Kính thưa Quý Hiền Huynh
Hiền Tỷ thân hữu, trước thời cuộc tranh đấu của địa cầu 68 hiện nay, chúng ta đều lo sợ một cuộc
thế chiến thứ ba, nhưng dù lo lắng thì sức
người không
thể xoay chuyển khi tâm người còn vọng động,
chưa đem tình thương yêu để đối xử với nhau.Hôm nay tiện muội mạn phép viết về ý nghĩa sự sống của người Cao Đài.
Thật là khó khăn khi luận về một đề tài triết lý chỉ trong vài hàng, sự sống
của con người từ lúc sơ sinh đến lúc lìa đời là một thời gian trải dài theo những
hành tàng của người đó, liên quan đến
gia đình, tôn giáo,thụ hưởng nền giáo dục thế nào , bên cạnh xã hội họ sống chi
phối hướng đi của họ.Riêng hôm nay chúng ta thử cùng đi một đoạn đường với người
tín đồ Cao Đài để hiểu thêm về một nền tôn giáo mới xuất hiện tại miền Nam Việt
Nam vào thập niên 20 của thế kỷ xx.
Trước tiên chúng ta tìm hiểu qua về đời sống tinh thần của người miền Nam
Việt Nam (lúc đó gọi là Nam kỳ) vào đầu thế kỷ xx.
* 1 / Khái quát về đời sống tinh thần của người Nam kỳ.
Đời sống của người Việt trước đây thật vô cùng phong phú vì ảnh hưởng của
nhiều triết thuyết khác nhau du nhập vào nước Việt theo dòng lịch sử thăng trầm
của dân tộc.
Từ ngàn năm trước,Nho giáo đã hình thành trên đất Việt theo quan niệm chữ
hiếu với Cha Mẹ, thờ cúng Tổ tiên mà người dân thường gọi là đạo thờ Ông Bà, đi
song hành cùng với lòng Trung với nước.Người Việt không biểu hiện chữ trung bằng
cách chỉ thờ một vị vua, mà chữ Trung được hiểu là trung với tổ quốc là lòng
yêu nước.Người Việt không sống chết với một triều đại vương quyền nào mà chỉ hy
sinh cho tổ quốc được trường tồn.Lần giở những trang sử nước nhà, xưa từ thời
nhà Đinh trị vì đến lúc suy thì một vị họ Lê ( Lê Hoàng) lên thay để nước nhà
hưng thịnh, rồi triều nhà Lý cũng vậy,khi nhà vua không làm tròn trách nhiệm với
dân với nước thì người yêu nước phải tìm cách thay đổi, họ Trần lên thay và họ
nhà Trần đã làm rạng danh tộc Việt qua những trận đánh đuổi quân Nguyên xâm lược
tả tơi phơi giáp.v.v...
Nhà Nguyễn thay thế một nhà Lê suy đồi.
Chữ Trung của Nho giáo khi sang đất Việt đã thay đổi, không cứng nhắc như
câu" Quân xử thần tử,thần bất tử bất trung" của người Hán.
Những cuộc binh đao gây điêu đứng cho người dân thường của Hán tộc cũng chỉ
vì tính chất bá quyền độc tôn của vương triều họ tôn sùng,tranh giành quyền lực
cá nhân mà thôi.( Xem Tam quốc chí, Xuân Thu Chiến Quốc v..v.).
Rồi theo dòng lịch sử nổi trôi của Lạc Việt, đạo Phật được truyền sang nước
ta.Đạo Phật dạy người ta lòng từ bi hỷ xả, giảng dạy và luật Nhân Quả, thuyết
Luân hồi để hướng con người về nẻo thiện lành.Đồng thời Lão giáo cũng được truyền
bá qua thành phần trí thức sĩ phu,quan lại trong nước với quan niệm sống thuận
theo lẽ tự nhiên là thuận theo Trời, là đúng theo Đạo, không màng danh lợi để
trở về vô vi.
Nho, Phật, Lão đã đồng hành cùng dân tộc Việt qua những nốt thăng trầm của
lịch sử dân tộc và phần nào ảnh hưởng tính cách của người Việt.
