1 - Giải nghĩa câu Pháp Chánh Truyền chú
giải : Đạo không đời không sức, Đời không Đạo không quyền, Sức quyền tương đắc
mới mong tạo thời cải thế.
A-Nghĩa hẹp:
Tương quan giữa HTĐ và CTĐ.
“Cửu Trùng
Đài là Đời, Hiệp Thiên Đài là Đạo.
Đạo không Đời không sức, Đời
không Đạo không quyền. Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là
phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ
vẹn Thánh giáo của Thầy cho khỏi trở nên Phàm giáo." (PCT. chú giải)
“Chúng ta rút ra được định
nghĩa hai chữ ĐẠO và ĐỜI:
- ĐẠO là cơ quan quản lý về
phần linh hồn, tức là phần thiêng liêng vô hình. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của
HTĐ, dưới quyền chưởng quản của Đức Hộ Pháp. Còn nhiệm vụ phàm trần của HTĐ là
quản lý về
pháp luật của Đạo.
- ĐỜI là
cơ quan quản lý phần thể xác tức là phần hữu hình, phần đời sống vật chất của
chúng sanh. Đó là CTĐ. Ngoài ra CTĐ còn có nhiệm vụ giáo hóa và phổ độ chúng
sanh, thi hành luật pháp Đạo tức là cơ quan hành chánh của Đạo.
Đạo không
Đời không sức: nghĩa là HTĐ mà không có CTĐ thì lấy ai thi hành luật pháp
cho Đạo được mạnh mẽ.
Đời không
Đạo không quyền: nghĩa là CTĐ mà không có HTĐ bảo thủ luật pháp Chơn
truyền thì CTĐ không có quyền hành, ắt Đạo phải loạn hàng thất thứ. Quyền hành
của CTĐ là do nơi Luật pháp lập nên, mà không có HTĐ gìn giữ luật pháp, tất
nhiên mạnh ai nấy làm, không có trật tự chi cả thì làm sao CTĐ có được quyền
hành!”.(CĐ Từ Điển)
Đạo Đời
tương đắc mới mong tạo thời cải thế: CTĐ là cơ quan hành pháp điều hành nền
hành chánh Đạo thông thường hay xung khắc với HTĐ là cơ quan giám sát nên Pháp
Chánh Truyền dạy 2 cơ quan nầy phải hòa hiệp thì mới mong nền Đạo phát triển
được.
“Ðã nói
trên rằng nền Chánh Trị của Ðạo do hai Ðài Chưởng Quản: Hiệp Thiên Ðài và Cửu
Trùng Ðài, một bên phận sự luật pháp, một bên phận sự hành pháp. Hai Ðài liên
quan với nhau mật thiết như xác và hồn, xác không hồn thì không làm gì được, mà
hồn không xác không chỗ dựa nương. Cho nên trong Pháp Chánh Truyền có nói:
"Ðạo không Ðời không sức, Ðời không Ðạo không quyền", thì đây, Hiệp
Thiên Ðài là hồn, tức là Ðạo, còn Cửu Trùng Ðài là xác, tức là Ðời, nếu Ðạo
không Ðời tức là không có hình thể, không phương phổ hóa chơn truyền, còn Ðời
không Ðạo, nghĩa là nếu không có khuôn viên, được tự do phóng túng, thì còn đâu
quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự nữa. Cho nên Ðạo tạo quyền cho Ðời bằng
sự công chánh, Ðời lập nên hình tướng cho Ðạo nhờ luật thương yêu”.(Trích Chánh
Trị Đạo)
B - Nghĩa rộng: Tương quan giữa Tôn giáo và xã hội.
