Xin mở
đầu bài viết bằng một câu chuyện cũ, kể lại theo trí nhớ của Hiền Tài Nguyễn
Văn Mới, đạo hiệu Từ Huệ, cựu Tốc Ký Viên Toà Thánh Tây Ninh. Năm 1950, khi Đức
Hộ Pháp ra Hà Nội truyền Đạo, sau một buổi giảng tại một trường đại học, có một
vị linh mục ghi ra ba câu hỏi nhờ một sinh viên hỏi Đức Hộ Pháp:
1. Thưa
Ngài, Ngài nói Đức Chí Tôn, tức là Ông Trời, mở Đạo Cao Đài. Vậy Ông Trời là
Giáo Chủ Đạo Cao Đài. Ngài có thể cho tôi thấy Đức Chí Tôn được không?
2. Tu
theo Đạo Cao Đài rồi kết quả thành “Ông” gì?
3. Nếu tu
theo Đạo Cao Đài để thành “Ông Trời” thì phương pháp tu như thế nào? Chớ nếu
cũng rao giảng tình thương, từ bi, bác ái, cũng dạy chúng sanh làm lành lánh
dữ, tu tâm dưỡng tánh thì các nền tôn giáo trước đã làm hơn 2,000 năm nay rồi.
Trước ba
câu hỏi với dụng ý thử thách ở mức cao như vậy, Đức Hộ Pháp trả lời:
“Em hỏi
ba câu có hơi nhiều. Vì chỉ nội câu thứ nhứt thôi, đã cần phải viết thành sách
để trả lời cho em hiểu. Ở đây chúng ta không có thì giờ, vậy khi nào có cơ hội
vào Sài Gòn, mời em lên Tây Ninh, vào thăm Đền Thánh. Ở đó sẽ có câu trả lời
cho em vì Đền Thánh là hình thể của Đức Chí Tôn tại thế. Chẳng những có tiếng
nói mà còn có cả câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào”.
Người
sinh viên đó tên là Nguyễn Bảo Trị, sau này là Trung Tướng QLVNCH. Khoảng thập
niên 1960, khi là Tư Lệnh Vùng III Chiến Thuật, ông đã về thăm Đền Thánh Tây
Ninh để tìm câu trả lời. Kết quả chuyến thăm đã được kể lại trong quyển sách tại
địa chỉ:
Quý đồng
đạo có thì giờ thì mời đọc thêm cho biết. Trong bài này tôi sẽ không lập lại
chuyện đó mà chỉ xoáy sâu vào điểm Đức Hộ Pháp dạy rằng Đền Thánh có câu trả
lời cho bất kỳ câu hỏi nào.
Quả đúng
như thánh ngôn đã dạy: “…phải bày Bí Pháp ra, không dấu nữa”. Mọi cách thức tu
tập trong kỳ đại ân xá lần thứ ba đều để tại Đền Thánh. Bất kỳ ai, trình độ học
vấn và tâm linh cao hay thấp đều có thể tìm ra pháp môn phù hợp với mình. Vấn
đề là chúng ta có tìm học và thực hành đến nơi đến chốn hay không thôi. Vậy xin
trình bày tiếp theo đây một thể pháp mà mọi tín đồ Cao Đài đều biết.
Chữ Khí ở
Đền Thánh.
Một trong
những biểu tượng rất dễ thấy ở Đền Thánh là chữ KHÍ ở đằng sau tượng của Hộ
Pháp. Một số chi tiết về chữ KHÍ đã được mô tả trong bài viết này, mời quý vị
đọc thêm nếu có thì giờ:
Trong bài
này chỉ xin tóm tắt vài điểm chính như sau. Chữ này mặc dù phát âm là “khí”
nhưng không giống với chữ viết bằng Hán tự là 氣. Có người nói đó là chữ thảo (lối viết Hán tự
nhanh gọn). Có người nói đó là chữ bùa. Dù là chữ gì thì khi đặt ở sau tượng Hộ
Pháp tại Hiệp Thiên Đài là có liên quan
đến hai điều. Một, có liên quan đến bộ não hay phần tinh thần của con người bởi
vì Hiệp Thiên Đài tượng trưng phần Khí (tinh thần), Cửu Trùng Đài tượng trưng
phần Tinh (thể xác) còn Bát Quái Đài là Thần (linh hồn). Hai, vì theo tự điển
Hán Nôm, chữ này có nghĩa là “không khí” hoặc “hơi thở” nên chắc chắn có liên
quan đến hai điều đó. Tóm lại, biểu tượng này nói tới mối liên quan giữa hơi thở
và tinh thần của con người.
