Trí Huệ Cung, còn được biết đến với tên gọi Thiên Hỷ Động, là một tịnh thất
dành riêng cho nữ phái, thuộc sự quản lý của Tòa Thánh Tây Ninh. Nơi này có vai
trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng đạo Cao Đài, cung cấp một
không gian yên tĩnh để tu tập và hành lễ.
Kỳ Tập san Nối Bước số 20, Đặc biệt loan tải về đôi liễn tại Trí Huệ Cung. Tác
giả xin diễn giải và phân tích từng câu với mượn tư duy mở rộng, nhằm làm rõ nội
hàm triết lý, giáo lý, mang tinh thần nhân văn.
Ý nghĩa 2 câu liễn thơ Đường Luật. Mang nội hàm sâu sắc, thể hiện tinh thần
nhân văn, cấu trúc văn phong hàn lâm, triết lý, tinh thần toàn thiện giáo lý Đạo
Cao Đài.
- Nội dung bài thơ dưới đây:
1 . "Trí định Thiên lương qui nhứt bổn."
(Trí được định, thiên lương trở về nguồn cội duy nhất)
- Giải nghĩa từ ngữ:
Trí định (智定): Trí tuệ được an định, không lay động trước lục
trần là kết quả của hành trình tu luyện nội tâm. Đây không chỉ là tri thức thường
nghiệm, mà là trí huệ tỏa sáng từ bản thể chân như.
Thiên lương (天良): Lương tri trời ban phẩm chất thiêng liêng nơi mỗi con người. Là
"cái thiện nguyên thủy", vốn có sẵn trong bản tâm.
Qui nhứt bổn (歸一本): Trở về một gốc nghĩa là hợp nhất trở lại nguyên lý đại đồng, tức là Chân
Ngã, hay Đại Linh Quang của Thượng Đế.
- Diễn giải triết lý:
Câu thơ này nhấn mạnh vào nguyên tắc “Tánh mạng
song tu” trong Đạo Cao Đài: chỉ khi Trí được định, tức là tâm thức không còn
phân tán bởi vọng niệm, thì con người mới có thể nghe được tiếng gọi của Thiên
Lương chính là tiếng vọng của Thượng Đế trong linh hồn mỗi cá nhân.
Trí định không phải là sự gò ép tư tưởng, mà là sự
thức tỉnh bản thể qua thiền định, phản tỉnh. Khi ấy, Thiên lương, tức là phần
Chơn thần, Trực giác Linh quang, sẽ qui hồi bổn nguyên, đồng hóa với Nhứt Bổn tức
là Thượng Đế, Đấng Chí Tôn.
Đây là hành trình “phản bổn hoàn nguyên”, trở về gốc
linh thiêng sau khi đã xa rời bởi vô minh. Là chặng đầu tiên trong ba phần của
con đường giải thoát: Tánh, Mạng, Hội.
- Tinh thần nhân văn:
Mỗi con người đều có sẵn "mầm Thánh" câu
này khơi dậy niềm tin vào bản thiện, vào khả năng tự chuyển hóa của con người nếu
biết hướng nội, rèn luyện, an định trí tuệ. Đây cũng là cốt lõi giáo lý nhân bản
toàn thiện của Đạo Cao Đài: Mỗi người là một tiểu thiên địa, có thể giác ngộ nếu
quay về với gốc.
2 . "Huệ thông Ðạo pháp độ quần sanh".
(Trí huệ thấu đạt Đạo pháp để cứu độ muôn loài)
- Giải nghĩa từ ngữ:
Huệ thông (慧通): Trí huệ được khai mở, thông đạt vạn pháp. Đây là huệ căn phát sanh từ tâm
vô ngã tức trí huệ của Phật, Thánh, Tiên.
Đạo pháp (道法): Pháp môn tu hành, nhưng cũng là Đạo lý vận hành vũ trụ, do Chí Tôn khai
mở qua Tam Kỳ Phổ Độ.
Độ quần sanh (度群生): Cứu giúp tất cả sinh linh, vượt khỏi biển khổ luân hồi.
- Diễn giải triết lý:
Khi Trí được định, thì Huệ sẽ khai, và chính trí
huệ đó giúp ta thông đạt được Đạo pháp hiểu thấu cơ trời, pháp giới, và con đường
về với Thượng Đế. Nhưng sự hiểu biết này không chỉ dành cho bản thân mà phải
hành đạo, tức là vận dụng Đạo pháp để độ đời.
- Đạo Cao Đài dạy: "Tu không độ đời là tu
hành ích kỷ." Câu thơ này chính là sự khẳng định vai trò Bồ Tát hạnh trong
tôn giáo Đại Đạo. Người có huệ không đứng yên trong an trú, mà lấy lòng từ bi
mang Đạo pháp đến với quần sanh khai tâm, giải mê, dẫn đường trở về Nhứt
Nguyên.
Đây là phần thứ hai của hành trình linh đạo: Khai
huệ hành đạo cứu nhân.
- Tinh thần nhân văn:
Không phải chỉ người tu mới có trách nhiệm với
chúng sanh. Bất cứ ai phát tâm từ bi, khai mở huệ tâm, cũng có thể là cầu nối của
Đạo. Đạo Cao Đài xem nhân loại là một gia đình lớn: tất cả sinh linh đều là con
cái của Thượng Đế, xứng đáng được khai mở, được yêu thương, được độ thoát.
- Tổng hợp nội hàm hai câu thơ:
Đây là nền tảng của con đường phản bổn hoàn nguyên
Hành đạo cứu thế, thể hiện tinh thần:
- Thiên nhân hợp nhất.
- Ngã Tha bất nhị.
- Đạo và Đời song hành.
Kết luận:
Hai câu thơ không chỉ mang tính nghệ thuật đối liễn
cao, mà còn là khuôn mẫu tư tưởng Đạo Cao Đài:
* Trí định để nhận ra mình là một phần của Thiên Đạo.
* Huệ thông.
* Đem Đạo độ đời, giải thoát khổ đau.
* Lý tưởng của bậc Chơn tu, của người hành giả Đại
Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ.
* Viên Dung.
Home.
Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ]