NGUỒN GỐC CỦA CHƠN THẦN
Cái Chơn thần của mỗi người có
được là do Đức Phật Mẫu lấy hai nguyên khí Âm quang và Dương quang nơi Diêu Trì
Cung, kết hợp tạo thành.
Còn Linh hồn là điểm Linh quang do Đức Chí Tôn ban cho. Đức Phật Mẫu thâu điểm Linh quang nầy, rồi tạo ra cho nó một Chơn thần (Xác thân thiêng liêng) bao bọc Linh hồn, tạo thành một con người nơi cõi thiêng liêng. Như vậy, một người nơi cõi thiêng liêng có hai thể : Linh hồn và Chơn thần.
Khi một người nơi cõi thiêng liêng được phép đầu kiếp xuống cõi trần thì Chơn thần và Linh hồn đi xuống nhập vào hình hài đứa bé vừa lọt khỏi lòng mẹ, làm cho đứa bé giựt mình phát ra tiếng khóc chào đời. Chơn thần sẽ làm khuôn viên cho thể xác đứa bé lớn lên, còn Linh hồn tạo ra sự hiểu biết và bảo tồn sự sống cho đứa bé.Do đó, hình
ảnh của thể xác đứa bé là hình ảnh của Chơn thần đứa bé, từ khi ấu thơ đến khi
trưởng thành hay đến lúc già.
Khi thể
xác chết thì Chơn thần và Linh hồn xuất ra khỏi thể xác, bay trở về cõi thiêng
liêng. Chơn thần mang lấy hình ảnh của thể xác như khuôn in rập.
Cái Chơn
thần của người chết có khi hiện hình cho người phàm thấy được, thường gọi đó là
Ma hay Hồn Ma, khi thì biến mất, nên Chơn thần thuộc về bán hữu hình, nghĩa là
có thể thấy được và có thể không thấy được.
Chơn thần
được Đức Phật Mẫu tạo ra bằng hai nguyên khí Âm quang và Dương quang, nên Chơn
thần có thể đi xuyên qua vật chất, không có gì cản trở được nó. Ánh sáng còn bị
vật chất cản trở, nhưng Chơn thần thì giống như từ trường, đi xuyên suốt qua vật
chất dễ dàng.
Đối với
người sống, Chơn thần ẩn trong thể xác phàm, trung tâm của nó là óc (não bộ),
và cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, tức là Nê Huờn Cung.
Chơn thần
liên hệ thể xác qua 7 dòng từ điện. Nhờ 7 dòng từ điện nầy, Chơn thần ra lệnh
điều khiển thể xác, cũng do nơi đó, thể xác đòi hỏi Chơn thần làm cho nó thỏa
mãn, khiến nên thể xác gây ra nhiều mối oan nghiệt, nên 7 dòng điện từ nầy được
gọi là 7 dây oan nghiệt.
ĐỊNH NGHĨA.
“ Chơn thần
là gì ? Là Nhị xác thân (Périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở
nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm níu kéo.
Cái Chơn
thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật, là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc
chơn tu, khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết
mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.
“ (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 2)
“ Mỗi kẻ
phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân : Một phàm gọi là Corporel, còn một
thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi
nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.... Khi
nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập.”
(TNHT 1-2, B 20)
Đức Chí
Tôn ban cho phép Đoạn căn là để cắt đứt 7 Dây Oan nghiệt nầy, để Chơn thần bứt
ra khỏi thể xác, không còn bị thể xác níu kéo, mà trở về cõi thiêng liêng.
Chơn thần
là xác thân thiêng liêng của mỗi người, do Ðức Phật Mẫu dùng nguyên khí nơi DTC
để tạo thành.
"Nơi
Ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang. Ðài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi
Thái Cực, rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên chơn thần cho Vạn
linh trong CKVT."
Lằn Sanh
quang của ngôi Thái Cực là điểm Linh quang của Ðức Chí Tôn ban cho. Ðức Phật Mẫu
thâu điểm Linh quang nầy làm linh hồn, rồi dùng Âm quang phối hợp Dương quang để
tạo chơn thần (tức là xác thân thiêng liêng) bao bọc điểm Linh quang ấy, tạo
thành một con người nơi cõi thiêng liêng. (Cao đài tự điển Nguyễn văn Hồng)
Chơn thần,
như chữ “Chân thần 真 神”, hay Đệ nhị xác thân. Theo Thánh giáo đây là một xác thân thiêng liêng do
Phật Mẫu dùng nguơn khí tạo thành.
