Lục Tổ Huệ Năng.
Kính
thưa Quý Hiền Huynh, Hiền Tỷ, Hiền Đệ, Muội, sau nhiều ngày vắng mặt, hôm nay tiện
muội xin chia sẻ một ý tưởng mới trong tinh thần "Tam Giáo đồng
nguyên", "Một cội sanh ba nhánh in nhau" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ về câu Kinh "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm " là một câu Kinh tinh
túy của pho Kinh "Kim Cang Bát Nhã" trong thời kỳ Nhị Kỳ Phổ Độ do Đức
THÍCH CA MÂU NI PHẬT giảng dạy.Cũng chính câu
Kinh này đã làm cho một người gánh củi độ nhật nuôi mẹ là Huệ Năng khi nghe câu
Kinh từ một người khách, tâm liền khai ngộ. Và hỏi về nguồn gốc Kinh. Được biết
kinh này do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trụ trì chùa Đông Thiền ở Huỳnh Mai khuyên thường
tụng kinh này sẽ kiến tánh thành Phật. Nghe vậy Huệ Năng từ biệt mẹ,nhờ người
chú chăm sóc mẹ rồi đi tìm đến chùa Đông Thiền mong gặp Ngũ Tổ để tham lễ thọ
giáo.Đã qua 6 tháng ở chùa chỉ bổ củi,giã gạo, chưa lần nào được lên Chánh điện.Một
hôm Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn truyền Y-Bát lại cho đời thứ 6, nên báo cho các môn
đệ mỗi người làm một bài kệ, nếu Ngũ Tổ thấy đạt ý sẽ truyền Y-Bát lại cho người
ấy.
Trong chùa
Đông Thiền có vị Thượng Toạ Thần Tú rất làu thông kinh sách,Thượng Toạ Thần Tú
làm 1 bài kệ ghi trên vách hành lang như vầy:
" Thân thị Bồ Đề thụ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai"
Dịch nghĩa:
" Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau chùi
Không dính nợ trần ai"
Huệ Năng nghe
một đồng tử đọc bài kệ khi đang giã gạo, liền hỏi nguyên do bài kệ, được biết
rõ rồi Huệ Năng xin người môn đệ dẫn lên Chánh điện tham lễ Thượng Toạ Thần
Tú.Sau đó nhờ đồng tử dẫn đến chỗ bài kệ, đọc lại để Huệ Năng học thuộc.Lúc đó
có một vị Quan Biệt Giá Giang Châu tên là Trương Nhật Dụng đang đi lễ bái Chùa
Đông Thiền và ghé qua đọc bài kệ của Thượng Toạ Thần Tú.Nhân đó Huệ Năng nhờ
Quan Biệt Giá viết giùm bài kệ của mình. Biệt Giá Giang Châu nói" Ông cũng
làm kệ à? Việc này thật hy hữu!". Ông hãy đọc đi,ta viết giùm cho. Nếu ông
đắc Pháp phải độ ta trước, chớ quên lời này". Huệ Năng liền đọc:
"Bồ đề bổn vô thụ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?"
Dịch nghĩa" Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào dính bụi trần?"
Kệ viết xong,
mọi người đều ngạc nhiên tán thán với nhau" Không nên theo tướng mạo mà
đánh giá người, không ngờ có nhục thân Bồ Tát mà chẳng biết "
Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn đọc bài kệ của Huệ Năng, và âm thầm xuống nhà giã gạo tìm gặp Huệ Năng, thấy
Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo,Ngũ Tổ nói "Người cầu Đạo cần phải như thế".
Tổ lại hỏi: "Gạo đã trắng chưa?"
Huệ Năng
đáp" Trắng đã lâu, còn thiếu vần, sàng thôi " Ngũ Tổ lấy gậy gõ trên
cối 3 tiếng rồi bỏ đi. Huệ Năng hiểu ý, đợi đến canh ba mới vào phòng Tổ.Ngũ Tổ
dùng màn che rồi thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã, đến câu "Ưng vô sở trụ, nhi
sinh kỳ tâm" thì Huệ Năng liền phát ngộ và bạch với Ngũ Tổ rằng:
" Đâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Đâu ngờ tự tánh vốn không lay động
Đâu ngờ tự tánh hay sinh vạn Pháp."
