Trong
sách Luận Ngữ nhiều lần Đức Khổng đề cập đến đức Nhân với ý nghĩa từ thấp đến
cao. Ý nghĩa thấp nhứt, Nhân là yêu người tức là tình thương yêu đồng chủng,
đồng bào. Nhân còn có ý nghĩa sâu rộng hơn nói lên cái đạo làm người sao cho
phù hợp với Thiên lý. Trong quyển Đại Đạo Học Đường của chư vị Thời Quân biên
soạn đã diễn giải đạo Nhân như sau:
“Nhân: Người
ta ai cũng có bẩm thọ của Trời một điểm lành, để làm tự tánh của mình, người
đời gọi đó là nguồn Thiên lý ở trong người. Nhân là cái phát động của Thiên lý
ấy, cho nên cổ nhơn nói: “Nhân” là hột giống hóa sanh cái đức tính tốt.
Chữ Nhân
đem ứng dụng vào đời sống thì nó gồm tất cả nghĩa vụ làm người, thành thử có
câu nói: “Nhân là Đạo người” (Nhân giả nhơn dã). Vậy thi hành chữ “Nhân” là áp
dụng Thiên lý vào đời sống thực tế. Thế nên muốn làm Nhân thì phải giữ lòng cho
sạch, nghĩa là chẳng cho tư dục xen vào Tâm, để cho nguồn Thiên lý ở trong tâm
ung dung phát triển theo lẽ tự nhiên của nó, rồi người ta cứ theo đó mà làm cho
hết bổn phận của mình, đó là làm “Nhân” vậy. Còn như muốn biết rộng ra nữa thì
chúng ta nên xem cổ nhơn dạy phương pháp làm “Nhân” như sau:
Có người
hỏi phương thức làm Nhân là thế nào thì Đức Khổng Tử nói: “Kỷ dục lập nhi lập
nhơn, kỷ dục đạt nhi đạt nhơn. Năng cận thủ tỷ khả vị nhân chi phương”. (nghĩa
là mình muốn lập thân thế nào thì giúp người cùng lập thân như mình, mình muốn
thông đạt đến đâu thì cũng giúp người cùng thông đạt như mình. Ai hay làm những
điều đó là Nhân vậy).
Chữ Nhân
có gồm cái nghĩa thương người, mến vật, cho nên chỗ tác dụng của nó là “Ái” về
sau người ta thường dùng hai chữ “Nhân Ái” lẫn nhau.
Vậy thực
hành đạo “Nhân” là người và ta thương yêu, giúp đỡ nhau trên đường Đời cũng như
trên đường Đạo. hoặc nói: đó là chánh kỷ hóa nhơn cũng được.
Thầy Tử
Trương hỏi Nhân, Đức Khổng Tử nói: “Hãy làm năm điều trong thiên hạ là Nhân,
rằng: Cung, Khoan, Tín, Mẫn và Huệ”
Cung thì
không khinh lờn, Khoan thì được lòng người, Tín thì được người tin cậy, Mẫn thì
có công, Huệ thì đủ khiến được người.
Người có
nhân lúc nào cũng bình tĩnh, yên lặng tự nhiên như nhiên mà lòng sẵn có một
năng lực trực giác mẫn tiệp. Phàm có việc gì đến thì họ biết ngay và họ làm sự
gì cũng thích hợp với đạo lý.
Họ thật
thà chất phác và giàu tình cảm tốt. Họ hay thương người, hay mến vật, đối với
gia đình thì hiếu đễ, đối với xã hội thì thuận hòa. Họ thường thực hành câu:
“Việc gì mình không muốn thì chẳng làm với người”. Chữ Nhân đây lại gồm cái ý
nghĩa sáng suốt, cho nên cái thương, cái ghét của người có Nhân đều hạp với
Thiên lý.
Tóm lại,
chữ Nhân bao hàm cả đạo làm người mà rút lại thì thể theo đức lớn của Trời là
sự sanh hóa mà làm. Ấy vậy kẻ làm Nhân trên thuận lẽ Trời, dưới an vui cùng
chúng vật và sự hành vi lại khích lệ theo nền tảng “Thiên địa vạn vật nhứt
thể”. Còn việc giàu nghèo, sang hèn, thì phú cho thiên mạng, chớ không vọng cầu
mà thất đạo lý”.