Thể này thuộc khí chất, bán hữu hình, vì nó có thể
thấy đặng, mà cũng không có thể thấy đặng. Khi ra khỏi xác phàm, thì chơn thần
lấy hình xác phàm như khuôn in rập.
Khi còn sống, chơn thần không thể xuất ra đặng vì bị
xác phàm níu kéo, chỉ bậc chân tu mới có thể xuất chơn thần đặng.
Thánh giáo Chí Tôn dạy: “Cái chơn thần buộc phải
tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ nhàng hơn không khí, ra khỏi càn khôn đặng”.
Chịu ô trược Chơn thần nặng trịu,
Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm,
(Kinh Tận Độ).
Nhục thể làm thuyền qua khổ hải,
Chơn thần hoá hạc đến Kim Bàn.
* Thơ Tiếp Đạo.
* Cao đài tự điển Quách văn Hoà
NHIỆM VỤ CỦA CHƠN THẦN
Một người nơi cõi trần, khi thể xác chết thì Linh hồn
và Chơn thần xuất ra, rời bỏ thể xác, đi trở về cõi thiêng liêng. Nơi đây, Linh
hồn và Chơn thần được xem xét tội phước và định phận.
Nếu được cho chuyển kiếp đầu thai trở lại cõi trần
thì diễn tiến như sau :
Trước hết, các vị Phật nơi từng Trời Tạo Hóa Thiên
như : Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, vv . . .
lãnh nhiệm vụ nơi Đức Phật Mẫu, dùng Chơn thần cũ của người đó làm chất liệu để
nắn đúc ra một Chơn thần mới với hình ảnh tốt đẹp hay xấu xí tùy theo cái nghiệp
của Chơn thần cũ và trình độ tiến hóa của Linh hồn. Nếu Linh hồn đã tiến hóa
cao thì hình ảnh của Chơn thần mới tốt đẹp, trái lại, nếu Linh hồn kém tiến hóa
thì hình ảnh của Chơn thần mới xấu xí.
Chúng ta lưu ý rằng, Linh hồn chỉ là một điểm Linh
quang nên không thay đổi, còn Chơn thần thì có hình ảnh thay đổi tùy theo trình
độ tiến hóa của Linh hồn.
Linh hồn và Chơn thần được đưa xuống cõi trần, đến
với một bà mẹ đang mang thai theo luật hấp dẫn đồng khí tương cầu. Khi hài nhi
vừa được sanh ra khỏi lòng mẹ, Linh hồn và Chơn thần liền nhập vào thể xác hài
nhi qua cái cửa Nê Huờn Cung, nơi mỏ ác, làm cho thể xác của hài nhi rung động,
bật ra tiếng khóc, bắt đầu hít thở không khí, và cũng bắt đầu một kiếp sống
mới nơi cõi trần.
Kể từ đó, Thể xác, Chơn thần và Linh hồn đứa bé có
đời sống độc lập đối với bà mẹ và lớn lên dưới sự điều khiển của Linh hồn.
Trong Thuyết đạo, Đức Phạm Hộ Pháp giảng về Bí
Pháp, có nói :
“ Con dương trùng (tinh trùng) của cha nhập vô ôm
khít với âm trùng (noãn châu) của mẹ, dương trùng của cha tạo biến hình hài xương
cốt chúng ta, còn âm trùng của mẹ biến ra máu thịt của chúng ta đó vậy. Hai con
vi trùng ấy ôm khít lại với nhau thành tượng biến hình hài. Hai tinh trùng hiệp
lại khác hẳn với cái hình tướng tinh trùng đơn sơ, khi nhập vào, hai con làm
thành một.
Buổi tượng hình chúng ta thì Chơn thần của chúng ta
còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của chúng ta. Nó vơ vẩn hoặc là quanh theo bà mẹ,
ở dựa bên, nhứt là bà mẹ đi nơi nào, nó đều theo nơi đó. Chơn thần theo người mẹ
có chửa. Nếu người mẹ có đạo đức, dám chắc đi đâu chưa có sự gì rủi ro đến thiệt
hại. Bởi cớ cho nên đứa con theo mãi, theo cho đến khi tượng hình chúng ta ra
khỏi lòng bà mẹ, Chơn thần ấy mới nhập vô ảnh hài đó, làm khuôn
viên cho ảnh hài đó.”