Đạo không
đời không sức :
Nếu suy
rộng ra, Đạo là một tôn giáo, Đời là nhà nước, là chánh quyền đời thì câu Đạo
không đời không sức có thể diễn giải:
Trường
hợp thứ nhứt: Trong một quốc gia mà nhà nước luôn ngăn cấm một tôn giáo hành
Đạo hay truyền giáo thì tôn giáo nầy khó mà phát triển được…
Trường
hợp thứ hai : Nhà nước coi như độc lập
với tôn giáo và để các tôn giáo trong nước tự do hành Đạo, nhà nước không xen
vào nội bộ các tôn giáo, miễn không phương hại đến trật tự an ninh, ổn định xã
hội…Đây là thường thấy ở các nước tự do dân chủ, các tôn giáo được tự do phát
triển…
Trường
hợp thứ ba: Nhà nước ủng hộ một tôn giáo mà đa số người dân tín ngưỡng như là
một nền quốc đạo, trường hợp nầy tôn giáo có nhiều ưu thế phát triển tối đa và
được người dân hưởng ứng kính trọng…
Trường
hợp thứ tư: Nhà nước biến tôn giáo thành một đoàn thể hoạt động trong khuôn khổ
đường lối mà họ đưa ra, tức là can thiệp sâu xa vào nội bộ các tôn giáo…Chúng
ta biết tôn giáo ngoài mục đích dạy con người sống thiện lương còn có chức năng
độ dẫn phần hồn nhân loại nay nhà nước biến tôn giáo thành một đoàn thể thế tục
thì tôn giáo chỉ trở thành một hội chôn thây hay một cơ quan từ thiện mà thôi…
Trong các
trường hợp nêu trên nếu có một nền Đạo chân chính và được chánh quyền ủng hộ
thì nền Đạo đó sẽ được xiển dương mạnh mẽ để độ rỗi nhơn sanh sống đời thiện
lương và xã hội cũng được ổn định…
Trái lại,
trong một quốc gia cũng giống như trong một con người có hai phần thể xác và
linh hồn. Quyền đời là thể xác, Đạo là linh hồn. Nếu con người sống theo những
bản năng, dục vọng của xác thân không kể đến lương tâm hay linh hồn thì con
người đó ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi chất chồng… Còn trong một quốc gia
mà quyền đời áp chế Đạo và lập ra những luật lệ vô đạo đức thì quốc gia đó sẽ
hổn loạn đì đến suy vong…
Đời không
Đạo không quyền:
Cao Đài
chủ trương điều hành xã hội trên căn bản dùng luật thương yêu và quyền công
chánh. Câu nầy có ý nghĩa luật pháp được lập ra dựa trên tình thương yêu chúng
sanh. Và người thi hành luật pháp phải giữ tâm công chánh. Quyền hành đúng
nghĩa của một chánh quyền phải đi đôi với sự công chánh, nếu không thì chỉ là
bá quyền , tà quyền, mà thôi. Đạo giúp đời tạo nên một xã hội thương yêu và
công chánh. Đây là 2 điều khoản trong bức tượng Tam Thánh ký Hòa ước ngay mặt
tiền Đền Thánh. Đây là 2 điều rất khó thực hiện cho trọn vẹn nhưng là lý tưởng
hướng tới của đạo Cao Đài.
Trong một
xã hội thấm nhuần đạo đức thì chánh quyền không cần lập ra những hình phạt nặng
nề mà xã hội vẫn được ổn định.
“Đạo mở
ra là để giáo hóa nhơn sanh sống đời lương thiện, làm ăn chơn chánh, tức nhiên
Đạo dạy dân tuân theo luật pháp của Đời để có được đời sống hòa bình, hạnh
phúc. Đó là Đạo lập quyền cho Đời”. (CĐTĐ)
2 - Đạo là hồn, Đời là xác, Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế là
sao ?
Trong thân
thể con người thể xác là phần hữu hình do cha mẹ sinh ra và phần linh hồn hay
chơn linh là phần sáng suốt do Đức Chí Tôn ban cho. Nếu linh hồn con người
không kiểm soát được những dục vọng của xác thân thì sẽ sống buông lung, sa
đọa, tức là người nầy sẽ gây nhiều tội lỗi và sẽ chìm đắm trong luân hồi sanh
tử…
Trái lại
người biết tu thì sẽ xử dụng xác thân nầy làm phương tiện để dưỡng tánh tu
thân, lập công bồi đức…để lần bước lên nấc thang thiêng liêng là cõi Thần Thánh
Tiên Phật.
Như vậy
trong thân thể con người phần xác thịt phải nghe theo sự hướng dẫn của linh hồn
thì mới mong tiến bộ trên đường tấn hóa, đó là sự tương đắc giữa hồn và xác.
