NHỊ NGUYÊN TRONG CAO ĐÀI. * TỪ CHƠN .

Dẫn
Có vài đồng đạo thắc mắc: bây giờ người ta thường mở đầu câu chuyện tôn giáo bằng những từ ngữ nghe rất hấp dẫn như nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên, thậm chí lấy làm bút hiệu hay đặt tên cho con cháu, vậy những từ ngữ đó nghĩa là gì, có liên quan gì đến Đạo Cao Đài, và quan trọng là có giúp gì trong việc tu học hay không? Nếu dùng chữ thật kêu mà không hiểu rõ, rồi làm sai thì uổng công tu học. Bài viết này sẽ cố gắng làm sáng tỏ những điều đó.
Người viết nghĩ rằng nhiệm vụ của tín đồ Cao Đài là phổ độ, theo đúng nghĩa là giúp cho mọi người thoát khỏi những khổ đau trong cuộc sống thông qua hình thức tôn giáo. Một số tín đồ hiểu rằng “độ” là thuyết phục người khác vào đạo Cao Đài. Nghĩ như vậy dù có ích về mặt nào đó, nhưng lại quá hẹp hòi.
Để “độ” người, chúng ta chỉ được sử dụng lời dạy đạo (giáo lý) của các đấng giáo chủ, ngoài ra không được dùng bất cứ cách nào khác liên quan đến chính trị, quân sự hoặc kinh tế. Do đó, phải học về tôn giáo cho nhiều, nhất là các vị chức sắc chức việc. Không cần phải có kiến thức sâu rộng của một Tiến Sĩ Thần Học như các vị Linh Mục Công Giáo, nhưng ít ra phải nắm chắc giáo lý cơ bản thì mới mong “độ” người khác. Học nhiều để hiểu đúng, rồi còn phải thực hành đúng mới có thể thành công.
Hơn nữa bây giờ đạo đã bước ra nước ngoài thì lại càng phải chuyên cần học tập. Học của mình rồi học của người.
Biết người biết ta mới mở rộng tầm nhìn, từ đó mở rộng tấm lòng đến toàn nhân loại.
 
Bài viết này đụng chạm chút ít tới triết học, do đó sẽ gặp hai điều khó. Một là, tài liệu về triết học rất nhiều và các vấn đề thường rất phức tạp. Đó là chưa kể đã qua gần nửa thế kỷ bỏ quên, không học tập triết Tây Phương do điều kiện khách quan. Trong khi đó người Tây Phương vẫn liên tục tiến bộ như vũ bão nên sau một khoảng thời gian lâu như vậy chúng ta không thể tránh khỏi ít nhiều ngỡ ngàng khi cập nhật. Hai là, từ ngữ chuyên ngành triết của Việt Nam còn hạn chế và thường là từ Hán-Việt rất khó hiểu.
Để vượt qua hai khó khăn này, người viết sẽ tập trung
tham khảo những nguồn tài liệu mới nhất, luôn được cập nhật bởi những ban biên tập khoa học và uy tín nhất, nhằm tránh những thông tin lạc hậu hoặc giả tạo. Thí dụ như bài viết của Encyclopedia Britannica (Tự Điển Bách Khoa của Anh đã có hơn 250 năm), hay của Stanford Encyclopedia of Philosophy (Tự Điển Triết Học Toàn Thư của Đại Học Stanford, Mỹ, trường được xếp hạng ba trên thế giới).
Còn Wikipedia là tự điển mở, nghĩa là ai muốn viết gì vào đó cũng được, thì chỉ dùng bản tiếng Anh, không dùng bản tiếng Việt. Sau đó, thông tin sẽ được cô đọng hết mức đồng thời loại bỏ nhiều từ ngữ Hán-Việt cho dễ đọc. Hy vọng sẽ đem kho kiến thức của thế giới đến thật gần với quý đồng đạo để rồi trong tương lai, người tín đồ Cao Đài mạnh dạn sánh vai với các tôn giáo bạn trên thế giới.
 