“Ngộ nghĩnh thay, nếu chúng ta ngó thấy tinh thần
chúng ta đầy đủ đạo đức chừng nào thì Chơn thần ảnh hài càng ngày càng đẹp,
càng tăng tiến.”
Một vấn đề đặt ra là khi đứa bé lớn lên, tại sao nó
không nhớ được các việc trong tiền kiếp của nó ?
Việc ghi nhớ các việc đã qua trong kiếp sống là do
nơi trí não thuộc về Chơn thần.
Như đã trình bày ở trên, chư Phật nơi Tạo Hóa Thiên
dùng cái “Chơn thần cũ” nắn đúc lại thành cái “Chơn thần mới”, rồi phủ
lên đó một tấm màn bí mật che lấp hết các ký ức cũ. Các ký ức cũ vẫn còn đầy đủ,
không bao giờ mất, rút vào trong bộ nhớ ở trong Chơn thần, nhưng bị che kín bởi
một màn bí mật, làm cho đứa bé không thể nhớ được tiền kiếp của nó. “Chơn thần
mới” chỉ là biến tướng của “Chơn thần cũ” do phép huyền diệu của Phật Mẫu tạo
ra để che giấu những sự việc trong tiền kiếp, đồng thời định ra hình ảnh mới
cho thể xác trong kiếp sống mới thích hợp với trình độ tiến hóa của Linh hồn.
Khi đứa bé trưởng thành, nếu biết cách công phu tu
luyện thì nó có thể mở được tấm màn bí mật nói trên, sẽ biết rõ tiền kiếp của
mình. Được như thế gọi là đạt được trí huệ, tức nhiên đắc đạo tại thế.
PHÉP TU CHƠN THẦN.
Đứng về phương-diện thứ-tự của sự tu-luyện Đức Lý
Giáo-Tông đã dạy rằng:
“Có công phải biết gắng nên công,
Tu Tánh đã xong mới luyện Lòng.
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục,
Đơn tâm khó định lấy chi mong.
(Thi-văn dạy đạo)
Chơn-thần thuộc về khí-chất, và chơn thần còn gọi
là pháp thân hay thể phách, nó đóng vai trò trung-gian liên-kết giữa thể-xác
và linh-hồn. Thánh-giáo Đức Chí-Tôn nói về pháp-thân tức là chơn-thần như sau:
“...Mỗi kẻ phàm dưới thế này đều có hai xác-thân, một
phàm gọi là nhục-thân (corporel), còn một thiêng-liêng gọi là thần-hồn
(spirituel), cái thiêng-liêng do cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu-hình, vì
nó có thể thấy đặng mà cũng có thể không. Cái xác-thân vô-hình huyền-diệu ấy do
Tinh, Khí, Thần luyện thành. Nó nhẹ như không-khí. Khi ở xác phàm xuất ra thì
nó lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập...”
“... Phải có một thân phàm tinh-khiết thì mới xuất
chơn-thần tinh-khiết...” (Thánh ngôn hiệp tuyển/ Q1/ tr.29.).
Chơn thần (pháp-thân) nằm trong thể xác (phàm-thân)
lồng trong ngủ-tạng lục-phủ, xương thịt ra đến da lông và tứ chi, nó là một mạng
lưới rung-động bằng điển-quang liên-quan với hệ thống thần kinh chi chít, nên
nó cũng là cơ quan đón nhận mọi cảm-xúc như đau-đớn, nóng lạnh, ấm mát. Nên ở một
người thể xác bị cưa cụt ở một chi, nhưng họ vẫn thấy cảm-giác đau-đớn xuất-phát
ở phần tay hay chân đã bị cắt bỏ từ lâu, chứng tỏ rằng phần tay chân của
phàm-thân tuy bị cắt bỏ, nhưng phần tay chân khí-chất của pháp-thân vẫn còn
nguyên-vẹn, nên vẫn còn cảm-giác. Theo Đông y hệ thống kinh huyệt là vô hình
tác động lên hệ thống thần kinh hữu hình để trị bệnh (thuộc về chơn thần). Nên
nó cũng là nơi đón nhận mọi cảm-xúc và xuất-phát mọi tình-cảm cũng như tư-tưởng.