Trong một
xã hội không màng đến đạo lý luân thường, cho kiếp chết là hết, con người sẽ
sống theo bản năng, lo tận hưởng dục lạc xác thân mà không cần biết đến nỗi đau
khổ của người khác… Xã hội đó sẽ đi lần đến chỗ loạn lạc suy vong …
Ngược lại
một xã hội mọi người biết lo tu hành, làm lành làm phải, biết thương yêu trợ
giúp lẫn nhau và chánh quyền biết lo cho
dân …thì xã hội đó người dân sẽ được ấm no hạnh phúc. Đó là Đạo đời tương đắc
sẽ tạo được một xã hội tốt đẹp văn minh tiến bộ…
"Đời
cũng thế, Đạo cũng thế, chẳng Đạo chẳng nên Đời, Đời Đạo chẳng trọn, lấy Đạo
trau Đời, mượn Đời giồi Đạo, Đạo nên Đời rạng." (TNHT)
Đạo Đời
tương đắc mới mong tạo thời cải thế, đưa nhơn loại đến cảnh Đại đồng.
Đức Nhàn
Âm Đạo Trưởng có giáng dạy một bài thi nói lên mối tương quan giữa Đạo và Đời
như sau:
…Đời lấn Đạo, Đời xa cội phước,
Đạo dìu Đời, vận nước mới an.
Đức lập Quyền, dân được châu toàn,
Quyền xua Đức, nhơn gian thống khổ.
Lấy chí Thánh dìu đời giác ngộ,
Dụng bạo tàn đâu phải chỗ an bang.
Trị theo đời mà dân chúng vẫn lầm than,
Đó là dìu chúng đến con đàng tự diệt…
* Nhàn Âm
Đạo Trưởng.
3 - Cao Đài chủ trương tạo lập một xã hội như thế nào ?
A - Quốc Đạo Cao Đài:
Từ khi
mới lập Đạo, Đức Chí Tôn đã tuyên ngôn rằng: “Thầy đến lập cho nước Việt Nam
nầy một nền Quốc Đạo” (TĐ ĐHP).
Kế tiếp,
Đức Chí Tôn cũng xác nhận lại trong bài Thánh giáo ngày 12 tháng 8 năm
Bính Dần (Dl 18/9/1926) như sau:
“Từ đây
trong nước Nam duy có một Ðạo chơn thật là Ðạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi
là QUỐC ĐẠO, hiểu à!”
Và sau đó
Đức Chí Tôn còn ban cho hai câu thi:
"Quốc Đạo
kim triêu thành Đại Đạo,
Nam phong
thử nhựt biến nhơn phong."
Tức là Cao
Đài chẳng những là Quốc Đạo mà còn là nền Đại Đạo của toàn nhân loại.
Dĩ nhiên
lời tuyên ngôn của Đức Chí Tôn không phải nói để mà chơi mà là sự thật sẽ xảy
ra đúng như vậy. Giờ phút nầy chúng ta cũng mường tượng Cao Đài biến hình Quốc
Đạo như thế nào, và giai đoạn kế nền Quốc Đạo sẽ trở thành nền Đại Đạo của toàn
nhân loại hay là nền đại đồng thế giới sẽ thành hình…
Một trong
những cách chuẩn bị cho nền Quốc Đạo là Hội Thánh từ những ngày đầu lập Đạo đã
phân chia đơn vị hành chánh đạo rập khuôn theo đơn vị hành chánh đời. Hành
chánh đời chia ra vùng, tỉnh, quận, xã, thì hành chánh Đạo cũng có: Trấn Đạo
(nhiều tỉnh), Châu Đạo (tỉnh), Tộc Đạo (quận), Hương Đạo (xã)…Cộng với trung
ương Tòa Thánh có Cửu Viện (9 bộ) gọi là nền hành chánh Đạo năm cấp…Ngày nay
nhà nước hiện tại bải bỏ còn 2 cấp …
Dầu trong
một xã chẳng hạn, còn có nhiều người chưa có Đạo nhưng lần lần họ thấy những
sinh hoạt tốt đẹp của Đạo rồi họ sẽ vào Đạo…Trong thời chiến tranh trước năm
1975, nhiều người không có Đạo lánh nạn về vùng Đạo sống sau đó họ cũng nhập
môn vào Đạo…
Tại sao
Cao Đài chủ trương lập thành Quốc Đạo?
