NGHỆ THUẬT UỐNG TRÀ - 4. * Nguyễn Vân Xuyên.

- Ch
ương 1 : Nguồn Gốc Cây Trà.
- Chương 2: Phân Chia và Tên Trà.
- Chương 3: Nước Pha Trà và Dụng Cụ Uống Trà.
- Chương 4: Văn Phẩm, Thi Phẩm & Văn Nhân, Thi Nhân về Trà.
- Chương 5: Thưởng Thức Trà.
*   *   *
Chương 4: VĂN PHẨM, THI PHẨM & VĂN NHÂN, THI NHÂN về TRÀ.
- Mỗi khi đề cập đến các thi phẩm, văn phẩm cũng như các văn nhân, thi nhân về Trà thì đúng là một việc làm không thể đơn giản và giới hạn trong vài trang viết, thậm chí với một cuốn sách nhỏ có ít trang viết thì chúng ta cũng không thể nói hết được những vấn đề về Trà trên khía cạnh này của số trang giấy đó. Vì từ xưa đến nay, qua những câu ca dao, những câu văn, những đoạn văn, những bài viết, những bài thơ cũng như những bài viết khảo luận về Trà đã xuất hiện rất nhiều qua các thời đại ở Trung Hoa cũng như ở việt Nam.
- Vì sự giới hạn nhỏ bé của quyển sách này, vì giới hạn của chương viết này và xin thú thật với quý vị độc giả "vì giới hạn của phương tiện xuất bản" cho nên chúng tôi chỉ xin phép được đề cập đến một vài văn phẩm, thi phẩm cũng như những văn nhân, thi nhân khá nổi tiếng về Trà trong lịch sử xưa và nay hầu mang lại cho những người thích thưởng Trà có được một cái nhận xét tổng quát về Trà của khía cạnh này của lịch sử.
A. LỤC VŨ với TRÀ KINH:
- Ông Lục Vũ sinh ra và trưởng thành trong thời đại nhà Đường của Trung Hoa. Ông sinh ra ở vùng Cảnh Lăng thuộc huyện Thiên Môn tỉnh Hồ Bắc của Trung Hoa ngày nay. Ông Lục Vũ còn có tên là Hồng Tiệm và hiệu là Tang Ông. Thuở nhỏ, mồ côi cha mẹ sớm và đến sống tại chùa Thiền Lâm dưới sự nuôi dưỡng và giảng dạy của một Thiền Sư tên là Trí Tích. Mặc dù ở trong chùa nhưng ông Lục Vũ không xuất gia. Ông là một người học rộng, hiểu nhiều... và thời đại của ông là một thời đại mà những người có học như ông rất được trọng dụng nhưng ông lại thích sống một cuộc đời đạo vị và thích du lịch hải hồ. Ông Lục Vũ đã để lại một tác phẩm rất nổi tiếng về Trà là quyển TRÀ KINH và đây là " một quyển sách được xem như là một quyển sách Kinh Điển về Trà cho hậu thế ".
- Trà Kinh của Lục Vũ gồm có 3 quyển, 10 chương và trong đó ông bàn tất cả những khía cạnh liên quan đến Trà :
* Khi bàn về nguồn gốc của Cây Trà thì ông nói như sau: Trà là một thứ cây quý ở phương Nam. Cây Trà cao từ một đến mười mét. Ở vùng Tứ Xuyên có những cây trà rất to mà vòng tay của hai người ôm chưa hết được các gốc to này của cây Trà. Muốn hái trà ở những cây to như thế thì người hái trà phải trèo lên cây.
* Còn nói về việc trồng Trà thì ông Lục Vũ cũng cho chúng ta biết những loại đất nào thì Trà sẽ ngon cũng như việc ảnh hưởng thời tiết, mưa nắng đến với cây trà. Ông đã nói như sau: Đất mà có lẫn chút ít đá thì là loại đất trồng trà tốt nhất, kế đến là loại đất pha lẫn ít đá sạn. Còn loại đất pha lẫn với đất sét vàng thì cây trà sẽ không được tốt và không thể sinh trái. Những cây trà mọc hoang tự nhiên thì luôn luôn tốt hơn những cây trà được trồng ở các vườn trà. Những cây trà có màu lá xanh tím là những cây trà tốt nhất, ngon nhất dù là trồng ở các sườn núi có nắng hay trồng ở các gò cao. Những lá trà hái từ những ngọn đâm từ các cành chính thì tốt hơn các cành phụ. Những lá trà còn quấn chặt thì thuộc hạng tốt nhất. Những lá trà đã nở tung ra và không còn quấn chặt thì thuộc hạng nhì. Trà chỉ được hái khi cây được 3 tuổi. Ở những nơi sườn núi hoặc ở những thung lũng thiếu ánh nắng thì cây trà rất xấu. Chúng ta chỉ nên hái trà vào những ngày quang đãng, những khi sương đọng còn lại, hái trà vào những tháng Hai, Ba, Tư... không nên hái vào những ngày mưa, u - ám hoặc những ngày có mây đen vần vũ bao phủ trên nền trời.
 
