CHÌA KHÓA HIỆP THIÊN ĐÀI. * Từ Chơn.

Khởi.
Ngày 10 tháng 4 âl sắp tới là kỷ niệm Đức Hộ Pháp và các vị chức sắc Hiệp Thiên Đài qui Tiên. Hiệp Thiên Đài là chìa khóa để đắc đạo của Cao Đài. Kính mời quý đồng đạo đọc bài sau đây để biết thêm chi tiết.  Xin nói thêm, đây là ý kiến riêng của Từ Chơn trong khi tìm tòi tự học, không phải là một công thức hay pháp môn cho ai cả. Từ Chơn không khuyến khích bất cứ ai làm theo hay không làm theo. Tu học là quyền tự quyết định của mọi người. Trân trọng.
* Tuchon John.
Kính thưa quý đồng đạo,
Ngày 10/4 âl sắp tới là tiểu đàn kỷ niệm ngày Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Sanh, Đức Thượng Phẩm và quý Thời Quân qui thiên. Nhân dịp này Từ Chơn mời quý vị đọc khảo luận sau đây về Hiệp Thiên Đài. Trong bài này, xin mạn phép bỏ qua các chức năng tư pháp và thông công của Hiệp Thiên Đài mà đi sâu vào ẩn nghĩa triết lý vì khuôn khổ bài có hạn. Phần tiếng Anh xin mời bấm vào hình. Trân trọng.
 
Theo Giáo Sư Tâm Lý Học Steven Reiss của Đại Học Ohio, Hoa Kỳ, tác giả quyển The 16 Strivings for God (Mercer University Press, 2016) người ta theo một tôn giáo nào đó không phải chỉ vì sợ chết mà vì 16 ước muốn theo bản năng . Đại khái nói rõ ra vài thứ cho dễ hiểu là có thể vì muốn bảo vệ gia đình, vì thích những nghi lễ phức tạp, vì muốn mau lành bệnh, vì muốn kinh doanh thu nhiều lợi nhuận, vì muốn xoá bỏ cái ác, vì muốn bản thân được giải thoát v.v…
Trong bài viết này xin tập trung vào lý do giải thoát. Bởi vì, tìm hiểu kỹ thì thấy bậc giáo chủ nào mở đạo cũng có mục đích chính yếu là dạy con người cách giải thoát. Mục đích bài viết như vậy, nên phần tiếp theo xin được dành riêng cho đọc giả nào muốn thực lòng đi tìm cơ hội giải thoát.
Cao Đài
Vậy ai là người muốn giải thoát, giải thoát khỏi điều gì và tại sao lại muốn giải thoát? Tôi nghĩ cứ kiên nhẫn, thành thật trả lời câu hỏi này thì có thể thấy được đường đi trước mắt. Và cũng giống như dấu vân tay, mỗi người sẽ có đường đi riêng. Không thể có một đường cao tốc chung để cho mọi người cùng khởi hành rồi đến đích một lượt.
Nói về mình là chắc ăn bởi vì nói về người khác chỉ là tưởng tượng. Do đó tôi sẽ bắt đầu tình nguyện trả lời những câu hỏi nêu trên. Trước hết, chính tôi là người thực lòng muốn giải thoát. Tôi gặp phải quá nhiều thắc mắc trong cuộc đời mà không phải lúc nào cũng tự trả lời được. Thí dụ như muốn giải thoát khỏi bệnh tật thì tôi vào nhà thương, muốn giải thoát khỏi nợ nần thì tôi ráng đi làm, giảm chi tiêu, dành dụm tiền trả nợ.
Mấy việc đó đều có câu trả lời cho dù chưa biết có giải thoát thành công hay không, nhưng cũng có những thắc mắc tôi không tự trả lời được. Như tại sao tôi mắc kẹt ở quả địa cầu này, nơi người ta thích ghét hơn thương . Sao không phải là một hành tinh nào khác trong vũ trụ, nơi mọi người chỉ biết thương, không biết ghét? Tại sao cơ thể tôi già yếu theo thời gian rồi sẽ kết thúc sự sống? Còn nhiều câu hỏi nữa mà không có ai giúp cho tôi bớt cơn khát thắc mắc.
Nhiều bậc trí thức đã có đủ cách trả lời khác nhau. Nhưng tôi muốn tự mình trả lời, không nghe giải thích của bất cứ ai, bởi vì suy cho cùng tôi là người đặt ra những câu hỏi này, nên chỉ  chính tôi tìm ra câu giải đáp mới giải toả được áp lực mà thôi. Quá trình tìm kiếm giải đáp của tôi khởi đầu bằng kiến thức về đủ thứ trên đời rồi dừng lại ở tôn giáo. Tuy nhiên, các tôn giáo có sẵn đều nói khác nhau không ít thì nhiều và trước kia đã có lúc tôi không biết nên thực hành theo giáo thuyết nào.
May mắn là tôi sinh ra ở Việt Nam trong một gia đình có truyền thống Cao Đài và chính ở đây, tôi học điều đầu tiên về tôn giáo: “Tam giáo quy nguyên ngũ chi phục nhứt”, giải thích bằng tiếng Việt đơn giản là hãy coi các tôn giáo như nhau, triết lý một chút thì hãy coi khác biệt là đồng nhất. Tôi nghĩ rằng chính sự khác biệt màu da, văn hoá, ngôn ngữ, niềm tin, chính trị đã làm loài người phải sống trong một thế giới triền miên hỗn loạn. Cao Đài có giáo lý liên quan tới vấn đề này, nên tôi nghĩ rất thích hợp với tôi.
Thường thường, người ta thẳng thừng gọi người có niềm tin khác với mình là bọn tà giáo hay dị giáo, nếu đồng đạo thì gọi là phản đạo và không dành thiện cảm cho họ. Đã có chiến tranh tôn giáo mà! Thêm một minh chứng không chối cãi được là Toà Án Dị Giáo của Hội Thánh Công Giáo La Mã lập ra vào cuối thế kỷ 16. Toà Án này kết án và trừng phạt ai nói trái lại với Hội Thánh. Một ví dụ nổi tiếng là hai nhà khoa học Nicolaus Copernicus và Galileo Galilei đã nói trái đất quay xung quanh mặt trời. Điều này ngược với quan điểm của Hội Thánh nên hai ông đã bị Toà Án này trừng phạt . Bây giờ đỡ hơn rồi dù thỉnh thoảng vẫn có vài vụ nổ bom trong nhà thờ ! Nhìn chung, nhờ có nhiều kiến thức hơn, nhiều kinh nghiệm sống hơn, người ở các xã hội văn minh đã hiểu ra “đạo nào cũng là đạo” và bớt công kích người có niềm tin khác. Đặc biệt, tôn giáo Cao Đài triệt phá quan niệm “tôn giáo của mình là đúng nhất” ngay từ những bước đầu tiên. Mọi tôn giáo là một, vậy không có tôn giáo nào đúng nhất cả. Dĩ nhiên, phần đông tín đồ Cao Đài vẫn chưa thông hiểu để thực hiện đúng tinh thần này! Nhưng điều đó sẽ kết thúc khi tất cả tín đồ trưởng thành theo thời gian.
Xin trở lại chủ đề, chính nguyên lý “mọi niềm tin đều không khác nhau” đó đã tác động rất mạnh đến việc chọn lựa triết Cao Đài của tôi. Hơn nữa muốn hiểu Cao Đài, tôi phải nghiên cứu gần hết những tôn giáo lớn trên hành tinh này rồi. Tóm lại, khởi điểm của tôi như thế này: muốn giải thoát khỏi sự ngu muội (của chính mình) để trả lời dứt điểm những câu hỏi về cuộc sống (cũng của chính tôi). Do đó tôi bắt đầu nghiên cứu Cao Đài.
Tìm học ở đâu
Tuy nhiên, trở ngại lớn là tôi ngu muội thì làm sao biết thế nào là không ngu muội? Nếu ai đã từng làm nghề dạy học đều biết một điều. Hiếm có và hầu như không bao giờ có chuyện đột phá ở học sinh chậm hiểu. Nghĩa là không có việc một hôm nào đó bỗng nhiên những học sinh đó hết ngu muội. Thầy giáo chỉ truyền đạt kiến thức sách vở, không làm cho học sinh hết ngu muội được. Học sinh có thể nhớ vanh vách mọi bài học, nhưng ngu muội vẫn hoàn ngu muội. Việc này đã được chứng minh cụ thể trước mắt. Trái đất này có vô số người học cao, chế tạo đủ loại máy móc kỳ diệu, nghĩ ra cơ man nào là những lý tưởng tốt đẹp, nhưng vẫn không giải quyết được những tranh chấp giữa người và người.
