Mỗi ngày tín đồ Cao Đài đều
đọc ba bài thài: dâng bông, dâng rượu, dâng trà sau các bài kinh cúng tứ thời.
Bài thài là một bài thơ tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ), tức là thơ cổ của Việt
Nam soạn theo luật thơ đời Đường bên Tàu. Bài thài được đọc ngân dài từng chữ một
trên nền nhạc Đảo Ngũ Cung, thể loại dân nhạc cổ truyền miền Nam Việt Nam. Kính
mời quý đồng đạo nghe bài dâng bông ở đây:
Có lẽ phần lớn tín đồ đều biết
đây là một trong những nghi lễ quan trọng của Cao Đài Giáo. Hôm nay kính mời
quý đồng đạo cùng tìm hiểu kỹ nghi lễ này, có tên là Dâng Tam Bửu. Hiểu rõ mọi
ý nghĩa thần học cần thiết thì chúng ta mới thực hành toàn tâm toàn ý, mà thành
tâm cộng với niềm tin là bước đầu học “đạo” đó vậy.
Bàn thờ Đạo Cao Đài
NGUỒN
Theo Encyclopedia Britannica
(Tự Điển Bách Khoa của Anh), ngay từ lúc bắt đầu có ý thức tín ngưỡng, loài người
đã biết dâng lễ vật lên cho một Đấng Thiêng Liêng trong những nghi lễ gọi là hiến
tế. Bằng chứng về các lễ hiến tế được phát hiện trong tàn tích của những nền
văn hoá đã mất trên khắp thế giới. Dù giới nghiên cứu chưa nhất trí về lý do tại
sao phải hiến tế, nhưng họ thấy rằng người ta thường dâng những gì được xem là
quý giá lên các Đấng Thiêng Liêng.
Phân tích lịch sử các tôn
giáo trên thế giới người ta phân loại các tế phẩm như sau:
1. Máu của động vật hay của
người. Người ta hiến tế máu vì cho rằng đó là nguồn sinh lực quý giá nhất.
Không có máu các sinh vật sẽ chết. Để có máu, dĩ nhiên, phải giết một người hay
một con vật nào đó. Đây là tế phẩm cổ xưa nhất của loài người và hiện nay chỉ
có những bộ lạc sống xa nền văn minh còn thực hiện. Phần lớn các nền văn minh hiện
nay xem nghi lễ loại này là quá man rợ. Ở Việt Nam, người ta còn thấy dấu tích
nghi lễ này qua lễ hội Đâm Trâu của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên Trung Phần
như Ba Na, Ê Đê, Gia Rai…
2. Các loại thức uống, rau
và trái cây. Nhiều tôn giáo yêu cầu dùng nước, nước ép trái cây hay rượu làm đồ
cúng. Ngày nay đây là đồ hiến tế được ưa chuộng nhất.
3. Thậm chí một vị Thần
Thánh nào đó cũng có thể được dùng để hiến tế. Thí dụ như trong Thánh Đạo (Đạo
Thiên Chúa), Đức Chúa Jesus đã hiến tế xác thân của chính ngài để chuộc tội cho
loài người.
Nơi người Aztec dùng con người để hiến tế
BA BÀI THÀI
Tín đồ Cao Đài cũng có nghi
lễ hiến tế gọi là Dâng Tam Bửu. Thánh Ngôn Cao Đài dạy rằng mỗi cá nhân đều có
tam bửu (ba món quí giá nhất) dùng để dâng lên cho Đức Chí Tôn. Đó là Tinh (thể
xác), Khí (tinh thần), Thần (linh hồn). Nghi lễ này được thể hiện qua hai phần.
Một, trên bàn thờ sẽ bày lễ phẩm bao gồm: năm loại hoa tươi tượng trưng cho thể
xác (Tinh), ba chung rượu trắng cho tinh thần (Khí), và một chung trà cho linh
hồn (Thần). Hai, tín đồ hoặc đồng nhi đọc ba bài thài. Tác giả của ba bài này
là ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, có Bát Nương Nữ Phật giáng cơ chỉnh
thơ:
Dâng bông:
Từ bi giá ngự rạng môn thiền
Đệ tử mừng nay hữu huệ duyên
Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ
Cúi mong Thượng Đế rưới ân
thiên.
