BÍ PHÁP ĐẠO CAO ĐÀI TÌM Ở ĐÂU VÀ LÀM SAO ĐẠT ĐƯỢC. * Trung Dung Đạo.

Thể pháp và bí pháp thực hành của Đạo Cao Đài.
Trong một tôn giáo nếu không có đủ hai phần thể pháp và bí pháp thì không phải là tôn giáo. Đạo Cao Đài cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên về bí pháp của Đạo Cao Đài dặc biệt có hai phần rõ rệt là bí truyền và công truyền.
Về bí truyền Đức Chí Tôn dạy cho Đức Hộ Pháp. Sau đó Đức Hộ Pháp dạy lại cho các vị trong Phạm môn và các vị có căn cơ cao trọng. Đây là phần bí truyền không phổ biến bằng văn tự chỉ khẩu truyền. Điều kiện phải có đủ tam lập là lập đức, lập công và lập ngôn. Mục đích là xuất chơn thần về gặp Đức Chí Tôn trong lúc còn sống tức là đắc dạo tại thế.
Phương pháp nầy rất khó tập luyện dễ bị tẩu hoả nhập ma điên loạn có thể mất mạng. Ngoài ra các bí tích như phép cắt dây oan nghiệt, phép đoạn căn, pháp tắm thánh, phép hôn phối…đó cũng là một phần của bí pháp.
Trong thời kỳ Đại ân xá tức là Tam kỳ phổ độ Đức Chí Tôn không khuyến khích tu pháp môn luyện đạo nầy bởi vì rất khó thành công và nguy hiểm đến tính mạng người tu tập.
Đức Chí Tôn đã phổ biến pháp tu dễ dàng hơn cho mọi người tu luyện không có phản ứng phụ từ trẻ đến già đều làm được. Đó là bí pháp công truyền được thể hiện trước mắt mọi người trong ba bài dâng hoa dâng rượu dâng trà khi cúng tứ thời. Ngoài ra bí pháp còn thể hiện qua các bài kinh thế đạo và kinh tận độ.
 
Trong bài thuyết trình hôm nay chúng tôi chỉ đề cập đến phần bí pháp công truyền.
Bí pháp công truyền của Đạo Cao Đài thể hiện qua thể pháp của Đạo qua các bài kinh cúng thường ngày và các bài kinh trong tang lễ ,kinh thế đạo,kinh tận độ.
Tuy nhiên vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ đề cập đến một số bài kinh cần phải tụng đọc hằng ngày chẳng hạn như Kinh Di Lạc, Kinh cưú khổ,kinh ăn cơm,kinh ăn cơm rồi, Kinh đi đường, Kinh khi về,Kinh đi ngủ, Kinh thức dậy. Những bài kinh khác chúng ta sẽ đề cập trong những lần kế tiếp.
 
Thể pháp quan trọng nhất là cúng tứ thời đây là pháp môn mà Đức Hộ Pháp nhắc đi Nhắc lại nhiều lần trong quyển Bí Pháp.
Trong quyển Bí pháp ĐHP nhắc đi nhắc lại nhiều lần phải đi cúng thì mới giảng bí pháp.
Khi cúng là cho linh hồn ăn nếu không nó bị đói.Cúng tứ thời phải thực hành cho đến cuối cuộc đời. Tại sao cúng tứ thời quan trọng như thế vì cúng tứ thời có dâng tam bửu và ngũ nguyên là phần bí pháp giải thoát.
Tất cả những tín đồ theo Đạo Cao Đài điều đầu tiên phải làm là phải lập Thiên bàn tại tư gia để thực hành cúng tứ thời.
 
Đức Hộ Pháp đã dạy về bí pháp dâng Tam Bửu trong khi cúng Tứ thời như sau:
“ Bần-Đạo thuyết cả Bí-Pháp Đạo-Giáo có liên-quan mật thiết với Thể-Pháp rồi cả thảy đều nghĩ từ thử đến giờ, Bần-Đạo buộc phải đi cúng, phải hành Đạo là thế nào, không phải buộc mấy người mà Bần-Đạo hưởng một quyền lợi gì riêng hết, mấy người suy đoán chơn-pháp rồi mấy người mới biết. Bần-Đạo vì phận sự muốn cho con cái của Đức-Chí-Tôn tạo cơ giải thoát nên mới buộc gắt gao như vậy thôi.”
 