Nguồn gốc
Nhị nguyên là từ chuyên ngành triết học, dịch ra từ chữ “Dualism”. Nghĩa gốc của dualism là “hai phần”. Các học giả phương Tây dùng từ này để phân loại các cách suy nghĩ của con người. Họ nói suy nghĩ thế này là theo kiểu nhị nguyên, suy nghĩ thế kia là nhất nguyên,v.v…Vì vậy chúng ta có thể gặp từ này ở nhiều lãnh vực khác nữa, như chính trị, luật pháp, luân lý học, tin học,v.v… Nhị nguyên không phải là từ độc quyền của triết học, thần học hay tôn giáo.
Theo Encyclopedia Britannica, riêng trong lãnh vực tôn giáo, thuyết nhị nguyên cho rằng có hai đấng (hai quyền lực, hai nguyên lý, hai sức mạnh) tối cao đối nghịch nhau và sự tranh đấu này không những tạo ra mà còn chi phối thế giới chúng ta. Trái lại, thuyết nhất nguyên cho rằng thế giới vốn khởi nguồn từ một nguyên lý duy nhất, chẳng hạn như tinh thần (hoặc vật chất). Thuyết này thường gặp ở những tôn giáo chỉ thờ một vị thần (độc thần giáo). Còn thuyết đa nguyên thì cho rằng nhiều thế lực tạo ra và chi phối thế giới. Các tôn giáo thờ nhiều vị thần (đa thần giáo) thường có giáo lý đa nguyên.
Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng kết luận một tôn giáo nào đó là theo thuyết nhất nguyên, thuyết nhị nguyên hay thuyết đa nguyên. Bởi vì có những tôn giáo đề cập cả ba thuyết này trong giáo lý của mình.
 
Đông và Tây
Ở phương Tây, từ xa xưa các tôn giáo ở Ai Cập và vùng Lưỡng Hà (ngày nay là Trung Đông) đã có những nét nhị nguyên trong giáo lý dù chưa được rõ ràng lắm. Còn ở Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ 5 trước khi Chúa Jesus ra đời, nhiều triết gia đã giảng dạy thuyết nhị nguyên rồi. Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo hiện đại cũng có nhiều khía cạnh được diễn tả bằng hệ tư tưởng nhị nguyên, gián tiếp hoặc trực tiếp.
Ở phương Đông, giáo lý Ấn Độ Giáo cổ cũng xoay quanh thuyết nhị nguyên. Đặc biệt ở Trung Hoa cổ đại có hệ tư tưởng Âm Dương (Yin - Yang), hoàn chỉnh vào thế kỷ thứ 3 trước khi Chúa Jesus ra đời. Dù cũng xuất phát từ nhị nguyên, Âm Dương luận đã hiển lộ sự khác biệt quan trọng giữa triết Tây và triết Đông. Mới đọc qua, hệ này có vẻ khớp với định nghĩa nhị nguyên luận của phương Tây, nhưng thật ra Âm và Dương không đối nghịch theo nghĩa triệt hạ lẫn nhau và cũng không tồn tại riêng rẽ. Cũng chính vì vậy, ngày nay học giả phương Tây không phân loại
thuyết Âm Dương là nhị nguyên nữa. Họ gọi là phi nhị nguyên (non-dualism). Điều này sẽ bàn thêm trong phần sau.
Nói gọn, thuyết nhị nguyên có mặt trong hầu hết các tôn giáo ở quả đất này với nhiều dạng thức được biến đổi chút ít. Chúng ta có thể kể một vài chủ đề được ưa thích như sau.
 
Nhị nguyên luận tiêu biểu
Thiêng liêng và Phàm tục
Phần lớn các tôn giáo khi bàn đến chủ đề này đều theo nhị nguyên luận. Thiêng liêng chắc chắn là đối nghịch với phàm tục. Muốn thiêng liêng thì phải bỏ phàm tục và ngược lại. Các đấng ở cõi thiêng liêng sinh hoạt khác hẳn với người ở cõi trần. Đặc biệt ở Á Đông, các đấng thiêng liêng có những phép tắc huyền diệu mà người trần không thể có. Cái chết là ranh giới giữa hai cõi này.
Thiện và Ác
Đây cũng là sự đối nghịch rất phổ biến ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Sự đối nghịch này diễn ra muôn đời và là động lực chính gây ra xung đột ở cõi trần. Đa số các tôn giáo, trừ các giáo phái có mục đích tội lỗi, đều cho rằng xung đột sẽ kết thúc, phần Thiện chắc chắn phải thắng, phần Ác đương nhiên bị loại bỏ. Tính nhị nguyên của chủ đề này rất tự nhiên đối với con người, do đó chi phối gần hết các sinh hoạt của nhân loại.
Thiện và Ác trong nhị nguyên phương Tây
 
Sáng tạo và Huỷ diệt
Một ví dụ nổi tiếng cho chủ đề này là Thần Sáng Tạo (Vishnu) và Thần Huỷ Diệt (Shiva) trong giáo lý cơ bản của Ấn Độ Giáo (Hindu).
Ngoài ra những chủ đề có tính nhị nguyên khác cũng xuất hiện thiên hình vạn trạng ở nhiều tôn giáo, thí dụ nam và nữ, tình thương và thù hận, thiên đàng và địa ngục,v.v…
Thần Shiva và Vishnu của Hindu

