1 - Tại sao Đền Thánh không xây ở giữa nội ô mà tọa lạc tại một góc, đồng
thời nhô ra đường (Đại lộ Phạm Hộ Pháp):
- Chúng
ta biết Đền Thánh được xây cất đều do Đức Lý Giáo Tông giáng cơ trực tiếp chỉ
dạy qua Đức Hộ Pháp từ việc đo đạt kích thước, định vị trí, đến hình thể kiến
trúc ...Đức Lý còn tiết lộ vị thế cuộc đất Thánh địa gọi là lục long phò ấn,
nghĩa là 6 con rồng đoanh nhau... Như vậy việc Đền Thánh nằm ở một góc nội ô
cũng do Ơn Trên dạy bảo, ắt hẳn Đền Thánh nằm trên Long mạch quý báu ngoài ra
còn có ý nghĩa sâu xa huyền bí trong đó ta không thể nghĩ bàn cho chính xác
được.
- Còn tại
sao Đền Thánh hơi nhô ra ngoài đường, nghĩa là khi đi trên đại lộ Phạm Hộ Pháp
từ đằng xa chúng ta đã nhìn thấy lầu chuông và lầu trống như ló ra ngoài đường.
Theo sự giải thích của một số vị chúc sắc thì việc nầy ý nghĩa là Đức Chí Tôn
đem Đạo phơi bầy ra cho nhơn sanh thấy để vào Đạo mà tu chớ không phải mất công
tìm kiếm khó khăn. Đức Hộ Pháp cũng từng thuyết xưa kia người ta khó khăn lắm
mới tìm được Đạo để tu hành, còn ngày nay trái lại Đạo đi tìm người...
2 - Ý nghĩa Vọng Thiên Cầu Đạo của ba vị : Phạm công Tắc, Cao Quỳnh Cư và
Cao Hoài Sang buổi ban sơ là gì ?
Lần đọc
lại trang Đạo sử, Sau khi 3 vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang
theo lịnh Đức A, Ă, Â tổ chức Hội Yến Diêu Trì Cung tại nhà Ngài Cư vào Rằm
tháng 8 năm Ất Sửu, đến ngày 27-10-Ất Sửu, Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ giáng đàn
truyền lịnh: "Mùng một nầy tam vị đạo hữu Vọng Thiên Cầu Đạo".
Đến ngày
mùng 1 tháng 11 năm Ất Sửu, ba vị tắm gội tinh khiết, mặc quốc phục lập bàn
hương án trước sân nhà Ngài Cư. Ba vị cầm 9 cây nhang quì khấn vái như lời Đấng
A, Ă, Â dạy: "Ba tôi là…Vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn đủ phước lành
cho ba tôi cải tà qui chánh". Sau khi quì tàn 9 cây nhang các Ngài vào
nhà cầu cơ thì có Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng cho thi…
Vọng
Thiên Cầu Đạo là mở màn cho việc lập đạo Cao Đài. Tại sao việc lập Đạo do Đức
Chí Tôn trực tiếp truyền dạy lạy bắt quí Ngài phải cầu Đạo ? Việc cầu Đạo có
vài ý nghĩa như sau:
- Đạo Cao
Đài lấy triết lý Thiên nhơn hiệp nhứt làm căn bản. Nhìn tượng Tam Thánh ký Hòa
ước ta thấy rõ điều nầy. Thiên thượng và Thiên hạ hiệp sức tạo lập cho cõi thế
gian hưởng được Bác ái và Công bình…Về việc phân quyền hành thì Quyền Vạn Linh
là quyền toàn sanh chúng đối lại với quyền Chí Tôn tại thế…Nên việc mở Đạo phải
có sức người mới thành tựu được.
- Việc
cầu Đạo cũng giống như khi ta cầu nguyện thì các Đấng mới nương theo làn tư
tưởng của ta mà ban ân lành cho. Đây là nguyên lý về mặt siêu hình như Kinh
Thánh cũng có dạy : Hãy gõ thì cửa sẽ mở…
- Về Đạo
học, người xưa cũng cũng có câu: Nhơn năng hoằng Đạo, Đạo bất hoằng nhơn nghĩa
là Người có thể làm cho Đạo truyền rộng lớn thêm ra nhưng Đạo không làm cho
người thêm rộng lớn được…Vậy Đạo là mở ra cho người và phải cần có sức người
Đạo mới trường lưu nhập thế.
