Phân biệt Chánh giáo và Tà giáo. * Bảo Chơn.

1 - Ý ngh
ĩa chánh và tà trong tôn giáo.
Theo Cao Đài Từ điển:
Chánh đạo hay Chánh giáo là một nên tôn giáo chơn chánh, dẫn dắt người tu mau đến chỗ đắc đạo.
Chánh đạo, cũng gọi là Chánh giáo, đối lại là Tà đạo hay Tà giáo, dẫn dắt người tu vào nẻo quanh co, đưa đến chỗ sai lầm hư hỏng, uổng công tu hành.
TNHT: "Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà làm ra phàm giáo. Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa".
Chữ phàm giáo ở đây cũng có nghĩa như tà giáo. Có khi người ta dùng chữ Tả đạo bàng môn để chỉ những nền Đạo không chơn chánh.
Bàng môn là cửa hông chớ không phải cửa chánh. Tả đạo là nền đạo không chơn chánh. Cả hai đều dẫn dắt nhơn sanh vào nẻo tu hành quanh co, không giúp người đạt được cứu cánh của tôn giáo là an lạc thân tâm và giác ngộ, giải thoát…
Tại sao có Tả đạo Bàng môn ?  Có thể do đức tin mù quáng thiếu sáng suốt, do tà ma dẫn dắt hay vì mục đích ham danh trục lợi.
Đức Hộ Pháp thuyết Đạo ngày mùng 1 tháng 8 Canh Dần (1950) :
“Cái bảo vệ cho tạo đoan không có quyền diệt hóa phải bảo hóa mà thôi. Cơ quan bảo hóa tức nhiên chánh, cơ quan nào diệt hóa tức là tà. …
Việc bảo vệ sanh mạng của nhơn loại trong khuôn khổ tạo đoan, tức nhiên là cơ quan nào nâng đỡ bảo trọng thêm cái sống này giúp cơ thể tạo đoan và bảo vệ sanh mạng của vạn linh nơi mặt địa cầu này, nó là chánh, triết lý nào giúp cho nhơn loại tức nhiên bảo trọng cơ quan tạo đoan bền bỉ vững chắc nó là chánh. Triết lý nào xúi giục làm cho vạn vật tàn sát với nhau diệt hóa tức nhiên triết lý ấy là tà…” 
2 - Làm sao phân biệt được đâu là chánh giáo và tà giáo ?
Việc phân biệt chánh tà trong tôn giáo rất khó bởi vì dẫu là tà đạo nhưng người ta che đậy và phủ lên bề ngoài vẻ hào nháng đẹp đẽ thì người ta mới lầm mà đi theo.
Đức Chí Tôn cũng có dạy qua 4 câu Thánh thi:
"Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà,
Chánh tà hai nẻo đoán sao ra,
Sao ra Tiên Phật người trần tục,
Trần tục muốn thành phải đến ta".
Hai nẻo chánh tà rất khó mà phân biệt, chỉ có hàng Tiên Phật mới thấu đáo rõ ràng, còn hàng trần tục như chúng ta thì không dễ gì nhận biết được. Nhưng nay Đức Chí Tôn đến mở nền Đạo chơn chánh là đạo Cao Đài và Ngài cho hay muốn thấu đáo tà chánh thì hãy đến với Ngài.
Đến với Đức Chí Tôn là như thế nào ?
-Ý nghĩa đầu tiên là Ngài muốn nói nhơn sanh hãy vào đạo Cao Đài vì đây là nền chánh giáo do chính mình Đức Chí Tôn là giáo chủ lập thành để tận độ chúng sanh vào thời hạ ngươn mạt kiếp. Đức Chí Tôn là chủ quản Bát Quái Đài là nắm giữ linh hồn Đạo nên giữ vững chơn truyền chánh pháp không sợ sai lạc qua thời gian.
-Ý nghĩa thứ hai: Đức Chí Tôn và chư Tiên Phật đến lập Đạo và ban cho quyển Thiên thơ là bộ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Vậy chúng ta còn điều gì nghi ngờ thì tìm hiểu trong quyển Thiên thơ đó sẽ giúp chúng ta soi sáng để nhận ra đâu là chánh lý.