* Còn khi bàn về nước pha trà và việc đun sôi nước thì ông Lục Vũ cho chúng ta biết phải có những thứ nước ở đâu và khi đun nước để pha trà thì nước phải được sôi đến độ nào thì chúng ta mới có được những chén trà tuyệt hảo. Trong phạm vi này thì ông lục Vũ nói rằng : Nước ở núi là tốt nhất, thứ nhì đến nước sông và thứ ba là đến nước giếng (sơn thủy Thượng, giang thủy Trung, tĩnh thủy Hạ). Nước được lấy từ những khúc suối chảy chậm, ở các hồ đá hoặc các núi đá là loại nước tốt nhất của các loại nước trên núi. Đặc biệt là chúng ta không bao giờ lấy nước ở chỗ vừa từ thác cao đổ xuống, ở chỗ suối có đầy ghềnh thác, những chỗ nước chảy xiết. Trong khi phải dùng nước sông thì phải lấy nước ở chỗ xa nơi có người sinh sống. Còn việc đun nước sôi để uống trà, khi nào nước có bọt to như mắt cá và vỡ ra thành tiếng là nước sôi ở giai đoạn cấp 1. Khi ở trên thành nồi nước có nổi lên từng hàng bọt nhỏ như những chuỗi hạt ngọc trai thì đó là loại nước sôi ở giai đoạn cấp 2. Khi bọt sủi liên tiếp và có tiếng reo như sóng vỗ là ta có nước sôi ở giai đoạn cuối cùng. Đó là cực độ của nước. Nếu để nước sôi nhiều hơn thì không dùng được nữa.
* Còn bàn về việc uống trà thì ông Lục Vũ đưa ra nhiều điều mà Trà Nhân có bổn phận phải tự thực hiện. Và điểm quan trọng mà chúng ta tìm thấy là ngày xưa các tay cao thủ về trà đã phải "tự pha trà để uống" và đây cũng chính là cái độc đáo và thi vị thanh cao đã dành cho trà Nhân ngày xưa. Trong việc uống trà, ông Lục Vũ đã viết: "Với Trà có 9 điều mà con người phải tự thực hiện lấy":
1). Phải tự chế trà.
2). Phải tự cải tiến cái việc biết chọn lựa và thưởng thức trà.
3). Phải có được đầy đủ các dụng cụ uống trà.
4). Phải tìm được nước pha trà thích hợp.
5). Phải có trà đã được sấy thật đúng cách.
6). Phải tán cho trà thật tốt và đúng cách.
7). Phải pha trà thật khéo léo và đúng cách.
8). Phải chuẩn bị củi lửa cho thật đầy đủ và đúng cách.
9). Cuối cùng là phải biết thưởng trà.
 
- Ông Lục Vũ đã hoàn toàn lên án những việc làm cẩu thả trong việc thưởng trà cũng như hoàn toàn không đồng ý cho việc uống trà một cách bừa bãi không đúng cách. Trong vấn đề này, ông nói như sau: chỉ hái vội vã những lá trà ở những bóng mát rồi mang đi sấy một cách mau lẹ trong đêm thì đó không phải là là việc làm chế ra trà. Nhấm nháp vội vã lấy vị, hà hít lấy hương thì không phải là người thưởng trà. Nếu uống trà với một cái bình thật bẩn thỉu hôi tanh thì đâu phải là đã dùng đúng trà cụ uống trà. Dùng đến các loại củi khô còn ướt khét, dùng than, bếp thô sơ, bừa bộn thì như thế đã dùng không đúng cách các lò để thưởng trà... Uống trà một cách vội vã bừa bãi vào mùa hè nóng bức thì lại càng không thể gọi là thưởng trà.        
B. Ông LÔ ĐỒNG với bài thơ TRÀ CA :
- Ông Lô Đồng còn có biệt hiệu là Ngọc Xuyên Tử và sống vào thời Nhà Đường của Trung Hoa. Ông vừa là một đạo sĩ vừa là một thi nhân và nhất là một TRÀ NHÂN nổi tiếng của Trung Hoa trong thời đại ông đã sống. Ông Lô Đồng cũng là một người học rộng hiểu nhiều, rất giỏi về văn, thơ nhưng ông không chịu ra làm quan mà chỉ thích sống cuộc đời ngao du sơn thủy và hưởng nhàn.
 
