Thảo luận Giáo Lý (24-9-2022) . * Bảo Chơn (ghi lại).

Tóm lượt đề tài Phật Mẫu Chơn Kinh luận giải.
1 - Theo thuyết Bát hồn vận chuyển thì trong vũ trụ có tám đẳng cấp chơn hồn từ thấp lên cao là Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Như vậy  loài đá và kim loại cũng có hồn nghĩa là có sự sống phải không ?
Theo giáo lý CĐ thì loài kim thạch và thảo mộc cũng có thọ một điểm nguyên hồn gọi là sanh hồn. Tức là nó cũng có sự sống, nhưng vì sự sống ấy rất đơn sơ nên chúng ta khó nhận biết. Như khối đá trong núi hay quặng mõ kim loại khi chưa khai phá thì có thể càng ngày càng lớn ra.
Một bằng chứng nữa cho thấy loài kim thạch cũng có hồn, đó là hình phạt tận đọa tam đồ bất năng thoát tục trong đạo Cao Đài được diễn tả như sau:
“…Thoảng như, bị tận đọa tam-đồ bất năng thoát tục, thì Chơn-Linh phải bị ngăn cản, không hiệp được với Chơn-Thần, làm cho Đệ-Nhị xác thân phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim-thạch cho đến làm người, và phải chuyển trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công lại”.(Trích Luật Tam Thể, Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ).
Như vậy, nếu một người bị đọa Tam đồ bất năng thoát tục là phải thoái hóa trở lại làm kim thạch rồi trải qua muôn ngàn năm mới tiến hóa lên làm người, rồi phải trở lại làm loài kim thạch tiến lên người nữa, ba lần như vậy. Quả là một hình phạt rất đáng sợ…
Thật ra chữ kim thạch hồn không chỉ riêng kim loại và đá mà chỉ cả các vật chất hữu hình như trong câu:
“Vậy đất, nước, sắt đá và lửa được nảy sanh trước hết. Đó là Kim-thạch hồn”. (Luật Tam Thể).
Vì vậy đôi khi người ta cũng dùng chữ vật chất hồn để chỉ kim thạch hồn.
Gần đây một nhà khoa học Nhựt là ông Masaru có công bố kết quả thí nghiệm nếu người ta tác ý hay dùng lời nói tích cực như lòng biết ơn, thương yêu,…đối với nước thì cấu trúc các phân tử nước qua kính hiển vi có hình dáng đẹp, đối xứng, còn nếu ta tác ý xấu như chửi rủa, mắng nhiếc thì các phân tử nước sẽ biến thành hình thù xấu xí, méo mó…Như vậy nước cũng biết cảm xúc tức là nó cũng có sanh hồn…
Tóm lại, loài kim thạch hay vật chất đều có sanh hồn nghĩa là có sự sống của nó.
2 - Nếu loài kim thạch hay thảo mộc có sanh hồn thì khi ta giết chúng có bị tội không ?
Theo định luật Tiến hóa trong càn khôn vũ trụ, các đẳng chơn hồn muốn tiến hóa thì phải có công phụng sự chúng sanh. Vì vậy Thánh giáo dạy người tu muốn đoạt vị lên hàng Thần, Thánh…phải có công quả hay phổ độ, phụng sự chúng sanh cũng vậy.
Còn đối với loài cầm thú như ngựa, trâu bò …kéo cày kéo xe giúp người thì sẽ tiến hóa nhanh hơn loài động vật vô ích.
Còn đối với cây gỗ giúp đời như làm nhà, làm giấy, dụng cụ …thì đó là công quả của nó, nhưng nếu ta chặt cây đốn gỗ một cách vô cớ thì sẽ gây một nghiệp không tốt. Trong bài Thánh giáo về Bất sát sanh có đoạn:
“…Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp càn khôn thế giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến hóa…”
Đối với vật chất hồn cũng vậy, nếu chúng ta không xử dụng chúng một cách hữu ích mà hoang phí thì cũng tạo nên nghiệp không tốt…Như là nếu chúng ta hoang phí thức ăn thì sẽ chịu quả báo có lúc sẽ chịu thiếu thốn, đói khát…
Như vậy loài thảo mộc cũng như vật chất nếu ta xử dụng chúng hữu ích thì không có tội còn tạo được công quả cho chúng, trái lại chúng ta vô cớ phá hoại hay hoang phí thì sẽ lãnh nghiệp quả xấu đó vậy.
3 - Tại sao trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu thường hay than khổ khi thấy nhơn sanh thống khổ, trong khi các tôn giáo khác thì các vị giáo chủ không than như vậy ?