“Mỗi ngày từ sáng tới trưa từ trưa tới tối từ tối tới khuya chúng ta quỳ trước Thiên bàn kêu Thần Thánh Tiên phật “Mỗi ngày ta kêu Đức-Chí-Tôn làm chứng, kêu Tam-Giáo làm chứng, giờ phút này con nguyện dâng cả xác thịt, trí não và linh hồn của con cho Thầy đặng Thầy làm lợi khí mà phụng sự cho Vạn-linh. Hễ dâng rồi còn gì của mình nữa, có trả nợ tiền khiên chớ không có tạo nữa; nếu có tạo mà giờ phút này mình đến Đền-Thánh này đây, ngồi trong lòng của Đức-Chí-Tôn đứng trong phần tử Thánh-Thể của Ngài tình cờ mình bị quả kiếp gì xảy đến, mình không biết, vì thân thể mình không biết duy chủ nữa mà chính Đức-Chí-Tôn duy chủ, vì mình giao cả thân-thể mình nơi tay Đức-Chí-Tôn thì mình không còn biết gì nữa.
Ngày kia mình có thể nói mỗi hành tàng của con làm, con đã tạo, con giao cả trong tay Đại-Từ-Phụ, quyền hạn xử định do nơi tay Thầy chớ con không biết.
 
Mình giao cả hình hài đó cho Ngài xử dụng, nếu sự thật có gì không hay xảy tới cho mình, mình không hiểu, mình giao cả thân thể mình cho Đức-Chí-Tôn đặng Đức-Chí-Tôn phụng sự cho vạn linh quyền xử dụng ấy do Đức-Chí-Tôn quyết định, mình đừng làm trái với mặt luật của Ngài định.
 
Ấy vậy, mỗi ngày từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya tới sáng, mình vô Đền-Thánh kêu Đức-Chí-Tôn, kêu Tam Giáo và các Đấng Thiêng-liêng mà phân chứng trước. Thân tôi không còn của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức-Chí-Tôn làm tôi tớ cho Vạn-Linh thay thế cho Đức-Chí-Tôn, giờ phút đó chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt không thể gì định tội được. Đức-Chí-Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta; mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát, quyền ấy chính của ta chớ không phải của Đức-Chí-Tôn. Lấy quyền của ta mà cho ta, mình đã định quyền cho mình, chớ không phải Ngài định; Ngài định cho có quyền giải thoát, quyền Thiêng-Liêng không có tạo, chính ta tạo quyền giải thoát đó do nơi ta mà thôi.”
 
Ý nghĩa ngũ nguyện.
Trong kinh cúng tứ thời còn có ngũ nguyện với ý nghĩa như sau:
“1. Đạo Cao Đài được truyền bá sâu rộng. (Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai)
2. Chúng sanh biết thức tỉnh tu hành và giải thoát. (Nhì nguyện phổ độ chúng sanh)
3. Oan nghiệt tội tình của đệ tử được ân xá.(Tam nguyện xá tội đệ tử)
4. Thế giới được hòa bình. (Tứ nguyện thiên hạ thái bình)
5. Nơi thờ phượng Thượng Đế được an ninh.(Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh)
Những lời cầu nguyện này được dâng lên Đức Chí Tôn và chư Thần Thánh Tiên Phật vào các thời cúng Tý Ngọ Mẹo Dậu (12 giờ khuya, 12 giờ trưa, 6 giờ sáng, 6 giờ chiều). Lời cầu nguyện được đặt sẵn, giống nhau thành lời Kinh Ngũ nguyện là phần chót của kinh cúng Tứ Thời. Những làn sóng tư tưởng phát xuất tự đáy lòng thành khẩn của người tín đồ Cao Đài ở khắp mặt địa cầu hiệp sức lại, cộng hưởng, tạo thành một sức mạnh tâm linh tác động trên tinh thần của nhơn loại theo chiều hướng thánh thiện. Hiện tượng này cũng giống như chúng ta ghép nhiều cục pin nhỏ lại để có được một dòng điện mạnh đủ thắp sáng bóng đèn.
Các Đấng Thiêng Liêng nơi Bát Quái Đài đón nhận những làn sóng tư tưởng của khối tín đồ Cao Đài dâng lên như một dòng thần lực chứa đựng nhơn ý, các Ngài cảm nhận và cho hòa nhập vào trong tâm thức của mình gọi là chứng lòng chúng sanh và tức khắc gởi trả ngược lại chúng sanh sau khi cho thêm thần lực của các Ngài làm gia tăng thánh chất chứa đựng nhiều thánh ý trong đó.
Hiện tượng này gọi là sự chuyển pháp của quyền năng thiêng liêng tuy vô hình mà có thật và người nào nhận được ân huệ thiêng liêng này sẽ có thêm sức sống tâm linh thánh thiện và đời sống hữu hình của thân xác cũng sẽ thay đổi tốt đẹp dần. Sinh hoạt của giới vô hình này nối tiếp rất gần với loài người, chỉ cách một xác thân.
Ngoài năm điều chung trên đây thỉnh thoảng cũng có những vấn đề riêng của cá nhân mà sức phàm không giải quyết nổi, người tín đồ cũng cầu nguyện với các Đấng Thiêng Liêng để xin hộ trì. Tuy nhiên không phải điều cầu xin riêng tư nào cũng được thỏa mãn bởi lý do con người thường hay cầu nguyện theo nhơn dục, mà hễ thuận cùng nhơn dục thì thường nghịch với Thiên Điều.”
(Trích trong quyển Đời sống của người đệ tử Cao Đài của Hiền tài Nguyễn long Thành.)
Trong mỗi thời cúng chúng ta tụng kinh cứu khổ và Kinh Di Lạc để cầu nguyện cho những vong linh Cửu huyền thất tổ được siêu thoát và cầu xin tai qua nạn khỏi.
 