Bởi vì
cứu cánh của Đạo là độ rỗi toàn thể nhân loại không bỏ sót một ai, muốn vậy
phải thực hiện trong từng nước mà đầu tiên là nước Việt Nam là cái nôi của Đạo.
Muốn cho một
xã hội tốt đẹp thì tất cả mọi người phải biết tu chớ một số ít người không tu
họ cũng gây những bất ổn cho xã hội. Bằng chứng như Hoa Kỳ có hơn 80 phần trăm
theo Đạo Chúa, nhà thờ nhan nhãn khắp nơi, nhưng vấn nạn ma túy, cướp bóc, giết
người hàng loạt vẫn thường xảy ra vì những thành phần thiểu số không biết tu
Đạo…
Thế nên
tạo lập Quốc Đạo là để tất cả mọi người biết lo tu hành và xã hội sẽ được thanh
bình yên ổn. Và muốn cứu rỗi hết tất cả mọi người thì trước tiên phải độ họ vào
Đạo…
B - Xã hội Cao Đài:
Cao Đài
xướng xuất nền tảng giáo lý tổng hợp, đại đồng, lấy tình thương yêu làm gốc.
Tất cả mọi người là anh em con một cha, một mẹ là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu
sinh ra tức là coi nhau như ruột thịt.
Cao Đài
quan niệm con người đến thế gian là để học hỏi rèn luyện để tấn hóa trên nấc
thang thiêng liêng…chớ không nhằm chạy theo những dục lạc thế gian mà quên mất
điểm thiên lương, quên mất đường về.
Cao Đài
chủ trương một đời sống vị tha, muốn đạt vị Thiêng Liêng phải tu thân và phải
tạo lập công quả tức là giúp đỡ, phụng sự cho chủng tộc nhơn loài.
Một xã
hội mọi người lấy nhân nghĩa đối đãi nhau. Nhà cầm quyền thì lấy luật thương
yêu, dụng quyền công chánh để cai trị dân.
Nói tóm
lại, Cao Đài nhằm xây dựng một xã hội Thánh đức, mọi người dân có được đời sống
ấm no, an nhàn và lo tu hiền để tấn hóa trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống…
Ngoài
việc xây dựng nền Quốc Đạo, Cao Đài còn chủ trương tổ chức chánh quyền đời dựa
theo mô hình của nền chánh trị Đạo.
Khi lập
xong Pháp Chánh Truyền là bộ hiến pháp của Đạo, Đức Chí Tôn còn phán rằng: “Thầy
tưởng chẳng cần nói, nếu ai là đạo đức đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng
mừng dùm cho nhân loại”. (TNHT).
Ngày nay,
khi khảo sát nền chánh trị Đạo Cao Đài, người ta đã nhận ra Cao Đài lấy những
ưu điểm của nhiều cơ chế chánh trị trên thế giới hợp thành. Có thể kể như: Dân
chủ : bầu cử Bàn Tri Sự nơi thôn xã và quyền hành rất rộng lớn của Hội Nhơn
Sanh…Quân chủ lập hiến: Phẩm trật Giáo Tông và Đầu Sư giống như Quốc vương và
Thủ tướng…Xã hội chủ nghĩa: Cơ quan Phước Thiện, làm chung ăn chung, làm theo
năng lực hưởng theo nhu cầu…Độc tài: Quyền Thống nhứt của 3 vị Đầu Sư (thủ
tướng) khi có loạn Đạo…
Chính
Đức Hộ Pháp đã đề xướng tổ chức chánh trị của quốc gia nên đồ theo nền pháp
chánh Cao Đài…Khi đó chúng ta sẽ có đạo đời tương đắc và
sẽ làm cho Đạo hưng Đời rạng…
4 - Những tấm gương về Đạo Đời tương đắc.
A-Vua A Dục Vương (Asoka):
Hoàng Đế
A Dục, vị vua thứ ba của triều đại Mauryan, Ấn Độ, sinh năm 304 trước Tây Lịch.
Vua A Dục lên ngôi lúc 35 tuổi, trị vì được 38 năm và mất năm 232 TTL, thọ 73 tuổi. Ông được xem là ông vua vĩ đại
nhất của quốc gia Ấn Độ, và là vị hoàng đế đầu tiên đã cai trị một đế chế rộng
lớn từ 273 đến 232 TTL.