Nhị Nguyên trong Cao Đài
Cao Đài là một tôn giáo non trẻ ở Việt Nam. Cho đến nay (2022) hầu như rất ít người trên thế giới biết. Chỉ sau biến cố 1975, khi hàng triệu người tỵ nạn đến các quốc gia phương Tây sinh sống, những tín đồ trong số đó lập ra các Thánh Thất, thì người phương Tây mới bắt đầu tìm hiểu giáo lý Cao Đài. Vậy đầu tiên người phương Tây biết gì về Cao Đài?
Tự điển Britannica ghi nhận Cao Đài là tôn giáo dung hợp (syncretic), nhưng tự điển Wikipedia lại thêm từ độc thần (monotheistic). Từ dung hợp, người viết nghĩ, là chấp nhận được bởi người Cao Đài tôn trọng và học tập tất cả các giáo lý khác. Nhưng từ độc thần thì hơi miễn cưỡng vì cách mô tả hình tượng Đức Chúa Trời, mà người Cao Đài gọi là Đức Chí Tôn, hơi khác với những tôn giáo độc thần như Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo.
Trong các tôn giáo chỉ thờ một vị thần (độc thần), Đức Chúa Trời quyết định mọi thứ, ai có tội, ai được phước.
Ngài điều khiển vũ trụ như một vị vua thế gian điều khiển đất nước, và sẽ điều hành vũ trụ này mãi mãi, không có ai khác thay thế.
Thánh Thất Cao Đài ở Houston, Texas, USA
 
Trái lại, Cao Đài diễn tả cách Đức Chí Tôn điều hành vũ trụ bằng một khái niệm khá phức tạp, tiêu biểu bằng hai câu văn biền ngẫu sau đây:
“Nhược thiệt nhược hư bất ngôn nhi mặc tuyên đại hoá” “Thị không thị sắc vô vi nhi dịch sử quần linh”.
(Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế)
Hình ảnh minh hoạ Thuyết Đa Vũ Trụ (Multiverse)
 
Dịch nghĩa và giải thích hai câu này rất dài dòng, nên ở đây người viết xin nêu nghĩa tổng hợp thôi: “Quyền lực của Đức Chí Tôn không thể dùng lời nói hoặc cách suy nghĩ của phàm trần để diễn tả”. Ngoài ra Đức Hộ Pháp dạy rằng khi trở về cõi thiêng liêng hằng sống, chính chúng ta, chớ không phải Đức Chí Tôn, sẽ quyết định chuyện tội phước của bản thân đồng thời định luôn hình phạt hoặc khen thưởng. Điểm cuối cùng cũng rất quan trọng, Đức Chí Tôn không phải là đấng tối cao muôn đời, Ngài có thể để cho con cái vượt lên ngang bằng ngôi vị, thậm chí cao hơn Ngài nữa (TNHT 19/12/1926). Và trong bài thuyết đạo ngày 29/4/ Ðinh Hợi (1947) Đức Hộ Pháp còn nói các đấng thiêng liêng cao trọng có thể kế nghiệp Đức Chí Tôn, thậm chí ra đi lập ra một vũ trụ khác. Những ý tưởng này chưa từng được các tôn giáo độc thần nêu lên trước đây, nhưng đến nay lại phù hợp với thuyết đa vũ trụ (Multiverse). Thuyết cho rằng ngoài vũ trụ của chúng ta còn có nhiều vũ trụ khác cùng hiện diện. Hiện nay thuyết này ngày càng được giới khoa học ưa chuộng trong các lãnh vực vũ trụ học, cơ học lượng tử và triết học.
 
Nhưng xin phép đọc giả quay trở lại với ý chính của bài.
Rõ ràng giáo lý Cao Đài đề cập rất nhiều chủ đề có liên quan tới nhị nguyên luận như sau.
 