Vậy tôi cần thầy giáo để xóa bỏ ngu muội chứ không phải truyền thêm kiến thức. Kinh nghiệm cho thấy càng nhiều kiến thức càng lắm thắc mắc. Đáng buồn, hiện nay không làm sao biết được ai là người thầy như thế. Những bậc giáo chủ có thể xóa bỏ ngu muội cho tôi thì đã không còn nữa. Sau nhiều ngàn năm làm sao bảo đảm được lời dạy chép lại trong kinh sách chính xác là những gì các giáo chủ dạy ngày xưa. Ở Việt Nam lại còn phải đọc qua chữ viết Trung Hoa nữa! Điều quan trọng nhất là nếu không hiểu thì không có ai giải thích cho tôi được.
Tôi lại quay lại với Cao Đài. Giáo Chủ Cao Đài là đấng tối cao điều hành vũ trụ, không phải là một người giống như tôi và bạn. Bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều thờ phụng ngài nhưng gọi tên khác nhau. Người Việt Nam gọi là Ông Trời, tín đồ Cao Đài gọi là Đức Chí Tôn v.v… Lời dạy của Ông Trời là Đền Thánh Tây Ninh và nếu có chi không hiểu thì Ông Trời sẽ giảng dạy qua cách thức liên lạc đặc biệt gọi là thông công, được tượng hình trên trần Cung Đạo Đền Thánh. Xét cho kỹ, đây là chỗ đáng cho tôi học hỏi đây.
Ba Đài
Đền Thánh Tây Ninh có ba đài. Bỏ qua hình thức kiến trúc khá đặc biệt, tôi tập trung vào ẩn nghĩa của biểu tượng vì tôi nghĩ lời dạy của Đức Chí Tôn nằm ở đây. Bát Quái Đài tượng trưng linh hồn, Hiệp Thiên Đài tượng trưng trí não và Cửu Trùng Đài tượng trưng thể xác. Ba đài này kết hợp thành một con người bình thường. Những tượng trưng này dạy tôi điều gì?
Bát Quái Đài
Xin miễn đi sâu vào việc Bát Quái là gì và để làm gì. Nói sơ qua, đây là quan điểm của người Trung Hoa cổ đại về vũ trụ .  Muốn hiểu cần học tiếng Trung Hoa  đạt mức cao cấp. Hiện nay  có bản dịch tiếng Việt của nhiều tác giả, nhưng đọc thử thì thấy cực kỳ khó hiểu. May là có hướng dẫn dễ hiểu hơn, đó là thánh ngôn Cao Đài bằng tiếng Việt.
Theo thánh ngôn , Bát Quái Đài tượng trưng cho linh hồn con người, là nơi Đức Chí Tôn ngự và chúng ta thường gọi là lương tâm. Trong định nghĩa này, khái niệm lương tâm tương đối có thể nghiên cứu được nhờ ngành tâm lý học hiện đại.
Kính mời đọc giả xem định nghĩa về lương tâm: ý thức tự phán đoán về hạnh kiểm, ý định, tính tình của một cá nhân, rồi thôi thúc người đó làm theo các qui luật đạo đức . Nói dễ hiểu, khi mình bắt đầu định làm gì, đều có suy nghĩ tự nhiên trong đầu là điều đó tốt hoặc xấu và lập tức nghĩ rằng phải làm điều tốt. Thí dụ gặp một người tàn tật bên đường, thì ý nghĩ đầu tiên thoáng qua là “Tội nghiệp! Phải giúp đỡ mới được”. Hay gặp một xấp tiền bỏ rơi thì “Đừng lấy, không phải của mình”. Cho dù thuộc dân tộc, thể chế, tổ chức nào cũng có ý thức như vậy. Có điều suy nghĩ đó rõ ràng hoặc mờ nhạt là tuỳ theo từng người, từng hoàn cảnh. Và ta nghe theo hay không lại là chuyện khác nữa.
