PHẦN II.
1. SỰ PHẢN KHẮC GIỮA ÐẠO & ĐỜI
Chúng ta thử tìm hiểu sự phản khắc của Đời và Đạo.
Nhơn Hồn thì có Tiểu và có Đại, do tình dục định phận nó, ta muốn Tiểu thì
Tiểu, muốn Đại thì Đại. Đại Hồn là Thần, Thánh, Tiên, Phật, bốn cái Đại Hồn định
Thiêng Liêng vị cho cả Vạn Linh.
Chúng ta biết trong mình chúng ta có Phật, có Thú; cho nên triết lý Thất
Tình định phận cho ta, muốn làm Phật thì làm, muốn làm Thú thì làm. Trong
thân thể của chúng ta vẫn thường chiến đấu, Phật chiến đấu với thú, thú chiến đấu
với Phật.
Hai hình trạng của Đời và Đạo, Đạo xu hướng theo Phật, Đời xu hướng theo
Thú. Hai bên tương quan phản khắc ngang nhau, cũng như thuyết Duy Tâm và Duy Vật
vậy. Đức Chí Tôn chỉ nhơn loại con đường diệt vong trước mắt, nếu khôn thì
phải biết chọn Phật hơn thú.
Luận: Trong con người chúng ta có Phật và Thú. Tùng theo Lương Tâm là tùng
theo Phật. Tùng theo tình cảm và ham muốn bất chánh của thể xác là tùng theo thú.
Ngày nay con người theo đuổi cuộc sống vật chất nghĩa là chuộng phụng sự cho thể
xác như ăn sang mặc đẹp, nhà cao, xe mới. Cách sống để thỏa mản nhu cầu của thể
xác gọi là sống theo thuyết Duy Vật. Sống theo thuyết Duy Tâm là lối sống theo
Đạo giáo, sống để phát triển tâm linh, sống để phụng sự vạn linh, vì chúng sanh
mà quên mình.
2. SỰ VẬN CHUYỂN KHÔNG NGỪNG CỦA BÍ PHÁP TẠO DỰNG VŨ TRỤ & CON NGƯỜI
Muốn hiểu Bí Pháp chơn truyền của Đức Chí Tôn thì chúng ta phải tìm hiểu
coi ta là gì và sự quan trọng của ta trong CKVT. Con người được tạo thành từ
Tam Bửu tức nhiên là: Thi Hài, Chơn Thần và Chơn Linh.
Không có một vật loại nào trong CKVT này mà không do quyền năng vô tận của
Đức Chí Tôn sản xuất. Vạn vật trong CKVT này phải hoạt động mãi thôi không
bao giờ ngừng. Nó nhờ hoạt động chuyển luân mà tấn hóa mãi mãi. Vạn vật phải
vận hành luôn; ngưng là chết, cả loài người cũng phải vậy. Vạn vật lưu động là
nhờ khí nổ Thái Cực buổi nọ, Thái Cực nổ thành khối lửa; khối lửa ấy tạo ra
muôn muôn triệu triệu ức quả địa cầu. Quả cầu ấy nguội lại thành địa cầu chúng
ta đang ở đây, là quả địa cầu 68.
Duy có một điều trọng hệ hơn hết là do nơi quyền năng Tạo Đoan của Đức Phật
Mẫu đã tạo Chơn Thần và hình thể chúng ta. Khi con người mới thai bào, con tinh
trùng ở trong Nguơn khí Cha kết hợp với noản châu của Mẹ; dương trùng của Cha tạo
biến thành hình hài xương cốt chúng ta, còn noản châu của Mẹ chúng ta biến ra
máu thịt; hai vật ấy phối hợp lại với nhau thành hình hài.
Cái buổi tượng hình thì Chơn Thần của chúng ta còn ở ngoài thân, ngoài cốt
hài của hài chúng ta; nó vơ vẩn quanh theo bà Mẹ, bà Mẹ đi nơi nào nó đều theo
nơi đó. Chơn Thần đến theo người Mẹ có chửa, đứa con theo mãi, theo cho đến khi
tượng hình chúng ta ra khỏi lòng bà Mẹ, Chơn Thần ấy mới nhập vô ảnh hài đó làm
khuôn viên cho ảnh hài đó.
Kể từ ngày có nhơn loại nơi mặt địa cầu này đến nay chừng một ngàn năm trăm
triệu (1.500.000.000) năm. Nhơn loại phải chịu trong phẩm giả nhơn ít nữa một
trăm triệu (100.000.000) năm. Khi đoạt được phẩm vị nhơn phẩm, xác thịt họ mới
có phương thế dung nạp Nguơn Linh của Đức Chí Tôn.
Chơn Thần Phật Mẫu đến theo loài người từ buổi mới tạo ra loài người, còn
Nguơn Linh Đức Chí Tôn đến loài người chừng năm chục triệu năm (50.000.000). Đức
Chí Tôn đến sau chớ không đến trước như Đức Phật Mẫu. Khi mẹ chúng ta sanh ta
ra, nuôi gần năm sáu tuổi cũng chưa biết cha là gì; chưa biết theo cha, nghe hiểu
nhìn cha là gì; bảy, tám, chín, mười tuổi mới biết. Buổi ban sơ loài người cũng
thế đó.
Phật Mẫu sanh ra chỉ biết nuôi nấng theo bực Tiểu Hồi, chớ Đại Hồi chưa có.
