CON ĐƯỜNG ĐẠI ĐẠO. * Quang Thông.

(Tiếp theo kỳ trước)
 
Phần 2: THẾ ĐẠO ĐẠI ĐỒNG
1 - Ý nghĩa Thế Đạo Đại Đồng ?
Theo Cao Đài Từ Điển của Đức Nguyên:
"Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đồng: cùng chung.
Đại đồng là cả thế giới chung một nhà, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc.
Xã hội đại đồng là một xã hội trong đó khắp mọi nơi đều hòa bình, an lạc, mọi người đều bình đẳng, không còn phân biệt chủng tộc, quốc gia, xem nhau như anh em một nhà.
Đó là một xã hội thái bình an lạc lý tưởng, là đời Thượng nguơn Thánh đức, mà nhơn loại đều mong ước"…
Thế Đạo Đại Đồng có nghĩa về mặt Thế Đạo, Cao Đài chủ trương xây dựng nên một thế giới Đại Đồng, đó chính là xã hội đời Thánh đức sắp đến...
2 - Lời tiên tri về một xã hội đại đồng trước khi có đạo Cao Đài.
Kinh tỉnh Thế Ngộ Chơn có đoạn : 
Mạt hậu Càn Khôn đồng nhứt đái.
Thiên môn, vạn giáo cộng qui căn.
Nghĩa là : Sau đời hạ ngươn mạt pháp, Trời đất đồng chung một dãy, ngàn môn, muôn giáo, đều trở về một gốc.
Câu Trời đất đồng chung một dãy ta có thể hiểu cả thế giới nầy về mặt xã hội sẽ qui nhứt thành một khối chớ không còn phân chia thành làm 2 khối Tư bản và Cộng sản hay thể chế độc tài và thể chế Tự do...
Và câu ngàn môn muôn giáo đểu trở về một gốc, tức các Đạo, các Giáo đều nhìn nhau có cùng một gốc là từ Đức Chí Tôn Thượng Đế mà ra, nên sẽ qui nhứt về làm một tôn giáo mà thôi.
 
3 - Lời Tiên Tri về một Thế giới Đại đồng trong đạo Cao Đài.
-Trong bài diễn văn đọc tại Tòa Thánh ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934) vào dịp VÍA ÐỨC PHẬT THÍCH CA, Đức Quyền Giáo Tông có nêu lên lời Tiên Tri nguyên văn bằng Pháp ngữ:
“Que l'humanité soit une, une comme race, une comme religion, une comme penseé”.
Ấy là cuộc sửa đời lập Tân Thế Giới (Ère nouvelle) của Ðại Từ Phụ đã tuyên ngôn từ buổi khai Ðạo”.
 
Các bậc Tiền bối dịch câu trên ra tiếng Việt có nghĩa: Nhân loại sẽ là một, một về nòi giống, một về tôn giáo và một về xã hội.
Câu nầy là một lời tiên tri và cũng nói lên cứu cánh Thế đạo Đại đồng của Cao Đài.
Khi nhân loại sẽ qui một về tôn giáo tức là tôn thờ một đấng tối cao đó chính là Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời tức là Đấng Cha chung của toàn nhân loại hay các sắc dân đều nhìn nhận cùng một Cha chung tức nhiên toàn thể loài người là anh em nhau tức đã cùng một nòi giống. Như vậy câu trên chỉ qui về 2 ý chánh là : nhân loại sẽ qui nhứt về một tôn giáo và một về xã hội.
Xã hội ở đây là cùng một thể chế chánh trị, cùng một mô thức điều hành quốc gia hữu hiệu đem lại hạnh phúc cho toàn dân nhiều nhất…
- Mặt khác, trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh có 2 câu :
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,
Qui thiên lương quyết sách vận trù.
Đức Hộ Pháp đã giải nghĩa như sau
"Hiệp nhơn sanh lại một nhà chung một Đạo, Đạo sẽ duy nhứt, vạn loại sẽ là một khối, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo. Ngày nào được như vậy là ngày đó được hòa bình thế giới...
Phật Mẫu vẫn lo lắng liệu định kế hoạch đặng đem cái bản tánh tốt đẹp của con người về. Con người ở trần thế vì vật dục mà tán tận thiện lương".