- Ông Lô Đồng là một nghệ nhân thưởng trà nổi tiếng trong thiên hạ cho nên người đời (trong thời của ông) đã gọi ông là "TRÀ THÁNH". Vì danh tiếng lẫy lừng của ông về thơ, về trà như thế nên ông có rất nhiều bạn bè thân thiết làm quan lớn và thường xuyên liên lạc với ông trong lúc ông đang ở những nơi núi rừng thâm sơn cùng cốc và các vị quan này rất quý trọng và mến phục ông.
- Ông Lô Đồng có sáng tác bài TRÀ CA rất nổi tiếng và được truyền tụng cho đến ngày nay. Được biết bài TRÀ CA là một bài thơ mà ông Lô Đồng đã gửi cho một vị quan to của triều đình tên là Mạnh Giản Nghị để cám ơn vị quan này đã gửi trà ngon tặng cho ông và đồng thời ông Lô Đồng cũng muốn gián tiếp nói lên cái cam khổ chịu đựng đắng cay thức khuya dậy sớm của những thôn dân phải làm việc thật khổ nhọc trong việc trồng, sản xuất trà ngon để tiến cống cho triều đình mà lại còn bị quan, quân tham nhũng bóc lột chia cắt.
- Bài TRÀ CA của ông Lô Đồng được dịch như sau :
"Đất trời năm trượng ngủ say
Quan quân gõ cửa tìm ta báo tường
Rằng đây quan Nghị nhắn thư
Phong ba lửa trắng vô thường còn đây
Xem thư như tưởng có người
Với tay tuyển chọn ba trăm phiến trà
Gió núi hương xuân vừa chớm thổi
Côn trùng lo sợ tháng năm lại về
Dương Tiễn trà Thiên Vương còn chưa nếm
Ngọn gió hiền lướt sang chòi ngọc
Mầm hoàng kim rơi xuống đúng đầu xuân
Tìm loại tươi mầm non mà sấy
Thân thơm lá thắm xa hoa tốt lành
Trà ngon này với chí tôn vương giả
Sao lại tìm đến bần hạ sơn nhân
Cửa đóng then cài không tục khách
Pha trà dọn chén uống cho say
Mây bay gió thổi không ngừng tắt
Hoa trắng bên trà ánh sáng trong
Chén thứ nhất ướt trơn cổ họng
Chén hai tan biến cô đơn u sầu
Chén ba trút bỏ tâm can mọi sự
Năm ngàn văn tự vẫn còn thôi
Chén thứ tư ướt đẫm mồ hôi
Trong đời mọi nổi bất bình sạch trong
Tiết ra khắp cả châu thân tứ phía
Chén năm thì gân cốt nhẹ tênh
Uống xong chén sáu vào mình
Nhẹ nhàng khoan khoái như hình lên tiên
Đến bảy chén nhắp liền chẳng nổi
Nách hai bên gió thổi hay hay
Bồng lai ở chốn nào đây ?
Để ta theo gió lướt mây đi về
Chốn cao triều quan, quân có biết
Ngàn muôn dân đau khổ đọa đày
Mưa chiều nắng sớm thêm khổ nhọc
Gián Nghị quan có tỏ tường chăng ?
Tha cho dân thế nghỉ ngơi đôi phần."
C. ĐẠI QUAN TRÀ LUẬN của TỐNG HUY TÔNG: (Trích quyển TRÀ KINH của Học Giả VŨ THẾ NGỌC. Trang 61, 62, 63, 64 và 65).
- Dưới triều Tống Huy Tông (1101-1125), văn hóa thời đại nhà Tống lên tới đỉnh cao nhất về mọi mặt dù chiến sự và chính trị thời này đang ở vào tình thế hiểm nghèo.
Huy Tông là con vua Thần Tông (1068-1085) lên nối ngôi thay anh là là vua Triết Tông (1086-1100), khi Triết Tông mất năm 24 tuổi và không có con trai nối ngôi. Năm Huy Tông lên ngôi cũng là năm thi hào Tô Đông Pha mất. Huy Tông là một ông vua nghệ sĩ, giỏi đủ mọi nghề cầm, kỳ, thi, họa và cũng là một nhà học giả về các ngành nghệ thuật. Hãy tưởng tượng với thân phận, địa vị Hoàng Đế của một đại cường quốc Trung Hoa thời Trung Cổ, hãy nghĩ đến một vị Hoàng Đế với hơn 3912 bông hoa biết nói tuyển chọn từ khắp mọi gầm trời, luôn luôn hầu hạ phục dịch... thế mà cũng là người tự ngồi đốt đèn dầu Tô Lạc để lấy muội đèn tìm ta một loại mực đen đắc ý nhất cho chính ngòi bút mình dùng. (Đây là loại mực sách Hạ Hoàng Tư Ký còn chép. Xem sách Vân Đoài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn còn nhắc). Cũng vị Hoàng Đế này đã tạm gác mọi việc chính sự đang trong thời phiền nhiễu nhất và mọi công việc khác, để có được thời giờ viết thành bộ "ĐẠI QUAN TRÀ LUẬN" này với tâm niệm là ghi lại "tất cả những khía cạnh về Trà cho hậu thế".
- Đọc hết 20 chương của ĐẠI QUAN TRÀ LUẬN, người ta còn phục Huy Tông gấp bội. Vì ngoài giá trị văn chương, ngoài giá trị học giả về những điều ông trình bày và nhận xét, người ta còn biết chính ông đã để ra khá nhiều thời giờ và tự làm lấy nhiều công việc như từ việc hái trà, sấy trà cho đến pha trà, chứ ông không phải là đấng Quân Vương ngồi cao uống đủ loại trà quý, trà ngon pha sẵn dâng lên cao rồi cho điểm. Ông cẩn thận ghi chép kỷ lưỡng nào là "đáy bình phải rộng" để nước sôi đều hơn, nào là "bình nước phải có cổ cao" để khi đun nước nước sôi không trào ra ... Nào là "Trản" phải khá sâu để nước trà đủ thôi khi đánh trà... đồng thời "Trản lại phải có đáy khá rộng để có chỗ đánh trà". Quả thật không phải là người đã từng tự pha trà thì không thể nào biết được. Điều đó cũng là một đặc điểm của Trà Nhân vì Thú Pha Trà cũng như Thú Uống Trà không những tương đương nhau mà còn là một liên hệ hữu cơ.
- Có một bạn mới tập uống trà, biết Tôi có tập tành uống trà và sưu tập về trà qua các thư tịch gần 20 năm, gọi đùa Tôi là "TRÀ TƯỚNG", Tôi đã cười và trả lời là bạn còn phải đi xa nhiều lắm. Cổ nhân chỉ nói vắn tắt "Trà Nô Tửu Tướng" mà thôi. Vì trái với rượu, thú uống rượu là có người hầu rượu, ít nhất như loại Bartender của Tây Phương hay các thục nữ Geisha Nhật Bản. Trà Nhân Cao Thủ thì đều "Không" hết cả. Ngày xưa có sẵn hai hoặc ba trà đồng đó, nhưng Trà Nhân Cao Thủ chỉ dùng các chú này đến mức gầy bếp, đun nước sôi là hết. Trà Nhân bao giờ cũng tự pha trà, chuyền ấm chuyền chén.
 
