Luận Giải Kinh: TIÊN GIÁO (THÁI THƯỢNG Chí Tâm Qui Mạng Lễ) [Phần 2] * Nam Lê.

………………
11 . Nhị ngoạt thập ngũ. 
12 . Phân tánh giáng sanh.
13 . Nhứt thân ức vạn. 
14 . Diệu huyền thần biến.
15 . Tử khí Đông lai. 
16 . Quãng truyền đạo đức. 
17 . Lưu sa tây độ. 
18 . Pháp hóa tướng tông.
19 . Sản Tất Viên, Phương Sóc chi bối.
20 . Đơn tích duy mang. 
21 . Khai Thiên Địa nhơn vật chi tiên.
22 . Đạo Kinh hạo kiếp.
23 . Càn Khôn oát vận. 
24 . Nhựt nguyệt chi quang. 
25 . Đạo pháp bao la. 
26 . Cửu Hoàng Tỷ Tổ.
27 . Đại Thiên thế giới. 
28 . Dương tụng từ ân. 
29 . Vĩnh kiếp quần sanh. 
30 . Ngưỡng kỳ huệ đức.
31 . Đại Thần, Đại Thánh. 
32 . Chí cực chí tôn. 
33 . Tiên Thiên Chánh Nhứt. 
34 . Thái Thượng Đạo Quân.
35 . Chưởng giáo Thiên Tôn.
Nam Mô Thái Thượng Đạo Tổ 
Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
( 9 lạy)

Dịch nghĩa :
…………………………………….
11 - Ngày Rằm tháng hai Âm Lịch.
12 - Chiết Chơn Linh giáng sanh xuống cõi trần.
13 - Một thân biến thành muôn ức người.
14 - Phép biến hóa vô cùng huyền diệu.
15 - Đám mây màu tía từ hướng Đông bay tới.
16 - Rộng truyền quyển Đạo Đức Kinh.
17 - Qua vùng sa mạc hướng Tây, để cứu giúp người đời.
18 - Giáo lý của Ngài nhờ Đạo Đức Kinh mà nên hình tướng.
19 - Sản xuất ra các Ông Trang Tử và Đông Phương Sóc.
20 - Việc luyện Kim Đơn phân tích rõ ra thời rất huyền vi mầu nhiệm.
21 - Khai mở ra Trời Đất, Ngài là Đấng có trước loài người và vật loại.
22 - Trải qua nhiều kiếp lâu đời.
23 - Trời Đất xoay chuyển vận hành.
24 - Đạo như ánh sáng mặt trời, soi sáng khắp nơi.
25 - Đạo Pháp rộng lớn mênh mông như tấm lưới lớn bao trùm tất cả.
26 - Ngài là thủy tổ của 9 vị vua khai hóa nhơn loại, cũng là Thủy Tổ của NL.
27 - Người trong 3,000  thế giới .
28 - Đều ca tụng lòng từ bi và ơn đức của Ngài.
29 - Chúng sanh muôn kiếp.
30 - Ngưỡng vọng ơn đức.
31 - Bực Thần lớn, Bực Thánh Lớn.
32 - Cao tột, rất được tôn kính.
33 - Bậc nhứt vào thời Tiên Thiên.
34 - Đức Thái Thượng Đạo tổ là vị  số 1 đứng đầu các vị Tiên.
35 - Làm giáo chủ Đạo Tiên và là một Đấng Thiên Tôn.

Nam Mô Thái Thượng Đạo Tổ 
Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
TIÊN GIÁO 
THÁI THƯỢNG CHÍ TÂM QUI MẠNG LỄ

GIẢI NGHĨA:
Tiên giáo: Đạo Tiên là  tôn giáo dạy người tu thành Tiên.
Thái Thượng: Thái Thượng Đạo Quân.
Chí Tâm qui mạng lễ: Lễ lạy với tất cả ý chí và thanh tâm, đem mình về vâng chịu nghe theo (xem phần định nghĩa chi tiết trong bài kinh Thích giáo)
 
LUẬN GIẢNG:
Câu 11: Tử khí Đông lai
               Quảng truyền đạo đức.
Câu 12 : Lưu sa Tây độ,
                Pháp hóa tướng tông.
 
