Kính thưa Quí Hiền thân hữu,
chúng ta chắc đã từng nhiều lần nghe nói về chữ Nghiệp. Thời gian gần
đây danh từ nghiệp trở thành một từ thời thượng từ phương Đông sang phương Tây,
nói như giới truyền thông là "hot". Những chữ nghiệp báo,
nghiệp đến thì phải chịu, nghiệp quả,v.v... tương tự được nhắc nhiều, và ngay
tại Việt Nam hiện nay thêm vào danh sách chữ nghiệp là "nghiệp
quật", nghe đã cảm thấy nghiệp dữ dằn lắm và nghiệp quật chắc bầm dập,
thương tật luôn....
Vậy
nghiệp từ đâu đến? Có phải nghiệp là sự trừng phạt từ một vị tối cao thần linh
mà ta không thể tránh được, hay do chính ta tạo thành (tác nhân) để nhận hậu
quả?
Tiện muội
mời quí vị theo sự suy niệm của người tín đồ Cao Đài về chữ Nghiệp. Nếu quí vị
là bậc Chức sắc, Chức việc trong cơ cấu Hành chánh Đạo của Hội Thánh Cao Đài
thì tiện muội xin cúi đầu xin lỗi trước Quí vị vì đã "múa rìu qua mắt
thợ" khi nói về Nghiệp là một tổng quan bao trùm giáo lý của nhiều tôn
giáo. Trong bài viết này, tiện muội với lòng chân thành học hỏi và thiểu ý mong
rằng lời này giúp làm sáng tỏ Đạo THẦY trong tôn chỉ Công Bình, Bác Ái như hình
cân công lý ở Tòa Thánh Tây Ninh thể hiện luật nhân quả công bằng.
Từ trước
khi ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ xuất hiện thì người ta đã từng nói về Nghiệp, chữ
Nghiệp cùng lăn trôi theo con người từ buổi đầu con người có mặt trên địa cầu
cho đến nay.Và khi con người có ý thức về quá khứ, hiện tại, vị lai người ta
mới cố gắng định vị nghiệp ở nơi nào, nghiệp xuất hiện trong đời sống từ quá
khứ để trở thành một kết quả hiện tại hay tương lai.Thời gian trong không gian
nào sẽ xuất hiện?
* Ta thử
bắt đầu chữ nghiệp từ chữ "karma"
Karma có
nguồn gốc từ Ấn Độ giáo là một tôn giáo cổ xưa ở Ấn Độ rồi khi Phật giáo hình
thành ở Ấn Độ đã truyền sang Trung Hoa và đến Việt Nam được dịch thành "Nghiệp".
Trong ý nghĩa tôn giáo "karma" là một nhắc nhở, khuyến cáo con
người thận trọng từ khi có ý niệm phát khởi sang lời nói, hành động trong đời
sống thường nhật có thể gây ảnh hưởng hậu quả cho mình và người khác hoặc hữu
ích hoặc tổn hại trong đời sống này và đời sau. Nghiệp không hàm ý trả thù hay
khen thưởng, trừng phạt, đó là một năng lực phản ứng lại tác nhân đưa đến nhân
quả mà luật cân bằng của vũ trụ đã định.
Khi đứng
trước một hoàn cảnh khổ đau phải gánh chịu không tránh khỏi, người ta hay gán
cho đó là định mệnh từ một quyền lực tối cao vô hình thưởng phạt trong tâm
trạng bi quan, mà quên rằng chính ta là tác giả của hành động gây ra hậu quả.
*
Theo lý thuyết nhân quả của phương Đông thì ý nghĩ, lời nói, hành vi là nhân và
quả là kết thúc của tác nhân lại cho ta niềm lạc quan hơn khi thay đổi cách
sống sẽ thay đổi số mệnh. Từ quan niệm này một nhân sinh quan ở xã hội phương
Đông nơi ảnh hưởng Phật giáo rất nhiều, tiêu cực và tích cực có mặt trong đời
sống xã hội cho con người ý chí tự do để quyết định lựa chọn hành động của mỗi
người đưa đến sự an lạc hay khổ đau mà không do một quyền lực ngoại tại nào chỉ
định.
