Càn Khôn Sản Xuất Hữu Hình - Bát Hồn Vận Cuyển Hóa Thành Chúng Sinh. * Lê Thị Ngọc Vân.

Vương Trần (phần 2)
* Kính thưa Quý Hiền thân hữu, hôm nay tiện muội viết tiếp phần 2 của bài Vương Trần, phần 1 tiện muội kể về câu chuyện Hoa Phù Dung, loài hoa sớm nở tối tàn. Chuyện kế về 1 nàng Tiên nữ ở Diêu Trì Cung nơi Tiên giới nhưng tâm chưa an tịnh, còn ưu sầu biểu hiện qua nét mặt sầu muộn, dù nàng rất đẹp và hiền hòa. ĐỨC PHẬT MẪU thấy nàng u sầu như vậy nên cho nàng xuống trần và ban cho lá bùa Phi Thiên để quay trở về Tiên giới, nàng xuống trần với trách nhiệm học hỏi, hiểu về kiếp nhân sinh chìm nổi những khổ đau của kiếp người để tâm tu luyện hơn trên đường tấn hóa. Nhưng khi xuống trần mang lấy xác phàm nên lục căn tiếp xúc với lục trần tạo nên luyến ái sắc dục, nàng đánh mất bùa Phi Thiên, và quên ngôi vị cũ ở chốn Ngọc Đình quê xưa và phạm Thiên điều, đành trở lại kiếp Thảo mộc hồn làm một loài hoa sớm nở tối tàn. Chúng ta thấy rõ luật Thiên điều nghiêm khắc và công bình.
Trong phần 2 của bài Vương Trần, tiện muội mời Quý Hiền thân hữu dù Cao Đài giáo hay tôn giáo khác đi cùng tiện muội tìm hiểu về sự sống chuyển hóa được tiếp nối từ các loài thấp nhất trên đại địa này cho đến phẩm Nhơn hồn đứng hàng thứ 4 trong Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.
* Từ loài thấp nhất là đất, đá gọi chung là Kim Thạch hồn, rồi đến Thảo mộc hồn, kế lên là Thú cầm hồn và khi tiến lên Nhơn hồn là phẩm thứ 4 trong Bát hồn vận chuyển 
Đầu tiên trong khoảng không vô tận có một khí hỗn mang gọi là Hư vô Chi Khí mang một năng lượng rất mạnh tự quay quanh mình khi năng lượng quá lớn tạo thành một tiếng nổ lớn (Big bang) phân chia khí thành 2 phần:
Thanh-trược, tạo ra khí Âm và khí Dương. Khí Âm nặng nhiều trọng trược nên lắng xuống tạo thành đất đá gọi là hạ giới hữu hình, khí Dương thanh nhẹ nổi lên trên tạo thành Thượng giới, khi đã phân chia Âm Dương tạo thành càn khôn vũ trụ thì khí Hư vô Chi Khí phân tánh ra một Ngôi Âm đầu tiên, từ đó dùng năng lực khởi nguyên làm Âm Dương hoà hợp gọi là Lưỡng Nghi, từ Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái và vạn loài được hình thành. Tuy nhiên để phân biệt âm-dương thì tùy theo âm nhiều hơn hay dương nhiều hơn trong mỗi loài vật chất mà từng loại được chia ra. Vậy trong âm có dương và trong dương vẫn có âm để sự sống được nối tiếp nhau tuy có thay đổi. Hư Vô Chi Khí là Khí Uyên Nguyên khởi thủy bất tiêu bất diệt tạo thành càn khôn vũ trụ nên gọi là Đấng Sáng Thế hay Thượng Đế và tín đồ Cao Đài gọi là Đức CHÍ TÔN hay một cách trìu mến là Đức ĐẠI TỪ PHỤ là CHA của vạn loài. Và do NGÀI phân tánh Ngài ra Ngôi Âm để hòa hợp thành sự sống nên Ngôi Âm đầu tiên đó là Đức PHẬT MẪU.
