HỘI LONG HOA Và Thuyết Tận Thế. * Từ Chơn.

       Mở
Những ý tưởng bó hẹp
Lúc còn trẻ, tôi có quen một người bạn Iran (Ba Tư). Anh là tín đồ Hồi Giáo rất ngoan đạo. Chiều 6:00 là trải khăn, quì hướng về đất thánh Mecca, đọc kinh cầu nguyện gần 30 phút. Tôi khâm phục lắm vì bản thân mình là tín đồ Cao Đài nhưng chưa được ngoan đạo như vậy.
Qua giao tiếp đôi khi chúng tôi cũng có trao đổi về tôn giáo, và một hôm anh hỏi tôi có đạo không. Tôi trả lời tôi đã là tín đồ Cao Đài. Nghe vậy anh liền nghiêm trang thuyết phục tôi cải đạo sang Hồi Giáo. Khi nghe tôi nói không thấy có nhu cầu phải cải đạo, anh, gần như không cần biết Cao Đài là gì, phán ngay một câu: ai không theo Đạo Hồi bây giờ thì trong tương lai đến Ngày Phán Xét cũng phải theo, vì lúc đó Hồi Giáo sẽ thống nhất tất cả các tôn giáo.
Tôi ú ớ ngay, vì chính tôi cũng đang định nói cho anh nghe Đạo Cao Đài mở ra cho toàn nhân loại vì tất cả các tôn giáo khác đã “thất kỳ truyền” và Cao Đài sẽ “thâu các đạo hữu hình làm một”.
Cũng may là tôi cũng khá nhạy bén dừng ngay câu chuyện, nếu không thì chưa biết đạo nào thống nhất các đạo trên thế giới nhưng chắc một điều là sẽ có bất đồng giữa hai chúng tôi ngay lúc đó và tình bạn e là cũng bị tổn hại. Câu chuyện này đã làm cho tôi suy nghĩ mãi cho tới ngày nay.
 
Còn nói về các tôn giáo phát triển trong nước, lúc tôi đã đọc được khá nhiều kinh sách, một hôm có một người bạn phát biểu câu này “Tín đồ Đạo Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo ai cũng nói Hội Long Hoa sẽ diễn ra ở Thánh Địa của mình. Cao Đài thì ở Tây Ninh, Phật Giáo Hoà Hảo thì ở Núi Cấm, Châu Đốc. Không biết rồi ai sẽ đúng?”. Lại thêm một vấn đề nữa cần suy ngẫm.

Sao phải mở rộng ra?
Sở dĩ vấn đề trên làm tôi suy nghĩ là vì Cao Đài dạy tôi hai điều quan trọng: Một là, Đức Chí Tôn (hay Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Jehovah, Allah, Ông Trời…) lập ra tất cả các tôn giáo để cứu nhân loại, vậy tất cả các tôn giáo là có cùng một gốc. Hai là, Đức Chí Tôn muốn mọi tín đồ, mọi sắc dân dẹp bỏ các bất đồng để cùng nhau sống hoà bình trên địa cầu 68 qua khẩu hiệu “Qui tam giáo, hiệp ngũ chi”.
Nhưng thực tế, qua hai câu chuyện kể trên, các giáo lý đã bị biến dạng. Tôn giáo nào cũng tự xưng mình là gốc và tín đồ nào cũng muốn tôn giáo mình vượt trội các tôn giáo khác trong trách nhiệm cứu thế giới, thậm chí muốn Giáo Chủ của mình là độc nhất. Chỉ riêng việc này thôi đã hiển thị một bất đồng sâu sắc khó mà hoà hợp được. Do đó, muốn đạt được hai mục tiêu chính của Cao Đài, có lẽ phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Một vài thế kỷ và bằng sức người không thôi là không cách gì thực hiện nổi. Có lẽ vì thế mà các đấng tiên tri Đạo Cao Đài kéo dài đến thất ức niên (700,000 năm) chăng?

Bây giờ, để hiểu rõ hơn mức độ khó khăn của việc “qui tam giáo hiệp ngũ chi”, kính mời quý đồng đạo tìm hiểu thêm một khía cạnh rất được mọi người ưa thích, đó là giáo lý về ngày tận thế.
Tận thế là một biến cố mà phần lớn các tôn giáo đương đại xem như phần cốt lõi trong giáo lý của mình. Chúng tôi nghĩ rằng muốn làm tròn phận sự một tín đồ Cao Đài, nghĩa là thực hành dung hợp tôn giáo (religious tolerance) ở mức độ toàn thế giới, thì ít ra mình cũng phải tìm hiểu các tôn giáo khác nói gì trước đã.
Vậy kính mời bắt đầu từ một khía cạnh nhỏ nhưng có nhiều điểm giống nhau này.

