NGHỆ THUẬT UỐNG TRÀ - 003. * Nguyễn Vân Xuyên.

NƯỚC PHA TRÀ và CÁC DỤNG CỤ UỐNG TRÀ.
       * Phần Thứ Nhất : Nước Pha Trà.
       - Đối với các Trà Nhân thưởng Trà từ xưa đến nay cũng như đối với các Trà Sư trong kim cổ, tất cả mọi người đều công nhận rằng: "sau Trà thì Nước để pha trà giữ một vai trò quan trợng thứ nhì". Cũng vì cái giá trị quý báu đó mà những người thưởng Trà đã bỏ ra không biết bao nhiêu công lao khó nhọc để đi tìm cho bằng được những loại Nước tốt, ngon để pha cho được "một bình trà, một tách trà tuyệt hảo". Và cũng vì thế mà bất cứ loại nước nào chúng ta cũng có thể pha được Trà để uống ... nhưng muốn có được một bình trà ngon, một tách trà ngon thì phải có được nước pha trà chọn lọc.
       - Ông Trà Sư Lục Vũ đã nói một câu nói về Nước để pha Trà và câu nầy đã trở thành khuôn vàng thước ngọc và là một lời khuyên thật quý báu cho các trà nhân từ nhiều ngàn năm nay: "sơn thủy thượng, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ" (nước suối hạng nhất, thứ nhì đến nước sông và thứ ba đến nước giếng).
       - Khi bàn về nước pha trà qua các sử liệu, chúng ta được biết có rất nhiều giai thoại về Nước để thấy rằng những Trà Sư trong thiên hạ rất thông thạo về các loại nước pha trà :
       * Ông Vương An Thạch, một Tể Tướng đời nhà Tống khi bị ốm đau được Vua Tống ban cho một ít trà Dương Tiễn để uống trị bệnh (vì các loại trà tốt là các dược thảo rất quý để trị bệnh). Và lúc đó có một viên quan từ tỉnh Tứ Xuyên sắp về triều và vị quan nầy lại đi ngang qua sông Dương Tử và ông có nhiệm vụ mang về cho Tể Tướng Vương An Thạch một chum nước ở cấp hai. Có lẽ vì mãi mê ngắm các cảnh đẹp của sông Dương Tử hay vì một lý do nào đó mà khi nhớ đến việc lấy nước thì đoàn thuyền của vị quan đã đến khúc sông có nước ở cấp ba và ông quan nầy đành phải lấy nước ở cấp ba và ông nghĩ rằng nước của sông Dương Tử thì chỗ nào cũng giống nhau.
       - Đến kinh đô, sau khi được nước và pha trà xong, Tể Tướng Vương An Thạch nhìn trà và nói ngay: "Hãy cho biết sự thật là ông đã lấy nước ở đâu ?". Viên quan khẳng định là lấy nước ở cấp hai. Tể Tướng Vương An Thạch bèn nghiêm sắc mặt và mắng: " ngươi thật đáng tội, đã lấy nước ở cấp ba mà còn dám nói dối, có phải như thế không ?". Lúc bấy giờ, biết rằng mình không thể nào chối cải được nữa, viên quan nầy bèn cúi đầu chịu tội nhưng đã tỏ ra thắc mắc không hiểu tại sao Tể Tưởng họ Vương lại biết chính xác đó là nước ở cấp ba. Liền ngay sau đó thì Tể Tướng Vương An Thạch nói tiếp: "Là người quân tử khi nói được điều gì thì phải có chứng cớ đứng đắn. Ta đã đọc khá nhiều sách về Nước pha trà nên biết rằng nước ở thượng cấp quá siết, ở hạ cấp thì quá chậm, chỉ có nước ở trung cấp là trung hợp. Khi pha trà với nước thượng cấp thì trà sẽ mau tan, hương trà mau nổi mà không bền. Nước ở hạ cấp như nước nầy thì đợi chờ lâu lắm trà mới thấm, nhìn thấy trầm trầm thiếu khí lực".
       * Ông Lý Quý Khanh được cử đi làm Thứ Sử ở vùng Hồ Châu và ông phải dùng thuyền đi ngược sông Dương Tử để đến Hồ Châu. Đến nửa đường thì đoàn thuyền dừng lại và ông đã gặp ông Lục Vũ. Ông Lý Quý Khanh cũng là một nghệ nhân thưởng trà và đã từng nghe danh ông Lục Vũ cho nên bèn cho người đến mời ông Lục Vũ đến gặp và mời cùng được thưởng trà.