ĐỨC PHẬT MẪU được ĐỨC CHÍ TÔN cho Quyền Pháp để tạo vạn loài, Ngài cầm Pháp để hóa sanh muôn vật:
" Âm Dương kiến tạo nên hình 
Lo cho nhơn, vật về phần hữu vi" 
(Kinh Táng Tụng Phật Mẫu)
hay Càn Khôn sản xuất hữu hình.
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh" (Kinh Phật Mẫu Chơn Kinh).
Và tín đồ Cao Đài gọi Ngài là Đức ĐẠI TỪ MẪU là MẸ THIÊNG LIÊNG của chúng sanh.
* Trở lại từ Kim Thạch hồn là loài thấp nhất trong vũ trụ vì chưa có sinh hồn. Chỉ được thọ hưởng Linh khí của Càn Khôn là khí Âm Dương, theo thời gian và không gian mà Kim Thạch hồn tấn hóa, tuy nhiên phải chịu đựng qua nhiều kiếp, như ta thấy tuy cũng là đất, đá nhưng có loại đá quý người ta trân quý như bảo vật, có loại phải chịu đựng sự đẻo gọt của khí hậu, gió mưa hay bàn tay của con người để làm vật có ích cho người. Đó là sự hy sinh để tấn hóa. Trải qua nhiều lần thay đổi hữu hình, Kim Thạch hồn được Đức Phật Mẫu ban cho Sinh hồn là bắt đầu vào hàng thứ hai gọi là Thảo mộc hồn. Đã có sinh hồn thì thảo mộc phải tự sinh tồn bằng cách hút dưỡng chất từ đất, nước nơi gốc rễ dưới đất và lá để trao đổi khí mang lại lợi ích cho người. Có sinh hồn nên có khả năng truyền giống, lưu truyền tồn tại nhưng phải qua trung gian khác.Và muốn tấn hóa phải chịu đựng hy sinh như làm thức ăn cho loài cao cấp khác, làm thực dưỡng nuôi đất hoặc làm vật liệu hữu dụng cho con người. Trải qua muôn ngàn kiếp luân chuyển như vậy, thảo mộc hồn sẽ nhận được Giác Hồn của Đức Phật Mẫu ban cho để bước vào hàng thứ ba là Thú cầm hồn, dưới hàng Nhơn phẩm.
* Lúc này Đức Phật Mẫu ban cho Giác hồn nằm ở não, và đầu đã ngoi lên mặt đất. Tuy não của thú cầm còn nhỏ nhưng có giác hồn nên thú cầm biết đau, biết giận dữ, biết yêu thích, sợ hãi, và biết truyền giống, sống tụ tập thành bầy đàn để bảo vệ cho nhau hoặc gần gũi với con người hơn. Từ thú cầm để bước vào hàng Nhơn hồn cũng phải trải qua nhiều kiếp luân chuyển trong vòng xây chuyển của Càn Khôn, do biết giận dữ hoặc yêu thương mà thú cầm phải chịu hy sinh cho bầy đàn để bảo vệ sự sống chung hoặc làm thức ăn cho loài cao cấp khác. Do đó qua nhiều kiếp luân chuyển từ từ giác hồn tấn hóa để bước vào hàng Nhơn hồn.
* Nhơn hồn là phẩm thứ 4 trong Bát hồn vận chuyển, được ĐỨC CHÍ TÔN ban cho điểm Linh Quang chiết từ khối Đại Linh Quang của ĐỨC CHÍ TÔN để bước vào hạng Nhơn phẩm là hàng Tam tài: Thiên, Địa, Nhân.Lúc này làm người thì đầu đã đứng thẳng.
* Như vậy từ 1 hạt bụi bay trong cõi thiên hà biết bao nhiêu năm thọ hưởng Linh khí của Càn Khôn vũ trụ để tới lúc nào đó bước vào cõi nhân gian chuyển luân muôn ngàn kiếp để làm người. Khi đó phải vượt qua hàng triệu sinh linh khác để bám trụ vào một nhân duyên, mượn khí huyết,sinh lực của con người để bước vào hàng Nhơn phẩm. Biết bao may rủi mà nhà Phật gọi là duyên khởi. Còn Nhân sinh quan của Cao Đài cũng tương đồng với khoa học.