Nếu định
luật Nhân Quả là gieo gì gặt đó thì nghiệp có hàng hàng lớp lớp nhập liệu
(imputs) và những hậu quả tương tác lên nhau thành một chuỗi liên kết giữa
không gian và thời gian do tâm thức con người thay đổi từng sat-na trong mối
quan hệ cá nhân và xã hội. Diễn biến từ nhân đến quả do năng lượng phát xuất từ
lực phản ứng lên tác nhân. Ví dụ: Có một hột giống nếu để yên hột giống vẫn là
hột giống, nhưng khi ta đem gieo hột vào đất, sau đó chăm bón tưới tắm thì hột
giống nảy mầm và sẽ trở thành cây theo thời gian. Sự biến đổi từ hột sang cây
nhờ vào môi trường, nhiệt độ, dinh dưỡng, v.v...tạo thành nguồn năng lượng để
cây phát triển, và đó cũng là tính lý duyên khởi. Bước vào lý tính duyên khởi
của nhà Phật ta lại lạc vào trùng trùng phức tạp lý giải về nghiệp. Và hầu hết
các chi phái Phật học đều đồng thuận Nghiệp lực có sự tương tác của hiện tượng.
Lý
tính duyên khởi có hai trường hợp giải thích:
+Trường
hợp thứ nhất thường là sự tương tác Nhân - Quả thông thường tùy theo ý nghiệp,
khẩu nghiệp, thân nghiệp nặng nhẹ tạo nên lực phản ứng theo thời gian và hiện
tượng xảy ra.
+ Trường
hợp thứ hai được giải thích bằng nhận thức nhìn vào bản chất hiện tượng không
bị chi phối bởi luật nhân quả, để tự suy nghiệm mình là ai? Từ đâu đến để chứng
nghiệp báo như thế nào? .
Khi có
một hiện tượng xảy ra, hoặc nhìn, hoặc nghe, hay tưởng đến sẽ nảy sinh lòng ái.
Ái như là một nhu cầu, một khát vọng để sống và tồn tại của con người, từ đó
sinh ra tự ngã, nó điều khiển hành động chiếm hữu gọi là thủ đắc. Thủ có nghĩa
như một hành động bám chặt như khi nói "kiến thủ" là cố giữ ý
kiến của mình.Ái sinh ra chiếm hữu và tích lũy, đây là một quá trình diễn biến
của nghiệp dù là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp.Theo lý tính duyên khởi để
ngăn ngừa tạo nghiệp người ta phải ngăn chặn duyên khởi phát sinh.
Vì đưa ra
đề tài phổ quát của nhiều tôn giáo dạy con người dứt nghiệp để giải thoát "Khổ"
hay cứu rỗi, bài viết sẽ dài và nhấn mạnh về Đạo Cao Đài giải thích Nghiệp lực
như thế nào!
Sơ khởi
chúng ta đã có nhận định về Nghiệp theo quan niệm Đông phương dựa vào thuyết
Nhân Quả trong lý tính duyên khởi.
Với một
Nhân Sinh Quan mới của nền tân tôn giáo danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chỉ mới
khai Đạo gần một thế kỷ so với các nền tôn giáo đã mở ra trước đây hơn 2000
năm, người tín đồ Cao Đài sẽ nhận thức về Nghiệp ra sao và đi như thế nào để
thoát nghiệp ?
Bài viết
này tiện muội chỉ góp chút ít ý kiến sau khi học từ bài "Luật Tam
Thể" của Đức Cao Thượng Phẩm và Bát Nương Diêu Trì Cung. Niềm tin vào
sự cứu rỗi của ĐẤNG CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ hay còn gọi là ĐỨC CHÍ TÔN và những bài học
dạy Đạo của các Đấng Thiêng Liêng đã tiếp sức giúp tiện muội sáng tỏ những vấn
đề về nghiệp, về luân hồi trong luật Nhân - Quả ở thế gian. Thành thật xin
lượng thứ khi Quí Hiền thấy còn thiếu sót. Và bây giờ chúng ta bỏ chút thời
gian đi cùng nhau tìm hiểu Nghiệp đạo trên quan niệm của Cao Đài Giáo.