Tụng kinh Di Lạc.
Di lạc chơn kinh là một  bài kinh tận độ do Đức Thích Ca Mâu Ni giáng cơ thuyết giảng về tầng trời Hỗn Nguơn Thiên và Hội Nguơn Thiên của Đức Di Lặc Vương Phật cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ tụng đọc trong mỗi thời cúng.
Con người có hai loại khổ đau: Vật chất và Tinh thần. Người khổ về vật chất, ta có thể cứu giúp một ít được, còn khổ đau về tinh thần, ta chỉ xoa dịu phần nào mà thôi. Chỉ có các Đấng Trời Phật và các Giáo pháp mới có thể cứu vớt hết chúng sinh về các loại khổ đau, nghiệt chướng và còn dẫn dắt ra khỏi vòng luân hồi khổ não. Nếu có người nhận và gìn giữ Phật pháp mà kinh sợ những chướng ngại của Ma vương, một lòng tưởng niệm: Nam Mô Di Lặc Vương Bồ Tát có thể cứu giúp những tai ách khổ sở, có thể cứu giúp được tam tai, có thể cứu giúp được bịnh tật, có thể cứu độ và dẫn dắt chúng sanh thoát hết các nghiệp chướng, ắt được giải thoát.
Bài kinh Di Lạc nầy rất khó thuộc và dễ đọc lộn phần nầy sang phần khác. Do đó khi tụng kinh Di Phạc phải tập trung tinh thần cao độ mới không bị nhằm lẫn.
Đức  Phật Thích ca đã nói rõ là Tùng thị Pháp Điều Tam kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát có nghĩa là tụng kinh Di lạc để hiểu ý nghĩa, phải thực hành đúng Luật Pháp Đạo Cao Đài thì được giải thoát luân hồi sanh tử.
Bài kinh nầy có tác dụng siêu độ những vong linh cửu huyền thất tổ không có Đạo hoặc sanh ra trong thời kỳ chưa có Đạo Cao Đài và cả những người đang sống nếu thực hành đúng theo sự hướng dẫn của lời kinh.
Biết được sự lợi ích nầy giúp cho người tín đồ tăng thêm động lực tụng kinh nhằm giúp cho cửu huyền thất tổ tức là Ông Bà Cha Mẹ Tổ phụ đã quá vãng để cầu nguyện cho họ sớm được giải thoát.
 