Sang đến thế kỷ thứ XlX ,khi những người Phương Tây bắt đầu dòm ngó đến
vùng đất trải dài theo bờ biển phía Đông Thái Bình Dương, trên đường biển thông
thương Âu- Ấn thì người Việt lại tiếp nhận một nền văn minh khác lạ hẳn với những
giáo điều xưa cũ ngàn năm trước từ
phương Bắc truyền sang.Cùng lúc đó một tôn giáo mới lạ được du nhập vào mảnh đất
đa văn hóa ở phía Nam trước.
Người Việt với tinh thần cởi mở đã chấp nhận tôn giáo này trên quan điểm"
Đạo nào cũng dạy con người làm lành lánh dữ"," Đức Chúa Trời của người
Tây phương cũng là Ông Trời của người Việt".... Từ đó người Việt đã thêm
vào dòng chảy tâm linh một tôn giáo mới cùng hòa nhập vào con đường cứu rỗi
chúng sanh.
Khi miền Nam kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp thì những phong trào
chống Pháp nổi lên vào đầu thế kỷ XX, từ người nông dân ở thôn quê cho đến những
trí thức đều một lòng tìm cách giành độc lập, tự do cho dân tộc bằng nhiều
cách, như kêu gọi thanh niên kháng chiến lúc đó chỉ bằng những phương tiện vũ
khí thô sơ,cho đến những phong trào tìm đường cứu nước bằng tri thức đổi mới.
Trong bối cảnh chính trị rối ren phức tạp của xã hội Nam kỳ còn nằm trong
tay người Pháp, thì một tôn giáo mới xuất hiện ngay tại miền Nam vào năm
1925_1926 . Với danh xưng" Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ" do chính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền linh qua cơ
bút tiếp xúc với các bậc trí thức nhân sĩ còn
đang làm việc với chính quyền Pháp để khai mở mối Đạo,gieo niềm tin Đấng Thượng
Đế là vị Chưởng
Quản cả Càn khôn vũ trụ, Ngài là vị Sáng thế, là một Đại Từ Phụ của vạn
linh.Ngài dùng tình thương yêu vô tận của một
người CHA, để đem con cái của Ngài về trong vòng tay của Ngài hầu giải thoát khổ đau luân hồi của kiếp người.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn được
gọi là Đạo Cao Đài đến với người miền Nam lúc đó như một luồng gió mát thổi vào
cánh cửa tâm linh của người Nam kỳ.Khi mà Nho giáo, Phật giáo suy yếu tại miền
Nam.Đạo Cao Đài ra đời như một nỗ lực chấn hưng Phật giáo và đạo đức truyền thống
trong Tam Giáo của người Việt.Theo sự biến đổi lịch sử người Nam kỳ muốn thoát
ly ra khỏi những ý thức hệ cũ kỹ của Nho,
Phật, Lão mà người dân mang nặng thực tế không làm thay đổi cục diện xã hội phong kiến lạc hậu.Cao Đài đến trong thời kỳ
mang lại sự đổi thay,rời bỏ tập quán tu hành cũ, khéo léo đưa triết lý Tam Giáo
hòa hợp trong ý thức hệ xã hội và thần học.Quan niệm Thượng Đế của Cao Đài hoàn toàn
khác với tôn giáo xưa.Tin và tôn thờ Đấng Thượng Đế là Đấng tối cao nhất trong
Càn khôn vũ trụ,Đấng làm Chủ cả Thần, Thánh, Tiên, Phật mà người Cao Đài gọi là
Đức CHÍ TÔN hay Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát.Tuy cùng thờ Đấng Thượng Đế
nhưng với người tín đồ Cao Đài phụng sự Thượng Đế là phải phụng sự vạn linh bằng
cách tốt nhất qua tình thương yêu đại đồng hoà
ái,xem tất cả đồng sinh đều là anh em chung một Cha là Thượng Đế , tình thương và sự công bình
sẽ cải dữ ra hiền, đưa con người trở nên
Thánh thiện ngay tại thế gian này.