Theo các
nền tôn giáo đã xuất phát trước đây, tất cả cũng đều một mục đích cứu rỗi con
người khỏi chữ Khổ, và trở về với Cực lạc Niết bàn hay Thiên Đàng,con người có
hai phần, một hữu hình là thể xác và một là linh hồn (theo Thiên Chúa Giáo), và
một là thần thức theo Phật giáo (A lại da thức) mang những chủng tử từ hành
động, ý nghĩ của thể xác rồi chuyển luân sang một thể xác mới để trả nghiệp.
* Với Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, một Nhân Sinh Quan mới được triển khai đó là con người gồm 3
thể hợp lại gọi là Tam Thể xác thân.
- Xác
thân thứ nhất gọi là Đệ nhất xác thân chính là thể xác hữu hình từ máu thịt mà
thành hình tướng,do Cha Mẹ hữu hình tạo ra trong lý duyên khởi để từ đó ta có
mặt trên đời.
- Thể thứ
hai gọi là Đệ Nhị xác thân thường gọi là Chơn thần, do Đức Phật Mẫu tức Diêu
Trì Kim Mẫu ban cho, và theo thể xác hữu hình nương nhờ vào não nên là bán hữu
hình, ghi nhận ký ức và huân tập hành vi ý nghĩ của thể xác, còn gọi là Trí.
- Thể thứ
ba được gọi là Chơn Linh là phần linh hồn. Đệ tam xác thân không có thể hữu
hình do điểm Linh Quang của Đức CHÍ TÔN ban xuống từ khối Đại Linh Quang của
Ngài.
I - Đệ Nhất Xác Thân: Là một thể hữu hình vật lý, có
đầy đủ ngũ quan, lục căn, ngũ hành trong cơ thể. Mỗi hình thể là một sự sống
tổng hợp từ nhiều tế bào. Những tế bào có điện tích âm dương và kết hợp với
nhau theo lực hút hấp dẫn âm dương. Tùy theo tế bào mang điện tích âm dương
khác nhau mà tạo thành ngũ hành vận chuyển trong cơ thể. Âm dương diêu động
được là nhờ khí Hư vô.
Hư vô
sinh Thái cực,ra Lưỡng Nghi đó là hình thành sự sống.. Vật chất hữu hình thọ
dưỡng khí Hậu thiên là thức ăn và dưỡng khí tạo thành Chơn tinh.Chơn Tinh nhận
khí âm dương trong thể xác sinh ra một chất hơi từ khí Hậu thiên gọi là Chơn
Khí bao bọc thể xác Vì vậy mỗi cơ thể có một ánh sáng riêng, nó biến đổi tùy
theo trược khí nhiều hay ít của thể xác,nhờ đó nơi cõi hư linh nhìn thấu hết
hành tàng tâm ý của mỗi người.
Chơn Khí
làm trung gian tiếp điển của Chơn Thần từ Phật Mẫu và Chơn Linh từ Đức CHÍ TÔN.
Vì vậy Đệ Nhất Xác Thân rất quan trọng trên đường tấn hóa của Chơn Thần.
Chơn Thần
và Chơn Linh tựa vào thể xác là đệ nhất xác thân để lập công bồi đức chuyển đổi
từ Nhơn hồn đến Thần hồn, Thánh hồn....
Thể xác
bị ô trược thì Chơn khí không tiếp được điển của Chơn Thần và Chơn Linh, lúc đó
đệ nhất xác thân sẽ buông lung chìu theo lục căn khi tiếp xúc với lục trần
quyến rũ tạo thành lục dục.
Lục căn:
Mắt,Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý.