       - Để làm vui lòng Trà Sư Lục Vũ, cũng như để tỏ lòng kính trợng ông Lục Vũ, một bậc Trà Sư trong thiên hạ, ông Lý Quý Khanh bèn ra lệnh cho một viên thuộc quan dưới quyền chỉ huy một chiếc thuyền đến tận Nam Linh lấy nước về để pha trà đãi ông Lục Vũ. Khi nước được mang về, ông Lục Vũ lấy bát múc nước thử và nói ngay : " Nước nầy đúng là nước sông nhưng không phải là nước ở Nam Linh ". Viên thuộc quan khẳng định là nước ở Nam Linh.
       - Ông Lục Vũ không tranh luận, ông tự tay lấy một môi dài và thọc vào chum nước, môi đến độ khoảng hơn nửa chum thì ông nói ngay : " Phía dưới thì quả đúng là nước của Nam Linh, còn phía trên thì chắc chắn là không phải ". Biết là không thể nào qua mặt được Trà Sư Lục Vũ, viên thuộc quan bèn tự thú : " Quả thực có đến tận Nam Linh lấy nước, nhưng trên đường về vì bất cẩn và vì thuyền bị chồng chành nên chum nước bị đỗ mất một nửa. Vì sợ bị khiển trách cho nên ông đã lấy thêm nước chỗ khác vì nghĩ rằng nước sông thì chỗ nào cũng giống nhau ". Và cũng nhờ giai thoại nầy mà ông Lục Vũ đã được nổi danh về Trà trong thiên hạ.
       A. Các Nguồn Nước Nổi Danh Trong Thiên Hạ Qua Các Cổ Thư : (của Trung Hoa). 
     Vào đời nhà Đường, trong quyển "Tiễn Trà Thủy Ký", ông Trương Hựu Tân đã liệt kê hẵn 20 nguồn nước đệ nhất trong thiên hạ (dĩ nhiên là ông chỉ chú trọng và liệt kê ở Trung Hoa mà thôi - Ghi chú riêng của Tác Giả). Xin được phép ghi lại theo thứ tự và thứ hạng:
       1. Nước ở động Thủy Liêm ở vùng Khang Vương Cốc trên núi Lô Sơn.
       2. Nước suối Thạch Tuyền chùa Huệ Sơn huyện Vô Tích.
       3. Nước ở Thạch Tuyền Lan Khê ở vùng Kỳ Châu.
       4. Nước ở Độc Tinh Lãnh trên núi Phú Tử Sơn ở Hạp Châu.
       5. Nước ở Thạch Tuyền của Hồ Khẩu Tự huyện Tô Châu.
      6. Nước ở đầm Phương Kiền của Quai Hiền Tự  trên núi Lô Sơn.
       7. Nước suối ở Nam Linh thuộc Dương Tử Giang.
       8. Nước suối ở Tây Sơn vùng Hồng Châu.
      9. Nước suối Hoài Thủy ở vùng Dương Châu huyện Bạch Nham.
       10. Nước giếng tren đĩnh Long Trì Sơn vùng Lô Châu.
       11. Nước giếng của chùa Quan Âm thuộc huyện Đan Dương.
       12. Nước giếng của chùa Đại Minh thuộc huyện Dương Châu.
       13. Nước ở thượng nguồn của sông Hán Giang.
       14. Nước ở trong động Ngọc Hư vùng Hương Khê huyện Quí Châu.
       15. Nước suối Tây Lạc vùng Vũ Quan huyện Thường Châu.
       16. Nước suối ở Ngô Tùng Giang.
       17. Nước ở thác cao ngàn trượng của Tây Nam Lãnh thuộc vùng Thiên Đài Sơn.
       18. Nước suối Viên Tuyền huyện Liễu Châu.
       19. Nước suối Hán Thủy vùng Đồng Lô huyện Nghiêm Lăng.
       20. Tuyết thủy (nước được lấy từ tuyết đem chứa để pha trà)
       B. Các Nguồn Nước Nổi Danh Ở Việt Nam :
       - Thú thực, khi bàn về Nước để pha trà ở Việt Nam thì quả đúng là một vấn đề thật nan giải ... mà bàn về Nước Nổi Danh thì còn khó khăn muôn phần. Đối với cá nhân Tôi, khi còn ở Việt Nam trước đây, cũng như những năm tháng dài sống tại hải ngoại, Tôi đã cố tìm đọc, tra cứu những sách, báo viết về Trà của quê hương Việt Nam, trong đó phần đề cập về Nước để pha trà thì Tôi hoàn toàn, rất lấy làm tiếc là không tìm được tài liệu nào bàn một cách chi tiết về vấn đề nầy.
       - Trong cuộc đời thưởng trà của Tôi trước đây ở Việt Nam, qua những lần tiếp xúc đàm đạo với các bậc cao minh, những nghệ nhân thưởng trà và được nghe kể lại và cũng như chính bản thân đã được cái hân hạnh nếm được những nguồn nước của một số nơi mà theo người dân địa phương cho biết đó là "những nguồn nước tốt để pha trà và có được nước trà ngon".
 
