Vào thời kỳ mới khai Đạo, mỗi
năm nhận dịp đầu xuân, Các Đấng thường giáng cơ ban cho những lời dạy có ý
nghĩa đặc biệt. Chúng ta ôn lại một số bài Thánh giáo nầy hầu tìm ra những bài
học quý báu hữu ích trên đường hành Đạo .
1 - Ngày Mùng một Tết Đinh Mão (1927):
Trịnh
thị Ái Nữ, Hiếu, hai con đã thấy Thầy giữ lời hứa thế nào chăng? Thầy lập Ðạo
năm rồi ngày nầy, thì môn đệ của Thầy chỉ có 12 đứa, mà 4 đứa đã vào nơi tay
Chúa Quỉ, chỉ còn lại tám. Trong tám đứa thì lại còn một đôi đứa biếng nhác mà
không hành đạo.
Thầy
hỏi nếu chẳng phải quyền hành Thầy, dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi
nữa cũng chưa có phương chi mà độ hơn bốn muôn sanh linh, nhờ tay có 6 đứa môn
đệ trong một năm cho đặng bao giờ…
Thầy
vui mừng, Thầy khen tặng hết cả bốn muôn môn đệ của Thầy…
Thầy
ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy. Thầy giở cơ lên, các
con đều chun ngang qua cho Thầy ban phép lành…
Thầy
cầu cho các con đặng ngoan đạo như Thơ vậy, sửa mình cho nên chí Thánh, …phận sự
các con lại càng nặng nề hơn nữa, nhưng các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ
thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà hễ biết thương Ðạo thì thương hết chúng sanh.
Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng Ðạo, mà hễ trọng Ðạo thì cũng phải trọng
cả chúng sanh. Trong tháng Giêng nầy, Thái Bạch sẽ hội Nữ phái đặng lập cho
hoàn toàn, Thầy trông công các con lắm đó. Thầy ban ơn cho các con một lần nữa.
Thầy thăng".
- Bài học
trước tiên chúng ta học được là : Đức Chí Tôn thâu nhận 12 môn đệ, một năm trôi
qua chỉ có 6 người là tích cực hành Đạo, tích cực truyền bá Đạo Trời, nhưng Thầy
không một lời trách móc các vị môn đồ nầy. Đức Chí Tôn không đòi hỏi một sự
thành công tuyệt đối nhưng chấp nhận ở một mức độ khả quan. Thật vậy, Thầy vẫn
rất vui mừng vì chỉ có 6 môn đệ nhưng độ rỗi hơn bốn muôn (bốn mươi ngàn) và để
lời khen tặng hết thảy bốn muôn môn đệ mới nhập môn vào Đạo…
Trên bước
đường hành Đạo, chúng ta đừng trông mong một sự thành công dễ dàng và phải luôn
luôn chấp nhận những thử thách, những khó khăn, những nghịch cảnh bủa vây. Có
như vậy chúng ta mới không chán nản khi gặp bước đường gay go hiểm trở…
- Bài học
thứ hai là mỗi dịp xuân về tết đến là thời gian thiêng liêng cho người đạo hữu
để tỏ lòng thờ kỉnh Trời Phật, tổ tiên ông bà…Đặc biệt thời khắc giao thừa ta
phải tổ chức đàn lễ cúng Thầy và rước chư Thánh cho thật trang nghiêm kính cẩn.
Đức Chí Tôn đã ban phép lành cho mỗi môn đệ bằng cách giở cơ lên và mỗi con cái
Thầy chun ngang qua để nhận được phép lành…Điều nầy thể hiện tình thương yêu vô
bờ bến của Ông Cha Thiêng Liêng ...Chắc hẳn mỗi năm vào dịp giao thừa, Đức Chí
Tôn cũng ban ân huệ đặc biệt cho tất cả con cái Người, nhất là những vị tham dự
đàn lễ nơi Thánh Thất. Nhưng ta muốn hưởng trọn ân huệ nầy ta phải hết lòng tín
ngưỡng Đức Chí Tôn và chư Thần Thánh Tiên Phật, vì có cảm mới có ứng. Một mặt
chúng ta phải tu thân, sửa mình và rán lo công quả phổ độ chúng sanh là điều
làm Đức Chí Tôn vui lòng hơn hết.