Việc qui nhứt nhân loại lại làm một là cứu cánh của Đạo Cao Đài và dĩ nhiên Cao Đài cũng có kế hoạch để thực hiện điều nầy. Đức Phật Mẫu làm chủ âm quang và lo cho nhơn vật về phần hữu vi như câu kinh:
Âm dương biến tạo chơn thần ,
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi.
Một cơ chế xã hội đại đồng cũng thuộc phần hữu vi. Đức Mẹ sẽ có những kế sách và phần thực hiện sẽ giao cho chư Thánh Bạch Vân Động đảm nhiệm. Đó là lý do khi niệm danh Đức Phật Mẫu rồi kế đó niệm Cửu Vị Tiên Nương và Bạch Vân Động chư Thánh...
4 - Cao Đài là cơ qui nhứt.
Đạo Cao Đài với tôn chỉ Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt, tức là đưa các nền tôn giáo hiệp nhứt về nguồn cội. Nguồn cội đó chính là ngôi duy nhứt Thái Cực Thánh Hoàng là Đấng Chí Tôn là cha chung của muôn loài vạn vật cho đến Thần Thánh Tiên Phật. Đức Chí Tôn chưởng quản ngôi dương và Đức Phật Mẫu chưởng quản ngôi âm. Âm dương tương hiệp phát khởi càn khôn vũ trụ và muôn loài vạn vật…
Thuyết bát hồn vận chuyển từ kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn cho tới Thần Thánh Tiên Phật hồn nói lên chu trình tiến hóa các đẳng chơn hồn và tất cả đều là anh em cùng một cha mẹ. Và mục đích các chơn hồn đến thế gian là để tiến hóa. Tiến hóa bằng sự thương yêu, phụng sự giúp đỡ lẫn nhau trên đường hiệp nhứt với khối Đại Linh Quang là Chí Tôn Thượng Đế…
Cao Đài đã trả lời cho nhân loại rõ ràng câu hỏi con người từ đâu đến và đến thế gian nầy để làm gì.
Nhân loại đã trải qua thời kỳ Nhứt bổn tán vạn thù, nay đến thời kỳ Vạn thù qui nhứt bổn. Cao Đài chính là con đường đưa con người qui nhứt bổn.
5 - Sứ mạng của Đức Di Lạc Vương Phật .
Hình tượng Đức Phật Di Lạc trên nóc HTĐ cho thấy Ngài đội mão Tam sơn giống y mão của Đức Hộ Pháp đúng với câu kinh :
Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh,
Tức là Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc cũng là hóa thân của Đức Di Lạc.
Ngài mặc mãng bào và bên vai trái choàng thêm áo cà sa chứng tỏ sứ mạng Ngài thực hiện cả 2 phần Thiên Đạo giải thoát và Thế Đạo đại đồng. Điều nầy khiến chúng ta nhớ lại khi sanh tiền Đức Hộ Pháp vẫn thường nói Ngài vâng mạng lịnh Chí Tôn để đầy chiếc xa thơ và chèo con thuyền Bác nhã để độ rỗi chúng sanh…
Sứ mạng của Đức Phật Di Lạc được diễn ta qua bài kinh Đại Tường:
1 - Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ,
2 - Di Lạc đương thâu thủ phổ duyên.
3 - Tái sanh sửa đổi Chơn truyền,
4 - Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.
5 - Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị,
6 - Cõi Tây Phang đuổi quỉ trừ ma.
7 - Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
8 - Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
9 - Thâu các Đạo hữu hình làm một.
10 - Trường thi Tiên, Phật dượt kiếp khiên,
11 - Tạo đời cải dữ ra hiền,
12 - Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn.
Hiền tài Quách Văn Hòa đã giải nghĩa như sau:
Câu 1: Tầng Trời Hỗn Nguơn thuộc quyền chưởng quản của Đức Giáo Chủ Di Lặc Vương Phật.
Câu 2: Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật đang thu nhận và gìn giữ những người có duyên căn với Phật trong khắp mọi nơi
Câu 3: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng linh xuống cõi trần một lần nữa để sửa đổi lại những giáo pháp của các nền Tôn giáo xưa cho đúng với chơn truyền.