Nghĩa :
Đức Chí Tôn đến làm Thánh Thất
chúng con rực sáng
Chúng con mừng vì được may mắn
như vậy
Kính dâng lên Ngài năm loại
hoa
Cầu mong Ngài ban ơn cho chúng
con.
Dâng rượu:
Thiên ân huệ chiếu giáng thiền
minh
Kỉnh lễ trường xuân chước tửu
quỳnh
Lạc hứng khấu cung giai miễn lễ
Thoát tai bá tánh ngưỡng ân
sinh.
Nghĩa:
Kính lạy Đức Chí Tôn ban ơn
cho Thánh Thất chúng con
Kính dâng lên Ngài chung rượu
quý
Chúng con vui mừng và chân
thành làm lễ
Mọi người sống bình an là nhờ
ơn phước của Ngài
Dâng trà:
Mai xuân nguyệt cúc vị trà
hương
Kỉnh lễ thành tâm hiến bửu
tương
Ngưỡng vọng từ bi gia tế phước
Khai minh đại đạo hộ thanh bường
(bình)
Nghĩa:
Chén trà thơm mùi
hoa mai hoa cúc
Chúng con chân
thành kính dâng lên Đức Chí Tôn
Kính mong Ngài ban
phước cho chúng con
Khai sáng đạo Cao
Đài và ban thanh bình cho chúng con.
Ý NGHĨA THẦN HỌC
Gần một thế kỷ trôi qua, không ít tín đồ chúng ta chỉ kiểm tra đồ cúng
trên bàn thờ có đủ chưa, bày biện có đúng theo hướng dẫn của Hội Thánh không.
Sau đó chúng ta cùng đọc bài thài cho đúng nhịp Đảo Ngũ Cung. Vậy là chúng ta tự
hài lòng vì mình đã dâng ba phần quí giá lên Đức Chí Tôn Thượng Đế. Tuy nhiên,
nếu tìm hiểu kỹ ý nghĩa của nghi lễ này thì dâng Tam Bửu không chỉ đơn giản như
vậy.
Tín đồ Cao Đài chuẩn bị cúng phẩm bông
Trước hết, Đức Hộ Pháp đã giải
thích lý do tại sao phải dâng Tam Bửu rất chi tiết trong những lần ngài giảng đạo
tại Đền Thánh. Kính mời quý đọc giả đọc lại những lời dạy quí giá đó trong 06
quyển Thuyết Đạo, Ban Tốc Ký TTTN ghi lại, Hội Thánh giữ bản quyền và phát
hành. Có thể download (lấy sách về máy tính hoặc điện thoại) tại địa chỉ đáng
tin cậy sau (ST):
Trong bài viết này tôi chỉ
xin góp thêm suy nghĩ riêng của cá nhân mình. Bước đầu, tôi xin đặt hai vấn đề
như sau:
1. Chúng ta sẽ dâng ba phần
quý giá lên cho Đức Chí Tôn, nhưng phải chuẩn bị cúng phẩm như thế nào cho xứng
đáng?
2. Đức Chí Tôn chắc chắn
không cần Tam Bửu của chúng ta vì Ngài sinh ra chúng ta được mà. Vậy sao lễ
nghi buộc chúng ta làm như vậy hằng ngày đến 4 lần (tứ thời)?
Vấn đề 1
Ngay từ thuở xa xưa, lễ phẩm
hiến tế đã được chọn lựa rất kỹ lưỡng. Phải là vật phẩm có chất lượng cao thì mới
được đưa lên bàn thờ để chứng tỏ lòng chân thành tôn kính. Vậy bây giờ mình
cũng phải chuẩn bị lễ phẩm Tinh, Khí, Thần thật kỹ trước khi dâng lên cho Đức
Chí Tôn. Ý tưởng cho rằng Tam Bửu đương nhiên là “quí” rồi, cứ dâng lên khỏi cần
chuẩn bị, là quá dễ dãi. Xin bàn rõ thêm về từng phần một.