Tượng Ông Thiện và Ông Ác
Đây là biểu tượng nhị nguyên đầu tiên mà ai cũng sẽ gặp khi đến trước một Thánh Thất Cao Đài vì được đặt hai bên cửa chính. Theo Tự Điển Cao Đài của Nguyễn Văn Hồng tự Đức Nguyên, Ông Thiện (Hoàng Tử Tỳ Văn) và Ông Ác (Hoàng Tử Tỳ Võ) là con của vua Tỳ Kheo. Nhà vua thấy Tỳ Văn hiền lành, còn Tỳ Võ tính tình hung bạo nên lập kế giao việc cho Tỳ Võ đi xa. Ở nhà ông truyền ngôi lại cho Tỳ Văn rồi vào chùa tu. Tỳ Võ trở về thấy thế không bằng lòng, nói rằng: “Anh hiền quá, không làm vua được đâu.
Cần mạnh dạn dùng bạo lực như em để trừng trị kẻ hung ác, bảo vệ người hiền lành. Anh hãy giao ấn cho em”. Tỳ Văn không muốn cãi lời cha mà cũng không muốn mích lòng em nên cầm ấn chạy lên chùa để cho vua Tỳ Kheo hay. Không may, trên đường đi, Tỳ Văn bị tai nạn chết. Tỳ Võ đuổi theo đến nơi thấy vậy vô cùng hối hận và nhận ra quyền lực chẳng có nghĩa gì trước cái chết. Ông vào chùa theo cha tu hành và về sau cũng đắc đạo.
Chuyện Tỳ Văn và Tỳ Võ ẩn dụ nhị nguyên Thiện Ác có liên hệ chặt chẽ như là anh em ruột, chứ không phải đối địch như hai kẻ thù. Giống như người Tây phương nói, đó là hai mặt của một đồng xu vậy. Nếu theo nhị nguyên của Tây phương, thì cuối cùng Tỳ Văn (Ông Thiện) phải thắng, lên ngôi vua đem lại hạnh phúc cho người dân. Nhưng đây là nhị nguyên của phương Đông, không có ai thắng cả. Tỳ Văn (Ông Thiện) chết vì tai nạn, Tỳ Võ (Ông Ác) hối hận, bỏ quyền lực đi tu và cuối cùng là đắc đạo.
 
Nhơn (Thế) Đạo và Thiên Đạo
Về mặt lý thuyết, tín đồ Cao Đài phải thực hành hai cách tu tập. Thứ nhất là Nhơn Đạo hay Thế Đạo. Đó là làm tròn bổn phận một con người theo những qui định của Khổng Giáo. Thứ hai là Thiên Đạo. Đó là tu học theo Lão Giáo và Phật Giáo, tìm cách thoát khỏi vòng xoáy bất tận của luân hồi. Hai pháp môn này dù thực hành khác nhau ở vài điểm, nhưng lại bổ sung cho nhau, nên không thể chỉ áp dụng một cách riêng lẻ mà đắc đạo được. Tốt nhất là thực hành cả hai cùng một lúc. Trong Cao Đài đã có câu chuyện minh hoạ ý tưởng này.
Đó là chuyện của Diêu Trì Cung Tứ Nương Nữ Phật. Bà phụ trách cõi Huỳnh Thiên và là một trong chín vị Nữ Phật phụ tá cho Đức Phật Mẫu. Bà có một kiếp giáng trần ở Việt Nam là nữ thi sĩ danh tiếng Đoàn Thị Điểm. Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo ngày 26-10-Tân Mão (24–11–1951), khi trở về cõi thiêng liêng hằng sống, bà không thể trở lại ngôi vị Tứ Nương được, mà phải chờ ở Thanh Tịnh Đại Hải Chúng. Sở dĩ như vậy là vì trong kiếp làm người bà chỉ mới làm tròn phần Nhơn Đạo, còn thiếu Thiên Đạo.
Phải chờ đến khi mở Đạo Cao Đài, tức 185 năm sau, Thất Nương Nữ Phật mới độ bà về Lôi Âm Tự. Lúc đó bà mới có cơ hội thực hành Thiên Đạo bằng cách giáng cơ viết tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận. Sau khi đầy đủ cả Nhơn Đạo và Thiên Đạo bà mới được trở lại ngôi vị cũ là Diêu Trì Cung Tứ Nương Nữ Phật.
Câu truyện này một lần nữa thể hiện nguyên tắc chính yếu của nhị nguyên phương Đông: hai đối cực (hai cách tu) tưởng chừng như trái nghịch, nhưng lại phát triển song song. Nếu tách rời ra thì sẽ không có kết quả gì.
 