Truy nguyên
Phương đông phương tây
Theo các nhà nghiên cứu thần học, dù có nguồn gốc phương Tây hay phương Đông, phần lớn các tôn giáo đều nói tới một thời điểm quan trọng của thế giới. Thời điểm đó được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Ngày Tận Thế, Ngày Phán Xét, Ngày Cuối Cùng, Hội Long Hoa…tuỳ theo tôn giáo. Tại thời điểm này nền văn minh của loài người gần như bị hủy diệt, sau đó thế giới chuyển sang một giai đoạn mới tốt đẹp hơn. Và những miêu tả về ngày này được đặt tên là Thuyết Tận Thế hay Thuyết Mạt Thế.

Các tôn giáo khác Cao Đài
Theo Giáo Sư Garry W. Trompf thuộc Khoa Nghiên Cứu Tôn Giáo Trường Đại Học Sydney, thì hiện trên toàn thế giới có 9,000 tôn giáo. Chắc chắn chúng ta, vốn là những tín đồ bình thường, không có đủ thời giờ để nghiên cứu hết tất cả. Vậy xin mạn phép tóm gọn Thuyết Tận Thế của vài tôn giáo nổi bật ở địa cầu 68 trước khi đi vào ý nghĩa triết học, vốn là trọng tâm nghiên cứu của bài viết này. Xin được sắp xếp theo thứ tự tôn giáo có số tín đồ nhiều hơn đến ít hơn.

Thiên Chúa Giáo (2.2 tỷ tín đồ, theo Pew Research Center 2010) Kinh Thánh, cả Cựu Ước (kể chuyện trước khi Chúa Jesus ra đời) lẫn Tân Ước (kể chuyện sau khi Chúa Jesus ra đời) đều có nói về ngày tận thế còn gọi là Ngày Phán Xét Cuối Cùng (Last Judgement). Vì có hàng chục trường phái giải thích Kinh Thánh nên cũng có hàng chục thuyết tận thế khác nhau ở một vài chi tiết.
Để tiện nghiên cứu xin được nêu những điểm chính có phần giống nhau thôi.
Tín đồ Thiên Chúa Giáo tin rằng trái đất rồi sẽ đi vào một giai đoạn tệ hại. Lúc đó những thiên tai như núi lửa, động đất, lũ lụt, bão tố sẽ xảy ra với cường độ khủng khiếp khác thường. Còn con người cũng có những thay đổi lớn lao. Người ta dễ dàng phạm nhiều tội lỗi hơn. Chiến tranh xảy ra liên miên trên toàn thế giới vì những xung đột lợi ích. Lúc đó Chúa Jesus sẽ trở lại và đưa ra những phán xét cuối cùng cho toàn nhân loại. Người tốt sẽ được lên Thiên Đàng, người tội lỗi sẽ bị đưa vào địa ngục và sẽ lưu lại đó đời đời.
Tranh vẽ Ngày Phán Xét cuối cùng của Stefan Lochner 1435.
 
Hồi Giáo (1.6 tỷ tín đồ, theo Pew Research Center 2010) Sẽ có Đấng Cứu Thế giả gọi là Masih ad-Dajjal xuất hiện tự xưng là Allah (Đức Chúa Trời) và tự nhận mình nắm giữ chìa khoá vào thiên đàng và địa ngục. Thực sự thiên đàng của ông ta chính là địa ngục còn địa ngục lại là thiên đàng. Sau đó Isa (Chúa Jesus) trở lại và tiêu diệt Đấng Cứu Thế giả này. Tiếp theo, Hồi Giáo sẽ thống nhất tất cả các tôn giáo và đưa thế giới vào một thời đại thật sự ấm no hạnh phúc. Lúc đó thế giới chỉ còn những người đạo đức mà thôi.
Đền thờ Kaaba, thánh địa của Hồi Giáo tại thành phố Mecca, Saudi Arabia.
 
