Phần này trích từ Luật Tam
Thể:
Bởi lẽ ấy
mà những người tu cần phải thắng những cái dục vọng của Đệ-Nhứt xác thân. Đệ
nhứt xác thân rất có ích cho toàn thể con người. Nhưng nếu chẳng thắng đặng
những điều dục vọng của nó, thì cũng rất có hại cho con người chẳng ít.
b) - Đệ-Nhị xác thân mà chúng ta thường gọi cái vía,
tức là bản-năng của chúng ta đó. Bãn-năng ấy là Chơn-Thần, mà chủ của nó tức
nhiên là Phật-Mẫu.
Chơn-Thần
là một thể vô hình bất tiêu, bất diệt, luôn luôn tiến-hóa hay ngưng trệ, do mỗi
lần tái kiếp được dày công hay đắc tội. Nói cho rõ hơn nữa, thì nó là lục-dục
thất-tình đó. Vậy khi lục-dục thất-tình được điều-độ, là nhờ Đệ-Tam xác thân
điều khiển nổi, bằng không, thì nó vì Đệ-Nhứt xác thân, tức là hình vật sai
biểu theo bản-chất của nó.
Vậy
Đệ-Nhị xác thân là hình bóng đi lập công, bồi đức. Thoảng như nó trọn nghe lời
của Đệ-Tam xác thân thì được trọn lành mà về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, mà
chúng ta gọi là đắc-quả. Còn nương theo thú chất hình vật là Đệ-Nhứt xác thân,
là phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chúng ta thường nói là bị đọa đó.
c) - Đệ-Tam xác thân là linh-hồn do Đức Chí-Tôn ban
cho, để điều khiển Đệ-Nhứt và Đệ-Nhị xác thân, tức nhiên là người cầm cương. Ấy
là nền tảng cho sự tiến-hóa của con người, thì lẽ dĩ nhiên nó phải chịu sự thay
đổi theo thân sanh của con người, tùy theo sự sáng-suốt của nó. Trong Tam-Thể
xác thân chỉ có Đệ-Tam xác thân là có phận-sự quan trọng hơn cả, vì nó phải
chịu trách-nhiệm đối với Chí-Tôn khi trở về ngôi vị của mình…
Sứ mạng
đặc-biệt của Đệ-Tam xác thân là phải chế ngự Đệ-Nhứt và Đệ-Nhị xác thân cho
theo luật Thiên-nhiên của Đức Chí-Tôn. Nếu nó chẳng kềm thúc được tánh dục vọng
phàm phu của Đệ-Nhứt xác thân thì nó phải bị thiên-khiển và thất phận nơi cõi
Thiêng-Liêng Hằng Sống…
Mỗi khi
lập đủ công, tạo đủ đức rồi thì đệ tam xác thân sẽ tùy theo công nghiệp mà
thăng vị. Khi được trở về cõi Thiêng liêng Hằng sống, cả chơn linh và chơn thần
được hiệp một mà ngự trên đài sen, tức là công nghiệp của sanh hồn tạo nên. Lúc
ấy gọi là hiệp nhứt quy bổn hay là đắc vị đó vậy…
2 - Chơn thần hay đệ nhị xác thân là gì ?
"CHƠN
THẦN là gì?
Là
nhị xác thân (peri spirit), là xác thân thiêng liêng.
Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.
Cái
chơn thần ấy của các Thánh Tiên Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu, bất diệt.
Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc Đạo, có thể xuất ra trước buổi
chết mà vân du thiên ngoại. Cái chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy."
* TNHT, trg 6.
3 - Muốn có chơn thần trong sạch nhẹ nhàng phải làm sao?
"Khi
nơi xác phàm xuất ra, chơn thần lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn khi
đắc Đạo mà có Tinh Khí, không có Thần thì không thế nhập mà hằng sống đặng.
Còn
có Thần không có Tinh Khí thì khó hườn đặng nhị xác thân.
Vậy
ba món báu ấy phải hiệp mới đặng.
Nó
vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng
có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch mới nhẹ hơn không
khí ra khỏi ngoài Càn Khôn đặng.
Nó
phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật
đặng.
Phải
có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn Thần tinh khiết .
Nếu
như các con còn ăn mặn luyện Đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho
đặng ?... Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện Đạo."
* TNHT,
trg 27.