Tụng kinh cứu khổ.
Đạo Cao Đài thường tụng bài kinh Cứu khổ để cầu siêu cho Cửu Huyền Thất Tổ, thượng Tượng, cầu an (An vị Thánh Tượng), hay cầu giải bệnh cho người bịnh tật.
Kinh cứu khổ là một bài kinh tụng cầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh khi gặp tai ương hay bệnh tật. Bởi vì Đức Quan Thế Âm là vị Bồ Tát có hạnh nguyện “Tầm thinh cứu khổ, tức là nơi nào chúng sanh có sự khổ đau, tai ách mà có lòng thành cầu xin cứu giúp, thì Đức Ngài liền ban ơn cho tiêu tai miễn họa. Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm Phổ Môn, hễ ai thờ Ngài ắt được phước đức, ai cầu nguyện và niệm danh hiệu Ngài thì được Ngài chở che cứu giúp qua khỏi nạn tai.
Trong bài kinh đã nói rõ:
Tụng đắc nhứt thiên biến nhứt thân ly khổ nạn có nghĩa là ai tụng được một ngàn  lần thì tai nạn sẽ khỏi.
Tụng đắc nhứt vạn biến nhứt gia ly khổ nạn có nghĩa là ai tụng được mười ngàn lần thì gia đình được khỏi nạn. Đây là áp dụng cho người có đạo riêng người không có đạo thì phải đọc thiên vạn biến có nghĩa là phải đọc mười triệu lần mới thoát nạn.
 