Ông là
một vị vua hung tàn bạo ngược, giết người không gớm tay nhưng sau đó một sự kiện
xảy đến làm ông ăn năn quay đầu qui y theo đạo Phật.
Số
là có một vị sư tình cờ phạm phải tội với hình phạt bỏ vào chảo nước sôi. Nhưng
vị sư nầy xin phép hoãn hình phạt lại bảy ngày. Trong bảy ngày này sư rán
sức tu tập không ngờ đoạt được quả vị A La Hán. Đến ngày thứ tám trở lại chịu
phạt, khi nước nóng lên thì sư đã bay bổng ngồi tỉnh tọa trên không trung...
Vua A Dục thấy mình không bằng được nhà sư nầy nên xin làm đệ tử nhà sư và sau
đó vua hết lòng ủng hộ biến Phật giáo thành Quốc Đạo trong nước ông.
Từ
đó ông hộ trì Phật pháp, đạo Phật hung thịnh nhứt ở Ấn Độ vào triều đại nầy…
- Vua A
Dục đã thu nhặt được xá lợi của Đức Phật từ bảy hoặc tám bảo tháp nguyên thủy,
và sau đó được phân chia và cho xây dựng 84.000 bảo tháp nhỏ trên toàn vương
quốc để tôn thờ.
- Ông cho
xây những trụ đá lớn ghi lại lời Phật dạy cũng như đánh dấu những Thánh tích
quan trọng từ thời Phật tại thế. Nhờ vậy gần đây các nhà khảo cổ đã khai quật
và biết được chính xác nơi Phật sinh ra, Phật thành Đạo,..
- Vua A
Dục còn bảo trợ kết tập kinh điển làn thứ ba để bảo tồn lời Phật dạy...
- Ông còn
cho con là một hoàng tử và một công chúa xuất gia đi tu, sau nầy hai vị nầy đã
mở Đạo Phật hưng thịnh tại Tích Lan, chính nhờ nhánh nầy mà đạo Phật lan rộng
sang các nước Đông nam Á...
B - Vua La Mã bãi bỏ lệnh ngăn cấm và sau đó tôn đạo Chúa thành Quốc giáo:
Sau khi
Đức Chúa Jésus chịu hành hình trên thập tự, giáo hội Ki Tô giáo được thành lập
nhưng cũng tiếp tục bị đàn áp, bắt bớ, giết chóc ...Mãi đến năm 313 sau công
nguyên vua La Mã là Constantinus I Đại Đế ban bố
chiếu chỉ Milan, theo đó Đế quốc La Mã coi trọng quyền tự do tôn giáo.
Từ đó, Ki-tô giáo được chấm dứt thời kỳ bị đàn áp.
Sở dĩ vua La Mã thay đổi thái độ đối với Đạo Ki Tô, theo sử sách còn ghi
lại câu chuyện: Vào thời kỳ nầy có cuộc chiến tranh giành ngôi vua trong Đế
quốc La Mã. Vua Constantinus I đem quân đi đánh trận nhưng bị thua, một hôm ông
nằm mơ thấy Thiên Thần báo mộng nếu ông thờ Thánh giá thì sẽ thắng. Ông tin
theo và quả nhiên thắng trận, từ đó ông mới ban lệnh Đạo Chúa được tự do truyền
bá...Tuy nhiên, mãi đến năm 380, Hoàng
đế Theodosius I mới ban hành Thánh chỉ nhìn nhận Ki Tô Giáo là quốc giáo của đế
quốc La Mã... Và kể từ đó Ki Tô Giáo mới bành trướng khắp nơi...
5 - So sánh cơ chế dân chủ tam quyền phân lập với nền pháp chánh Cao Đài.
- Cơ chế
dân chủ Tam quyền phân lập thành hình do phổ thông đầu phiếu tức là bầu cử tự
do, thì trong Cao Đài các chức việc Bàn Tri Sự cũng do người dân trong thôn xã
bầu lên để đảm nhiệm hành chánh Đạo nơi thôn xã.
- Cơ chế
dân chủ coi trọng quyền tự do cá nhân theo bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền
như quyền tư hữu, ngôn luận, đi lại… và chủ trương nền kinh tế thị trường. Cao
Đài cũng chủ trương như thế.
- Về tam
quyền phân lập thì Cao Đài không áp dụng theo phương pháp nầy.