Vậy muốn
chơn thần nhẹ nhàng, người tu phải trường chay và phải giữ tâm cho đặng thiện
lành, tránh gây nghiệp ác…
4 - Tu đoạt phẩm vị nào mới gọi là giải thoát khỏi luân hồi sanh tử?
Trong
Bát Quái Đài kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị của các Đấng
Trọn Lành, từ Thánh vị trở xuống nhơn vị thì vào hàng Thánh, từ thú cầm xuống
vật chất thì hàng phàm tục, ấy vậy trong Bát Quái Đài từ bực Thánh hồn thì còn
phận sự điều đình Càn Khôn Thế Giái, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong
vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị. Hễ
vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi
nữa cũng còn giữ vẹn Thánh Đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành, lên
địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo Hóa, từ bi, tự tại bất tiêu
bất diệt… * PCT, chú giải.
Cho nên
người tu phải đoạt đến hàng Tiên vị tức là vào bực trọn lành thì mới gọi là
giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Vào hàng Tiên vị rồi cũng còn đầu kiếp xuống
trần để lập công nữa, nhưng lúc đó có thể phân thân giáng trần thí dụ như chư
vị Bát Tiên kỳ Ba này đã giáng trần giúp
Chí Tôn mở Đạo…
5 - Ba con đường lập vị trong đạo Cao Đài .
a) - Lập
công nơi Cửu Trùng Đài.
Cửu Trùng
Đài là Hành chánh đạo, nhiệm vụ giáo hóa độ rỗi nhơn sanh nhập vào trường thi
công quả. Khởi lập công từ hàng đạo hữu từ từ leo lên đến hàng chức sắc, rồi
cầu phong đến hàng Đầu Sư tức là đối phẩm Tiên vị. Trong quá khứ có vài vị Đầu
Sư đã đắc phong từ hàng đạo hữu như các Ngài Đầu Sư Thái Bộ, Đầu Sư Thượng
Sáng, Đầu Sư Ngọc Nhượn,…
b) - Lập
công nơi Cơ Quan Phước Thiện :
Cơ Quan
Phước Thiện nhiệm vụ tạo ra của cải vật chất cứu khổ nhơn sanh.
Cơ Quan
Phước Thiện mới thành lập do đạo Luật Mậu Dần 1938 nên hàng phẩm chức sắc cao
nhất mới lên đến Hiền Nhơn, được đối phẩm Thiên Thánh chớ chưa ai lên đến phẩm
Tiên Tử mới vào hàng Tiên vị.
c) - Tu
theo con đường Thứ ba là Tịnh Luyện:
Hội Thánh
trước kia chưa có điều kiện để tổ chức các khóa tu tịnh luyện, chỉ có gần đây
vị HT Nguyễn Văn Mới có phổ biến một tài liệu về Bí pháp Tịnh luyện của Bà Bát
Nương DTC. Tuy nhiên đây còn là tài liệu bán chính thức nên ai tin thì thực
hành theo còn không tin thì thôi…nên pháp môn này cũng chưa được phổ biến rộng
rãi…
6 - Bí Pháp Tứ Thời tụng Niệm.
Đức
Hộ Pháp có lời phê về việc cúng kiếng như sau:
"Hễ
càng già lại càng cúng nhiều đặng dâng mạng-căn số-kiếp của mình cho Đức
Chí-Tôn định, ấy là bí-mật giải thoát của Chí-Tôn để nơi Cơ Tận-Độ. Dầu đương
giờ mình cúng mà chết trước mặt Người lại càng hay. Phải tuyên-truyền cho ai-ai
cũng đều thấu-đáo nghĩa-lý Bí-Pháp này. Khi đau ốm nằm dưỡng bệnh hễ nghe thời cúng là ngồi dậy dâng Tam-Bửu cho Chí-Tôn". HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)
Qua lời
phê trên của Đức Ngài, chúng ta biết được cúng Tứ Thời cũng là một Bí Pháp của
Đạo, nghĩa là nó giúp ích cho phần siêu thoát linh hồn mỗi con cái Đức Chí Tôn.
Đức Ngài còn nhấn mạnh nếu đương giờ cúng mà chết trước mặt Người lại càng hay
! Nếu nhằm lúc bệnh hoạn nhiều không đi cúng được, nằm dưỡng bệnh mà
nghe tiếng kinh cúng liền ngồi dậy để dâng Tam bửu cho Đức Chí Tôn thì cũng
được hưởng ân huệ thiêng liêng .