Vậy “Đức Chí Tôn ngự ở lương tâm” có nghĩa là Đức Chí Tôn  là nguồn cội của những suy nghĩ này. Cá nhân mình không thể sửa đổi lương tâm theo ý muốn mà chỉ có thể tuân theo hay không mà thôi. Rốt lại, với Bát Quái Đài, nghĩa là phần linh hồn của tôi, tôi chỉ có việc biết cách lắng nghe và làm theo. Giao tiếp giữa cá nhân và Bát Quái Đài chỉ có một chiều và nằm ngoài vòng luận lý. Thí dụ, tôi định lên giá thuốc trừ sâu thì nghe lương tâm nhắc “Không nên, vậy là tàn nhẫn lắm. Nông dân nghèo sẽ lâm vào cảnh khổ ”. Bây giờ tôi chỉ có một chọn lựa duy nhất: không lên giá vì thương người nghèo, hoặc lên giá như một kẻ tàn nhẫn. Vậy thôi! Không thể kỳ kèo, nói rằng tôi đang lỗ vốn, thuế má tăng hoặc tôi cần tiền cho con đi du học thì lương tâm … thông cảm không nhắc nhở nữa. Cũng có lý luận rằng, tôi lên giá thì có tàn nhẫn lúc này thật. Nhưng tôi sẽ có nhiều lợi nhuận, lúc đó tôi sẽ xây chùa, làm phước, mua chim cá phóng sinh, cứu được nhiều người hơn để bù lại. Không may, lương tâm, cũng giống như tình thương, không có chỗ cho luận lý.
Hiệp Thiên Đài
Đài này tượng trưng trí não của con người, nơi sản xuất ra các suy nghĩ. Triết gia Pháp René Descartes , cha đẻ triết học hiện đại, đã nói "Cogito, ergo sum" (Tôi suy nghĩ, do đó có “tôi”). Đúng vậy, rõ ràng không có suy nghĩ thì không có tôi, anh, họ và những vật thể khác. Không có gì cả! Có thể nói suy nghĩ chính là tôi và cũng là xuất phát điểm của thế giới. Quả đất này được văn minh hạnh phúc hay chịu tàn phá thảm khốc đều bắt nguồn từ suy nghĩ.
Tuy vậy, tính cho tới nay, trí não vẫn là lãnh vực bí ẩn của con người mà khoa học hiện đại chỉ nắm được một phần rất nhỏ . Cả hai trường phái triết học Đông và Tây của thế giới đều tốn nhiều công sức để bàn về trí não nhưng vẫn chưa đến điểm sau cùng, hoặc đã đến mà phần đông còn tranh cãi.
Vì vậy, tôi cho rằng Hiệp Thiên Đài hay trí não rất quan trọng đối với người học đạo chúng ta. Thứ nhất, các bậc giáo chủ trước đây thành đạo đều nhờ vào suy nghĩ thâm sâu. Đức Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) đắc đạo nhờ ngồi yên suy nghĩ liên tục dưới gốc cây bồ đề. Đức Laozi (Lão Tử) được người đời thờ phượng cũng nhờ tư tưởng ghi lại trong quyển Tao Te Ching (Đạo Đức Kinh). Vậy người tu học muốn đắc đạo, nghĩa là thành công, thì suy tưởng mới là chính, còn xây chùa, bố thí chỉ là phụ. Điều này đã được đề cao trong Phật Giáo Thiền Tông. Xin mời nghe câu truyện nổi tiếng giữa Lương Vũ Đế  và Đức Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma  vào năm 527 sau đây.
Lương Vũ Đế: Ta được bao nhiêu công đức sau khi xây dựng được rất nhiều chùa chiền và tu viện như vậy?
Sơ Tổ: Tâu bệ hạ, làm công quả mà mong có được công đức thì chẳng có giá trị gì. Việc đó chỉ giúp kiếp sống trong lần đầu thai sắp tới có phần khá hơn chứ không giúp đạt đạo.
Lương Vũ Đế: Vậy ý nghĩa cao nhất của chân lý là gì?
