VÀI ĐIỂM MỚI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI. * Từ Chơn.

Những cách thức liên lạc với cõi thiêng liêng
Hình chạm nổi trên trần Đền Thánh Tây Ninh
M đu 
Mỗi tôn giáo đều có những qui luật nội bộ riêng phù hợp với không và thời gian. Tuy nhiên, không gian luôn thay đổi và thời gian vốn tương đối, nên tôn giáo phải điều chỉnh giáo lý và nghi lễ liên tục.
Đạo Cao Đài xuất hiện khi xã hội Việt Nam phải trải qua nhiều thay đổi lớn lao sau mấy ngàn năm chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa đậm nét. Lần đầu tiếp xúc văn minh phương Tây do người Pháp đem đến đã gây choáng ngợp mọi mặt. Trong hoàn cảnh giằng co nửa muốn níu kéo truyền thống, nửa muốn học theo điều mới lạ, người Việt đã mất khá nhiều thì giờ mới thích nghi được với nhịp sống mới. Đạo Cao Đài đã làm vừa lòng các bậc sĩ phu miền Nam bằng cách đem đến cho họ cả hai điều này.
Đã có nhiều tác giả bàn về hai khía cạnh này, bài viết này xin được nhấn mạnh những điểm mới mẻ. Kính mời đọc giả đi vào điểm thứ nhất.
Đc Chí Tôn dy v tc cúng cơm
Trước tiên, kính mời quý vị đọc trích đoạn thánh ngôn sau đây.
Thứ hai, 27-12-1926 (âl 23-11-Bính Dần). 
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
viết
CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh

Ngài Lê Văn Lịch cầu hỏi xin cúng cơm cho ông lão.
Đức Chí Tôn trả lời : Đặng. (Cười . . . ) Nếu Thầy định thì Thầy sẽ dạy con đừng cúng kiếng chi hết vì Chơn Nhơn chẳng còn hưởng của phàm bao giờ. Con làm tiệc đãi, chớ chẳng nên gọi cúng. 
 . . .(Đạo Sử II)
Từ lâu trong dân gian, đã hình thành một quan điểm là thế giới của người đã khuất cũng giống như thế giới người sống. Ở Trung Quốc và nhiều nước ở Châu Á, người ta cho rằng cõi thiêng liêng cũng có một cơ quan điều khiển giống như triều đình, và các linh hồn cũng ăn uống, sở hữu của cải giống như các thần dân dưới thế gian.

Vì vậy ai cũng ra sức xây lăng mộ cho thiệt lớn, đem theo tiền bạc cho thiệt nhiều. Ngày giỗ hoặc đám tang, người ta mời người đã mất ăn uống (cúng cơm), đốt tiền giấy, xe nhà, hình nộm người hầu gởi cho họ. Tục lệ đốt vàng mã này ảnh hưởng sâu đậm ở Việt Nam. Vụ đốt vàng mã lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là trong đám tang của Vua Khải Định, triều đình Huế đã đốt nguyên ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn và nhiều đồ dùng của nhà vua như ngự liễn, long xa, tàn kiệu. (Trích Wikipedia 2024).

Trở lại thánh ngôn nêu trên, ngài Lê Văn Lịch, một tu sĩ Minh Sư sau được phong Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt trong đạo Cao Đài, xin phép được cúng cơm cho cha. Như đã thấy, Đức Chí Tôn trả lời là được, nhưng giải thích thêm là người đã khuất đâu có dùng được thức ăn trần gian. Vậy nên dùng từ đãi tiệc, nghĩa là mời người thân còn sống. Suy ra, cúng cơm không phải là một Thể Pháp của Cao Đài mà là tập quán có sẵn của người Việt.
 
Tuy nhiên, Đức Chí Tôn chỉ dạy nhẹ nhàng mà không bác bỏ thẳng thừng và còn nói thêm là Thầy không đến để sửa đạo. Nghĩa là những phong tục từ trước tới nay cũng chấp nhận được, nhưng nên hiểu rõ ý nghĩa chứ đừng nhắm mắt theo tục lệ có sẵn. Đây là tấm gương về hạnh khiêm tốn khi truyền đạo của Đức Chí Tôn mà có lẽ chúng ta phải mất cả trăm kiếp mới làm theo  được.

Đám giỗ ở miền Nam Việt Nam
Có lẽ vì Đức Chí Tôn nói nhẹ nhàng như cha dạy con, nên ngày nay, tín đồ chúng ta không thấy đó là quan trọng, vẫn còn cúng cơm theo tục lệ cũ. Không những vậy nếu cuộc sống khá giả người ta cúng cơm càng lớn trong ngày giỗ. Thậm chí mời cả họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp, quan chức địa phương đến dự, nhậu nhẹt, hát karaoke đôi ba ngày ầm ĩ. Dĩ nhiên, mọi người có quyền làm như vậy nếu có rủng rỉnh tiền vì việc đó cũng có ích trong giao thiệp xã hội. Nhưng tín đồ Cao Đài thì nên hiểu đó là tục lệ ngoài đời, không phải Thể Pháp Cao Đài, do đó không ích lợi gì cho phần linh hồn hết.

Đc Pht Mu dy chuyn l bái do ý phàm bày ra
Tiếp theo, mời đọc giả xem một trích đoạn thánh ngôn của Đức Diêu Trì Kim Mẫu, đấng mà tín đồ Cao Đài vẫn gọi rất tình cảm là Mẹ. 
Đàn cơ tại Tòa Thánh, ngày 9/Giêng/Đinh Hợi/ Tý thời (dl 31-1-1947). (Sau khi Đức Chí Tôn giáng cơ, tái cầu thì có Đức Phật Mẫu giáng).
 
DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN
………..
Trời Phật, Thánh Thần chẳng đòi, không biểu lễ cúng chi cả. Các con vì lòng tín ngưỡng, chẳng biết điều chi, tạm dùng lễ để cung kính, rốt lại để khoe mình và để chìu theo thói phàm tục. Các con hiểu đạo, Mẹ chẳng nói nhiều, các con khá suy nghĩ. Chư Tiên, chư Phật cùng các Đấng Thiêng liêng chỉ dùng tâm trong sạch, tín ngưỡng, kỉnh thành, ấy là một vật báu để hiến lễ đó.
…………..
(Thánh Ngôn Sưu Tập III - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng - Đức Nguyên)
 
Từ lời dạy của Đức Phật Mẫu, có thể suy ra được mấy điều quan trọng. Thứ nhất, Đức Mẹ dạy “Trời Phật, Thánh Thần chẳng đòi, không biểu lễ cúng chi cả”. Suy cho cùng, nghi lễ là do con người chúng ta tạo ra chứ không phải do các đấng thiêng liêng bắt buộc. Như đã thấy, mỗi dân tộc đều có lễ nghi riêng phản ánh dân tộc tính và không thể nói lễ nghi nào đúng nhất. Trong đạo Cao Đài, dù các đấng có giáng cơ chỉ dạy một số nghi tiết, nhưng hầu hết là dựa trên phong tục tập quán Việt Nam. Phần lớn là do Hội Thánh, gồm các nhân sĩ miền Nam, biên soạn rồi cầu các đấng giáng cơ sửa đổi.
Tháp của Đức Hộ Pháp, Toà Thánh Tây Ninh
 
Tất cả những nghi lễ này được Đức Hộ Pháp xếp loại Thể Pháp. Thể Pháp Cao Đài là tập họp của phong tục, tín ngưỡng, văn hoá của người miền Nam Việt Nam có trợ giúp qua cơ bút của các đấng. Thể Pháp vừa là biểu tượng của tập thể tín đồ vừa là ẩn dụ giáo lý chứ không phải là chân lý. Như vậy, nếu có bạn đạo   thực hành Thể Pháp không giống với quy định của Hội Thánh, chúng ta hãy nhẹ nhàng chỉnh lại và nếu họ không chịu thì hãy vui vẻ bỏ qua. Chỉ thực hành sai Thể Pháp một vài động tác đâu có gì đến nỗi làm chúng ta quên đi chữ Hoà, chữ Nhẫn mà Thầy Mẹ và các đấng đã khổ tâm truyền dạy.