- Bài học
thứ ba : Đức Chí Tôn dạy phải biết thương Thầy, thương Đạo và thương cả chúng
sanh. Nếu biết thương Thầy Thương Đạo thì dù có cực khổ trên đường hành Đạo ta
cũng kiên tâm trì chí không nãn lòng thối bước. Còn có thương yêu cả chúng sanh
ta mới tận tâm phụng sự cho con cái Chí Tôn.
Tuy nhiên
nhơn sanh chín người mười ý, mình phải làm sao dung hòa tâm lý cả anh em trong
Đạo tạo thành khối đoàn kết thương yêu, lầy sự công tâm hòa thuận đối đãi cả
chư môn đệ để cùng nhau lo cho cơ Đạo phát triển đó là điều đáng quý.
Câu cuối
Thầy dạy:
"Các
con biết Thầy là trọng thì biết trọng Ðạo, mà hễ trọng Ðạo thì cũng phải trọng
cả chúng sanh".
Chúng ta
phải coi cả chúng sanh như anh em ruột thịt, không phân biệt sang hèn, người gặp
hoàn cảnh khó khăn phải giúp đỡ nhiều hơn, thì sẽ làm vui lòng Đại Từ Phụ và Đại
Từ Mẫu lắm vậy.
“BÁT
NƯƠNG,
Chào quí anh, quí chị. Mời bình thân. Năm mới,
chùa mới, vạn sự đều mới, vậy em đến cầu chúc cho quí anh, quí chị đặng những
điều mới mẻ may mắn. Tân Xuân đây, quí anh, quí chị, coi bộ rán nông trang hành
đạo. Em cho biết, phàm mỗi năm, những vị nào trong lúc ngày xuân biết lo phụng
sự Thần, Thánh, Tiên, Phật, thì công đức đặng xấp bằng hai lần ngày thường. Còn
việc các Ðấng phú thác cho mình, hoặc yêu cầu mình thi hành một vấn đề nào, nếu
mình trọn tin mạng pháp thì các Ðấng cũng ghi công cho. Nhược bằng mình không
tuân hoặc lười biếng, trễ nải, thì các Ðấng lại ghi tội cho. Vậy xin các anh,
các chị rán hiểu giùm: muôn việc chi khởi đầu đều khó. Nhưng cái khó mình lướt
qua đặng mới có công, mới anh hùng, mới chí sĩ, mới đáng đạo sĩ…”
* TNHT,
Q2.
Bài nầy
Bà Bát Nương dạy khi mới mua đất Thánh địa, bắt đầu công cuộc phá rừng xây Tòa
Thánh tạm. Đây là giai đoạn rất cam go. Chính Đức Cao Thượng Phẩm là người đi
tiên phong phế đời hành Đạo. Lúc khởi đầu mọi phương tiện đều thiếu thốn, tạo
điện thờ giữa nơi rừng sâu, xa cách phố làng nên việc chuẩn bị cho ngày Tết phải
tốn nhiều công sức. Bà cho biết ngày xuân phụng sự chư Thần Thánh Tiên Phật tức
là việc trang hoàng nơi thờ phượng, quả phẩm tươi tốt và lập đàn lễ trang
nghiêm…thì công quả xấp hai lần ngày thường. Việc phụng sự thể hiện tâm thành
kính nên tâm càng lớn thì công quả càng nhiều là vậy.
Đoạn
Thánh giáo Bà dùng văn chương dí dỏm tạo không khí vui tươi cho ngày Tết,
nhưng ý nghĩa quả đúng như vậy. Đa số
các bậc Tiền bối đều là người thành đạt trong xã hội, bây giờ phải học làm đạo
sĩ nên rất khó nhưng mà mình làm được thì mới tạo được công đức lớn…
3 - Ngày mùng 1
Tết năm Mậu Thìn (1928), Thánh giáo Đức Chí Tôn:
“Thầy,
Các con,
Vầng
thái dương nhặt thúc, cung thiềm quế chóng xây, những mong lần lựa tháng ngày
mà trong đường Đạo các con đã trải qua trót mấy dặm nên hư đặng thất tội phước
dường bao, Thầy chỉnh để cho các con tự hỏi và xét mình mà gắng thêm sức công
quả hầu vớt cho kịp mấy triệu sanh linh đã còn chìm đắm giữa dòng biển khổ.
