Pháp Tu Giải Thoát trong đạo Cao Đài [1] * Quang Thông (Sưu khảo).

1 - Làm sao tránh khỏi cõi Âm Quang luy
ện tội ?
"Cõi Âm quang là nơi chỉ có khí Âm quang mà không có ánh Dương quang chiếu tới.
Do đó, cõi Âm quang tối tăm, lạnh lẽo, buồn thảm lạ thường. Chư Tiên, Phật xưa gọi nơi ấy là: Âm cảnh, Âm phủ, U Minh, Phong Ðô,...
Khi Ðức Chí Tôn mở ÐÐTKPÐ thì Ðức Chí Tôn đóng cửa Ðịa ngục, ân xá cho các đẳng linh hồn tội lỗi khỏi bị hành hình, mà đưa họ đến cõi Âm quang để học đạo và tự xét mình, ăn năn sám hối tội tình, cầu khẩn Ðức Chí Tôn cứu vớt.
Thất Nương DTC nói rõ về cõi Âm quang như sau:
TNHT: "Cõi Âm quang là nơi Thần Linh Học gọi là Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Ðại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh Tâm Xá, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình.
Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm quang. Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.
Ôi ! Tuy vân, hồng ân của Ðại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Ðó là mấy Ðạo hữu tín đồ bị thất thệ, phụ nữ lại là phần đông hơn hết."
 
Bát Nương DTC cũng chỉ rõ như sau:
TNHT: "Âm quang là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và Ðịa ngục hay là mờ mờ mịt mịt). Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược.
Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy."
Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát làm Giáo chủ cõi Âm quang, và Ngài trách nhiệm giáo hóa các nam tội hồn; phần giáo hóa các nữ tội hồn thì giao cho Thất Nương DTC.
Thất Nương có thuật lại cho Ðức Phạm Hộ Pháp và Ðức Cao Thượng Phẩm biết như sau: (Thất Nương xưng là Em)
TNHT: "Ngày hội Ngọc Hư Cung đặng lo phương tiếp pháp của Tây phương Cực Lạc qua, Em đã đặng nghe thấy những lời của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ, nơi Âm quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn nam phái bội phần. Em lại nghe Người ước rằng: Chớ chi có một Ðấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong Ðô thoát kiếp. Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó. Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm quang hãm tội." (CĐTĐ)
Theo lời dạy của Bà Thất Nương DTC thì muốn tránh khỏi cõi Âm quang ngay trong kiếp sanh nầy mình phải biết xét mình và ăn năn sám hối tội tình mình đã lỡ phạm phải.
- Có lẽ mình phải ghi ra hết những lỗi lầm từ khi còn nhỏ cho đến già.
- Mình thành tâm tụng kinh sám hối hàng ngày cũng là cách để xét mình ăn năn sám hối tội tình.
- Bây giờ mình hối lỗi, ăn năn sám hối bằng cách : tự hứa sẽ không phạm phải lỗi lầm như vậy nữa. Mình bồi hoàn lại những thiệt hại mình đã gây cho người khác, thí dụ mình còn thiếu nợ ai mà người đó đã chết thì mình tìm cách bồi hoàn cho con cháu chẳng hạn.
Có thể mình vô tình hay cố ý làm hại đến mạng sống người khác, hay sát sanh thú vật thì mình phải thường ngày cầu nguyện cho vong linh các người đó, các thú vật đó được siêu thoát. Cách hay nhứt là ăn chay trường để khỏi sát sanh  nữa...