- Chính cái lẽ "khắc kỷ""vô ngã" này đã là xương sống của trà Trà Đạo (Cha No Yu) của Nhật Bản. Cửa vào phòng của Trà Đạo bao giờ cũng rất thấp để chủ và khách đều phải chui vào: "hành động chui qua một cái lỗ nhỏ đã đánh dấu Trà Nhân bỏ tất cả những danh dự hảo huyền, những danh xưng to lớn, những tự ái, ngã ái ghê gớm ngoài cửa phòng trà để bước vào phòng trà bằng một tâm thật bình đẳng và trong sạch". Thành ra, chỉ có các vị Đế Vương thực sự như Tống Huy Tông kia biến thành "Trà Nô", chứ chưa từng thấy có ai là Trà Tướng, Trà Vương bao giờ.
 
- Thành thử độc giả cũng đừng ngạc nhiên khi thỉnh thoảng có xem phim của Trung Hoa thấy có chiếu những đoạn về phòng trà Trung Hoa, thực sự chỉ bán nước sôi và khách tự mang bình trà đến. Trong những năm trước chúng tôi còn thấy phong tục này ở Chợ Lớn và Hương Cảng. Tôi theo các bạn vong niên người Trung Hoa, sáng sáng mang lồng chim đi dạo rồi vào phòng trà gọi "wan-sui" (nước sôi), pha trà vào ấm, tách đã mang theo sẵn.
- Có người nghĩ rằng cuộc đời tài hoa của Tống Huy Tông đã đánh đổi bằng ngôi Hoàng Đế vì đến năm 1125 Huy Tông phải thoái vị nhường ngôi cho con là Khâm Tông rồi cả 2 cha con đều bị lưu vong. Nhà Nam Tống lui về phương Nam, giử thế phân đôi, đóng đô mới ở Hàng Châu. Lúc này, phương Bắc bị dân tộc Kim tràn lấn, ông vua này cũng chẳng ai xa lạ đó là cháu ngoại của Tống Huy Tông tức là vua Chuông Tông nhà Kim.
 
- Sự thực, sự thất bại của nhà Tống vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng ở đây không phải là chỗ tranh luận, biện luận lịch sử. Thì thôi, dù có ví rằng vua Huy Tông đã vì Trà và Nghệ Thuật Uống Trà mà phải đánh đổi cả ngai vàng lẫn nửa quốc gia thì Trà Nhân trên thế giới càng quý trà hơn nữa, vì ngày nay, họ có thể thừa hưởng được cả một gia tài trà sự, văn liệu về trà... và trà với một giá thật rẻ... thật rẻ so với các thứ khác như rượu, cà phê (chưa nói đến các thứ tốn tiền khác và quốc cấm hoặc sự lợi ích đặc biệt của trà).
ĐAI QUAN TRÀ LUẬN: (Tuyển dịch).
* Hái Trà: Hái trà phải hái trước khi trời sáng và ngay sau khi trời sáng rõ phải ngưng ngay. Phải dùng móng tay để ngắt trà, không được dùng ngón tay để cho hương vị tươi mát của trà không bị tạp nhiễm... những lá trà còn lông măng, cong như lưỡi chim hoặc còn búp mầm là tốt nhất. Đọt trà với Một Lá là coi như lý tưởng nhất. Hai Lá là thứ nhì, nếu nhiều hơn nữa sẽ thành ra tạp phẩm.
 