Ngày
nầy năm ngoái, các con chắc có vẻ đặng tinh thần phấn chấn hơn, tâm trí hân
hoan hơn, lương tâm hòa hiệp hơn, là vì một bước lần vào nẻo Đạo thì một bước
xa lánh cõi đời, mà cũng một bước lần vào nơi hiểm trở gay go. Trong lúc mở Đại
Đạo Tam Kỳ nầy, các con vẫn cảnh gánh tất cả thế tình thì tất là các con phải
chác một gánh nhọc nâu sòng, mà cũng vì nơi nhọc ấy, các con mới có thể mong
ngày hội hiệp cùng Thầy được…”*Đạo Sử Nhựt Ký, HT Nguyễn Văn Hồng.
Mỗi lần
năm mới, Đức Chí Tôn dạy phải nhìn lại đoạn đường đã qua rút tỉa kinh nghiệm
hành Đạo để hoàn thành tốt con đường sắp tới. Người luôn nôn nóng vì biết bao
con cái còn chơi vơi nơi biển khổ trầm luân. Những hàng chức sắc là người lảnh
sứ mạng làm Thánh thể cho Thầy, tức là Thầy dùng các lương sanh để cứu vớt quần
sanh. Hàng sứ mạng phải luôn dấn thân, chịu cực khổ gian lao thì mới tạo được
công nghiệp xứng đáng nhờ đó mới về hội hiệp cùng Thầy được. Sứ mạng của Tam Kỳ
Phổ Độ là phải độ rỗi tất cà nhân loại trên mặt địa cầu nên đây là công cuộc cứu
rỗi lớn lao cần thời gian rất lâu dài, vì vậy nên các Đấng có lời tiên tri
ngươn hội của Cao Đài kéo dài đến thất ức niên…
4 - Ngày mùng 1 Tết năm Kỷ Tỵ (1929):
Thánh
giáo Đức Chí Tôn:
"THẦY
Các con, Ngày tháng vẫn mỏi mòn mà đường Đạo nhắm còn dài đăng đẳng. Một xuân
qua là một dặm đường phải bước tới, mà Thầy ngảnh lại bước đường của môn đệ, Thầy
vẫn thấy sụt sè chớ chưa thấy chi có mòi tấn phát.
Dần
qua Mẹo lại, Thìn đến Tỵ về, Xuân đổi lại Xuân thay, năm kề rồi năm mãn. Ôi! Tấc
bóng quang âm nhặt thúc mà xem lại tâm hạnh của mỗi con của Thầy thì nét Đạo vẫn
kém hơn, đức chưa thêm được, tâm chí mòn mỏi lối đường ngay mà nấu nung về nẻo
vạy, e cho nền tảng thiêng liêng đồ sộ phải nghiêng ngửa. Rồi đây, các con cũng
chưa chắc hết tranh cạnh giành xé nhau mà làm cho nền Đạo phải chia tan tành.
Đạo
còn chứa tà vạy, người còn say mối lợi danh, thì phương chi cứu chữa bịnh Đạo
cho hết. Thầy cũng lắm đau thương, nhưng cũng chẳng cải sửa chi đặng. Thầy đã
giao trách nhiệm lớn lao cho mỗi đứa đáng tin cậy, chúng nó chẳng biết điều đình
thì phú mặc Tà quái xâm phạm mà thôi.
Ôi!
Xuân tàn Xuân đến, cái Xuân của người đã sắp lụn hao, mà rồi cái Xuân của Trời
Đất nước non cũng chưa chắc là vô cùng vô tận.
Các
con nếu biết đời khổ tâm, biết vày vò tình thế, biết chịu kém sút trong nẻo lợi
đường danh, biết thiệt mình mà đặng cho kẻ khác, biết đổ lụy cho kẻ vui cười,
biết nhọc nhằn trong kế sinh nhai, biết giữ tâm chí cho thanh bạch, đừng nhơ bợn
của chẳng nên dùng, biết động mối thương tâm, thương người hơn kể mình, thì các
con được tắm gội hồn trong mà về cùng Thầy đó.