Sơ Tổ: Tâu bệ hạ, không có chân lý. Chỉ có “cái không có gì”.
Lương Vũ Đế: Vậy ai đang đứng trước mặt ta đây?
Sơ Tổ: Tâu bệ hạ, thần không biết.
Thứ hai, trí não là nơi duy nhất bản thân tôi có thể tương tác với cơ thể và linh hồn. Đạo Cao Đài dạy rằng trí não làm trung gian cho linh hồn và thể xác. Trí não nghe được nhắc nhở của lương tâm (linh hồn), hiểu những yêu cầu của thể xác và có thể ra lệnh cho thể xác thực hiện nhiều hoạt động. Rõ ràng không có trí não, tôi chỉ là một cái xác sống thực vật. Người bị bịnh tâm thần là thí dụ rõ nhất.
Thứ ba, trí não là trung tâm của mọi suy nghĩ, tính toán, chọn lựa. Ngay cả trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống cũng có Cung Hiệp Thiên Hành Hoá mà Đạo Cao Đài tượng trưng bằng Hiệp Thiên Đài ở thế gian. Ở Cung này, Đức Hộ Pháp dạy rằng các chơn linh không tin tôn giáo không chịu nhận tội. Họ tranh cãi quyết liệt bằng những lý lẽ rất kỳ quái , nhưng cuối cùng họ không qua được các Đấng Trọn Lành. Ẩn dụ này cho thấy trí não quan trọng biết bao.
Cửu Trùng Đài
Tượng trưng xác thân con người. Ai cũng biết xác thân có quyền lực thế nào với chính chúng ta. Đây là nhà độc tài và đòi hỏi lớn nhất là sự sống. Quan trọng là tôi không có quyền lựa chọn gì đối với cơ thể này ngay từ khi tôi ra đời. Nếu có nhiều tiền, có thể đi thẩm mỹ viện tu sửa sắc diện chút đỉnh hoặc thay một quả thận, nhưng chỉ có vậy thôi. Suốt cuộc đời, tôi phải lo nuôi dưỡng cơ thể mình vô điều kiện.
Dù sao tôi cũng có chút ít quyền tương tác với thể xác. Thí dụ như tôi có thể bắt buộc nó tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga, ăn chay v.v… dù lúc đầu có phần khó chịu. Nhiều người đã ép cơ thể làm được nhiều việc khác thường, như nhịn thở lâu, chịu đựng đau đớn, chơi đàn thật nhanh v.v…Nhưng vượt qua bệnh tật và thoát khỏi cái chết vẫn còn và mãi mãi sẽ còn là ước mơ không đạt được của loài người.
Học gì ở Hiệp Thiên Đài
Qua phân tích sơ lược nêu trên, tôi rút ra kết luận quan trọng. Phải khởi đầu bằng nghiên cứu Hiệp Thiên Đài và sẽ thoát khỏi sự ngu muội của chính tôi nhờ vào đây, chớ không phải Bát Quái Đài, nơi tôi không thể ra lịnh, hay Cửu Trùng Đài nơi tôi chỉ có quyền hạn tối thiểu. Hèn gì trước mỗi thời cúng ở Toà Thánh, chức sắc Hiệp Thiên Đài đi vào trước nhất.
Chỉ có ở đây tôi mới có quyền tương đối rộng rãi để quyết định nhiều việc hơn theo ý mình. Thí dụ như tôi có toàn quyền muốn suy nghĩ theo kiểu nào tuỳ thích, thậm chí có quyền kết thúc sự sống cơ thể tôi (Cửu Trùng Đài), nghĩa là tự sát. Nhưng xin nhắc nhở, dù một vài nước hiện nay có cho phép an tử , nhưng luật Cao Đài thì chưa.
Vậy cụ thể tôi học được gì từ Hiệp Thiên Đài để giải thoát khỏi ngu muội? Trước tiên, tôi vào Đền Thánh, qua khỏi cửa vào Tịnh Tâm Điện thấy tượng Tam Thánh. Đây là việc đầu tiên phải làm cho bằng được trước khi đi tiếp.