Các vị giáo chủ trước đây đều thuộc vào hàng Tiên Phật vâng lịnh Đức Chí Tôn xuống thế lập Đạo độ đời. Tức các vị nầy là đàn anh, đàn chị của chúng sanh mà thôi. Còn kỳ nầy chính mình Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là Cha Mẹ Thiêng Liêng của cả chúng sanh vạn vật dùng huyền diệu đến thế gian quyết độ rỗi toàn cả nhơn loại trở về ngôi xưa vị cũ. Dĩ nhiên tình cảm của anh chị đối với đàn em đâu bằng tình cha mẹ thương con.
Đối với cha mẹ phàm trần có liên hệ huyết thống nên khi con cái gặp cảnh khổ đau thì cha mẹ cũng đau lòng xót dạ. Còn Cha Mẹ Thiêng Liêng ban cho ta chơn thần và chơn linh nên khi ta đau khổ dưới thế nầy thì Cha Mẹ trên kia cũng cảm nhận được niềm đau nỗi khổ đó. Vì vậy chúng ta thấy hai Đấng ấy luôn thốt ra những lời cảm xúc khi nhìn đàn con chịu khổ não dưới trần nầy:
Con khổ mà cha sướng đặng nào,
Ai từng cắt ruột lại không đau,
Chia quyền lại sợ quyền chia lại,
Muốn liệng cho xa mảnh đế bào.
Hay như những lời Bà Mẹ âu lo dõi bước theo chơn của đàn con dại xuống trần lập công đoạt ngôi vị cao hơn nhưng biết có được vẹn toàn vì cảnh trần có quá nhiều cám dỗ, sợ cho con trẻ nhiểm trần mà quên mất đường về:
Ngọt ngon trẻ nhiểm mến mùi,
Trẻ nào có biết khúc nôi đoạn trường,
Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh…
Đỉnh chung là miếng treo gương,
Khiến nên trẻ dại lạc đường quên ngôi…
Cha Mẹ Thiêng Liêng vì thương con nên phải hạ mình cho gần gủi con cái, thể hiện tình thương yêu vô bờ bến mong cảm hóa đàn con lo quay về nẻo chánh đường ngay để sau được về hội hiệp cùng Cha Mẹ.
“Mỗi phen Thầy đau thảm khóc lóc các con phải lén hạ trần phải bỏ ngôi Chí Tôn xuống lập Đạo, lại bị các con bạc đãi biếm nhẽ xua đuổi bắt buộc đến đổi phải chịu cho các con giết chết . Ôi thảm thay, thảm thay…
Mỗi phen Thầy đến lập Đạo thì là phải cam đoan và lảnh các con chẳng khác nào kẻ nghèo lảnh nợ. Các con làm tội lỗi bao nhiêu, oan nghiệt bấy nhiêu, Thầy đều lảnh hết…” (TNHT).
Tóm lại trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đấng Chí Tôn và Đức Phật Mẫu dùng tình thương yêu của Cha Mẹ để độ rổi chúng sanh chớ không dùng quyền hành của Đấng Tạo Hóa nghiêm khắc với chúng sanh như thời kỳ trước nữa.

4 - Đức Phật Mẫu có lãnh sứ mạng mở Đạo kỳ Ba nầy không ?
Đối với công cuộc khai mở Đại Đạo Tam Kỳ những ngày đầu tiên phải nhắc đến nhóm xây bàn ở Sài Gòn do các vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang… khởi xướng. Và người đến trao đổi thi văn, dẫn dắt chư vị là Tiên Cô Thất Nương Diêu Trì Cung rồi sau đó Đức Cửu Thiên Nương Nương là Đức Phật Mẫu đến bắt đầu khai mở Đại Đạo qua bí pháp quan trọng là Hội Yến Diêu Trì, vào Rằm tháng tám năm Ất Sửu (1925).
Theo Ngài Hồ Bảo Đạo, về phương diện bí pháp thì đây mới chính là ngày khai mở Đại Đạo, và ngày này còn quan trọng hơn cả ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần nữa…
Trong đàn cơ ngày 10-12, năm Kỷ Tỵ (1929) Đức Mẹ có dạy: "…Nếu không phải thiếp mở Đạo thì không phương thành Đạo đặng".
Chúng ta cũng biết rằng buổi đầu khai đạo Đức Diêu Trì Kim Mẫu chỉ xưng là Thiếp khi giáng cơ, vài năm sau đó Đức Ngài mới dùng danh hiệu Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn, và chánh thức xưng Mẹ con với chư chức sắc và chúng sanh…
Trong Phật Mẫu Chơn Kinh cũng có câu:
"Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Độ anh nhi nam bắc đông tây."