Tóm lại nếu ta thật sự ăn năn sám hối tội tình đã làm thì ta phải tìm cách bồi hoàn những thiệt hại ta đã gây ra cho chúng sanh, và ta rán lo tạo thêm nhiều công đức để mong lấy công chuộc tội như trong Thánh giáo các Đấng thường dạy bảo:
"Ai giữ trọn bực phẩm thì đặng Tòa Nghiệt Cảnh tương công chiết tội, để vào địa vị cao hơn chốn địa cầu 68 nầy". (TNHT, 10-1-1927)
"Cắt ruột ai lại không đau; nếu Thầy không cầu khẩn Thái-Bạch đình hình phạt cho tới ngày lập thành Tòa-Thánh, các con lấy công mà chuộc tội, thì trong các con chẳng đặng còn lại một phần mười, các con nên lấy lời răn Thầy đây làm vị thuốc khử tội cuả các con; phải sợ mạng lịnh Thái-Bạch". (TNHT, 27-5-1927)
"Thầy vì thương căn quả của các con mà lấy đức từ bi đặng Thiên phong cho các con là cố ý để cho các con hành đạo cho hoàn toàn, dễ bề tương công chiết tội tiền khiên, hầu nâng mình vào nơi cựu vị..."
(TNHT, 24-12-1926)
 
2 - Dâng Tam Bửu là một Bí Pháp giải thoát.
"Cơ quan giải-thoát là phụng sự, dầu cho quả kiếp mà đến cũng vậy; dầu cho vì học hỏi mà đến cũng vậy; dầu cho lập vị mà đến cũng vậy. Chúng ta phải phụng sự cho Vạn-Linh mới được, trong phụng sự ấy chúng ta không biết chúng ta bị quả kiếp nơi nào, người nào, nhưng nhờ phụng sự ấy mà mình gặp được người mình muốn trả nợ tiền-khiên, biết đâu nhờ hồng ân Đức-Chí-Tôn định cho mình gặp đúng người để đặng trả. Tóm lại, cũng phải phụng sự mới có.
Bây giờ về học hỏi thì chúng ta muốn gì ? Muốn biết mọi điều về huyền vi cơ-tạo, muốn biết cho đặng thì phải phụng sự cho Vạn-Linh mà thôi; rồi trong phụng-sự ấy nó sẽ chỉ điều cho chúng ta muốn biết mà lập vị, và có gì hơn thay thế cho Đức-Chí-Tôn mà phụng sự cho Vạn linh lập vị ấy không thế gì ai chối cãi được.
Muốn làm cho đặng như Đức-Chí-Tôn đã làm ta phải làm gì ? Ngài biểu chúng ta hiến ba món báu trong mình chúng ta là Tam-Bửu.
1.- Xác thịt
2.- Trí não
3.- Linh hồn
Tức nhiên thân thể và phàm thể của chúng ta, Đức-Chí-Tôn biểu ta hiến cho Ngài đặng Ngài phụng sự cho Vạn-Linh.
Chúng ta thấy gì ? Mỗi ngày ta kêu Đức-Chí-Tôn làm chứng, kêu Tam-Giáo làm chứng, giờ phút này con nguyện dâng cả xác thịt, trí não và linh hồn của con cho Thầy đặng Thầy làm lợi khí mà phụng sự cho Vạn-linh. Hễ dâng rồi còn gì của mình nữa, có trả nợ tiền khiên chớ không có tạo nữa; nếu có tạo mà giờ phút này mình đến Đền-Thánh này đây, ngồi trong lòng của Đức-Chí-Tôn đứng trong phần tử Thánh-Thể của Ngài tình cờ mình bị quả kiếp gì xảy đến, mình không biết, vì thân thể mình không biết duy chủ nữa mà chính Đức-Chí-Tôn duy chủ, vì mình giao cả thân-thể mình nơi tay Đức-Chí-Tôn thì mình không còn biết gì nữa. Ngày kia mình có thể nói mỗi hành tàng của con làm, con đã tạo, con giao cả trong tay Đại-Từ-Phụ, quyền hạn xử định do nơi tay Thầy chớ con không biết.
Mình giao cả hình hài đó cho Ngài xử dụng, nếu sự thật có gì không hay xảy tới cho mình, mình không hiểu, mình giao cả thân thể mình cho Đức-Chí-Tôn đặng Đức-Chí-Tôn phụng sự cho vạn linh quyền xử dụng ấy do Đức-Chí-Tôn quyết định, mình đừng làm trái với mặt luật của Ngài định.