- Việc
Cầu Đạo cũng nhằm khai mở tâm thức quý Ngài đã từng nhận lãnh sứ mạng Thiêng
Liêng giáng trần giúp Chí Tôn mở Đạo. Quý Ngài sẽ nhớ lại lời ký hứa trên kia
và quyết tâm thi hành sứ mạng khai mở Đạo Trời…
3 - Câu kinh: Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu nói lên ba bửu pháp của tam
giáo, tại sao Đạo Cao Đài lấy kinh Xuân Thu làm bửu pháp của Đạo Nho ?
Kinh Xuân
Thu do Đức Khổng Tử soạn ra. Theo quyển Nho Giáo của cụ Trần Trọng kim, nhìn bề
ngoài đây là một bộ sử biên niên nước Lỗ, chép từ đời Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công
(từ năm 722 đến năm 481 trước công nguyên) trong đó có ghi lại cả việc nhà Chu
và việc các nước chư hầu. Đức Khổng dùng việc chép sử để bày tỏ quan điểm triết
lý về chánh trị của mình. Thời Xuân Thu là thời kỳ loạn lạc, vua các nước chư
hầu làm nhiều điều bạo ngược, ai cũng muốn lấn quyền Thiên tử nhà Chu. Ngài
mượn lối văn làm sử, nói việc đã qua để ngụ cái ý của Ngài. Mỗi chữ Ngài dùng
để định rõ người tà người chính. Sự khen chê là ở chữ Ngài dùng. Có khi chỉ một
chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên
cổ…
Người đời
sau bàn về kinh Xuân Thu có câu rằng: Một chữ khen thì vinh hơn cái áo Cổn vua
ban, còn một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa…
Người nào
hiểu ý nghĩa kinh Xuân Thu thì dùng nó để tu thân lập chí, sẽ trở nên bậc
trượng phu quân tử. Chính Đức Quan Thánh Đế Quân suốt đời Ngài luôn đọc Xuân
Thu và đã trở nên bậc Thánh rồi sau lên đến hàng Phật Vị…
Giá trị
kinh Xuân Thu quan trọng như thế nên ngày nay Cao Đài gọi là Nho Tông chuyển
thế và lấy bộ kinh Xuân Thu làm cổ pháp của đạo Nho là điều rất hợp lý vậy…
4 - Cao Đài chủ trương thuyết đại đồng như trong Phật Mẫu Chơn Kinh có câu:
Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng, vậy đại đồng là gì ? Cao Đài thực hiện
đại đồng như thế nào ?
Theo Cao
Đài Từ Điển (HT Hồng) "Đại là Lớn, Đồng: cùng chung. Đại
đồng là cả thế giới chung một nhà, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc.
Xã
hội đại đồng là một xã hội trong đó khắp mọi nơi đều hòa bình, an lạc, mọi
người đều bình đẳng, không còn phân biệt chủng tộc, quốc gia, xem nhau như anh
em một nhà. Đó là một xã hội thái bình an lạc lý tưởng, là đời Thượng nguơn
Thánh đức, mà nhơn loại đều mong ước".
Cao Đài
lấy tôn chỉ Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt lập nên một nền tảng giáo lý
đại đồng tức là loài người không phân biệt màu da sắc tóc đều được Đức Chí Tôn
ban cho điểm linh hồn và Đức Phật Mẫu ban cho chơn thần nên mới có sự sống. Vậy
tất cả nhân loại không phân biệt quốc gia chủng tộc đều là anh em với nhau.