Tịnh Tâm Điện là nơi tôi phải bỏ hết mọi tạp niệm (suy nghĩ lung tung). Thế nào là suy nghĩ lung tung? Suy từ ý nghĩa Tượng Tam Thánh sẽ có câu trả lời . Đó là những suy nghĩ phân biệt chủng tộc, lý tưởng chính trị, dễ gây xích mích hận thù, dẫn tới chiến tranh. Hãy từ bỏ những định kiến đó trong khi đối xử với người khác và thay vào đó là những suy nghĩ dựa trên thương yêu và công bình. Thí dụ, thầy giáo chấm bài phải đúng theo thang điểm. Không phải thấy tên người Hoa là tìm lỗi này lỗi nọ để bớt điểm vì ngày xưa người Hoa từng đô hộ dân tộc tôi. Hoặc bán mía ghim, thấy Tây muốn mua thì hét giá thật cao vì nó giàu lắm! Thậm chí không cho mượn thuyền Bát Nhã để đưa tang vì ông đó theo chi phái!!!
Bỏ những suy nghĩ hao hao như vậy gọi là tịnh tâm, chứ không phải “không suy nghĩ gì hết”. Có người nói rằng động = hành động và tịnh = không hành động, vậy tịnh tâm là không suy nghĩ. Thực tế, không làm sao ngăn được suy nghĩ mà chỉ có thể tự buộc mình suy nghĩ theo một hướng nào đó thôi. Ví dụ như đọc kinh, cầu nguyện, đếm hơi thở, vận khí, mở luân xa, thực hành trà đạo v.v…, tất cả đều là suy nghĩ tập trung vào một việc duy nhất.
Thêm vào đó, đâu thể nào cứ nghĩ thầm “tôi không suy nghĩ, tôi không suy nghĩ…” là không suy nghĩ bởi đó cũng chính là suy nghĩ mà! Tóm lại, không thể không suy nghĩ vì suy nghĩ chính là mình. Ta không thể nào triệt tiêu chính ta được.
Cũng không đúng nếu chờ đến khi vào Tịnh Tâm Điện thì mới thương yêu và công bình còn ra ngoài thì “mắt đối mắt, răng đối răng”! Rõ ràng để tịnh tâm phải thực hành thương yêu và công bình càng nhiều lần càng tốt trong cuộc sống. Như vậy mới gọi là bỏ những suy nghĩ lung tung, tức là Tịnh đó vậy.
Khi tự tin là đã tịnh tâm, tôi sẽ vào Hiệp Thiên Đài để học tiếp. Tại đây, các biểu tượng là công án  Đức Chí Tôn dành cho toàn thể loài người nên cực kỳ giàu ẩn nghĩa, đến mức mọi người đều thấy những hình ảnh khác nhau.
Người thích sử học thì chú ý đến Đức Ngài Phạm Công Tắc, Đức Ngài Cao Quỳnh Cư, Đức Ngài Cao Hoài Sang; người thích huyền thoại tập trung vào Thất Đầu Xà (con rắn 7 đầu) trong một tư thế lạ lùng; người thích tiểu thuyết Tàu thấy hình ảnh ba vị Tiên Ông; người giỏi Hán Nôm thích nét tung hoành của chữ Khí v.v…
Riêng tôi, kẻ muốn xoá bỏ sự ngu muội của mình, hiểu rằng tượng Hộ Pháp, Thượng Sanh, Thượng Phẩm tượng trưng ba suy nghĩ cơ bản của chính tôi. Sự liên quan của ba biểu tượng này chính là chìa khóa để tôi vượt qua sự ngu muội của mình đó vậy.
Dấu vết cái tôi 
Trong quyển Selfless của Giáo Sư Brian Lowery thuộc Đại Học Stanford, Hoa Kỳ, khái niệm bản ngã, tức là “cái tôi” rất khó xác định. Mỗi người có thể có nhiều “tôi” khác nhau, tuỳ theo từng tình huống giao tiếp. Còn theo Giáo Sư Chris Niebauer, thuộc Slippery Rock University, Pennsylvania, Hoa Kỳ, hiện giờ người ta biết được chức năng của mọi trung khu não bộ, nhưng không thấy chỗ nào là điểm xuất phát của “cái tôi”. Nói chung, hai vị Giáo Sư đồng ý rằng cái tôi chỉ là một sản phẩm của suy nghĩ và không thể xác định có bao nhiêu cái tôi. Chính các hành vi hàng ngày của chúng ta đã cung cấp bằng chứng, hay nói cách khác, đó là dấu vết của cái tôi đó vậy.