-Ý nghĩa thứ ba: Đến với Đức Chí Tôn tức là có đức tin mạnh mẽ và cầu nguyện nơi Ngài qua việc cúng tứ thời hằng ngày. Cúng kiếng là một bí pháp trong đạo Cao Đài, chúng ta siêng năng cúng kiếng lâu ngày trí não ta ngày thêm mẫn huệ, “huệ quang chiếu thấu chánh tà”  là như vậy.
-Ý nghĩa thứ tư: Mỗi người chúng ta đều có điểm linh quang tức là linh hồn hay chơn linh do Đức Chí Tôn ban cho, mà thể hiện của chơn linh là lương tâm. Vậy muốn phân biệt phải trái chơn giả chúng ta phải lấy lương tâm mà suy xét cho thấu đáo, nhưng với điều kiện lương tâm phải làm chủ nhục thân và chơn thần tức là khi đó chúng ta không có những phán xét sai lầm do ảnh hưởng của thất tình lục dục…
3 - Lỡ tu theo Tả đạo Bàng môn sẽ đoạt được kết quả không ?
Trong quyển Con Đướng Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp có nói đến 2 trường hợp các vị không tu theo đúng chánh pháp cũng về đến cõi Thiêng liêng nhưng không đoạt vị được.
- Trường hợp ông Vương Quan Kỳ : Đức Hộ Pháp kể lại như sau trong C ĐTLHS bài 3:
"Bần-Đạo nói rõ, Người ấy là Vương-Quang-Kỳ chú ruột của Thất-Nương vậy. Người mở Đạo mà chẳng biết Đạo là gì hết. Đi theo một tư-tưởng của nền chánh-giáo do Đức Chí-Tôn định quyết tư-tưởng của Người ấy và cả hành-tàng, nếu chúng ta thấy ta sẽ lên án là Tả-Đạo Bàn-Môn chắc hẳn vậy.
Lạ thay! Khi Bần-Đạo quay lại dòm thấy nhiều bạn rơi xuống Bích-Hải khóc lóc, còn người đó có Thiên-Phục giống hình mão Giáo-Sư, lại áo tốt vắt vai, mão cầm nơi tay, bận quần cụt ở trần đi ngật-ngờ, ngật-ngưỡng cười một mình không biết cười cái gì, đi ngang qua Bát-Quái-Đài như không vậy.
Ấy các bạn đủ biết, dầu hành tàng của người bề hữu-vi thấy trái hẳn nền chơn-giáo Đức Chí-Tôn mà trọn tâm tín-ngưỡng Ngài, ta đoán không đặng, người thọThiên-Phục áo mão dầu không thế gì mặc vô được, duy cầm nơi tay đi ngang vô Bát-Quái-Đài không quyền-lực nào ngăn cản được.
Chúng ta nên lấy bài học ấy đặng để trong tâm, đừng phê-bình công kích. Thoảng ta có phận sự dạy-dỗ để dìu-dắt cả các phần-tử Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn, và chúng ta có được quyền lấy oai-nghiêm của mình tìm phương thế nào dạy-dỗ đặng hiểu biết về phần hình-thể và phần hồn của toàn con cái Đức Chí-Tôn, ngoài ra không có quyền gì công kích, tự kiêu, mình bất quá là một phần-tử trong Thánh-Thể Ngài mà thôi…"
- Trường hợp thứ 2: ĐHP thuyết CĐTLHS bài số 32, những người tu không đúng chánh pháp chỉ về đến ngoài cửa Cực Lạc Thế Giới chớ không vào được.