Trong
kinh Phật Mẫu cũng có câu: Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch…tức là
hiệp cả loài người về cùng một Đạo, nhìn
nhau cùng một nguồn cội. Như vậy sẽ không còn cảnh chiến tranh chém giết lẫn
nhau mà thiên hạ sẽ thái bình thịnh
vượng…
Nhân loại
ngày nay vì tranh giành miếng ăn chỗ ở mới gây cảnh tàn sát lẫn nhau điển hình
như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hiện tại. Nếu họ nhìn nhau là anh em một nhà
thì đâu đến nỗi gây cảnh máu xương cho 2 dân tộc và sự suy sụp kinh tế của cả
thế giới đều chịu khổ nạn do lòng tham lam thù hận của con người mà ra cả…Thế
giới ngày nay, các nước đua nhau chế tạo vũ khí hạt nhân để sát phạt lẫn nhau,
nếu đà nầy tiến triển mãi thì nhân loại có lúc sẽ đối mặt với nạn diệt vong
không tránh khỏi…
Chính vì
muốn cứu nhân loại khỏi nạn diệt vong nên Đức Chí Tôn mới đến lập nên đạo Cao
Đài, lập nên thế giới đại đồng để qui nhứt đức tin loài người như cứu cánh của
đạo Cao Đài qua câu: Nhân loại sẽ là một, một về nòi giống, một về tôn giáo,
một về xã hội…
Loài
người ngày nay tự cao, tự đắc dựa vào những tiến triển của khoa học kỹ
thuật không còn giữ được nền tảng đạo
đức nữa…Những nhà tôn giáo, đạo đức cũng đành bất lực trước những tệ nạn xã hội
ngày càng lộng hành khắp nơi không phương cứu chửa…Bây giờ chỉ còn trông chờ
vào sự thị hiện của một Đức Chúa tái lâm hay một Phật Di Lạc đầy quyền năng mới
mong cứu khổ cho nhân loại…
Đạo Cao
Đài đã tiên liệu trước sự ra đời của Đức Di Lạc Vương :
"Hổn
Ngươn Thiên dưới quyền giáo chủ,
Di
Lạc đương thâu thủ phổ duyên,
Tái
sanh sửa đổi chơn truyền,
Khai
cơ tận độ cửu tuyền diệt vong,…
…Thâu
các Đạo hữu hình làm một,
Trường
thi Tiên Phật dượt kiếp khiên,
Tạo
đời cải dữ ra hiền,
Bảo
sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn."
Cứ như
những lời kinh trên thì chúng ta chỉ còn chờ và cầu nguyện Đức Phật Di Lạc sẽ
thị hiện trong cửa đạo Cao Đài và chính Ngài sẽ cứu vãn nhân loại mà thôi…
5 - Trong câu kinh: Ngồi trông con đặng phi thường, Mẹ đem con đến tận
đường hằng sanh, chữ phi thường có ý nghĩa như thế nào ?
Thứ nhứt:
Chữ phi thường là chỉ những việc làm cao cả vượt trên mức bình thường như sự
tích Đức Quan Âm Thị Kính chịu đựng hàm oan nhẫn nhục để nuôi con… Cũng giống
như Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng từng chịu hàm oan do sự tố giác của kẻ thiếu
lương tâm làm cho Ngài phải mang tiếng xấu, nhờ sự nhẫn nhục đó tạo nên ngôi vị
Phối Thánh cho Ngài…
Một
trường hợp nữa qua cuộc Trấn Thánh Phi Châu của Đức Hộ Pháp, Ngài biết quân đội
Pháp sẽ đến bắt Ngài nhưng Ngài nhất quyết không trốn lánh mà ngồi đó cho họ
đến bắt và đày qua Phi Châu hơn 5 năm trời. Phải có can đảm phi thường Đức Ngài
mới giữ vững được tinh thần như vậy…
Con người
phi thường sẽ tạo nên công đức phi thường thì được Mẹ đem về cõi Thiêng Liêng
hằng sống…
Thứ hai:
Chữ phi thường còn có nghĩa những nổ lực không mệt mỏi nhằm chiến thắng hay
hoàn thiện bản thân để tiến bước trên đường tu và cuối cùng cũng được đoạt vị
thiêng liêng…Thí dụ như Đức Hộ Pháp có kể lại chuyện Đức Quyền Giáo Tông lúc
còn ngoài đời Ngài cũng ghiền á phiện là một thú vui của giới giàu sang thời
đó… nhưng sau khi gặp Đạo Ngài bỏ liền trong một ngày chớ không luyến tiếc…Phải
có một đức tin và một ý chí phi thường Ngài mới xả bỏ như vậy được…
Còn người
bình thường như chúng ta, trước kia ăn thịt cá hằng ngày quen rồi nhưng nay
biết tu liền ăn trường chay được cũng kể là một hạnh phi thường…
Hay như
chúng ta hiểu được bí pháp tứ thời tụng niệm, trước kia làm biếng cúng Thầy nay
luôn giữ đúng 3 thời mỗi ngày, dầu mưa hay nắng, bận hay rảnh cũng không sai
sót, đó cũng là một việc phi thường rồi vậy…
Tóm lại,
phi thường trong việc làm cao cả, phi thường trong ý chí nhẫn kiên, phi thường
trong chiến thắng thói hư tật xấu để hoàn thiện bản thân… thì sẽ làm vui lòng
Đại Từ Mẫu và Người sẽ giúp ta về cõi vĩnh hằng đó vậy…
* Bảo Chơn (ghi lại)
NỐI BƯỚC N°7.Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] .