Bản-chất của chơn thần ưa rung-động thô-bạo, khí-chất của nó luôn chu-lưu khắp
cơ-thể, nhờ đó mà khối sinh-lực lồng trong xác- thân mới vận-hành, biểu-hiện sự
linh-hoạt trong đời sống. Nó chiu sự điều-khiển của Linh-thân (linh hồn) vì nó
là khí-chất, nên phải lồng trong xác thân, khó xuất ra được. Đối với các bậc
chơn-tu đoạt đặng bí-pháp xuất-thần thì nó có thể xuất ra khỏi xác-thân cùng với
linh-thân mà vân du thiên ngoại. Chết là hiện-tượng pháp-thân (chơn-thần) và
linh-thân (chơn-linh) rời khỏi xác-thân vĩnh-viễn. Nhờ có chơn thần mà
chơn-linh sau khi thoát xác, vẫn có thể phản-phất ở cỏi-trần và cỏi trung-giới,
nếu người tu đắc đạo, pháp-thân nhẹ-nhàng hơn không-khí, thì có thể lên đến thượng-giới
nhập vào cỏi niết-bàn. Chơn thần là chất khí nên nó có thể tán, có thể tụ và có
thể ẩn hiện. Nên trong ngôn-ngử nhân-gian gọi là hồn người chết, hồn này có thể
hiện về, thậm-chí còn tạo ra tiếng động hoặc di-chuyển đồ vật, để chứng tỏ sự
hiện-diện của họ.
Chơn thần đóng vai trò trung-gian giữa xác
(phàm-thân) và hồn (linh-thân), có phận-sự liên-kết ba thể làm một. Ba phần này
hổ-tương với nhau, nó có phận-sự chuyển mệnh-lệnh của linh-hồn đến nhục-thể, để
sai khiến nhục-thể hành-động, ngược lại chuyển những tri-giác của ngũ-quan tiếp-xúc
với ngoại-cảnh vào cho linh-hồn để nhận biết và ghi nhớ. Theo duy-thức-học của
Phật-giáo đây là sự hoạt-động của ngũ thức (Tai, mắt, mũi, miệng, da) cùng Ý-thức
và Mạt-na-thức.
Chơn thần tu như thế
nào?
Chơn-tướng của chơn-thần (Tánh) khi duyên theo
chơn-tâm, hướng về với linh-hồn thì trở thành chơn tánh, biểu-lộ các tánh-tình
cao-thượng, trong-sáng và trí-tuệ minh-mẫn, khiến xác-thân thi-thố những phẩm-hạnh
tốt lành; đồng thời khiến cho pháp-thân tươi đẹp, tỏa nhiều hào-quang sáng-sủa,
tuy mắt xác phàm không thể nhận thấy, nhưng có thể cảm-nhận được sắc-thái của
nó. Ngôn-ngữ của nhân-gian gọi là thần-sắc hay khí-phách của con người. Nếu ta
nhìn vào một người hiền-lương, tiên-phong, đạo-cốt, ta sẽ nhận thấy cái dáng-dấp
phương-phi, đạo-mạo, còn gọi là cái khí-phách của họ có thể cảm-hoá được người
khác. Còn những người gian-ác hung-tợn thì hình-thù cổ-quái, dị-hợm, mới nhìn
vào là đã có ác-cảm ngay.
Khi chơn thần khuynh-hướng theo phàm-thân thì trở
thành tục-tánh, biểu-hiện những tình-cảm thấp kém, là một thứ giác-tánh thô-thiển
có ở bản-năng của cầm-thú như đói biết tìm ăn, lạnh biết tìm ấm, thèm khát đòi
hỏi thỏa-mãn; chứ không phân-biệt được phải quấy, thiện ác. Bởi thế nên những
người tuân theo đòi hỏi của xác-thân thì hay có những hành-động thiếu suy nghĩ,
ngoài ý muốn của lương-tâm là vậy.