Thể Pháp và Bí Pháp
Thể Pháp và Bí Pháp là một chủ đề nhị nguyên nữa cũng rất phổ biến trong giáo lý Cao Đài mà cũng dễ bị hiểu lầm nhất. Mặc dù Đức Hộ Pháp đã giảng giải rất tỉ mỉ từ ngày 2/5/1949 đến ngày 12/12/1949 qua 15 bài thuyết đạo, nhưng người ta vẫn thoải mái dùng hai từ này theo ý riêng.
Có người lý luận rằng “bí” nghĩa là “giấu kín”, nên bí pháp là cách tu luyện bí mật, chỉ dành riêng cho một số tín đồ đặc biệt. Vậy cách tu tập nào mà còn nói hay viết ra được thì không phải là “bí” nữa. Những vị này mượn nghĩa đen của từ “bí” để bác bỏ pháp môn tịnh luyện của Cao Đài.
Thậm chí họ còn nói rằng Đạo Cao Đài chỉ chuyên phần phổ độ công truyền, tức là truyền đạo thuần túy, không có tịnh luyện. Nhưng, trước hết lý luận như thế là đi ngược lại nguyên tắc: “Muốn trọn hai chữ Phổ Độ phải làm thế nào?
Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa” (TNHT).
Hơn nữa, lý luận như vậy là bỏ qua cách dùng từ đối của văn học cổ Trung Hoa. “Bí Pháp” phải luôn đi chung với “Thể Pháp”, cũng như xác thịt và linh hồn, nghĩa là cần có cả hai, chứ không chọn một bỏ một. Vậy “bí” không chỉ có nghĩa là “giấu kín” mà chính là mặt thứ hai của “thể”.
Nếu đọc hết lời dạy của Đức Hộ Pháp thì thấy hai từ này được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nếu thể pháp để chỉ hình thức thì bí pháp có nghĩa là nội dung. Nếu thể pháp để chỉ các nghi lễ mọi tín đồ đều có thể tham gia thì bí pháp là những cách tu tập thực hiện trong Tịnh Thất. Và cũng như mọi chủ đề nhị nguyên khác, hai cực đối nhau này luôn song hành, nghĩa là phải thực hiện cả hai cách tu tập song song với nhau.
 
Biền ngẫu trong kinh điển
Những bài kinh tụng hàng ngày của Cao Đài được diễn đạt qua hình thức văn cổ của Trung Hoa gọi là biền ngẫu. Biền = hai con ngựa đi song song. Ngẫu = đôi. Đó là thể loại văn viết từng cặp hai câu, trong đó các từ ngữ đối với nhau.
 
Thí dụ:
"Đại la Thiên Đế
Thái cực Thánh Hoàng"
Văn biền ngữ cũng xuất hiện trong các câu đối trong giáo lý hoặc treo trước cổng các cơ sở khác của Cao Đài. Thí dụ:
"Cao như bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng
Đài tại nam phương đạo thống truyền."
Từ xưa đến nay, đa số chúng ta chỉ trầm trồ cách người xưa tìm từ ngữ để vừa nói được ý chính vừa có đối nhau chan chát trong văn thơ. Thật ra chúng ta đã bỏ quên hai dụng ý quan trọng của tiền nhân.
Một, hai câu này có nghĩa tổng hợp, nghĩa là phải phối hợp ý cả hai. Nếu tách rời ra từng câu để hiểu thì ý nghĩa sẽ không đầy đủ. Như trong thí dụ một, đại la = cái lưới lớn, ẩn dụ chiều ngang. Thái cực = nơi cao nhất, ẩn dụ chiều cao. Chiều ngang (trục hoành) kết hợp với chiều cao (trục tung) chỉ không gian không có giới hạn. Còn hai từ Thiên Đế và Thánh Hoàng là đồng nghĩa. Nếu dịch là “Vua Trời như cái lưới lớn. Vua Thánh ở chỗ cao nhất” thì nghe vừa thô thiển vừa rời rạc khó hiểu. Do đó, phải dịch bằng ý tổng hợp của cả hai câu này là “Vua Trời có ở khắp mọi nơi”.
Hai, mối quan hệ của từ ngữ mà người xưa gọi là “đối” không đơn giản chỉ có trái nghĩa, mà còn có thể ngang bằng hoặc bổ sung nhau tuỳ vào ý nghĩa. Trong thí dụ hai, Cao và Đài không trái nghĩa mà phối hợp tạo ra danh từ Cao Đài. “Như bắc khuyết” và “tại nam phương” xem như trái nhau vì chỉ hai vị trí ở hướng bắc và nam. “Nhân chiêm ngưỡng” và “đạo thống truyền” bổ sung cho nhau. Nghĩa tổng hợp cuối cùng hai câu này là “Đấng Thiên Đế đáng kính trọng mở Đạo Cao Đài tại Việt Nam dạy thống nhất các tôn giáo”.
Hai ẩn ý vừa nêu là để biểu đạt đầy đủ nguyên tắc của Âm Dương đó vậy. Nếu phân tích hết các bài kinh Hán Việt và các câu đối, chúng ta sẽ còn thấy nhiều mối quan hệ nhị nguyên khác nữa. Như vậy, cũng giống như Ông Thiện Ông Ác, không có việc các từ ngữ đối địch theo kiểu loại trừ lẫn nhau. Hiểu từng câu, từng chữ riêng rẽ sẽ thấy rất khập khiễng.
Người viết đã có bài viết Một Yếu Tố Không Thể Bỏ Lỡ Khi Diễn Giải Kinh Cao Đài. Kính mời quý đọc giả xem ở đây:
 