Trước hết là cúng phẩm thứ
nhất: Tinh. Bây giờ lên Internet thì thấy hàng loạt định nghĩa Tinh là thế này
thế kia đủ kiểu. Sở dĩ như vậy là vì khái niệm Tam Bửu bắt nguồn từ đạo Lão ở
Trung Quốc cổ đại. Đạo Lão đến nay đã phát triển thành hàng ngàn chi phái khác
nhau, mỗi chi đưa ra một giáo lý riêng, có khi chỉ khác nhau ở cách dùng từ ngữ!
Tín đồ Cao Đài chúng ta không có thì giờ để tìm hiểu, đối chiếu hết những lý luận
đó đâu. Để tiết kiệm thời gian, Đức Hộ Pháp và Bát Nương Diêu Trì Cung Nữ Phật
đã dạy chúng ta: Tinh là cơ thể hay xác thân. (Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp đêm
01-09 năm Kỷ Sửu - 22-10-1949 & Bí Pháp Luyện Đạo - Từ Huệ 1979).
Tinh hay xác thân con người.
Vậy muốn dâng xác thân của
mình lên cho Đức Chí Tôn thì phải chuẩn bị những gì? Để trả lời câu hỏi này
chúng ta hãy nhìn minh họa của cúng phẩm trên bàn thờ: Đó là năm loại hoa tươi,
tượng trưng cho ngũ tạng (tim, gan, lách, phổi, thận) trong cơ thể con người.
Đây là khái niệm Ngũ Hành được vận dụng trong Y Học cổ truyền Trung Hoa về cơ
thể người. Hoa tươi ẩn dụ giai đoạn phát triển đầy đủ nhất của thực vật, sẵn
sàng thụ phấn, cho trái, sinh hạt để mầm sống tiếp nối trong trời đất. Tức là
các bộ phận trong cơ thể mình phải ở vào giai đoạn phát huy cao độ và phối hợp
tốt nhất để tạo ra một cơ thể khỏe mạnh. Vậy thì bước đầu là ta phải dâng cơ thể
khoẻ mạnh này cho Đức Chí Tôn.
Muốn có cơ thể khỏe mạnh thì
ai cũng biết là, trước hết, cần phải tránh xa những trò ăn chơi sa đoạ như nhậu
nhẹt, dùng ma tuý v.v... Kế đó là học cách ăn uống và thể dục, theo phương Tây
hoặc Đông cũng được, để chăm lo cho sức khoẻ của mình. Và quan trọng nhất là ăn
chay một tháng 10 ngày hay ăn chay trường. Tôi trộm nghĩ, làm được những điều
đó thì mới có thể mạnh dạn đọc bài thài dâng bông lên cho Đức Chí Tôn.
Sẽ có người than thở, tôi
không may bị bệnh tật triền miên, làm sao có thể xác khỏe mạnh mà dâng cho Đức
Chí Tôn? Đây là một tình huống rất đáng thương mà ai trong chúng ta cũng có thể
gặp phải trong cuộc đời! Trong trường hợp này tôi cho là nên suy nghĩ uyển chuyển
một chút: tuy đau ốm, có lẽ cũng có những khoảnh khắc ta cảm thấy nhẹ nhàng,
bình tĩnh, đó chính là lúc “khoẻ mạnh nhất của mình”, vậy thì hãy tạm dâng cơ
thể vào lúc đó vậy.
Cũng có người hỏi tắm rửa sạch
sẽ trước khi cúng thì có được không? Rất tốt, nhưng đó chỉ là sạch sẽ bên
ngoài. Muốn phần Tinh trong sạch thì phải bắt đầu từ việc ăn uống, vận động mà
chủ yếu là ăn chay. Nhưng ăn chay thế nào cho đừng bị thiếu chất bổ, rồi bị suy
dinh dưỡng thì con đường ra nghĩa trang sẽ gần hơn đường đắc đạo đó. Cũng có mấy
đạo tỷ đạo muội hỏi rằng những khi hành kinh thì cơ thể không sạch sẽ, vậy làm
sao làm lễ được? Xin trả lời bằng một câu chuyện có thật trong sử đạo. Bà Giáo
Sư Hương Hồ, một hôm không đến cúng. Bát Nương Nữ Phật hỏi thì bà trả lời vì có
kinh nguyệt nên không dám đến. Bát Nương Nữ Phật cho bài thi sau:
Thân phận phàm nhơn trược đã đành
Chẳng vì nguyệt huyết kỵ anh linh
Âm dương nam nữ hoa trêu bướm
Hòa ái tương sanh thủy nhập bình
Tạo hóa ví tay xây đảnh trí
Chúng sanh nên mặt tạo khuôn hình
Thợ trời đâu dễ chê đồ đạo
Tốt xấu sạch dơ tại miệng mình.