Nét
nào chưa vẹn, khá biết sửa lần, chớ nền trì huỡn. Đạo suy đức kém, Tà quái lừng
hơi, các con gắng chung tâm xua trục hết lũ vạy tà thì hiến công lớn cho Thầy
đó. Thầy ban ơn cho các con. THĂNG".
Vào ngày
xuân năm Kỷ Tỵ, Đức Chí Tôn có hơi thất vọng khi nhìn lại thành quả một năm qua
vì đường Đạo không tiến bộ nhiều. Điều mà Thầy lo lắng nhất là trải qua 4 năm
qua rồi mà tâm hạnh, đạo đức của con cái người vẫn còn thiếu kém…
Đức Chí
Tôn rất buồn khi thấy trong Hội Thánh không còn sự đoàn kết thương yêu lo cho Đạo
mà có mòi chia rẻ cạnh tranh. Trong năm Mậu Thìn xảy ra vụ ông Tư Mắt dựa vào
quyền đời gây bạo hành đuổi Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Hộ Pháp ra khỏi Tòa
Thánh. Đây là một biến cố lớn làm cho Đạo bị ngưng trệ. Đức Chí Tôn cho biết Thầy
cũng lắm đau thương nhưng chẳng cải sửa chi đặng là vì người Đạo tâm còn tà vạy
và say mối lợi danh nên tà quái xung nhập, xâm phạm gây nên rối rấm.
Sau khi
than phiền về các biến cố xảy ra trong thời gian qua, Thầy dạy con cái Người phải
biết sửa đổi tâm tánh, vào Đạo rồi phải không còn ham danh chác lợi, giữ tâm
chí thanh bạch, thương người hơn kể mình…
Từ những
sự việc nầy ta rút ra bài học là người hành Đạo cần phải giữ tâm cho trong sạch,
thương yêu, ngay thẳng thì mới tránh khỏi những sự khảo đảo xảy đến.
5 - Ngày mùng 9 Tết năm Canh Ngọ (1930):
Thánh
giáo Đức Chí Tôn :
“THẦY
Các con, Thầy quyết lấy đức háo sanh mở Ðạo, cứu rỗi sanh linh, cho kịp trước kỳ
Hạ Nguơn nầy, nhưng Ðạo chẳng hoàn toàn, con đường đi chưa cùng bước, là vì tại
nơi lòng nhiều đứa, chưa để hết tín ngưỡng mà nghe lời Thánh giáo, cho nên lần
hồi, nền Ðạo phải ra tan tành manh mún.
Kẻ
hữu đức buồn lòng thối bước, đứa chơn thành không vui nắm tay theo; ma hồn quỉ
xác loán vào; kẻ đức thiếu níu đứa không nhân; thành ra nhơn kém đức suy, cứ thẳng
một đường tà dung ruổi.
Cơ
lập Ðạo là nhiệm mầu vô giá, biết Ðạo, biết ta, biết người, biết thế, biết thời,
biết vinh hư, biết tồn vong ưu liệt rồi mới có biết hổ mặt thẹn lòng, biết sự
thế là trò chơi, biết tuồng đời là bể khổ, biết thân nô lệ dẫn kiếp sống thừa,
biết nhục vinh mà day trở trên con đường tấn thối. Có đâu đường đời còn lắm
giành xé, hại lẫn nhau, mong chi đặng tầm Tiên noi Phật.
Công
Thầy bố hóa, bị lũ học trò tham lam ngu xuẩn, dục lợi cầu danh làm cho tà quái
lẫn vào, dìu dắt vào chốn hang sâu vực thẳm; thế mà hồn Ðạo phải chịu ngàn năm
phưởng phất…
Tu
hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng liêng.
Thầy thấy nhiều, tu cũng muốn tu mà thế tục cũng không muốn chừa bỏ. Thế tục là
nét dìu dắt cho mất tánh thiêng liêng, phải lấy nghị lực cang tâm mà kềm chế,
thì cái lối diệt vong mới chẳng làm uổng công phu hành đạo cho.
Áo
dà cũng muốn mặc, giày đạo cũng muốn mang, muốn đứng trước cả nhân sinh để cho
họ biết mình hướng đạo. Ðường Tiên cũng lấp lửng, nguồn Thánh cũng toan vào mà
thấy bạc rơi cũng chẳng bỏ, lợi mún chẳng từ, mượn danh Ðạo mà tạo danh mình,
vô Thánh Ðiện mà hơi tà còn phưởng phất. Muốn cho nhà thiệt cao, áo thiệt tốt,
mượn lốt cọp dọa cáo bầy, bụng trống lổng, túi thâu đầy toan làm thầy lũ dại.
