Thảo luận đề tài: THẾ ĐẠO ĐẠI ĐỒNG. * Bảo Chơn (ghi lại).

1 - Bạn có tin tưởng Đức Phật Di Lạc khi xuất thế để khai mở Hội Long Hoa cũng chính là Đức Chúa Jésus tái lâm? Nếu có thì cho bi
ết những yếu tố nào chứng minh điều nầy? Nếu không thì tại sao ?
Ý kiến 1: Theo bài thi khoán thủ của Đức Lý: Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài, Câu thứ ba “Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị” ý nghĩa là Đức Hộ Pháp sẽ giáng linh trong kiếp tới Ngài chính là Đức Phật Di Lạc bởi vì Đức Phật Di Lạc nay đang chưởng quản Cực Lạc Thế Giới. Phân ngôi vị  là Ngài sẽ làm chánh chủ khảo Hội Long Hoa, chấm điểm cho những người đoạt vị Thần Thánh Tiên Phật…
Câu thứ năm: “Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo” là kiếp thứ hai của Đức Hộ Pháp chính là Đức Chúa Jésus Christ, (kiếp thứ nhứt Ngài là Vi Hộ thời Phong Thần).
Như vậy Đức Phật Di Lạc trong tương lai Ngài giáng linh để khai mở Hội Long Hoa chính là Đức Hộ Pháp tái lâm cũng chính là Đức Chúa Jésus tái lâm đó vậy…
Và Ngài giáng linh trong Đạo Cao Đài nhưng không nhất thiết phải giữ phẩm Giáo Tông hay Hộ Pháp…
Ý kiến 2: Trong Đạo Cao Đài thiên chức và trách nhiệm của Đức Phật Di Lặc và Đức Hộ Pháp (hậu thân của Đức Chúa) rất khác nhau. Tóm tắt là Đức Phật Di Lạc chưởng quản hai từng trời: Từng Hội Nguơn Thiên, và Hỗn Nguơn Thiên và làm chủ Hội Long Hoa và Cực Lạc Thế Giới. Còn Đức Hộ Pháp chưởng quản Tam Châu, chưởng quản Hiệp Thiên Đài và có nhiệm vụ độ Bát Hồn (Bát Bộ) cho đến Phật vị.
Rất là khó hiểu nếu hai người là một. Một điều để chúng ta suy nghĩ là khi Đức Di Lạc xuất hiện, Ngài giữ chức gì trong Đạo? Ngài sẽ giữ chức Giáo Tông (CTĐ) hay Hộ Pháp (HTĐ). Trong tương lai Đạo Cao Đài có Đấng nào khác (ví dụ: Đức Di Lạc) giữ chức Hộ Pháp không? Nếu có thì vị Hộ Pháp mới này có giữ cây Kim Tiên và Giáng Ma Xữ không. Nếu hiểu rộng ra thì Hộ Pháp là một chức vị trong Đạo Cao Đài như chức Giáo Tông vậy. Tài liệu Đạo có nói về nhiều Đức Giáo Tông sau này, nhưng dường như không có hoặc ít có tài liệu nói về một vị Hộ Pháp khác trong tương lai. Chúng ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa chức Hộ Pháp và Đức Phạm Hộ Pháp.
Ý kiến 3: Theo TNHT, Đức Chí Tôn dạy Nhiên Đăng Cổ Phật thị ngã, Thích Ca Mâu Ni thị ngã, Thái Thượng Đạo Tổ thị ngã, …
Rồi ngay bài Thánh giáo ngày Lễ Chúa Giáng Sinh 1925 Đức Chí Tôn giáng dạy:
“Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng là vì ngày Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tấy (Europe)…Như vậy Đức Chúa Jésus cũng là Đức Chí Tôn chiết chơn linh giáng trần…
Và trong tương lai Đức Phật Di Lạc giáng linh cũng chính là Đức Chí Tôn phân tánh ra…Tức là các vị giáo chủ lớn đều có nguồn cội từ Đức Chí Tôn.