       - Trong sự hiểu biết hạn hẹp, trong phạm vi nhỏ bé của chương viết về nước pha trà của quê hương Việt Nam, Tôi xin phép được cống hiến một số nơi, một số nguồn nước mà Tôi biết (trong đó có những điều được nghe kể lại). Tôi rất mong được sự chỉ giáo, bổ túc của các bậc cao minh để có thêm được những tài liệu quý báu cho những lần viết lại về Trà sau nầy. Xin chân thành cám ơn.
 
       1. Nước Suối Đàn Tiên ở quận Công Thanh Tỉnh Biên Hòa :
       - Dòng sông Đồng Nai của tỉnh Biên Hoà khi chảy ngang qua quận Công Thanh thì có một nhánh sông nhỏ, rồi thành suối nhỏ chảy vào xã Tân Phú mà người dân địa phương gọi là Suối Đàn Tiên và đặc biệt nước suối nầy đã được người dân địa phương lấy về để pha trà và cũng được biết thêm là người dân Biên Hòa thường hay pha trà Sát Hổ (tức là Trà của Chùa Bửu Long) và nước trà vừa có vị thơm và hơi ngọt dịu nhẹ nhưng khi qua khỏi cổ họng thì lại hơi đắng.
       - Trong thời gian Tôi phục vụ ở Sư-Đoàn 18 Bộ Binh và đơn vị của chúng tôi có lần về đóng quân ở xã Tân Phú quận Công Thanh, và tại đây Tôi có hân hạnh quen được với một nghệ nhân thưởng trà, đó là ông Chánh (mà người dân địa phương gọi là ông Đốc Chánh vì trước đây ông là một Ông Đốc Học, nay ông đã vế huu). Tôi được ông mời đến nhà cùng ông đàm đạo và thưởng trà. Ông Đốc Chánh là một người rất thích uống trà và rất am tường về Trà. Được biết ông là người " sành trà " cho nên Tôi cố đàm đạo cũng như cố học hỏi thêm ở ông về trà. Và ông cũng nhận thấy cá nhân Tôi cũng có một ít kiến thức hiểu biết về Trà cho nên ông cũng vui vẻ đón nhận Tôi và xem Tôi như là một " bạn trà " của ông.
 
       - Theo lời kể lại của ông Đốc Chánh thì Tôi mới biết được về Suối Đàn Tiên như sau: Ngày xưa, khi vùng nầy của tỉnh Biên Hòa còn hoang vu chưa được khai thác mở mang, những người dân địa phương, phần lớn sống về nghề rừng, và đốn củi rừng về bán. Hàng ngày, những người dân vào đây đốn củi họ thường lấy nước ở con suối nhỏ (mà sau nầy có tên là Suối Đàn Tiên) để uống và rồi đem về nhà pha trà và có được nước trà ngon thơm, còn tên " Đàn Tiên " là vì tại con suối nhỏ nầy, khi người dân lấy củi ngối đây ăn cơm trưa, uống nước thì nghe gió thổi vi-vu như có tiếng đàn và họ đặt tên cho con suối là Suối Đàn Tiên.
 
     - Tôi được biết thêm vế ông Đốc Chánh: Ông Đốc Chánh có cái đặc điểm là ở trong nhà của ông, khi ông uống trà thì trà phải được chính tay ông pha chế cũng như trong việc rữa, tráng các ấm, chén, tách uống trà. Và mỗi lần có khách đến thưởng trà với ông (hay ông uống trà một mình) thì ông luôn luôn ăn mặc rất chỉnh tề và đặc biệt mỗi lần mời khách thưởng trà thì ông chỉ mời " một người " duy nhất cùng thưởng trà với ông mà thôi. Ông không bao giờ tiếp hai người khách thưởng trà cùng một lúc với ông (hôm nay tiếp người nầy và lần sau tiếp người khác). Ông Đốc Chánh có một bộ chén, ấm uống trà của vùng Nghi Hưng của Trung Hoa rất cổ xưa và đẹp, quý báu mà các bậc tiền bối trong gia đình của ông đã truyền lại mà ông còn giữ đến ngày hôm nay (theo lời ông kể với Tôi).
 
     - Ông Đốc Chánh cho Tôi biết: Ông đã thích và biết thưởng Trà từ khi ông được 10 tuổi, và hôm nay ông đã 75 tuổi và cuộc đời của ông đã luôn luôn gắn liền và không thể thiếu trà... có lần, ông nghiêm trang nói với Tôi: " Tôi đã dặn vợ, con của Tôi là khi Tôi chết, trong quan tài của Tôi, ngoài bộ quần áo tôi mặc trong người thì còn lại là phải tẩn liệm trà cho tôi mà thôi ". Tôi có dịp thưởng trà với ông Đốc Chánh qua Trà Sát Hổ với nước Suối Đàn Tiên.
 
       2. Suối Nước Trong ở Quận Long Thành tỉnh Biên Hòa :
       - Trên quốc lộ 15 nối liền Sài-Gòn và Vũng Tàu ở phạm vi xã Tam An quận Long Thành tỉnh Biên Hòa có một con suối tên là Suối Nước Trong và đặc biệt nước suối nầy khi pha trà cho vị trà vừa đắng vừa thơm và cá nhân Tôi đã được uống trà ở vùng nầy và đã được thưởng thức hương vị nầy.
 
       3. Suối Mơ ở Xã Gia Kiệm quận Kiệm Tân tỉnh Long Khánh :
     - Trên quốc lộ 20 nối liền Sài-Gòn với Đà-Lạt ở vùng Gia-Kiệm có một con suối tên Suối Mơ. Nước của Suối Mơ khi pha trà thì cho mùi thơm và làm mát cổ họng và mùi thơm kéo dài thật lâu... và Tôi đã từng đóng quân ở vùng nầy và cũng được thưởng trà qua hương thơm dịu mát của trà.
 
          4. Mội Nước Tóc Tiên ở Vùng La-Ngà quận Định Quán tỉnh Long Khánh :
     - Cũng trên quốc lộ 20, trong vùng La-Ngà thuộc quận Định Quán tỉnh Long Khánh có một cái mội nước mà xung quanh cỏ mọc vừa xanh vừa mỏng đẹp mướt cho nên được gọi là Mội Nước Tóc Tiên. Nước của mội trong, xanh và khi pha trà thì thì lại có mùi thơm và vị ngọt nhẹ ...
 
       5. Nước Giếng của Chùa Bửu Long tỉnh Biên Hòa:
       - Trên núi Bửu Long tỉnh Biên Hòa có một ngôi chùa mà người dân địa phương gọi là chùa Bửu Long và tại chùa nầy có một giếng nước rất trong và khi pha trà có vị đắng gắt nhưng khi uống qua cổ họng thì lại thơm và ngọt dịu lại ...
 