Giải nghĩa :
Câu 11: Tử khí: Chất khí màu tía, trông như một vầng mây tía trên bầu trời.
Đông lai: Hướng đông đến.
- Tử khí Đông lai: Một đám mây màu tía từ hướng đông bay tới.
- Quảng truyền: Truyền rộng rãi lại cho người khác.
Đạo đức:  Sách Đạo Đức kinh của Đức Lão Tử, quyển sách căn bản giáo lý của Tiên Giáo.
- Quảng truyền đạo đức: Truyền bá rộng rải sách Đạo Đức Kinh.
 
Nghĩa câu 11: Một đám mây màu tía từ hướng đông bay tới. Đó là nhắc lại điểm, có Đức Lão Tử từ hướng Đông đi đến để truyền bá rộng rải sách Đạo Đức Kinh. (ĐĐK)
Câu 12:  Lưu sa: Cát chảy. Ớ đây chỉ vùng sa mạc ở phía Tây nước Tàu, nơi đó có gió thổi mạnh, cuốn cát bay theo, tạo thành một đống cát chảy như nước.
Tây độ : Hương Tây, cứu giúp.
- Lưu sa Tây độ: Qua vùng sa mạc ở hướng Tây để cứu giúp người.
Pháp: Giáo lý của một tôn giáo. Hóa: biến thành.
Tướng: có hình thể, hình dáng. Tông: Tôn giáo.
- Pháp hóa tướng tông: Cái giáo lý biến thành hình tướng của một nền tôn giáo. Cái giáo lý ấy được trình bày trong quyển sách ĐĐK của Đức Lão Tử. Kể từ khi Đức Lão Tử truyền quyển ĐĐK cho Ông Doãn Hỹ thì Tiên Giáo mới có hình tướng cà từ đó Đạo Tiên được truyền bá rộng rải kắp nơi.
Nghĩa Câu 12: Trước khi đi qua vùng sa mạc, ở hướng Tây để cứu giúp người đời, Đức Lão Tử truyền quyển ĐĐK cho Ông Doãn Hỹ, kể từ đó, Tiên Giáo mới có hình tướng.

Luận giảng:
Hai câu kinh trên nhắc lại sự tích Đức Lão Tử đi từ phía Đông qua phía Tây, đến Hàm Cốc được quan giữ ải là Doãn Hỹ trân trọng tiếp đón và xin học Đạo. Đức Lão Tử truyền cho Ngài Quyển ĐĐK để tu hành. Ông Doãn Hỹ tu luyện theo quyển ĐĐK được một ngàn ngày thì đắc Đạo, đực Đức Lão Tử cho phục chức cũ là Ngươn Thỉ Chưởng Giáo, cai trị tám vạn Thần Tiên nơi cõi thiêng liêng.
Từ đó, quyển ĐĐK xem là quyển sách căn bản của Tiên Đạo và được truyền bá rộng rải đến ngày nay.
Sua đó, qua vùng sa mạc Đức Lão Tử đi về hướng Tây để tiếp tục cứu độ người đời và về sau không rõ Đức Ngài đi về đâu, qui Tiên như thế nào.
Về quyển ĐĐK mà Đức Lão Tử soạn ra phân làm 2 Thiên,  81 chương, gồm trên 5,000 Lời. Nội dung dạy về đạo đức, tu thân, luyện đạo, dùng giáo lý vô vi thanh tịnh tức Đạo nhi trị để xây dựng một xã hội văn minh, giản dị, hồn nhiên, không có những phiền phức đa đoan của những thứ văn minh giả tạo sử dụng trí mưu để trị nước.
 