Chơn thần còn là nơi xuất-phát mọi suy nghĩ là nơi
hoạt-động của tư-tưởng, nó khu trú ở não, nên người đời hay gọi là trí-não. Xu-hướng
của nó duy-lý, nên cũng hay gọi chung là lý-trí, nhưng đôi khi lý-trí yếu-đuối
không tập-trung, thì cũng bị tình-cảm lôi-cuốn, trường-hợp này gọi là tình-cảm
thắng lý-trí, thường xử sự kém suy nghĩ.
Theo thần-học, khi trí hoạt-động phát ra những luồng
tư-tưởng như điển-quang, cái trí cũng có hình ảnh, người có huệ-nhãn có thể nhìn
thấy. Nó là chất khí, nó cũng có sức mạnh nên gọi là khí-lực, nếu người tu biết
làm chủ nó, tập trung tư-tưởng mạnh-mẽ, thì có thể nâng nổi đồ vật hữu-hình và
có thể khiến người khác làm theo ý muốn của mình, như ta thường thấy các nhà
thôi-miên họ chỉ dùng tư-tưởng tập-trung cao-độ để sai-khiến người khác mà
không cần lời nói.
Chức-năng của cái trí là để phát-biểu tư-tưởng,
đây là nơi xuất-phát những điều thiện cũng như điều ác. Phật giáo gọi là Mạt-na-thức
(thức thứ bảy) là nơi khởi phát ra vọng-niệm của thất tình như: Mừng, giận, buồn,
vui, thương, ghét, sợ-hãi và lục dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), ý-thức
suy-nghĩ rồi sai-khiến xác-thân hành-động.
Nên trong duy-thức-học của Phật-giáo cho thức này :
công cũng đứng đầu, mà tội cũng đứng đầu (công vi thủ, tội vi khôi). Chúng ta
thường thấy người có tư-tưởng thanh-cao thì có những hành-động quang-minh
chánh-đại; còn tư-tưởng tham-dục ích-kỷ thì khiến con người hành-động đê-tiện.
Nếu tư-tưởng mạnh còn có thể lôi cuốn người khác làm theo.
Tuy cái tâm chỉ-huy cái trí nhưng nó cũng có ảnh-hưởng
ngược lại, nếu trí-lự quang-minh thì tâm-địa cũng rộng-rãi khoáng-đạt. Cái trí
nằm trong pháp-thân nên cũng có bản-chất rung-động mau-lẹ, thay đổi không ngừng,
nên giới tu-hành ví nó như con vượn chuyền cây, ít khi chịu đứng yên một chỗ.
Nó ít khi tập-trung một chủ-đề, suy nghĩ việc này chưa xong, thì chuyển sang việc
khác, nó ưa tản-mát mông-lung.
Nên trong sinh-hoạt tư-tưởng của con người có
tập-trung, thì mới làm việc đến nơi đến chốn và mới có được trí nhớ bền-bỉ. Nên
con người cần nuôi-dưỡng cái trí bằng tư-tưởng thanh-cao, tình-cảm trong sạch
và thức ăn tinh-khiết vì thức ăn nuôi-dưỡng xác-thân, nhưng cũng ảnh-hưởng đến
trí-não, tỷ như uống rượu sẽ làm cho trí-não hỗn-loạn.
Nói chung chơn-thần là phần lý-trí, tình-cảm, dục-vọng.
Nó là một hạ-thể giúp cho linh-hồn sinh-hoạt ở ba
cõi phàm-trần, trung-giới và thượng-giới, chứ nó không phải là Ta.
Nên nó cũng giống như là phàm-thân vậy, nó có những
cá-tính riêng của nó; lao-chao bất-định. Nhất là ở những linh-hồn chưa tiến-hoá
cao, nhu-nhược không điều-khiển được nó, để nó sống tuỳ-tiện hàng bao-nhiêu kiếp
rồi, nên ta thường thấy có những mâu-thuẫn trong tâm-linh, như ta không thể làm
điều thiện mà ta muốn, mà lại làm điều ác mà ta không muốn.
Còn các linh-hồn đã tấn-hoá cao, điều-khiển
được nó thì sẽ có những diệu-dụng, giúp cho con người biết phán-đoán, phân-biện.