Điều này còn được xác định thêm bởi trích đoạn: “Chào
chữ Khí tức là chào cả Tam-Qui Thường-Bộ-Pháp-Giới, tức là chào mạng-sanh của
chúng ta, chớ chẳng phải chỉ chào Hộ- Pháp, Thập-Nhị Thời-Quân” trong văn bản
giải thích chữ Khí ngày 1/4/1953 của Đức Hộ Pháp. Rõ ràng hơi thở và tinh thần
chính là “mạng sanh của chúng ta” đó vậy.
Tóm lại, sau khi lạy Thiên Bàn, tức là kính lễ Đức Chí
Tôn và các đấng thiêng liêng, mọi tín đồ đều phải xoay người lại xá tượng Hộ
Pháp và chữ Khí. Đó là lời nhắc nhở tín đồ: một thể pháp quan trọng của đạo Cao
Đài được tượng trưng ở đây.
Suy nghĩ của tín đồ.
Tuy nhiên, đó là thông tin tối thiểu mà các tín đồ nhận
được. Thậm chí có nhiều vị còn chưa nắm và vẫn nghĩ rằng làm vậy là kính lễ các đức ngài Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư và
Cao Hoài Sang. Điều mà hầu hết chúng ta làm gần một trăm năm nay là sau khi làm
lễ, chữ Khí hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí của chúng ta. Còn quá nhiều việc
choán lấy bộ óc đến nỗi không còn ai nghĩ gì đến hơi thở và không khí nữa.
Ngoài việc quá bận rộn sinh sống hằng ngày ra còn một
điều nữa cũng đáng để ý lắm. Đó là có lẽ vì chúng ta đã quen sống trong văn hoá
Á Đông, nơi mà đặt câu hỏi với người trên trước như ông bà, cha mẹ, thầy giáo,
quan chức đều bị xem là vô lễ. Vì thế, trước các biểu tượng tôn giáo, chúng ta
cũng chỉ tỏ lòng kính trọng chứ không dám đặt bất kỳ câu hỏi nào. Tôi nhớ một
anh bạn người Mỹ dạy học chung với tôi đã nói: Dạy tiếng Anh ở Việt Nam khoẻ lắm,
không cần soạn bài. Hỏi tại sao thì anh nói học sinh Việt không có hỏi lại, dạy
sao học vậy. Cay đắng lắm, nhưng tôi phải đồng ý với anh vì hơn ngàn năm bị người
Tàu cai trị, người Việt chỉ được dạy phải ghi nhớ cho nhiều, chớ không được dạy
phải sáng tạo hay phát minh. Dù nghe đáng buồn nhưng bây giờ có lẽ chúng ta hiểu
được lý do tại sao người phương Tây văn minh gấp ngàn lần chúng ta rồi vậy. Họ
luôn đặt câu hỏi để hiểu cho đến nơi và nghĩ cách làm cho được việc chứ không dễ
dàng cúi đầu nghe theo vì sợ thất lễ.
Thực dụng phương Tây
Nói chung, với người Việt chúng ta, phần đông vẫn còn
lấy số lần lễ bái, số lần tụng kinh hoặc số lần đi làm từ thiện để tính kết quả
tu học của một người. Ăn chay tụng kinh vài chục năm chắc chắn là “gần thành Phật”
hơn mới vào chùa quét lá bồ đề vài bữa.
Thường thì chúng ta ít suy nghĩ thâm sâu để đạt được trạng thái mà người xưa gọi
là ngộ đạo. Nhưng thế nào là suy nghĩ thâm sâu? Đại khái là đặt nhiều câu hỏi
có liên quan rồi tìm cách trả lời. Hãy xem người phương Tây khi gặp khó khăn họ
liền nghĩ ra cách gì đó và áp dụng vào cuộc sống xem kết quả thế nào. Cách này
không được thì họ tức thì đổi cách khác. Đạt kết quả rồi họ vẫn tìm cách nâng
cao hơn chứ không hài lòng dừng lại. Thí dụ như chúng ta được Đấng Cao Đài dạy
chữ Khí quan trọng, nhưng chúng ta chỉ kính cẩn xá chữ Khí là xong. Dù không được
dạy như vậy, nhưng khi có dịch COVID-19 người phương Tây lập tức thấy ngay cốt
lõi của vấn đề: hệ hô hấp của con người bị tấn công và để lại di chứng. Ngoài
việc chế tạo vaccine, họ lập tức tìm tòi và phát hiện ra cách thức người Ấn Độ
và Trung Hoa cổ đại hít thở là hữu ích chứ không đơn giản là một nghi lễ tôn
giáo. Mới đây nhất họ đã phát hiện ra nhịp thở có mối liên quan đến não bộ. Dịch
COVID-19 đã dẫn họ đến ý nghĩa của chữ Khí đặt sau tượng Hộ Pháp của Cao
Đài.