Sự kết hợp Âm Dương tạo thành sự sống mới, Nhứt Âm là trứng hoặc nhứt Dương là tinh trùng thì không thể thành người được. Để trở thành âm dương kết hợp thì nhứt dương đó phải vượt qua hàng triệu sinh linh khác để gặp gỡ nhứt âm, một trứng duy nhất đó cũng phải tự thân tìm nguồn dinh dưỡng chín muồi, bỏ qua hàng trăm ngàn trứng khác tìm đường đến với nhứt dương để tạo thành một nhân duyên mới. Từ đó âm dương phải hòa hợp với sinh lực và khí huyết của cha mẹ để thành một con người. Thật là điều kỳ diệu.
Được làm người là một vinh dự lớn lao như câu Kinh "Dễ gì lộn kiếp đặng làm người, Nay đặng làm người khá dễ duôi..." Từ hàng Nhơn phẩm trong Bát hồn vận chuyển sẽ học hỏi để tinh tấn tiến hóa lên hàng Thần, Thánh, Tiên... tùy theo trình độ giác ngộ tu hành luyện tập công quả công phu công trình nhất là phải lập công để tấn hóa. Do đã có đầy đủ 3 thể là Chơn Linh là Điểm Linh Quang của ĐỨC CHÍ TÔN ban cho, Chơn Thần là của Đức PHẬT MẪU tạo nên và thể hữu hình do khí huyết của cha mẹ tạo thành.
Thể xác hữu hình còn mang những chủng tử từ loài thú cầm nhiều hay ít do có tu tập nhiều kiếp hay không, và khoa học ngày nay đã phân tích chuỗi ADN của con người và các loài động vật khác đã tìm thấy có nhiều phần trăm ADN giống nhau giữa người và thú.Điều này cũng như thân ta cũng từ 4 nguyên tố C, H, O, N là 4 nguyên tố tạo nên vật chất hữu hình, tất cả chỉ là sự sắp đặt kết hợp giữa các chuỗi ADN và 4 nguyên tố C, H, O, N này để phân biệt các loài mà thôi.
Tuy nhiên ĐỨC PHẬT MẪU ban cho Chơn thần nằm ở một phần của não bộ, nhà Phật gọi là Mạt na thức. Vì nương vào não nên gọi là bán hữu hình, mượn hình ảnh của thể xác mà dân gian gọi là Phách vía. Chơn thần nhận tín hiệu từ não do lục căn tiếp xúc với lục trần tạo nên ý thức, ý thức là Mạt na Thức chứa các ý niệm từ đó đưa ra hành động, ý thức điều khiển hành vi do la Chơn thần phải làm chủ được thể xác, không để thể xác lôi kéo vì thể xác mang lục căn.
Phần quan trọng nhất của hàng Nhân phẩm là được ĐỨC CHÍ TÔN ban cho Điểm Linh Quang chiết từ khối Đại Linh Quang của ĐỨC CHÍ TÔN mang tánh trong sạch vô tư và vô hình vô ảnh bất tiêu bất diệt nên gọi là Chơn Linh. Chơn Linh mang trọng trách nhắc nhở Chơn Thần đừng để thể xác lôi kéo, phải làm chủ thể Ta có thể nói con người như một chiếc xe, những bộ phận động cơ của xe là thể xác, và năng lượng, khởi động để xe chạy là xăng dầu là Chơn thần, và để xe chạy đúng hướng là người cầm lái, tài xế, đó là Chơn Linh. Nếu không có đầy đủ 3 yếu tố trên thì xe không hoạt động & Những chủng tử còn sót lại từ lớp thú cầm mà ta đã mang qua nhiều tiền kiếp xa xưa có một sức hút mạnh mẽ khiến dục thân xác ta vì mưu sinh, tìm kiếm những thỏa mãn vật chất, những dục lạc ái tình đã quyến rũ Chơn thần mất sự sáng suốt (nhà Phật gọi là màn vô minh che lấp Phật tánh). Chơn thần không tiếp xúc được với Chơn Linh trong sạch nên xa dần đạo đức, quên mất sứ mạng tấn hóa để trở nên hiền nên Thánh. Vướng mắc trong lục dục thất tình thì đành chịu lăn trôi theo vòng cuồn cuộn của nghiệp lực do buồn vui phiền não nơi cõi trần luân luân chuyển chuyển mãi trong hồng trần giả tạm.