Lục
trần:tương ứng với lục căn.Sắc,Thanh, Hương, Vị giác, Xúc giác, Ý thức.
Lục dục:
danh vị, tài lợi, sắc đẹp,tư vị (ích kỷ), hư vọng, tật đố.Khi thể xác đã tham
đắm vào vòng lục dục thì Chơn khí biến sắc tạo thành màu đỏ, hay màu tím ngăn
chặn Khí Tiên Thiên là Chơn thần và Chơn Linh tiếp xúc. Đệ nhất xác thân đành
trôi theo thú chất mà vào vòng nghiệp đạo luân hồi..
Khi Đệ
Nhất Xác Thân chấm dứt sự sống mà người đời gọi là chết, là vật chất hữu hình
nên sẽ tan rã lâu mau tùy theo cách an táng (địa táng hay hoả táng) và trở về
với đất, lẫn lộn trong bụi đất tạo thành một chu kỳ sống mới. Như vậy sự sống
của vật chất không mất đi mà chỉ thay đổi.
Vạn vật
trên thế gian là những vật lý hữu cơ, và trong hữu hình đó luôn ẩn tàng sự biến
tướng của vô vi.Như đoạn trước đã trình bày mỗi hình thể đều do nhiều tế bào
cấu tạo nên (khoa học đã chứng minh như vậy), sự kết hợp tế bào do lực hút âm
dương, năng lực hấp dẫn này nhờ vào khí hư vô diêu động.Nên mỗi hình thể vật
chất đều chịu dưới quyền năng vô biên của Hư vô chi khí. Vô vi là sự biến hóa,
hữu hình là cơ biến chuyển. Vô vi và hữu hình như hình với bóng.
Khi đã
mất sự sống nghĩa là thể xác không còn tiếp nhận khí âm dương, lúc đó khí âm
dương trong thể xác thoát ra cùng Chơn Thần.Lúc đầu khí âm dương Hậu Thiên khí
còn lẫn lộn nhau, nếu thể xác lúc sống trong sạch có nghĩa là theo lương tâm
nhắc nhở, thường làm điều thiện lành giữ gìn được Ngũ giới cấm thì Chơn khí nhẹ
nhàng hợp cùng Chơn Thần xuất ra nơi Nê Hườn cung. Nếu thể xác nhiễm ô trược do
lục dục lôi kéo thì Chơn Thần bị khí âm của Chơn khí tiết ra phải xuất nơi đầu
ngón chân cái và giáng xuống chờ cơ chuyển kiếp, có nghĩa là phải trả nghiệp mà
thể xác đã làm.
Trong Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là lần phổ độ thứ ba cho nhơn sanh, Đức CHÍ TÔN mở cơ tận độ
đại ân xá để cứu rỗi các chơn hồn. NGÀI đã ban cho Bí tích Đoạn căn còn gọi là
phép cắt dây oan nghiệt cho những tín đồ Cao Đài khi thoát xác trần.Nếu người
tín đồ giữ trọn thực trai 10 ngày hay trường trai, tuân thủ Tân luật, Pháp
Chánh truyền, Ngũ giới cấm, Tứ đại điều quy sẽ được thọ truyền Bửu Pháp là được
hưởng phép cắt dây oan nghiệt, giúp cho Chơn Thần thoát khỏi thể xác, tách khỏi
khí Hậu thiên là Chơn khí chỉ còn dương khí.
Thăng hay
đoạ sau đó còn tùy vào hành tàng khi tại thế.
"
Khi dương thế không phân phải quấy,
Nay hư
linh đã thấy hành tàng
CHÍ TÔN
xá tội giải oan
Thánh,
Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ vong.....
.......
(Kinh cầu nguyện thân bằng cố hữu khi quy liễu của Đạo Cao Đài).
Chúng ta
đã qua phần Đệ Nhất Xác Thân, sự tương liên giữa hữu hình và vô vi đã cho ta
hình dung được phần nào cái gọi là sự thay đổi để tái sinh. Bước vào tìm hiểu
về Đệ Nhị xác thân, đây là phần sẽ giải thích về Nghiệp quả theo quan niệm của
Cao Đài Giáo.