Vậy nhân tiện xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt một
bài viết trên trang web Neuroscience của Erik Driscoll. Đây là một chuyên trang
nghiên cứu về thần kinh và nhận thức của con người. Trang này có trụ sở tại
Texas, nước Mỹ, nhưng không nhận tài trợ của bất kỳ một chánh phủ nào hay công ty nào. Điều đó giúp cho những nghiên cứu
khoa học đăng trên trang này khách quan và đáng tin cậy. Bản gốc có thể tìm thấy
tại địa chỉ này:
Hô hấp tác động não bộ ra sao
“Hãy hít vào…Hãy thở ra…” “Hãy hít thở thật sâu và đếm
đến mười”. Có lẽ chúng ta đã từng nghe người ta bảo mình làm như vậy để giữ
bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng. Bây giờ Giáo Sư Micah Allen của
Khoa Lâm Sàng trường Đại Học Aarhus (Đan Mạch) đã tiến xa hơn nữa trong việc
tìm hiểu hô hấp ảnh hưởng bộ não người thế nào.
Giáo sư và các cộng sự đã lấy kết quả của mười mấy
nghiên cứu về loài gặm nhấm, khỉ, hoặc hình chụp não bộ người để lập ra một mô hình
điện toán nhằm giải thích hô hấp ảnh hưởng đến suy nghĩ. Giáo Sư Micah Allen giải
thích: Trong nhiều hành vi của các loài động vật khác nhau, nhịp điệu của não
có liên quan chặt chẽ với nhịp thở. Chúng ta dễ đáp ứng với thế giới bên ngoài
hơn khi hít vào và ít đáp ứng hơn khi thở ra. Người ta đã áp dụng điều này vào
những môn thể thao cần sự chính xác, thí dụ như xạ thủ chuyên nghiệp được huấn
luyện là hãy bóp cò vào cuối hơi thở ra. Nghiên cứu cho thấy chúng ta hít thở
không phải chỉ để sống mà thôi. Bộ não và sự hô hấp liên quan chặt chẽ hơn nhiều,
ảnh hưởng đến tình cảm, sự chú tâm và cách thức chúng ta đối phó với mọi sự việc.
Mô hình của giáo sư Allen cho thấy có một cơ chế trong bộ não liên kết nhịp thở
với mọi việc.
Hô hấp có thể tác động đến sức khoẻ tinh thần
Hiểu được hô hấp ảnh hưởng não bộ ra sao, và cụ thể
hơn nữa, ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ cũng như hành vi là mục tiêu quan trọng
nhằm điều trị và phòng ngừa những bệnh tật về tinh thần. Từ thực tế khó thở có
liên quan đến nguy cơ bị rối loạn tâm trạng như là lo âu và trầm cảm, chúng ta
biết bệnh đường hô hấp có liên quan đến bệnh tâm thần.
Giáo Sư Micah Allen giải thích rằng nghiên cứu cho thấy
có khả năng trong tương lai có thể trị
liệu những rối loạn tâm thần bằng cách sắp xếp lại nhịp điệu của bộ não và nhịp
thở thay vì trị liệu từng phần riêng rẽ như hiện nay. Ổn định tâm trí bằng cách
hít thở hiện nay là những cách cổ truyền như yoga hay thiền định. Nghiên cứu mới
làm rõ hơn vai trò của não bộ trong việc này. Đã phát hiện có ba cách não bộ kiểm
soát mối liên kết giữa hô hấp và hoạt động của chính nó. Thêm vào đó, phương
pháp thở cũng làm cho não bộ nhạy bén hơn, nghĩa là các tế bào thần kinh hoạt động
mạnh hơn trong một giai đoạn nào đó.
Sẽ có thêm nhiều nghiên cứu
Cuộc nghiên cứu này đã vạch ra một mục tiêu mới. Đó là
nghiên cứu những người bị bệnh hô hấp hoặc bị rối loạn tâm thần. Giáo Sư Micah
Allen và nhóm của ông đã bắt đầu một công trình nghiên cứu rồi. Ông nói chúng
tôi đang thực hiện nhiều công trình khác nhau dựa trên mô hình này. Malthe
Brændholt, một nghiên cứu sinh bậc Tiến Sĩ, đang xem xét các hình chụp não bộ
con người để tìm hiểu hơi thở ảnh hưởng đến cảm xúc và nhận thức của thị giác
ra sao.