Câu 4: Đức Phật Di Lặc cho bãi bỏ Địa ngục và mở ra một cơ quan tận độ chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ
Câu 5: Đức Di Lặc Vương Phật mở ra một Đại hội Long Hoa để tuyển chọn những bậc hiền lương đạo đức, có công nghiệp để phong vào ngôi vị Phật.
Câu 6: Nơi cõi Tây phang, Đức Phật Di Lặc xua đuổi và trừ khử quỉ ma thử thách bậc chân tu.
Câu 7: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng Chơn linh xuống phàm làm một vị Hộ Pháp Di Đà.
Câu 8: Đức Hộ Pháp chuyển cây Giáng ma xử để xua đuổi trừ khử tà tinh quỉ quái.
C.9-10: Ðức Di-Lạc Vương Phật thâu gom các nền tôn giáo lớn hiện nay vào một mối duy nhất, lập thành một nền Ðại Ðạo. Ðức Chí Tôn lập ra một Trường thi Công quả tuyển phong Tiên vị và Phật vị, giao cho Ðức Di-Lạc làm Chánh chủ khảo, duyệt xét tội tình của nhơn sanh để chấm thi đậu rớt.
C.11-12: Tạo lập đời Thượng nguơn Thánh đức bằng cách giáo hóa người dữ thành người hiền, gìn giữ sự sống cho chúng sanh, nắm giữ quyền pháp huyền diệu của Ðức Chí Tôn.
Ngoài ra, Đức Lý Giáo Tông thố lộ nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp và quyền năng của Ngài trong bài thi khoán thủ:
Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ,
Pháp luân thường chuyển máy Thiên thơ.
Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị,
Quản suất Càn khôn định cõi bờ.
Nhị kiếp Tây Âu cầm máy Tạo,
Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ.
Hình hài Thánh Thể chừ nên tướng,
Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.
(Khoán thủ: Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài)
HT Nguyễn Văn Hồng  giải thích về Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp qua bài thi trên như sau:
“Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp là: Ngự Mã Thiên Quân, Hộ Giá Đức Chí Tôn.
- Kiếp giáng trần thứ nhứt là Vi Hộ, với bửu pháp là Giáng Ma Xử, một trong Thất Thánh vào thời Phong Thần. (Thời Phong Thần, cuối Nhà Thương, khởi đầu Nhà Châu, trước kỷ nguyên Tây lịch chừng 1100 năm). Vi Hộ sau khi giúp mở ra nhà Châu xong thì trở về núi tu luyện, đắc quả Phật Hộ Pháp, gọi là Vi Hộ Pháp, tức là Đức Phật Hộ Pháp họ Vi.
- Kiếp giáng trần lần thứ nhì là Đức Chúa Jésus mở Đạo Thánh Thiên Chúa giáo bên Âu Châu.
- Kiếp giáng trần thời ĐĐTKPĐ là Hộ Pháp Phạm CôngTắc.
- Đức Ngài sẽ giáng sanh xuống trần lần nữa là Đức Di-Lạc Vương Phật, làm Giáo Chủ Đại Hội Long Hoa, mở ra đời Thượng Nguơn Thánh đức”.
Như vậy Đức Phật Di Lạc sẽ giáng linh để mở Hội Long Hoa cũng chính là Đức Chúa Jésus tái lâm vậy…
 
6 - Đức Hộ Pháp giảng về Thế Đạo Đại Đồng.
“Chí Tôn đến với loài người, Ngự Mã Quân của Ngài sợ sệt Ngài xuống trần phải nguy hiểm. Ngài đến tạo cho loài người một quốc gia, một nòi giống, một Tôn Giáo. Nhưng Ngự Mã Quân của Ngài không muốn cho Ngài đến, nên thay Ngài đến làm cho ba điều ấy thành tựu nên hình. Nếu ba điều ấy thành thì đại đồng thế giới thành. Nếu ba điều ấy không thành, thì đại đồng thế giới là thuyết vẫn còn trong vòng mơ mộng” (TĐ. ĐHP, Q.1, 1-11-Đinh Hợi).
Ngự Mã Quân của Đức Chí Tôn là ai? Cũng chính là Đức Hộ Pháp.