Theo tiên tri trong Thiên Chúa giáo thì ngày sau Đức Chúa Jésus sẽ tái tâm để làm cuộc phán xét cuối cùng thưởng công , định tội cho chúng sanh…
Theo Phật giáo thì cho rằng Đức Phật Di Lạc sẽ đến để khai mở Hội Long Hoa thưởng công định vị cho chúng sanh và lập đời Thánh đức…
Như vậy hai vị Phật Di Lạc và Đức Chúa tái lâm có một nguồn gốc từ Đức Chí Tôn và cùng một sứ mạng thưởng công định vị cho chúng sanh trong thời kỳ cuối…
Hai vị có cùng một nguồn gốc xuất phát cùng một sứ mạng giống nhau nên hai vị nầy chỉ là một mà thôi…Tức là Phật Di Lạc hay là Chúa tái lâm chỉ là một người.
2 - Hai câu liễn trước chánh môn Tòa Thánh có nói về: Cao Đài sẽ mang lại hòa bình, dân chủ, tự do cho xã hội, theo ý bạn điểm nào nổi bật nhất về nền dân chủ Cao Đài?
Triết lý Đạo Cao Đài nếu áp dụng đúng đắn chắc chắn sẽ mang lại hòa bình, tự do, và dân chủ cho thế giới. Hòa bình vì không còn chiến tranh tôn giáo nữa vì nhơn loại hiểu rằng tất cả tôn giáo cùng một gốc là Đức Chí Tôn mà ra và cùng giảng dạy một triết lý chung là Bác Ái và Công Bằng. Hòa bình vì con người giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà, không còn kỳ thị mầu da sắc tóc. Cứu cánh của Phước Thiện sẽ mang lại tình thương yêu đại đồng cho toàn nhơn loại.
Đạo Cao Đài đề cao tinh thần dân chủ, nghĩa là Trời Người đồng trị. Con người có quyền định luật hay sửa luật để cách tu hành phù hợp với trình độ tiến hóa của nhơn loại. Ở địa phương tín đồ có quyền bỏ phiếu cho người đại diện của mình (ví dụ: Chức Việc của Hương Đạo). Trong Đại Hội Nhơn Sanh người Cao Đài có quyền đề nghị sửa đổi cách tu hành cho phù hợp với nhơn sanh. Người tín đồ có thể lập công lớn để được cầu phong lên hàng Chức Việc và Chức Sắc Thiên phong để được vào Hội Thánh để quyết định những việc Đạo sự quan trọng.
Về sự tự do, người Cao Đài có rất nhiều sự tự do lựa chọn cách tu hành của mình cho phù hợp với tài năng của mình. Họ có thể chọn phục vụ trong HT Phước Thiện, hay HT Cửu Trùng Đài, hay trong Bộ Pháp Chánh. Người Cao Đài còn có nhiều sự tự do lựa chọn khác như: 1) ăn chay 10 ngày hay chay trường, 2) lập gia đình hay không, 3) cầu phong lên hàng Chức Sắc để dấn thân hành Đạo hay phụng sự cho Đạo nhưng ở tại gia, 4) Muốn đắc phẩm nào: Thần, Thánh, Tiên, Phật, 4) Muốn đắt Đạo mau hay chậm. Tất cả điều trên do chúng ta tự do chọn lựa.
3 - Đức Hộ Pháp có nói về một quốc gia Thiên định sẽ thành hình để làm hạt giống đại đồng cho nhân loại, bạn có hình dung Quốc gia Thiên định đó như thế nào?
Quốc gia Thiên định ấy sẽ lấy mô hình Hành Chánh Đạo của Đạo Cao Đài, nghĩa là quốc gia có cơ quan Hành Chánh như Cửu Trùng Đài, có cơ quan Tư Pháp như Hiệp Thiên Đài, có Hiến Pháp do Đức Chí Tôn (Bát Quái Đài) lập ra. Quốc gia sẽ có nhiều Trấn Đạo, Châu Đạo, Tộc Đạo, Hương Đạo và Ấp Đạo. Mỗi cơ quan Đạo đều có người của Hiệp Thiên Đài lo phần giữ gìn luật pháp, cầu phong, cầu thăng để việc lập công có phần thưởng xứng đáng. Chức Sắc CTĐ chỉ có trách nhiệm hành Đạo, phục vụ nhơn sanh, không phải lo đi làm kiếm tiền. Việc ăn ở, tiền bạc, bảo hiểm, y tế thì do HT Phước Thiện lo chu toàn. Người làm Phước Thiện có nhiệm vụ tạo ra kinh tế để phụ giúp CTĐ xây cất TT và phát triển cơ sở Đạo. Tất cả quan chức chỉ biết phục vụ cho người dân là chánh. Việc lập luật hay sửa luật cũng y như tổ chức Đại Hội Nhơn Sanh như trong Đạo Cao Đài.