"Bần-Đạo nói, trước khi vô Cực-Lạc Thế-Giới, chúng ta sẽ gặp một đám ở ngoại-ô Cực-Lạc, chúng ta thấy đủ thứ hết, đủ các sắc dân trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, không phải trái địa cầu 68 này mà thôi đâu. Trọc cũng có, râu dài cũng có, đủ thứ người, mà họ đi đến Cực-Lạc Thế-Giới, rồi họ gặp một bức tường cao vọi vọi cản ngăn họ cũng như Vạn-Lý Trường-Thành, chúng ta cũng lấy làm bực tức cho họ. Khi chúng ta đi trên không trung vào Cực-Lạc Thế-Giới dòm xuống thấy họ lao-nhao lố-nhố chùm nhum lại, chòm ba, chòm bảy, tới giờ cũng tụng kinh vậy, không phải nói đặng kêu ngạo người ta, hay nhạo báng người ta, mà thấy tình trạng của họ thấy thương quá, thấy tội nghiệp quá. Các chơn-hồn ấy là gì? Nếu chúng ta thấy được triết-lý của Đức Chí-Tôn thì không sợ cho những kẻ ấy, những kẻ ấy là các Tăng-Đồ của các nền Tôn-Giáo, dầu cho Tả-Đạo Bàn-Môn nhưng mà tâm-linh của mỗi người bao giờ họ cũng hướng về Đạo-Giáo, nhiều hạng trí-thức, nhiều Chơn-Linh siêu thoát. Một nền Tả-Đạo nào biết Tả-Đạo Bàn-Môn đi nữa cũng có người chỉ dẫn hướng đạo về triết-lý vừa bụng họ, tinh-thần họ, thấu đáo thiên-hạ mới theo, vì đó mà họ theo có gì lạ đâu…
Họ cũng đến Cực-Lạc được, duy có một điều là họ không hưởng thiệt cảnh, họ hưởng giả cảnh mà thôi. Họ phải ở ngoại-ô Cực-Lạc một thời gian đặng họ biết, họ đào luyện tinh-thần họ, họ không có tội tình gì hết, họ chỉ đi lạc lối mà thôi, nên họ hưởng không phải thiệt cảnh nơi Cực-Lạc Thế-Giới hay Niết-Bàn. Họ chỉ ở đó ẩn thân tu luyện một thời gian năm bảy trăm năm, rồi đầu kiếp lại tu nữa. Nếu tái kiếp lại tu nữa, chừng đó mới tìm-tàng thấu đáo chơn-truyền, mới được nhập vào thiệt cảnh…"
4 - Lời dạy của Đức Thái Thượng Đạo Tổ về tà chánh:
“Tà chánh, cười… Bần Ðạo nói thiệt, cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có sự may; trong cái may vẫn khép cầm sự rủi, khó lường được, điều cần là nên làm mà thôi.
Nếu luận tà chánh, thì chưa một ai dám còn mang mắt phàm xưng tụng mình là chánh. -Cái tà, vì Thiên thơ xử dụng, tà vì cơ thử thách của Tam Giáo Tòa; Tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn của quỉ vương để làm cho công phu lỡ dở.
Mỗi cái tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi thiêng liêng, hoặc có một kết quả. Ngày chung qui, chỉ đem về Thầy một chữ tâm và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng”…
Nền Ðại Ðạo đã chia ba, theo lời Bần đạo đã nói, M… Ng… hiền hữu muốn lập công nơi nào? Tòa Thánh, Trung Ương, Hậu Giang? (M… Ng… bạch: Nơi Tòa Thánh). Tòa Thánh là gốc cội của Ðạo, nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi, cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến, ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi đạo hữu, Bần Ðạo không dám dạy, nếu chờ thì phải trễ chăng?”(TNHT, Q2. Ngày 16-7-Giáp Tuất, 1934).
Bài nầy Đức Thái Thượng dạy vào thời điểm Đạo đã có vài chi phái tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, có vài vị chức sắc phân vân không biết đâu là chánh, đâu là tà và không muốn tiếp tục hành Đạo nữa và Đức Ngài đã khuyên cứ lấy chánh tâm mà hành Đạo và phụng sự hữu hiệu cho chúng sanh qua câu : "Ngày về chỉ đem về Thầy một chữ Tâm và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng", tức là để trọn đức tin nơi Đức Chí Tôn, trau giồi cái tâm cho tốt đẹp và cứu khổ cho chúng sanh, những thứ đó sẽ là hành trang để trở về cùng Thầy…
5 - Đức Hộ Pháp tiên tri về cơ khảo thí hiện nay:
"Đạo Cao Đài đến lúc sau này phải nhường chỗ cho anh KIM QUANG SỨ nắm trọn quyền để độ quài các đệ tử của anh do luật Thiên Điều chấp thuận.
Lúc đó mấy em nào không phải trong hàng đệ tử của anh thì ngồi ôm đó mà nhìn và an phận tu thân mà chờ đợi Qua.