Nhưng muốn thực hiện đặng 3 điều ấy cho toàn nhân loại thì dân tộc Việt Nam phải thực hiện trước đặng làm khuôn mẫu cho các nước đồ theo.
“Thoảng ngày kia toàn Ðạo biết thương yêu nhau như ruột thịt, toàn quốc dân Việt Nam hiệp một, thì hột giống đại đồng thế giới mới mong gieo rắc khắp nơi, gầy dựng tạo thành nền móng vĩnh cửu, bằng chẳng thì các phương pháp khác chỉ sẽ là vô ý thức mà thôi” (TĐ. ĐHP, Q.1, 14-6-Đinh Hợi)
Muốn tạo nên hạt giống Đại đồng mà Việt Nam là thí điểm thì cần có điều kiện là toàn Đạo biết thương yêu nhau như ruột thịt và toàn quốc dân Việt Nam phải hiệp một. Đây là những điều kiện khá khó khăn, nhưng Đức Chí Tôn sẽ ban quyền năng, huyền diệu cho con cái Người để làm cho được…
“Đáng lẽ Ngài phải đến, bắt buộc phải đến nhưng đến chẳng được nên con thương yêu của Ngài đến thế cho Ngài đặng làm trọn vẹn phận sự của Ngài. Nếu đến chẳng đủ diệu huyền ắt vô giá trị và sở hành sẽ vô hiệu lực”. (TĐ. ĐHP,Q.1, 22-12-Đinh Hợi).
7 - Thành lập một quốc gia Thiên định .
"...Vì những kẻ dám đem mình làm tế vật cho Thầy để lập nên một quốc gia Thiên định tại thế nầy, Bần Đạo chắc quốc gia ấy phải thành…”(Trích Lời Thuyết Đạo ĐHP, ngày Rằm tháng 2 Đinh Hợi, 1947).
Quốc gia đó dĩ nhiên là đất nước Việt Nam ta. Quốc gia Thiên định nầy phải có 2 yếu tố là: lấy Cao Đài làm Quốc Đạo và một chính thể đồ theo sự phân quyền của Hiến pháp Cao Đài…
 
Quốc Đạo Cao Đài :
Một quốc gia lấy chủ nghĩa đạo đức làm đầu, tôn vinh Cao Đài là Quốc Đạo…Ngay từ buổi mới khai đạo, Đức Chí Tôn tuyên ngôn rằng Ngài sẽ lập cho Việt Nam một nền Quốc Đạo …Ngài cũng ban cho 2 câu Thánh thi: Quốc Đạo kim triêu thành Đại Đạo, Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
Đức Chí Tôn lập nên mối Đạo Cao Đài có đủ yếu tố trở thành nền Quốc Đạo, giờ chỉ đợi đến ngày giờ hiển lộ ra và được quốc dân cùng chánh quyền hưởng ứng mà thôi…
Kế tiếp, Đức Chí Tôn cũng xác nhận lại trong bài Thánh giáo ngày 12 tháng 8 năm Bính Dần (Dl 18/9/1926) như sau: 
“Từ đây trong nước Nam duy có một Ðạo chơn thật là Ðạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là QUỐC ĐẠO, hiểu à!”
Khi Cao Đài trở thành Quốc Đạo tức là toàn thể đồng bào sẽ thắm nhuần giáo lý và triết lý Cao Đài, mà giáo lý, triết lý sống của Cao Đài thể hiện một ý thức hệ đại đồng.
Ý thức hệ nầy sau đó sẽ phát triển toàn thế giới, loài người sẽ nhìn nhau đồng nguồn cội, nhìn nhau cùng một Cha Mẹ Thiêng Liêng nên sẽ có tình thương yêu huynh đệ một nhà, tứ hải giai huynh đệ thì không còn cảnh chiến tranh giết chóc lẫn nhau nữa...
 
Thể chế quốc gia đồ theo Pháp Chánh Cao Đài.
Đức Hộ Pháp thuyết Đạo ngày 8-10- năm Mậu Tý:
“...Bây giờ nhơn loại đương chạy kiếm chủ quyền, chủ quyền ấy dầu nó thế nào cũng không thể tồn tại được. Vì cớ cho nên Đức Chí Tôn đến, Đức Ngài nói: Phương pháp tạo quyền của nhơn loại không thể gì bền vững được, Ta coi các người đập phá tan tành hết; Ta đến cho lại, Ta chỉ đường cho.