Ấy vậy, mỗi ngày từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya tới sáng, mình vô Đền-Thánh kêu Đức-Chí-Tôn, kêu Tam Giáo và các Đấng Thiêng-liêng mà phân chứng trước. Thân tôi không còn của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức-Chí-Tôn làm tôi tớ cho Vạn-Linh thay thế cho Đức-Chí-Tôn, giờ phút đó chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt không thể gì định tội được. Đức-Chí-Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta; mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát, quyền ấy chính của ta chớ không phải của Đức-Chí-Tôn. Lấy quyền của ta mà cho ta, mình đã định quyền cho mình, chớ không phải Ngài định; Ngài định cho có quyền giải thoát, quyền Thiêng-Liêng không có tạo, chính ta tạo quyền giải thoát đó do nơi ta mà thôi". (CĐTLHS).
Nếu chúng ta hiến trọn thể xác trí não và linh hồn cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng thì chúng ta phải sống theo ý muốn của Đức Chí Tôn chớ không phải sống theo ý muốn của riêng ta nữa. Thử hỏi Đức Chí Tôn muốn dùng ta để làm việc gì cho Ngài ?
Phải chăng Thầy muốn cứu khổ cho những con cái kém may mắn trên thế giới nầy và làm sao độ rỗi hết loài người biết lo tu hành nhập trường công quả để mau đoạt vị trở về cùng Thầy.
Ta đã hiến trọn Tam bửu cho Chí Tôn thì tức nhiên ta dùng cả sức lực, cả trí não tinh thần để trọn tâm công việc của Đức Chí Tôn.
 
Chính Cơ quan Phạm Môn mỗi người vào sống vừa làm việc bảo đảm đời sống lẫn nhau và tạo của cải lương thực giúp cho Đạo cho chúng sanh, những vị nầy sống hoàn toàn vì chúng sanh mình không còn lo riêng tư cho chính mình nữa, tức là ta trọn dâng Tam bửu cho Đức Chí Tôn đó vậy. Cho nên ý nghĩa danh từ Phạm Môn là cửa Phật là vậy.
Còn khi mình hiến thân làm chức săc, đúng nghĩa thì mình cũng chẳng còn lo cho gia đình bản thân mình nữa, mà để toàn tâm trí lo cho chúng sanh, lo phát triển hoạt động Đạo thì mới đúng nghĩa phế đời hành Đạo, mới là dâng hiến trọn vẹn Tam bửu cho Đức Chí Tôn xử dụng. Giờ phút đó giống như mình làm công cho ông chủ hãng, mình không chịu lời lỗ mà lúc nào cũng hưởng lương bổng đến lúc có đủ vốn tức là ta đoạt cơ giải thoát...
Chúng ta thấy các bậc Tiền khai nhiều vị phế đòi hành Đạo còn rất trẻ như Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm,  khi đó mới ngoài 30 tuổi, còn Đức Thượng sanh chỉ mới vừa 25 tuổi...Đặc biệt Đức Cao Thượng Phẩm phế đòi hành Đạo sớm nhứt. Ngài bỏ hết công danh sự nghiệp là một công chức trung cấp thời đó cũng sống phong lưu thoải mái... Nhưng 2 ông bà bỏ hết về nơi rừng thiêng nước độc lo mở Đạo...Cho nên dầu thời gian hành Đạo chỉ 4 năm Ngài đắc vị Kim Tiên vinh hiển.
Chúng ta nếu trong thời niên thiếu không có cơ hội dấn thân hành Đạo mà lo tạo sự nghiệp đời và để làm tròn nhơn Đạo,nhưng đến tuổi xế chiều còn lo bon chen để hưởng thụ giàu sang, danh vọng...thì đó mới là điều đáng trách.