       6. Nước Giếng của Chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương :
       - Ở tại tỉnh Bình Dương có một ngôi cùa rất cổ xưa tên là chùa Hội Khánh và chùa nầy có sản xuất và bán ra thị trường một loại trà có tên là Trà Hội Khánh rất nổi tiếng. Đặc biệt tại chùa có một giếng nước và nước nầy khi pha trà thì cũng cho được những hương thơm dịu mát lâu dài.
 
       7. Nước Giếng Đình Bến Tranh thuộc quận Bến Cát tỉnh Bình Dương :
       - Tại xã Mỹ Phước thuộc quận Bến Cát tỉnh Bình Dương, có một ngôi đình cổ mà xung quanh là một vùng cỏ tranh bát ngát cho nên có tên mà dân địa phương gọi là Đình Bến Tranh, phía sau ngôi đình có một giếng nước và nước ở giếng nầy pha trà cũng cho được những hương vị thơm mát.
 
     * Phần Thứ Hai : DỤNG CỤ ĐỂ UỐNG TRÀ.
     - Căn cứ theo các sử liệu thì việc uống trà đã có từ lâu (từ đời Thần Nông), nhưng ngày nay việc uống trà thì người ta theo lối uống trà của đời nhà Minh.
     - Kính thưa quý vị, trong phạm vi của chương viết nầy và vì giới hạn khuôn khổ của quyển sách cùng điều kiện của phương tiện phổ biến, Tôi xin phép "không bàn qua" các loại Trà Cụ qua các thời đại trong lịch sử trà như xử dụng "Oản" hay "Uyển" ở thời Nhà Đường (618-907) hoặc là xử dụng "Trản" trong thời Nhà Tống (960-1280) hay là "Ấm, Chén" trong thời Nhà Minh hay là "Chung" trong thời Nhà Thanh (từ sau năm 1644) mà Tôi chỉ xin đề cập đến Những Loại Trà Cụ được xử dụng trong việc uống trà và những nơi đã sản xuất ra các loại trà cụ nổi danh nhiều năm trong lịch sử của các trà cụ như vùng Nghi Hưng, vùng Cảnh Đức Trấn ... ở Trung Hoa và vùng Lò-Chén ở tỉnh Bình Dương (Thủ-Dầu-Một), Việt Nam ...
 
     - Khi bàn về TRÀ CỤ thì chúng ta biết MỘT BỘ ĐỒ TRÀ gồm có: một cái DẦM để ngâm cho trà nóng gọi là " TRÀ TẨM ", một cái ẤM gọi là " TRÀ HỒ " , một cái KHAY gọi là " TRÀ BÀN " , một cái KHĂN để lau các trà cụ gọi là " TRÀ KHÂM " , một cái CHỔI nhỏ để quậy trong chén gọi là " TRÀ TIỂN " và các CHÉN để uống trà " TRÀ UYỂN ", gồm có CHÉN TỐNG và 3 CHÉN QUÂN. Chén Tống xưa gọi là CHÉN TƯỚNG. Chén Tống giữ một địa vị rất quan trọng như một vị Tướng chỉ huy ba đội Quân. Nó vừa để tống vua nghênh đón những giọt trà để rồi chuyển qua những chén quân sau đó.
 
     - Chén Tống gồm có 2 loại: hoặc là trên, dưới bằng nhau, hoặc là miệng hơi loe ra cho khỏi vung vãi đổ phí trà ra ngoài. Chén Tống làm cho nước trà được vừa uống, không nóng bỏng môi, họng vì nước từ ấm được đổ ra bao giờ cũng là một thứ nước thật nóng, thật sôi, vì mỗi lần uống trà là mỗi lần phải nấu lại nếu muốn có một ấm trà mới, "Chúng ta hoàn toàn không lấy nước đã nấu từ 10 phút trước vì với các loại nước chưa đủ độ thì trà sẽ không chìm và không toát ra đủ tất cả hương vị của từng lá trà".
 
     - Về chén Quân, sở dĩ phải có 3 chén Quân vì người xưa có câu "tam quân đương nhất chiến" (phải có 3 đạo quân thì mới giữ nổi được trận tuyến). Chén Quân cũng quan trọng không kém Chén Tống cho nên ngay những lúc " độc ẩm " cũng phải cần đến 3 chén quân để cho trà vừa nguội, uống hết chén nầy lại uống chén nữa, sau khi uống hết rồi mới pha lần khác. Tại sao người xưa lại chọn con số 3 mà lại không chọn những con số khác ? Xin thưa, con số 3 là Dương, một con số " trung hợp " , nếu chọn 5 thì lại quá nhiều và chúng ta cũng được biết thêm rằng: người xưa ít khi thích số Âm tức là con số Chẳn.
 
     - Đối với các chén uống trà, dù là Chén Tống hay Chén Quân thì người thưởng trà phải biết chọn màu gì để cho hợp với sắc trà hoặc làm tăng thêm sắc lóng lánh của trà. Trái lại, cũng có những màu men của chén làm giảm đi sắc trà tức là đã "làm giảm đi hứng thú".   
 
 - Về cái DẦM tức là TRÀ TẨM thì hình như bộ đồ trà nào cũng phải có cho được cái Trà Tẩm vừa tầm với cái ấm để ngâm ấm mà không ngập đến miệng vòi vì trà cần được nóng từ bên trong đến bên ngoài.
 