* Diêu Trì Cung Bát Nương Nữ Phật.
Đại Đạo Bí Sử - Trần Văn Rạng.
Đây là quan điểm rất mới so
với xã hội Việt Nam thời bấy giờ, vốn xem kinh nguyệt phụ nữ và chuyện phòng
the là nhơ bẩn. Bát Nương Nữ Phật dạy rằng đó chỉ là việc tự nhiên, dơ hay sạch
là do mình nghĩ ra mà thôi. Cho tới bây giờ là năm 2022, dưới ánh sáng khoa học,
chúng ta càng hiểu rõ thêm lời Bát Nương dạy là đúng.
Thú vị là các đấng thiêng
liêng biết rõ một điều: không phải chỉ người bệnh mà cả người trẻ khỏe cũng
không điều khiển được cơ thể theo đúng ý muốn 100%. Xác thân có tiếng nói riêng
và thậm chí quyết định sự sống của chúng ta. Thí dụ như khi bị virus Covid-19 tấn
công, chúng ta không thể ra lệnh giết hết virus đi mặc dù xác thân có thể tự
sinh ra kháng thể để tiêu diệt chúng. Việc sinh ra kháng thể là hoàn toàn do cơ
thể tự quyết định theo một cơ chế mà khoa học vẫn còn chưa nắm hết. Như chúng
ta thấy, cùng là người trong gia đình, nhưng có người bị nhiễm COVID-19 nặng,
có người không. May là hiện nay khoa học có thể làm được vắc xin để kích thích
cơ thể sinh kháng thể, chứ không thì đành chờ hên xui thôi!
Nói tóm lại, mình đâu có
hoàn toàn làm chủ được xác thân của mình nên chỉ “dâng” cho Đức Chí Tôn được phần
nào hay phần nấy! Vì vậy, chỉ có tiểu đàn và đại đàn Đạo Cao Đài mới buộc thực
hiện đủ nghi tiết dâng bông, dâng rượu, dâng trà. Còn hàng ngày chỉ dâng rượu
thời Ngọ (11:00-13:00) và Tý (23:00-01:00), dâng trà thời Mẹo (05:00-07:00) và
Dậu (17:00-19:00). Nghĩa là, chỉ dâng phần khí (tinh thần) và thần (linh hồn)
cho Đức Chí Tôn hàng ngày thôi, không yêu cầu dâng phần tinh (thể xác).
Đối với cúng phẩm thứ hai là
Khí, cũng cần có những bước chuẩn bị. Giáo lý Cao Đài định nghĩa Khí là phần
tinh thần của chúng ta, nghĩa là phần mà ta có thể dùng suy nghĩ để tương tác.
Phần này thì chúng ta dựa vào hai điều: một, vật tượng trưng cho khí là rượu trắng;
hai, tượng Hộ Pháp trên ngai Thất Đầu Xà (rắn bảy đầu).
Ngai Thất Đầu Xà
Rượu là một ẩn dụ lý thú.
Ngày nay, khoa học biết rằng các sinh vật nhỏ li ti, tức là men rượu, đã biến đổi
chất đường thành rượu (cồn). Sau đó người ta chưng cất để lấy rượu tinh túy còn
cặn bã thì bỏ đi. Các sinh vật li ti trong cơ thể chúng ta cũng vậy, chúng biến
đổi thức ăn thành năng lượng. Nhờ năng lượng này, chúng ta mới có thể sống và
biết mọi vật. Biết rồi phát sinh cảm xúc. Vậy cảm xúc là kết quả cuối cùng của
quá trình “tinh biến đổi thành khí” giống như rượu là kết quả quá trình lên men
vậy.