Đó là quan điểm khoa học phương Tây, giờ mời quý đọc giả xem triết Cao Đài nói gì về cái tôi. Qua những biểu tượng ở Hiệp Thiên Đài, cái tôi gồm ba suy nghĩ chủ đạo. Tượng Hộ Pháp tượng trưng cho “cái tôi chỉ huy”. Hộ Pháp mặc áo giáp võ tướng uy nghi tượng trưng cho quyền lực. Cái tôi này có quyền ra lệnh cho cơ thể thực hiện các ý nghĩ và điều khiển những tình cảm của chính mình . Ở chiều ngược lại, thể xác và tình cảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định của tôi. Ví dụ như khi tôi đau ốm hoặc quá buồn bã thì không còn sáng suốt nữa.
Tượng Thượng Phẩm tượng trưng cho những suy nghĩ thuộc lãnh vực tâm linh, tức là “cái tôi đạo đức”. Đây là những tư tưởng có tính chất tư vấn. Tuy nhiên, khác với lương tâm (Bát Quái Đài) những ý tưởng này có thể bị “cái tôi chỉ huy” điều chỉnh theo ý muốn.
Tượng Thượng Sanh tượng trưng cho những suy nghĩ thuộc về “cái tôi đời sống”. Loại suy nghĩ này giúp tôi có cuộc sống tốt nhưng nếu lạm dụng tôi có thể phạm tội. Cũng như tượng Thượng Phẩm, đây là những tư vấn về cách để sống trong một xã hội phức tạp.
Điều quan trọng nhất là cả ba cái tôi này đều có vô số lý luận hoặc rất chặt chẽ hoặc rất điên rồ mà các triết gia Tây Phương gọi là nguỵ biện.
Vậy thì sau khi kiểm soát được những tình cảm tiêu cực, thể hiện qua việc kiểm soát bốn đầu rắn: giận dữ, buồn thảm, thù ghét và tham lam (nộ, ai, ố, dục), cái tôi chỉ huy sẽ thực hiện việc chọn lựa giữa hai luồng tư vấn đạo và đời. Cái khó bắt đầu ở đây vì tôi sẽ phải chọn một giải pháp tối ưu. Khoảnh khắc chọn được giải pháp chính là lúc tôi được giải thoát khỏi sự ngu muội của chính mình. Đó cũng là lúc người xưa gọi là “đắc đạo” .
Thúc
Nhân nói về đắc đạo, chúng ta vẫn còn hoặc không hiểu đắc đạo là gì hoặc gán ghép quá nhiều điều thần bí vào trạng thái này đến mức nghĩ rằng mình sẽ không thể nào đạt được. Tôi xin mượn quan điểm của một nhà khoa học phương Tây hiện nay để kết thúc bài viết này.
Theo Giáo Sư Bác Sĩ Andrew Newberg, Giám Đốc Nghiên Cứu Trung Tâm Y Học Tích Hợp  Jefferson Myrna Brind, Pennsylvania, Hoa Kỳ, có hai loại “đắc đạo”. Loại thông thường làm thay đổi ý kiến của chính ta về thế giới hiện có và loại cao cấp thay đổi toàn bộ gốc rễ của tư tưởng chúng ta về đời sống, cái chết và Thượng Đế.
Mặc dù người ta thường cho tình trạng này chỉ xảy ra với những tín đồ nhiệt thành như Mẹ Teresa hay những bậc giáo chủ như Đức Phật, nhưng, thực tế, bất cứ ai cũng có thể trải qua trạng thái này, có khi chỉ trong một lần ra phố.
Vậy thì về mặt triết học, đắc đạo nghĩa là gì? Có lẽ đó là một cặp kính đúng độ cho đôi mắt vốn mờ mịt của mình từ khi sanh ra đời. Nói rõ hơn đôi mắt đó là bộ não của ta đó vậy .
* Từ Chơn.
Sài Gòn 12/7/2023.
Home. Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ] 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]