     - Về cái KHAY tức là TRÀ BÀN thì tùy theo ý thích và hoàn cảnh của từng người. Có những cái khay mà người ta có thể súc chén đổ ngay xuống, nhưng cũng có loại khay lại phải cần thêm một cái lon hoặc bình để chứ các thứ nước thừa thải hay các bả trà.
 
     - Và quan trọng nhất trong bộ trà cụ mà không bao giờ thiếu được đó là cái ẤM tức là TRÀ HỒ (Việt Nam: người mền Bắc gọi là Ấm và người miền Nam gọi là Bình, tức là Ấm Trà và Bình Trà). Một cái ấm quý và tốt phải hội đủ các điều kiện sau: miệng vòi và quai ấm phải ngang nhau, lúc đặt xuống bàn không chênh vênh. Khi đổ nước sôi vào phải nóng ngay mà quai ấm cầm vẫn khơng bị bỏng tay. Nắp của ấm phải khít khao với miệng ấm, nắp ấm có một lỗ nhỏ mà nước không được trào ra ở lỗ nầy. Lúc cầm ấm lên pha vào chén, nước từ ấm ra phải được chảy thành một đường chỉ, không được vung vãi và lúc ngừng tay nước không trào ra ngoài giọt nào. Đặt ấm vào tai nghe vi-vu như tiếng sóng. Đất làm ấm phải thật nhẹ và nhuyẽn mịn (đất màu Tím ở vào hạng Nhất gọi là Tử Sa hay Thiết Sa, còn vào hạng Nhì là Chu Sa và sau cùng là các loại Hoàng Sa, Bạch Sa, Lam Sa ... Da của ấm cần phải mỏng, láng, gõ vào kêu tiếng thanh. Và ấm dùng lâu bao giờ cũng có cốt trà đóng ở bên trong. Để giữ hương vị cho trà, và điều tối kỵ trong nghệ thuật thưởng trà là không bao giờ mang ấm ra mà kỳ cọ.
 
    - Bàn thêm về Chén thì có 2 loại chén: chén Đông Ẩm, chén Thu Ẩm và chén Hạ Ẩ... chén Đông, Thu Ẩm thì trên dưới không khác nhau còn chén Hạ Ẩm thì miệng chén hơi loe ra bên dưới. Đặc biệt ở Việt Nam còn có loại chén khá nhỏ gọi là "chén hạt mít" và thường những loại chén nầy dùng cho những nghệ nhân thưởng trà ở bậc cao siêu.
         * Kính thưa quý vị.
     - Ngày nay, nghề Gốm Sứ (trong đó có việc chế tạo các TRÀ CỤ tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam) tại khắp mọi nơi trên Thế Giới đã bước vào một giai đoạn được xem là "Tuyệt Hảo", từ kiểu mẫu hình thức cho đến màu sắc, trang trí hoa văn... thật tuyệt đẹp và sang trọng, đã có những tài liệu thật đầy đủ và chi tiết trên các mạng Internet... quý vị, quý anh chị và các bạn có thể tìm hiểu và tra cứu rất tiện lợi và dễ dàng. Trong phạm vi nhỏ bé và hạn chế của bài viết nầy Tôi xin phép được nhắc lại một thời xa xưa về Trà Cụ, đặc biệt là tại Trung Hoa và Việt Nam để mời quý vị giải trí cho vui.
 
     - Đối với một vùng đất đai rộng lớn như Trung Hoa và là một quốc gia đã có một nền văn minh lâu đời, một nền văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng từ ngàn xưa thì đã không thiếu những địa danh đã vang danh về kỷ thuật làm đồ gốm mà có cả dụng cụ để uống trà đã là đề tài cho các Trà Nhân ca ngợi. Nhưng phải thành thật mà nói là đã có 2 nơi sản xuất ra chén, ấm nổi danh cho Trung Hoa từ xưa mà vẫn còn truyền tụng cho đến ngày nay, đó là vùng Cảnh Đức Trấn và vùng Nghi Hưng.
 
     - Về Trà Cụ của Trung Hoa thì xin phép được bàn thêm một chút ít sự kiện lịch sử đáng được ghi nhớ: Ấm Trà đất nung Tử Sa là đất làm gốm ở núi Hoàng Long, huyện Nghi Hưng tỉnh Cam Túc và gốm Tử Sa có đặc tính cách nhiệt do đất cấu tạo từng lớp nên chịu đựng được sự thay đổi đột ngột, cầm không phỏng tay và giữ sức nóng được lâu. Ấm Trà của vùng Nghi Xuân do nghệ nhân tên Cung Xuân nắn tay dưới đồi Minh Chánh Đức (1506-1521), có phong cách siêu phàm, không ai bắt chước làm giống được... sau Cung Xuân là nghệ nhân Thời Đại Bình và ấm trà của Nghi Hưng loại Tử Sa vẫn còn chế tạo cho đến ngày hôm nay để sản xuất tại Trung Hoa cũng như xuất cảng ra khắp nơi trên thế giới. Dưới thời vua Gia Tĩnh và Vạn Lịch (Nhà Minh) có những nghệ nhân như Thời Bành, Đông Hân, Đào Lượng và Nguyên Minh là 4 nghệ nhân làm trà cụ rất nổi tiếng. Về sau, đời Nhà Thanh thì có những nghệ nhân cũng rất nổi tiếng trong nghề gốm sứ, đặc biệt là trà cụ như Trần Dương Viễn và Huỳnh Ngọc Linh.
       * CẢNH ĐỨC TRẤN :
       - Cảnh Đức Trấn, ngày xưa có tên là Nam-Xương Trấn và nằm về phía Đông của sông Xương Giang. Xương Giang là một con sông lớn chảy vào phía Nam sông Dương Tử ở Hồ Bạch Dương (Hồ Bạch Dương là hồ lớn thứ nhì của Trung Hoa sau Động Đình Hồ). Căn cứ theo địa dư thì ngày nay Cảnh Đức Trấn thuộc huyện Phù Lương tỉnh Giang Tây, phía Bắc giáp với tỉnh An Huy và phía Đông giáp với tỉnh Triết Giang. Sở dĩ Nam Xương Trấn trở thành Cảnh Đức Trấn là vì đúng vào lúc vua Tống Chân Tông chính thức cho Nam Xương Trấn phụ trách việc làm đồ gốm cho Vương Phủ và lúc bấy giờ Cảnh Đức là niên hiệu của vua Tống Chân Tông từ năm 1004-1007.
 