Tượng Hộ Pháp trên ngai Thất Đầu Xà
Nhưng nếu chúng ta để cho những
xúc cảm này xui khiến thì sẽ phạm tội lỗi. Một ví dụ dễ thấy, thương yêu là
tình cảm đem lại mặt tích cực cho cuộc sống, nhưng có khi ta thương ai đó đến mức
bất kể phải trái, thậm chí phải phạm tội để giữ tình cảm đó, thì thương yêu
không còn giá trị ban đầu nữa rồi. Tóm lại, phải biết cách điều khiển những cảm
xúc của mình thì khí mới phát huy hết sức mạnh.
Những tình cảm này giống như
rượu vậy, nếu uống một chút sẽ thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, uống nhiều
thì sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe, chưa nói tới bị ghiền là bất trị luôn. Hãy
quan sát tượng Hộ Pháp đè hai tay, đạp hai chân lên bốn đầu rắn Nộ, Ố, Dục, Bi,
nhưng để cho ba đầu Hỉ, Ái, Lạc vươn lên nhìn vào đỉnh đầu. Đây là ẩn dụ phải
đè nén sự giận dữ, tính ganh ghét, lòng tham, buồn thảm quá độ, đồng thời cho
phép mừng vui, thương yêu, hài lòng ở mức độ vừa đủ. Làm được như vậy là tạo điều
kiện để khí phát huy đầy đủ nhất. Lúc đó, chúng ta có thể dâng lên cho Đức Chí
Tôn.
Giống như hai phần tinh,
khí, phần Thần cũng được ẩn dụ bằng cúng phẩm trà. Có lẽ một vài chi tiết sau sẽ
làm rõ ý tại sao dùng trà tượng trưng cho thần (linh hồn). Theo Katie Hunt viết
cho mục sức khoẻ của CNN ngày 23/5/2021, trà hiện nay là thức uống được ưa
thích đến mức Liên Hiệp Quốc chọn ngày 21/5 làm ngày “International Tea Day”
(Ngày uống trà của thế giới). Còn Giáo Sư Stefan Borgwardt, Chủ Nhiệm Khoa Tâm
Thần và Tâm Lý Liệu Pháp thuộc Đại Học Lubeck, Đức Quốc, nói rằng trà làm giảm
sự âu lo, có lợi cho trí nhớ và tăng chức năng não bộ người. Từ kết quả khoa học
này, ta có thể suy luận nghịch chiều là nếu giảm được âu lo thì bộ não sẽ hoạt
động tốt nhất, tạo điều kiện thích hợp nhất để cho phần thần (linh hồn) có thể
đến với cơ thể. Với những nhận định trên, xin hiểu rằng giữ cho tỉnh táo, không
âu lo (chứ không phải uống một tách trà) chính là dâng phần thần lên cho Đức
Chí Tôn.
Thực hiện được những bước
chuẩn bị nêu trên mới có thể gọi là bước vào nghi thức dâng Tam Bửu.
Vấn đề 2
Xin chuyển sang vấn đề tại
sao mỗi ngày phải dâng Tam Bửu đến 4 lần. Tôi nghĩ rằng yêu cầu thực hiện nhiều
lần trong ngày là một hình thức nhấn mạnh bởi vì khái niệm Tam Bửu hết sức khó
hiểu, cần học hỏi, suy nghĩ, làm theo cho đúng. Thiêng liêng biết rằng vì quá
khó hiểu, người ta sẽ bỏ qua và dần dần quên lãng. Thông thường, hễ nói rằng
càng đọc kinh, càng có nhiều công đức thì dễ hiểu dễ làm hơn, nên các đấng khuyến
khích đọc đi đọc lại càng nhiều càng tốt. Dù không hiểu nhưng chúng ta sẽ nhớ
và biết đâu khi gặp đúng thời cơ sẽ bất chợt “ngộ” ra vấn đề.