Tụng Kinh Thế Đạo.
“Có một điều lầm lẫn rất tai hại là người ta vẫn thường cho rằng các bài kinh Thế Đạo liên quan đến các hoạt động thường ngày như ăn ngủ, đi đứng... chỉ áp dụng cho trẻ con mà thôi, còn người lớn thì đã “hiểu đạo” rồi. Đành rằng khi người ta đã thấm nhuần tư ttưởng cao siêu trong các bài kinh ấy và đã thật sự sống với những điều mà tư tưởng ấy muốn diễn tả, thì hình thức đọc kinh có lẽ cũng không còn cần thiết nữa. Kẻ đã qua sông được thì cần gì phải mang chiếc bè trên lưng, thế nhưng nhìn kỹ lại trong hàng tín đồ có bao nhiêu người có được trình độ tâm linh như vậy?  Phải thành thật thú nhận rằng có rất ít người đạt đến mức độ ấy sau nửa thế kỷ truyền giáo.
Cho nên sự áp dụng một cách nghiêm chỉnh những bài kinh Thế Đạo vẫn cần thiết và rất cần thiết như cơm ăn, áo mặc hằng ngày vậy.
Đọc kinh chỉ là làm thể pháp mà thôi, cần đạt đến nội dung là cái tác dụng của lời kinh ấy giúp ích được gì cho tâm hồn của chúng ta lắng đọng những tư tưởng trần tục và khơi dậy những tư tưởng thanh cao thánh triết. Cho nên nếu người tín đồ chịu khó suy nghiệm sẽ thấy các áp dụng như sau:
+ Đối với trẻ con cần có sắc tướng âm thanh rõ rệt chúng mới hiểu được nên cần phải đọc ra lời, lại nữa cũng là phương bắt chúng học thuộc lòng.
+ Còn đối với người lớn thì chỉ đọc trong trí mà thôi, nghĩa là tâm mình tưởng đến những lời kinh trước khi ăn cơm, sau khi ăn xong, trước khi nhắm mắt ngủ, khi vừa tỉnh giấc, khi đi ra đường, khi trở về nhà. Phương thức nầy áp dụng được cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi lúc... Bên ngoài dường như không ai hay biết gì cả về thế giới nội tâm sinh động của mình. Chỉ thoáng mấy giây đồng hồ chúng ta có thể tưởng xong một bài kinh, nghĩ cũng chẳng khó gì, mà ít ai làm được!
Về thể thức áp dụng kinh Thế Đạo trong sinh hoạt hằng ngày của người tín đồ, người ta thường dùng lối tâm pháp nghĩa là chỉ cầu nguyện trong tâm trí của mình bằng tư tưởng, không phát âm thành lời nói. Chẳng hạn như khi ngồi vào bàn ăn để chừng một phút đồng hồ cắt đứt mọi tạp niệm, cầu nguyện trong tâm theo lời kinh ăn cơm, không làm ra vẻ gì khác biệt với những người xung quanh về hình thức bên ngoài. Ăn xong rồi cũng áp dụng như vậy.
Nếu áp dụng đầy đủ trung bình cứ một ngày 24 giờ người tín đồ Cao Đài đánh thức đời sống tâm linh mình 10 lần cứ cách vài tiếng đồng hồ họ lại hướng tâm về Đức Chí Tôn và Thần Thánh một cách sâu kín bên trong: 3 bữa ăn là 6 lần, đi và về 2 lần, ngủ thức 2 lần tổng cộng 10 lần. Sinh hoạt nầy không mấy khó khăn nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải có đức tin mãnh liệt, sự thành tâm, trì chí liên tục mới có kết quả tạo được sự cảm ứng thường xuyên với quyền năng thiêng liêng của Đức Chí Tôn và các Đấng. Hiệu ứng rõ rệt nhất của nó là quan niệm sống, tánh tình của người cầu nguyện sẽ thay đổi tốt đẹp dần theo chiều hướng thượng.
Điều cần lưu ý về kinh đi đường là không nên cầu nguyện trong lúc đang lái xe để tránh bị phân tâm dễ gây tai nạn, phải cầu nguyện trước khi lái.
Toàn bộ sinh hoạt tâm linh loại này đòi hỏi phải sống thật với lòng mình. Với nội dung, ý nghĩa của lời kinh như nói chuyện với Thần Thánh trước mặt mình vậy. Nếu chỉ áp dụng lấy lệ cho có hình thức như trả bài sẽ không có kết quả.
Nguyện kinh Thế Đạo theo lối tâm pháp này dễ dàng áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi đều thích hợp vì nó chỉ diễn ra trong nội tâm của từng cá nhân người cầu nguyện. Tuy nhiên trong những môi trường sinh hoạt thuần tôn giáo và có tính cách cộng đồng như ở tại Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu các cháu đồng nhi thường đọc kinh thành lời khi ăn cơm, hình thức này còn có thêm tác dụng về phương diện truyền giáo, nhưng đối với người lớn không mấy thích hợp vì nó nặng nề về hình thức nên phần đông đều chọn lối tâm pháp nhẹ nhàng hơn. Vả chăng ngoài xã hội trong những sinh hoạt thế tục hằng ngày người tín đồ phải chung đụng với nhiều người không cùng tín ngưỡng thì hình thức cầu nguyện sâu kín bên trong thích hợp với tâm lý nhiều người hơn.
Tóm lại, dù hình thức nào đi nữa khi áp dụng Kinh Thế Đạo trong phép tu thân thì vấn đề chính là tâm linh của người tín đồ phải có tiến bộ. Còn nếu như không có tiến bộ ắt phải có một nguyên nhân sai lầm ở một điểm nào đó trong chu trình chuyển hóa nguồn năng lực sống từ tiên thiên đến hậu thiên và từ hậu thiên đến tiên thiên nơi nội thân của mỗi con người. Chẳng hạn đức tin không chánh lý nên thiếu sự trợ thần của Bát Quái Đài hoặc không biết trụ thần khi cầu nguyện hoặc biết trụ thần nhưng cường độ không đủ mạnh v.v... Trong trường hợp đó phải học lại lý đạo cho sâu và điều chỉnh chỗ sai pháp ấy.”
Phải có một đức tin rất mạnh mới chứng nghiệm được thế giới vô hình, và một khi đặt mình trong mối tương giao ấy, đời sống của người tín đồ sẽ trở nên phi phàm. Tác dụng thần quyền của những bài kinh Thế Đạo là để buộc tâm, thần người tín đồ luôn luôn hướng về Đức Chí Tôn cao cả, lòng chân thành và tư tưởng của họ là những tín hiệu gởi đến Thần linh lời cầu xin giúp đỡ. Mối tương giao thiết lập được thì hai thực thể hữu vô sẽ là một. Người tín đồ sẽ trở thành “người Thần”, “người Thánh”, “người Tiên”, “người Phật” trong tất cả mọi hành động của họ, lúc ăn, lúc ngủ, lúc thức, lúc đi ra đường, lúc trở về... họ luôn luôn phối hợp với Thần linh trong mọi hoạt động và những tín hiệu ấy phải được đánh đi đều đều thì hai thực thể mới không tách rời nhau. Đó cũng là ý nghĩa của tiếng Phật Trời phò hộ, hay ban ơn vậy.”
(Trích trong quyển Đời sống của người đệ tử Cao Đài của Hiên Tài Nguyễn long Thành.)
 