Tạm rút gọn
Vậy từ những phân tích trên, có thể thấy rõ khác biệt của nhị nguyên luận của phương Tây và phương Đông. Nhị nguyên phương Tây chỉ có một mối quan hệ duy nhất, đó là đối nghịch theo nghĩa loại trừ nhau một mất một còn. Giữa Thiện và Ác, thì Thiện cuối cùng phải thắng; Ác phải bị tiêu diệt, cho dù trong quá trình đấu tranh Thiện có bị thiệt hại nặng nề. Giống như chuyện phim cao bồi Mỹ vậy.
Trái lại nhị nguyên phương Đông không có việc loại trừ nhau, mà hai sức mạnh đó có thể trái chiều với nhau, có thể bổ sung nhau, có thể bằng nhau v.v…Sự sóng đôi này tạo ra ý nghĩa sau cùng của thực tại.
Ý tưởng trên đã được một học giả Nhật Bản danh tiếng xác nhận với thế giới Tây phương. Đó là Giáo Sư Suzuki Daisetsu Teitarō (1870-1966), tác giả bộ sách Thiền Luận, người được đề cử giải Nobel Hoà Bình năm 1963, cũng chính là người đã đem Thiền Học đến với phương Tây.
Giáo Sư Suzuki gọi tư tưởng phương Đông là phi nhị
nguyên (non-duality). Trái lại, tư tưởng phương Tây, vốn phát sinh từ khoa học hiện đại, lại dựa vào sự đối đầu của nhị nguyên. Mặc dù suy nghĩ theo kiểu phương Tây là bắt buộc trong cuộc sống hàng ngày, kiểu suy nghĩ này không giúp ta hiểu thực tại một cách đầy đủ. Theo triết lý của Suzuki, muốn hiểu thực tại cần tiếp xúc trực tiếp bằng trực giác chứ không phải bằng suy luận.
Cho tới đoạn này, chúng ta có thể thấy chỗ khác biệt của hai cách suy nghĩ nhị nguyên và phi nhị nguyên. Có người không gọi là phi nhị nguyên, mà gọi là pháp bất nhị, pháp không hai, thậm chí là nhất nguyên nữa. Nhưng người viết muốn tạm gọi là nhị nguyên Tây và nhị nguyên Đông cho dễ nghe. Dĩ nhiên gọi như vậy vẫn còn phân biệt theo kiểu phương Tây, nghĩa là vẫn gợi ý ta hãy chọn giữa Tây hoặc Đông. Mà chọn lựa là bản tính khó xoá bỏ của đầu óc con người.
Giáo Sư Suzuki Daisetsu Teitarō (1870-1966)
 
