn quyết định, mình đừng làm trái với mặt luật của Ngài định.

Ấy vậy, mỗi ngày từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya tới sáng, mình vô Đền Thánh kêu Đức Chí Tôn, kêu Tam Giáo và các Đấng Thiêng liêng mà phân chứng trước. Thân tôi không còn của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức Chí Tôn làm tôi tớ cho Vạn Linh thay thế cho Đức Chí Tôn, giờ phút đó chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt không thể gì định tội được. Đức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta; mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát. Quyền giải thoát ấy là của ta chớ không phải của Đức Chí Tôn. Ngài định cho ta có quyền giải thoát, quyền giải thoát đó do nơi ta quyết định mà thôi.

THÁNH THỂ LÀ GÌ? TẠI SAO LẤY TAM BỬU LÀM THÁNH THỂ?

Chúng ta thử tìm hiểu Thánh Thể là gì? Tại sao lấy Tam Bửu để làm Thánh thể. Tam Bửu chỉ có một, mà một do ba người hiệp nhứt, cũng như CKVT sản xuất ba quyền Phật, Pháp, Tăng trong đó có ba người, nhưng trong ba người chỉ có một là Đức Chí Tôn mà thôi.

Người thứ nhứt là thân thể của ta. Người thứ nhì là Chơn Thần tức là trí não của ta hay là pháp thân; Pháp thân ấy do nơi Phật Mẫu sanh ra đó vậy. Người thứ ba là Chơn Linh tức linh hồn của ta do nơi Đức Chí Tôn sản xuất. Ba món ấy hiệp lại mới thành người. Ấy vậy, ba người trong thân thể chúng ta đang gánh chịu là ba mối nợ chúng ta phải trả.

Khi ta đoạt được Thiêng liêng vị chuẩn bị đặng vô cửa Thiêng Liêng Hằng Sống mà chưa trả ba mối nợ ấy thì vô cửa ai cho, phải trả cho rồi mới vô đặng.

Vì cớ cho nên Đức Chí Tôn biểu mình phụng sự cho Vạn Linh, đặng trả nợ máu thịt của mình. Chúng ta thấy nợ ấy rất công chánh, một giọt Máu, một điểm Tinh của chúng ta thọ nơi phụ mẫu chúng ta, rồi cha mẹ của ta đã thọ nơi Ông Bà trước nữa.  Nếu chạy nợ thì cha mẹ chúng ta phải trả.

Rồi khi cha mẹ sanh ra ta, ta phải nhờ ai mà sống, nhờ ai mà nên người, nhờ ai mà có. Chúng ta khôn lớn tại thế gian này tức nhiên nhờ xã hội nhơn quần, nhờ ăn mới sống, thi hài thân thể ta mới giữ đặng giọt Máu, điểm Tinh để lưu truyền nữa? Trả đủ nợ ấy cho xã hội nhơn quần mới về cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống được. Muốn trả phải phụng sự cho xã hội nhơn quần. Đức Chí Tôn coi trọng hệ nhứt, nên Ngài mới lập trường công quả này đây. Chỉ có làm công quả nơi của Đạo Cao Đài nầy mới trả hết số nợ đó mà thôi. Trường công quả là nơi để chúng ta tạo công, rồi lấy công ấy trả nợ cho xã hội nhơn quần.

Chúng ta vẫn thấy chúng sanh thường hay chạy nợ, bất kỳ là nợ gì? Cho nên Đức Chí Tôn vi chứng rằng: Bây phải trả nợ mà bây đã vay từ trước. Ngài định cho chúng ta trả nợ, mà muốn cho ta dể trả nợ Ngài bảo chúng ta phải phụng sự vạn linh. Vì cớ cho nên Ngài lập Đạo là vậy.

Trả nợ nhơn quần xã hội rồi ta chỉ có trả một mối, còn hai mối nợ nữa cũng phải trả, nợ của người sản xuất ra Chơn Thần là Phật Mẫu đó vậy. Đức Chí Tôn bảo Đức Phật Mẫu Bà là chủ nợ Bà phải đòi, kêu chúng nó đến trước mặt Bà mà trả cho Bà. Bà đừng để cho nó thiếu nợ mà nó giải thoát không đặng. Ngài đến mở Đạo nhìn chúng ta là con cái; con cái của Ngài nhìn chủ nợ là Bà, thì chúng ta phải trả, vì cớ cho nên chúng ta thờ phượng Phật Mẫu là vậy. Chúng ta đến bái lạy Ngài thì chúng ta cũng nguyện dâng cả thi hài, Chơn Thần và Chơn Linh của ta đặng làm môi giới cho Ngài tạo Đạo.