Ấn Độ Giáo (1tỷ tín đồ, theo Pew Research Center 2010) Ấn Độ Giáo (Hinduism) cho rằng thế giới phát triển theo những chu kỳ liên tiếp nhau dưới sự điều khiển của ba vị Thần tối cao của Ấn Giáo là Brahma (sáng tạo), Vishnu hay Krishna (bảo vệ) và Shiva (hủy diệt). Khi thế giới kết thúc giai đoạn 3 (hủy diệt) thì sẽ quay lại giai đoạn đầu (sáng tạo) và một chu kỳ mới nữa lại bắt đầu. Như vậy theo Ấn Giáo thì không có tận thế, nhưng thời điểm giai đoạn huỷ diệt chuyển sang sáng tạo cũng tương đương với thuyết tận thế trong những tôn giáo khác.
Thần Brahma, Vishnu và Shiva của Ấn Giáo
 
Phật Giáo (500 triệu tín đồ, theo Pew Research Center 2010)
Theo một số nhà nghiên cứu, kinh sách Phật Giáo nguyên thủy xuất phát từ Ấn Độ không hề bàn về tận thế mà chính trong quá trình truyền sang Trung Quốc, triết lý Phật Giáo mới hoà trộn với triết lý cổ truyền Trung Hoa và dần dần hình thành khái niệm tận thế trong dân gian.
Theo kinh sách Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca dạy rằng 5,000 năm sau khi ngài qua đời, loài người sẽ dần dần lãng quên lời dạy của ngài. Lúc đó một vị Phật nữa sẽ đến để giáo hoá loài người. Đó là Phật Di Lặc (Maitreya Buddha). Phật Giáo không gọi thời kỳ này
là Tận Thế, mà gọi là Mạt Pháp (giai đoạn cuối của lời Phật dạy) Tượng Phật Di Lặc thế kỷ 13 tại Viện Bảo Tàng Tokyo, Nhật Bản Phật Di Lặc sẽ ngồi thiền trong 7 ngày và thành đạo dưới gốc cây Naga-Puwpa (tiếng Phạn) hay Mesuna Ferrea (tên khoa học).
Người Việt Nam đọc âm từ tiếng Trung Hoa là Na Già Thụ, Long Hoa Bồ Đề Thụ hay vắn tắt là Long Hoa. Không có tài liệu nào chứng minh, nhưng các Phật Tử ở Việt Nam giải thích rằng cây này gọi là Long Hoa (rồng và hoa) vì có hoa giống như đầu rồng, thân giống như mình rồng. Cây Long Hoa hiện có thể thấy ở vùng Bengal và hai bên bờ tây và đông của bán đảo Ấn Độ.
Cây Naga-Puwpa tức Long Hoa Thụ.
 
Hoa và trái của cây Naga-Puwpa tức cây Long Hoa;
Ở các nước Á Châu có đạo Phật phát triển mạnh như Tây Tạng, Trung Hoa, Tích Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam v.v… thì Phật Di Lặc đều được tạc tượng có hình dạng khác nhau. Riêng ở Trung Quốc, có rất nhiều người tự xưng là Phật Di Lặc giáng thế.
Đặc biệt dân gian cho rằng Phật Di Lặc đã giáng thế trong xác thân một vị thiền sư gọi là Bố Đại Hoà Thượng (nhà sư mang túi vải bố) vào khoảng thế kỷ thứ 10. Vì thế ở Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng Trung Quốc rất sâu đậm, cũng tạc tượng Phật Di Lặc là một vị sư mập mạp, bụng thật to, mặc áo mở rộng vùng ngực và bụng, tay cầm xâu chuỗi, nét mặt tươi cười. Đây là miêu tả vị sư mang túi vải bố theo truyền thống dân gian của Trung Hoa.
Tượng Phật Di Lặc ở chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, Việt Nam;
 
Phật Thích Ca dạy rằng, trong thời kỳ Mạt Pháp loài người đã dần dần quên lãng lời dạy của ngài. Do đó họ phạm vô số tội lỗi khiến các xã hội suy đồi. Thế giới biến đổi thành một nơi hết sức xấu xa.
Trong tình hình băng hoại đạo đức đến cùng cực, cộng thêm thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh tăng cường độ một cách bất thường, những người phạm tội lỗi sẽ lần lượt bị tiêu diệt hết. Sau đó Phật Di Lặc sẽ giáng thế, đem chánh pháp (lời dạy đúng đắn) giáo hoá loài người. Cuối cùng thế giới cùng với những người đạo đức quay trở lại thời thái bình hạnh phúc.
Tượng Phật Di Lặc trong hình thể Bố Đại Hoà Thượng ở Singapore.
 