Qua nói cho biết trước, đừng trách Qua hay trách ĐỨC CHÍ TÔN, khi quyền hành vô tay người nào thì người đó có quyền sắp xếp và thay đổi. Chính Qua cũng phải đứng đó mà nhìn họ làm. Nhưng việc gì cũng có ĐỨC CHÍ TÔN chứng kiến. Luật pháp của Thiên Điều không tư vị một ai. Làm gì thì Thiên Điều vẫn là Thiên Điều cho nên đứa nào là đệ tử của anh KIM QUANG SỨ thì hảnh diện đắc lực, đắc ý. Còn đứa nào là con của ĐỨC CHÍ TÔN thì vô phương phụng sự cho Đạo. Khổ lắm, mà chịu khổ được cúi đầu ngó thẳng đi tới là Đắc Đạo. Còn đứa nào chịu đựng không nổi, xé rào leo tường hoặc ngó lại đằng sau thì đừng trách Qua.
Ở đằng sau cây roi Đả Thần Thánh Tiên Qua đang nắm giữ trong tay. Qua sẽ đánh từng đứa không tha. Không phải học trò của HỘ PHÁP hay con cái của ĐỨC CHÍ TÔN mà được bao che để thoát khỏi tội lỗi đâu. Chưa kể là còn bị đòn nhiều hơn nữa là khác. Có trừng phạt như vậy mới gạn lọc đời Thánh Đức. Để khi anh KIM QUANG SỨ trả quyền lại cho ĐỨC CHÍ TÔN thì đạo mới tồn tại Thánh Đức…”
(Trích tài liệu Phạm Môn)
Thời buổi hiện nay đúng với lời tiên tri của Đức Hộ Pháp, vậy theo lời Ngài dặn con cái Chí Tôn phải "an phận tu thân" mà chờ đợi Ngài hay "cúi đầu ngó thẳng đi tới là đắc Đạo". Còn kẻ nào "xé rào leo tường hoặc ngó lại đằng sau" thì sẽ bị Ngài trừng phạt. Có tài liệu khác Ngài dặn chúng ta đi đến ngã ba đường mà không biết đường đi thì ngồi đó mà chờ Ngài. Chúng ta một lần nữa chiêm nghiệm những lời dạy của Đức Hô Pháp mà làm phương châm trên đường tu hầu không bị lầm lạc để trở về cùng Thầy mai sau.
6 - Kết luận:
Trên bước đường hành Đạo, có khi chúng ta với trí phàm không thể gì phân biệt được chơn giả, tà chánh, hoặc khi gặp cơn khảo đảo khó khăn..., chúng ta hãy để trọn đức tin, thành khẩn nguyện cầu với Đức Chí Tôn cùng chư Thần Thánh Tiên Phật thì sẽ đưọc các Đấng hộ trì sẽ tìm ra được giải pháp.
Một thí dụ điển hình, vào năm 1978, khi nhà nước VN ngụy tạo bản án Cao Đài, rồi bắt tất cả tín đồ tới chức sắc đều phải tham dự học tập và viết lới kết tội chư Tiền bối theo đúng ý muốn của nhà cầm quyền. Nếu chúng ta làm theo như vậy tức là đã thi rớt. Trong khóa học dành cho Bàn Tri Sự có một vị đêm về thành khẩn nguyện cầu Đức Chí Tôn và các Đấng dạy phải viết thế nào cho không phạm tội đối với chư vị Tiền bối, mà chánh quyền cũng không bắt bẻ được. Quả nhiên vị đó nằm mộng thấy các Đấng dạy: Con cứ viết tôi đã được nghe chánh quyền cho biết như vây, như vậy...nay nhà nước kết án như vậy....tức là câu nầy sẽ vô tội vạ vì đó không phải là nhận định của tôi mà của nhà cầm quyền.
Nói lên câu chuyện nầy để chúng ta thấy được sức mạnh của đức tin và lời cầu nguyện thành tâm. Các Đấng sẽ nương theo làn tư tưởng xông lên mà ban điển lành hay bố hóa tinh thần chúng ta mẫn huệ sáng suốt, nhận ra đâu là chân đâu là giả. 
Đức tin còn giúp chúng ta tiến bước trên con đường tu hành giải thoát như lời dạy của Đức Hộ Pháp qua Phương Luyện Kỷ:
"Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ, là đồ vô giá,...
Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu,
Thương yêu vô tận,
Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế".
* Bảo Chơn (ghi lại, 10-2023)

HomeMục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ] .