Nhóm của ông cũng hợp tác với nhóm chuyên về phổi tại
Bệnh Viện Đại Học Aarhus. Ở đây người ta đang dùng thiết bị thí nghiệm để tìm
hiểu xem những người bị hội chứng hậu Covid có bị mất sự gắn kết giữa nhịp thở
và não hay không. Giáo Sư Micah Allen nói thêm sắp tới còn có nhiều công trình
nữa. Sẽ dùng ảnh chụp của con người và động vật để tìm hiểu hô hấp ảnh hưởng đến
não bộ ra sao và cả việc ảnh hưởng của các loại thuốc. Trong tương lai hy vọng
nghiên cứu cả những hoạt động như bị căng thẳng, giấc ngủ, hay cả việc bơi lội
vào mùa đông.
Giao điểm
Có lẽ đến đây, chúng ta thấy thái độ của người phương
Tây và Đông rất khác nhau. Tín đồ chúng ta thì làm lễ xá chữ Khí rồi bỏ đi,
quên mất. Còn Giáo Sư Micah Allen thì
hăng hái khởi đầu nghiên cứu xem hơi thở và thần kinh có liên quan gì? Trong
tương lai, chắc chắn sẽ còn có nhiều phát hiện và ứng dụng có ích cho loài người.
Riêng Đại Học Y Khoa Harvard (Cambridge, Massachusetts, USA) và Đại Học Y Khoa
danh giá Johns Hopkins (Baltimore, Maryland, USA) đã giới thiệu phương pháp thở
bụng (belly breathing) để giúp người bị chứng hậu COVID-19, người bị tắc nghẽn
phổi mãn tính, hoặc người bị huyết áp cao.
Có lẽ gia đình nào có bệnh nhân bị COVID-19 đang hồi
phục đều được các Bác Sĩ hướng dẫn cách thở này. Mời đọc thêm ở đây
Điều đáng để ý là những trường
đại học danh giá này sử dụng những từ như thở sâu (deep breathing), thở bằng cơ
hoành (diaphragmatic breathing) hoặc “thở bụng” (abdominal or belly breathing),
trong số đó “thở bụng” chính xác là từ
Bát Nương Diêu Trì Cung dạy trong quyển Bí Pháp Luyện Đạo đã có
trước dịch Covid-19 đến 37 năm. Hai
phương pháp thở của y học và tịnh luyện này giống nhau đến 99%.
Kết luận
Dịch bệnh COVID-19 là một bài học nữa cho loài người về
sự quan trọng của chữ Khí. Mặc dù tình hình có vẻ đang lắng dịu nhưng tương lai
vẫn chưa có gì là chắc chắn. Theo WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới) tính cho tới cuối
năm 2021 số người chết vì Covid-19 đã là 14.9 triệu và con số này chưa chắc là
số cuối. Những biến chủng vẫn xuất hiện đều đặn và không ai biết chừng nào sẽ
ngừng. Ta thử tưởng tượng một chút xem. Nếu có biến chủng nào đó mà thuốc ngừa
không có tác dụng nữa thì kết quả sẽ như thế nào? Vậy thì câu hỏi nổi bật đối với
người tín đồ Cao Đài bình thường chúng ta là hiện nay nên làm gì sau khi đã
loáng thoáng hiểu được ý nghĩa chữ Khí sau tượng Hộ Pháp? Theo ý kiến của tôi,
một tín đồ bình thường, thì những đề nghị sau đây cũng đáng để suy gẫm.
Thứ nhất, tiếp tục học thêm triết lý đạo bởi khả năng
bản thân còn hạn hẹp mà đạo thì vô tận. Đặc biệt là học tập những kết quả
nghiên cứu của Tây phương để bổ sung cho những thiếu sót của bản thân mình. Rồi
đây những biểu tượng ở Đền Thánh sẽ ngày càng được phát hiện và khi đó nhân loại
sẽ càng biết nhiều về Cao Đài. Có như vậy mới cứu loài người lần thứ ba theo
thiên ý được.
Thứ hai, áp dụng những điều học được càng nhiều càng tốt.
Thí dụ như trường hợp chữ Khí này đem lại cho tín đồ chúng ta bài tập thở để điều
hoà tinh thần. Vậy hàng đêm hãy tập thở bụng, ghi nhật ký theo dõi biến chuyển
của cơ thể để làm kinh nghiệm cho những thế hệ sau. Nếu chưa đủ công quả để thực
hành Bí Pháp Tịnh Luyện của Cao Đài thì cũng có lợi cho sức khỏe bản thân vậy.
* Từ Chơn.
Sài Gòn 22/11/2022