II - Đệ Nhị xác thân: là thể thứ hai trong tam thể xác
thân, Cao Đài gọi thể này là Chơn Thần. Chơn thần của mỗi người do Đức Phật Mẫu
gọi là Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho. PHẬT MẪU là vị Chân Âm đầu tiên từ Thái
Cực sinh ra. NGÀI được Đức CHÍ TÔN giao quyền năng khai Pháp, dùng Dương Quang
của ngôi Thái Cực hiệp cùng Âm Quang của Ngài tạo ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi
sinh Tứ Tượng, Bát Quái từ đó hiệp cùng Thập Thiên Can tạo thành Càn Khôn Vũ
trụ.
Trong bài
Kinh Phật Mẫu Chơn Kinh nói rõ quyền pháp của NGÀI:
"
Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp
Hiệp âm
dương hữu hạp biến sanh
Càn Khôn
sản xuất hữu hình
Bát hồn
vận chuyển hóa thành chúng sanh.."
Hoặc
"
Thập Thiên Can bao hàm vạn tượng
Tùng Địa
chi hóa chưởng Càn Khôn..."
* Từ Ngôi
Diêu Trì KIM MẪU xuất nguồn Linh Quang gọi là Thần chuyển ra các Chơn linh đặng
phối hiệp với thể chất làm nên Đệ Nhị xác thân. Đó là Chơn Thần.
. Đức
Phật Mẫu nhận sắc lệnh từ Đức CHÍ TÔN độ tất cả con của NGÀI về Ngọc Hư Cung,
bởi thế Chơn Thần phải theo cùng đệ nhất xác thân để dẫn dắt, nhắc nhở thể xác
đi vào con đường Chân Lý Chánh Đạo.
"Phục
nguyên nhân hườn tồn Phật tánh
Giáo hóa
hồn hữu hạnh hữu duyên....."
(Kinh
Phật Mẫu Chơn Kinh).
Ví dụ: Có
khi ta khởi ý niệm bất thiện, tuy chưa hành động nhưng ta nghe tiếng nói vô
hình nhắc nhở khuyên ta dừng lại đừng làm điều bất thiện người đời gọi là tiếng
nói lương tâm. Lương tâm được người đời xem là năng lực tự đánh giá và điều
chỉnh hành vi đạo đức của mỗi người. Luôn đi theo con người trong mọi hành động
của cá nhân.
Tiện muội
xin phân tách gốc của từ ngữ chữ lương tâm để rõ ý thêm. Trong tiếng La tinh
viết "conscientia", tiếng Anh là "conscience".
Khi phân
tách ra, "con" là tiếp đầu ngữ (prefix) có nghĩa là "cùng
với, và từ" scientia xuất phát từ động từ "scrire" có
nghĩa là "hiểu biết". Từ phân tách gốc của chữ ta hiểu nghĩa
của lương tâm như cách nói "tôi nói cho anh và tôi cùng hiểu" ,
vậy lương tâm là sứ giả của Chơn Thần nói chuyện với ta theo cách hướng dẫn,
nhắc nhở, đó là một thẩm quyền nội tại trong ta nhưng độc lập với thể xác, hoạt
động trong bản ngã sâu kín của ta nhưng không phải do ta tạo nên, mà do nơi
năng lực của Chơn Thần là đệ nhị xác thân.
Vì Đệ Nhị
xác thân có trách nhiệm gìn giữ thể xác được trong sạch, thiện lành trên đường
tấn hóa,bổn phận nhắc nhở dạy dỗ để chế ngự xác thân là lục căn khi tiếp xúc
lục trần điều chỉnh hành vi đạo đức của ta và luôn luôn đi cùng ta.