Qua lời
dạy này chúng ta thấy tầm mức quan trọng của việc cúng kiếng là dường nào. Ích
lợi hữu hình chúng ta thấy được là những vị nào siêng năng cúng tứ thời cũng
như cúng đàn nơi Thánh Thất, Điện Thờ dầu lớn tuổi vẫn được mạnh giỏi ít đau bệnh, trí
óc minh mẫn, sáng suốt không bị bệnh lú lẫn của người già thường mắc phải, và giờ
phút cuối ra đi một cách nhẹ nhàng êm ái, không bị hành xác khổ thân.
Sở dĩ
được như vậy là vì hàng ngày mỗi thời cúng đều được bao phủ điển lành của các
Đấng Thiêng Liêng. Do giữ được chánh niệm, và cầu nguyện Đức Chí Tôn nên nghiệp
chướng tiêu trừ.
Phần vô
hình, các oan gia trái chủ nếu có cũng không đến gần để khuấy phá được nên yên
ổn. Bằng chứng chúng ta thấy như ngài Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại, ngài rất
siêng năng cúng kiếng nơi Đền Thánh cũng như Đền Thờ Phật Mẫu nên hơn 90 tuổi, ngài
vẫn khỏe mạnh vẫn sáng suốt đến giờ phút cuối ra đi yên lành. . .
Còn rất
nhiều vị khác không thể kể hết...
Đức Chí
Tôn rất thương yêu con cái, Thầy không bắt thực hành những phương pháp gì khó
khăn, vì những hạng bình dân, ít học không sao làm nỗi, trái lại Thầy để bí
pháp vào các công việc thường hành là việc cúng kiếng, chỉ cần siêng năng và để
trọn đức tin là được.
Phương
pháp này làm tâm linh sẽ tiến bộ từ từ nhưng không sợ tẩu hỏa nhập ma, còn muốn
thực hành phép tịnh luyện rốt ráo thì phải vào Tịnh Thất nhưng phải đoạt đủ Tam
lập thì sự tịnh luyện mới có kết quả...
Thánh
giáo Đức Chí Tôn trong Đại Thừa Chơn Giáo:
"Còn
Đạo của Thầy, các con biết tu luyện rồi thì bốn buổi công phu, lọc cái tinh cho
trong sạch đặng bổ
dưỡng cho phần hồn. Vậy mỗi ngày các con công phu bốn buổi là nuôi linh hồn.
Các con chẳng nên bỏ một thời nào, đặng linh hồn nhờ khi ấy mà sáng suốt, khôn
ngoan , cứng cát vậy. Thì giờ công phu của các con là giờ linh hồn ăn uống.
Ngoài
ra các con dưỡng trâu phần hồn cho thanh khiết, cốt nhất là đừng để tâm thần lay động
phóng túng ra ngoài, cần phải giữ sao cho tự nhiên, yên tịnh luôn luôn mới được".
(Trg 35)
"...Ấy
đó giờ khắc công phu của các con là phương pháp để un đúc, trau-tria cho phần
linh-hồn trở nên nhẹ nhàng, sáng suốt, anh linh, hiển hích. Vã lại nếu các con
mà nhịn ăn lâu ngày thì phần xác thịt phải ốm gầy, tiều-tụy, sức lực yếu-đuối,
suy-vi, còn như các con bỏ tu thì phần linh hồn trở nên mờ ám, nặng nề, khả
giáng bất khả thăng, thì không phương siêu xuất tam-giới đặng".(trg 85)
Vậy Tứ
Thời Tụng Niệm là thức ăn để nuôi linh hồn , là phương pháp dễ tu mà có thể
đoạt pháp, đoạt cơ giải thoát đặng vậy…
Muốn việc
cúng kiếng đạt hiệu quả, ta cần phải giữ tâm không chạy nhảy lung tung bằng
cách mắt nhìn lên Thiên Nhãn và tai nghe tiếng đọc kinh thành tâm tưởng niệm
các Đấng thì sẽ hưởng nhiều ân điển trong mỗi thời cúng…
Đức Hộ
Pháp có dạy: Khi mình làm công quả và cúng kiếng hàng ngày, đến một lúc nào có
khi đoạt pháp rồi mà không hay, nếu mình không cẩn thận trong lời nói, nếu mình
nói ác cho ai thì sẽ xảy ra đúng như vậy…tức là mình phải mang nghiệp xấu nên
người tu phải luôn luôn cẩn ngôn cẩn hạnh…
7 - Bí Pháp Niệm Danh Thầy.