Ưng vô sở trụ,
nhi sinh kỳ tâm là cốt lõi tinh túy của Kinh Kim Cang Bát Nhã và trọng tâm của
Đức Phật Thích Ca dạy chỉ gom gọn lại" Đừng trụ vào gì, tâm liền hiện ra
"
Tâm là Chơn
Tâm đã có sẵn nơi mỗi người, vốn thanh tịnh, bất tiêu bất diệt. Bởi con người
chấp ngã,do lục căn có nơi người khi tiếp xúc với lục trần làm che lấp tâm
thanh tịnh.
* Đối với người
tín đồ Cao Đài, trên tinh thần Tam Giáo quy nguyên,,dù Kinh Kim Cang Bát Nhã của
Đức THÍCH CA MÂU NI ban ra vào thời Nhị Kỳ Phổ Độ, còn chúng ta đã bước vào Thời
Tam Kỳ Phổ Độ nhưng ẩn nghĩa của câu Kinh "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ
tâm" này vẫn là một bài học triết lý không ngoài tôn chỉ Phổ Độ quần sanh
giải thoát sinh tử luân hồi.
Vô sở trụ như
một nguyên lý bất định.Như 1 hành giả ngồi thiền tịnh,ta thấy vị ấy bất động
nhưng thật ra trong thân xác vẫn có sự chuyển động không ngừng nghỉ. Dòng máu vẫn
luân lưu chảy qua các cơ quan của cơ thể, sự tiêu hóa thức ăn để tạo nguồn sinh
lực nuôi dưỡng các tế bào,cơ quan nội tạng vẫn luôn hoạt động để điều hòa sinh
lực,ngay cả tâm thức vẫn không ngừng thay đổi theo từng sát-na. Sự hít vào thở
ra là một minh chứng cho sự chuyển động không ngừng nghỉ.Vì sự chuyển động như
vậy nên Phật gọi là ảo hóa, từ đó không trụ vào hữu hình, để quay về với nội tâm,
là tâm đã có sẵn không hình tướng nhưng bất di, bất dịch,thanh tịnh trong sáng.
Đó là Chánh tâm,hay đúng hơn Phật giáo gọi là Phật tánh có sẵn nơi mỗi người.
* Trong đời sống
tâm linh của người môn đệ Cao Đài, yếu tố cầu giải thoát nghiệp chướng là cứu cánh
để linh hồn còn gọi là Chơn Linh được siêu thoát. Bài Kinh " Di Lạc Chơn
Kinh"mà Đức THÍCH CA MÂU NI ban cho nhơn sanh trong thời kỳ tận độ kỳ ba
này đã dạy rõ:"Nhược hữu chúng sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệp, niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát,
đắc lộ Đa la Tam Diệu Tam Bồ Đề, thị chi chứng quả Cực Lạc Niết bàn...."
Ngoài thực hiện
Điều Quy, Giới luật gọi là Pháp điều của Tam Kỳ Phổ Độ (Tân Luật Pháp Chánh
Truyền,Ngũ giới cấm, Tứ Đại điều quy...), người tín đồ Cao Đài phải thực hành
Tam công đó là Công quả, công phu, công trình,trong phần công quả phải đủ tam lập
là lập công, lập đức, lập ngôn.Trong đời sống tu dưỡng phải miệt mài tu
Tâm.Sự quan trọng của vai trò tu tâm thường được Đức CHÍ TÔN từ những ngày đầu
mở Đạo đã dạy qua những bài Thánh Ngôn Thi Văn dạy Đạo.
Đức Đại Từ Phụ
của chúng ta luôn nhắc nhở chữ Tâm.
" Dọn mình cho sạch bớt phàm tâm
Lẽ Chánh Tà kia phải xét thầm
Đừng bụng nghi nghi rồi hoặc hoặc
Tự nhiên rõ thấu Đạo cao thâm."