* Với vai
trò nhắc nhở hướng dẫn đệ nhất xác thân đi theo khuôn mẫu đạo đức thiện lành để
ngăn chặn thể xác đi vào nghiệp đạo bất thiện.Cũng có khi Chơn Thần không làm
chủ được thể xác, để thể xác buông lung theo nhu cầu vật chất, khởi niệm khát
ái, chiếm hữu và tích lũy đưa đến hành động thiện hoặc bất thiện sẽ có một khí
ô trược bao trùm thể xác làm cho Chơn Thần không tiếp xúc được, và lúc đó người
đời hay nói "lương tâm đâu rồi" hoặc khắc khe hơn gọi là "vô
lương tâm".
Chơn Thần
do Đức Phật Mẫu ban cho nên bất tiêu bất diệt, trừ trường hợp thể xác mang
nhiều ô trược,nặng nề tội lỗi phạm luật Thiên điều thì lúc đó Chơn Thần bị đánh
tản, Đức Phật Mẫu thâu khí Linh Quang của Ngài lại.,Sinh hồn phải quay trở lại
từ Kim Thạch hồn để tái kiếp. Còn nếu Chơn Thần chưa trong sạch do thể xác còn
ô trược ít nhiều, hạnh đức chưa đầy đủ thì Chơn Thần phải theo luật nhân quả
luân hồi để trả nghiệp.
* Đến đây
chúng ta đã hiểu phần nào về con đường đi của nghiệp tạm gọi nghiệp đạo luân
hồi mà Đệ Nhị xác thân phải theo.Xin mời Quí Hiền cùng tìm hiểu về Đệ Tam xác
thân và vai trò của thể thứ ba này trong chữ Nghiệp.
III - Đệ Tam xác thân: gọi danh là đệ tam xác thân nhưng
thể thứ ba này không hữu hình. Đây là điểm Linh Quang của Đức CHÍ TÔN ban cho
hàng Nhân phẩm trong Bát hồn vận chuyển để trở thành con người đầy đủ. Chúng ta
nhắc lại ở hàng Kim Thạch hồn và Thảo mộc hồn, Đức CHÍ TÔN chỉ ban cho Sinh hồn
để phát triển, đến Thú cầm hồn Ngài ban thêm cho Giác hồn và khi luân chuyển
đến Nhân hồn là phẩm thứ tư thì Đức CHÍ TÔN mới ban thêm cho Điểm Linh Quang
chiết từ khối Đại Linh Quang của Đức CHÍ TÔN, gọi là Chơn Linh, hay linh hồn,
vì mang Tiểu Linh Quang của Đức CHÍ TÔN nên Chơn Linh trong sạch vô tư mang
những tính chất của Đức CHÍ TÔN là Đại Từ Phụ đầy lòng Từ Bi, Bác Ái, Công
Bình... Đức CHÍ TÔN ban cho hàng Nhân phẩm điểm Linh Quang của Ngài để con
người càng tấn hóa trên đường lên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
* Thế thứ
ba chịu trách nhiệm trả lời trước các Đấng Thiêng Liêng về hành tàng của đệ
nhất xác thân, trách nhiệm độ rỗi cao cả mà Đức CHÍ TÔN giao nên Đệ Tam xác
thân rất quan trọng trên đường dứt nghiệp. Với vai trò giáo hóa Chơn Thần cho
sáng suốt hầu làm chủ đệ nhất xác thân, nên Chơn Linh cùng Chơn Thần giúp đỡ
thể xác lập công bồi đức, đi theo Chơn Lý Chánh Đạo. Nhờ vậy thể xác mới nhẹ
nhàng thanh khiết để 3 thể được tương hiệp cùng nhau Tinh (thể xác), Khí (Chơn
Thần), Thần (Chơn Linh) hiệp nhứt.
Trong đời
sống thường nhật, Chơn Linh ghi chép tất cả mọi hành tàng của thể xác từ lúc
khởi ý niệm đến lời nói, hành động.
Đức CHÍ
TÔN đã dạy: "...... Nơi Tòa Phán xét chẳng một lời nói vô ích mà bỏ,
nên THẦY dạy các con phải cẩn ngôn,cẩn hạnh. Thà là các con làm mà chịu tội cho
đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.Các con khá
nhớ!"
(Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển,trong bài dạy về Bất Vọng Ngữ).
* Mang
trách nhiệm giữ gìn và dạy dỗ thân phàm qua sự tương liên với Chơn Thần để Chơn
Thần làm chủ Đệ Nhất xác thân, sáng suốt học hỏi đạo đức, Chân Lý, từ giới luật
ngũ giới cấm, Tứ đại điều quy, thực hiện ngũ luân ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín, để hoàn thiện nhân cách sống từ đó bước vào Thánh Đạo, lấy đức từ bi
hỷ xả đối nhân xử thế, lấy tình thương bác ái để cứu khổ, thọ khổ, hầu bước vào
con đường Thiên đạo giải thoát. Như lời Đức CHÍ TÔN đã dạy: " - THẦY đã
nói rằng nơi thân phàm của các con,mỗi đứa THẦY đều cho một Chơn Linh gìn giữ
cái chơn mạng sanh tồn. THẦY tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rằng: Đấng
Chơn Linh ấy vốn vô tư mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc
dữ đều ghi chép không sai đặng dâng vào Tòa Phán xét, bởi vậy nên một mảy may
không qua, dữ lành đều có trả, lại nữa các Chơn Linh ấy tánh Thánh nơi mình đã
chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con....." (
TNHT,Q1).
Ngoài lập
công bồi đức để tránh nghiệp bất thiện, giải trừ oan nghiệt từ trước, người tín
đồ Cao Đài phải nhớ rằng Chơn Linh không chỉ dạy hành thiện theo tiếng nói
lương tâm của Chơn Thần mà phải tập định thần luyện trí đến cách vật trí tri,
giữ tâm luôn an tịnh, thực hiện Phương luyện kỷ để vào con đường thứ ba Đại Đạo
của Đức Hộ Pháp dạy. Tâm an, trí tịnh, thân giữ thanh khiết giữ ẩm thực chay,
để Chơn khí của thể xác trong sạch tạo thành một hào quang trong sáng tiếp được
điển Linh Quang của Chơn Linh nơi Nê Hườn Cung . Lúc đó Tinh Khí Thần hiệp nhứt
gọi là đắc Pháp.
Trong một
bài giảng Đạo của Đức Hộ Pháp có dạy: Khi về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống thì
Chơn khí tạo thành tòa sen để Chơn Linh và Chơn Thần ngự.
Như vậy
câu dạy của Đức CHÍ TÔN " THẦY cho một Chơn Linh gìn giữ cái chơn mạng
sanh tồn" là như thế.
* Khi thể
xác chấm dứt hành trình một kiếp sanh ở thế gian thì Chơn khí tách phần dương
khí ra khỏi thể xác hiệp cùng Chơn Thần theo Chơn Linh về cõi Thiêng Liêng Hằng
Sống.
Thưởng,phạt
không do nơi Đức CHÍ TÔN mà do luật Thiên điều, Đức CHÍ TÔN là Đấng cầm cân nảy
mực nên Chơn Linh thất phận nơi cõi Thiêng Liêng hay trở về cựu vị hoặc thăng
vị là do đệ tam xác thân giáo hóa nhắc nhở để đệ nhị xác thân kềm chế được đệ
nhất xác thân không để lục trần quyến rũ mà sa vào nghiệp đạo bất thiện.