Ta có thể nói tất-cả sự tiến-bộ của loài người từ
đây mà phát-xuất, đó là chân-lý của chơn thần, khi chết phàm-thân tan rã,
pháp-thân lưu giữ tất-cả ý-chí tình-cảm, dục-vọng, cho đến khi đầu thai vào kiếp
sống mới, thì những thứ này sẽ trở nên cá-tính cho kiếp sau. Các hoạt-động của
trí-não cũng vậy, nếu trong kiếp đương-sanh mà chuyên nghiên-cứu chủ-đề nào, hoặc
ngành nghề nào thì nó cũng trở thành năng-khiếu cho kiếp lai-sinh, đạo-học còn
gọi là sự ôn-tập tiền-kiếp.. Về phương-diện tu-luyện thì chơn-thần còn gọi là
nhị xác thân, nó có thể xuất ra khỏi Phàm-thân mà vân du thiên ngoại nên Đức
Chí-tôn đã dạy về Nhị xác thân như sau:
"Thầy nói cái chơn-thần là nhị xác thân các
con, là khí-chất (le sperme) nó bao-bọc thân-thể các con như khuôn bọc vậy, nơi
trung-tâm của nó là óc, nơi cửa xuất-nhập của nó là mỏ-ác, gọi tiếng chữ là
Vi-hộ, nơi ấy Hộ-pháp hằng đứng mà gìn-giữ chơn-linh các con khi luyện Đạo đặng
hiệp một với khí, rồi đưa thấu đến chơn-thần, hiệp một mà siêu phàm nhập thánh.
(TNHT/Q 2/trang 65)
Đó là tất cả thể-pháp và bí-pháp của chơn-thần hay
là đệ nhị xác-thân, nó thuộc về khí-chất, được thể hiện bằng ‘Tánh”.
Chơn thẦn đưỢc chỨng
minh qua các nhà khoa hỌc.
Ngày nay các nhà khoa-học cũng đã chứng-minh được
phần đệ nhị xác- thân mà nhân-gian gọi chung-chung là vía hay là hồn, là nơi
sinh-hoạt của tri-thức, lý-trí, tình-cảm và dục-vọng ở con người, trong lúc kiểm-chứng
ở những người chết lâm-sàng (clinical death). Thuật-ngữ y-học này mô-tả trạng-thái
một người không còn dấu hiệu nào của sự sống thấy được bên ngoài, như ý-thức và
phản-xạ tim đập, ngực thở, tức là pháp-thân đã xuất hoàn-toàn ra ngoài
phàm-thân do một hoàn-cảnh bất-thường nào đó, gần như bắt-buộc chứ không phải
theo ý-muốn của Linh-thân, nhưng nó vẫn quanh-quẩn bên cạnh xác-thân và ghi nhận
được những chuyển-biến xảy ra với phàm-thân tại lâm-sàng đã vô-tri bất-động gần
như chết.
Bác-sĩ Raymond Moody đã kiểm-chứng 150 người chết
lâm-sàng, họ đều tường-thuật giống nhau về những hồi-ức đến với họ trong lúc bất-tỉnh,
tức là khi hồn xuất ra khỏi xác, họ cảm thấy vô cùng êm-ả, tự-do và mất cả
đau-đớn, từ bên trên họ nhìn thấy được thân-xác họ và môi-trường chung-quanh, cũng
như họ chứng-kiến cả những thao-tác của các Bác-sĩ, Y-tá đang cố-gắng cứu sống
họ. Có người còn thấy mình đi vào một cảnh-giới siêu-việt đẹp lạ thường. Ở đó họ
gặp được những người thân, bạn-bè “đã chết” và một “thể sáng” mà nhiều người
cho đó là Thiên-thần, Chúa hoặc Thượng-đế.
(Theo Life After Life/ Đời Sống Sau Khi Sống/
của Bác-sĩ Raymond Moody).