Ngày giờ có Đại Hồi là Đức Chí Tôn giáng linh trong thân thể loài người. Thân
thể con người thú chất là đúng, duy có Đức Chí Tôn đến ở cùng nó mới là Thánh
thôi.
Chơn Thần chúng ta làm trung gian giữa thể xác và Chơn Linh, làm trung gian
cũng như làm thông ngôn cho Chơn Linh và xác thịt chúng ta vậy.
Lấy một thí dụ: cái máy bay, cánh đuôi và thân máy bay là xác thịt, còn cái
chong chóng quây được đó là Chơn Thần. Người cầm lái điều khiển cho vận hành
là Chơn Linh.
Muốn hiểu Bí Pháp Đức Chí Tôn thì xem cái xác thịt của chúng ta và Chơn Thần
của chúng ta phải chịu ảnh hưởng của Chơn Linh như thế nào thì cái Bí Pháp thế ấy.
Luận: Con người là một phần tử của CKVT vì thể xác từ Ngũ Hành mà sinh ra,
Chơn Thần do Phật Mẫu ban cho và Chơn Linh do Đức Chí Tôn ban cho. Vì CKVT luôn
luôn vận hành nên con người cũng phải luôn luôn vận hành để học hỏi, tiến hóa,
lập công bồi đức. Con người muốn tiến hóa cho đến Chân Thiện Mỹ thì phải tuân
theo sự chỉ dạy của Lương Tâm, tức Đức Chí Tôn vậy.
3. BÍ PHÁP HỘI YẾN DIÊU TRÌ KIM MẪU
Toàn cả con cái Đức Chí Tôn cần hiểu rõ cái huyền vi bí mật của Bí Pháp Hội
Yến Diêu Trì mà Đức Chí Tôn đã lập trong Đạo Cao Đài, bởi nó có ảnh hưởng đến
cơ quan đoạt Đạo chúng ta tại mặt thế gian này.
Toàn Thánh Thể Đức Chí Tôn và con cái của Ngài ráng để ý cho lắm: Từ khi Đạo
bị bế Ngọc Hư Cung bác Luật, Cực Lạc Thế Giái thì đóng cửa nên chúng sanh toàn
cả CKVT có tu mà thành thì rất ít, bởi phương pháp tu khó khăn lắm, muốn đoạt
Pháp không phải dễ.
Cổ Pháp định cho các Chơn hồn về nơi Diêu Trì Cung hưởng được Hội Yến Bàn
Đào tức nhiên hưởng được Hội Yến Diêu Trì, ăn được quả Đào Tiên, uống được Tiên
Tửu mới nhập vô cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống. Ôi thôi! Từ thử đến giờ có ai đặng
hưởng, nếu có đặng hưởng cũng một phần rất ít.
Giờ phút này Đức Chí Tôn quyết định tận độ con cái của Ngài, Đức Chí Tôn buộc
Phật Mẫu phải đến tại mặt thế gian này để Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì tại cửa Đạo
này cho con cái của Ngài giải thoát, ấy là một Bí Pháp Thiêng Liêng duy có tay
Ngài định pháp ấy mới đặng.
Ngài để tại mặt thế này trong cửa Đạo này mà thôi. Từ tạo thiên lập địa đến
giờ chưa có ai hưởng được thời kỳ này. Ngài đến quả địa cầu 68 này đặng tận độ
con cái của Ngài. Chúng ta phải chiêm nghiệm Lễ Hội Yến này để làm mật niệm
cám ơn Đức Chí Tôn và Phật Mẫu. Đây là Bí Pháp giúp chúng ta giải thoát đó
vậy.
Luận: Hằng năm chúng ta cần phải tham dự Lễ Kỷ Niệm Hội Yến Diêu Trì để được
ăn Đào Tiên và uống rượu Tiên. Như theo lời dạy của Đức Hộ Pháp: ăn được quả
Đào Tiên, uống được Tiên Tửu mới nhập vào cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống. Chúng ta
nên nhớ kỹ Bí Pháp trọng yếu này.
4. TẠI SAO ĐỨC CHÍ TÔN CHỈ GIÁNG BÚT TRUYỀN BÍ PHÁP CHO HỘ PHÁP
Chúng ta thử tìm hiểu tại sao Đức Chí Tôn mở Tam Kỳ Phổ Độ gọi là mở Cơ
quan tận độ chúng sanh? Tại sao Đức Chí Tôn sai Hộ Pháp giáng thế? Tại sao Ngài
không dùng cơ bút để truyền Bí Pháp cho con cái của Ngài mà Ngài chỉ giáng bút
truyền cho Hộ Pháp mà thôi.
Không có lạ chi; mở cơ quan tận độ chúng sanh tức nhiên là lập một khoa
thi, mỗi chuyển tức nhiên mỗi khoa mục của các Đẳng Chơn hồn cần phải thi đặng
đoạt vị: Thăng hoặc Đọa.
Bởi cớ cho nên Đức Chí Tôn gọi là trường thi công quả là vậy. Đức Chí Tôn
cho Hộ Pháp và Thập Nhị Thời Quân đến cốt yếu để mở cửa Bí Pháp ấy đặng cho
Vạn Linh đoạt vị. Cả thảy đều hiểu rằng Đức Chí Tôn buổi chưa tạo thiên lập
địa Ngài là Phật, Ngài nắm Pháp để tạo vạn vật gọi là Tăng. Ấy vậy, Pháp là
chủ của Vạn Linh. Cả huyền vi hữu hình Đức Chí Tôn tạo Đạo là do nơi
Pháp. Chúng ta biết Pháp thuộc về hình thể của Vạn Linh, vì thế Đạo Giáo dạy
rõ Tam Châu Bát Bộ thuộc về quyền Hộ Pháp. (Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn).