6 - So sánh cơ chế xã hội chủ nghĩa với nền pháp chánh Cao Đài.
- Nền lập
pháp Cao Đài gồm có 3 viện gọi là 3 Hội: Hội Nhơn sanh, Hội Thánh và Thượng
Hội, nếu so sánh với nhà nước XHCN-VN thì tạm tương đương với : Quốc Hội, Trung
Ương Đảng và Bộ Chánh Trị. Một đạo luật phải biểu quyết thông qua 3 hội nầy.
- Cao Đài
có Giáo Tông đứng đầu Cửu Trùng Đài coi về Hành Pháp và Hộ Pháp đứng đầu Hiệp
Thiên Đài coi về luật pháp và chơn truyền của Đạo. Hai vị nầy có thể so sánh
với Chủ Tịch nước và Tổng Bí Thư đảng CS. Trong đạo Cao Đài hai vị Giáo Tông và
Hộ Pháp hợp lại là quyền Chí Tôn tại thế là quyền tối cao quyết định khi Hội
Thánh và Thượng Hội có sự bất đồng. Nếu trong cơ chế nhà nước VN thì khi Trung
Ương Đảng và Bộ Chánh Trị có sự bất đồng khó dung hòa được thì lấy quyết định
chung kết của Chủ tịch nước và Tổng Bí thư…
- Riêng
về chức vụ Thủ tướng thì trong đạo Cao Đài áp dụng theo Tam đầu chế nghĩa là có
3 vị Đầu sư quyền hành ngang nhau, mỗi văn kiện phải có 3 vị cùng ký tên ban
hành. Tam đầu chế có cái lợi là mọi vấn đề sẽ được xem xét quyết định kỹ lưỡng
hơn tránh được sơ suất, độc tài …
- Còn về
chức chủ tịch Quốc Hội trong Cao Đài gọi là Nghị trưởng Hội Nhơn Sanh, vị nầy
được giao cho vị Thượng Chánh Phối Sư là một trong 3 vị dưới phẩm Đẩu Sư (Thủ
tướng).
- Hội
Nhơn Sanh (QH) Cao Đài có quyền duyệt y danh sách các chức sắc (viên chức hành
pháp) cầu phong lên phẩm cao hơn, quyền nầy rất quan trọng để ngăn ngừa các
chức sắc (viên chức) thiếu phẩm chất…
Cơ chế
điều hành đạo Cao Đài còn nhiều điểm khá phức tạp nhưng nhìn chung thì những
điểm căn bản của nhà nước VN khá tương đồng với nền chánh trị đạo Cao Đài…
7 - Con đường đi lên thế giới đại đồng của Cao Đài có triển vọng không ?
Muốn đi
lên thế giới đại đồng trước hết phải thực hiện ở Việt Nam trước đã. Bây giờ
chúng ta nhìn thấy con đường phải đi nhưng nhanh hay chậm còn tùy thiên cơ, tùy
thuộc lòng người. Như hai vị vua A Dục và Constantinus chỉ hướng về Đạo khi bản
thân các vị trải nghiệm được huyền vi phép mầu trước mắt thì họ mới có quyết
định bảo hộ đạo pháp. Chúng ta hãy chờ huyền phép nhiệm mầu của Cao Đài chắc
chắn sẽ độ được những người anh em của chúng ta, họ sẽ thức giác bước theo chân
Đức Chí Tôn một thời điểm nào đó.
Chúng ta
cũng tin tưởng rằng đây là sứ mạng của những chơn linh Bạch Vân Động, họ đã và
đang giáng trần cùng khắp nơi trên thế giới. Và khi nhìn thấy ngọn cờ Bạch Vân
trương lên họ sẽ nhận ra nhau và sẽ qui về một mối…
Đây là
lời nhắn nhủ của vị Sư Tổ Bạch Vân Động qua bài thánh thi sau:
Bạch Vân
nhàn lạc khỏe thân già,
Thương kẻ
nặng mang nợ quốc gia,
Đời rạng
lưu tồn gương nhật nguyệt,
Đạo thành
vạn đại chiếu sơn hà.
Thiện nam
gắng giữ nền nhân nghĩa,
Chơn nữ
hằng ghi thuyết Cọng hòa.
Trách
nhiệm thiệt hành cho vẹn phận,
Hồng ân
chung hưởng buổi âu ca. (TNHT)
8 - Phần
Kết.