Do Thái Giáo (14 triệu tín đồ, theo Pew Research Center 2010) Theo Do Thái Giáo (Judaism), Đức Chúa Trời sẽ đem dân tộc Do Thái về vùng đất Israel, tức là nước Do Thái hiện nay, lập lại đền thờ David (vua Do Thái cổ) và đền thờ Jerusalem. Sau đó Chúa sẽ chọn một người Do Thái làm Đấng Cứu Thế (Messiah). Đấng Cứu Thế này sẽ lãnh đạo dân tộc Do Thái và toàn thế giới bước vào một thời đại mới, trong đó nhân loại sẽ có công lý và hoà bình thực sự. Tất cả các nước sẽ công nhận Jehovah (Đức Chúa Trời) của người Israel. Sẽ có một Thiên Đàng và một trái đất mới cho những người tốt.
Các trưởng lão Do Thái ôm thánh kinh Torah.
 
Giống nhau và khác nhau
Trên đây chỉ là sơ lược thuyết tận thế của một vài tôn giáo trong tổng số 9,000 trên toàn cầu. Sơ khởi, chúng ta thấy có những điểm tương đồng như sau:
 
Những điểm giống nhau
Thứ nhất, các thuyết tận thế đều thống nhất là nền văn minh của trái đất sẽ làm cho sự sống trở thành tệ hại trong tương lai. Hậu quả là loài người phải trải qua đau khổ cùng cực. Thí dụ như thời tiết biến đổi bất thường, thiên tai tăng cường độ, nạn đói xảy ra liên tục, chiến tranh khắp nơi, dịch bệnh kỳ lạ làm người chết hàng loạt. Không cần tìm đâu xa, bây giờ chỉ cần đọc báo mỗi
ngày là thấy ngay kết quả của tiên tri này. Các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới đã nhận thức sâu sắc hiện tượng này, nhưng những biện pháp họ đề nghị vẫn chưa được thế giới xem trọng. Vì thế một số nhà khoa học đã thậm chí tính tới chuyện rời bỏ quả đất, tìm một hành tinh khác như Sao Hoả để sống.
Bãi thiêu xác người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ bị quá tải vào thời điểm dịch bùng phát.
 
Thứ hai, các tôn giáo đều đồng ý là sẽ có một Đấng Cứu Thế xuất hiện. Vị này sẽ thống nhất tất cả mọi quan điểm chính trị, mọi triết lý tôn giáo, lãnh đạo toàn thế giới giải quyết những khó khăn kể trên.
Cuối cùng, phần lớn các tôn giáo đều có kết luận chung là hành tinh chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ mới tốt đẹp hơn. Chỉ có người tốt và chân thật mới còn sống trong thế giới mới này, người tội lỗi đã bị tiêu diệt hết.

Những điểm khác nhau
Dù giống nhau ở những điểm nêu trên, thuyết tận thế của các tôn giáo cũng có những khác biệt dễ thấy. Một là, dự báo về thời gian và địa điểm xảy ra của ngày tận thế đều khác nhau. Thường thì các tôn giáo đưa ra những thần số (tức là những con số có liên quan đến tôn giáo, chứ không phải là số đếm), hoặc trình bày dưới dạng thi thơ theo kiểu sấm ký cực kỳ khó hiểu. Đã có nhiều tác giả ra sức giải thích những thần số hay sấm ký để tìm ngày tháng chính xác. Không may, những dự đoán kiểu này thường khiến cho nhiều người bị hố nặng. Một ví dụ mà chắc mọi người còn nhớ đó là năm 2,000. Sau khi trích dẫn Thánh Kinh hoặc lời tiên tri các Thánh làm cơ sở, người ta khẳng định là năm 2,000 sẽ có biến cố lớn. Nhất là vào năm này có sự cố máy tính Y2K (Year 2,000) càng củng cố lòng tin vào Ngày Phán Xét của mọi người. Tôi còn nhớ gia đình tôi rốt cuộc cũng động lòng mua chục thùng mì gói và mấy hộp đèn cầy để phòng hờ. Kết quả thì không cần kể lại đây để làm trò cười cho quý đọc giả nữa.