Đức CHÍ TÔN không phạt con
cái của Ngài nhưng luật Công bình, Nhân Quả không chừa
một ai.Trong vòng vài năm đầu sau ngày khai Đạo là ngày 15_10_Bính Dần ( 1926)
số người xin
nhập môn vào Đạo, trở thành đệ tử Cao Đài rất đông, đến độ người Pháp lo sợ một
sự nổi dậy quần chúng sẽ làm suy yếu chế độ thuộc địa tại miền Nam nên ra sức
đàn áp, bắt bớ giết hại rất nhiều người.
Một Nhân Sinh quan mới đầy tính nhân bản đã thu hút đông đảo người Nam kỳ từ
trí thức đang làm việc cho chính quyền Pháp đến người nông dân tạo thành một hiện
tượng quần chúng rộng lớn đưa đến sự thay đổi văn hóa và ý thức hệ tâm linh nơi
vùng đất đa văn hóa đa sắc tộc.
* 2 / Khi đi vào thần học Cao Đài có lẽ chúng ta nên giữ một thái độ khách
quan dù Quý thân hữu là tín đồ Cao Đài hay người đang giữ một tôn giáo khác đọc
những dòng này,tiện muội cũng rất đa tạ tấm lòng của Quý Hiền,xin hãy nán lại cùng đi trên con đường của người đệ tử Cao
Đài hầu hiểu được ý nghĩa sự sống với người tín đồ Cao Đài, họ đang làm gì để
vươn lên giữa biển khổ mê mê đầy khát vọng của trần thế.
Kính thưa Quý thân hữu, người viết không là một chức sắc áo thụng mũ cao của
nhà truyền giáo mang sứ mệnh" giáo dân vi thiện",tiện muội chỉ là một
tín đồ bình thường với tấm lòng học hỏi, và những gì biết được xin chia sẻ cùng
mọi người để học hỏi ý kiến thêm, sự hiểu biết ở thế gian còn hạn chế bởi thời
gian và không gian trong khi" Đạo pháp vô biên" như một dòng chảy"
Đạo pháp trường lưu,khai cửu thập nhị tào chi mê muội". Do vậy những lời
thô thiển đơn sơ của tiện muội có thể không thỏa lòng Quý Thân hữu là do tiện
muội còn kém cỏi chớ không phải triết lý Thần học Cao Đài không đủ làm sáng tỏ,xin
Quý vị lượng thứ.
Chúng ta không nói về Thể pháp hữu hình, lễ bái của tôn giáo Cao Đài mang
những đặc thù riêng, mà khi đã nhập môn vào Đạo Cao Đài rồi thì phải tùng theo sinh hoạt lễ nghi, Giới
luật của Đạo.
* Khái niệm căn bản cấu tạo nên con người theo Nhân Sinh quan của Cao Đài
giáo.
Theo thần học Cao Đài, con người được cấu tạo từ 3 phần gọi là 3 thể.
1 / Thể thứ nhất: đó là thể xác hình hài mà chúng ta nhìn thấy được.Thể xác
được tạo thành từ tinh cha huyết mẹ ở thế gian.
2 / Thể thứ hai: các nhà thần học Cao Đài gọi là" đệ nhị xác
thân" . Từ nhứt dương của người cha và nhứt âm của người mẹ kết hợp tạo
nên sự sống. Đó là Âm Dương tương hợp theo luật sinh tồn biến hóa của Càn khôn
gọi là Pháp do Đức Phật Mẫu kiến tạo nên sự sống.Sự sống chúng ta không thấy được
bằng mắt thường nhưng ta cảm nhận được qua sự phát triển của thể xác và hiện thực
bằng cử chỉ hoạt động của thân.Sự sống là thể thứ hai gọi là đệ nhị xác thân vì
nó bán hữu hình, nghĩa là ta không thấy nhưng nó ở trong phần thứ nhất, nó lấy
sinh khí từ thức ăn thực dưỡng để nuôi thể xác.Cả hai phần này nương dựa vào
nhau để sinh tồn , liên hệ với nhau bằng luồng sinh khí,.Cao Đài gọi thể thứ
hai này là Chơn thần thuộc về khí, và hoạt động bằng trí não.Khi nguồn sinh khí
này dứt thì thể xác bất động người ta gọi là chết.
3 / Nếu chỉ có hai phần như trên thì chưa được bước vào hàng Nhơn phẩm là
người.