* Sao (Sấy) Trà: Sấy trà là giai đoạn quan trọng để có được trà ngon. Sấy không đủ độ, trà sẽ có màu lợt hơn và vị đậm. Xấy quá độ trà sẽ có màu sẫm mà khi pha trà sẽ có mùi lửa.
 
* Lựa Trà: Trà đã diện như vẻ sáng của mặt con người. Nếu trà đóng bánh không chặt thì bề ngoài bánh trà sẽ không mịn màng. Vì theo đúng cách thì bánh trà vừa chặt vừa bóng bẩy. Bánh trà được sấy, đóng cùng ngày sau khi hái thì có màu xanh tím lợt. Nếu để lâu mới làm thì sẽ có màu đậm hơn. Khi trà được đánh tơi ra thì sẽ có màu trắng đục, pha trà sẽ cho nước màu vàng. Lại có những trà ngon cho nước màu xanh hoặc bột trà màu xám lại cho nước màu trong. Tuy nhiên có những loại trà trồng thì rất tốt nhưng đem pha thì lại rất xấu. Nhưng có nhiều khi nhìn thì rất bình thường mà khi pha trà thì lại rất ngon. Vì vậy không thể nhìn bề ngoài mà xét đoán được. Nhiều người buôn bán trà lại có nhiều ngoại khoa làm cho trà có vẻ tốt tươi hơn khi ta nhìn bề ngoài.
 
* Bạch Trà: Loại "trà trắng" khác biệt hơn các loại trà khác và thường là tốt nhất. Cành thưa hơn và lá ít hơn, đó là loại trà mọc tự nhiên ở rừng núi. Lẽ dĩ nhiên rất hiếm được tìm thấy... nhiều khi chỉ có được vài ba túi nhỏ hàng năm. Đọt và lá đều nhỏ, sao tẩm rất khó khăn, bởi vì nếu không đúng lửa thì sẽ biến thành loại trà thường. Vì vậy phải có tay cao thủ làm việc một cách cẩn trọng và có được những phương pháp đúng mức thì loại trà nầy sẽ hơn hẳn các loại trà khác.
* Trà Cụ: Chén trà tốt nhất là loại "Trản" màu xanh đen, gần như đen. Chén phải đủ sâu để nhìn vào mặt nước thấy được một màu sắc đậm đà.
 
* Pha Trà: Có nhiều cách pha trà nước với bột trà. Cách tốt nhất là cho ít nước vào bột trà đã đổ sẵn trong Trản tạo thành chất nước cốt đặc, sau đó chế thêm nước sôi. Khi chế thêm nước sôi nhớ xoay nhẹ bình nước cho nước nóng đều.
 
* Màu Nước: Trà cho nước Trong là thượng đẳng. Xanh xám là thứ Nhì, còn trắng xám lá thứ Ba và trắng vàng là thứ Tư. Nếu thời tiết đúng mức và trà hái được và sao tẩm đúng mức sẽ phải có màu trắng. Nếu thời tiết quá nóng và đọt trà sinh trưởng quá mau, cũng như hái trà và sản xuất trà không đúng thời giờ thì bạch trà cũng sẽ biến thành màu vàng. Màu xanh đục chứng tỏ trà sao tẩm không đủ, màu trắng xám là kết quả quá mức. Nếu sao tẩm không đủ trà sẽ cho nước quá đậm. Quá lửa thì sẽ cho màu hung đỏ.
D. TRÀ SỚ của HỨA THỨ THƯ: (trích quyển Trà Kinh của Học Giả Vũ Thế Ngọc. Trang 66, 67, 68, 69 và 70).
- Có thể nói hầu hết các tập tục uống trà của Á Đông có được hiện nay phần lớn bị ảnh hưởng từ thời nhà Minh (1368-1644) hơn cả. Trong 84 năm bị nhà Nguyên cai trị có thể nói mọi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật Trung Hoa trong thời gian này bị giới hạn hẳn. Trừ một số tiến bộ về khoa học, các ngành sinh hoạt khác không có gì đặc sắc.
 
- Khi nhà Minh lấy lại quyền độc lập cho Trung Hoa thì mọi sinh hoạt văn hóa hưng thịnh trở lại tiếp nối được phần nào phong khí Đường, Tống. Mặt khác vì Đế Quốc Mông Cổ chinh phục được hầu hết các quốc gia lớn ở Âu Châu nên nhà Minh cũng thừa hưởng được nhiều lợi ích về phương diện giao tiếp văn hóa này.
 