Tam Châu Bát Bộ gồm có: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiện
Bộ Châu, đều thuộc quyền hạn của Hộ Pháp, còn Bắc Cù Lưu Châu để cho các phẩm
Chơn hồn Quỷ vị nó định phận tại nơi đó. Nó có một quyền năng vô định, chẳng cần
chỉ giáo; để đặc biệt một Châu cho Quỷ vị ăn năn tu học đặng đoạt vị; ba Bộ
Châu kia thuộc quyền hạn Hộ Pháp giáo hóa, duy có Bắc Cù Lưu Châu Ngài không
thường ngó tới lắm, để cho nó tự do làm gì thì làm, khôn nhờ dại chịu.
Bát Bộ là gì? là Bát Phẩm Chơn hồn chớ có chi đâu; Bát Hồn là gì: là Vật Chất hồn,
Thảo Mộc hồn, Thú Cầm hồn, Nhơn hồn dĩ chí cho đến Thần, Thánh, Tiên, Phật. Tám
Bộ ấy thuộc về quyền hạn Hộ Pháp. Người mà Đức Chí Tôn gọi đến để tạo cơ
quan tận độ chúng sanh không còn ai khác hơn Hộ Pháp, chính Hộ Pháp nhận lãnh trách
nhiệm ấy.
Tại sao Đức Chí Tôn giao cho Hộ Pháp? Hộ Pháp đến cốt yếu giúp Bát Phẩm
Chơn hồn được thăng vị, nhiều hoặc ít. Từ Vật Chất Hộ Pháp đem lên Thảo Mộc,
Thảo mộc đem lên Thú Cầm, Thú cầm đem lên Nhơn loại và cuối cùng là Phật vị. Hộ
Pháp có thể định vị cho họ đặng.
Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu Đức Chí Tôn biểu chúng ta làm gì? Đức Chí
Tôn muốn ta làm Thi Hài Hữu Hình của Ngài, tức nhiên Ngài đến lập Thánh Thể của
Ngài là Hội Thánh. Hội Thánh của Ngài để thay hình ảnh cho Ngài.
Muốn chúng ta thay thế hình ảnh cho Ngài thì Ngài đổi với ta cái gì? Ngài
đem cơ giải thoát, đem phẩm vị Thiêng Liêng cho chúng ta, đem tận nơi tay cho
chúng ta định vị; rồi Ngài đòi chúng ta đổi ba món Báu là Tinh, Khí, Thần của
ta.
Cái liên quan mật thiết Tinh, Khí, Thần là gì? Thể xác của chúng ta nó quan
trọng như thế nào mà Đức Chí Tôn đòi ta dâng cho Ngài? Nếu không có nó chẳng
hề khi nào Đức Chí Tôn tạo thành Thánh Thể của Ngài đặng. Ngài lấy ba món
báu trong mình chúng ta; Hoa, Ngài tỷ như thân thể chúng ta; Rượu, Ngài tỷ như
trí thức tinh thần khôn ngoan của chúng ta; Trà, Ngài tỷ như linh hồn của chúng
ta. Trong người của chúng ta chỉ có ba món ấy là quý báu mà thôi.
Ngộ nghĩnh thay chúng ta nên để ý điều này. Đức Chí Tôn biểu chúng ta mỗi
ngày phải dâng ba món ấy: ba món trọng hệ hơn hết là Tinh, Khí, Thần. Thường
ngày chúng ta chỉ lấy Khí, Thần dâng mà thôi, còn Tinh thì Tiểu Đàn hay Đại Đàn
mới có. Ngài chán biết thi hài của chúng ta chẳng phải chúng ta làm chủ, nên
Ngài không buộc mà để cho nó có quyền tự do định phận của nó. Nội bao nhiêu
đó chúng ta cũng ngó thấy cái lòng Đại Từ Đại Bi của Ngài đến thế nào. Thể chất
kia mà Ngài không ràng buộc không ép bức để cho nó định phận, tưởng coi ai có
nhân từ đến mức đó không?
Luận: Đức Hộ Pháp là Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn. Bát Bộ là Bát Phẩm
Chơn Hồn. Đức Chí Tôn mở cơ tận độ cho Bát Phẩm Chơn Hồn, mà Đức Hộ Pháp nhận
lãnh trách nhiệm này nên Đức Chí Tôn truyền Bí Pháp tận độ cho Đức Hộ Pháp là vậy.
5. CHÚNG TA PHẢI GIỮ CÔNG CHÁNH DUNG HOÀ GIỮA DUY TÂM VÀ DUY VẬT
Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh náo nhiệt vì hai thuyết Duy Tâm và Duy Vật
đương chiến đấu với nhau. Đức Chí Tôn vì sự thương yêu nên Ngài lập Thiên vị tại
mặt thế này. Ngài biểu chúng ta ký hòa ước với Ngài để thay thế hình ảnh cho
Ngài, đem hết tinh thần từ bi công chánh của Ngài, đối đãi với Vạn Linh, để
giúp Vạn Linh hiệp với Chí Linh. Tức nhiên Ngài cho chúng ta cái sứ mạng dung
hòa giữa Đời với Đạo.