Vả lại, Tân Luật Pháp Chánh Truyền đã ghi, “Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sinh hoạt của nhơn sanh thì chúng nó (các vị Đầu Sư) đặng cầu xin huỷ bỏ”. Suy ra, Thể Pháp không phải bất di bất dịch mà có thể tu chính tuỳ vào điều kiện sinh sống của con người miễn là có sự chấp thuận của Hội Thánh. Không có luật nào hoàn hảo, không cần sửa đổi cả, kể cả Thiên Điều. Chắc chúng ta còn nhớ thánh ngôn của Lục Nương Diêu Trì Cung, “Khi mơi nầy, em đặng tin lành: Ngọc Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên thơ hủy phá, sửa cải pháp chơn truyền”. (Đàn cơ Phạm Môn, 12-2-1934 nhằm 29-12-Quí Dậu).

Xin thêm một ví dụ gần gũi hơn, trước đây khi vào Đền Thánh cúng tứ thời, tất cả phải quỳ suốt thời cúng. Nhưng nay đã thấy đổi lại ngồi xếp bằng. Hiện nay, chưa thấy huấn lịnh nào của Hội Thánh cho phép ngồi cúng, nên ở các Thánh Thất thì còn tuỳ các vị cai quản địa phương. Nhưng rõ ràng nơi quỳ nơi ngồi sẽ không biểu hiện được nét tôn nghiêm, nên có lẽ trước sau gì cũng phải chuyển qua ngồi hết. Việc này sẽ giúp cho những tín đồ lớn tuổi hoặc bị bệnh xương khớp có điều kiện đến Thánh Thất cúng hơn. Không thể gọi đây là sái chơn truyền mà chỉ là hoán chuyển Thể Pháp cho phù hợp chúng sanh, còn Bí Pháp vẫn là kính lễ Đức Chí Tôn không đổi.

Đó là chưa kể hiện nay đạo đã truyền ra nước ngoài, những khác biệt văn hoá như đốt nhang, cúng ngày sóc vọng hay đọc kinh tiếng Việt đang chờ Hội Thánh điều chỉnh cho thuận với sinh hoạt của người Âu Mỹ nữa. Chỉ riêng ở nước Mỹ thôi nhiều vấn đề cũng gây khó khăn lúc truyền đạo. Ví dụ như đối với người đồng tính, Thể Pháp hoán đàn của chúng ta chỉ nhắc tới nam và nữ chứ không có giới thứ ba. Không lẽ lúc đó các vị đó ngồi yên một chỗ, khỏi hoán đàn! Ở Mỹ, như vậy là phân biệt giới tính và tổ chức nào xem nhẹ người đồng tính sẽ bị tẩy chay.
Có đồng đạo rất cứng rắn nói rằng người nước ngoài muốn theo đạo Cao Đài thì phải học tiếng Việt và theo phong tục Việt Nam vì người Việt là sắc dân được chọn trong kỳ ba này rồi. Ai không theo mặc kệ, cứ để họ theo tà quái! Lý lẽ này nghe không hợp với chủ trương phổ độ thông qua Tình Thương và Công Bằng của Cao Đài chút nào cả!

Thứ hai, người phàm chúng ta đã đi đến mức cực đoan trong nghi lễ mà không hề hay biết. Như Đức Mẹ đã dạy, “Các con vì lòng tín ngưỡng, chẳng biết điều chi, tạm dùng lễ để cung kính, rốt lại để khoe mình và để chìu theo thói phàm tục”. Nghĩa là, để tỏ lòng cung kính các đấng thiêng liêng chúng ta tạm dùng các lễ nghi của người Việt, vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ. Tạm dùng hàm ý sẽ đổi sang điều tốt hơn nếu có. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đã lạm dụng nghi lễ để khoe khoang cho thoả lòng.

Theo thói phàm tục, cúng nhiều tiền hơn, xây chùa lớn hơn thì nhiều phước đức hơn, nên người ta giành nhau thực hiện các lễ nghi nhiều hơn bạn mình. Nếu bạn mình lạy một lần thì mình mười lần, nếu bạn hiến lễ ở một chùa thì mình mười chùa; bạn bỏ thùng công đức một đồng thì mình mười đồng. Chúng ta không biết rằng không thể định lượng Thể Pháp theo kiểu đếm tiền. Cúng một thời bằng cả tấm lòng sẽ có công đức nhiều hơn cúng bốn thời mà chỉ ngồi nhép miệng theo kinh, mong cho mau rồi. Hiến tặng một lon gạo mình tự tay đi mót ngoài đồng vẫn quý hơn một tấn gạo do buôn gian bán lận.
 