Đường Đức Chí Tôn chỉ là con đường Pháp Chánh vậy. Ngày giờ nào trên mặt địa cầu nầy : quốc gia, xã hội, nhơn quần biết tìm chủ quyền đặc sắc vĩnh cữu, công chánh; tức phải đồ theo Pháp Chánh của Đạo Cao Đài, tạo hình tướng Thánh Thể quốc gia, có lẽ ngày giờ đó Thiên hạ mới thấy chủ quyền của Đạo Cao Đài định thật quyền cho quốc gia và toàn thể nhơn loại.............
Ấy vậy ngày giờ nào nhơn loại trở lại con đường đạo đức đặng giải kiết, gầy dựng phương pháp sống mới sống vinh quang sống ôn tồn hạnh phúc. Ngày giờ nào tiêu diệt được quả kiếp hung tàn trở lại con đường đạo đức , ngày giờ ấy quốc gia mới yên ổn, ngày giờ ấy thiên hạ mới hưởng được hồng ân đặc biệt của Đức Chí Tôn ban cho”.(Trích Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp thuyết tại Đền Thánh đêm mùng 8 tháng 10 năm Mậu Tý (11-1948)
 
Đặc tính nền Pháp chánh Cao Đài thể hiện qua 2 câu liễn trước chánh môn Tòa Thánh hay các Thánh Thất :    
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục,
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cọng Hưởng Tự Do Quyền.
Qua 2 câu liễn nầy chúng ta thấy có các từ : hòa bình, dân chủ, tự do...
Cả thế giới đều thấm nhuần một ý thức hệ đại đồng thì loài người sống trong hòa bình là điều hẳn nhiên.
Còn dân chủ thể hiện chánh yếu qua Hội Nhơn Sanh là 1 viện của cơ quan lập pháp đại diện cho tầng lớp nhơn sanh thấp thỏi trong xã hội. Nhưng viện nầy có quyền rất lớn để kiểm soát cơ quan hành pháp như mỗi lần viên chức muốn thăng cấp phải qua cơ quan nầy xét trước...Kế đó nếu xảy ra những bất công hay qua mặt luật ở địa phương mà cấp huyện tỉnh...bao che thì cơ quan nầy có quyền trình thẳng về trung ương giải quyết...
Về mặt tự do Cao Đài quan niệm mỗi người có quyền định phận cho chính mình, ngay cả khi về thiêng liêng cũng vậy chính mình  xét tội phước cho mình chớ không phải ai khác...Giai tầng chức sắc hay chánh quyền là để phụng sự cho quyền lợi người dân chớ không phải dùng quyền để đàn áp, bốc lột dân...
Sự điều hành xã hội dựa trên căn bản : Luật thương yêu, Quyền công chánh...Một xã hội được như vậy sẽ đầy tình người tốt đẹp biết bao...
 
Bây giờ hỏi vậy chớ ai sẽ đứng ra thực hiện 2 đề mục trên đây để tạo nên một quốc gia Thiên định ? Câu trả lời chính xác nhất là do bởi Đức Di Lạc Vương Phật, khi thị hiện trong thời gian tới, Ngài mới có đủ quyền năng kể cả phép mầu để thực thi sứ mạng nầy...
Ngoài ra nhiệm vụ của chúng ta là phải có khả năng, đức độ để điều hành Đạo cũng như nhiệt huyết vì Đạo vì Thầy không ngại gian lao khổ nhọc ta mới lập được công quả xứng đáng. Chúng ta phải làm tay chơn bộ hạ giỏi cho Đức Phật Di Lạc. Thí dụ như khi Đức Hộ Pháp bắt đầu xây dựng Tòa Thánh có đến hàng ngàn người tình nguyện trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, vẫn kiên trì hoàn thành tốt ngôi Bạch Ngọc Kinh tại thế trong một thời gian kỷ lục…
Đề mục tu hành của đạo Cao Đài chánh yếu là lập công quả hay là Tam lập tức lãp công, lập đức, lập ngôn ...tức là đem hết khả năng phụng sự nhơn sanh dù đường đời hay đường Đạo đều cũng vậy...