Hay một lần khác:
"Xử trí phải cho vẹn thế tình
Trau tâm trau đức sạch Chơn Linh
Bến mê rước khách thuyền đang đợi
Đưa đến đào nguyên hưởng phước
lành"
Ngay khi ĐỨC
CHÍ TÔN dạy cách thờ phượng qua ý nghĩa thờ THIÊN NHÃN
"NHÃN THỊ
CHỦ TÂM", điều này cũng đã rõ Cao Đài Giáo rất trọng chữ Tâm
Trong một lần
dạy Đạo ĐỨC CHÍ TÔN dạy thật rõ ràng:
" Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi
Không cần hạ giới vọng cao ngôi
Sang, bần trối mặc Tâm là quí
TÂM ấy tòa sen của LÃO ngồi "
Qua 4 câu dạy
Đạo này, ĐỨC CHÍ TÔN đã khẳng định với nhơn sanh 1 điều quan trọng nhất đó là
TÂM.Tâm là điểm Linh Quang của Đức CHÍ TÔN ban phát cho con người để hoàn chỉnh
phẩm làm Người hầu tấn hóa trên bước đường vận chuyển của Bát phẩm chơn hồn.Vì
tâm là điểm Linh Quang chiết từ khối Đại Linh Quang của Đức CHÍ TÔN mà ai ai
cũng được hưởng như nhau,Nho giáo gọi là lương tâm, Phật giáo gọi là Phật
tánh.Đạo Cao Đài gọi là Chơn Linh, là một thể bất tiêu bất diệt và thuần khiết,
hợp cùng Chơn thần là thể thứ hai bán hữu hình vì Chơn thần là thể khí thuộc về
trí khôn nương dựa vào thể xác hữu hình để nhập thế trần.Tâm có nhiệm vụ hướng
dẫn, nhắc nhở Chơn thần khi đi vào đường nhập thế phải luôn giữ trọn Đạo Nhơn
luân, đừng để thể xác làm chủ, vì thể xác mang lục căn ( mắt,tai, mũi, lưỡi,
xúc, ý)khi tiếp xúc với lục trần ( sắc,thanh, hương, vị, nóng lạnh êm dịu, và ý
nghĩ,) sẽ nảy sinh lục dục lôi kéo làm ô nhiễm chơn thần.Thể xác gây tội tình,
rồi khi chơn thần thoát ra khỏi xác phải chịu trách nhiệm với tội lỗi.
" Chịu ô trược, chơn thần nặng trịu.
Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm
Phong trần quen thú cung âm
Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm phong
đô..."
(Kinh Giải Oan của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ)
" Dòng khổ hải đã thường chìm đắm
Mùi đau thương đã thấm chơn linh
Dây oan se chặt buộc mình
Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm
thân..."
( Kinh Giải Oan).
Qua những câu
Kinh người đệ tử Cao Đài thường đọc như trên để nhắc nhở tâm phải làm chủ
bản thân. Để lương tâm trong sáng dẫn dắt, nhắc nhở thường xuyên bằng cách trau
tâm dưỡng tánh qua những điều thường hằng trong xử thế đó là "Nhân, Nghĩa,
Hiếu, Để, Liêm, Sĩ, Trung, Tín. "Tám điều này là 8 món báu của Chơn Linh
phải gìn giữ mang theo khi nhập thế hầu nhắc nhở chơn thần đừng để thể xác dẫn
dắt bị lục dục lôi kéo gây nên oan nghiệt.
* Quan niệm mới
về Tâm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dẫn dắt chúng sanh trở về nguyên tánh thuần
lương, để đường tấn hóa theo Bát phẩm chơn hồn được nhẹ nhàng thẳng tiến về Cực
Lạc Niết bàn là một quan niệm rất nhân bản. Con người không tách rời xa lìa thế
tục, nhập thế nhưng không trụ vào dục vọng. Vì đã làm người tất nhiên bị đặt
trong vòng nghiệp dĩ ở cõi trần với các món nợ như nợ ơn cúc dục cù lao đối với
cha mẹ,nợ áo cơm với xã hội, nợ tấc đất đối với giang sơn tổ quốc. Tấm thân từ
tứ đại hợp thành do Thượng Đế an bài tùng theo không gian và thời gian điều hòa
Vũ trụ có biến dịch để phát triển theo luật thiên nhiên,lưu tồn sự sống của vạn
loài.Từ đó con người phải biết dùng cái Tâm trong sáng để hoạt động, Tâm cùng
ngũ quan hay gọi là ngũ uẩn cũng vậy phải hòa hợp không tách rời nhau, tâm giữ
vai trò chủ đạo trong sinh hoạt để mọi việc làm đều làm bằng tâm. Nghe, nhìn, bằng
tâm để thương yêu, thấu hiểu và tha thứ bao dung, nói lời thiện lành là nói bằng
tâm. Ăn bằng tâm sẽ thấy rằng những động vật mà ta giết chấm dứt sự sống của nó
để làm thức ăn cũng chỉ là những đàn em nhỏ nhít trên đường tấn hóa "Nó
cũng muốn như mình đặng sống, Nở lòng nào tuyệt giống dứt nòi" ( Kinh Sám
hối của Đạo Cao Đài). Món ngon gì cũng chỉ qua đầu lưỡi 10 cm rồi sau đó vật thực cao lương mỹ vị
cũng đều như nhau trong cái dạ dày. Đừng vì 10 cm của lưỡi cho cảm giác mà hủy diệt sự sống,
ăn bằng tâm là vậy để lấy lòng từ bi mà bỏ nghiệp sát sanh.