Khái niệm Tam Bửu phần nào
có liên quan đến hai câu kinh sau đây, trong bài kinh Phật Giáo khi tín đồ Cao
Đài cúng tứ thời:
Hán Văn
功參太極 破⼀竅之⽞關
性合無為 統三才之秘旨
Hán Việt
Công tham thái cực phá nhất
khiếu chi huyền quan
Tánh hiệp vô vi thống tam
tài chi bí chỉ
Dịch nghĩa (Từ Chơn dịch)
Theo lý thái cực mở cánh cửa
huyền diệu nhất nguyên. Hiệp với vô vi là chỉ dẫn quan trọng để kết hợp ba điều
quí báu.
Biểu tượng Âm Dương, Ngũ Hành của Đạo Lão
Đầu tiên, xin định nghĩa những
khái niệm quan trọng. Đây là những ý tưởng của Trung Hoa cổ đại được truyền lại
từ mấy ngàn năm nay.
• Thái Cực - Thái = rất, hết
sức. Cực = đầu, cuối. Thái Cực diễn đạt khái niệm tột cùng của thế giới vật chất.
Thái Cực là trạng thái có trước khi nhị nguyên (Âm Dương) xuất hiện.
• Nhứt Khiếu Huyền Quan còn
gọi là Huyền Quan Nhứt Khiếu. Huyền Quan = cánh cửa huyền diệu. Nhứt Khiếu = một
cửa mở, một nơi thông suốt. Cánh cửa huyền diệu mở bằng nhất nguyên hay cái một
(oneness).
• Vô Vi. Vô = không. Vi =
làm, hành động. Từ này có hai nghĩa: Một là, diễn đạt trạng thái trước khi có
Thái Cực. Hai là, nhắc lại nguyên tắc “vô vi nhi vô bất vi” trong Đạo Đức Kinh.
• Tam Tài = 3 vật quí báu
trong trời đất, ở con người là Tinh, Khí, Thần.
Đây là những nguyên tắc tu
luyện của Đạo Lão đã cổ xưa tới mấy ngàn năm. Mới đọc qua chắc là sẽ thấy cực kỳ
bí hiểm. Đặc tính của tôn giáo phương Đông là một chút luận lý cộng với một
chút thần bí, nhưng cứ bình tĩnh tra cứu và dùng kiến thức sẵn có của mình thì
sẽ tìm ra đầu mối.
Hai câu kinh trên viết theo
văn biền ngẫu (biền = 2 ngựa đi song song; ngẫu = một đôi). Loại văn này có ý
nghĩa tổng hợp từ cả hai câu chứ không tách rời từng câu. Vậy nghĩa hai câu
trên là: Hãy theo lý “thái cực” hay “vô vi” nếu muốn “phá huyền quan nhứt khiếu”
và “thống tam tài”. Theo lý Thái Cực hay Vô Vi là thuật ngữ của Đạo Lão dạy
cách luyện đạo, còn phá huyền quan nhứt khiếu và thống tam tài để chỉ cứu cánh
đắc đạo. Nói ngắn gọn là hãy hành động theo lý thái cực và lý vô vi để đắc đạo.
Thiết tưởng trước khi nói tiếp
cần nhắc lại Thánh Ngôn Cao Đài: “Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi
trong Càn Khôn Thế Giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là
Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng
biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giới”. TNHT
Biểu đồ Bát Quái của Đạo Lão.
Suy ra, Hư Vô (còn gọi là Vô
Vi) => Thái Cực => Lưỡng Nghi =>Tứ Tượng =>Bát Quái => Mọi Vật.
Nghĩa là, Hư Vô và Thái Cực có trước Âm Dương. Âm Dương phối hợp sinh ra mọi vật,
bao gồm chúng ta. Đây là chiều thứ nhất: sinh ra vạn vật. Đạo Cao Đài dùng từ
“hiệp một cùng Thầy” để chỉ tiến trình tu học đi ngược lại chiều thứ nhất.
Nghĩa là từ mọi vật hay Bát Quái =>Tứ Tượng =>Lưỡng Nghi=>Thái Cực=>Hư
Vô. Bởi thế người xưa hay nói “phản bổn hườn nguyên”, tức là quay trở lại cái gốc.