- Như đã nói ở các phần trên, Trà đến thời này thì rất giống như thời hiện đại. Thời này người ta đã hoàn toàn như chỉ dùng Trà Rời như ngày nay. Không còn dùng nhiều Trà Bánh, Trà Gạch hay Trà Bột như ngày trước. Các loại ấm đã lần lượt xuất hiện đủ kiểu. Chén trà xuất hiện thay thế loại Trản thời Tống. Nghệ thuật uống trà bằng ấm nhỏ, chén nhỏ được đề cao. Loại ấm đất đặc biệt là ấm đất Nghi Hưng đã trở thành tiêu chuẩn. Ấm Nghi Hưng, chén Cảnh Đức Trấn vang danh từ đấy. Trà Thư đời này cũng rất nhiều. Tôi chọn ở đây tác phẩm nổi tiếng của đời này để giới thiệu. Sau đây là phần tuyển dịch sách TRÀ SỚ của HỨA THỨ THƯ.
 
TRÀ SỚ TUYỂN DỊCH:
* Pha Trà : Sẵn sàng trà cụ, trà cụ phải được thật sạch, thật tinh khiết. Trà cụ được bày sẵn trên bàn. Ấm trà được mở nắp, nắp phải được đặt ngửa vì không cho chạm với mặt bàn, có thể có mùi sơn dầu hoặc mùi thức ăn còn bám trên bàn sẽ nhiễm tạp vào hương trà. Sau khi đã chế nước sôi vào ấm, lấy tay đổ trà vào ấm rồi đậy nắp ấm lại. Đợi chừng thở ra vào đúng ba hơi, rót ra các chén rồi đổ trở lại vào ấm để hương trà thoát ra (do sự chuyển độ vừa rồi). Sau khi chờ đợi cũng độ đúng ba hơi thì đã có thể rót ra để mời khách. Nếu áp dụng đúng phương thức này thì "vị trà sẽ ngát và hương trà rất thơm". Hương vị làm cơ thể phấn chấn, tinh thần sẽ thoải mái.
 
* Uống Trà: Ấm trà không được pha hơn 2 lần. Lần nước đầu tiên cho vị tươi mát đặc biệt. Lần thứ hai trà có vị ngọt ngào. Nhưng đến nước thứ ba thì không còn thú vị. Vì vậy số lượng nước trong bình không cần nhiều. Tuy nhiên nên có nước khá hơn vì nước pha sau lần hai vẫn còn chút hương vị có thể dùng để súc miệng sau bữa ăn.
 
* Trà Khách: Nếu khách đang lúc ồn ào vui nhộn, tốt hơn hết là mời khách uống rượu. Nếu khách đã có vẻ ngà ngà say say, tiếp theo hãy cho một bình trà loại thường. Chỉ khi nào là bạn tâm hợp, những người coi như thân thiết có thể nói nhỏ cho nhau nghe tất cả mọi việc mà không khách sáo câu nệ thì lúc đó hẳn gọi trà đồng mang lò và mang nước pha trà. Nguyên tắc hoàn toàn tùy thuộc theo không khí và số trà khách.
 
* Trà Phòng: Tốt nhất là có Trà Phòng gần bên Thư Phòng. Trà Phòng phải sạch sẽ thoáng mát và sáng sủa. Cạnh tường có thể để hai bếp có đồ đậy kỷ để tro khỏi bay. Ngoài trà phòng phải kê sẵn một tủ gỗ để đựng vại nước, bàn gỗ để bày trà cụ và kệ để khăn lau ấm chén. Những trà cụ chỉ được mang vào phòng khi cần đến. Tất cả phải được che đậy kỹ lưỡng để tránh bụi đất làm tạp mùi trà. Than củi phải để xa bếp tránh tình trạng nước có thể làm ẩm củi than và cũng đề phòng hỏa hoạn.
 
* Trà Đồng: Pha trà, đốt trầm hương là những công việc thích thú đáng làm một mình. Tuy nhiên, khi có khách chẳng nên cẩu thả vì vậy cũng nên huấn luyện một, hai tiểu đồng lo sắp xếp công việc. Và mỗi ngày Trà Đồng phải lau sẵn trà cụ nhưng mỗi khi cầm chạm đến trà cụ thì phải có phép của Trà Chủ.
* Khi Nên Uống Trà: Trong lúc rảnh rang. Khi đọc thơ đã mệt. Khi suy nghĩ. Khi nghe một khúc nhạc. Khi nhạc dừng. Lúc sống cô liêu. Khi gảy đàn ngắm tranh. Mạn đàm trong đêm khuya. Trong thư phòng sạch sẽ một ngày nắng đẹp. Trong khuê phòng cô dâu. Khi tiếp khách quý thân thiết. Khi chủ nhân có khách là giới học sĩ hay hồng nhan. Khi có bạn cũ trở về sau một chuyến viễn du. Trong một ngày nắng đẹp. Khi trời mây vần vũ mưa nhỏ. Khi ngắm thuyền ngược xuôi. Giữa rừng tre trúc. Khi hoa nở chim hót. Bên hồ sen ngắm cảnh.Trong vườn sau bên lò trầm. Sau khi tiễn khách say sưa vừa ra về. Khi trẻ nhỏ không có nhà. Khi thăm viếng một ngôi chùa cổ tịch. Khi ngắm cảnh suối rừng núi non...
 