Có vị kia đã vào tuổi trung niên, đã tạo được sự nghiệp mấy mươi năm với đời, đã định quay về cửa Đạo nhưng rồi có cơ may xảy tới, chánh phủ kêu ban cho chức quyền đại sứ gì đó thì đành bỏ nghiệp Đạo mà lại về đời nữa... Rốt cuộc đến ngày quy liễu về với hai tay không, tuy có nhiều tiền nhưng tiền đâu mang theo được...
 
3 - Cực Lạc Thế Giới, Cực Lạc Niết Bàn là cảnh giải thoát.
Trong Di Lạc Chơn Kinh có nhiều đoạn nói về Cực Lạc Thế Giới :
"Nhược hữu chúng sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ, tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn".
Ý nghĩa: Nếu có chúng sanh nào nghe biết lời của Ta, thì nên tìm cách thoát khỏi nghiệp chướng, bằng cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng theo những điều khoản luật pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì ắt được giải thoát khỏi luân hồi, mà đạt được  Đạo Chánh Đẳng chánh Giác, đó là chứng quả vị nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn.
"như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật tùng lịnh NHIÊN ĐĂNG CỔ PHẬT, dẫn độ Chơn Linh đắc Pháp, đắc Phật, đắc duyên, đắc vị, đắc A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề chứng quả nhập Cực Lạc Quốc"…,
"Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân tín ngã ưng đương phát nguyện Nam Mô CHUẨN ĐỀ BỒ TÁT, PHỔ HIỀN BỒ TÁT, năng trừ ma chướng quỉ tai, năng cứu khổ ách nghiệt chướng, năng độ Chúng Sanh qui ư Cực Lạc, tất đắc giải thoát"…(Di Lạc Chơn Kinh)
"Cực-Lạc Thế-Giới hay Niết-Bàn không có lạ chi cả, chỉ là nơi cho các chơn-linh đoạt Đạo đến đây đặng nhập vào đại-nghiệp của họ nên Phật-Giáo coi là trọng-hệ, bởi không đoạt đặng tức là đại gia-nghiệp của mình tạo chưa thành…
…Ấy vậy khi vô Cực-Lạc Thế-Giới rồi, ta thấy còn hạnh-phúc gấp mấy lần ta ở Diêu-Trì-Cung hưởng gần Bà Mẹ ta, bởi hưởng gần Mẹ sự vui sướng không phải của riêng của mình, nó là của chung trong đại-nghiệp của Đại-Từ-Mẫu chúng ta, ấy là đại-nghiệp chung.
Ví như, dầu mình về nơi ngôi nhà chung của Cha Mẹ mình tại thế này, dầu sang trọng hưởng được đặc ân của Cha Mẹ bao nhiêu sự vui hưởng cũng không bằng ta hưởng chính cái đại-nghiệp của chính tay chúng ta đào tạo.
Cái nghiệp của chúng ta tức là cái đặc tướng do chúng ta đào tạo mà vui hưởng nơi Cực-Lạc ấy là trọng-hệ hơn ta hưởng nơi của Cha Mẹ ta.
Sự vui hưởng nơi Ngọc-Hư-Cung không bằng vui hưởng nơi Cực-Lạc Thế-Giới, ta tạo nghiệp ấy, là Tiểu-Thiên-Địa của ta cũng như Đức Chí-Tôn tạo Đại-Thiên-Địa của Ngài. Trong Tiểu-Thiên-Địa của chúng ta cũng có Ma, cũng có Phật.
Tại khôn khéo của ta trong mấy kiếp sanh, vì thù hận chẳng vì yêu ái, vì oán cừu chẳng vì bác-ái. Hễ oán cừu thì tạo nghiệp Quỉ-Ma, còn bác-ái từ-bi thì tạo nghiệp Phật, cũng như oán cừu của Đức Chí-Tôn tạo nghiệp là Quỉ-Vương, bác-ái từ-bi của Ngài tạo nghiệp là Trời.