Tiếp theo
là ý nghĩa của chữ Nghĩa : Thường ta nghe nói đến các mối quan hệ giữa các đẳng
cấp nhơn sanh trong xã hội như: nghĩa vua tôi, (hay là mối quan hệ giữa nhà cầm
quyền và dân trong nước),nghĩa đồng bào, nghĩa thầy trò, nghĩa cha con,
nghĩa vợ chồng...Vậy nghĩa ở đây là cách cư xử giữa các mối quan hệ trong xã
hội sao cho tốt đẹp, hợp đạo lý.
Ngoài ra
chúng ta cũng thường nghe câu nói người xưa: Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm
nguy bất cứu mạc anh hùng, nghĩa là: Thấy việc nghĩa mà không làm không phải là
người dũng, thấy người lâm nguy mà không cứu giúp thì không phải bực anh hùng.
Nghĩa ở đây là lòng hào hiệp cứu giúp người khác.
Như vậy
Nhân là đạo lý làm người và nghĩa là thực hiện đạo lý ấy, nên nhân nghĩa luôn
đi đôi với nhau. Nho giáo chủ trương nếp sống nhân nghĩa để cho xã hội được tốt
đẹp an vui. Trái với nhân nghĩa là xã hội băng hoại thiếu đạo đức, chém giết,
trộm cướp, lừa thầy phản bạn,...Đó là xã hội ta thấy nhan nhản hằng ngày ngày
nay.
2 - Nhân
Nghĩa trong đạo đức dân tộc.
Trải qua
hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, ông cha ta cũng phát huy
nền đạo đức nhân nghĩa càng thấm đượm tình yêu dân tộc giống nòi. Tình thương
yêu giữa các sắc tộc cùng sống trên đất Việt.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
,
Tuy rằng khác giống nhưng
chung một giàn.
Nhiễu điều phủ lấy giá
gương,
Người trong một nước phải
thương nhau cùng,
Trong thôn lân, làng xóm láng giềng rất sâu đậm tình nghĩa như người thân,
họ hàng.
Bán anh em xa mua láng giềng gần
Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.
Nhất cận thân, nhì cận lân.
Cũng vì
đức tính nhân nghĩa hào hiệp, dân ta có lòng độ lượng, bao dung, tha thứ,
ngay cả đối với kẻ thù nghịch cùng mình.
Những câu
tục ngữ ca dao nói lên lòng bao dung, độ lượng điển hình:
Thương
người như thể thương thân
Tha thứ
người tức là tự tha thứ mình
Đánh kẻ
chạy đi, không ai đánh người chạy lại
Giơ cao
đánh khẽ
Một sự
nhịn là chín sự lành
Tinh thần
nhân nghĩa của tầng lớp sĩ phu biểu lộ qua tư tưởng của Nguyễn Trải qua Bình
Ngô Đại Cáo, dùng nhân nghĩa trị nước an dân, lấy nhân nghĩa tha thứ cho kẻ
nghịch thù:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo...
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo....
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng Thần Vũ chẳng giết hại,
thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc
thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc, Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài
nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Như vậy
từ ngàn xưa Ông Cha ta đã thấm nhuần nếp sống nhân nghĩa từ nơi thôn lân đến
triều đình vua quan. Nhờ tinh thần nhân nghĩa tạo nên sự đoàn kết thương yêu
trong cả nước góp phần vào việc giữ vững bờ cõi, giữ vững nền văn hiến bốn ngàn
năm của dân tộc.
3 - Nhân
Nghĩa trong đạo Cao Đài :
Ngày nay
khoa học kỹ thuật phát triển tột bực, đời sống con người đầy đủ tiện nghi vật
chất, nhưng về mặt tinh thần đạo đức bị suy đồi thoái hóa. Thực ra cũng có một
phần người còn biết lo tu hành hướng thiện, gìn giữ đạo đức nghĩa nhân, giúp
người neo đơn đói khó,...nhưng đa phần chạy theo vật chất mà quên mất đạo lý
thánh hiền vì vậy nên mới có sự xuất hiện của Tam Kỳ Phổ Độ để phục hưng nền
đạo đức nhân bản, tạo nên xã hội Thánh đức thuần lương và cứu vớt chúng sanh
trở về ngôi xưa vị cũ.