* Những Lúc Không Nên Uống Trà: Khi làm việc. Khi coi tuồng hát. Khi mở thư ra đọc. Khi mưa lớn hay tuyết đỗ.Trong bữa tiệc rượu đông đảo. Khi lục lọi công việc giấy tờ. Những ngày bận rộn.
 
* Những Điều Nên Tránh : Nước không sạch. Trà cụ dơ bẩn. Thìa (xúc trà) bằng đồng. Ấm pha trà bằng đồng. Thùng chứa nước bằng gỗ. Củi khô (vì có khói). Trà đồng thô kệch, vụng về. Nữ gia nhân nóng tánh. Khăn bẩn. Tất cả mọi hương sạ và vị thuốc.
 
* Những Điều Nên Tránh Xa : Phòng ẩm thấp. Nhà Bếp. Đường phố ồn-ào. Tiếng trẻ con khóc lóc la hét. Những người tánh tình thô lỗ. Những người làm hay quạu quọ. Phòng nóng nực.
"Kính thưa quý vị, những phần trích đăng từ quyển TRÀ KINH của Học Giả VŨ THẾ NGỌC, chúng tôi xin phép được ghi lại NGUYÊN VĂN. Thành thật kính lời XIN LỖI CHÂN THÀNH đến Học Giả Vũ Thế Ngọc ... và được hân hạnh trình bày cùng quý vị ".
 
Kính thưa quý vị,
Khi bàn đến các văn nhân, thi nhân cũng như các văn phẩm, thi phẩm về Trà của Việt Nam thì chúng ta có cả một "rừng câu, rừng chữ cùng những bài viết, những cuốn sách viết về Trà" của rất nhiều người... cho nên chúng ta không thể nào đề cập một cách chi tiết và đầy đủ được với phạm vi giới hạn nhỏ bé của bài viết, chương viết trong quyển sách này của chúng tôi. Do đó, chúng tôi xin phép chỉ được đề cập đến những tác phẩm cũng như một số thi nhân và nhân văn tiêu biểu về Trà của Việt Nam chúng ta.
 
E. Ông NGUYỄN TRÃI:
- Ông Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai sinh năm 1380 tại làng Nhị Khê huyện Thường Phúc, nay là phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông. Ông thi đậu Thái Học Sinh năm 21 tuổi (1400 Hồ Quý Ly, Thánh Nguyên năm đầu), làm Ngự Sử Đài Chánh Chưởng. Sau khi nhà Minh đánh bại Hồ Quý Ly và bắt cha của ông là ông Nguyễn Phi Khanh đem về Tàu, ông Nguyễn Trãi theo ông Lê Lợi giúp việc bình định, mưu hoạch và tư mệnh trong 10 năm.
- Khi bình định xong, ông đổi lấy họ Vua (Lê Trải) được phong tước hầu và làm Nhập Nội Hành Khiển (Thủ Tướng). Năm 1439 ông về trí sĩ ở Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Năm 1442 vì "Cái Án Thị Lộ", ông đã bị giết với cả họ hàng thọ 63 tuổi.
 
- Trong các bài thơ văn của ông Nguyễn Trãi để lại, trong đó có một số bài thơ ông đã tán dương rất nhiều về Trà và chính cả ông cũng đã từng là một nghệ nhân thưởng Trà. Trong các bài thơ về Trà của ông Nguyễn Trải có bài "Loạn Hậu Qui Côn Sơn Cảm Tác" và được tạm dịch lại như sau:
"Mười năm xa cách non thôn cũ
Nửa phần tùng cúc xác xơ khi về
Rừng suối năm xưa không phụ ước
Đau thương gục mặt phôi pha đất trời
Ước mơ chinh chiến không còn nữa
Toàn thân khôn xiết bao quanh vui mừng
Túp lều dưới núi như mong ước
Tựa đá thưởng Trà thiếp ngủ say."
 
F. Ông NGUYỄN BỈNH KHIÊM:
- Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mà người Việt Nam chúng ta thường gọi là Cụ Trạng Trình, tên thật là Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. Ông sinh năm 1491 tại làng Cổ Am huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương và mất năm 1585.
- Từ năm lên 4 tuổi, ông đã được mẫu thân dạy cho học thuộc lòng những bài chính nghĩa của Tứ Thư, Ngũ Kinh. Lớn lên ông theo quan Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng và được cụ Lương truyền cho bộ Thái Ất Thần Kinh là một pho sách bí truyền về khoa Lý Số Học. Đọc thông bộ sách này có thể đoán trước được vận mạng quốc gia và các việc xảy ra trên thế gian.
 