Hai là, tất cả tôn giáo đều cho rằng Đấng Cứu Thế là người thuộc dân tộc mình hay là người của tôn giáo mình! Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo thì nói đó là Chúa Jesus, Ấn Giáo thì nói Thần Brahma, Phật Giáo và Cao Đài thì nói Phật Di Lặc, Do Thái Giáo thì nói là một người Do Thái. Ở Việt Nam dân gian cũng góp phần gọi đó là Minh Vương, một vị vua người Việt Nam. Chúng ta dễ dàng nhận ra “cái tôi” đã được phóng đại thành “đất nước tôi” “dân tộc tôi” hay “tôn giáo tôi”. Ý tưởng này chỉ đem lại thêm xung khắc về  mặt tôn giáo, trong khi thực sự mà nói thì không có gì chứng minh điều này là đúng, bởi vì sự việc vẫn chưa xảy ra mà!
Ba là, ai cũng nói rằng đất nước hay tôn giáo của mình sẽ trở thành trung tâm của thế giới và được các dân tộc khác nể phục.
Cũng giống như trên, ý tưởng này chỉ tăng cường sự thù nghịch, thậm chí đã tạo ra thánh chiến (chiến tranh tôn giáo) trong quá khứ và chắc sẽ còn có trong tương lai.

Trách nhiệm của tín đồ Cao Đài
Trước một rừng thông tin đầy những chi tiết vừa đồng nhất vừa nghịch lý như vậy, người tín đồ Cao Đài chúng ta nên làm gì để thực thi sứ mạng “phổ độ”? Nên nhớ rằng Cao Đài cũng có thuyết tận thế có tên là Đại Hội Long Hoa. Thuyết này cũng nêu lên một số chi tiết có khi giống có khi khác với những thuyết của các tôn giáo bạn. Không thấy Hội Thánh Cao Đài chính thức công bố địa điểm và thời gian của Đại Hội, nhưng có lẽ quý đọc giả cũng đoán ra được: phần lớn tín đồ khẳng định rằng địa điểm là Thánh Địa Tây Ninh và thời gian là ngày khai sáng Đạo Cao Đài.
Có đồng đạo nghĩ rằng cứ mặc kệ các tôn giáo khác nói gì thì nói, mình cứ “bảo thủ chơn truyền”. Ai đúng ai sai sau này Đức Chí Tôn sẽ quyết định. Cách lý luận này thoạt tiên nghe rất ổn và xuất hiện hầu hết trong các cuộc tranh luận của tín đồ Cao Đài. Tuy nhiên suy cho kỹ thì đây chỉ là một kiểu nguỵ biện gọi là viện dẫn thẩm quyền (appeal to authority). Phải dùng đến nguỵ biện chỉ chứng tỏ một điều là vì đuối lý nên chúng ta viện dẫn thẩm quyền cao nhất (Chơn Truyền hoặc Đức Chí Tôn) mặc dù chúng ta vẫn thật sự chưa biết Đức Chí Tôn sẽ đưa ra quyết định gì. Thêm vào đó, nếu chúng ta tiếp tục giữ ý kiến như vậy thì cũng lại rơi vào
cái vòng xoáy xung đột tôn giáo như cũ, không thực hiện được mục tiêu tối thượng “qui nguyên phục nhất”, tức là hoà hợp tôn giáo của Đạo Cao Đài.