Áp dụng
Vậy cách suy nghĩ mà Cao Đài muốn dạy cho tín đồ là gì, nhị nguyên (Tây) hay phi nhị nguyên (Đông)? Thiển nghĩ tính dung hợp của Cao Đài cho phép chấp nhận cả hai, nhưng quan trọng là áp dụng làm sao trong đời tu học để không đạt đạo thì cũng tiến một chút gần hơn tới chân lý.
Xin đừng vội chia ra hai phe cãi nhau là nhị nguyên Tây mới đúng hay nhị nguyên Đông mới hợp “chơn truyền”. Đã có nhiều người làm vậy từ hồi mới mở đạo lận và kết quả ra sao thì ta cũng biết rồi !!! Theo ý người viết, có thể tạm phân ra ba cấp độ trong cuộc sống.
Cấp độ một, trong sinh hoạt hằng ngày thì suy nghĩ nhị nguyên kiểu phương Tây là bản tính tự nhiên của con người. Giữa thiện ác, đúng sai, tốt xấu ta phải chọn một.
Thí dụ, giữa việc “đưa bàn tay vào ngọn lửa” và “không đưa” chắc chắn là ta phải chọn “không”, hoặc giữa cái “tủ lạnh tốt mà rẻ” và cái “ tủ lạnh xấu mà mắc”, đương nhiên ta biết chọn mua cái nào. Lúc này mà còn ngồi suy nghĩ nên theo nhị nguyên Tây hay nhị nguyên Đông thì người ta sẽ đưa mình vào bệnh viện tâm thần mất! Tôi đoán những suy nghĩ thế này chiếm đến 90% sinh hoạt của chúng ta rồi.
Vậy phần còn lại sẽ là hai cấp độ kế tiếp.
Ở cấp độ hai, ta cũng vẫn gặp lựa chọn nhị nguyên, nhưng mức độ hơi rắc rối hơn một chút. Giả sử tôi là bác sĩ đang trực cấp cứu, thì có một bệnh nhân được đưa vào. Tôi phát hiện ông này trước đây đã gây nhiều bất hạnh cho tôi và gia đình. Bây giờ tôi nên cứu ông ta hay từ chối? Nhị nguyên nảy sinh rồi đó! Nếu nhìn trong sâu thẳm tâm hồn, tôi sẽ thấy khó quyết định. Nhưng nếu cứ phân vân “cứu” hay “không cứu”, e là mạng sống người bệnh khó giữ. Những lúc như thế, tôi phải nhờ tôn giáo dẫn đường. Tôi là tín đồ Cao Đài nên biết Đức Chí Tôn dạy “Nếu không thương được thì đừng ghét”. Nghĩa là, cũng còn nhị nguyên “thương ghét” nhưng đã bỏ “ghét” nên nhẹ bớt đi nhiều.
Vậy tôi cứ cứu ông ta như một bệnh nhân xa lạ là được.
Hoặc nghe theo Đức Hộ Pháp dạy “Ai chẳng oán hận mới thắng đặng kẻ thù nghịch cùng mình” (Phương Luyện Kỷ).
Dù vẫn còn giữ ý “thắng kẻ thù nghịch”, nhưng người bệnh sẽ được cứu. Nói thực lòng, vì các đấng dạy như vậy nên tôi ráng nghe theo chứ trong lòng vẫn còn ẩn chứa chút ít tro tàn nhị nguyên khó chịu.
Vậy còn cách nào để mình vẫn cứu người bệnh đó mà
không bị nhị nguyên khống chế nghiệt ngã ? May là vẫn còn cấp độ ba: nhị nguyên phương Đông tức phi nhị nguyên. Xin phép nhắc lại hai lời dạy nổi tiếng: “Vô vi nhi vô bất vi” của Đức Lão Tử, hay “Sắc tức thị không không tức thị sắc…” của Đức Phật Thích Ca. Kính thưa quý đọc giả, người ta đã bàn về hai lời dạy trên cả mấy ngàn năm rồi. Người viết cũng đã có nhiều bài về vấn đề này. Hôm nay, nhân tiện, xin mời quý đọc giả chuyển sang thử đọc lời dạy của Đức Cao Đài: “Thầy là các con, các con là Thầy”.
Lời dạy này là chìa khoá đi vào thế giới nhị nguyên Đông (hay có thể gọi là phi nhị nguyên, pháp bất nhị, pháp không hai, nhất nguyên… tuỳ ý). Lời dạy này bằng từ ngữ thuần Việt chứ không phải Hán-Việt nên hy vọng dễ hiểu hơn.
Trước tiên, xin phân tích một chút. Thầy và các con = Đức Chí Tôn và mọi sinh vật trong vũ trụ. Hai danh từ này ẩn dụ hai cực đối nhau của nhị nguyên. Lưu ý, không phải “Thầy giống các con”, cũng không phải “Thầy bằng các con” mà là “Thầy là các con”. Nếu giống hay bằng thì có sự khác biệt, tức là dấu hiệu của nhị nguyên Tây. Từ “là” đã khẳng định xoá bỏ sự phân biệt của nhị nguyên Tây, nghĩa là không chấp nhận đấu tranh để huỷ diệt nhau, mà phải đồng tồn tại, tức dấu hiệu của nhị nguyên Đông. Nói cách khác, suy nghĩ theo nhị nguyên Đông thì không có chỉ trích, hạ nhục, thưa kiện, làm hại, nói xấu người không suy nghĩ giống mình.
Tuy nhiên, còn một điều khó hiểu nữa. Câu nói “Thầy là các con” đã đầy đủ rồi, sao lại còn nối thêm “Các con là Thầy” một lần nữa? Thí dụ khi học toán, ta nói A=B (A bằng B) là đủ rồi đâu cần nói A=B, B=A (A bằng B, B bằng A)! Vì hai câu này ý nghĩa như nhau, vậy câu thứ hai có dư không? Thưa, không dư đâu quý vị. Chúng ta từng thấy kiểu nói này qua câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc…” của Đức Phật Thích Ca. Đây là một câu rất cần thiết vì nó nhắc chúng ta phải phủ định một lần nữa, nghĩa là phủ định triệt để sự đối nghịch của nhị nguyên Tây đó vậy.
Nhưng xin lỗi, nói lòng vòng một hồi e là thêm khó hiểu.
Giờ xin đi vào áp dụng cho gần gũi. Xin mượn lại ví dụ người bác sĩ ở trên. Khi tôi phân vân giữa “cứu” và “không cứu” là tôi bị kẹt trong vòng vây nhị nguyên Tây. Tôi đã học đạo và biết rằng phải xoá bỏ sự phân biệt cho đúng “pháp” nên tôi chấm dứt việc phân vân chọn lựa mà tập trung lo “cứu” người bệnh. Tới đây, tôi nghĩ rằng mình đã
thực hành nhị nguyên Đông. Tức phủ định lần thứ nhất.
Có lẽ sẽ có người nói rằng vậy có gì khó đâu mà nói lòng vòng cho rắc rối! Biết được đó là nhị nguyên thì bỏ đi, vậy là phi nhị nguyên chớ gì! Quý vị ơi, chúng ta vừa bị chính óc nhị nguyên của mình qua mặt nhẹ nhàng mà đâu có hay! Chẳng phải “từ bỏ suy nghĩ nhị nguyên Tây, làm theo nhị nguyên Đông” cũng chính là kết quả của suy nghĩ nhị nguyên Tây đó sao!! Vậy chúng ta vẫn còn trong vòng khống chế như tự bao đời nay. Do đó mới có câu thứ hai “Các con là Thầy” nhắc chúng ta phủ định luôn việc “bỏ nhị nguyên Tây, theo nhị nguyên Đông”. Tức phủ định lần thứ hai.
Nói tóm lại, tôi là bác sĩ thì luôn vui vẻ và hết lòng cứu bất cứ người bệnh nào. Vậy thôi. Chẳng kẻ thù người thân gì cả, chẳng thoát khỏi nhị nguyên hay thực hành phi nhị nguyên gì cả, chẳng Tây chẳng Đông gì cả. Khi nào tôi cứu kẻ thù cũng giống như lúc cứu người tôi yêu thương nhất, thì đó mới thật sự là một hành động theo nhị nguyên Đông, bởi lúc đó tôi không phân biệt thù hận và yêu thương. “Ghét là thương, thương là ghét” rồi vậy.
 