Còn nợ thứ ba nữa là: Nợ đối với Đức Chí Tôn. Ngài đã ban cho ta một điểm Chơn Linh của Ngài, tức nhiên chúng ta do nơi Ngài mà sản xuất. Linh Tánh của chúng ta Linh hơn vạn vật, vì có tánh Trời ở trổng. Muốn trả nợ với Đức Chí Tôn thì chúng ta phải làm như Ngài đã làm, đặng kế nghiệp cho Ngài. Sự trả nợ của Ngài là hy sinh Vạn Linh để phụng sự Vạn Linh. Chúng ta phải học hỏi nơi Ngài cái tánh chất này. Chúng ta muốn trả nợ cho Ngài thì chúng ta phải làm tôi tớ cho Vạn Linh như Ngài đã làm. Chúng ta phải làm Thầy Vạn Linh như Ngài đã làm Thầy của Vạn Linh.

Chúng ta trả ba món nợ ấy được rồi, tới ngày chúng ta trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống nhập vào cõi Niết Bàn, không còn ai níu lưng mình nữa.

SỰ PHẢN KHẮC GIỮA ÐẠO & ĐỜI.

Chúng ta thử tìm hiểu sự phản khắc của Đời và Đạo.

Chúng ta ngó thấy trong Vạn Linh nó chia ra hai phẩm Chơn hồn: Tiểu Chơn hồn và Đại Chơn hồn. Tiểu Chơn hồn còn chia ra làm ba là: Vật Chất Hồn, Thảo Mộc Hồn và Thú Cầm Hồn.

Nhơn Hồn thì có Tiểu và có Đại, do tình dục định phận nó, ta muốn Tiểu thì Tiểu, muốn Đại thì Đại. Đại Hồn là Thần, Thánh, Tiên, Phật, bốn cái Đại Hồn định Thiêng Liêng vị cho cả Vạn Linh.

Chúng ta biết trong mình chúng ta có Phật, có Thú; cho nên triết lý Thất Tình định phận cho ta, muốn làm Phật thì làm, muốn làm Thú thì làm. Trong thân thể của chúng ta vẫn thường chiến đấu, Phật chiến đấu với thú, thú chiến đấu với Phật.

Hai hình trạng của Đời và Đạo, Đạo xu hướng theo Phật, Đời xu hướng theo Thú. Hai bên tương quan phản khắc ngang nhau, cũng như thuyết Duy Tâm và Duy Vật vậy. Đức Chí Tôn chỉ nhơn loại con đường diệt vong trước mắt, nếu khôn thì phải biết chọn Phật hơn thú.  

SỰ VẬN CHUYỂN KHÔNG NGỪNG CỦA BÍ PHÁP TẠO DỰNG VŨ TRỤ & CON NGƯỜI.

Muốn hiểu Bí Pháp chơn truyền của Đức Chí Tôn thì chúng ta phải tìm hiểu coi ta là gì và sự quan trọng của ta trong CKVT. Con người được tạo thành từ Tam Bửu tức nhiên là: Thi Hài, Chơn Thần và Chơn Linh.

Không có một vật loại nào trong CKVT này mà không do quyền năng vô tận của Đức Chí Tôn sản xuất. Vạn vật trong CKVT này phải hoạt động mãi thôi không bao giờ ngừng. Nó nhờ hoạt động chuyển luân mà tấn hóa mãi mãi. Vạn vật phải vận hành luôn; ngưng là chết, cả loài người cũng phải vậy. Vạn vật lưu động là nhờ khí nổ Thái Cực buổi nọ, Thái Cực nổ thành khối lửa; khối lửa ấy tạo ra muôn muôn triệu triệu ức quả địa cầu. Quả cầu ấy nguội lại thành địa cầu chúng ta đang ở đây, là quả địa cầu 68.

Duy có một điều trọng hệ hơn hết là do nơi quyền năng Tạo Đoan của Đức Phật Mẫu đã tạo Chơn Thần và hình thể chúng ta. Khi con người mới thai bào, con tinh trùng ở trong Nguơn khí Cha kết hợp với noản châu của Mẹ; dương trùng của Cha tạo biến thành hình hài xương cốt chúng ta, còn noản châu của Mẹ chúng ta biến ra máu thịt; hai vật ấy phối hợp lại với nhau thành hình hài.