Cái lý thuyết Duy Vật là cái lý thuyết sống của Đời, còn cái lý thuyết Duy
Tâm là cái sống của Đạo. Chúng ta đã ký hòa ước với Đấng Chí Linh, nguyện giữ
công chánh đặng dung hòa tinh thần giữa Đời và Đạo.
Chúng ta quan sát để tìm hiểu triết lý của cái sống như thế nào? Sống đương
nhiên của chúng ta có hai sống:
1. Sống về vật chất là sống về phương pháp thú chất.
2. Sống về tinh thần là sống về cái phương pháp hiển hách anh
linh.
Chúng ta thấy hai lối sống ấy nó tương tranh với nhau mãi mãi mà thôi, vì cớ
cho nên mới nảy sanh ra hai thuyết: Duy Tâm và Duy Vật. Chúng ta thử giở lịch sử
của loài người để tìm hiểu triết lý sống của các Thánh Nhân ngày xưa như thế
nào.
Đức Lão Tử khi đoạt được bí mật của Bát Quái Đồ rồi Ngài từ giả nhà Châu,
Ngài về Côn Lôn Sơn mà an nghỉ. Môn đệ của Ngài hỏi: Ngài về Côn Lôn Sơn để làm
gì? Có hạnh phúc hay không? Ngài trả lời duy có cái biết của ta mà đã làm
cho ta có thú vị sống đặc biệt, không cần nói rõ hạnh phúc ấy ra thế nào,
nhưng ta chỉ nói rằng: cái biết của ta nó làm cho ta hưởng thú vị an vui của
cái sống ấy.
Đức Khổng Phu Tử từ giả quan trường về giáo đạo dạy các môn đệ của Ngài;
thiên hạ gọi là vô phước. Thật ra cảnh vô phước của Ngài là lúc Ngài làm quan
cho nhà Châu, làm quan cho nước Tề, nước Yên và lúc châu lưu trong Lục Quốc.
Bây giờ sống với Thất Thập Nhị Hiền, Tam Thiên Đồ Đệ của Ngài, là Ngài hạnh
phúc hơn hết, vì Ngài biết cái thú vị cái sống của Ngài thế nào; cái sống của
Ngài là vui về Đạo mà thôi.
Trái ngược lại, chúng ta nhìn thấy cái sống của Tần Thủy Hoàng, sống của Sở
Bá Vương hai tay trắng lập nên nghiệp đế đè nén cả tinh thần dân chúng buổi nọ,
vị chúa của họ sanh sát tàn ác không có điều gì mà họ không làm, họ tàn ác lắm.
Cái sống của Tần Thủy Hoàng thế nào, khi sắp chết Ngài than: Các tài tình thâu
nghiệp đế ta thắng được duy có cái chết ta thắng không được. Nã Phá Luân đã được
cơ hội làm nên nghiệp đế, buổi đó làm cho toàn cõi Âu Châu các nước chư hầu đều
cúi đầu hết thảy, đến chừng chết, Ông chết trong ngục tù.
Chức vị sang trọng như con cọp, khi sống ai cũng sợ, nhưng khi chết chẳng
ai thương. Sống như con cá Ông, không ai thấy mà chiếc ghe nào chìm thì có người
ta đỡ. Cái sống con cọp không có ai thờ, còn cái sống của con cá Ông có người
thờ.
Hai cái sống đặc biệt ấy là cái sống Duy Vật và cái sống Duy Tâm. Chúng ta
cần để tâm mà suy gẫm.
Luận: Đức Lão Tử đạt được bí mật của Bái Quái Đồ nên vì sự hiểu biết đó mà
Ngài có cuộc sống an nhàn, thú vị. Đức Khổng Tử đạt được cuộc sống hạnh phúc
khi Ngài từ quan trường về dạy Đạo và sống với các môn đệ của Ngài. Chúng ta hiện
nay, nếu thông hiểu Đạo như Đức Lão Tử, sống họp đồng với Đồng Đạo để phụng sự
cho vạn linh thì chúng ta cũng sẽ tìm được cuộc sống thanh tao, thú vị như Đức
Lão Tử và Khổng Tử vậy.
6. ĐỨC CHÍ TÔN CHỌN HOA, RƯỢU, TRÀ TƯỢNG TRƯNG TINH, KHÍ, THẦN
Phàm con người có 3 xác thân: Một là Tinh, là xác thân của cha mẹ sanh ra.
Hai là Khí: là chất hơi, nó tiếp xúc xác thân đặng bảo trọng sự sống. Khí là do
nơi Phật Mẫu ban cho. Ba là Thần: là linh hồn của Chí Tôn ban cho. Cả Ba liên
quan với nhau thành một, một thành ba gọi là Tam Bửu: TINH, KHÍ, THẦN.
Đức Chí Tôn đòi hỏi con cái Ngài dâng Tam Bửu cho Ngài, tức là Ngài muốn
toàn con cái Ngài sống mãi với Ngài đó vậy.
Muốn cho khỏi phụ lòng Đức Chí Tôn, ta phải đào luyện cho đệ nhị xác thân ấy
được tinh khiết nhẹ nhàng. Muốn được vậy, ta chỉ có hai điều là phải trai giới,
và phải tu cho đệ nhị xác thân được tráng kiện, hoạt bát, tùng khuôn viên thiện
đức.