Trong
quyển Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp thuyết đêm 12 tháng 2 năm
Kỷ Sửu (1949) có đoạn giảng về ý nghĩa của việc niệm danh Thầy như sau:
"Hỏi
thử tội tình của chúng ta đã làm trong
kiếp sanh, Đức Chí Tôn để trong phương pháp nói rằng: tội tình các con đầy dẫy
nơi mặt địa cầu này mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu,
Thầy đem bí pháp giải thoát để trong tay các con đặng các con đoạt chơn pháp
giải thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha
Tát.
Chúng
ta đã ngó thấy Bần Đạo đã thuyết minh
rằng: khi ngươn linh của chúng ta đã hiện tượng của nó, thì nó đồng tánh với
càn khôn vũ trụ, đồng tánh với Chí Linh là đoạt Đạo.
Càn
khôn vũ trụ là nơi sản xuất Đấng ấy mà Đấng ấy đồng tánh với nhau tức nhiên
Đấng ấy có quyền tự giải thoát cho mình, vì cớ cho nên kêu danh Đức Chí Tôn thì
đoạt cơ giải thoát dầu tội tình bao nhiêu chúng ta đã tạo thành nơi mặt địa cầu này, dầu có đầy
dẫy đi nữa mà giờ chót chúng ta biết kêu
danh Đức Chí Tôn, tức nhiên biết kêu ngươn linh của chúng ta, tức nhiên chúng
ta chối cái quyền làm tòa buổi chung quy
của chúng ta. Hễ ta chối cái quyền làm tòa thì còn ai xử ta đâu.
Đấng
Chí Linh duy chủ mà để quả kiếp trong tay Đấng Chí Linh thì còn ai xử ta đâu,
cơ quan giải thoát đoạt pháp là vậy đó".
Muốn khi
hấp hối còn niệm được danh Thầy, ta phải tập niệm hàng ngày. Khi ta niệm danh
Thầy ta không còn niệm xấu nào xuất hiện, mà niệm danh Thầy và nguyện về cùng
Thầy đó là ta huân tập được hạt giống giải thoát rồi vậy…
Đức Phật Di Lặc có dáng cho bài kệ như sau:
HẰNG NIỆM DANH HIỆU THẦY
Kệ I
Tám mươi bốn ngàn pháp
Vào thời kỳ mạt kiếp
Dễ tu có một món
Niệm Cao Đài Thượng Đế
Các dục vọng tiêu tan
Tâm trí được sáng suốt
Niệm Thầy một lòng thành
Được trở về Thiên Quốc.
Kệ II
Tất cả tấm lòng thành
Gom vào niệm Thượng Đế
Khi niệm ấy phát lên
Vang rền trong trời đất
Rừng mê cháy sạch không
Biển khổ lấp bằng mặt
Chở trong cái hoát nhiên
Ngộ Thiên, Nhân hiệp nhất
Kệ III
Niệm Cao Đài Thượng Đế
Nối liền không hề dứt
Lục tặc hết đường sanh
Tam bành không chỗ xuất
Tan dần nẻo ngục môn
Lộ dần đường Thiên Quốc
Sức mầu nhiệm vô cùng
Khi được dày công đức
Kệ IV
Đi đứng niệm danh Thầy
Nằm ngồi trì Thượng Phụ
Thức cũng tưởng Cao Đài
Ngủ cũng ghi Thượng Đế
Nói cũng nhớ Nam Mô
Nín cũng ôm đạo sự
Muốn phản bổn hoàn nguyên
Cứ y hành như thế.
Hằng niệm: "Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát."
(Niệm thành tiếng hoặc niệm trong tâm).
