Nguồn gốc Kim Mao Hẩu. * Viện Sử Cao Đài.

- Kim Hẩu hay Kim Mao Hẩu là loài linh thú, thuộc tính Lôi Bộ, được sinh ra bởi điển quang Thái Dương.
- Các vị Linh Thú này thường làm việc đưa đón các chân hồn di chuyển ở cõi Thiên, làm Linh Thú Trấn Cung ở các Cung Thiên, Động thiên.

Hình dạng và tính chất đặc trưng.
- Hình dạng Kim Mao Hẩu giống chó Ngao Tây Tạng, vừa giống sư tử vừa giống chó lông xù, có bộ lông vàng óng ánh kim rực rỡ. Phần đuôi phía sau dài, kiểu giống đuôi ngựa, kỳ lân chớ không phải kiểu đuôi sư tử.
- Thân hình to lớn, đôi mắt sáng, đôi tai rất thính có thể nghe thấu suốt các âm thanh rung động từ tâm thức của chúng sinh hữu tình, có răng và móng vuốt sắc bén.
- Tiếng gầm vang vọng như tiếng sấm rền chấn động cả thiên địa.
- Có thể thị hiện thân ảnh nam tử, nữ nhân với sắc thân trắng hồng, tóc dài mượt mà vàng óng, toàn thân khoác đạo bào hay chiến bào khinh giáp hoàng kim rực rỡ.
- Tánh tình cương trực, dũng mãnh, thích làm việc nghĩa, thường giúp kẻ yếu thế cô, thích ngao du sơn thủy.
- Kim Mao Hẩu có thể ngưng thần, vận dụng khí quang nơi mình phát ra ánh kim quang rạng rỡ như ánh thái dương soi rọi nơi tối tăm. Ánh sáng ấy có khả năng thanh tẩy, tiêu trừ tà khí ác trược, tịnh hóa những gì bất thiện, cũng có thể huyễn hóa sắc bén như ngàn vạn mũi kim tấn công đối phương.
- Ở Bạch Ngọc Kinh, Linh Tiêu Điện, Kim Quang Cung nơi Thượng Giới có rất nhiều Kim Mao Hẩu trấn giữ Thiên Môn.
Kim Mao Hẩu theo làm thị giả cho Đức Từ Hàng Bồ Tát.
Khoảng 3200 năm trước, vào thời Thương Châu đại chiến bên Trung Hoa. Bên phía nhà Thương có các Tiên Nhân Triệt Giáo giúp sức, bên nhà Châu thì các vị Tiên Nhân Xiển Giáo yểm trợ.
Lúc bấy giờ, trong Vạn Tiên Trận có một vị Tiên tôn danh Kim Quang Tiên của Triệt Giáo với thần thông quảng đại, biến hóa vô cùng. Đức Từ Hàng Đạo Nhân tình nguyện ra ứng chiến, thu phục được Kim Quang Tiên.
Kim Quang Tiên ấy hiện lại nguyên hình là một Kim Mao Hẩu, tình nguyện theo làm thị giả cho Đức Từ Hàng Đạo Nhân để tu dưỡng, học hỏi thêm đức độ, thiện nguyện từ Ngài.

Kim Mao Hẩu trong văn hóa kiến trúc.
- Ở trước cổng các chùa chiền, đền miếu hoặc những gia trang rộng lớn người ta thường tạc hình tượng Sư Tử, Kỳ Lân hoặc là Kim Mao Hẩu ở hai bên cổng. Việc này tạo nên uy thế trước tà linh tinh quái, hạn chế tối đa tà khí ám khí xâm hại. Người ta thường hiểu nôm na, gọi chung các hình tượng ấy là con Nghê.

Các pho tượng linh thú trấn trạch này được làm phép khai quang, nguyện cầu linh khí của các vị Linh Thú nơi linh giới giáng nhập để tăng năng lượng thanh tịnh, chánh khí. Sau một thời gian chừng hai ba chục năm, các pho tượng ấy có thể thức tỉnh linh tánh, phần linh hiển hóa rõ ràng thân ảnh ở linh giới để trrấn giữ, bảo vệ cho khu kiến trúc ấy.

- Kim Mao Hẩu do Đức Hộ Pháp đem về. Cho nên ngày nay ở các cửa vào Chánh Điện đều có tượng Kim Mao Hẩu trấn giữ an bình Tòa Thánh Đại Đạo, Tây Ninh, Việt Nam.
Ngoài ra, khu vực bờ rào của các tòa tháp của Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh cũng có nhiều hình tượng kỳ lân, Kim Mao Hẩu.

Kim Mao Hẩu trong kinh điển.
Kinh Đệ Bát Cửu - Kinh sách Đại Đạo:
"Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,
Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi.
Mùi trần khi đã xa khơi,
Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong.
Cung Tận Thức thần thông biến hóa.
Phổ Ðà Sơn giải quả Từ Hàng.
Cỡi Kim Hẩu đến Tịch San,
Ðẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem.
Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,
Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi.
Hồ Tiên vội rót tức thì,
Nước Cam lồ rửa ai bi kiếp người." [1]
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
* Bát Nương Diêu Trì Cung.

[1] - ST/ Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Trang 61 "Kinh Đệ Bát Cửu".

 Home .ĐẶC SAN NỐI BƯỚC 2023.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19].