Đệ Nhị xác thân ta khi còn sống thì ở quanh mình ta, luôn bảo hộ sanh mạng,
liên kết với Đệ Tam xác thân là Linh hồn. Khi lìa khỏi thể xác, Đệ Nhị xác thân
liên kết trực tiếp với Linh hồn, nếu nó được thanh khiết. Bằng tạo nhiều nghiệp
ác, thì nó phải dính líu với cái thể xác hôi thúi này mà phải chịu lìa xa linh
hồn, phải bị đọa là vậy đó. Vì thế, Đức Chí Tôn ban cho ta cái Bí Pháp Phép
xác, để cắt đứt 7 dây oan nghiệt cho Chơn Thần rời hẳn với Đệ Nhứt xác thân,
giúp Chơn Thần nhập một với Linh hồn, hầu đạt được sự hằng sống đó vậy.
Đức Chí Tôn biết rõ loài người tiến hóa tột bực, nên thường hay tự đắc, tự
tôn, chỉ biết lo cho xác thịt mà thôi, mà không chú trọng đến đệ nhị xác thân
và cuộc sống tinh thần. Nên Đức Chí Tôn đến khai Đạo là cố ý giáo hóa loài
người biết rõ câu tội phước, giồi luyện cho con người tận thiện để hiệp
cùng Ngài. Nếu chúng ta biết được vậy thì toàn thế giới này, những điều
tinh ma quỉ quái sẽ bị tiêu diệt, thần tử không hề đến với ta được.
Nếu ta nhìn thấy được cõi vô hình, các vạn loại bị nhân loại tiêu diệt một
cách tàn nhẫn, gây thù kết oán thù với nó, nên loài người phải trả nghiệp quả,
phải bị luân hồi, và bị đọa đày mãi thôi.
Mong sao, chúng ta từ đây phải biết trọng Đạo lý ấy, cố gắng luyện Đệ Nhị
xác thân cho đặng tinh khiết, là phải thương yêu loài vật, phải thương tất cả vạn
loại để chấm dứt cái oan nghiệt ấy để cứu vớt quần sanh thoát vòng đọa lạc.
Nếu cả thế gian nầy biết được vậy thì chắc chắn không còn cảnh thảm khổ tái
diễn nữa. Loài người do một nguyên căn mà thôi, bởi do phong tục, tập quán của
các nước khác nhau mà nghịch lẫn nhau, tranh đấu mãi không ngừng.
Vậy thánh ý của Đức Chí Tôn khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tam Giáo qui nguyên,
Ngũ Chi phục nhất là muốn dung hòa tâm lý cả toàn con cái của Người để tận
độ 92 ức nguyên nhân. Đức Chí Tôn vì lòng đại từ đại bi chỉ rõ căn nguyên và
ban ơn cho ta, dạy dỗ ta, muốn đoạt ngôi vị Thần Thánh Tiên Phật thì phải
trau luyện cho TINH hiệp với KHÍ, và TINH KHÍ phải hiệp với THẦN. Đấy là bí
pháp để mà đắc đạo vậy.
Luận: Muốn Tinh hiệp với Khí thì trước tiên con người phải trường chay để
thể xác được trong sạch, tinh kiết. Chơn Khí của ta trong sạch, tinh kiết thì mới
hiệp với Chơn Thần đặng. Hơn thế nữa, trường chay còn giúp ta bớt sát sanh hại
vật, bớt gây oán thù với vạn vật, để không phải bị luân hồi vì phải trả những
nghiệp quả này.
7. NGUYÊN CĂN CON NGƯỜI LÀ GÌ? TAM BỬU TẠO NÊN CON NGƯỜI
Trong Tam Bửu tạo ra hình hài chúng ta, Chơn Linh là nhứt điểm Linh Quang
do Đức Chí Tôn mà có, để bảo trọng cái sanh mạng, cái sống của thi hài. Đến
ngày giờ nào niên kỷ đã định, Chơn Linh ấy lìa khỏi xác thân, lúc đó chúng ta gọi
là chết đó vậy.
Ấy vậy, ta thử tìm hiểu Tiên Thiên khí, Hậu Thiên khí và vật chất khí là
gì? Chúng ta đã thấy bất cứ vật hữu hình nào cũng có 3 thể:
1. Vật chất thì mắt ta thấy.
2. Mùi vị là Hậu Thiên khí.
3. Năng lực là Tiên Thiên khí.
Ba khí chất nầy tạo ra hình hài của con người. Vật chất, mùi vị, năng lực
thế nào thì con người như thế ấy. Chúng ta thấy một hột gạo, nấu ra cơm, ăn vào
để lấy cái tinh ba của nó là Hậu Thiên khí, làm cho khối sinh quang của ta được
tồn tại. Tinh ba của vật chất vào cơ thể, giúp cơ thể có năng lực tráng kiện.
Khi đói, ta thấy bủn rủn tay chơn là vì thiếu sanh khí đó vậy.
Chơn thần là Hậu Thiên khí, ta không thấy mà chớ nên tưởng rằng không có.
Ta ăn hột cơm vào bụng, lọc lấy cái tinh ba của hột cơm để làm huyết khí để
nuôi lấy thể xác nầy. Ta biết có mà không thể thấy được.
Ngày nào ta về cõi vô hình, chừng đó ta mới biết Đạo là có phận sự bảo
trọng chúng sanh, dạy dỗ và giục thúc các đẳng linh hồn tăng tiến trên con đường
tiến hóa. Ta chỉ đặng phép thương yêu binh vực chớ không ai đặng mưu hại, tiêu
diệt.
