Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn Là Gì? * QS / TS / Nguyễn Thanh Bình.

I . Tứ Đại Bộ Châu
Tứ: Bốn, thứ tư. Đại: lớn. Bộ Châu: vùng đất lớn có người ở mà bốn bên đều là biển. Tứ Đại Bộ Châu là Bốn Bộ Châu lớn nơi cõi Thiêng Liêng.Chúng ta đọc hai đoạn Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn và hai câu Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế sau đây để chúng ta nhận xét và tìm hiểu về Tứ Đại Bộ Châu:"Thầy kể Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải Tinh Tú, còn lại Thất Thập Nhị Địa và Tam Thiên Thế Giới thì đều là Tinh Tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai Ngôi Sao." (TNHT) "Đứng bực đế vương nơi trái Địa Cầu nầy chưa đặng vào bực chót của Địa Cầu 67. Trong Địa Cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa Cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ Nhứt Cầu, Tam Thiên Thế Giới, qua khỏi Tam Thiên Thế Giới thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu, qua Tứ Đại Bộ Châu mới vào đặng Tam Thập Lục Thiên, vào Tam Thập Lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh."Trong “Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế” có hai câu sau đây:
"Thượng Chưởng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giới.
Hạ Ốc Thất Thập Nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu."
có nghĩa là Thượng Đế, trên thì chưởng quản ba mươi sáu Tầng Trời, ba ngàn Thế giới; dưới thì chưởng quản bảy mươi hai Địa Cầu và bốn Đại Bộ Châu.Như thế:- Theo hai đoạn Thánh Ngôn nêu trên thì có một Tứ Đại Bộ Châu ở thật cao, nằm dưới Tam Thập Lục Thiên, nhưng trên Tam Thiên Thế Giới.- Theo hai câu Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế thì có thêm một Tứ Đại Bộ Châu nữa ở bên dưới, nằm kế Thất Thập Nhị Địa. Do đó, Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn gồm có hai phần:- Phần trên là: Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu (Thượng) và Tam Thiên Thế Giới.- Phần dưới là: Thất Thập Nhị Địa và Tứ Đại Bộ Châu (Hạ)."Tam Thiên Thế Giới ở từng trên bao phủ mà Thất Thập Nhị Địa ví như bàn cờ ở dưới. Tam Thiên Thế Giới là “ngôi vị”, còn Thất Thập Nhị Địa là “trường thi công quả." (Đức Cao Thượng Phẩm giảng dạy). Vậy, chúng ta có thể phân ra rằng:- Tam Thiên Thế Giới ở bên trên có Tứ Đại Bộ Châu, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Thượng, để điều hành Tam Thiên Thế Giới.- Thất Thập Nhị Địa thì ở bên dưới Tứ Đại Bộ Châu, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Hạ, để điều hành Thất Thập Nhị Địa. Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Hạ đều thuộc về Thiêng Liêng (Vô Vi), còn Tam Thiên Thế Giới và Thất Thập Nhị Địa đều là Tinh Tú, thuộc về Hữu Hình, nên Đức Chí Tôn mới bảo tượng trưng bằng 3072 Ngôi Sao trên Quả Càn Khôn (Bát Quái Đài Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh).