Tóm lại, Đám mây tía từ phương Đông bay đến, điềm báo hiệu có Đức Lão Tử đi đến. Kế đó, Đức Ngài truyền Quyển ĐĐK cho Ông Doãn Hỹ tu luyện thành Tiên. Đạo Tiên hình-thành từ đó. Sau đó, quyển ĐĐK được truyền bá rộng rải cho người đời. Sau cùng, Đức Lão Tử băng qua sa mạc, đi về hướng Tây, tiếp tục cứu độ nhơn sanh.
Câu  13:  Sản Tất Viên Phương Sóc chi bối.
Giải nghĩa:
 Sản: Sinh ra, sản xuất. Chi: Tiếng đệm. Bối: Mộ nhóm, một số, chư vị. Tất Viên : Vườn cây sơn. Ông Trang Tử được bổ làm quan nhỏ tại thành Tất Viên, thuộc ấp Mong, nước Tống, nên ông lấy hiệu là Tất Viên. Do đó, chữ Tất Viên chỉ Trang Tử. Đông Phương Sóc: Một vị Tiên thời vua Hán Võ Đế bên Tàu.
Nghĩa câu: Sản xuất ra các Ông Trang Tử và Đông Phương Sóc.
Hai vị nầy theo học giáo lý của Đạo Đức Kinh của Đức lão Tử và tu thành TIên.
 
Luận giảng:
Sơ lược tiểu sử của hai vị Tiên trên.
- Trang Tử:
Trang Tử tên là Trang Châu ( Chu ), tự là Tử Hựu, người ở ấp Mong, nước Tống bên Tàu, sanh khoảng năm thứ 7 đời vua  Châu Liệt Vương (369 TTL) và mất lối năm  29 đời vua Châu Noản Vương (288TTL), hưởng thọ  82 tuổi.
Theo lời giải của Đức Lão Tử, Trang Tử nguyên là con bướm trắng trong thời Hổn Độn mới phân ra Trời Đất và cây cỏ, bướm nầy hút tinh chất của trăm hoa, đoạt được tư chất của Trăng Sao, nên được trường sanh bất tử, cánh lớn như bánh xe. Mt hôm, bay qua vườn Đào Tiên của Tây Vương Mẫu, hút trộm  nhụy đào, bị chim Thanh Loan giữ vườn mỗ chết. Hồn bướm thác sanh xuống trần đầu thai thành Trang Châu.
Trang Châu có căn trí khác phàm, đạo tâm kiên cố, thờ Đức Lão Tử làm Thầy, học theo Đạo Tiên, được Lão Tử đem bí quyết ĐĐK truyền cho. Trang Sinh chuyên cần tu luyện, đạt được phép phân thân ẩn mình và xuất thần biến hóa.
Từ đó, Trang Châu phế bỏ việc đời, từ biệt Đức Lão Tử, đi chu du sơn thủy, xưng là Trang Tử.
Khi ở ẩn núi Nam Hoa, Ngài có viết quyển Nam Hoa Kinh, cũng  gọi là sách Trang Tử để xiển dương Đạo Lão. Bộ sách nầy rất hay, được truyền tụng đến ngày nay.