Trên cõi Hư Linh các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật chỉ có mơ ước một điều
duy nhất là làm gì để hữu ích cho chúng sinh. Các Đấng ấy rất may mắn, gặp
nhiều cơ hội để an ủi tâm hồn chúng sanh, hằng giờ, hằng buổi, những người đang
đau khổ, đang thiếu tình thương.
Chúng ta đến làm người, cốt yếu đoạt cho được cơ tạo đoan, trở nên Chí
Linh, Chí Thánh; một kiếp học là một kiếp tiến thêm một bực; để ngày kia
mong mỏi làm Trời.
Ở thế nầy, dầu một vị Phật cũng không chê ai, vì Phật đã biết con đường
đi trước kia dầu ai phàm, dầu ai lạc hậu cũng sẽ tới sau, họ chỉ biết
có một điều là chỉ từ nẻo quanh co, vui vẻ chỉ cho bạn đi cùng đường đoạt lên
Phật vị. Họ không dám chê ai, chẳng phải đối với loài người mà thôi, mà đối
với tất cả vạn loại, chúng sinh chỉ là anh em còn lạc hậu đó vậy.
Con vật bị giết là vì nó không phương bảo vệ; ngày nay giết nó mà ăn thịt,
biết đâu sau nầy các bạn lạc hậu ấy tiến hóa đến phẩm con người trở lên, rồi
chúng ta sẽ gặp lại các bạn ấy, khi ấy các bạn ấy cười và nói rằng: Xưa kia
Đức Phật có ăn tôi một lần. Nghĩ tưởng chẳng gì hổ thẹn nào bằng. Thế
nên ta phải ăn chay. Chưa có ai nhẫn tâm giết người đặng ăn thịt, thì cũng
không có ai đặng quyền giết các bạn lạc hậu ấy để ăn.
Ta đến đây làm bạn cùng vạn vật chúng sanh, vạn vật giúp ta học cho thấu
đáo huyền vi cơ đạo, tạo Chí linh nối nghiệp Đức Chí Tôn.
Thầy có nói: Thầy dành sẵn gia nghiệp và phẩm vị cho chúng ta, Thầy không
khi nào lấy lại, trừ ra kẻ nào từ bỏ. Đại Từ Phụ dạy như vậy mà chúng ta không
tin sao? Ông Cha phàm kia còn yêu ái con, trước buổi nhắm mắt còn tính để lại
cho con một phần gia tài đã tạo được.
Một điều là Ông Cha phàm làm với phạm vi nhỏ, phương pháp nhỏ, còn Ông Cha
Thiêng Liêng không lẽ thua ông cha phàm. Thầy nói, Thầy dành sẵn gia nghiệp và
ngôi vị thì Thầy không quyền cho kẻ khác, trừ khi mình từ bỏ nó. Không hạnh
phúc nào hơn là dám hy sinh mình vì Chí Tôn vì Thầy không hề chịu thiếu nợ ai
và Thầy không hề quên mối nợ tình ái của con cái của Ngài.
Đức Chí Tôn tạo cho con cái của Ngài một cửa nhỏ, tuy khó đi nhưng nếu ta
dám chết vì Ngài thì chúng ta sẽ đạp văng cửa nhỏ ấy ra để đi sấn tới. Các đấng
Thần, Thánh, Tiên, Phật khi gặp các vị dám hy sinh vì Thầy cũng phải đều cúi đầu.
Đức Chí Tôn sẽ trả những món nợ cho con cái của Ngài, không những một mà còn trả
nhiều hơn nữa.
Luận: Đoạn văn trên có rất nhiều điểm hay: 1) Đạo là có phận sự bảo trọng
chúng sanh. Ta chỉ đặng phép thương yêu binh vực chớ không ai đẳng phép tiêu diệt
2) Các Đấng Thiêng Liêng chỉ mơ ước một điều duy nhất là làm gì để hữu ích cho
chúng sinh. 3) Con người đến thế gian chỉ để làm bạn cùng vạn vật chúng sanh.
4) Đức Chí Tôn tạo một cửa nhỏ, nếu ta dám chết vì Ngài thì chúng ta sẽ đạp
văng cửa nhỏ ấy ra để đi sấn tới. Các đấng Thiêng Liêng khi gặp các vị dám hy
sinh vì Thầy cũng phải đều cúi đầu.
8. NHO LẤY NHƠN NGHĨA, ÐẠO LẤY CÔNG CHÁNH, THÍCH LẤY BÁC ÁI LÀM CĂN BẢN
Bây giờ thử hỏi chơn truyền của Đức Chí Tôn mở Đạo là bảo chúng ta làm gì?
Đạo Cao Đài phải đi theo con đường nào? Chúng ta thấy Đại Từ Phụ lấy ba Tôn
Giáo: Nho, Thích, Đạo làm cơ quan duy nhất để làm bí pháp giải thoát linh hồn.
Nho lấy nhơn nghĩa làm căn bản. Đạo lấy công chánh làm căn bản. Thích lấy
bác ái từ bi làm căn bản. Ba triết lý ấy hiệp lại vừa lo phần Đời và phần Đạo,
nghĩa là phần xác và phần hồn. Chúng ta đi đến tận con đường mà Đức Chí Tôn
đang đứng chờ đợi con cái của Người hiệp một cùng Người.
