NGHỆ THUẬT UỐNG TRÀ [5] * Nguyễn Vân Xuyên.

Thưởng Thức Trà.
- Chương 1 : Nguồn Gốc Cây Trà.
- Chương 2 : Phân Chia và Tên Trà.
- Chương 3 : Nước Pha Trà và Dụng Cụ Uống Trà.
- Chương 4 : Văn Phẩm, Thi Phẩm - Văn Nhân, Thi Nhân về Trà.
Chương 5
Thưởng Thức Trà.
- Kính thưa quý vị, qua các chương viết trước đây, chúng tôi đã cùng quý vị nghiên cứu về Nguồn Gốc của Cây Trà cũng như các chương viết tiếp theo về Trà và chúng ta hãnh diện sung sướng khi biết rằng:  Quê Hương Việt Nam của chúng ta là nơi đã sản xuất ra CÂY TRÀ ĐẦU TIÊN cho nhân loại và Cây Trà đã được mọi người dùng cho đến ngày nay.
Ngoài ra, chúng ta cũng cùng tìm hiểu về sự hình thành cũng như các loại trà được phân loại với các tên gọi khác nhau, đã cùng tìm hiểu về các địa danh ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam đã sản xuất ra những loại trà danh tiếng, đã có những nguồn nước pha trà nổi danh trong thiên hạ cũng như có những nơi sản xuất ra các loại Trà Cụ vừa đẹp vừa quý báu như Cảnh Đức Trấn, Nghi Hưng ... và Việt Nam của chúng ta thì cũng không thua gì Trung Hoa qua các khía cạnh vừa đề cập về Trà.
- Và bây giờ thì chúng tôi xin kính mời quý vị hãy cùng THƯỞNG THỨC TRÀ ... làm thế nào để chúng ta biết và có được MỘT CHÉN TRÀ NGON và làm thế nào để thưởng thức trà cho đúng phong cách để có được một phong vị thanh cao, để khỏi phật lòng những hương trà ngon của những chén trà tuyệt hảo ? Làm sao chúng ta pha được một ấm trà thật ngon, một ấm trà đúng với nghi thức, một ấm trà hợp với Trà Đạo để chúng ta được xứng danh là "Một Người Thiện Trà" hay là "Một Người Sành Trà".
- Đối với những người đã biết uống trà thì có thể nói rằng ai cũng có thể pha được một ấm trà để uống: việc pha trà khá đơn giản, chỉ cần đun nước sôi, bỏ trà vào ấm rồi thì uống trà ... Nếu làm như thế thì quá tầm thường. Thưởng thức trà thì không thể tầm thường như thế được ... phải làm như thế nào, phải làm những công việc ra sao để thực hiện đúng theo tinh thần Trà Đạo, nhất là theo triết lý tư tưởng thi vị thanh cao của Trà.
- Nếu được phép nói thì chén trà được pha  "đúng nghi thức" thì sẽ không còn mang tính chất tầm thường với đôi bàn tay của những kẻ phàm tục mà đúng là một chén  "Dịch Thể Ngạnh Ngọc Bào" như những tay Trà Sư trong thiên hạ đã gọi như thế. Trà ngon phải hội đủ 3 yếu tố: Hương, Vị và Sắc. Nếu bị mất đi một trong ba yếu tố thì trà sẽ không còn được gọi là Trà Ngon. Do đó, có được những loại trà ngon, quý, nhưng người không biết cách pha thì trà sẽ trở thành mất ngon.
Trái lại, đôi khi có những loại trà tầm thường mà do người biết pha thì trà sẽ trở thành rất ngon do tài pha của một người biết thưởng trà. Ví dụ như chúng ta hà tiện cho ít trà không đủ lượng thì vị của trà sẽ kém đi. Nhưng nếu như chúng ta bỏ quá nhiều thì vị cũng như sắc trở thành quá độ thì trà cũng sẽ mất ngon.
- Nước sôi để pha trà thường có 3 độ: Lúc đầu nước sủi lên lăng tăn như những hạt cườm nhỏ hay giống như những mắt cá đang nổi lên. Độ sôi Thứ Hai là trở thành những hạt châu, to hơn, giống tựa như những hạt châu lăn trên những chiếc mâm bạc. Độ sôi cuối cùng là nước bắt đầu có tiếng reo, gào thét và những hạt châu như muốn tung ra khỏi nồi nước. Lúc nầy cần phải đem xuống ngay vì nếu để lâu sẽ làm cho trà bị cứng đi. Điều tối kỵ trong việc pha trà là dùng những nước đã được đun sôi từ hơn nửa giờ trước mặc dù nước này được giữ trong các bình thủy và coi như còn nóng, còn sôi. Nước này chắc chắn sẽ không đủ sức để làm chìm trà.
1). NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN :
- Trước tiên nên đổ nước sôi vào để tráng ấm để cho ấm được nóng và sạch.
- Kế đến, bỏ Trà vào ấm tùy theo sở thích và độ chứa của từng loại ấm uống trà. Thông thường, đối với những người "nghiện trà" thì đầu tiên bỏ một lớp trà rồi lại bỏ một lớp mạt trà và rồi bỏ thêm một lớp trà nữa. (Mạt Trà là những Trà Vụn còn lại bên dưới các hộp trà mà mỗi lần thay trà mới vào hộp, người thưởng trà có thói quen là thường hay cất riêng các Vụn Trà nầy để cho khỏi bị trộn lẫn với những trà nguyên).
- Nước đang sôi, chế vào ấm trà rồi đổ ra ngay. Công việc này được gọi là  "Rữa Trà" hay nói đúng hơn là để cho trà được thấm chất ẩm.
- Đặt ấm vào Dầm rồi chế nước sôi vào ấm, đậy nắp lại. Rồi chế cả nước sôi lên ấm cho ngập cả ấm trà. Việc làm này với mục đích làm cho trà được nóng từ trong ra ngoài để trà toát ra hết các chất tinh túy của trà. Trong lúc chờ cho trà được ngấm thì người thưởng trà bỏ cả Chén Tống lẫn Chén Quân và Dầm (có nước sôi) để cho tất cả được nóng. Hoặc là có thể tráng riêng các chén bằng nước sôi.
- Sau 5 phút thì trà có thể cho được ra chén Tống và rồi chuyển sang các chén Quân để thưởng trà: Đây mới chính là nước trà ngon, vừa thơm ngon vừa đậm đà và đủ cả 3 yếu tố  "Tam Tài" tức là Thiên, Địa, Nhân. (Thiên là Hương của trà, Địa là Vị của trà và Nhân là Màu Sắc của trà).
- Chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm rằng: Nước sôi đầu tiên khi đổ vào rồi đổ ra ngay tức khắc là nước để rữa trà gọi là  "Khất Cái" tức là những nước để cho những người (nghèo) ăn mày uống vì theo sử sách thì ngày xưa những người ăn mày cũng biết thưởng trà. Nước kế tiếp gọi là "Hoàng Đế Trà" theo nguyên tắc Quân, Sư, Phụ. Kế đó là  "Lão Bá Trà" tức là dành cho ông bà, cha mẹ hay thầy giáo tức là những bậc mà mình kính trọng và nước thứ ba gọi là  "Bình Dân Trà"
 