Đạo Cao
Đài tận độ chúng sanh về phần xác lẫn phần hồn nên chủ trương xây dựng một xã hội
đại đồng để mọi người đều sống theo Đạo, và một xã hội đầy tình thương yêu như
anh em ruột thịt để dìu dẫn nhau trên đường tu hành giải thoát.
Nơi thôn
lân, làng xã, đặt thành Hương đạo trong đó vị Đầu Hương Đạo được Pháp Chánh
Truyền qui định là anh cả phải chăm sóc mọi tín đồ trong Hương như anh ruột lo
cho đàn em vậy,
Trên bình
diện rộng hơn thì đạo Cao Đài thờ Đức Chí Tôn là ông Cha chung toàn thể nhân
loại vậy không phân biệt màu da sắc tóc, mọi người trên hoàn vũ đều là anh em
với nhau:
Chẳng quản
đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau
một Đạo tức cùng cha,
Nghĩa
nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn
cho nhau đặng chữ hòa.
Đạo Cao
Đài chủ trương Nho Tông chuyển thế tức là lấy tinh hoa của Đạo Nho để phục
hưng một xã hội kỷ cương đạo đức, cho nên Cao Đài cũng đề cao nhân nghĩa qua
những lời Thánh giáo hay qua biểu tượng nơi Đền Thánh.
Bài Thánh
thi trong Thi Văn Dạy Đạo:
Nhơn là
đầu hết các hành tàng,
Cũng bởi
vì nhơn, dân hóa quan,
Dân trí
có nhơn, nhà nước trị,
Nước nhà
nhơn thiệt một cơ quan.
Câu 1: Hành
tàng là những hành vi gồm cả phần hiển hiện luôn cả phần ẩn kín hay ý nghĩa rất
cao sâu như câu “Hành tàng hư thiệt tại Cha Trời”.
Chữ Nhơn
ý nghĩa rất cao sâu và nó là đức tính đứng đầu của người nắm giữ vai trò trị
quốc an dân.
Câu 2: Người dân muốn trở thành quan thì phải có lòng Nhơn, tức nhiên là một vị
quan tốt phải là người thấm nhuần nhơn nghĩa, đạo đức.
Câu 3: Đến như toàn dân một nước đều biết sống theo Nhơn nghĩa nữa thì quốc gia đó sẽ thạnh trị, thái bình.
Câu 4: Như vậy muốn cho quốc thái dân an thì từ giai tầng lãnh đạo đến người
dân thường phải lấy việc thực thi nhơn nghĩa làm trọng, hay việc thực thi nhơn
nghĩa phải coi là một quốc sách hay một bộ phận không thể thiếu của quốc gia.
Một đoạn
Thi văn dạy Đạo khác của các Đấng ban cho:
Nhơn
Nghĩa gắng gìn dạ sắc son,
Thờ cha
kính mẹ, hiếu lo tròn.
Nghèo mà
trong sạch danh thơm rạng,
Phúc hậu
Trời ban để cháu con.
Một người
mà bên ngoài luôn dùng nhân nghĩa cư xử với mọi người còn trong gia đình giữ
tròn đạo hiếu đối vơi cha mẹ. Tuy nghèo mà giữ lòng trong sạch không chút bợn
nhơ thì sẽ tạo nên phước đức lớn để lại con cháu hưởng mai sau.
Hai chữ
Nhân Nghĩa kèm thêm hai câu liễn về Nhân Nghĩa trước mặt tiền Tòa Thánh.
Trước mặt
tiền Tòa Thánh, trên lầu Hiệp Thiên Đài ta thấy có hai chữ Nhân Nghĩa (chữ Nho) và viết sổ xuống 2 câu liển cũng bằng chữ Nho như sau:
C. 1:
Nhơn bố tứ phương Ðại Ðạo dĩ Nhơn hưng xã tắc,
C. 2:
Nghĩa ban vạn đại Tam Kỳ trọng Nghĩa chấn sơn hà.