Điều
quan trọng là khi niệm danh Thầy ta phải dẹp hết các tạp niệm mà chỉ nghĩ tưởng
đến Thầy mà thôi. Và kế nữa ta phải có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn ban ân
lành cho. Điều nên nhớ nữa là khi niệm ta chỉ nguyện một điều duy nhất là: Mãn kiếp sanh con được trở
về cùng Thầy…
Chúng ta
biết giây phút lâm chung, hấp hối rất quan trọng và làm sao niệm được danh Thầy
vào lúc ấy nên ta tập niệm hàng ngày. Khi gặp một người thân hay đồng Đạo đang
lâm chung ta nên nhắc nhở họ tưởng đến Thầy và niệm danh Thầy, dầu họ bị hôn mê
ta cũng vẫn nhắc nhở bên tai họ vì người lâm chung vẫn còn nghe biết được. Đó
là ta giúp họ được siêu rỗi và là công đức rất lớn vậy.
8 - Công quả Phổ Độ chúng sanh.
Có câu
Thánh giáo Đức Chí Tôn: "Muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng
sanh mà thôi, như không làm đặng thế này thì tìm cách khác mà làm âm chất thì
cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao…" * TNHT,
trg 81.
Phổ độ
chúng sanh tức là trình bày, thuyết giảng giáo lý để nhiều người hiểu Đạo và
nhập môn vào Đạo. Phật giáo gọi là pháp thí, là pháp bố thí cao nhất trong các
loại bố thí.
Đạo luật
Mậu Dần 1938, chương về Phổ Tế có qui định :
"Ngoài
ra các vị Phổ Tế, nếu có Chức Việc hoặc Đạo Hữu nào độ đặng 500 tới 1.000 người
ngoại đạo nhập môn, thì vị ấy sẽ đặng Hội Thánh đem ra Quyền Vạn Linh cầu xin
phong thưởng vào phẩm Lễ Sanh, độ đặng từ 1.000 tới 3.000 người thì được vào
phẩm Giáo Hữu, độ đặng từ 3.000 tới 10.000 người thì đặng vào phẩm Giáo
Sư".
Đây là
một đặc ân cho những người có khả năng phổ độ chúng sanh sẽ dễ bề lập công quả
và dễ đắc vị khi so sánh với những chức sắc Cửu Trùng Đài đi hành Đạo có
khi vài mươi năm mới đạt đến phẩm vị này.
Chúng ta
nghĩ đến khi nền Quốc đạo nên hình thì đây là một cơ hội tốt cho ai có khả năng
phổ độ.
Theo
lời dạy của Đức Chí Tôn trên đây, thì nếu chúng ta có ý chí nhẫn nại, gắng công
tìm phương này thế kia lo độ dẫn người vào Đạo dầu kết quả không khả quan như ý
muốn, ta vẫn hưởng được hồng ân to lớn của Đức Chí Tôn ban cho và có thể đạt
được địa vị cao trọng vậy...
Vậy
ai là người có khả năng, có thiên tư hay ưa thích về phương diện phổ độ hay rán
lo tập luyện ngay từ bây giờ, biết đâu trong tương lai gần sẽ có cơ hội thi
triển tài năng và đoạt cơ giải thoát như lời Thánh giáo Đức Chí Tôn đã dạy…
9 - Gương tu đoạt vị của Đức Quan Thánh Đế Quân.
Đức Quan
Thánh Đế Quân bình sanh là một vị tướng tài thời Tam Quốc, nhưng Ngài nhờ đào
luyện ý chí đức độ qua quyển kinh Xuân Thu. Người đời sau ca tụng Ngài qua câu
liễn đối:
Chí
tại Xuân Thu, công tại Hớn,
Trung
đồng nhựt nguyệt, nghĩa đồng Thiên.
Ngoài đức
trung nghĩa, sanh tử chi giao thủy chung như
nhứt, Ngài còn thể hiện một bậc anh hùng cái thế là bất sát hạ mã chi
nhơn, không giết tướng bị rơi xuống ngựa khi đang đánh trận với Ngài. Có nhiều
tướng Tào thấy coi mòi không thắng nổi Ngài bèn nhảy xuống ngựa thì Ngài cũng
tha mạng…
Theo sự
nghiên cứu đạo học, Ngài nhờ đức độ quá lớn nên
sau khi đắc Thánh vị, công đức Ngài còn dư để bước lên hàng Phật vị luôn mà
không cần đầu kiếp nữa. Xưa nay Ngài là một tấm gương có thể nói độc nhất vô nhị
trên đường lập vị Thiêng Liêng.
10 - Trả xong nợ trong một kiếp theo Ngài Hồ Bảo Đạo.