2). THỬ TRÀ :
- Trước tiên là yếu tổ chủ quan của người thử trà. Bạn không thể nào thử trà trong khi đang bị cảm hoặc đang bị một chứng bệnh nào khác vì các yếu tố về khứu giác và vị giác rất quan trọng cho người thử trà. Nghĩa là người thử trà phải có mũi sạch và miệng sạch. Ngoài yếu tố chủ quan của cơ thể, những yếu tố khách quan về thời tiết và ngoại cảnh cũng ảnh hưởng không ít cho người thử trà... thời tiết nóng bức, những người hàng xóm xung quanh với những tiếng ồn ào cười nói, tiếng khóc của trẻ con, tiếng xe chạy hay tiếng nổ của các chiếc máy nơi các khu vực kỹ nghệ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người thử trà.
- Thưa quý vị, bây giờ Trà đã được chuyển từ chén Tống sang chén Quân ở độ vừa uống. Người thưởng trà bắt đầu quan sát nhìn độ Trong của nước, màu trà, ngửi hương vị của trà rồi thì thử trà. Người thưởng trà nâng chén trà  "mút một miếng thật lớn rồi ực thật nhanh". Đó là đúng cách thử trà của những người biết uống trà và có thể nói là  "Sành Trà". Có uống theo cách đó thì tất cả hệ thống thần kinh vị giác mới hoạt động cùng một lúc. Cùng lúc đó, hơi cũng bốc lên đường mũi theo đường thông trong miệng và kích thích luôn cả khứu giác, vì theo đúng việc uống trà và thưởng trà thì yếu tố  "khứu giác lại quan trọng hơn vị giác"
3). CÁI TÂM CỦA NGƯỜI THƯỞNG TRÀ :
- Người thưởng trà cảm thấy thú vị và thưởng thức đúng được cái thi vị thanh cao của chén trà khi mà chén trà được uống trong một khung cảnh trang nhã yên lặng và hài hòa. Và bạn  "Đồng Ẩm" cũng giữ một vai trò thật quan trọng trong việc thưởng trà mà theo cổ nhân, nhất là theo lời của các bậc Trà Sư trong thiên hạ thì có lẽ nên  "Đồng Ẩm", nếu không, thì chỉ nên  "Độc Ẩm", để suy nghĩ và thưởng thức cái cao quý và thoát tục của hương trà.
- Trà ngon, nước ngon, pha chế khéo và chén, ấm xinh đẹp cũng góp phần không nhỏ trong việc thưởng trà. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố trên, người thưởng trà tự mình cũng phải biết nuôi dưỡng một thái độ đặc biệt trước chén trà: "Đó là sự Tinh Tấn của Tâm". Khi Tâm đã được tinh tấn thì tự nhiên cái Thiện, Mỹ sẽ được hiện ra và người thưởng trà tựa như đang được nghe những tiếng nhạc thoát ra từ suối nước, ngữi thấy khí xuân tươi thắm qua làn hơi của chén trà và cảm thấy cho mình có được một cảm giác thật sảng khoái mà Tâm của kẻ phàm tục không thể nào cảm thấy được.
- Một Nho Gia khi uống trà sẽ cảm thấy mình hòa hợp với Trời và Đất qua thuyết  "Tam Tài" tức là Thiên, Địa, Nhân của Vũ Trụ Quan. Yếu tố Trời được thể hiện qua ánh nắng, sương mù, giọt mưa, là những yếu tố đã giúp cho trà tăng trưởng. Yếu tố Đất thể hiện qua khu vực đất trồng thiên nhiên của vườn trà và yếu tố Nhân tức là Người qua hành động góp công vào việc ướp chế đọt trà. 

HẾT.

 Home .ĐẶC SAN NỐI BƯỚC 2023.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19].