     - Phải thành thật mà nói, cũng theo các sách sử Trung Hoa từ xưa đã để lại, mỗi lần nói đến lịch sử về đồ gốm của Trung Hoa thì hầu như sách sử nào cũng nhắc nhở đến Nam Xương Trấn tức Cảnh Đức Trấn. Từ xưa cũng như ngày nay, Cảnh Đức Trấn nổi tiếng về đồ gốm không những tại Trung Hoa mà còn vang danh ra khắp mọi nơi trên thế giới, vì không có nơi nào trên thế giới mà có những lò , xưởng làm nghề đồ gốm nhiều như ở đây. Đây là một đô thị có số dân đến một triệu người với hàng ngàn lò gốm khác nhau và các sinh hoạt về ngành nầy hầu như liên tục ngày đêm không ngừng từ xưa cho đến nay.
 
     - Chúng ta được biết thêm rằng: đến thế kỷ thứ 18 thì tại đây đã có hơn 3000 lò làm đồ gốm. Với hơn 3000 chiếc lò nầy làm việc đêm, ngày mà vào ban đêm, một tu sĩ truyền giáo Tây Phương sống ở đây tên là Père d ' Entrecolles (1712-1722) phải tả lại rằng: "nơi đây giống như một thành phố đang chìm trong một cơn hỏa hoạn khổng lồ, khói lửa đỏ rực cả một phương trời".
 
     - Theo sách Cảnh Đức Đào Lục (một quyển sách viết về nghề đồ gốm của vùng Nam Xương Trấn) có ghi là khi vua Trần Tuyên Đế trong thời kỳ Nam Bắc Triều năm 583 đã từng ra lệnh cho các lò gốm nầy đúc các tấm bệ đá lớn cho ta thấy rằng nơi đây đã có ngành đồ gốm từ lâu đời rồi. Năm 621 dưới thời Đường Thái Tông, các loại đồ gốm màu men lam được mang cống chầu vào Vương Phủ. Vì là các loại đồ men sứ xanh giống như ngọc nên được gọi là " giã ngọc khí " và đã được Vua cũng như hầu hết mọi người trong Vương Phủ ngưỡng mộ thích thú, và cũng từ đó, hàng năm những đồ gốm tốt của Nam Xương Trấn được chính thức được triều cống cho Vương Phủ.
 
     - Cũng theo sách Cảnh Đức Đào Lục, vào thời Đại Quang (1107-1110), Cảnh Đức Trấn nổi tiếng với các đồ gốm men đỏ thắm gọi là "Dao Biền". Vào thời Cảnh Đức nhà Tống (1004-1007), vùng nầy đã có hơn 300 lò gốm và vang danh với loại đồ sứ men trắng tuyệt hảo. Và theo sách Cách Cổ Yếu Lược thì các loại đồ sứ của Cảnh Đức Trấn là các loại "mõng và trắng bóng".
          * NGHI HƯNG :
     - Trong khi Cảnh Đức Trấn nổi danh về các loại Chén uống trà thì vùng Nghi Hưng lại nổi danh về các loại Ấm pha trà. Nghi Hưng trước kia tên là Dương Tiễn, nằm về phía Tây của Thái Hồ trên lãnh thổ tỉnh Giang Tô. Địa danh Dương Tiễn, Thái Hồ đã một thời xa xưa nổi tiếng về các loại ấm pha trà: "không biết bao nhiêu sách vở của Trung Hoa đã ca ngợi về các loại ấm nổi tiếng của Dương Tiễn, Thái Hồ nằm cạnh Tô Châu thanh lịch và Hàng Châu với mỹ nhân tuyệt thế".
 