Đôi liễn
nầy giải thích hai chữ NHƠN NGHĨA ở trên.
C. 1:
Lòng Nhơn đem rải khắp bốn phương, Cao Đài lấy Nhơn làm hưng thạnh nước nhà.
C. 2:
Điều Nghĩa ban cho muôn đời, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ xem trọng điều Nghĩa để làm
hưng khởi nước nhà.
Tôn chỉ
của Nho giáo là NHƠN và NGHĨA. Đạo Cao Đài, với chủ trương Nho Tông Chuyển Thế,
nên lấy hai chữ NHƠN NGHĨA làm tiêu chuẩn cho công cuộc chuyển thế, biến đời
hung dữ bạo tàn thành đời thuần lương Thánh đức. (Cao Đài Từ điển).
Các từ
ngữ “Nhơn bố tứ phương” Nghĩa ban vạn đại” chứng tỏ Cao Đài lấy hai chữ Nhơn
Nghĩa làm kế sách độ đời cả toàn cầu thế giới và qua thời gian dài lâu cả ngươn
hội thất ức niên của nền Đại Đạo.
Khi đặt
hai chữ Nhân Nghĩa lên mặt tiền Tòa Thánh, chứng tỏ Cao Đài lấy cái tinh túy
Nhân Nghĩa của Nho giáo hay lấy cái đạo Nhân Nghĩa của nòi giống Rồng Tiên mà
Ông Cha ta đã dùng để giữ vững giang sơn bờ cõi qua mấy nghìn năm lịch sử.
Ngày nay
đạo Cao Đài dùng đạo Nhân Nghĩa trước để phục hưng đất nước thạnh trị thái
bình, đời sống nhân dân thanh nhàn hạnh phước, sau đó làm nền tảng cho một
thế giới Đại Đồng, đó là cứu cánh về phần Thế Đạo như câu kinh cúng Phật Mẫu:
“Hiệp vạn
chủng nhứt môn đồng mạch, Qui thiên lương quyết sách vận trù”.
Câu liển
trên cổng Đạo Đức Học Đường.
Trên cổng
Đạo Đức Học Đường là ngôi trường Trung Tiểu học trong Nội ô Tòa Thánh cũng có 2
câu liển nói lên việc đào tạo những thế hệ con em Đại Đạo cũng lấy hai chữ Nhân
Nghĩa làm đầu.
Đạo
Đức lưu truyền hậu tấn hiếu trung phò xã tắc,
Học
Đường giáo hóa thư sinh nhơn nghĩa lập giang sơn.
Ðôi liễn
nầy đặt tại cổng của trường Trung Tiểu học Ðạo Ðức Học Ðường, do Hội Thánh lập
ra trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh.
Ý nghĩa:
C.
1: Ðạo Ðức lưu truyền cho đoàn hậu tấn, lấy hai chữ hiếu trung lo giúp
nước.
C.
2: Trường học giáo hóa học sinh, dùng hai chữ nhơn nghĩa xây dựng quốc
gia.
Hai câu
liễn nói lên quan điểm giáo dục Cao Đài, nhằm đào luyện nhân tài phải đi đôi
với đức độ. Một người tài giỏi nhưng phải có đức mới ích nước lợi dân, bằng có
tài mà không có đức thì chỉ là hạng sâu dân mọt nước mà thôi. Trong những đức
tính căn bản nhất của kẻ sĩ là hiếu trung và nhân nghĩa. Có hiếu mới biết giữ
gìn truyền thống tốt đẹp của Cha Ông để lại. Có trung mới đặt quyền lợi quốc
gia dân tộc lên trên hết, mới làm cho dân giàu nước mạnh.
Có nhân
nghĩa mới biết mến nước thương dân, mới biết lo cho đời sống người dân thấp cổ
bé miệng, có được đời sống ấm no hạnh phúc, mới thực thi được một xã hội thương
yêu công chánh như chủ trương của Cao Đài.
Thánh
giáo dạy về Nhân Nghĩa.