- Đông Phương Sóc:
Sanh đời nhà Hán Võ Đế, Đông Phương Sóc bái Đức Huỳnh My Lão Tổ làm thầy và được truyền phép tu luyện thành Tiên, có luyện được lá Bàn Đào, dùng làm phép ẩn thân rất hay. Ngài có viết một quyển sách tên là Thần Dị Kinh thuật lại những việc di ̣ thường ngoài quả địa cầu của chúng ta và những chuyện lạ ở Bắc Cù Lư Chhâu,
Ông là Tổ Sư Tán Tiên, ông có giáng cơ, cho nhiều bài thi rất tức cười và được tặng danh hiệu là Thần Linh Trào Phúng.
Tóm lại, Câu kinh có nghĩa là sản xuất ra chư vị Trang Tử và Đông Phương Sóc một học trò của Đức Lão Tử và một cũa Huỳnh My Lão Tổ, đều được Thầy dạy Đạo và tu thành Tiên, có tài phép biến hóa rất thần kỳ và đều có để sách quý báu lại cho đời sau cả.
Câu  14:  Đơn tích duy mang
                   (Đơn tích vi mang)
Giải nghĩa:
Đơn: còn gọi là đan: thuốc quí, thuốc Tiên. Luyện đan hay luyện đơn là từ ngữ của Đạo Tiên, chỉ việc luyện đạo, luyện cho Tam Bữu Tinh Khí Thần hiệp nhứt mà đắc đạo.
Tích: nói trắng ra, giải thích cho rõ ràng.
Duy hay vi (1): rất nhỏ. 
Mang:  cái mủi nhọn.
Đơn tích: phân tích rõ ràng về việc luyện đạo.
Duy mang: chỉ cái nhỏ, khéo không thể nhìn thấy, ý nói tế vi, mầu nhiệm hay vi diệu, huyền vi.
Nghĩa câu: Việc luyện đơn (của Đạo Tiên,) phân tích, nói cho rõ ràng ra thì thật là huyền vi mầu nhiệm.
(1) theo bản viết Kinh chữ Hán.
Phiên âm ra viết là "VI MANG"  thì mới đúng chính tả, theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh Q.2/T.546.
 
Câu 15: Khai Thiên Địa Nhơn vật chi tiên.
Giải nghĩa:
- Khai: mở ra.
- Thiên Địa: Trời Đất. 
- Nhơn vật: Người và vật.
- Chi: tiếng đêm.
- Tiên: trước hết.
 
Nghĩa câu: Khi mở ra Trời Đất thì Đức Thái Thượng Đạo Tổ có trước loài người và loài vật.
 
Câu  16: Đạo Kinh hạo kiếp.
Giải nghĩa:
Đạo: Cái nguyên-lý đầu tiên tạo thành CKVT và vạn vật.
Kinh: Trải qua.
Hạo: Nhiều.
Kiếp: Khoảng thời gian từ lúc sanh ra cho tới khi chết hay diệt.
Nghĩa câu: Đạo trải qua nhiều kiếp lâu đời.

Luận giảng :
Đạo trải qua nhiều đời kiếp như thế nào ?
Nói Đạo trải qua nhiều kiếp lâu đời, tức là giới hạn sự Khai Đạo ở thời kỳ Hậu Thiên thuộc về cụ thể hữu hình, vật chất. Sau khi Thái Cực sanh Lưỡng Nghi Đạo được khai mở là do hiệp nhứt của Âm Dương mà biến hóa khôn lường như lời Đức Chí Tôn dạy như sau:
"Âm Dương hiệp nhứt phát khởi Càn Khôn, sanh sanh hóa hóa là Đạo" cũng có sách cho rằng "Âm Dương chi vị Đạo".
Chúng ta cũng được hiểu rằng, các vị giáo chủ xưa và nay đều đắc lịnh nơi Đức Chí Tôn mà giáng trần lập Đạo để độ rỗi chúng sanh, nhưng đều do Đức Chí Tôn chủ tể cả. Song Đức Chí Tôn cho biết Rằng:
Thầy từ môn tuổi muôn tên khác nhau. Do đó, Đạo tất có nhiều đời kiếp rồi vậy. TVDĐ cho biết:
"Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
  Vui lòng tu niệm hưởng ân THiên,
  Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
  Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên"
 
Theo ĐĐKPĐ thì lịch sử Đạo chia ra là ba thời kỳ như sau:
1 - Đại Đạo Nhứt Kỳ Phổ Độ:
(Thượng Cỗ Thời Đại)
 
Đức Nhiên Đăng Cổ Phật khai Phật Giáo
Đức Hồng Quân Lão Tổ khai Tiên Giáo
Đức Văn Tuyên Đế Quân khai Nho Giáo.
 