     - Nói về ngành Đào Khí tức là nghề Đồ Gốm của vùng Nghi Hưng cổ xưa thì người ta kể lại rằng: Ông Phạm Lãi đã giúp Việt Vương Câu Tiển trả được mối thù với Ngô Vương Hạp Lư nhờ "mỹ nhân kế Tây Thi". Sau khi chiến thắng, Phạm Lãi đã xin từ quan về ở ẩn để thực hành đúng câu nói của người xưa " công thành thân thoái ". Nhưng cũng có sách ghi lại rằng: Vì ông Phạm Lãi là người rất rành về việc coi tướng mạo mà tướng mạo của Việt Vương Câu Tiển là một loại " dị tướng ", là một loại người nên sống chung với nhau trong lúc hoạn nạn chứ không nên sống chung trong lúc công thành danh toại tức là "khả cộng nhục, bất khả cộng vinh". Việt Vương Câu Tiển có cái cổ dài và cái miệng chu nhọn giống như mõ chim. Phạm Lãi xin từ chức để về quê sống thú thanh nhàn nhưng Việt Vương Câu Tiển đã không cho, dọa nạt đủ điều và bắt cả vợ, con của Phạm Lãi nhưng Phạm Lãi đã nhất quyết bỏ trốn ra đi.
 
     - Việc Phạm Lãi bỏ Việt Vương Câu Tiển ra đi đã có nhiều sách viết khác nhau. Có sách đã ghi rằng: Phạm Lãi đã bơi thuyền nhỏ đến Ngũ Hồ sau khi vượt khỏi Tam Giang. Có sách ghi ông sang Tề làm quan đến chức Thượng Khanh, rồi đổi tên là Lục Di Từ Bi. Một thời gian sau đó bỏ Tề sang Thái Hồ rồi đổi tên một lần nữa là Đào Chu Công, và làm nghề Đào Khí tức nghề Đồ Gốm ở vùng nầy. Ban đầu, người dân trong vùng bắt chước ông làm các đồ gốm để dùng trong nhà. Nhưng sau đó thì các nơi khác biết đến và trở thành nổi tiếng nên người ta mới làm nhiều hơn và bán ra thị trường. Và có lẽ ông Phạm Lãi chính là người đầu tiên thực hiện nghề Đào Khí tại vùng nầy.
 
     - Được biết trước thời nhà Minh, người ta uống trà trong những ấm lớn mà nổi tiếng nhất là các loại ấm của Chu Cao Khởi. Sang đến niên hiệu Chính Đức ở Thái Hồ có một ngôi chùa cổ tên là Kim Sa Tự, trong chùa chỉ có duy nhất một nhà sư tên là Ngô Nghĩa Sơn hiệu là Vô Danh. Nhà sư nầy cũng là một người rất thiện trà. Một hôm ông suy nghĩ rồi tự nhận thấy rằng: uống trà trong các ấm lớn vừa tốn trà vừa tốn nước lại không đủ được hương vị. Nhân ông có quen với những đệ tử làm nghề Đào Khí, ông bèn chọn xin thứ đất tốt rồi tự tay nắn một cái ấm nhỏ như quả trứng và có nắp đậy, trên nắp có lỗ để thông khí. Mang vào lò nung xong, ông đem về chùa tự pha trà uống thì thấy trà vừa ngon vừa đủ hương vị như ý muốn... và các chiếc ấm loại nhỏ bắt đầu ra đời ở Thái Hồ từ đó.
 
     - Và sau đó có một đệ tử của nhà sư Ngô Nghĩa Sơn tên là Cung Xuân tiếp tục làm những chiếc ấm nhỏ rất đẹp và được nổi tiếng từ thời Chính Đức (1506-1521), và Cung Xuân được coi như là ông tổ làm ấm đất uống trà cho vùng Nghi Hưng. Sử sách ghi lại đã ca tụng Cung Xuân như sau: Ấm đất của Cung Xuân hoàn toàn nắn bằng tay, lại lấy dấu tay làm bằng. Thường thường ấm có màu võ hạt dẽ, vàng úa, hình dung thanh nhã vô ngần, không thể nào người thường học và làm được. Không có thần khí thì không thể nào được như vậy.
 
     - Sau khi nhà Minh mất thì mới nghe đến các tên lò gốm nổi tiếng như Tam Đại, Tứ Gia và Ngũ Đại Danh Hồ. Lò Tam Đại thì có Thời Đại Ban, Ký Trung Phong và Từ Hữu Tuyền... lò Tứ Gia thì có Đông Hàn, Triều Lương và Nguyên Sướng... lò Ngũ Danh Đại Hồ thì có Vô Danh Hồ, Tư Đình Hồ, Đạt Công Hồ và Mạnh Thần Hồ.
 
     - Vô Danh Hồ xuất thân từ chùa Kim Sa nặn bằng tay chứ không nặn bằng bàn đạp và màu đất của ấm là màu đồng đậm hình quả trứng, đáy có ấn dấu tay, khi đổ nước sôi vào thì ấm tự xủi lên, từ trong ấm phát ra một âm hưởng nhè nhẹ và dứt dần khi nước từ từ nguội dần. Tư Đình Hồ do Cung Xuân chế, bên trong là thứ đất thường nhiều màu đậm nhạt đều có, vừa giản dị vừa xinh đẹp. Đáy thì rộng và thường có khắc một câu thơ "nhất luận tân nguyệt trạm giang hình". Đạt Công Hồ màu sáng, miệng ấm nhỏ mà cao cổ, vòi dài nhỏ, bụng ấm rộng mà dẹp, đáy có khắc câu thơ hoặc 4 chữ Xuân Hoa Thu Nguyệt. Mạnh Thần Hồ là loại ấm nhỏ, tinh xảo thanh nhã. Nắp và ấm khít nhau và hay khắc những câu thơ như "Minh Nguyệt Tùng Giang Chiếu".
 
