Thảo Luận Giáo Lý Qua Đề Tài Giới Tâm Kinh. * Bảo Chơn (ghi lại)

1 - Tại sao trong bài Giới Tâm Kinh có câu :
Nguyền Khổng Thánh bảo toàn Nho giáo,
Lấy Nghĩa Nhân Đại Đạo truyền ra,
Nhưng nơi Hạnh Đường là trường huấn luyện Chức sắc của Đạo thì thờ Đức Mạnh Tử chớ không thờ Đức Khổng Tử ?
Trong buổi lễ khai giảng Hạnh Đường Phước Thiện ngày 2 tháng 5 Tân Mão, Đức Hộ Pháp có hỏi : Tại sao Đức Khổng Tử, Ngài truyền giáo Đạo khi trước mà không thờ Ngài lại thờ Đức Mạnh Tử ? Cả thảy có trả lời nhưng không trúng lý, sau cùng Đức Hộ Pháp giảng dạy như sau :
“Trong thời kỳ Đức Khổng Phu Tử lập Đạo giáo giáng sanh nhằm lúc thời bình lập đời quân chủ, khi Đức Mạnh Tử giáo dân nhằm lúc thời loạn, phong trào sôi nổi, giặc giả tứ phương, bởi vậy cho nên Ngài lập đời lấy cái thuyết Quân Chủ Dân Quyền, tức là Quân Chủ Lập Hiến mới thâu phục được lòng dân, ấy vậy mới phù hạp với thời kỳ nầy, tại vậy mới thờ Ngài”.
Chúng ta thấy Đức Khổng Tử chủ trương “Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử. Quân Sư Phụ” tức là Ngài đề cao vai trò của vị quân vương là vị vua cai trị một nước, đây là chủ trương tôn quân quyền.
Còn Ngài Mạnh Tử (372 TCN-279 TCN) tức là sau Đức Khổng khoảng hai trăm năm, đây là thời kỳ chiến quốc, ngoài Nho gia thời kỳ nầy còn nở rộ hàng trăm trường phái  tư tưởng lớn như: Pháp gia, Mặc gia,…Trong hoàn cảnh lịch sử đó Ngài Mạnh Tử phải phát triển thêm tư tưởng của Đức Khổng với câu nói bất hủ : Dân vi quý, xả tắc thứ chi, quân vi khinh. Đây là tư tưởng dân chủ hay phù hợp với chế độ Quân chủ lập hiến như lời dạy của Đức Hộ Pháp.
Trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn ban cho Quyền Vạn Linh ngang bằng với Quyền Chí Linh qua bài Thánh giáo ngày 23-12-1931 có đoạn:
“Thầy nói rõ Quyền Chí Tôn là Thầy Quyền Vạn linh là sanh chúng, ngày nào quyền lực Chí Tôn đặng hiệp một cùng Vạn linh thì Đạo mới ra thiệt tướng. Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông cùng Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành chí Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một còn cả nhơn loại thì là quyền lực Vạn linh. Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn linh đối phó mà thôi”.
Trong ba hội của Quyền Vạn linh thì Hội Nhơn Sanh có quyền rất lớn như việc cầu phong, cầu thăng chức sắc phải qua Hội Nhơn Sanh duyệt xét…
Tóm lại, khi Đức Hộ Pháp cho thờ Ngài Mạnh Tử nơi Hạnh Đường là muốn người chức sắc phải thấm nhuần tư tưởng dân chủ trong quá trình hành Đạo của mình…
2 - Qua câu kinh: “Tề Thiên Đại Thánh để lời, Thiện nam tín nữ nghe thời phải vưng” tại sao Tề Thiên Đại Thánh là nhân vật hư cấu trong Tây Du Ký lại có lời dạy như vị Thần Tiên trong đạo Cao Đài ?
Câu kinh nầy cũng như trong TNHT có bài giáng cơ của vị Tề Thiên Đại Thánh và Lê Sơn Thánh Mẫu giáng cơ dạy các đạo hữu phái Minh Tân. Trong hàng chức sắc Đại Thiên Phong cũng có những vị tiền thân là Vi Hộ, Từ Hàng, Dương Tiển,… Đây là những nhân vật trong truyện Phong Thần của Trung Hoa…Việc nầy giải thích như thế nào ?
Để trả lời câu hỏi nầy Đức Chí Tôn đã cho bài thi:
Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ,
Giữa biển ai từng gặp Lão Tô,
Mươn thế đặng toan phương giác thế,
Cũng như nương bút của chàng Hồ.
 