2 - Đại Đạo Nhị Kỳ Phổ Độ:
(Trung Cổ Thời Đại )
Đức Thích Ca  chấn hưng Phật Giáo
Đức Lảo Tử chấn hưng Lão giáo.
Đức Khổng Phu Tử chấn hưng Nho Giáo.
Đức Chú Jésus Christ lập Thánh Giáo.
Đức Khương Tử Nha  lập Thần Giáo.

3 - Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
    (Tam Ngươn Tứ Chuyển)
ĐĐTKPĐ là một nền tôn giáo lớn, khai lền thứ ba, để tận độ chúng sanh, không phân biệt màu da, sắc tóc, không phân biệt tôn giáo dị đồng, vì đứng trước Thượng Đế tất cả chúng sanh đều là con một Cha, đều được Đại Từ Phụ cứu độ như nhau.
Chính Đức Chí Tôn khai mở ĐĐTKPĐ tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, với sự góp công của Tam Vị Giáo Tổ Nho, Thích, Đạo và chư Phật Tiên Thánh Thần và Nhơn loại, tức Ngũ Chi Đại Đạo, Tôn chỉ Qui Nguyên Tam Giáo, Phục Nhứt Ngũ Chi và Đức Chí Tôn mở cơ tận độ chúg sanh trong thất ức niên.
Tóm lại, qua các thời kỳ , từ Thượng Cổ, Trunng Cổ, thuộc về quá khứ đến thời hiện tại và tương lai, chúng ta có thể thấy rằng Đạo được mở ra và trải qua nhiều đời kiếp cứu độ chúng sanh và nhơn loại để trở về ngôi xư vị cũ nơi cõi thiêng liêng hằng sống vậy.
 
Câu 17: Càn Khôn hoát vận.
Giải nghĩa:
Càn khôn: hai quẻ Bát Quái, quẻ Càn tướng trưng Trời. Quẻ Khôn tượng trưng Đất.
Hoát hay Oát: chuyển xoay đi.
Vận: xoay vần, chuyển động.
Chú ý: Theo Tự Điển Đào Duy Anh Q2/T87,  dùng chữ Oát vận thì mới đúng chính tả.
Nghĩa câu: Trời Đất xoay chuyển, vận hành.
Luận giảng:
Trời Đất xoay chuyển và vận hành như thế nào ?
Đạo có trước Trời, là vô danh, vô hình do Đức Chí Tôn làm chủ.
Đức Chí Tôn dạy rằng:
"Khi chưa có Trời Đất Khí Hư Vô sanh có một Thầy và Ngôi Thầy là Thái Cực, Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến ra Bát Quái, Bát Quái biến hóa ra vô cùng, tạo ra Càn Khôn Thế Giới" * TNHT.

Chúng ta cũng được biết rằng, khi Thái Cưc sanh Lưỡng Nghi, tức Nhị Khí Âm Dương, thì khí nhẹ bay lên làm Trời  (Càn)  và khí nặng ngưng giáng xuống là Đất (khôn), nghĩa là Âm Dương biến hóa mà tạo Thiên lập Địa.
Khi Trời Đất phân ngôi cao thấp rồi, trong khoảng không gian ở giữa Trời Đất, Khí Âm Dương lại tiếp tục hổn độn điều hòa mà hóa sanh ra Vạn Vật.
Đức Chí Tôn day rằng:
"Khi tạo lập CKTG rồi Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm gọi là chúng sanh. Vậy các con đủ hiểu rằng : Mỗi vật hữu sanh nơi thế gian nầy đều do Chơn Linh Thầy mà ra. Có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha sự sống, vì vậy nên lòng háo sanh của Thầy vô cùng tận" * TNHT.
Đức Phật Mẫu chủ Âm Quang, tức ngôi Pháp cũng đã dạy rằng:
" Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
Chơn Linh phối nhứt thân vi Thánh Hình.
Thiên Cung xuất Vạn Linh tùng Pháp
Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh,
Càn Khôn sản xuất hữu hinh,
Bát Hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh." * PMCK.