Vẫn còn khó hiểu, phải không
quí đồng đạo? Đó là phần lý thuyết để tu luyện theo Lão Giáo cổ đại. Còn phần
làm gì cụ thể, ngày xưa phải tìm Đạo Sư để học. Không may, hiện nay không thấy
còn có tài liệu nào hướng dẫn. Còn Đạo Sư (guru) thì vô số người vỗ ngực xưng
tên bằng đủ thứ danh hiệu kỳ lạ và ngộ nghĩnh. Điều quan trọng là ta không thể
nào xác định được ai là chơn sư (thầy thực sự). Tôi có nghe một đồng đạo có
trình độ đại học đã đóng học phí 600,000 ₫ cho một ông thầy thuốc Nam để học
Thiền. Sau sáu tháng nghe ông giảng dạy, anh nói không thấy có gì mới. Thật là
đau lòng! Quá bận rộn kiếm sống, không có thời gian để tự trang bị kiến thức về
tôn giáo nên anh gặp phải tình huống đáng tiếc như vậy. Cũng may cho anh vì,
theo chỗ tôi biết, có một cô giáo người Việt ở bên Mỹ còn đưa cả xe hơi cho sư
phụ nữa kia! Kết quả là đắc đạo hay không thì không ai biết, nhưng chiếc xe thì
không thể lấy lại.
Thế nhưng trong bài này, tôi
chỉ bàn về nghi lễ dâng Tam Bửu thôi, chứ không bàn về luyện Tam Bửu, vì vậy
quý vị đồng đạo muốn biết thêm về Tịnh Luyện, Luyện Tam Bửu hay tu chơn tức
pháp môn thứ ba của Cao Đài xin đọc bài Thiền và Tịnh Luyện ở địa chỉ sau:
Nói ngắn gọn, qui định phải
dâng Tam Bửu đến 4 lần trong ngày là để nhắc nhở tín đồ đây là cách tu tập cốt
lõi của Cao Đài mà mọi người cần ghi nhớ, tìm tòi, học tập để thực hành cho bản
thân.
THỰC HÀNH
Với luận thuyết nêu trên,
thì quan điểm làm công quả trước, rồi khi đủ tam lập mới vào Nhà Tịnh để luyện
Tam Bửu xem ra có chút vấn đề rồi vậy. Không lẽ chưa vào Nhà Tịnh thì chúng ta
không cần chăm sóc thân thể, không cần kềm chế 7 tình cảm, không cần quan tâm đến
phần hồn, tức là lắng nghe tiếng nói của lương tâm sao?
Trí Huệ Cung, một trong ba Tịnh Thất Cao Đài.
Nếu làm đúng theo Cao Đài
thì thực sự chúng ta đã phải trau dồi Tinh Khí Thần hằng ngày để dâng cho Đức
Chí Tôn ngay từ lúc nhập môn. Ý tưởng này sẽ lớn dần theo thời gian đến khi
tinh thần chín chắn về mặt tôn giáo thì chúng ta mới bước vào con đường thứ ba:
luyện Tam Bửu. Lúc đó Tam Bửu đã thật sự đủ sức để “tịnh luyện” rồi.
Ngày 1-2 Năm Đinh Hợi
(1947), Đức Hộ Pháp đã dạy rằng: “Chúng ta đạt pháp do chúng ta có ba thể tương
liên. Đừng tưởng chúng ta không đạt được. Chúng ta hễ đi được thì đi hoài, đâu
cũng có đường hết thảy. Song muốn đạt được pháp thì phải luyện. Ban sơ mới khai
Ðạo chúng ta phải thi hành thể pháp nếu sau nầy không đạt được chơn pháp thì
cũng như con người có quần mà không có áo vậy”.
Rõ ràng, từ giai đoạn thực
hành tam lập, người tín đồ Cao Đài đã chuẩn bị Tam Bửu hàng ngày rồi. Tịnh luyện
ở Tịnh Thất chỉ là giai đoạn tập trung cao độ hơn để đạt kết quả thôi. Kết quả
đó được gọi là đắc đạo, liễu đạo, ngộ đạo, đắc pháp, đạt pháp, ấn chứng v.v…tuỳ
theo sở thích và hiểu biết từng cá nhân.