Cái khác hơn để có được chữ" Người"sau chữ" con" phân
biệt giá trị hơn các loài động vật khác, trở thành sinh vật cao cấp nhất đó
là" Linh hồn" ,Cao Đài gọi là Chơn Linh là điểm Linh Quang của Đức
CHÍ TÔN ban cho, chiết từ khối Đại Linh Quang của CHÍ TÔN. Chơn Linh mang bản
chất trong sáng, thiện lành của Thượng Đế, vốn vô tư.Khi xuống trần, Chơn Linh
phải nhập vào Chơn thần lồng trong thân xác,ghi nhận tất cả hành vi của thể xác
không sai để thông công cùng các Đấng Thiêng Liêng.Ngoài ra còn nhắc nhở hướng
dẫn chơn thần để Chơn thần dạy thể xác tránh làm điều càn quấy, Chơn Linh còn
được gọi là Lương Tâm.
Chúng ta không thể tách rời ba thể cấu tạo con người ra riêng biệt, và như
vậy trên con đường sống của người đệ tử Cao Đài phải tin tưởng chí thành với Đức
CHÍ TÔN, Ngài là khối Đại Linh Quang ấm áp bao trùm cả vũ trụ, là Khí Dương
quang tạo nên sự sống , là Chủ cả Càn khôn gọi là PHẬT.
Ngôi Âm là Phật Mẫu là Pháp vì Ngài
vận chuyển Âm Dương tạo nên cơ sinh hóa hữu hình.Trong câu Kinh Phật Mẫu Chơn
Kinh:
" Sanh quang dưỡng dục quần nhi
Chơn Linh phối nhứt thân vi thánh hình
Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh
Càn khôn sản xuất hữu hình
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh......"
* Nói thêm: Bát hồn là 8 phẩm đi từ vật chất hồn, thảo mộc hồn,thú cầm hồn,
nhơn hồn, thần hồn, thánh hồn,tiên hồn, Phật hồn .Theo luật tấn hóa, từ thấp nhất
là vật chất hồn sẽ đi dần theo từng nấc tiến hóa do tu dưỡng hy sinh để lên dần
đến Nhơn hồn là được Đức CHÍ TÔN ban cho Điểm Linh Quang để trở thành sinh vật
cao cấp nhất trong động vật hữu hình.Từ hàng Nhơn phẩm làm người rồi phải tiếp
tục tu dưỡng để tấn hóa trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống đến Phật hồn. (Niết
bàn).
Người đệ tử Cao Đài phải có niềm tin chí thành vào Đức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU,
sẽ thực hiện một đời sống tâm linh theo luật thương yêu và công bình.Và thuyết
Nhân-Quả là điều mà người Cao Đài phải ghi nhớ để cân nhắc trong mọi hành tàng
của mình "Luật Nhân Quả để răn Thánh đức.,Cửa luân hồi nhắc bậc cao
siêu".
Trên đường nhập thế gian để tiếp tục học hỏi, Chơn Linh cùng với Chơn thần
phải mang thể xác hữu hình, suốt một thời gian ở chung với thế xác, Chơn thần
cũng ảnh hưởng ít nhiều thất tình lục dục của thể xác do lục căn tiếp xúc với lục
trần
"Dây oan xe chặt buộc mình
Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân
Chịu ô- trược Chơn thần nặng trịu
Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm....."
(Kinh Giải Oan).
Trong thời gian thể xác nương vào Chơn thần để sống, nếu Chơn thần kiếm
soát được thể xác hướng thượng,kềm hãm dục vọng của thế xác. Thanh lọc thân bằng
khí chất thanh đạm, nuôi dưỡng sinh khí qua thực phẩm rau quả, giữ giới luật
Ngũ giới cấm, Tứ Đại điều Quy.Hành thiện, phụng sự vạn linh.Nuôi dưỡng Chơn thần
bằng cách thường xuyên tiếp xúc với các Đấng Thiêng liêng qua giờ cúng Tứ thời
hàng ngày câu Kinh sẽ giúp Chơn thần được gần gũi với các Đấng Thiêng liêng, Một
khi đến ngày giờ thoát xác thì Chơn thần nhẹ nhàng ra đi cùng với thể thứ ba là
Chơn Linh.Câu Kinh khi đã chết rồi:
"Kêu chơn thần vịn níu Chơn Linh
Năng lai năng khứ khinh khinh
Mau như điển chiếu nhẹ thành bóng mây..."