Một khi tâm
làm chủ trí não (là chỗ chơn thần nương dựa), thì Chơn thần sáng suốt dẫn dắt
thể xác bỏ lần tham, sân, si, không vị kỷ tính toán hơn thiệt để lợi mình hại
người, những trái nghịch sẽ dung hòa để tình thương được nẩy nở, lấy lời hòa ái
để xây dựng một thế giới đại đồng.Trau tâm sửa tánh từ từ tiến dần đến chỗ tâm
và thân hòa nhập làm một.
" Ưng vô
sở trụ, nhi sinh kỳ tâm" theo quan niệm nhân bản của người Cao Đài sẽ cho
ta một cuộc sống thích nghi với đời bằng thái độ sống tích cực, tự tin trước những
biến động của xã hội.Dùng tâm làm chủ đạo trong đời sống để hòa hợp tâm với hữu
hình. Đúng, sai, giả, thật là do ý thức của nhị nguyên phân biệt, để rồi trụ
vào đó tạo nên cuộc đời nhiều biến động khổ đau.
Khi đã hiểu
Càn Khôn vũ trụ luôn chuyển động không ngừng, đó là cơ sanh hóa,vạn vật điều
hòa để bảo tồn sự sống. Chuyển động này không là ảo hóa như ta từng hiểu. Chuyển
động của vạn vật là dịch lý trong càn khôn là Đạo, vô hình mà có hình, vô tướng
mà có tướng đó là Pháp của Đạo để sự sống bất diệt.Tâm làm chủ trong sự chuyển
động này để trở về nhất nguyên, nghĩa là hợp nhất giữa tâm và hữu hình, lìa bỏ
ý thức nhị nguyên.
Để kết thúc
bài viết, Tâm là một vấn đề lớn của nhơn sanh, và người tín đồ Cao Đài hay là
hành giả nào trên đường tìm kiếm sự giải thoát lấy Tâm làm chủ đạo trong nấc
thang tiến hóa. Câu Thánh Ngôn của Đức CHÍ TÔN mà bất cứ người tín đồ Cao Đài
nào cũng ghi nhớ trên đường hành Đạo "THẦY LÀ CÁC CON, CÁC CON LÀ THẦY"
Vâng.! Khi chúng ta để chơn thần làm chủ thể xác và tâm cùng trí hợp nhất thì
câu "TÂM ấy tòa sen của LÃO ngồi" là chúng ta đã nguyện trở về bên ĐỨC
CHÍ TÔN nghĩa là trở về Nhất nguyên, về với Chân Nguyên khởi thủy
"Dò theo đường chánh chớ sai lầm
Biết Đạo cần trau một chữ Tâm
Tiên, Phật nơi mình đâu phải khó
Khó do chẳng trọn tấm chơn thành.."
(Thi Văn dạy Đạo).
Dạ thưa Quý Hiền thân hữu,tiện muội cũng
xin gởi đến bài thơ Đạo.
" Dấu xưa luân chuyển muôn ngàn kiếp
Lạc lối phong trần tiếp nợ vay
Hồi chuông Bạch Ngọc lay hồn thức
Giục trống Lôi Âm bước thúc dồn
Mau chân trở gót qua bờ giác
Bỏ lại hành trang nặng lợi quyền
Thong thả buông tay, thuyền đang đợi
Bát Nhã buồm trương vớt khách trần."
Dạ thưa, tiện
muội rất đa tạ Quí Hiền đã bỏ thời gian đọc bài ý còn thô thiển, nếu có gì sơ
sót là do tiện muội kém lời, còn Đạo thì Đạo Pháp vô Biên mà ngôn ngữ chỉ giới
hạn. Tiện muội thành tâm chúc Quý Hiền được tâm an Đạo sáng, thân lạc.
Thân kính!
* Ngọc Vân Lê Thị.
16-7-2022, nơi xa thành phố.