Sau đó Bác-sĩ Michael Sabom một chuyên-gia tim mạch
đã nghi-ngờ khám phá trên, và Ông ta đã tiến-hành hàng loạt nghiên-cứu về vấn-đề
nầy trong suốt 5 năm liền. Ông đã phỏng-vấn hơn 100 người đã từng chết hụt (chết
lâm-sàng). Họ đã kể lại những chi-tiết hồi-sinh cấp-cứu tim phổi
(cardiopulmonary resuscitation) nhiều người trong đó kể rất rõ-ràng chi-tiết họ
đã trông thấy về những kỹ-thuật thao-tác y-khoa khá chính-xác, trong lúc họ
không có chút kiến-thức nào về y-khoa cả, nhiều người còn cho biết lúc đó họ
đang ở một nơi nào đó bên ngoài, hoặc gần trên thân xác họ. Bác-sĩ Sabom cũng đã
so-sánh lại mức-độ chính-xác nầy ở một nhóm kiểm-chứng gồm 15 bệnh-nhân cũng từng
trải qua sự hồi-sinh tim phổi, nhưng không phải là chết lâm-sàng (tức là
chơn-thần còn nằm lồng trong xác-thân chưa xuất ra ngoài), hầu như những người
trong nhóm kiểm-chứng nầy có những sai lạc quan-trọng khi kể lại những điều xảy
ra trong thời- gian đó.
(Theo Recollections of Death/ Những hồi-ức về Cõi chết/ của Bác-sĩ Michael Sabom).
Đó là câu chuyện các nhà làm khoa-học đã khám-phá
ra được đệ nhị xác- thân bên phương Tây, thì ở Việt-nam cũng có một trường-hợp
tương-tự xảy ra mà các nhà làm khoa-học của Việt-nam gọi là “ Một hiện tượng kỳ
lạ” hay còn gọi là hiện-tượng Nguyễn-văn-Chiều”. Câu chuyện đó như sau:
Ông Nguyễn-văn-Chiều, sinh năm 1952 ở thôn Trung xã
Hội-xá, Gia-lâm, Hà-nội là một thợ điện của Xí-nghiệp cầu Thăng-long, đã bị nguồn
điện 6.000 vôn giật và quăng từ độ cao của cột điện xuống đất, toàn thân bị
cháy và mê-mang bất-tỉnh, được đưa vào Bệnh-viện cấp-cứu, trong 9 ngày liền
mê-mang bất-tỉnh (chết lâm-sàng), bỗng sống lại, và Ông Chiều kể lại rằng trong
lúc mê-mang, ông ta lạc vào một thế-giới huyền-ảo, ông vẫn nhìn thấy được thể
xác mình, cùng những thao-tác cấp-cứu của các Bác-sĩ và y-tá, trong lúc đó ông
cũng đã nghe được tiếng nói dạy ông cách chữa bệnh bằng phương-thức mở các kênh
năng-lượng (luân-xa). Khi tỉnh dậy ông theo phương-thức đó tự chữa bệnh cho
mình, chỉ sau 25 ngày thì ông bình-phục. Sau đó ông lập ra trung-tâm chữa bệnh
gọi là Tâm-năng dưỡng-sinh và dạy lại cho nhiều người có cả những bậc trí-thức
sau đại-học.
(Theo bài viết của tác-giả Thu-Ba đăng ở báo Phụ-nữ
Việt-nam số xuân Bính-tý ra ngày 03/02/1996 và bài phát-biểu của Giáo-sư Tiến-sĩ
Nguyễn-hoàng-Phương trong lễ ra mắt Trung-tâm Nghiên-cứu Tâm-năng Dưỡng-sinh/
Phục-hồi sức khỏe của Ông Chiều với nhan-đề “Để trở thành một chuyên-gia cận
y-học: hiện-tượng Nguyễn-văn-Chiều”).
Trong cửa đạo Cao-đài cũng có nhiều tín-đồ đã từng
chết đi sống lại, và họ cũng đã kể rằng, họ đã gặp những người thân đã chết, và
có nhiều người đã nhắn-nhủ lại với người còn sống nhiều điều cần-thiết, họ còn
cho biết họ gặp cả các Đấng Thiêng-liêng dạy Đạo cho họ. Thậm-chí có những người
chết một cách đột-ngột đã hiện về báo mộng hoặc giáng-cơ cho người còn sống biết
nơi họ đã chôn dấu vàng bạc trước khi chết, hoặc những điều họ ghi chép dặn-dò
con cháu khi còn sống, mà họ đã cất một nơi nào đó... người nhà theo sự hướng-dẫn
đó đã tìm lấy lại được...Những trường-hợp nầy nếu sưu-tập thì cả một pho sách
dày, nhưng những sự-kiện nầy không để lại bằng chứng, nên một số người cho đây
là các trường-hợp ảo-giác không đáng tin !!!