Học thuộc Kinh Thiên Đạo và Kinh Thế Đạo.
Trong thời kỳ đầu mở Đạo các vị Lễ sanh trước khi đến Tộc đạo hành sự các vị không biết chữ cũng phải học thuộc kinh thiên đạo và thế đạo.
Tại sao phải học thuộc kinh?
Lý do kinh là triết lý là giáo lý hướng dẫn tín đồ tu tập để giải thoát.
Đọc kinh mỗi ngày thể hiện cho con cháu trong nhà nghe và thấy mà bắt chước theo là cách tốt nhất để hướng dẫn con cháu vào đạo.
Tôi xin kể lại câu chuyện của Giáo hữu Thượng Tý Thanh về việc màu nhiệm của cúng tứ thời như sau:
Giáo hữu TÝ cúng đủ bốn thời mỗi ngày trong thời cúng con mèo đến Thiên bàn nghe kinh cho đến mãn thời cúng.Cha mẹ  của Ngài Giáo hữu mới đầu thì lấy làm lạ sau cùng cũng ngộ ra con mèo là loài thú thấp kém hơn mình còn biết tu.Tại sao mình là con người khôn hơn nó mà không chịu tu.Thế là hai Ông Bà quyết định nhập môn vào Đạo.
Đây là một điều thú vị nhờ cúng tứ thời mà con mèo cũng độ được con người vào Đạo.Nếu trong nhà có một người cúng tứ thời thôi cũng có thể độ được những người trong nhà vào đạo .
Đức Hộ Pháp đã dạy rằng thể pháp có liên quan đến bí pháp. Do đó muốn hiểu bí pháp phải thực hành thể pháp chứ không thể dùng trí thức để hiểu bí pháp được.
Nói về làm gương để độ người vào đạo thì người có đạo phải thể hiện lối sống đạo đức qua những sinh hoạt hằng ngày.
Một cái gương giáo dục con cái học đạo  là: một hôm tình cờ nghe câu chuyện học Kinh Thiên đạo và Thế đạo để làm gương cho con cháu mặc dù hiền nội của Hiền huynh Chánh trị sự Nguyễn văn Hai Thánh thất Wichita Kansas đã hơn 80 tuổi tôi vô cùng cảm phục.
Những sanh hoạt hằng ngày như đọc kinh ăn cơm, kinh đi ngủ,thức dậy kinh Di lạc Kinh sám hối, Kinh cứu khổ.
Đọc kinh hằng ngày là thể pháp nhưng ý nghĩa những lời dạy trong những bài kinh là bí pháp hướng dẫn tư tưởng người đọc kinh hiểu đạo lý và từ từ thể hiện đạo lý qua hành động đời thường.
Pháp cúng tứ thời xem có vẻ tầm thường nhưng muốn làm được không phải chuyện dễ dàng. Làm được mới phi thường tức là cúng tứ thời cho đến ngày về với Đức Chí Tôn mãn một kiếp sanh.
Kinh Phật mẫu có câu:
“Ngồi trông con đặng phi thường Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.”
 
Kết luận thực hành thể pháp để ngộ ra bí pháp.
Bí pháp là vô hình không thể thấy được bằng giác quan mà phải cảm nhận qua tâm linh của con người. Phải thực hành thể pháp mới cảm nhận và hiểu được bí pháp. Giống như phải nấu cơm nhão ,sống khét,nhiều lần mới biết được bí pháp làm sao cho cơm chin và ngon.
Phải cúng tứ thời mới cảm ứng được với các Đấng Thần Thánh Tiên Phật.Nếu ai cúng mà chưa có sự cảm ứng là vì Tâm chưa thành và đức tin chưa đủ lớn.
Hàng ngày đọc ngũ nguyện những lời cầu nguyện nầy sẽ ghi sâu vào tâm tánh của chúng ta để một ngày nào đó chúng ta sẽ thực hiện những lời tâm nguyện nầy.
Đọc kinh ăn cơm ý nghĩa nhắc nhở chúng ta nhớ ơn người làm lúa gạo nuôi nấng thân xác của chúng ta. Từ đó phát sinh ý định phục vụ lại cho chúng sanh để trả ơn.
Tóm lại đọc kinh Thiên đạo thế đạo và cúng tứ thời là thể pháp nhưng thực hành được mỗi ngày chúng ta sẽ hiểu được bí pháp giải thoát chính là thực hiện đúng thể pháp.

* Trung Dung Đạo (8-2022)

Home.   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7[8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17[18].