THÚC
Với phần trình bày trên, tôi
thấy rằng tất cả những quan điểm như “chi phái này lo phổ độ, chi phái kia lo tịnh
luyện” hay “lần ba này chỉ cần phổ độ thôi, được miễn tịnh luyện” là hoàn toàn
phá sản. Chia ra chi phái là một động tác đi ngược lại lý tưởng “Tam Giáo qui
nguyên Ngũ Chi phục nhứt”. Bản thân mình cổ vũ chia rẽ thì sao rao giảng thống
nhất với người khác được! Ngay cả tụ tập vài người rồi đặt tên cho kêu, cho lạ
cũng đã là chia phe phân phái rồi.
Còn nói được miễn tịnh luyện
(có người còn nói… cấm tịnh luyện) là không những chưa đọc kỹ thánh ngôn, Tân
Luật mà còn phủ nhận tính nhất quán của pháp môn Cao Đài về Tam Bửu. Như đã bàn
ở trên, ngay từ lúc nhập môn tín đồ đã phải bắt đầu trau dồi Tam Bửu rồi, hay
nói rõ hơn là đã “tịnh luyện” ở mức độ sơ đẳng rồi vậy. Hơn nữa quan điểm này sụp
đổ ngay trong giai đoạn Covid-19 tấn công, lúc đó không đi phổ độ được thì hành
đạo sao đây? Tưởng tượng xem, trong tương lai một loại virus nào đó vượt quá khả
năng làm vắc xin của loài người thì có đi đến Thánh Thất mà hành đạo được
không? Lúc đó chỉ còn ở nhà thôi, nên tịnh luyện sẽ là pháp môn thích hợp nhất.
Thực sự, pháp môn Cao Đài nhất
quán không chia năm xẻ bảy gì cả. Thể Pháp và Bí Pháp là một, Phổ Độ và Tịnh
Luyện là một. Ngay từ lúc nhập môn, tín đồ vừa lo tam lập vừa chuẩn bị Tinh Khí
Thần cho toàn vẹn để có cơ hội thì vào Tịnh Thất. Chính vì vậy mà ở Chương II
Điều 13 Tân Luật Pháp Chánh Truyền Cao Đài có ghi rõ: “Trong hàng hạ thừa, ai
giữ trai kỳ từ mười ngày sắp lên, được thọ truyền bửu pháp, vào tịnh thất có
người chỉ luyện Đạo”.
Lưu ý rằng luật đề cập hạ thừa,
nghĩa là tín đồ bình thường chứ không phải chức việc chức sắc gì cả. Tóm lại ai
cũng được miễn là Hội Thánh chấp thuận. Bởi là tín đồ thì đã chuẩn bị Tinh Khí
Thần hàng ngày đến 4 lần nên vào Nhà Tịnh là luyện đạo được rồi. Nhưng xin nhắc
lại phải chuẩn bị theo trình bày ở phần trên thì tịnh luyện mới hy vọng có kết
quả, chứ không phải chỉ đọc ba bài thài 4 lần/ngày là xong đâu.
Mong rằng từ nay, khi đọc
bài thài dâng bông, rượu, trà thì chúng ta cũng đồng thời suy ngẫm xem mình đã
chuẩn bị cúng phẩm kỹ lưỡng chưa. Nếu chưa thì lần sau cố gắng, cố gắng mãi cho
đến khi đủ sức vào Tịnh Thất. Không gì hài hước bằng mình vẫn nuôi lòng hận thù
với người khác (dù cho người đó theo tà đạo đi nữa) mà miệng thì đọc “Con xin
dâng chung rượu quý lên cho Đức Chí Tôn”! Chung rượu đó là Khí, tinh thần của
chúng ta. Hãy tự hỏi, nếu tinh thần đó ngập tràn thù hận thì dâng lên cho Đức
Chí Tôn, là nguồn cội của tình thương, có thích hợp hay không?
* Từ Chơn Sài Gòn,
June
27-2022