* Biết bao may rủi trong quá trình chuyển hóa vào hàng Nhơn phẩm ở cõi nhân gian này, trải qua bao lần sanh tử đến giờ này được làm người càng phải trân quý sự sống của thân mạng để trả ơn tất cả đã vì ta cho ta sự sống, ta không nên lỡ làng của khổ đau, vì luyến ái ôm chấp ngã "cái của tôi" khi không toại nguyện hoặc danh, sắc, lợi, quyền tìm hạnh phúc ở chỗ thỏa mãn vật chất hữu hình, thỏa mãn "cái tôi" mà bỏ quên trách nhiệm đến cõi nhân gian này để làm gì được gì!
 
Đối với chúng ta mang xác phàm đứng vào hàng thứ 4 trong Bát hồn vận chuyển là địa vị cao nhất trong hàng động vật ở cõi ta bà này, mang trong mình một phần của Đức CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ là đức tính háo sanh thương yêu muôn loài, nhà Phật gọi là Phật tánh, lòng từ bi không vô can sát hại sinh mạng nào dù nhỏ bé vì cùng đồng hưởng sự sống từ Đức CHÍ TÔN. Lấy tấm lòng bao dung tha thứ, khiêm hạ để thực hiện chữ Hòa Ái, sao cho hòa bình và an lạc có mặt khắp nơi trên địa cầu này, thuận theo nguyên lý âm dương hòa hợp để sinh tồn phát triển trong lý Nhất Nguyên.
Lời ĐỨC CHÍ TÔN dạy: "Nơi thân phàm các con mỗi đứa THẦY đều cho một Chơn Linh đến gìn giữ cái chơn mạng sinh tồn. Đấng Chơn Linh ấy vô tư mà lại đặng phép thông công cùng cả Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai đặng dâng vào Tòa Phán Xét. Bởi vậy một mảy may không qua, dữ lành đều có trả, lại nữa các Chơn Linh ấy tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi mà còn dạy dỗ, các con thường nghe người đời gọi lộn "Lương tâm" là đó." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 2 trang 66).
 
* Để kết thúc bài viết về kiếp nhân sinh chúng ta đứng vào hàng Tam tài: Thiên Địa Nhân phải làm tròn sứ mạng tự độ và đến độ tha, để cõi thế gian giảm đau khổ, hòa bình an lạc ngay tại thế gian này. Và con đường tấn hóa để trở về "Phản bổn hoàn nguyên". Trở về với khối Uyên Nguyên của THẦY" THẦY LÀ CÁC CON, CÁC CON LÀ THẦY ".
Tiện muội xin gởi đến Quý Hiền bài thơ nhỏ để cho vui sau đọc bài khô khan do ngôn từ thô thiển của muội.
- Con là hạt bụi bay 
Rơi vào vòng nhân thế 
Nhờ Ân sủng của THẦY 
Con vượt qua dâu bể.
- THẦY là ĐẠI TỪ PHỤ 
 Của muôn vạn sinh linh 
 Buổi bình minh vũ trụ 
 THẦY tạo thành Càn Khôn 
 Vạn vật được sinh tồn.
 Nhờ Linh khí của CHA.
 Từ hạt bụi ngàn năm 
 Con lên hàng Nhơn phẩm 
 Sự sống không rời xa 
 Chỉ là con thay đổi 
 Đường con đi phía trước 
 Xin tín thác nơi CHA
 Lập công theo hồng phước 
 Phụng sự bằng tình thương 
- Mảnh thân là bụi đất 
 Trả về bụi tro than 
 Còn lại điểm Linh Quang
 Quay về bên Chân THẦY.
     
Xuống trần cứ tưởng là chơi 
Nào ngờ oan nghiệt gọi mời trói căn 
Giờ đây phủi sạch hồng trần 
Linh căn trở gót bỏ thân vô thường.
 
Sài Gòn, tháng bảy Trung Ngươn Giáp thìn. 2024.     
* Lê Thị Ngọc Vân.
Home.  Mục Lục: 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]