A . Tứ Đại Bộ Châu Hạ:Như vậy theo ý nghĩa của hai câu Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tứ Đại Bộ Châu Hạ nằm bên Thất Thập Nhị Địa. Tứ Đại Bộ Châu Hạ có nhiệm vụ cai quản Thất Thập Nhị Địa, chia Thất Thập Nhị Địa làm 4 khu vực theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc.Tứ Đại Bộ Châu Hạ gồm có:- Đông Thắng Thần Châu.- Tây Ngưu Hóa Châu.- Nam Thiệm Bộ Châu.- Bắc Câu Lư Châu. Thất Thập Nhị Địa (72 Địa cầu) đều có chúng sanh ở, được phân ra theo 4 hướng của Tứ Đại Bộ Châu Hạ, mà Địa cầu số 68 của nhơn loại chúng ta thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu. Cho nên, bài kinh “Bài Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần” có câu:Lòng sở vọng lâm dâm tụng niệm,Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu. Theo giáo lý của Phật Giáo, cõi thế phân ra làm Tứ Đại Bộ Châu, cũng viết là Tứ Châu (Bốn Châu), ở theo 4 hướng chung quanh núi Tu Di, gồm:- Đông Thắng Thần Châu: ở phía Đông núi Tu Di, gọi là Thần Châu là vì dân chúng ở đây là bực Thần, sống đến 600 tuổi. Châu nầy cũng được gọi là Đông Thắng Thân Châu, vì người ở châu nầy có Thắng thân, tức là có thân hình tốt đẹp hơn hẳn người ở các châu khác. -Tây Ngưu Hóa Châu: ở phía Tây núi Tu Di, gọi là Ngưu Hóa là vì ở châu nầy, người ta nuôi bò rất nhiều nên dùng bò thế cho tiền bạc để làm đơn vị đổi chác hàng hóa. Người nơi châu nầy sống đến 500 tuổi. - Nam Thiệm Bộ Châu: ở phía Nam núi Tu Di, gọi là Thiệm Bộ là vì ở trung tâm của châu nầy có cây Thiệm Bộ, cũng gọi là cây Diêm Phù mọc rất nhiều, nên châu nầy cũng được gọi là Nam Diêm Phù Đề (Đề là Châu). - Bắc Câu Lư Châu: ở phía Bắc núi Tu Di. Châu nầy được gọi bằng nhiều tên khác nữa là: Bắc Cu Lư Châu, Bắc Câu La Châu, Bắc Cồ Lư Châu. Người ở châu nầy bình đẳng an vui, sống lâu đến 1000 tuổi.Trong truyện Tây Du Ký, kể là Tề Thiên Đại Thánh thì ở Đông Thắng Thần Châu. Về tánh chất của người trong Tứ Đại Bộ Châu, Đức Phật Thích Ca có nói rằng:"Ta xem trong Tứ Đại Bộ Châu, chúng sanh thiện ác có khác nhau:- Người ở Đông Thắng Thần Châu tôn Trời kỉnh Đất, tâm khí thanh sảng.- Người ở Bắc Câu Lư Châu có tánh thích sát sanh, ăn nói hồ đồ, tình sơ tánh vụng, chẳng được việc gì.- Người ở Tây Ngưu Hóa Châu thì không tham không giết, dưỡng khí nuôi thần, tuy chưa được vào bậc thượng nhân, nhưng mọi người đều hưởng thọ.- Người ở Nam Thiệm Bộ Châu thì tham dâm, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, ác độc thị phi. Nay Ta có Ba Tạng Chân Kinh có thể khuyên họ làm việc thiện." Trong Tứ Đại Bộ Châu Hạ, Đức Hộ Pháp vâng lệnh Đức Chí Tôn cầm quyền giáo hóa Tam Châu và Bát Bộ, nên người ta xưng tụng Ngài là “Tam Châu Bát Bộ Hô Pháp Thiên Tôn” (xem phần Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn).