"…
mỗi chúng ta khi mới tượng-hình trong bào-thai đã có nợ rất nhiều rồi trong tiền-kiếp
trên bước đường tiến-hóa từ khi còn là kim-thạch đổ lên. Như vậy thì mỗi kiếp
sanh đã sẵn nặng nợ của Tạo-vật dẫy-đầy, mặc dầu là chưa làm chi nên tội.
Rồi
một khi lọt lòng mẹ bước ra chào đời thì lại còn thêm nặng nợ xã-hội nhơn-quần,
bắt đầu là nợ sanh thành dưỡng-dục, mớm cơm vú sữa, rồi đến nợ áo cơm ăn học,
nợ tình-cảm trong gia-đình, cha mẹ, anh em, thân tộc rồi đến bạn tác. Một khi
đến lúc trưởng-thành thì lại thêm quả-nghiệp tạo dựng gia-đình nên chồng nên
vợ, nên nhà nên cửa, nhứt nhứt mỗi nhu-cầu trong sự sanh sống hằng ngày đều là
cơ hội để vay thêm nợ của xã-hội. Đó là định-nghiệp của một kiếp. Lấy lý mà
suy-nghiệm, thì cả một kiếp sanh, mỗi đơn-vị con người đã phải chịu ơn tấn-hóa
của hóa-nhơn, rồi lại chịu ơn cấp-dưỡng của đồng loại. Hai cái ơn ấy muốn cả
đơn-vị chơn-hồn con người phải đi theo đà sanh-hóa, luân-chuyển mãi thôi !
Trong cơ vay trả biết bao giờ mới hết?
Chúng
ta cũng nên nhớ là nghiệp-quả ở trong sự cấp-dưỡng của đồng loại về cái ăn, đồ
mặc, chỗ ở, thì chẳng phải lấy của mà trừ công cho đặng, mà là phải lấy thiện-ý
của chơn-chánh để phục-sự, hầu cứu an nhơn khổ, tức là ta phải lấy công mà trả
công chớ không phải thế ỷ có tiền rồi lấy tiền làm trọng và xem công quả của
đồng-loại là rẻ. Đó là Đạo vậy.
Nếu
lấy theo lý đó mà suy ra, thì mối nợ xã-hội này chúng ta trả biết bao giờ mới
hết, và như thế thì phải chịu luân-chuyển cùng đà sanh-hóa mãi hay sao?
Không
đâu! Nếu chúng ta biết luật tiến-hóa của vạn-linh đã định là hy-sinh về kiếp
sống của mọi xác-thân nơi mặt thế này. Mọi xác-thân nơi mặt thế nầy phải là vật
hy-sinh trên đường thế sự.
Thêm
nữa trong cửa Đạo, chúng ta vẫn biết rằng Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng-Liêng
chú-trọng nơi tâm thành, và chỉ lấy Tâm là quý. Vì thế, nếu chúng ta biết, thì
cả món nợ hay nói cách khác, cả công ơn của xã-hội chúng ta có thể trả trong
một kiếp mà quyền Thiêng-Liêng Vô-Hình vẫn chấp-nhận cho ta, nếu ta đem hết tâm
thành hy-sinh trọn vẹn mãnh thân phàm để phục-vụ
cho nhơn-loại, hay cho những kẻ chung quanh mình mà không có một điểm gì nhỏ mọn
để nghĩ đến mình, tức là phải sống một đời hoàn-toàn vị tha không còn một điểm
gì nhỏ nhít vị-kỷ, mặc dầu kết quả về mặt hữu-hình không xứng đáng là bao,
nhưng tấm lòng chơn-thành quyết chí trọn vẹn hy-sinh đã bao trùm hết, và nếu
quả quyết làm đúng theo vậy, thì quyền Thiêng-Liêng sẽ cho TRỪ HẾT NỢ TRONG MỘT
KIẾP !
Mới
nghe qua tưởng là dễ, chớ thực-hành cho đúng chưa phải là chuyện chơi và từ
trước chưa có mấy ai dám hy-sinh trọn vẹn mãnh thân hình mà không có một ý-nghĩ
cỏn con về tư lợi cho mình, dầu là tư lợi về tinh-thần hay là hữu-danh.