Thay vì dùng bạo lực để lấy của người giàu chia cho người nghèo, nhưng rốt cuộc người nghèo cũng bị cướp, Cao Đài dùng thuyết tam lập hay phụng sự chúng sanh để người giàu có, khá giả sẽ vui lòng san sẻ, phụng sự cho người xấu số hơn trong xã hội...Bởi vì mình càng phụng sự hay làm phước đức cho chúng sanh cũng chính là tạo ngôi vị xứng đáng cho mình trên cõi Thiêng Liêng kia...
Hơn nữa người việt mình bản tính giàu lòng bác ái, nhân hậu nên nếu có một cơ quan đáng tin cậy và tự do phát triển như cơ quan Phước Thiện Cao Đài chẳng hạn thì sẽ có nhiều đồng bào chung tay góp sức, xã hội sẽ không còn những mảnh đời đáng thương đói khát, không nơi nương tựa nữa...
Đến đây chúng ta cũng nhớ tới một đoạn trong Sấm Trạng Trình nói về sự xuất hiện của một vị cứu tinh dân tộc:
...Thánh ra tuyết tán mây tan,
Bây giờ mới sáng rõ ràng nơi nơi,
Can qua việc nước bời bời,
Trên thuận ý Trời, dưới đẹp lòng dân.
Oai phong khấp quỉ kinh thần,
Nhân nghĩa xa gần bách tính ngợi ca...
Phải chăng vị Thánh đây là ám chỉ Đức Phật Di Lạc ? Phải chăng Thiên cơ càng ngày càng hiển lộ...Dân tộc Việt Nam có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn...
 
8 - Đạo Cao Đài giống như cái nhà máy xay lúa.
Đức Hộ Pháp có lần kể lại câu chuyện cùng Đức Lý Giáo Tông, Ngài than với Đức Lý rằng đạo Cao Đài có sứ mạng độ rỗi nhân loại toàn cầu nhưng nay đã mấy mươi năm rồi mà chưa ra khỏi đất nước VN, vậy biết chừng nào mới hoàn thành sứ mạng được...
Đức Lý bèn trả lời rằng : Hiền hữu hãy xem cái nhà máy xay lúa kia nó không cấy, không gặt mà nó vẫn sản xuất ra gạo cho nhơn sanh ăn, đạo Cao Đài tuy không ra khỏi nước nhưng vẫn làm tròn đặc phận của nó được...
Câu trên có ý nghĩa như thế nào ? Việc cấy gặt tức là thâu nhận tín đồ thì các tôn giáo khác đã làm, nhưng đến lúc Đức Phật Di Lạc xuất hiện, Quyền năng Thiêng Liêng sẽ chỉ bảo các vị làm đầu giáo phái sẽ qui hiệp với đạo Cao Đài...Đây là trường hợp giáo phái  Oomoto bên Nhựt từ những năm 1930 các Đấng giáng cơ dạy đạo nầy tìm sang liên hệ với đạo Cao Đài và từ đó đến nay họ vẫn có mối liên hệ mật thiết với Cao Đài và chúng ta cũng nhiều lần thăm viếng tham dự hội nghị tôn giáo do họ tổ chức...
Hoặc khi Đức Phật Di Lạc cũng chính là Đức Chúa tái lâm thị hiện trong đạo Cao Đài thì nhơn sanh sẽ biết điều nầy và họ sẽ đòi qui hiệp với CĐ, khi đó các nhà lãnh đạo tôn giáo phải nghe theo nếu không cũng bị mai một...
Đó là đại ý cuộc trò chuyện giữa Đức Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông. Và chúng ta cũng tin chắc điều nầy sẽ  xảy ra...(xem bài TĐ. ĐHP, ngày 14-5-Mậu Tý, 1948).
Về phần chúng ta là những môn đệ Cao Đài chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ khả năng hành Đạo, khả năng, tài liệu truyền giáo…chứ chờ đến lúc đó sẽ không chuẩn bị kịp…
Thí dụ vài năm trước đây chúng ta có đọc được thông tin từ Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại có một số người ở Phi Châu, người ta muốn nhập môn vào Đạo và lập nên hành chánh Đạo tại địa phương để người ta tu theo Cao Đài nhưng chúng ta đã chưa làm được điều đó…quả là đáng tiếc và chúng ta phải xét lại khả năng hành Đạo, khả năng truyền giáo của mình ?