Chúng ta dầu có quyền-năng trong kiếp sanh đoạt Tiểu-Thiên-Địa mà sửa đổi những điều gì giục ta cừu hận, oán ghét thì ta tuyệt bỏ lần nó đi, mỗi kiếp sanh mua chuộc sự thương yêu đặng sống hưởng nơi Cực-Lạc Thế-Giới, một ngàn hai trăm năm, hay là hai ngàn bốn trăm năm, hay là ba ngàn sáu trăm năm, hay mười hai ngàn năm, hay hai mươi bốn ngàn năm, hay ba mươi sáu ngàn năm, theo thời gian hữu-giới của nó. Ta có phương-pháp mỗi kiếp sanh các chơn-linh trừ bớt thù hận đoạt quyền-lực thương yêu y như trên hình-tượng trước Đền-Thánh Đức Chí-Tôn để Tam-Thánh ký hòa-ước với Ngài đó vậy.
Nhờ khi mới khai Đạo, Bát-Nương đến để một bài Thánh-Giáo về thương yêu rất chí thiết, cả thảy rán hiểu thấu thêm Bí-Pháp bà Bát-Nương đã cầm cây viết mà biên cho mình, ấy là Bí-Pháp trọng-hệ, đến nỗi Đức Chí-Tôn đến ký hòa-ước buộc chúng ta chỉ có Luật Thương-Yêu mà thôi. Bởi do Luật Thương-Yêu mà Ngài cầm-quyền cả Càn-Khôn Vũ-Trụ trong tay, mà chúng ta đã định-nghiệp được cao trọng cũng do nơi quyền-lực của luật ấy. Nói thật trong kiếp sanh của chúng ta rủi có kẻ trong thân ta oán thù ta, kẻ ấy tức là Ma nghiệt ta không nên sợ, mà nếu ta khôn ngoan thì ta lấy tình yêu ái đối lại đặng cho họ diệt tận oán cừu đi, ấy là cơ-quan Bí-Pháp mà Bần-Đạo vừa hé màn bí-mật cho con cái của Đức Chí-Tôn nhìn thấy để tìm cơ-quan giải-thoát.
Cực-Lạc Thế-Giới là nơi ta về cùng Tiểu-Thiên-Cung của ta, nhứt là bên cảnh Phật của ta, còn bên Ma cảnh ta đè nó xuống. Nơi ấy là nơi Cung chúng ta định-pháp. Trong Đạo-Giáo có nói là nói chỉ ngồi tự nhiên bất động, chủ định tinh-thần mà có quyền-lực của tinh-thần là linh-quang chiếu-diệu, không cảnh nào trong Càn-Khôn mà không thấu đáo, chỉ ngồi một chỗ mà dời non lấp bể, đảo hải di sơn, bất kỳ quyền-lực nào đều nên hình tại Cực-Lạc, bởi chúng ta đào tạo mỗi kiếp sanh đoạt thành chơn-pháp, nắm vững trong tay chơn-pháp, lấy hữu-hình mà đào tạo Bí-Pháp vô biên, nó có quyền năng vô tận. Có thể Đức Chí-Tôn ban đặc-ân cho ta chưởng-quản một thế-giới có vài ba chục trái địa-cầu, đặng ta làm Tổng-Trấn nó, ta chỉ thấy tại nơi Cực-Lạc Thế-Giới mà vận hành sanh-hóa trong khuôn-luật không cần đi đến đâu hết. Quyền-năng vô tận ấy chính ta cũng không hiểu, mà chính nó tấn triển mãi cho đến ngày giờ nó đủ quyền đoạt chơn pháp, đủ quyền tạo Càn-Khôn đặc-biệt cho nó như Đức Chí-Tôn tạo Càn-Khôn của Ngài, ngày giờ đó nó đi đến mức cuối cùng của nó".(C ĐTLHS)
Theo lời thuyết Đạo của ĐHP, Cực Lạc Thế Giới (CLTG) là nơi chúng ta tạo thành đại nghiệp của mình tức là ta về nơi Tiểu thiên cung của ta. Khi về được CLTG rồi, chúng ta an hưởng ở đó một thời gian rồi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình lập công quả tiếp.