Thánh
giáo của Đức Tiếp Pháp (Bài 19 và 20 Thánh Huấn Hành Thiện)
“…Làm
người thiếu Nhân, Nghĩa không ra thể thống làm người. Con người phải có Nhân,
Nghĩa. Tiên coi Nhân, Nghĩa làm trọng. Phía trước trên Tòa Thánh nêu hai chữ
NHÂN-NGHĨA thật to có ai lưu tâm để ý, thật hiện làm người Tín Đồ Cao Đài tốt.
Nhân thay cho từ bi bác ái, Nhân có trong người, người ấy nhân từ đức hạnh.
Nhân đứng đầu mọi hành tàng của con người đó vậy.
Nghĩa rất
sâu, giúp cho con người trở nên con người xứng đáng của xã hội. Nghĩa vua tôi,
Nghĩa xã hội, Nghĩa vợ chồng, Nghĩa cha con, Nghĩa bạn tác, Nghĩa thôn lân. Nếu
con người không có Nghĩa không ra thể thống gì cả. Vì lẽ đó, làm người phải có
Nhân Nghĩa. Nhất là Tín Đồ Cao Đài phải có Nhân Nghĩa, giữ lấy Nhân Nghĩa làm
gốc để đối xử với nhau, cho ra người lành thiện, mới xứng đáng một môn đồ yêu
ái của Đức CHÍ TÔN…”
“Con
người mà có cái Nhân bên trong, con người đó dĩ nhiên lành thiện bổn tánh Thiên
lương khác thường hơn mọi người khác, có ăn nói mạnh bạo đến đâu đi nữa cũng
không tàn ác vô nghì, vì cái Nhân nó là một yến sáng làm mất đi cái màn vô
minh; người tu cần phải có cái Nhân ở bên trong để làm căn bản, Nhân là một ông
Thầy tốt dạy cho người tu nhiều phép nhiệm mầu vô giá, Nhân là một bó đuốc rực
sáng giữa đêm đen, soi rọi giúp cho người thấu đáo mọi hành tàng của vũ trụ
quan và nhơn sanh quan, Nhân phát khởi nơi tâm mạnh mẽ người ấy đổi tánh hiền.
Con người mà bỏ cái Nhân đi thì con người đó cũng đổi tánh liền, con người có
cái Nhân mạnh mẽ, con người đó có cái tình rất cao đẹp hướng thượng đầy đạo
đức.
Vậy cái
Nhân đối với người tu rất trọng hệ, phải giữ gìn lấy nó cho còn nguyên vẹn cái
Nhân, Nhân là hột giống Thiên lương đó vậy.
Nói đến
NGHĨA. NGHĨA phát vạn năng cơ diệu huyền. Con người muốn có đủ lễ nghi phong
cách, thì phải có Nghĩa nơi tâm. Nghĩa làm ra thiệt tướng chơn pháp của Đạo,
con người không có Nghĩa làm sao biểu trưng sáng tỏ cội nguồn cái Đạo, đạo lý ở
trong cái Nghĩa. Vậy người tu phải lấy cái Nghĩa làm phương tiện trau dồi tâm
đức và mọi việc làm lớn nhỏ. Con người có Nghĩa sâu xa chặc chịa mới dám hy
sinh cho mọi lẽ Đạo, quên mình vì Đạo, Đạo thành quên mình, giúp người nên Đạo
mà quên mình, quên cả thanh danh của mình, đó mới đúng cái Nghĩa của việc làm
Nghĩa, dám lấy cái nghĩa khí để vun bồi cội phúc cho mình luôn cả cho những
người thân quen thuộc, việc làm Nghĩa đó nó mới đúng cái nghĩa cao thượng. Đem
cái nghĩa ra phô trương giúp đời nên đạo, con người đó đã thấu đáo nhiệm mầu cơ
sanh hóa, hiểu được quyền năng của Tạo Đoan. Muốn tránh nơi luân chuyển thoát
vòng thế tục, mới dám hy sinh đem cái nghĩa khí của mình ra thực hiện giúp đời,
giúp người như vậy, thật hiện cái Nghĩa rất khó vô cùng.