Kết thúc
Vậy thì, rốt cuộc ta có thể mạnh dạn nói rằng Triết lý Cao Đài bao gồm cả thuyết nhị nguyên Tây và nhị nguyên Đông. Mỗi hệ tư tưởng được khuyến khích áp dụng tuỳ theo hoàn cảnh trong cuộc sống. Đó là chưa kể còn bao gồm cả thuyết nhất nguyên và đa nguyên nữa, nhưng vấn đề này xin được bàn trong một bài viết khác.
Nếu lướt qua lịch sử trái đất chúng ta thấy người Tây
phương đã áp dụng cách suy nghĩ nhị nguyên vào nhiều lãnh vực và tạo ra nền văn minh huy hoàng ngày nay. Thí dụ như hai nguyên lý đối nghịch nhau được áp dụng vào việc đóng (+) và cắt (-) mạch điện. Rồi từ đó mở rộng thành hệ toán học nhị phân với hai đơn vị (1) và (0) trong ngành điện toán (computer science). Hiển nhiên, nhị nguyên Tây đã tạo ra vô số ứng dụng có ích trong đời sống hiện nay, từ cái điện thoại thông minh cho tới mũi thuốc ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, nhị nguyên Tây có một điểm trừ cố hữu:
bản thân nó là sự đối kháng. Kết quả là đối kháng hiển hiện khắp nơi trong xã hội. Ít là cãi lộn nhiều là giết nhau chẳng khác gì thời mọi rợ cả ngàn năm trước. Bây giờ sự đối kháng này đã được nâng lên tầm mức quốc tế, như trong các biến cố Nga-Ukraine, Israel-Palestine, Trung Quốc-Ấn Độ, Trung Quốc-Đài Loan và hàng chục điểm nóng khác khắp nơi trên thế giới. Loài người có đủ thứ phương tiện vật chất để lo cho cuộc sống, nhưng vẫn không thể tạo ra một trái đất bình an bởi họ chỉ biết đối đầu nhau theo kiểu nhị nguyên phương Tây! Muốn trừ bỏ đối kháng, cần nâng cấp bộ não lên để suy nghĩ theo hướng nhị nguyên Đông (tức phi nhị nguyên).
Suy đi nghĩ lại, thì đâu có ai cấm chúng ta vẫn phát triển mà không có đối kháng, phải không quý vị? Ý tưởng đơn giản là loài người chỉ cần ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để phát minh các loại máy móc phục vụ đời sống, vun trồng ngôi nhà chung toàn cầu. Hãy chấp nhận là sẽ có nhiều bất đồng ý kiến, nhưng hãy kềm chế để không xảy ra bất cứ thù hận nào. Thời Thượng Ngươn Thánh Đức là vậy đấy, cần gì phải tìm đâu xa lơ xa lắc!
* Từ Chơn
Sài Gòn 7/8/2022
  Home Mục Lục: 1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  [ 6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  [ 16 ]  17 ]  18 ]  [ 19 ]  20 ] .