* Lục căn gồm: - Nhãn: mắt để nhìn
- Nhĩ: tai
để nghe
- Tỉ: mũi
dùng để ngửi
- Thiệt: lưỡi
dùng để nếm
- Thân:
dùng để nhận cảm giác nóng, lạnh, mềm, cứng, v.v...
- Ý: là tư
tưởng để phân biệt.
* Lục trần: Sắc màu hình tướng
Thanh là âm
thanh
Hương là mùi
Vị là chất do
lưỡi nếm
Xúc là thân tiếp xúc cảm
giác
Pháp là những
hình ảnh, hương vị, âm thanh, vị giác, cảm giác nóng lạnh được lưu lại trong ý
nghĩ.
Vì lục trần luôn có sức hấp dẫn lôi cuốn lục căn nên con người phải cố giữ
lương tâm là Chơn Linh được trong sạch hầu nhắc nhở Chơn thần làm chủ thể
xác.Ví như 3 thể cấu tạo nên con người là: chiếc xe có bánh xe có dây cương hoặc
động cơ và có người cầm cương thì chiếc xe mới hữu dụng.
- Bánh xe là hình thể là thể
xác
- Dây cương hoặc động cơ là Chơn thần là
bán hữu hình phải nằm trong thể xác.
- Người cầm cương hoặc tài xế, đó
chính là Chơn Linh.
Chơn Linh sẽ dẫn dắt Chơn thần đưa thể xác đi đúng hướng.
* Với quan niệm Nhân Sinh quan như trên, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã kết hợp hữu
hình và vô vi, để phần nào thỏa mãn tâm lý con người tìm hiểu cuộc sống ở trần
gian có ý nghĩa gì trong sự tồn vong,sinh,tử. Đời sống của người tín đồ Cao Đài
sẽ có ý nghĩa hơn khi đã hiểu thể xác chỉ là tạm bợ, hữu hình nên hữu hoại, và
phần linh hồn là Chơn Linh thì bất tiêu bất diệt, phần Chơn thần sẽ mang theo
những nghiệp căn mà thể xác tạo ra,khi thoát xác sẽ điểm lại những tội tình ân
oán đã làm vì Chơn Linh ghi lại như khúc phim, và lúc đó Chơn Linh tự định tội
để rồi lại xuống thế cùng chơn thần trả nghiệp.Cái chết ở cõi trần chỉ là sự
thay đổi của Chơn thần để Chơn Linh tiến hóa hơn. Vật chất hữu hình chỉ là
phương tiện để giúp Chơn thần lập công bồi đức theo sự dẫn dắt của Chơn Linh.
Sự chọn lựa một đời sống thanh cao,trong sạch thiện lương ở cõi thế đòi hỏi
phải hy sinh để phụng sự vạn linh dù người đệ tử Cao Đài chỉ là hàng cư sĩ tại
gia sẽ giúp Chơn thần nhẹ nhàng rời bỏ xác tục khi thoát xác hiệp cùng Chơn
Linh về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Bài viết đã dài,tuy con đường của người đệ tử Cao Đài còn nhiều chọn lựa
trong công cuộc nhập thế,tiện muội xin hẹn khi khác. Và sau đây tiện muội gởi đến
Quý Thân hữu bài thơ ngắn miêu tả đoạn đường trần
" Con là hạt bụi giữa thế gian
Ngàn năm luân chuyển cõi mênh mang
Trôi dạt hồng trần bao hệ lụy
Kiếp này nhận được điểm Linh Quang.
Con vào nhơn phẩm xin tỉnh thức
Khi Chơn Linh phối nhứt hình hài
Sửa tánh trau tâm qui nhứt
bổn
Dụng thân mình lập đức độ
quần sinh"
Xin cảm ơn Quý thân hữu đã bỏ
thời gian đọc, chúc Quý Hiền được tâm an thân lạc.
Thân Kính!
* Bác Sĩ Lê Thị Ngọc Vân.