B . Tứ Đại Bộ Châu Thượng:Theo hai câu trích trong Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế viết bên trên, thì Tứ Đại Bộ Châu Thượng nằm bên trên Tam Thiên Thế Giới (3000 thế giới) nhưng dưới Tam Thập Lục Thiên (36 Từng Trời). Theo Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn, giáng cơ ngày 7-11-Bính Dần (dl: 11-12-1926), nói về Ngài Chưởng Pháp Thượng Tương Thanh (Nguyễn Văn Tương) như sau:"Trung, Lịch! Hai con phải dụng đại lễ mà an táng Tương nghe! Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam Thập Lục Thiên, phải để nó đợi nơi Đông Đại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát đạt."(Trung, Lịch là hai Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhật và Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt. Ngài Thượng Trung Nhật sau thiên phong là Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhật). Qua đoạn Thánh Ngôn nầy, chúng ta được biết là: Đông Đại Bộ Châu là một cõi dưới Tam Thập Lục Thiên, nhưng trên Tam Thiên Thế Giới về phía Đông của Tứ Đại Bộ Châu nơi cõi Thiêng Liêng. Ngày Tết Ðinh Mão, ngày 1-1-Ðinh Mão (dl: 1-2-1927), Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương giáng cơ cho biết là Ngài đã được Đức Chí Tôn dẩn vào Tam Thập Lục Thiên:Thượng Chưởng Pháp TƯƠNG"Hỷ chư Ðạo hữu, chư Ðạo muội.Mừng ... Mừng ... Mừng ... Vui ... Vui ... Vui ... Ðại phước cho cả nhơn sanh, đại hạnh cho Ðịa cầu 68 nầy! Em còn phải công quả phổ độ mới vào đặng Tam Thập Lục Thiên, nhờ Ðại Từ Phụ cứu độ Em, khuyên nhủ cùng chư Huynh khá coi Thiên Vị mình là trọng, vì là của quí báu vô giá, còn sụt sè đường Ðạo, xin nhớ lấy danh Em cự chống cùng tà ma quỉ mị cám dỗ. Tương đây, công cán chẳng chi mà còn đặng địa vị nầy, huống lựa là mấy anh độ rỗi toàn cả Cửu Nhị Nguyên Nhơn thì phẩm cựu sẽ đặng trổi thêm thế nào! Xét lấy đủ vui lòng hành đạo." (TNHT). Như vậy trong đàn cơ ngày 1-1-Ðinh Mão (dl: 1-2-1977), Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương cho biết là Ngài đã vào Tam Thập Lục Thiên sau một thời gian đợi ở nơi Ðông Ðại Bộ Châu thuộc Tứ Đại Bộ Châu Thượng. Như thế theo Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn và Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương giáng cơ cho biết, chúng ta suy ra được rằng: Tứ Đại Bộ Châu Thượng nằm dưới Tam Thập Lục Thiên trên đường vào Bạch Ngọc Kinh.Tứ Đại Bộ Châu Thượng gồm:- Đông Đại Bộ Châu- Tây Đại Bộ Châu- Nam Đại Bộ Châu- Bắc Đại Bộ ChâuTứ Đại Bộ Châu Thượng và Hạ đều thuộc về Thiêng Liêng, còn Tam Thiên Thế Giới và Thất Thập Nhị Địa đều là Tinh Tú, thuộc về Hữu Hình, nên Đức Chí Tôn mới bảo tượng trưng bằng 3072 Ngôi Sao trên Quả Càn Khôn. C . Tóm Tắt Về Tứ Đại Bộ Châu (Thượng & Hạ) Trong Càn Khôn Vủ Trụ:Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn phân ra làm hai phần: Trên và Dưới.- Trên thì có Bạch Ngọc Kinh, Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Tam Thiên Thế Giới.- Dưới thì có Tứ Đại Bộ Châu Hạ và Thất Thập Nhị Địa. 

"Tam Thiên Thế Giới ở từng trên bao phủ mà Thất Thập Nhị Địa ví như bàn cờ ở dưới. Tam Thiên Thế Giới là ngôi vị, còn Thất Thập Nhị Địa là trường thi công quả." (Đức Cao Thượng Phẩm). Vậy, chúng ta có thể phân ra rằng:- Tam Thiên Thế Giới ở bên trên có Tứ Đại Bộ Châu, tạm gọi là Tứ Đại Bộ Châu Thượng, để điều hành Tam Thiên Thế Giới.- Thất Thập Nhị Địa ở bên dưới có Tứ Đại Bộ Châu, tạm gọi là Tứ Đại Bộ Châu Hạ, để điều hành Thất Thập Nhị Địa. 
II . Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên TônTheo giáo lý của Đạo, Tứ Đại Bộ Châu được Đức Hộ Pháp giải thích như sau:"Chúng ta biết, Pháp thuộc về hình thể của Vạn linh, vì cớ cho nên Đạo giáo minh tả rõ rệt: Tam Châu Bát Bộ thuộc về quyền của Hộ Pháp (Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn). Thuyết về “Bí Pháp”, Đức Hộ Pháp có giải thích về Tam Châu Bát Bộ như sau:A - Tam châu là gì?Tam Châu là: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, đều thuộc về quyền hạn của Hộ Pháp; còn Bắc Cu Lư Châu để cho các phẩm chơn hồn quỉ vị định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Nó có một quyền năng vô định chẳng cần chỉ giáo, để đặc biệt một Châu cho quỉ vị ăn năn tu học đặng đoạt vị; ba Bộ Châu kia thuộc quyền Hộ Pháp giáo hóa, duy có Bắc Châu Ngài không thường ngó tới lắm, để cho nó tự do làm gì thì làm, khôn nhờ dại chịu. Tóm lại, Tứ Đại Bộ Châu Hạ ở cõi Thiêng Liêng, bên trên Thất Thập Nhị Địa, là cơ quan điều hành 72 quả Địa Cầu. Thất Thập Nhị Địa chia ra ở trong Tứ Đại Bộ Châu Hạ, và Địa cầu 68 của nhơn loại thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu.Ba Châu: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu và Nam Thiệm Bộ Châu thuộc quyền giáo hóa của Đức Hộ Pháp; còn Bắc Câu Lư Châu dành cho quỉ vị ở. B - Bát Bộ Là Gì?Chính là Bát Phẩm Chơn Hồn. Bát Hồn gồm: Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên Hồn, Phật hồn. Tám Bộ ấy thuộc quyền Hộ Pháp Thiên Vị nơi Đức Chí Tôn gọi đến tạo cơ quan tận độ chúng sanh không còn ai khác hơn Hộ Pháp. Chính Hộ Pháp trách nhiệm ấy.Diêu Trì Cung ở Tạo Hóa Huyền Thiên là nơi tạo hình hài cho cả Vạn linh. Đức Phật Mẫu là Bà Mẹ Thiêng Liêng của toàn cả Vạn linh, mà Vạn linh thì gồm đủ Bát Hồn. Nhờ đó Thần được tịnh, quang được minh, thì do nơi Kim Bàn phát hiện mỗi ảnh tượng mà chiếu sáng cho Chơn Thần, tức là khai hoát Thiên Môn cho Giác Tánh. Phật Mẫu đã vâng mạng lịnh nơi Đức Chí Tôn, ban sơ đến ngự tại Hiệp Thiên Đài, Bà là Mẹ chữ Khí (vô vi), nên về mặt Thể Pháp (hửu hình), chính là Hộ Pháp đó vậy.Pháp là chủ của Vạn linh. Kinh Phật Mẫu có câu:
Thiên cung xuất Vạn linh tùng Pháp,
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
Bởi do nơi Pháp, Vạn linh mới chủ tướng biến hình, do nơi Pháp mới sản xuất Vạn linh, cả huyền vi hữu hình Đức Chí Tôn tạo Đạo do nơi Pháp, chúng ta biết Pháp thuộc về hình thể của Vạn linh, vì cớ cho nên Đạo Cao Đài minh tả rõ rệt là Tam Châu Bát Bộ thuộc về quyền Hộ Pháp: Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn. Đức Hộ pháp đến cốt yếu đem Bát Phẩm Chơn Hồn thăng vị, nhiều hoặc ít, có thể một đẳng cấp, từ Vật chất Hộ Pháp đem lên Thảo mộc, Thảo mộc đem lên Thú cầm, Thú cầm đem lên Nhơn loại, dĩ chí Phật Vị. Hộ Pháp có thể định cho họ đặng. Tóm lại, “Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn” có nghĩa là Hộ Pháp là vị Thiên Tôn nắm quyền Tam Châu và Bát Bộ. Theo Đức Hộ Pháp, đáng lý câu Chú của Ngài phải đọc là "Tam Thiên Thế Giái Hộ Pháp Giáng Lâm”, nhưng vì người xưa thường dùng câu “Tam châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn” nên cho đến nay phải giữ như vậy. Điều nầy, khi thuyết về “Hộ Pháp Hành Pháp Mỗi Khi Vô Cúng Đàn”, Ngài có dạy như sau:“Mỗi phen nhập đàn, hễ trống chuông rồi, thì tất cả đi vô, cả thảy đi vô thong thả, chỉ có Bần Ðạo thật bối rối, bước lên ngai rồi, trụ pháp lại, vẽ bùa niệm chú. Câu chú mà khi thượng sớ, chúng ta thường nghe đọc “Tam châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn”. Thật sự thì như vầy "Tam Thiên Thế Giái Hộ Pháp Giáng Lâm". Từ trước đến giờ, các bậc tiền bối của chúng ta đã để như nói trên nên không thể sửa cải được, phải để y như vậy”.Trong Tứ Đại Bộ Châu Hạ nầy, Đức Hộ Pháp vâng lệnh Đức Chí Tôn cầm quyền giáo hóa Tam Châu và Bát Bộ, nên người ta xưng tụng Ngài là “Tam Châu Bát Bộ Hô Pháp Thiên Tôn” là vây. 