     - Và ở Nghi Hưng vào đời Càn Long (1736-1795), người làm ấm khá nổi tiếng là Trần Minh Viễn, Trần Đào Sinh. Thời Đạo Quang (1821-1850) thì có Thiều Đại Hướng. Thời Mạt Thanh thì có Phạm Đình Phú.
     - Ngoài cái tên Dương Tiễn ra, Nghi Hưng ngày xưa còn có tên nữa là Hà Tân. Sở dĩ Nghi Hưng được nổi tiếng về các loại ấm là vì nơi nầy có được một thứ đất sét đặc biệt để nắn ấm mà các vùng khác không có gọi là "Dao".
 
     - Căn cứ theo các thi phẩm từ đời Hán, Đường, Tống thì các loại ấm uống trà đã có từ trước từ nhiều nơi khác nhau chứ không riêng gì ở Nghi Hưng nhưng đặc biệt là các ấm ở Nghi Hưng có khắc chữ triện "Dương Tiễn Chế" (mà Dương Tiễn là tên cũ của vùng Nghi Hưng). Và người ta cũng khám phá ra thêm rằng: trong sử cổ có câu "Thuấn Đào Hà Tân" mà Hà Tân cũng chính là Nghi Hưng.
 
       * GỐM SỨ VIỆT NAM :
       - Từ xa xưa, quê hương Việt Nam cũng đã có nghề gốm sứ và cũng có những nghệ nhân tài giỏi... và trong gốm sứ thì cũng đã có những Trà Cụ đã được sản xuất từ trong nước và xuất cảng ra nước ngoài. Chúng ta có gốm sứ Bát Tràng, Vị Xuyên (Nam-Định), Chu Đậu ở miền Bắc. Trong Nam thì có gốm sứ Hội An, Biên Hòa, Bàu Trúc, Bình Dương (xưa kia là Thủ Dầu Một) ... và cả ở vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh ... nghề gốm sứ đã hiện diện từ lâu với nhiều kiểu mẫu khác nhau ...
 
     - Trong phạm vi bài viết nầy, Tôi xin phép được đề cập đến một địa danh quen thuộc đối với cá nhân Tôi mà Tôi có dịp tìm hiểu và tiếp xúc với những sử liệu có liên quan đến Trà Cụ được sản xuất ra ở đây: vùng LÒ-CHÉN thuộc tỉnh Thủ Dầu Một mà tên mới sau nầy và hiện nay là tỉnh Bình Dương, nằm cách thủ đô Sài-Gòn đúng 53 cây số.
       - Lúc đầu, Lò-Chén sản xuất rất hạn chế về Trà Cụ mà chủ yếu là sản xuất tô, dĩa, chậu... nhưng sau nầy vì nhu cầu thị trường thương mại nên các Trà Cụ được sản xuất nhiều hơn với những kiểu mẫu tinh vi và đẹp hơn, nhiều màu sắc pha trộn hào nhoáng, đậm dịu nhẹ nhàng trong những hoa văn mang nhiều điễn tích văn học lịch sử của Việt Nam và Trung Hoa ...
       - Khu vực Lò-Chén nằm trên quốc lộ 13 nối liền Sài-Gòn với tỉnh Bình Dương và cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 2 cây số. Tại đây, Tôi có đến và hỏi thăm và gặp nhửng người lớn tuổi làm việc trong nghề Gốm Sứ và trong đó cũng có nhiều nghệ nhân: Năm 1960, Tôi có gặp ông Tám Phẩm (năm nầy ông đã 76 tuổi nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh, tráng kiện và trí nhớ còn rất sáng suốt, minh mẫn). Được biết ông là một trong những nghệ nhân làm các loại Trà Cụ và cũng là một người "thiện trà". Ông cho Tôi biết như sau: Vào thời vua Gia Long vừa thống nhất đất nước, lúc bấy giờ tại Thủ Dầu Một có một ngôi chùa cổ tên là Chùa Hội Khánh và có một nhà sư trụ trì tên là Tri Viễn. Nhà Sư Tri Viễn đã sang Trung Hoa để học về Kinh Phật ở tỉnh Triết Giang... đồng thời nhà sư Tri Viễn cũng học hỏi thêm về ngành Gốm Sứ Trung Hoa trong đó đặc biệt về các loại Trà Cụ. Khi trở về nước (sau hơn một năm ở Trung Hoa), nhà sư Tri Viễn mang về các hạt giống của các loại trà của Trung Hoa cùng kiến thức học hỏi về ngành Gốm Sư, đặc biệt là về Trà Cụ. Tại chùa Hội Khánh, trà được trồng và được sản xuất... đồng thời, nghề gốm sứ được truyền dạy cho dân chúng trong vùng quanh chùa và sau đó được nhiều người các nơi trong phạm vi xa gần của Thủ Dầu Một đến học và từ đó nghề Gốm Sứ được phát triển ở tỉnh Thủ Dầu Một xa xưa và là tỉnh Bình Dương sau nầy và hiện nay. Được biết, tại vùng Phú Thứ thuộc xã Phú An của quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương có một loại đất sét có màu "đỏ hồng" rất tốt cho việc nắn những chén, ấm uống trà có màu "gan gà" như trong câu thơ nổi tiếng trong "Vang Bóng Một Thời" của nhà văn Nguyễn Tuân như sau: "Thứ nhứt Thế Đức Gan Gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần".
* Sẽ loan tải Chương 4: Văn Phẩm, Thi Phẩm & Văn Nhân, Thi Nhân về Trà.
Home.   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7[8]

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17[18].