Ôi!
Lốt Ðạo, lốt Ðạo, Thầy buồn cho trẻ ngây, chẳng còn biết làm sao đem Thánh giáo
vào tai chúng nó được.
Thầy
nhớ xưa, kẻ mộ Ðạo, chịu ngàn cay muôn đắng, biết có người mà chẳng biết nhọc
mình; giày gai áo bã, đội nguyệt mang sao, gió trước lọt chòi tranh, mưa sau hư
giạu lá, bần hàn chẳng quản, tay trắng dìu người, một mảy không bợn nhơ, mới có
thể lập ngôi cho mình đặng; có đâu lấy của lấn nhân, mượn quyền xua đức, kẻ
chân thành lánh mặt, đứa tà mị áp vào, rồi cúm núm mang hơi tà, lại đua nói rằng
thờ chánh giáo.
Thầy
hỏi: Ai chứng cho? Lễ Nhạc chẳng hoàn toàn, nhiều đứa cậy tài học giỏi lượm lặt
sách xả rác hủ nho; mong bài bác đặng vinh mặt. Thầy bây giờ chỉn để phú Thiên
điều hành luật, ai biết nguồn cội, vội sửa mình; mới mong tránh khỏi lũ tà ma
mà đi cho cùng bước Ðạo. Uổng thay! Nền Ðạo chẳng phải hư, ngày nay không
phương tái lập. Thầy giao cho mấy đứa, vì Ðạo vì Ðời khá hiệp trí chung lo, họa
may mới vớt người đặng muôn một…" * TNHT.
Trong năm
Kỷ Tỵ, cũng vì việc bạo hành nên Đức Cao Thượng Phẩm qui tiên vào ngày 1 tháng
3 năm nầy. Ngài Ca Bảo Đạo về cõi Thiêng Liêng và kiện Cửu Trùng Đài đoạt hết
quyền của Hiệp Thiên Đài. Từ những năm trước, Đức Chí Tôn đã ban hành Pháp
Chánh Truyền phân quyền của cả 2 đài, nhưng CTĐ đã không nhìn nhận quyền hành của
HTĐ vì vậy mới tạo nên sự bất ổn trong Đạo. Từ ngày 8 tháng 4 Kỷ Tỵ, Đức Chí
Tôn giao trọn quyền CTĐ cho Đức Lý để chấn chỉnh lại.
Cũng vì
những rối rấm trong Đạo nên Đức Chí Tôn để lời khuyên dạy chư chức sắc không
nên giành xé hại lẫn nhau, giục lợi cầu danh để tà quái xen vào quấy phá Đạo...Một
mặt vào cửa Đạo rồi mà phàm tâm tục tánh vẫn còn, coi trọng vật chất tiền tài
mà quên bề đạo đức. Người tu cần phải dẹp hết phàm tâm, trau giồi Thánh tâm, lấy
sự thương yêu, hy sinh, phụng sự chúng sanh thì mới mong đoạt vị Thiêng Liêng,
trở về cùng Thầy được.
Tóm lại,
mỗi năm vào dịp Tết Đức Chí Tôn và các Đấng luôn dạy người tu phải xét mình, bỏ
đi những thói hư tật xấu, những tục tánh phàm tâm. Nếu chúng ta còn chất chứa
phàm tâm thì vẫn còn bị khảo đảo. Dĩ nhiên là con người ai cũng có những khuyết
điểm, nhưng nếu quyết chí tu hành thì ta sẽ sửa đổi tâm tánh ngày càng tốt hơn.
Đồng thời ta củng cố phát triển Thánh tâm, luôn để dạ thương yêu, lo lắng, phụng
sự chúng sanh...Cộng với sự kiên nhẫn, miệt mài lập công bồi đức, không màng
gian lao khổ nhọc...Có vậy ta mới hy vọng ngày chung cuộc về nơi cõi an nhàn, Tịnh
độ...
* Quang Thông
(01-2023)
Home .ĐẶC SAN NỐI BƯỚC 2023.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19].