III . Thay Lời KếtCàn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn phân ra làm hai phần: Trên thì có Bạch Ngọc Kinh, Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Tam Thiên Thế Giới và Dưới thì có Tứ Đại Bộ Châu Hạ và Thất Thập Nhị Địa.Tam Thiên Thế Giới ở từng trên bao phủ mà Thất Thập Nhị Địa ví như bàn cờ ở dưới. Tam Thiên Thế Giới là “ngôi vị”, còn Thất Thập Nhị Địa là “trường thi công quả”. Tam Thiên Thế Giới ở bên trên có Tứ Đại Bộ Châu (Thượng), để điều hành Tam Thiên Thế Giới. Thất Thập Nhị Địa ở bên dưới có Tứ Đại Bộ Châu (Hạ), để điều hành Thất Thập Nhị Địa. Bát Bộ là Bát Phẩm Chơn Hồn gồm: Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên Hồn, Phật hồn. Bát Bộ ấy thuộc quyền Hộ Pháp Thiên Vị nơi Đức Chí Tôn trách nhiệm.Tam Châu trong Tứ Đại Bộ Châu Hạ là Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu,  Nam Thiệm Bộ Châu thuộc về quyền hạn của Hộ Pháp. Đức Hộ Pháp vâng lệnh Đức Chí Tôn cầm quyền giáo hóa Tam Châu và Bát Bộ, nên người ta xưng tụng Ngài là “Tam Châu Bát Bộ Hô Pháp Thiên Tôn”. Thay lời kết, xin trích gởi đến lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp ngày 15- 8 Nhâm Thìn (1952) tại Cửu Long Đài đền thờ Phật Mẫu. Theo Thánh ý của Đức Chí Tôn là muốn cho tất cả nhơn loại được siêu thoát, điều nầy Đức Hộ-Pháp đã dẫn giải rằng: "Xưa kia con người đi tìm Đạo, còn hôm nay trái lại Đạo lại đến tìm người. Ôi ! nếu ta tưởng tượng cái ân hậu vô biên của Đức Chí Tôn đã thi thố, thì chúng ta đã hạnh phúc không có ngôn ngữ nào mà tả đặng... ". 
Trân Trọng,
Midland, MI ngày 11, tháng 12, 2020
QS / TS / Nguyễn Thanh Bình
ĐĐTKPĐ/TTTN
Ban Thế Đạo
 
Tài Liệu Tham Khảo:
1 - Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q I & II.
2 - Ðức Hộ Pháp thuyết về “Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống”.
3 - Vai Trò Của Hiệp Thiên Đài (2015).
4 - Bạch Ngọc Kinh Nơi Đức Chí Tôn Ngự, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2018).  
5 - Bí Pháp và Thế Pháp Phật Pháp Tăng, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2019). 6 - Đạo Sử I & II, Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
Home.Mục Lục: [ 1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ] [ 6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]