Từ
xưa đến nay ta chỉ thấy có một tấm gương để ấn chứng lẽ này trong cửa Phật Giáo
mà ít người được hiểu rõ ý nghĩa. Đó là vị Phật thường gọi là Ông Dám, được các
chùa Phật để thờ nơi Hậu-Đường.
Sự
tích sơ lược như sau: Ông là một người dốt nát thật-thà, xin ở chùa làm công
quả, lãnh phận sự nấu nước cúng Phật, và cho mọi người dùng. Mặc dầu hết sức
tận tụy với nhiệm vụ, nhưng những người ở trong chùa, nhất là mấy chú Tiểu ngỗ
nghịch rầy la, mắng nhiếc hiếp đáp đủ điều mà ông vẫn vui vẻ âm thầm quên mình
tận tụy với nhiệm vụ, không một lời oán trách hay than-thở.
Thường
bữa đến tối là Ông lo vùi một cục than lửa, để khuya Ông thôi lên nhen-nhúm có
lửa nấu nước cho Ông Sư công-phu cúng Phật, vì thưở ấy không có diêm quẹt.
Một
hôm có kẻ ác tâm lén tưới nước tắt mấy cục than lửa. Đến khuya Ông thức dậy dụm
lửa, thì khổ nguy không biết lấy lửa đâu mà nhen nhúm. Buổi ấy là nhà ở thưa
thớt. Muốn đến xóm trên xin lửa phải qua một khu rừng có đầy ác thú, nhưng vì
nhiệm vụ Ông không kể thân sống, quyết đi xin cho có lửa đem về nấu nước cúng
Phật cho kịp giờ, nên một mình trong đêm tối Ông băng mình đi đại.
Khi
đến giữa rừng, gặp một con cọp đòi ăn thịt Ông, thì Ông van lạy để Ông đi xin
đặng lửa về nấu nước cúng Phật cho kịp giờ, rồi Ông sẽ trở ra nạp thịt. Cọp
bằng lòng, nên Ông đi xin đặng chút lửa than về nhen nhúm lên nấu nước cho kịp
giờ cho Ông Sư cúng Phật .
Khi
ấy, Ông quyết giữ lời hứa, nên lén một mình trở ra rừng nạp thịt cho cọp. hại
thay, Ông lại gặp cọp già nói với Ông là răng cọp không còn cứng bén, mà xương
Ông lại cứng, ăn không nổi, nên yêu cầu Ông leo lên cây cao buông tay rớt xuống
cho dập xương thịt, cọp mới ăn đặng. Ông cũng bằng lòng hy-sinh trọn vẹn leo
lên ngọn cây thiệt cao buông tay cho rơi xuống đất.
Theo
tích kể lại, lúc Ông buông tay rớt xuống, thì Ông được Phật rớt luôn và cọp già
kia cũng là do Phật hóa hình để thử lòng Ông. Chuyện kể nghe có vẽ thần thoại,
nhưng ý nghĩa là nêu lên một gương hy sinh trọn vẹn với một tinh thần vị tha
bất vụ lợi, thì được quyền thiêng liêng chứng cho quả Phật-vị, tức là Ông đã
trả hết nợ trong một kiếp. Người ta đặt tên Ông là Ông Dám, vì Ông dám làm một
việc mà chưa có ai dám làm.
Trong
sự hy sinh thì quyền Thiêng-Liêng chỉ chứng cho TÂM THÀNH CHƠN CHÁNH không vụ
danh, mà cũng không vụ-lợi. Nếu sự hy-sinh đó càng ầm thầm kín đáo chừng nào
thì giá-trị tinh thần lại càng cao chừng ấy, chớ quyền thiêng liêng không kể sự
hy-sinh ấy kết quả to lớn hay nhỏ mọn.
Nếu
sự hy-sinh có tính cách rầm rộ, quảng cáo, kích động quần chúng với mục đích vì
hữu danh thì sự hy-sinh ấy chẳng có giá trị gì hết với quyền Thiêng-Liêng .
Vậy
ai muốn hết nợ, hay đắc quả trong một kiếp thì chỉ có phải dám hy sinh trọn vẹn
quên mình âm thầm phục vụ cho mọi người là đặng.
Nhưng
thử hỏi có mấy ai dám làm".