Nên ở đây chúng tôi chỉ sưu-tập các tài-liệu Đông
Tây ngày nay, đã có các khoa-học gia kiểm-chứng, để chứng-minh rằng đệ-nhị xác
thân theo nhân-sinh-quan của Cao-đài-giáo đã truyền-đạt cách đây gần một thế-kỷ,
lúc đó trình-độ của khoa-học vẫn còn mù-tịt về vấn-đề nầy, thì nay đã chứng-minh
rõ-ràng rằng Pháp-thân là đệ nhị xác-thân tuy nó là một phần mờ, thuộc khí chất,
mắt phàm không thể nhìn thấy được, nhưng nó vẫn là một thực-thể, có tri-giác,
có tình-cảm nằm lồng trong xác-thân và có thể xuất ra ngoài mà vẫn giữ nguyên
trạng-thái cấu-tạo và sinh-lý cùng bản-chất Trời ban cho nó là nắm giữ phần
tri-thức tình-cảm của con người, chứ không phải là phàm-thân là xác-thân bằng
xương bằng thịt. Đệ nhị xác-thân nó còn làm trung-gian cho sự sống nối liền giữa
thể-xác và linh-hồn.
KẾT LUẬN.
Tóm lại chơn thần hay là pháp thân hay là đệ nhị
xác thân là vía là tướng tinh …nó có những đặc tính căn bản sau đây:
Lục dục là sáu cái ham muốn của tai mắt mũi lưỡi
thân ý mà quan trọng nhất là ý dục là tư tưởng nó điều khiển năm cái dục của
tai mắt mũi lưỡi và thân.
Thất tình Hỉ nộ ái ố ai bi lạc dục nghĩa là vui buồn
thương ghét mừng giận muốn.
Trong bảy tình thì dục là ham muốn là nguồn gốc
sanh ra sáu cái kia.
Ký ức. Chơn thần chứa đựng tất cả những hành động lời
nói tư tưởng trong sinh hoạt đời sống hàng ngày trong các kiếp đã qua, hiện tại
và tương lai, khả năng chứa đựng không giới hạn và một điều bí mật là không thể
thay đổi được.Thí dụ một người nào đó đã cầm dao cắt cổ con gà thì không thể
nào thay đổi mình vuốt ve yêu thương con gà.Nếu thay đổi được điều nầy là thay
được quyền tạo hoá.
Chơn thần là khí hậu thiên, khí này có do tinh ba của
vật chất biến sanh. Do đó ăn uống những thực phẩm thực vật tinh khiết sanh ra
khí tinh khiết đây là phần tu luyện để làm chủ thân xác.
Chơn thần có hào quang ló ra bao quanh thân thể xa
hay gần màu sắc thay đổi tuỳ theo tâm ý của con người.
Chơn thần có một hệ thống kinh huyệt vô hình với bảy
luân xa là trung tâm thần lực liên hệ tới bảy dây oan nghiệt.
Chơn thần có tư tưởng là phần quan trọng nhất cần
phải tu tập nó là nguồn gốc của công và tội. Nó có một sức mạnh vô hình có thể
dời non lấp biển có thể thay đổi vận mạng của thế giới. Nó ảnh hưởng tới môi
trường sinh sống của vạn loại.
Chơn thần là thể xác thiêng liêng có hình dáng giống
như thể xác con người khi còn sống. Thể xác nầy chỉ bị tiêu diệt khi tội quá nặng.
Chơn thần chứa đựng chơn linh luân hồi qua nhiều kiếp
cho tới khi tiến hoá tới đích cuối cùng là hiệp một với Thượng đế.
Chơn thần trong cõi vô hình có công dụng quan
trọng nhất là tư tưởng muốn gì được nấy cũng có những giác quan tai mắt mũi lưỡi
thân giống như một thể xác khi còn sống.
Tư tưởng có thể phát ra những làn sóng âm thanh và
hình ảnh mà người chết hay người sống có huệ nhãn huệ nhĩ thấy được nghe được.
* Trung Dung Đạo (01-2024)
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- Tam thể xác thân của Đức Cao Thượng phẩm.
- Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp.
- Chơn thân giải của Ngài Bảo pháp Nguyễn trung Hậu.
- Sự cấu tạo và sinh hoạt của thể chất và tâm linh của Dã trung tử.