Vào ngày 25-8-1934, lãnh tụ
Lénin có giáng cơ trong đạo Cao Đài :
"Đức Quyền Giáo Tông
bạch :
- Có phải Đại lãnh tụ của
nước Nga đó không ?
- Phải. Chào quí Ngài kính
mến. Con đường đã được vạch ra. Cần tập hợp những lực lượng rời rạc.
Những Đấng Chơn linh cao trọng đến giúp quí vị.
- Tôi đã chuẩn bị ở Âu
châu một đại cộng đồng nhơn loại mà người ta gọi là " Chủ Nghĩa Cộng Sản",
nhưng cái cốt yếu của nó có nguồn gốc Phật giáo mà quí Ngài sẽ tìm thấy sau nầy
tất cả yếu tố cần thiết cho việc cứu độ toàn cầu của quí Ngài.
Ôi ! Còn nhiều lực lượng
chống đối, nhưng công việc cứu độ của quí Ngài không thể ngăn chận trào lưu tâm
linh vĩ đại lôi cuốn nó.
Tiếp Đạo hỏi : - Phải
chăng về nền Tân Tôn giáo ?
- Phải. Nền Tân Tôn giáo
sẽ được nghinh tiếp tuyệt diệu. Tôi đặt lòng kính trọng của tổ quốc
tôi nơi chân của quí Ngài…"
Chúng ta thấy Lénin là
người CS đầu tiên tin tưởng vào siêu chủ nghĩa Cao Đài và ông cũng nhờ chức sắc Cao Đài đến độ dẫn cho nước
Nga, tổ quốc thân yêu của ông….
Chúng ta để ý nơi câu : Chủ
nghĩa CS theo Lênin cũng giúp cho việc cứu độ toàn cầu của đạo Cao Đài...Chủ
nghĩa CS cũng nhằm tạo nên một thế giới đại đồng, nhưng bằng con đường vô thần và vô sản
mà ngày nay đã bị bế tắc, trái
lại con đường đại đồng của Cao Đài dùng tình thương yêu và phục hưng đạo đức sẽ
đưa nhân loại chung sống hòa bình, không còn chiến tranh hận thù, giết chóc lẫn
nhau…Đó mới là một xã hội lý tưởng, hợp Thiên ý và thuận lòng dân thì chắc chắn
nhơn sanh sẽ ủng hộ và sẽ đi đến thành công viên mãn.
Đức Chí Tôn có dạy qua đoạn
Thánh giáo (28-10-1927):
“…Hãy đọc Thánh ngôn của
Thầy, Giáo lý của Thầy sẽ là đại đồng. Nếu nhân loại biết tu hành thì đó sẽ là
nền hòa bình hứa hẹn chung cho tất cả các dân tộc…”
Hiện tại, hoàn cảnh đất nước
Việt Nam đời sống người dân tuy có khá hơn ở một số tầng lớp, nhưng nạn nghèo
đói, bất công vẫn còn đầy dẫy. Tự do ngôn luận hay tôn giáo vẫn còn quá
hạn hẹp… Nền đạo đức trong xã hội đang băng hoại trầm trọng, khó mà cứu vãn
nổi nếu không có một biện pháp hữu hiệu…
Đức Chí Tôn mở đạo Cao Đài là
để cứu khổ chúng sanh và giao sứ mạng chính yếu cho dân tộc Việt Nam tạo nên
đời Thánh đức :
Non sông Việt chủng ngày
êm lặng,
Chung sức cùng nhau đức
lập quyền…
Ngày xưa những bậc thức giả
phải khó khăn lắm mới hiểu được cơ Trời xoay chuyển đi về đâu, nhưng nay các
Đấng Thiêng Liêng đã chỉ rõ Thiên cơ cho nhân loại qua đạo Cao Đài:
Lo lường cho rõ thấu Thiên
cơ,
Biết đặng thì tua tính kịp
giờ,
Khuyến thiện đã nhiều công
cực nhọc,
Toan lo cho vẹn Đạo đồ thơ.
Muốn cải tạo một xã hội tốt đẹp, Đạo và đời phải cùng chung chí hướng,
cho nên Đạo Cao Đài mới chủ trương Đạo đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế
là vậy…
* Quang Thông(10-2022)