* Nghiệp
chỉ là một từ thật gọn nhưng hàm chứa cả hành tàng của kiếp sanh, để rồi nghiệp
lực lôi kéo chúng sanh mãi trong biển trần lên xuống trả vay. Các tôn giáo xưa
nay, đến cả khoa học cũng tham gia phân tích Nghiệp, từ duy thức phân tâm học
đến khoa học lượng tử cũng chỉ giới hạn trong ký ức một đời hiện tại.Vì vậy yếu
tố phi vật chất liên quan thế nào đến yếu tố vật lý hữu hình để tạo thành
nghiệp đạo gọi là Nhân của đời trước kết thành Quả của hiện tại đã được Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ trình bày qua luật Tam Thể và tương quan giữa vật lý hữu cơ và vô
vi. Niềm tin xác quyết vào sự cứu rỗi của ĐẤNG CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ, người tín đồ
Cao Đài tin vào luật Tam Thể xác thân để định vị con đường mình đi trong nhập
thế, tiện muội xin nói thêm về sự liên kết của khoa học não bộ và tâm linh.Nhắc
lại ta đã biết Chơn Thần do Đức Phật Mẫu ban cho bắt đầu từ hàng thứ ba là Thú
cầm hồn trong Bát hồn vận chuyển gọi là Giác hồn, cho đến hàng thứ tư là hàng
Nhân phẩm.Từ Thú cầm hồn đã có não bộ dù lớn hay nhỏ ít hay nhiều đều có phần
ghi nhận ký ức ở não và giác hồn tập trung vào phần não này nên gọi là
bán hữu hình.Khoa học não đã biết phần não này là hippocampus nơi lưu giữ ký ức
và nhờ những nút điểm tiếp hợp thần kinh gọi là điểm Synapses để dẫn truyền từ
ý thức đến lời nói , liên hệ cảm xúc với hành vi,v.v...Ví dụ: những bài
học đạo đức hay những sự việc tiếp nhận từ tri thức đều được lưu giữ ở vùng ký
ức hippocampus ở não. Chơn Thần nương tựa vào vùng não này để ra tiếng nói
lương tâm, để quyết định hành động thiện hoặc bất thiện từ bài học đạo đức của
Chơn linh dạy dỗ hay kinh nghiệm đã qua.Khi thể xác tan rã thì não cũng không
còn nhưng vì Chơn Linh đã ghi chép lại tất cả, Chơn Thần phải về đến Minh Cảnh
Đài là đến ngày thứ 45 sau khi chết vào Cung Ngọc Diệt xem kinh vô tự. Kinh vô
tự là bản kinh không chữ nhưng khi Chơn Thần nhìn vào sẽ thấy tất cả hành tàng
của mình trong vô lượng kiếp sanh hiện ra như một cuốn phim cho đến kiếp này.
"
Đài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước
Xem rõ
ràng tội phước căn sinh
Lần vào
cung Ngọc Diệt hình
Khai kinh
vô tự đặng nhìn quả duyên......"
(Kinh đệ
ngũ cửu tụng khi tuần cửu thứ năm của người quá cố).
Xem và tự
định tội cho mình. Từ đó ta đã hiểu thêm kinh vô tự do Chơn Linh của ta ghi
chép và sự chí công vô tư sẽ cho phép ta tự định tội và siêu rỗi hay luân hồi
trả nghiệp cũng đều do chính ta theo luật Công bằng Nhân Quả.
Bài viết
đến đây đã dài, tiện muội xin lỗi đã làm phiền Quý Hiền, Thân hữu đã mất thời
gian với những lời thô thiển.
Vòng sinh tử luân luân
chuyển chuyển
Nghiệp lăn trôi chưa hết
nợ tiền khiên
Phận bạc do đâu? Hãy tự
hỏi mình!
Thân, Khẩu, Ý tạo thành
dây oan nghiệt.
Con dẫu biết nơi ta bà cõi
tạm
Quán trọ dừng chân trạm
cuối đường về
Bước khởi đầu biết đủ dứt
vọng tham
Xin trả hết nghiệp xưa
không vay nữa.
Nhìn lại đồng sanh đua
chen biển khổ
Dành lòng thương đem Đạo
độ người duyên
Vầng Thái Dương soi rọi
Ánh Chân Nguyên
Lìa chấp ngã không so hơn
thua thiệt.
Tiện muội
kính chúc Quý Hiền, Thân hữu được tâm an thân lạc, hưởng Hồng ân của Đấng
Thiêng Liêng chan rưới.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG
ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ
CỰC THIÊN TÔN.
* Lê Thị Ngọc Vân.