Đạo Đức Kinh: Chương I, cũng đã day rằng :
" Thiên Địa Nhơn Luân,
Vạn vật hóa thuần
Nam Nữ cấu tinh,
Vạn vật hóa sanh".
Nghĩa là: Trời Đất ngui ngút hóa thuần muôn vật, vạn vật đến lược nó, khi trưởng thành rồi, giống đực giống cái giao cấu nhau thành vạn vật.
Cơ hóa sanh Trời Đất và vạn vật như thế, cho nên không bao giờ cùng tận.
Tóm lại, do sự hổn độn, điều hòa Âm Dương, Trời Đất xoay chuyển, vận hành, sanh hóa vô cùng tận theo đức háo sanh của Đức Chí Tôn vậy.
Câu 18: Nhựt Nguyệt chi quang,
Câu 19: Đạo Pháp bao la.

Giải nghĩa :
18/- Nhựt: Mặt Trời.
Nguyệt: mặt Trăng. 

Chi: Tiếng đệm.
Quang: sáng, ánh sáng.
Nghĩa câu: Đạo như ánh sáng của mặt Trời, mặt Trăng soi sáng khắp nơi.
 
19/- Đạo pháp: Từ ngữ nầy có ý nghĩa rất sâu xa, rộng lớn nên phải tùy trường hợp mà giải thích cho sát nghĩa câu Kinh  (xem lại phần giải thích câu Kinh Thích Giáo: Đạo pháp trường lưu)
Bao: bọc lại, trùm lên.
La: Tấm lưới.
Bao la : Tấm lưới bao trùm lên, ý nói rộng lớn, bao gồm tất cả.
Nghĩa câu: Đạo pháp bao la nghĩa là Đạo pháp rộng lớn, mênh mông như tấm lưới lớn bao trùm lên tất cả.
 
Luận giảng:
Tại sao nói Đạo như ánh sáng mặt Trời, mặt Trăng sáng soi khắp nơi ?
Chúng ta đều biết rằng, Khí Hư Vô sanh ra Thái Cực, tức Đức Chí Tôn, Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái sanh hóa CKTG, vạn vật, chúng sanh và loài người.
Đức Chí Tôn lại cho biết Thầy là ngôi Phật,  hóa ra Phật Mẫu là ngôi Pháp, người là ngôi Tăng và Đức Chí Tôn là chủ cả Phật, Pháp, Tăng.
Mọi vật hữu sanh trong CKTG nầy đều do Thầy sanh ra cả, nếu không có Thầy thì không có chi trong CKTG mà hể không có Khí Hư Vô thì khôngcó Thầy.
Như vậy, mọi vật hữu sanh, kể cả Thần, Thánh, Tiên, Phật và Đức Chí Tôn đều do Khí Hư Vô, tức Đạo, biến hóa xoay chuyển, vận hành, không có vật nào là không có Đạo ở bên trong, nên, Đạo có thể ví như mặt Trời, mặt Trăng soi sáng khắp mọi nơi vậy.
 
Tóm lại, Đạo Pháp bao la, sâu xa, không sao hiểu hết đặng, Pháp cần phải tu hành, chứng nghiệm mới tri Đạo, kiến Đạo và hành Đạo vậy.
 