Ý nghĩa là Đức Phật Mẫu lãnh lịnh Đức Chí Tôn đến mở Đạo để độ rỗi tất cả con cái Người.
"Ngọc Hư định phép đã nhiều,
Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ."
Như vậy Đức Phật Mẫu đồng thời cũng lãnh lịnh của Ngọc Hư Cung đến mở Đạo Kỳ ba này. Phái vàng là phái của Phật, chúng ta thấy nơi Điện thờ Mẹ trang trí toàn màu vàng là vậy.
Tóm lại Đức Phật Mẫu, và Cửu Vị Nữ Phật lãnh vai trò trọng yếu trong việc mở Đạo Kỳ Ba để tận độ hết thảy chúng sanh quy hồi cựu vị…
5 - Ý nghĩa Diêu Trì Cung và danh xưng của Đức Phật Mẫu .
Bà Bát Nương giáng cơ đêm 10-1-Nhâm Thìn (1952) giảng về Diêu Trì Cung như sau:
"Chị chào mấy em. Đêm nay Chị đến đặng chỉ cho mấy em rõ Diêu Trì Cung là nơi nào?
Nơi ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang, đài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên chơn thần cho vạn linh trong CKVT.
Phật Mẫu là Đấng nắm Cơ Sanh hóa, thay quyền Chí Tôn, đứng ra thâu cả Thập Thiên can đem hiệp với Thập nhị Địa chi mà tạo nên vạn vật. Nơi Cung Diêu Trì là nơi tạo nên chơn thần và thể xác đó vậy.
Diêu Trì Cung là cung điện bằng ngọc diêu ở bên Ao Thất bửu, chớ chẳng chi lạ. Ngọc tượng trưng cho sự quí giá, còn Diêu là chất hơi kết tụ mà thành.
Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về cơ Giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về cơ Phổ độ mà Quan Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu.
Quan Âm Bồ Tát ngự tại cung Nam Hải, ở An Nhàn động, còn Diêu Trì Cung thì ở tại Tạo Hóa Thiên.
Nơi Cung Diêu Trì còn có một cõi Âm Quang riêng biệt gọi là Phong Đô đặng giáo hóa các chơn hồn đã bị lạc nẻo trên đường trần.
Vậy, vắn tắt hơn, Diêu Trì Cung là Cơ Sanh hóa vạn linh và vạn vật đó."
 
- Về danh xưng của Đức Phật Mẫu : Chúng ta thường thấy  các danh xưng như:
PHẬT MẪU : Đức Phật Mẫu chưởng quản khối Âm quang trong càn khôn vũ trụ, là Mẹ sanh của chư Thần Thánh Tiên Phật, loài người và muôn loài vạn vật trong càn khôn vũ trụ.
CỬU THIÊN HUYỀN NỮ: Đức Phật Mẫu rất huyền diệu, ngự tại từng Trời Tạo Hóa Thiên là từng thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên.
Diêu Trì Kim Mẫu : Đức Phật Mẫu ngự tại Diêu Trì Cung.
Kim Bàn Phật Mẫu: Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung.
Kim Bàn hay Kim Bồn là cái chậu bằng vàng của Đức Phật Mẫu đặt nơi Diêu Trì Cung dùng chứa các nguyên chất (nguơn chất) để tạo chơn thần cho các nguyên nhân giáng trần.
Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất.
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân. (kinh cửu thứ 9)
KIM MẪU : là chữ viết tắt của Kim Bàn Phật Mẫu.
Ngoài ra trong dân gian cũng tôn thờ Đức Phật Mẫu từ xa xưa với nhiều danh hiệu khác như: Mẹ Sanh, Địa Mẫu, …
 
6 - Giải nghĩa câu kinh Phât Mẫu: “Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp”.
Đức Hộ Pháp giảng câu nầy như sau:
“Hiệp cả thảy loài vật hữu sanh cộng lại làm đại nghiệp của mình, mở một con đường đặng lập vị cho nhau”. 
Đức Phật Mẫu vì tình thương yêu vô bờ lo cho con cái, lấy việc tạo sự nghiệp cho con cái làm đại nghiệp của mình. Tất cả loài hữu sanh lớn nhỏ đều là con cái Mẹ. Mẹ mong cho con cái nương theo Đạo mà dìu dẫn lập vị cho nhau…
Âm dương biến tạo chơn thần,
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi,
Cha thì lo về phần linh hồn còn Mẹ thì lo cho con về đời sống vật chất. Buổi Tam Kỳ chúng sanh hữu hạnh được Cha Mẹ đích thân lo lắng mọi bề nên nếu không lo tu còn đợi đến bao giờ.
* Bảo Chơn (ghi lại)
Home.   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7[8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17[18].