Thảo Luận Giáo Lý: Đề tài Giới, Định, Huệ. * Bảo Chơn ghi lại.

 1 - Phân biệt ý nghĩa của hai chữ: TUỆ và HUỆ ?.
Theo Cao Đài Từ Điển của HT Nguyễn Văn Hồng:
1). Trong văn chương người ta dùng chữ TUỆ, có nghĩa là: thông minh sáng suốt, như : Trí tuệ, Thông tuệ…
2). Trong Đạo học, nhứt là trong Thiền học, người ta dung chữ  HUỆ, có nghĩa là: Sự bừng sáng của trí não nhận biết được chơn tướng, bộ mặt thật của sự vật.
Đặc điểm của Trí huệ là nhận thức các pháp đúng như chúng tồn tại. Trí huệ có chức năng xóa bỏ mọi bóng tối vô minh. Đạt được Trí huệ là hết vô minh, tức nhiên hết mê lầm, hết phiền não, đắc đạo vậy.
Muốn có được Trí huệ thì phải công phu thiền định, tu Giới, Định, Huệ, theo pháp môn của Phật giáo Thiền tông.
Như vậy, Trí huệ có được không phải do đọc sách hay phân tích lý lẽ, mà có được là do Tu. Còn Trí tuệ chỉ là các kiến thức thâu thập được của trí não, do học tập hay nghiên cứu đọc sách mà có.
 
2-Trí Huệ có khác với lương tri lương năng không ?
- Lương tri là sự hiểu biết sẵn có do Trời phú cho, chớ không phải do học tập mới biết được. Thí dụ như đứa trẻ mới sinh ra đã biết tìm vú mẹ để bú…
- Lương năng là sự tài giỏi vốn có do Trời phú cho để làm được điều lành điều tốt. Đứa trẻ sinh ra vốn có tánh thiện, như không biết nói dối…
Sách Nho có câu: "Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương năng dã; sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương tri dã." Nghĩa là: Người không học mà giỏi là lương năng vậy; không suy nghĩ mà biết là lương tri vậy.
Con người bẩm sinh có tính thiện lành như câu Nhân chi sơ tánh bản thiện, nhưng khi lớn lên do tiếp xúc với môi trường xã hội học hỏi được nhiều điều tốt mà cũng có cả những điều xấu…nhưng nhờ điểm lương tâm ta mới phân biệt được điều nào xấu nên bỏ và điều nào tốt nên theo…Con người có lương tâm thì mới biết điều nhân điều nghĩa, lẽ phải lẽ trái. Có lương tâm là có Lương tri, Lương năng, tức là có cái giỏi cái biết tự nhiên, rất mẫn tiệp.
Nhưng lương tri và lương năng chưa phải là cái Huệ mà muốn đạt huệ phải qua sự tu hành… Như trong đạo Cao Đài có pháp môn cúng kiếng phối hợp với việc thực hành Tam lâp khi có đủ công đức cũng có thể đạt huệ …
Trong bài Thánh giáo Đức Quan Âm Bố Tát dạy năng cúng kiếng có đoạn:
“…Các em phải lo cúng kiếng thường…Tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ…”
Như vậy việc cúng kiếng giúp lương tri, lương năng con người ngày càng mẫn huệ và đến một lúc nào đó sẽ đạt huệ…chớ lương tri, lương năng chưa phải là huệ.
 
3 - Huệ có chia ra làm nhiều đẳng cấp, cao thấp khác nhau không, và tu sao để phát huệ ?
Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, Huệ có nhiều bậc:
- Những ai năng tụng kinh điển, nghe thầy giảng giải đạo lý, ăn ở tinh sạch, bỏ những vui sướng theo thế thường, vừa suy xét tham thiền, thì đã thấy Huệ phát hiện ra nơi mình rồi.
- Cao hơn nữa, có những bực Huệ của La Hán, Duyên giác, Bồ Tát.
-Huệ hoàn toàn là cái Huệ của Phật, to lớn và sáng suốt hơn Huệ của các vị đắc đạo. Cái Huệ của Phật, viết theo Phạn: Tát Bà Nhã (Sarvajna), cũng gọi: Nhứt thiết Trí, là Trí Huệ biết tất cả sự vật, hữu vi, vô vi, quá khứ, hiện tại, vị lai.
- Huệ là một sự học trong Tam Học.
Ba sự tu học là: Giới, Định, Huệ đều quan hệ mật thiết với nhau. Có tu Giới mới sanh Định, nhờ Định mới phát Huệ. Phát Huệ rồi thì dứt mê hoặc, đắc chơn lý.
- Huệ là một nền hạnh lớn, hạnh thứ sáu trong Lục Độ.
Bồ Tát cần phải trải qua các đời tu cho đủ Lục Độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ.
Lục Độ đầy đủ thì đưa Bồ Tát lên quả vị Phật.
- Huệ là một môn trong nhị môn mà Bồ Tát cần phải tu hành: Phước môn và Huệ môn.
Bồ Tát, chẳng những phải tu phước là đem lòng từ mà tế thế độ sanh, lại phải tu Huệ là đọc tụng kinh điển và tham thiền thì mới mau thành Phật. Ấy gọi là Phước Huệ Song Tu.
-Có Tam Huệ, tức là ba cách phát Huệ:
1).Văn Huệ: Nhờ nghe kinh, đọc kinh mà phát Huệ; nhờ nghe thầy, bạn chỉ dạy mà phát Huệ.
2).Tư Huệ: Nhờ suy xét mà phát Huệ.
3).Tu Huệ: Nhờ tu thiền định mà phát Huệ.
 