Câu 20: Cữu Hoàng Tỷ Tổ.
Giải nghĩa:
Cữu Hoàng:  9 vị vua thuộc thời Thái Cỗ và Thượng Cỗ bên Tàu có công khai hóa dân chúng, kể thứ tự sau đây:
- Tam Hoàng: Thiên, Địa, Nhơn Hoàng.
- Tam Vương: Ngũ Long, Thoại Sào, Toại Nhân.
- Tam Đế: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế.
9 vị vua nầy có công đối với nhơn loại rất lớn là đã đưa nhơn loại ra khỏi tình trạng ăn lông, ở lổ, tiến hóa lên một mức khá cao, biết làm quần áo, biết trật tự lễ nghi, biết cất nhà, dùng lửa nấu chín đồ ăn, biết cày cấy, biết trị bịnh...
Theo sách Tam Hoàng Thiên Kinh, Thiên Hoàng là Bàn Cỗ là một hóa thân của Đức Thái Thượng Đạo Quân, là vị vua đầu tiên và là thủy tổ của loài người.
Tỷ tổ: Ông Tổ đứng đầu và sanh ra một dòng họ, cũng gọi là thủy tổ như Bàn Cổ là tỷ tổ hay thủy tổ của nhơn loại.
Nghĩa câu: Cửu Hoàng Tỷ Tổ là Đức Thái Thượng là vị vua đứng đầu trong 9 vị vua đầu tiên khai hóa nhơn loại và là thủy tổ của nhơn loại.
* Theo quyển Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo cuủa Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.
 
Câu 21: Đại Thiên Thế Giái,
Dương tụng từ ân,
Câu 22: Vĩnh kiếp quần sanh,
Ngưỡng kỳ huệ đức.

Giải nghĩa:
21/- Đại: Lớn,
Thiên: Ngàn,
Thế giái: Những quả linh cầu trong CKVT.
Đại Thiên thế giái: Ý nói  3000 thế giới.
Theo vũ trụ quan của ĐĐTKPĐ, phần trên vũ trụ, Đức Chí Tôn cai quản 36  từng Trời và 3000  thế giới; phần dưới vũ trụ, Đức Chí Tôn tóm nắm 72 quả địa cầu và 4 châu lớn.
Dương: Đưa lên cao cho mọi người xem thấy.
Tụng: Ca tụng
Từ: Lòng từ bi, thương yêu chúng sanh.
Ân: Ơn đức, ân huệ.
 
22/- Vĩnh: lâu dài.
Kiếp: Khoảng thời gian từ lúc sanh ra cho đến khi chết hay diệt. Kiếp ở đây chỉ một đời người, kiếp người.
Vĩnh kiếp : Lâu đời, nhiều kiếp, tức chỉ thời gian lâu dài lắm.
Quần sanh: Chỉ tất cả các loài hữu sanh (kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại).
Ngưỡng ngước mặt lên.
Kỳ: trợ ngữ nhấn mạnh ý nghĩa câu văn.
Huệ: Ơn huệ.
Đức: Điều tốt lành thuận lòng người và đạo đức.
Nghĩa hai câu trên: Cả ba ngàn thế giới, tất cả nhơn loại đều ca tụng lòng từ bi và ơn đức của Đức TTĐQ và muôn đời muôn kiếp chúng sanh đều ngưỡng nhớ đến ân đức của Ngài.
* Theo quyển Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo cuủa Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.
Câu  23:  Đại Thần, Đại Thánh
Chí Cực, Chí Tôn.

Giải nghĩa:
Đại Thần, Đại Thánh: Bực Thần lớn, bực Thánh lớn Chí cực: Rất cao, cao tột.
Chí Tôn: Rất được tôn kính.
Luận giảng:
Tại sao Đức Thái Thượng  Đạo Quân là một Đại Thần, Đại Thánh cao tột và đáng tôn kính ?
 
Chúng ta thấy có các lý do sau đây:
1. - Khí Tiên Thiên sanh ra Đức TTĐQ trước khi khai Thiên lập Địa, là vị Tiên lớn nhứt, làm chủ Tiên Đạo và đứng đầu trong các Tiên có trong CKVT.
2. - Ngài là vị Đại Tiên Thiên Tôn nên gọi là một vị Đại Thần, Đại Thánh rất khiêm nhường đối với phẩm vị của Ngài Ở đây, ý nói Ngài lớn và cao tột trên các Thần Thánh nữa.
3. - Ngài từ Khí Tiên Thiên mà sanh ra, nên có thể nó là chí cực , vị đứng đầu chẳng những các Tiên mà còn là vị giáo chủ Tiên Đạo  (Hồng Quân Lão Tổ là Đức TTĐQ hóa sanh) từ thuở Thái Cỗ, cùng với Đức Nhiên Đăng Cỗ Phật mở Đạo Phật và Đức Văn Tuyên Đế Quân mở Đao Nho.
4. - Chí Tôn: vì Ngài từ bi, ban nhiều ân huệ giáo hóa và cứu độ chúng sanh vô số kể, trong cả ba thời kỳ Đại Đạo khai mở.