Theo Di Lạc Chơn Kinh, muốn về được CLTG thì phải tu theo đúng luật pháp chơn truyền Đại Đạo và ĐHP cũng dạy phải tạo được tâm từ bi, thương yêu với tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Dầu có kẻ thù oán ta, ta cũng lấy tâm từ bi, thương yêu đối xử lại...
 
4 - Chúng ta có nên cầu nguyện Đức Chí Tôn xin cho con trả hết nợ trong kiếp sanh nầy ?
Khi ta cầu nguyện như thế ta biết mình sẽ phải trả quả kiếp rất nặng nề tức là trả quả nhồi như danh từ người ta thường nói. Nếu chúng ta có can đảm chịu đau chịu thảm để trả cho rồi thì chúng ta có thể cầu xin như vậy. Hoặc những vị nào có khai mở chút đỉnh sáng suốt, thấy mình không có nghiệp quả gì nặng mấy thì có thể nguyện trả cho xong cho rảnh nợ trần ai.
Thông thường thì sự trả quả nhồi đã được sắp xếp khi ta chưa đến cõi trần nầy và ta hiến thân hành Đạo thì ta trả rất nhẹ hơn quả kiếp thật sự ta đã tạo.
Một mặt mình phải coi hoàn cảnh của mình hiện tại điều kiện về vật chất, về bề nhơn đạo mình có lo khả dĩ chu toàn không rồi mình mới quyết định. Mặt khác mình phải chăm lo làm công quả để có vốn đền bù nghiệp chướng tiền khiên mình đã tạo.
Nếu chúng ta còn sợ sệt chưa yên tâm thì chỉ nên cầu nguyện hàng ngày là xin cho con được về cùng Thầy sau khi măn kiếp sanh nầy. Trường hợp nầy là ta đã trở lại pháp môn Niệm danh Thầy...
Theo kinh nghiệm một số vị, khi ta cầu nguyện trả hết nợ trong một kiếp sanh nầy thì ta sẽ thấy những lỗi lầm, những tội chướng mình lở tạo ra sau một thời gian ngắn thì mình bị hành phạt để trả quả nghiệp... Như vậy mới mau sạch tội được.
 
Kết Luận:
Đức Hộ Pháp có thuyết rằng: Đức Chí Tôn đã để Bát quái đồ cho Đức Lão Tử vào thư viện kinh đô nhà Châu lật ra xem rồi đoạt Đạo. Đức Chí Tôn cũng để tam diệu đề là lão, bịnh, tử, và Đức Thích Ca thêm vào đề sanh thành tứ diệu đề mà đoạt Đạo. Đức Chí Tôn cũng sẽ để bí pháp riêng cho mỗi con cái Chí Tôn, miễn là chúng ta có quyết tâm tu học cầu giải thoát và luôn giữ đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu .
"Ẩm thực tinh khiết,
Tư tưởng tinh khiết,
Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu,
Thương yêu vô tận,
Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế".
 
Hằng ngày mình nguyện dâng Tam bửu cho Đức Chí Tôn tùy nghi xử dụng nhưng chúng ta có thực hành việc dâng Tam bửu đúng nghĩa hay không ?
"...Vì những kẻ dám đem mình làm tế-vật cho Thầy để lập nên một quốc gia thiên-định tại thế nầy, Bần-Đạo chắc quốc-gia ấy phải thành. Đức Chí-Tôn tạo cho con cái của Ngài một cửa nhỏ tuy khó đi mà Bần-Đạo chắc rằng những hạng con cái dám chết vì Ngài thì chúng nó dám đạp văng cửa ra chúng nó đi sấn tới. Nếu chúng ta có con mắt thiêng-liêng, ngày nào họ đi ngang qua thì ta sẽ thấy các đấng dầu chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tức là các chơn-linh cao-trọng cũng phải cúi đầu..."
* Quang Thông (Sưu khảo, 12-2022)

NỐI BƯỚC N°7.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] .