4 - Người tu thực hành trì giới thì được quả báo gì ?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:
– Này chư Hiền, Tỳ-kheo phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn…
Vì vậy, khi tu tập giữ giới tinh nghiêm sẽ gia cố thêm cho phòng hộ các căn. Phòng hộ các căn vững chắc sẽ giúp cho giới hạnh thêm viên mãn. Nền tảng cho phòng hộ các căn chính là chánh niệm, tỉnh giác. Trong đó, chánh niệm thuộc chi phần Định, tỉnh giác thuộc chi phần Tuệ. Nên khi giữ giới nghiêm cẩn, phòng hộ các căn trọn vẹn thì ngay đó có mặt các phẩm tính của Giới - Định-Tuệ. Đã có các phẩm tính của Giới-Định-Tuệ thì hành giả có hy vọng sẽ tiến đến thành tựu giải thoát, Niết-bàn.(Theo Tâm Hướng Phật)
 
5 - Làm sao để Tâm được Định ?
Phương pháp căn bản nhứt để tâm được Định là mình phải ý thức mình đang làm việc gì. Mình ăn thì biết là mình đang ăn, mình tụng kinh thì mình biết là mình đang tụng kinh…không để tâm trí lan man suy nghĩ việc khác. Có nghĩa là mình sống tỉnh thức với giây phút hiện tại, không để tâm chi phối bởi ngoại cảnh…
Áp dụng phương pháp nầy vào việc tụng kinh cúng hàng ngày, khi nào suốt thời cúng mình không để tâm lo ra lần nào khi đó tâm của mình đã định được phần nào rồi vậy…
Ngoài ra ta phải giữ tâm thanh tịnh luôn luôn như Đức Hộ Pháp đã dạy trong Phương Luyện Kỹ: Vui cũng vui, buồn cũng buồn nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh…
Tập tâm phẳng lặng như mặt nước hồ không bị khuấy động thì mới có thể ngày càng mẫn huệ được…
Tóm lại muốn tâm được định thì phải giữ tâm tỉnh thức và tâm thanh tịnh…
 
6 - Phương pháp tu của Cao Đài để đoạt Huệ như thế nào ?
Trong Đạo Cao Đài có ba con đường tu để về với Đức Chí Tôn, cả ba con đường đều lấy việc lập công quả, phụng sự chúng sanh làm căn bản. Ở đây chúng ta chỉ nói về Con đường thứ ba Đại Đạo tức là con đường tịnh luyện.
Muốn đi con đường nầy dĩ nhiên người tín đồ đã phải giữ giới luật Đạo rồi, sau đó phải có đủ công quả hay là Tam lập tức là lập đức, lập công và lập ngôn. Khi đã có đủ tam lập, do Đức Hộ Pháp cân thần mới biết được, rồi xin vào nhà tịnh để tu tịnh luyện với sự trông coi của Hội Thánh. Nếu xong khóa tịnh luyện mà thành công thì vị nầy có thể xuất chơn thần theo ý muốn... khi đó vị nầy đã đoạt pháp hay đoạt huệ rồi...và dùng cái huệ nầy để cứu độ chúng sanh...
Như vậy người tu theo con đường nầy qua các giai đoạn như : Giới, Tam lập, Tịnh luyện, Huệ (đoạt pháp)...
"Mấy em đừng lầm tưởng rằng phải vào Tịnh Thất mới đoạt pháp đặng. Mấy em làm công quả hằng ngày là tô điểm nuôi nấng Thể pháp. Khi mấy em đắc pháp mà mấy em chưa biết đặng, cái Thể pháp ở trong trong thuyết Tam Lập mình tự đào tạo nó hay là lo làm âm chất và làm điều thiện, tự giác nơi lòng mình, thì cái Chơn pháp ấy vẫn từ từ sẽ có và tồn tại. Đó mới gọi là Chơn pháp, chớ chẳng chờ ai ban cho mình Chơn pháp.
Nếu tâm thiện mình không có, dầu thọ pháp hay là tịnh luyện rồi nó cũng mất". * Trích ĐHP nói chuyện với anh em thợ hồ.
 
Một lần khác ĐHP cũng có thuyết đại ý người tín đồ lo lập công quả, phụng sự chúng sanh, ăn chay, cúng kiếng,...Có khi mình đã đủ công quả rồi mình đắc pháp rồi mình cũng không hay... Nếu mình lỡ nói lời gì có hại cho người khác thì sẽ xảy ra đúng y như vậy, cho nên Ngài dạy phải cẩn ngôn cẩn hạnh vì mình tu không biết đắc pháp lúc nào...
Sở dĩ mình đoạt pháp được là nhờ thực hành việc cúng kiếng thường xuyên mà cúng kiếng hay tứ thời tụng niệm cũng  chứa bí pháp trong đó. Trong trường hợp nầy việc đoạt pháp hay đoạt huệ qua các giai đoạn là:
Giữ Giới, lập công quả, cúng kiếng, đoạt pháp (đoạt huệ)...
Tóm lại đạo Cao đài lấy việc lập công quả dưới nhiều hình thức như các danh từ: Tam lập, phụng sự chúng sanh, công quả phổ độ,...Và khi đủ công quả rồi mới mong đoạt pháp đoạt Đạo, đoạt huệ được.
* Bảo Chơn ghi lại.
NỐI BƯỚC N°7.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] .