Tóm lại, Đức TTĐQ, là một vị Đại Thần, Đại Thánh cao tột và đáng tôn kính vậy.
 
Câu 24:  Tiên Thiên Chánh Nhứt,
 Thái Thượng Đạo Quân
Chưởng Giáo Thiên Tôn.
Niệm: Nam Mô Thái Thượng Đạo Tổ
Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
 
Giải nghĩa:
Tiên Thiên: Trước khi tạo dựng Trời Đất (xem câu 20 Kinh NHTĐ) Chánh: Đứng đầu. Nhứt : một, số 1.
Tiên Thiên Chánh Nhứt: Vào thời kỳ Tiên Thiên, Ngài là người đứng đầu, số 1. 
Đức Thái Thượng Đạo Tổ là vị Tiên lớn nhứt, được sanh ra trước nhứt, đứng đầu Tiên đạo.
Chưởng giáo: Chưởng quản Đạo Tiên, hay giáo chủ Đạo Tiên. Thiên Tôn: Phẩm tước do Đức Chí Tôn phong thưởng, trử Đức Chí Tôn mới xưng là Đại Thiên Tôn, kỳ dư các TTTP đều xưng là Thiên Tôn.
Nghĩa câu: Vào thời Tiên Thiên, Đức TTĐQ là Đấng thứ nhứt, đứng đầu Đạo Tiên, Ngài là Giáo Chủ Đạo Tiên và là vị Thiên Tôn.
Đạo Tổ : Tổ sư Đạo giáo, tức Giáo Chủ Tiên Giáo. Tam Thanh là 3 thanh, gồm Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh.
Ứng hóa:  Ứng là đáp lại; hóa là biến hóa;
Ứng hóa: Biến hóa để đáp lại trong hoàn cảnh nào đó.
* xem phần giải câu 7: Đạo cao nhứt khí, Diệu hóa Tam Thanh.
Niệm: Nam Mô Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn. (3 lạy , 9 gật)
* Theo quyển Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.

KẾT LUẬN:
Tóm lại, qua các câu Kinh Tiên Giáo , cho chúng ta hiểu được các điểm cơ bản sau đây:
- Nguồn gốc bài kinh.
- Sơ lược Tiểu sử về Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Đức Thái Thượng Lão Quân,
- Giáo lý của Kinh Tiên giáo,
- Quyền năng của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Giáo Tổ chưởng quản Tiên Giáo.
- Công Đức vô lượng của Đức Thái Thượng khai lập Tiên Giáo, ban nhiều huệ trạch giáo hóa và cứu độ chúng sanh trong ba Thời Kỳ Phổ Độ.
- Ngài là vị Thiên Tiên Tôn là một vị Đại Thần, Đại Thánh cao tột và đáng tôn kính  
Với sự hiểu biết nông cạn, TĐ chỉ trình bày sơ lược Thể Ngôn của Bài Kinh, chưa nói lên được cái Bí Pháp huyền diệu ẩn tàng trong câu Kinh.

Ngưỡng mong các Thức Giả có tu vi nhiều kinh nghiệm, và các Huynh Tỷ Đệ Muội Đồng Môn đóng góp ý kiến và triển khai sâu rộng hơn để cho chúng ta có nhiều kiến thức hầu lĩnh ngộ giáo lý thâm viển của Bài Kinh. Thành thật tri ân và Nay Kính.

"Nam Mô Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn".   
* Nam Lê (10-2022)

HẾT

Home.   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7[8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17[18].