Có một
vài kẻ để tiền của ra làm một vài sự việc gì đó, hay bố thí cho những kẻ nghèo
nàn chút ít mà đã lên mặt kênh kiệu ta đây đạo đức nhân nghĩa lung lắm… Người
tu thì khác, miệt mài tận tụy, hy sinh, quên mình lo báo bổ cho người khác
thành Đạo, đem hết tâm trí ra làm việc nghĩa, có như vậy mới thấy cái Đạo trong
Nghĩa khí đó.
Con người
có Nhân - Nghĩa mới đủ tư cách làm người Thánh thiện siêu nhân. NHÂN là tình
NGHĨA là yêu. Có tình yêu mới có lòng nhân ái vị tha, mới xứng đáng người
Chơn-Thiện-Mỹ đó vậy”.
Kinh
Thiên Đạo và Thế Đạo Cao Đài.
Đầu tiên
là kinh Sám Hối khuyên người ta phải sống cư xử với nhau bằng nhơn nghĩa:
Làm
người nhơn nghĩa xử xong,
Rủi
cho gặp lúc long đong chẳng sờn.
Hễ
biết nghĩa thọ ơn chẳng bội,
Giúp
cho người chớ vội khoe ra.
Việc
chi cũng có chánh tà,
Làm
điều phải nghĩa, lánh xa vạy vò…
Lương
tâm thường xét cho rành,
Của
không phải nghĩa chớ sanh lòng tà…
Làm
người nhơn nghĩa giữ tròn,
Muôn
năm bóng khuất, tiếng còn bay xa…
Kế đến
Giới Tâm Kinh:
Nguyền
Khổng Thánh bảo toàn Nho giáo,
Lấy
nghĩa nhơn Đại Đạo truyền ra…
Và Kinh
Vào Học cũng nêu lên:
Buộc
yêu thương bạn đồng môn,
Nghĩa
nhân vẹn giữ xác hồn tr ăm năm…
Và nhiều
đoạn kinh văn Thế Đạo khác luôn khuyên con người phải sống sao cho phải Đạo,
phải biết thương người mến vật…tức là không ngoài hai điều nhân nghĩa mà thôi…
4 - Vài lời
Kết:
Xã hội
ngày nay chỉ một phần nhỏ người còn giữ nét đạo đức nghĩa nhân còn phần đông
chỉ chạy theo danh lợi mà quên mất đạo lý luân thường. Hậu quả là hàng ngày
chúng ta thấy nhan nhãn cảnh cướp của, giết người không gớm tay. Chúng ta không
hiểu nổi khi chỉ vì một việc nhỏ người ta cũng có thể rút súng giết người.
Nhiều vụ xả súng giết người hàng loạt đã xảy ra…
Khoa học
kỹ thuật ngày nay tiến bộ làm cho đời sống con người đỡ chật vật hơn nhưng về
mặt đạo đức, an ninh thì xuống cấp quá độ. Đây là điều đáng lo ngại nhứt cho
tương lai nhân loại trên hành tinh nầy.
Cũng
chính vì nền đạo đức suy vi, cang thường nghiêng đổ nên Đức Chí Tôn là Ông Cha
Thiêng Liêng không nở nhìn thế giới nầy ngày càng băng hoại nên Ngài mới đến mở
ra nền Đại Đạo nhằm bảo tồn phong hóa nhà Nam, phục hưng nhân nghĩa Nho tông
xây dựng lại một xã hội thương yêu, công chánh, …hòa ái, tương thân, đại-đồng
huynh đệ, phục hồi Thánh Đức thuần lương, cộng hưởng thanh bình, an ninh hạnh
phước.
Thử hỏi,
đạo Cao Đài có làm được những gì đã đưa ra không ? Chúng ta biết Đạo Cao Đài là
do Thiên Nhân hiệp nhứt, trên thực hiện theo Thiên cơ dưới hợp lòng sanh chúng,
vậy chắc chắn chúng ta sẽ đạt được cứu cánh, xây dựng một thế giới huynh đệ đại
đồng trong tương lai…
* Quang Thông (11-2023)
Home. Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] .