May thay, Đạo Cao Đài có một tiêu chuẩn để tạm gọi là đánh giá một ý tưởng. Đó là tiêu chuẩn Tiên Cơ, Nhơn Cơ và Tà Cơ, áp dụng trong khi cầu cơ, chấp bút. Tiên Cơ là ngôn từ dạy những điều đạo đức, Nhơn Cơ do người cầu cơ tự nghĩ và viết ra, và Tà Cơ xúi giục con người thù nghịch lẫn nhau. Theo thần học Cao Đài, khái niệm từ cõi thiêng liêng hằng sống đưa đến cõi trần không có hình dạng, không thông qua ngôn ngữ nào cả. Để hiển thị, khái niệm này phải phối hợp với phần chơn thần (ý nghĩ, tư tưởng, ý thức, tâm…) của người phò loan (cầm cơ) và xuất hiện dưới dạng ý tưởng hay ngôn ngữ. Lúc đó đồng tử mới viết ra để chúng ta hiểu được.
Nếu phần thiêng liêng nhiều hơn thì ta có được những ý tưởng có gốc là Tiên Cơ. Nếu phần chơn thần của đồng tử lấn át thì đó là Nhơn Cơ. Và nếu bị quỷ vị điều khiển thì đó là Tà Cơ. Vậy thì tận thế, Đấng Cứu Thế xuất hiện, thế giới qua một thời kỳ mới là những ý tưởng xuất phát từ Tiên Cơ. Trái lại, tận thế xảy ra ở nước “của tôi” và Đấng Cứu Thế là người “nước tôi” là Nhơn Cơ, thậm chí Tà Cơ. Chính cái ý tưởng Đấng Cứu Thế và thống nhất nhân loại đã chừa khoảng trống cho “dân tộc tôi” “đất nước tôi” xen vào và nhen nhóm mầm xích mích. Nếu nhìn ra được điều đó, chúng ta đã biết phải nghe điều nào và từ bỏ điều nào rồi.
Về phần thực hành, chỉ cần hiểu và thực hiện đúng nguyên tắc “qui nguyên phục nhất” của Cao Đài là chúng ta có thể né được cái bẫy Nhơn Cơ và Tà Cơ.
Theo nguyên tắc này mọi ý nghĩ, hành vi của chúng ta phải dẫn đến hệ quả là giúp cho mọi người sống hoà hợp với nhau. Suy nghĩ hay hành động nào xúi giục người khác chia rẽ, xung đột, thù ghét, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều đi ra ngoài “chơn truyền” của Cao Đài đó vậy. Rốt cuộc, Thuyết Tận Thế chỉ là một phần trong giáo lý các tôn giáo thôi, nhưng đã bộc lộ đầy đủ một tính cách khó trị của toàn thể loài người, đó là dễ xung khắc mà khó hoà hợp.
Kết
Phần lý thuyết đã xong, nhưng thực hành mới cực kỳ khó. Chúng ta chỉ cần nhìn thẳng vào nội bộ của chính tổ chức Cao Đài trong quá khứ cũng như trong hiện tại là thấy ngay. Mặc dù ngày xưa ai cũng biết thánh ngôn dạy rằng “Chia phe phân phái là điều đại tội trước mắt Thầy”, nhưng người ta vẫn hăng hái lập nhiều chi phái.
Ngay cả bây giờ cũng vậy. Các chi phái thì ra sức sáng tạo lý do tồn tại của mình, còn người chưa có chi phái thì tìm mọi dịp để lập nhóm, lập hội. Nếu hỏi tại sao, thì những vị đó sẽ có đủ lý do rất hay ho, hợp lý để giải thích.

Cũng như hiện nay, chúng ta ai cũng hiểu rằng phải trọng “chữ hoà”, phải “buông bỏ” v.v…Nhưng một khi đã nổi giận, quyền lợi bị thiệt hại hay bị chỉ trích thì chắc gì chúng ta còn nhớ. Không cần tìm đâu xa, cứ xét chính bản thân mình sẽ thấy chuyện “buông bỏ” đó gần như không thực hiện được. Đó là chưa kể thanh niên ngày nay có một “trend” (xu hướng) là nói thì cứ nói, làm thì cứ làm. Tức là lúc nào cũng dùng mọi từ ngữ cao đẹp để ca ngợi lý tưởng mình theo đuổi, nhưng khi hành động thì sẵn sàng “bán Trời không mời Thiên Lôi”.

Nếu tự xét mình cho kỹ, sẽ thấy ý nghĩ (tâm) của chúng ta xuất hiện rất nhanh, nhanh hơn ý nghĩ phản tỉnh nhiều. Nói cách khác, thường thì chúng ta làm sai rồi, lát sau mới nhận ra. Do đó khi nhận ra là mình phải “buông bỏ” tức là mình đã vướng rồi, nhận ra mình phải “đừng giận” là mình đã giận rồi, nhận ra mình phải “thương” tức là mình đã ghét rồi. Đó cũng là lý do các bậc chân tu làm gì cũng chậm rãi, thận trọng và hiếm khi nào họ kết luận liền là một điều gì đó “đúng” hay “sai”. Kết luận vội vàng có thể làm hư cả một kiếp tu đó vậy.

Tóm lại, trong tình hình hiện nay thì làm tròn chức năng “phổ độ” của một tín đồ Cao Đài là cả một nghệ thuật. Hãy nhớ rằng mình muốn phổ độ thì các tôn giáo khác cũng muốn như vậy. Mình có Đại Hội Long Hoa thì người ta cũng có Ngày Phán Xét. Vậy cái khó là phải nói đạo thế nào vừa tôn trọng các tôn giáo khác vừa trung thành với giáo lý Cao Đài. Trong vấn đề nhỏ này mình hãy học cách xoá bỏ xung khắc rồi dần dần tiến lên những vấn đề khác lớn hơn. Có như vậy thì mới bước vào được thời Thượng Ngươn Thánh Đức, mục tiêu sau cùng của Đạo Cao Đài.
* Từ Chơn
Sài Gòn 18/5/2022.

 Home .ĐẶC SAN NỐI BƯỚC 2023.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19].