Nhơn nghĩa là gì? Người có nhơn thì không oán, nghĩa thì không bạc. Công
chánh là gì? Có công thì không phụ, có chánh thì không tà, không chối cái điều
chơn thật được. Còn có từ bi thì có khoan hồng dung thứ, có bác ái mới có thể bảo
thủ và thân mến toàn thiên hạ. Chúng ta phải khoan hồng, tha thứ, biết thương yêu hòa
ái, phải có công bình chánh lý, chúng ta không ghét ai, hay oán ai. Đại Từ Phụ
còn buộc chúng ta phải thương yêu kẻ nghịch, kẻ thù của chúng ta nữa.
9. NGUYÊN TỬ KHÍ LÀ PHƯƠNG CỨU TỬ HƯỜN SANH
Như chúng ta thấy cơ quan sanh hóa ra con người và vạn vật là do âm dương
phối hợp mà ra. Phật Mẫu dùng khối sanh quang có năng lực vận hành trong không
khí để tạo ra nước, lửa, gió; rồi nước, lửa, gió vận hành biến ra vạn vật. Từ Hỗn
nguơn khí, Hư vô khí biến hóa thành Huyền Ảnh khí rồi mới biến hóa ra vạn vật.
Khí ấy nhà khoa học gọi là nguyên tử khí.
Nguyên tử khí có năng lực vô biên mà loài người đã đoạt được để dùng chớ
không biết nguyên căn của nó từ đâu. Kể từ ngày loài người tìm được nguyên tử
khí là cái khí sanh quang của vũ trụ, họ đâu biết một ngày kia loài người sẽ
nương nhờ nguyên tử khí ấy mà quy nguyên Thánh thể. Ngày nay nguyên tử khí
dùng để giết người, thì biết đâu sau nầy nó sẽ là phương cứu tử huờn sanh cho
người, và nó sẽ đem loài người đến địa vị trường sanh bất tử.
Vì bởi nguyên tử khí là căn nguyên sự sống của vạn loại, nếu nó đã làm chết
được thì nó cũng sẽ làm sống được. Các thể mà khí ấy sanh trước hết là nước, lửa,
gió, chúng vận hành tạo ra vạn vật. Mạng sanh của con người đồng thể cùng càn
khôn vũ trụ, tức là sự sống phải tương liên với Chí Tôn.
Hỏi vậy Chí Tôn tạo ra cái đại nghiệp ấy để cho ai? Để cho vạn linh, mà đứng
đầu vạn linh lại là loài người; mà loài người có hưởng được thì Đức Chí Tôn mới
dành cho. Đức Chí Tôn lập ra đại nghiệp thì Ngài cũng muốn chúng ta làm được
như Ngài, tức là đem Tiểu Thiên địa đến Đại Thiên địa.
Ấy vậy, Bí Pháp đoạt lấy đại nghiệp là Chí Tôn chỉ dặn chúng ta có một
tiếng "TU". Tu cho hiền mới hưởng được, nhưng thế gian lại chưa hiền,
thế gian còn dữ quá thì chừng nào mới đoạt đặng.
Luận: Ngày nay con người quá hung dữ, họ chế tạo bom nguyên tử để tiêu diệt
lẫn nhau. Vì vậy Đức Chí Tôn dạy con người phải hiền, có hiền con người mới không
tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Chỉ có tu mới làm cho ta hiền được.
10. LỜI NGUYỆN KHI DÂNG TAM BỬU
Khi vào hành lễ lúc dâng Tam Bửu. Hễ dâng bông lên tức là dâng xác thịt của
chúng ta, ta cúi đầu cầu nguyện Đức Chí Tôn như sau: "Con xin dâng
mảnh hình hài của con cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng" Khi
dâng rượu cầu nguyện như sau: "Con xin dâng cả trí thức tinh thần
của con cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng". Khi dâng trà cầu
nguyện như sau: "Con xin dâng cả linh hồn con cho Đức Chí Tôn dùng
phương nào thì dùng". Câu chót nếu chúng ta khôn ngoan nguyện như vầy: "Cả
linh hồn, cả trí não, cả hình hài con Thầy đào tạo, đó là của Thầy thì do nơi
quyền hành độc đoán của Thầy định". Ta dâng Tam Bửu trong lúc cầu
nguyện với Đức Chí Tôn là như vậy.
Chí Tôn lấy bông tượng trưng thể xác là vì Ngài muốn nhìn con cái của Ngài
có giá trị tốt đẹp như bông vậy. Ngài lấy rượu tượng trưng cho Chơn Thần là
Ngài muốn tinh thần của loài người cường liệt như rượu mạnh vậy. Ngài lấy trà
tượng trưng cho Chơn Linh là vì Ngài muốn Chơn Linh ta điều hòa như trà vậy.
Luận: Dâng Tam Bửu là Bí Pháp giải thoát của Đạo Cao Đài. Muốn dâng Tam Bửu
cho trọn vẹn ta nên thường xuyên đi Thánh Thất vào những ngày sóc vọng để dâng
hết Tam Bửu, vì cúng tứ thời ở nhà chúng ta chỉ dâng hai bửu là: Trí não và
Linh Hồn mà thôi. Luật Đạo Cao Đài buộc tín đồ phải đến Thánh Thất cúng Thầy
vào hai ngày sóc vọng là giúp ta có cơ hội dâng Tam Bửu cho Thầy.
11. Ý NGHĨA CHỮ TU VÀ PHƯƠNG TU
Chữ Tu ý nghĩa sâu rộng, hiểu cho cùng tu là làm cho mình đặng tận thiện,
tận mỹ.