Tóm lại việc hiệp nhứt các tôn giáo là điều khả thi và có luận chứng hẳn hòi chớ không phải việc viễn vong, nhưng chúng ta phải có sự chuẩn bị ráo riết nhứt là thành phần trẻ trong Đạo nên quan tâm điều nầy…
Kế đến, trong bài kinh Đại Tường do chính Đức Phật Thích Ca ban cho có đoạn :
...Giáng linh Hộ Pháp Dì Đà,
Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh,
Thâu các Đạo hữu hình làm một,
Trường thi Tiên Phật dượt kiếp khiên ...
Một lần nữa câu kinh “Thâu các Đạo hữu hình làm một” nói lên rõ ràng đây là sứ mạng của Đức Phật Di Lạc. Ở thời điểm hiện tại sẽ có nhiều người không tin nổi điều nầy, bằng chứng nghe đâu có một nhà nghiên cứu Tây pbương nào đó khi đọc đến luận chứng nầy đã thốt nên : Cao Đài nói điều nầy là quá sức của mình …Nhưng đối với người môn đệ thuần thành chúng ta tin tưởng việc nầy không sớm thì muộn chắc chắn sẽ thực hiện được, bởi vì làm được điều nầy mới có thể đạt được cứu cánh Cao Đài…Và điều nầy đã được Thiên thơ tiền định…
Khi các tôn giáo hiệp nhứt lại được thì các quốc gia trên thế giới cũng áp dụng theo mô hình nước VN, từ đó nền đại đồng thế giới sẽ thành hình...
Đó là cứu cánh của Đạo Cao Đài thành tựu...
 
Phần kết :
Khi thực hiện được một xã hội đại đồng thì các nước trên thế giới sẽ coi Việt Nam như một nước đàn anh và ý thức hệ Cao Đài trên căn bản phong hóa nhà Nam sẽ ảnh hưởng trên toàn thế giới như câu Thánh thi :
Quốc Đạo kim triêu thành Đại Đạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
Hay như câu:
Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ.
Làm chủ đây tức là làm nơi phát khởi một nền văn minh đạo đức, đưa nhân loại vào một kỷ nguyên mới : Hòa bình, Tự do, Dân chủ, Hạnh phúc thật sự…mà người Cao Đài gọi là đời Thánh Đức…
Chúng tôi cũng xin nhắc lại 4 câu thi của Đức Hộ Pháp giáng cơ ban cho Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước lúc sanh tiền và khi Ngài Bảo Thế qui tiên vào ngày 27- 4 -1975, Đức Hộ Pháp lại dạy lấy bài thi nầy làm bài thài tế lễ cho Ngài Bảo Thế:
BẢO trọng vạn linh hiệp Chí linh,
THẾ nguy chuyển loạn lập hòa bình,
CỨU đời mở Đạo kinh luân sẳn,
NƯỚC Việt trông chờ sách cứu tinh.
Những nội dung nêu ra trong bài nầy được suy diễn từ Thánh giáo, kinh kệ và lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, cũng có thể gọi là sách cứu tinh cho dân tộc Việt Nam đó vậy. Con đường nầy hiệp với Thiên ý và hứa hẹn sẽ đưa đất nước dân tộc ta đến bờ bến vinh quang…
Việt Nam ta là một nước nhỏ nhoi nhưng có một vị trí chiến lược rất quan trọng nên từ vài trăm năm trở lại đây luôn bị nằm trong bàn cờ do các nước lớn sắp đặt. Thân phận nhược tiểu là như vậy. Bây giờ Ông Trời đến biểu ta theo Ổng thì sẽ trở nên hùng mạnh, làm chủ thế giới... Dưới thế nầy ai hơn được ông Trời ? Tại sao toàn dân ta không quyết chí theo chân Ông Trời là Đấng Chí Tôn mà chạy sang đông sang tây làm chi cho khổ?...
* Quang Thông (6-2022)
HOME.    Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16 [17[18].