- Ông thi đậu Trạng Nguyên nhà Mạc, làm quan Thái Sư và được phong đến Trình Quốc Công. Trong những năm về trí sĩ, ông chuyên nghiên cứu bộ sách Thái Ất Thần Kinh và được nổi tiếng là "một nhà Tiên Tri trong thiên hạ", và chính trong thời gian nầy ông cũng là  "một nghệ nhân thưởng thức về Trà" và Trà cũng là đề tài qua các tác phẩm của ông.
 
- Và những năm ông cáo quan về sống ẩn dật thì trong thời gian này ông chỉ làm bạn với Thơ và Trà. Ông cũng đã sáng tác những bài thơ về Trà và người ta thấy ông bị ảnh hưởng nhiều ở Trà Ca của Lô Đồng, phảng phất Triết Lý Vô Vi của Lão Giáo và cái tinh thần an nhiên tự tại vô vi của Lão Giáo đã ảnh hưởng trên các danh nhân Việt Nam mà ông Nguyễn Bỉnh Khiêm là một điển hình nên cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết rằng:
"Khát uống Trà mai hương ngọt ngọt
Giấc nam hiên nguyệt gió hiu hiu."
 
G. Ông CAO BÁ QUÁT :
- Ông Cao Bá Quát tự là Mẫn Hiên, hiệu là Chu Thần, năm sinh không rõ, người làng Phú Thị huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Từ thuở bé ông Cao Bá Quát và anh là ông Cao Bá Đạt được cha dạy cho học và cả hai đều nổi tiếng là văn hay chữ giỏi nhất là Cao Bá Quát học đến đâu là thông hiểu và thuộc lòng đến đó.
- Khoa Tân Mão niên hiệu Minh Mạng thứ 12 (1813) ông Cao Bá Quát đậu Á Nguyên thi Hương tại trường thi Hà Nội và khoa này thì ông Cao Bá Đạt bị hỏng, cho đến đời Minh Mạng thứ 15 thì ông Cao Bá Đạt đậu Cử Nhân.
- Ông Cao Bá Quát thi Hội nhiều lần nhưng bị hỏng vì chế độ khoa cử hẹp hòi khắc nghiệt lại thêm các quan khảo thí ghen ghét tỵ hiềm. Ròng rã hơn 10 năm sau khi thi đậu Á Nguyên ông Cao Bá Quát chỉ rong chơi, làm thơ ngạo đời. Năm 1841, do sự tiến cử của quan sở tại Bắc Ninh, ông được giữ một chức quan nhỏ ở Bộ Lễ và lúc đó ông đã gần 40 tuổi.
- Khi ở Kinh Đô, ông đã có lần ngạo mạn chế giễu thi xã Mạc Vân của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương bằng 2 câu thơ :
"Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An".
- Tuy nhiên nhờ độ lượng khoan hồng của 2 Vương mà ông cũng không bị phiền nhiễu. Được thế, ông càng ngạo mạn khinh khi bất chấp mọi uy quyền nên bị đuổi ra làm Giáo Thụ Quốc Oai ở Sơn Tây. Tại đây, ông càng uất hận nên đã gia nhập vào đảng của Lê Duy Cự và được tôn làm Quốc Sư để mưu hoạch chống lại triều đình nhà Nguyễn. Cuối cùng việc lớn không thành, ông bị bắt và bị tội chém cùng với gia đình họ hàng.
 
- Ông Cao Bá Quát vừa là một nhà thơ với những bài thơ ngạo đời mà ông còn là một nghệ nhân thưởng Trà và ông cũng đã ca tụng Trà qua một bài thơ rất nổi tiếng mà người ta gọi là "Bài Kệ Uống Trà", được tạm dịch như sau:
" Nhìn qua tướng mạo bạn hiền
Không thông không hiểu đâu là bạn ta
Thưởng Trà có ướp cánh hoa
Hương thơm bay mất còn đâu vị Trà
Sớm mai dòng nước trong ngời
Lửa than hợp lại chén Trà dọn lên
Không bụi khói, không băn khoăn
Xoăn tay nâng chén Trà thơm khề khà
Nếm mùi cốt chất bên trong
Không cần vị thoảng tỏa ra bên ngoài
Còn gì quý lạ hiếm hoi
Làm ta theo đuổi chờ mong tin hoài
Đẹp người lẫn nết đoan trang
Thơ hay thơ chẳng viết ghi nhiều lời
Bài này hãy khắc ghi tâm
Hiểu thông mọi việc xảy ra trên đời."
NỐI BƯỚC N°7.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] .