Cái buổi tượng hình thì Chơn Thần của chúng ta còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của hài chúng ta; nó vơ vẩn quanh theo bà Mẹ, bà Mẹ đi nơi nào nó đều theo nơi đó. Chơn Thần đến theo người Mẹ có chửa, đứa con theo mãi, theo cho đến khi tượng hình chúng ta ra khỏi lòng bà Mẹ, Chơn Thần ấy mới nhập vô ảnh hài đó làm khuôn viên cho ảnh hài đó.

Kể từ ngày có nhơn loại nơi mặt địa cầu này đến nay chừng một ngàn năm trăm triệu (1.500.000.000) năm. Nhơn loại phải chịu trong phẩm giả nhơn ít nữa một trăm triệu (100.000.000) năm. Khi đoạt được phẩm vị nhơn phẩm, xác thịt họ mới có phương thế dung nạp Nguơn Linh của Đức Chí Tôn.

Chơn Thần Phật Mẫu đến theo loài người từ buổi mới tạo ra loài người, còn Nguơn Linh Đức Chí Tôn đến loài người chừng năm chục triệu năm (50.000.000). Đức Chí Tôn đến sau chớ không đến trước như Đức Phật Mẫu. Khi mẹ chúng ta sanh ta ra, nuôi gần năm sáu tuổi cũng chưa biết cha là gì; chưa biết theo cha, nghe hiểu nhìn cha là gì; bảy, tám, chín, mười tuổi mới biết. Buổi ban sơ loài người cũng thế đó.

Phật Mẫu sanh ra chỉ biết nuôi nấng theo bực Tiểu Hồi, chớ Đại Hồi chưa có. Ngày giờ có Đại Hồi là Đức Chí Tôn giáng linh trong thân thể loài người. Thân thể con người thú chất là đúng, duy có Đức Chí Tôn đến ở cùng nó mới là Thánh thôi.

Chơn Thần chúng ta làm trung gian giữa thể xác và Chơn Linh, làm trung gian cũng như làm thông ngôn cho Chơn Linh và xác thịt chúng ta vậy.

Lấy một thí dụ: cái máy bay, cánh đuôi và thân máy bay là xác thịt, còn cái chong chóng quây được đó là Chơn Thần. Người cầm lái điều khiển cho vận hành là Chơn Linh.

Muốn hiểu Bí Pháp Đức Chí Tôn thì xem cái xác thịt của chúng ta và Chơn Thần của chúng ta phải chịu ảnh hưởng của Chơn Linh như thế nào thì cái Bí Pháp thế ấy.  

BÍ PHÁP HỘI YẾN DIÊU TRÌ KIM MẪU.

Toàn cả con cái Đức Chí Tôn cần hiểu rõ cái huyền vi bí mật của Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì mà Đức Chí Tôn đã lập trong Đạo Cao Đài, bởi nó có ảnh hưởng đến cơ quan đoạt Đạo chúng ta tại mặt thế gian này.

Toàn Thánh Thể Đức Chí Tôn và con cái của Ngài ráng để ý cho lắm: Từ khi Đạo bị bế Ngọc Hư Cung bác Luật, Cực Lạc Thế Giái thì đóng cửa nên chúng sanh toàn cả CKVT có tu mà thành thì rất ít, bởi phương pháp tu khó khăn lắm, muốn đoạt Pháp không phải dễ.

Cổ Pháp định cho các Chơn hồn về nơi Diêu Trì Cung hưởng được Hội Yến Bàn Đào tức nhiên hưởng được Hội Yến Diêu Trì, ăn được quả Đào Tiên, uống được Tiên Tửu mới nhập vô cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống. Ôi thôi! Từ thử đến giờ có ai đặng hưởng, nếu có đặng hưởng cũng một phần rất ít.

Giờ phút này Đức Chí Tôn quyết định tận độ con cái của Ngài, Đức Chí Tôn buộc Phật Mẫu phải đến tại mặt thế gian này để Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì tại cửa Đạo này cho con cái của Ngài giải thoát, ấy là một Bí Pháp Thiêng Liêng duy có tay Ngài định pháp ấy mới đặng.

Ngài để tại mặt thế này trong cửa Đạo này mà thôi. Từ tạo thiên lập địa đến giờ chưa có ai hưởng được thời kỳ này. Ngài đến quả địa cầu 68 này đặng tận độ con cái của Ngài. Chúng ta phải chiêm nghiệm Lễ Hội Yến này để làm mật niệm cám ơn Đức Chí Tôn và Phật Mẫu. Đây là Bí Pháp giúp chúng ta giải thoát đó vậy.

* Minh Nguyên.

(5-2022)

(Biên soạn trích lược từ quyển Bí Pháp của Đức Hộ Pháp)

Home.   *Mc Lc: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17].