4 - Đức Lý Giáo Tông có nêu lên đạo Cao Đài giống như cái nhà máy xay lúa nó không cấy không gặt mà vẫn có gạo cho nhơn sanh ăn, bạn hiểu ý nghĩa câu nầy như thế nào?
Ý kiến 1: Không thể đoán được ý của Đức Lý nhưng tôi nghĩ là như vầy: Ngày sau khi các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác hiểu rõ triết lý Cao Đài và tình nguyện qui tùng Đạo Cao Đài thì họ sẽ dâng hiến tất cả nhà thờ, chùa chiền, các cơ sở Đạo cho Hội Thánh quản lý. Tôi nhớ trong Thánh Ngôn Đức Chí Tôn khuyên chúng ta chỉ lo một sở trường học, nhà thương, hay cô nhi viện. Còn về Thánh Thất thì ngày sau quản lý không hết. Hơn nữa, khi các tôn giáo qui tùng Đạo Cao Đài thì hàng triệu tín đồ của họ cũng nhập môn vào Đạo. Như vậy người Đạo Cao Đài không mất nhiều thời gian đi truyền Đạo cho từng cá nhân… Nghĩa là không cấy không gặt  (độ từng người hay một nhóm nhỏ) mà vẫn có gạo ăn (cơ ngơi và tín đồ). Như vậy bằng cách nầy hay cách khác mình tìm cách phô diễn cái hay của Đạo để người các tôn giáo khác cũng hiểu được Đạo Cao Đài…Theo lời tiên tri nầy của Đức Lý Giáo Tông thì ngày sau các tôn giáo sẽ qui hiệp vào Đạo rất nhiều…
Ý kiến 2: Đồng ý với ý nghĩa các tôn giáo khác khi nhận ra Thiên ý Đức Chí Tôn lập Đạo CĐ để qui hiệp đức tin nhân loại làm một thì họ sẽ qui hiệp về Cao Đài. Có thể các Đấng thiêng Liêng, chư Tiên Phật đầu kiếp vào làm người dẫn đạo các tôn giáo khác và sẽ đem các nền tôn giáo đó về qui hiệp Cao Đài.
Tuy nhiên nhiệm vụ chúng ta là phải làm sao cho Cao Đài là một nhà máy tốt, tức là mình có khả năng nắm vững con đường của Đạo, mình phải là nhà tu hành gương mẫu theo tiêu chuẩn Cao Đài để người ngoài nhìn vào nể phục thì người ta mới đến với mình được…
Ý kiến 3: Ý nghĩa chữ phổ độ là bày ra thể pháp và bí pháp Đạo để độ rỗi chúng sanh. Như mình xây được một Thánh Thất nơi hải ngoại, hình tướng đặc biệt của Thánh Thất Cao Đài gợi ý tò mò rồi người ta tìm hiểu bằng cách vào thăm Thánh Thất hay qua mạng xã hội…Người ta sẽ hiểu giáo lý và triết lý đại đồng của Cao Đài từ đó họ thấy hay, đúng đắn thì họ sẽ gia nhập Đạo.
Khi có Thánh Thất rồi thì cũng có chức sắc, chức việc điều hành đạo sự, đây là những lương sanh. Đức Chí Tôn dùng lương sanh để độ rỗi quần sanh. Vậy chúng ta phải chứng tỏ mình là những lương sanh đúng nghĩa để có thể độ người được.
Ngoài ra mình tạo được Thánh Thất phô diễn hình tướng Đạo giống như mình đã cặm được cây cờ hiệu, mà Đức Chí Tôn có nói cây cờ hiệu Thầy cặm nơi nào thì con cái Thầy sẽ qui tụ về đó…
Như vậy chúng ta cứ lo việc phổ độ là đem phô bày thể pháp, bí pháp của Đạo rồi chúng sanh khi hiểu biết sẽ qui về với Đạo…chớ không cần phải lặn lội đi độ từng người vào Đạo…

* Bảo Chơn (ghi lại)

HOME.    Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16[17[18].