Luật thiên nhiên của tạo hóa buộc các đẳng linh hồn, dầu vật loại cũng phải
trau mình đặng đoạt đến nhơn phẩm. Khi được địa vị làm người còn phải tự giồi
trau để từ từ đi đến Phật vị.
Tu là gìn nhân phẩm, hạn chế dục vọng, thực hành theo lý tưởng bác ái để bước
lên thiêng liêng vị. Trái lại là mua chác đau phiền, chận đường tiến hóa về mọi hình thức và
vô tình đi đến cảnh suy vong. Tu có nhiều thể thức khác nhau, tùy thuộc theo sự
tiến hóa của mỗi cá nhân.
Đứa trẻ sơ sanh không biết nói, chưa có trí khôn, lúc khát sữa nó khóc là
tìm phương cho mẹ nó hiểu, gọi là tu. Vừa lớn biết thương cha mến mẹ, khi có em
biết thương em gọi là tu. Lớn hơn lên đến trường, khi nó chăm chú học, và rán
được giỏi hơn bạn nó gọi là tu. Khi vừa biết khôn ngoan nó hiểu rằng phải học
cho hay hơn thiên hạ, và còn tìm phương thế đương đầu tranh sống cùng xã hội gọi
là tu. Đến khi thành nhân nó biết lựa chọn người bạn trăm năm đặng lập gia đình
gọi là tu. Nó còn tầm sự hay thêm mãi để có một địa vị trong xã hội gọi là tu.
Khi có địa vị rồi, nó muốn lập công nghiệp vĩ đại hơn và làm cách nào cho nhơn
loại được hạnh phúc gọi là tu. Tóm lại nó vận dụng mọi sự hiểu biết, và tùy
theo mỗi giai đoạn trong kiếp sanh đặng làm theo cho tốt đẹp hơn, là nó tu đó vậy.
Đành rằng Tinh và Thần phản đối nhau, song lắm khi trí lay động quá thường
biến sanh sự khủng hoảng về tinh thần. Cũng như một kẻ kia tự biết mình là ngu
là khùng, nhưng khi ta điểm mặt nó nói nó điên, khùng thì nó tỏ ý giận dữ và tức
tối lắm. Sự giận dữ ấy bảo nó phải tu, đừng để người ta bảo nó ngu, mà ai
nói nó ngu tức nhiên làm cho nó phạm luật thiên nhiên nên nó không chịu và tức
giận.
Từ khi loài người có nơi mặt tại thế gian, ai cũng đều muốn thoát ly thú
tánh, đặng định tâm sáng suốt thành một vị Thánh ở thế gian. Ấy vậy khuôn luật
thiên nhiên phải buộc ta phải tu trí; nếu trí ngu xuẩn mê muội thì phải chịu lệ
thuộc cho kiếp sống thừa. Chúng ta vẫn thấy một đứa trẻ còn kiếm phương thế
để đạt được những hiểu biết của thiên hạ; nó không biết nó hỏi để hiểu, ấy là
phương tu trí. Được khôn ngoan là nhờ tu trí, kế là tu hạnh đức rồi mới tu
ngôn ngữ.
Khi ta được đủ trí và thức thời, tâm ta trở nên sáng suốt, biết kiếp sống
là mộng ảo, biết xác thân không khác nào con vật. Như thế ta phải tìm cái chi
cho bền chắc hơn. Con người ta tìm cái Chơn Linh bất di bất dịch, sống mãi mãi
nơi cõi Hằng Sống. Biết được sống ấy là Hằng Sống thì còn đợi gì không tô
điểm và giữ nó được trường tồn đẹp đẽ.
Qua giai đoạn tu trí đến tu tâm. Tâm buộc ta quan
sát cả hành tàng kiếp sống của các bậc Thánh Hiền Tiên Phật đã lưu lại trên mặt thế. Ta nương lấy nó (tâm) làm căn bản để kiếm một phương pháp thích hợp đặng làm phương tu cho mình. Tu tâm chẳng những
gieo mối tình cảm cùng vạn vật, và nhân loại mà còn đưa
ta đi mãi trên con đường vô tận,
vô biên.
Ái truất thương sanh" là tu Tâm. Đức Chí Tôn đã nói: Biết phụng sự vạn linh các
con mới bước vào con đường tu tâm. Còn chưa tu Tâm các con dầu có từ bi,
bác ái và công chánh cũng chưa gọi là đủ. Có tu
Tâm mới có phương thế lập Đức. Đức Chí Tôn đã dạy chúng ta
phụng sự vạn linh là cốt yếu bảo chúng ta phải tu Tâm đặng
lập Đức. Có vậy mới làm tròn
Tam Lập.
Luận: Ai chê mình dở, mình ngu mình thì mình không chịu, mình ráng học hỏi
để bằng thiên hạ. Cố gắng học hỏi là tu trí vậy. Khi trí đã hiểu biết, ta thấy
đời là mộng ảo, phù du nên con người phải tìm ra lẽ hằng sống. Tìm cái sống
vĩnh viễn đó là tìm con đường giải thoát kiếp luân hồi sinh tử, tức là tu vậy.
Người tu, đến thế gian này chỉ để làm bạn với vạn vật, học hỏi từ vạn vật, và
phụng sự cho vạn vật. Nhờ tu trí và nhờ phụng sự cho vạn vật con người mới đạt
được Trí Huệ và lòng Từ Bi, Bác Ái của các Đấng Thần Thánh Tiên Phật.
* MINH
NGUYÊN
(05-2022)
HẾT
HOME. * Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18].