Đức Hộ Pháp giải nghĩa như sau: “Chuyện Phong Thần đừng tưởng viết ra là bịa đặt. Lão Tô là Tô Đông Pha, ông tổ của nòi giống Phù Tang. Ai dè ngoài biển có Tô Đông Pha nghĩa là có sắc dân bên Phù Tang. Ai từng gặp mà gặp là có đa…”
Chúng ta biết hai bộ truyện Tây Du Ký và Phong Thần Diễn Nghĩa là do hai vị tu hành đạt Đạo trong hàng Tiên Phật viết ra nên có thể nhìn thấy cõi vô hình mà người thường không nhận ra được.
Nay có lời xác nhận của các Đấng Thiêng Liêng nữa, vậy đối người Cao Đài chúng ta sẽ có niềm tin là đúng đắn.
Một thí dụ nữa trong xã hội hiện tại có người lấy tên những nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung như Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Kha Trấn Ác,… đặt tên hiệu cho mình, thì cõi vô hình cũng có các Đấng Thiêng Liêng thấy Tề Thiên Đại Thánh quá nổi tiếng ở cõi nhân gian bèn mượn danh xưng hiệu…Ở cõi hữu hình thế nào thì cõi vô vi cũng vậy…
3 - Tại sao giáo lý Cao Đài nói rắng : buổi Tam Kỳ không còn địa ngục nữa như câu kinh “Vô địa ngục, vô quỉ quan” nhưng trong Giới Tâm Kinh lại có câu : “Cửa địa ngục gông kìm sẳn đủ” như vậy có mâu thuẩn nhau không ?
Giới Tâm Kinh nầy được các Đấng giáng cơ ban cho chi Minh Tân nghĩa là trước khi khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phô Độ tức là còn thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Trong giai đoạn đầu mở Đạo, các Đấng dạy các chi Minh Lý, Minh Tân, …dâng kinh cho Tam Kỳ Phổ Độ trong đó có bài Giới Tâm Kinh và Kinh Sám Hối nói về các hình phạt cõi địa ngục…Mãi đến năm 1935 các Đấng mới giáng cơ ban cho Tân Kinh , tức là mười năm sau ngày khai Đạo mới có kinh Tận độ vong linh… đóng địa ngục mở tầng Thiên.
Mặc dầu đã có Tân Kinh nhưng các Đấng vẫn cho giữ lại các bài kinh đã thỉnh từ các chi Minh Đạo như là dấu nối từ thời Nhị Kỳ qua Tam Kỳ Phổ Độ.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài Thánh giáo của Bà Bát Nương giải thích về cõi Âm Quang thay thế cho cõi địa ngục trước kia như sau:
“…Vậy thì nơi khiếm ánh Thiêng liêng là Âm quang, nghĩa là âm cảnh hay địa ngục, Diêm đình của chư Thánh lúc xưa dặt hiệu. Vây thì chính lời nhiều tôn giáo, nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn vô kiếp, nhơn quả buộc ràng, luân hồi chuyển thế nên gọi là âm quang, đặng sửa chữ phong đô địa phủ của mê tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và địa ngục hay là mờ mờ mịt mịt). Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui thiên phải đi ngang qua đó. Sự khó khan bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn…
Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi tram năm, tùy chơn thần thanh trược. Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy…”
Thất Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các chơn hồn, dầu sa đọa luân hồi cũng có người giúp đỡ. Nghe lại coi có phải vậy chăng ?”.
Tóm lại, buổi Tam Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn ban hành đại ân xá, không còn những hình phạt nặng nề nơi địa ngục nữa mà thay vào bằng cõi Âm Quang để các chơn hồn xét mình, giải thân, định trí, ăn năn sám hối tội tình…

* Bảo Chơn (ghi lại, 7-2023)

NỐI BƯỚC N°10.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [ 9 ] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] .