Trong cửa
Đạo chúng ta thấy những tấm gương dám hy sinh quên mình vì đại nghiệp Đạo như:
1 - Việc
Đức Hộ Pháp biết trước nhà cầm quyền Pháp sẽ đến bắt Ngài vào đầu thế chiến thứ
2 (1939), nhưng Đức Ngài quyết không trốn lánh mà vẫn ở tại Tòa Thánh lo sắp
xếp mọi chuyện, viết bức cẩm nang để lại cho vị chức sắc người gốc Hoa là Giáo
Sư Thái Khý Thanh, nhờ vậy mà Tòa Thánh mới được bảo toàn sau này…
2 - Vào
thời kỳ người Đạo bị VM tảo thanh sát hại, những người một mực không chối Đạo
khi chết được đắc vào hàng Thánh Tử Đạo, những vị này tuy công quả không nhiều
nhưng nhờ đức tin quá lớn …
3 - Việc
Giáo Sư Thái Của Thanh đương kim Khâm Trấn Đạo Kiêm Biên và bạn đời là Bà Lễ
Sanh Trần Hương Sửa đã bị quân Khmer đỏ sát hại ngày 18-4-1975 vì ông bà xin ở
lại giữ Liên đài Đức Hộ Pháp và gìn giữ tài sản của Đạo. Mặc dầu biết ở lại sẽ
nguy hiểm nhưng 2 ông bà quyết ở lại làm tròn sứ mạng Hội Thánh giao phó…
4 - Hai
vị Phối Thánh Phạm Văn Màng và Bùi Ái Thoại hiến thân hoàn toàn lo cho Đạo
không còn kể đời sống riêng tư nữa nên đắc vị Phối Thánh là vị Thánh cao nhất gần kề
với Tiên vị. Trường hợp vị Thánh Phi Châu Đỗ Quang Hiển nhờ lòng trung thành
tuyệt đối với Đức Tôn Sư mà đoạt vị…
11 - Phần Kết:
Qua các
phần trình bày, chúng ta thấy muốn giải thoát ta cần thực hành Tam lập là Lập
công, Lập đức và Lập ngôn. Ba phần này rất quan trọng, nhưng chỉ cần có được
một trong ba thật nổi trội thì cũng đủ đoạt Đạo.
- Về Lập
công là tạo được công quả to lớn xưa nay nhiều vị đã đoạt vị như Ngài Khai
pháp, Ngài Ca Bảo Đạo, Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Các vị Đầu Sư Cửu Trùng Đài…
- Về Lập
đức như gương của Đức Quan Thánh Đế Quân, Ngài đắc vị giải thoát nhờ đức độ
Ngài quá lớn, quá phi thường…
- Về Lập
ngôn, như lời dạy của Đức Chí Tôn nếu ta biết thực hành rốt ráo, đem hết tâm
thành phổ độ chúng sanh thì sẽ được giải thoát…
Còn nói
theo Đức Thái Thượng Đạo Tổ, ngày chung quy chỉ đem về Thầy một chữ Tâm và
những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng. Nếu công nghiệp ta ít nhưng cái
tâm thành của ta quá lớn như Ngài Phật Dám, như Các Thánh Tử Đạo,…như Ngài Giáo
Sư Thái Của Thanh, thì cũng đoạt ngôi vị...
Ngoài ra
những pháp môn dễ thực hành nhất như việc cúng kiếng, niệm danh Thầy, nếu chúng
ta thực hành rốt ráo thì cũng đoạt cơ giải thoát ...
Qua Thánh
giáo Đức Chí Tôn có dạy kỳ ba này Thầy cho bày bí pháp để độ rỗi tất cả con cái
về cùng Thầy, cho nên không phải chỉ những pháp tu trình bày trong bài này mà
còn nhiều bí pháp khác nữa như Hội Yến Diêu Trì, hoán đàn, dâng Tam bửu, cắt dây oan
nghiệt, hành pháp độ thăng,…
Đức Chí
Tôn lại còn nói rõ hơn :
"…Thầy cho một quyền rộng rãi, cho cả nhơn loại càn khôn thế giái, nếu
biết ngộ kiếp một đời tu đủ trở về cùng Thầy đặng…"
Rất mong
những điều trình bày trên giúp được quý Huynh Tỷ Đệ Muội sẽ về cùng Thầy Mẹ sau
khi mãn kiếp sanh này…
* Quang Thông.
Bài sưu khảo - 11-2022.
NỐI BƯỚC N°7.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] .