Và thứ ba, chúng ta đã dâng lễ phẩm không đúng. Đức Mẹ dạy rằng, “Chư Tiên, chư Phật cùng các Đấng Thiêng liêng chỉ dùng tâm trong sạch, tín ngưỡng, kỉnh thành, ấy là một vật báu để hiến lễ đó”. Thông thường chúng ta bắt ấn Tý cho đúng, lạy đủ số lần theo qui định, niệm đủ danh đấng thiêng liêng, đọc đủ các bài kinh là chúng ta nghĩ đã hoàn thành.

Không phải đâu, các đấng đâu cần những động tác đó. Tất cả Thể Pháp là để giúp chúng ta tịnh tâm, tức là không suy nghĩ đến chuyện linh tinh ngoài đời nữa. Như vậy mới tỏ bày lòng thành thật kính trọng các đấng. Tịnh tâm được buổi lễ mới thật sự là có ý nghĩa. Nếu cúng mà trong lòng nghĩ tới hụi ngày mai phải bỏ bao nhiêu, hay lo đếm xem người quỳ kế bên lạy đủ mười hai gật chưa, thì tâm đâu có tịnh.
Bắt Ấn Tý của Cao Đài
 
Nói tóm lại, các đấng cần chúng ta suy nghĩ hiền lành, trong sáng và thành thật khi làm lễ chứ những động tác của chúng ta đâu có đem lại lợi ích gì cho cõi thiêng liêng. Vì vậy đừng xem các lễ nghi đó quá quan trọng đến mức cứ tranh cãi làm thế này mới đúng, làm thế kia là sai, mà quên đi cốt lõi của lễ nghi là thực lòng dâng lên các đấng suy nghĩ trong sạch của mình (tâm tịnh). Thực tế đã có nơi (xin dấu tên) cãi nhau về cách hành lễ rồi giận dỗi không đến Thánh Thất nữa!

Không những vậy, còn phải thể hiện trong cuộc sống hàng ngày thì mới trọn vẹn là người có đạo. Sẽ không có chút công đức gì nếu lễ bái đầy đủ, trúng chơn truyền, mà lúc nào cũng hằn học chê bai người khác là “tả đạo bàng môn” hay “sái chơn truyền”. Chúng ta đã quên một điều, giáo lý Cao Đài dạy rằng Quỷ Vương nay là Đại Tiên Kim Quang Sứ, giám khảo Long Hoa Đại Hội và có quyền hành không kém Đức Chí Tôn là bao. Vậy đúng ra mà nói, phải kính trọng và biết ơn những người mà mình gọi là “tà giáo” vì họ chính là Đại Tiên, giám khảo kỳ thi đạo đức của mình đó vậy.

Bát Nương dy v chuyn sch dơ

Tiếp theo, mời nghe câu chuyện của bà Giáo Sư Hương Hồ[1]. Bà tên ngoài đời là Huỳnh Thị Hồ, con gái của Bà Đầu Sư Hương Thanh (Lâm Ngọc Thanh) và ông Huyện Huỳnh Ngọc Xây. Ngài Nguyễn Ngọc Thơ (Đầu Sư Thái Thơ Thanh) là chồng đời sau của bà Lâm Ngọc Thanh. Một hôm không thấy Giáo Sư Hương Hồ đi cúng đàn. Qua đàn sau các đấng hỏi tại sao thì bà trả lời vì có kinh nguyệt nên người dơ bẩn không dám đến cúng. Diêu Trì Cung Bát Nương Nữ Phật ban cho bà bài thơ sau đây:
Thân phận phàm nhơn trược đã đành
Chẳng vì nguyệt huyết kỵ anh linh 
Âm dương nam nữ hoa trêu bướm
Hòa ái tương sanh thủy nhập bình 
Tạo hóa ví tay xây đảnh trí
Chúng sanh nên mặt tạo khuôn hình 
Thợ Trời đâu dễ chê đồ tạo [2]
Tốt xấu sạch dơ tại miệng mình 
* Bát Nương Diêu Trì Cung
(Đại Đạo Bí Sử - Hiền Tài Trần Văn Rạng)
Đền thờ Phật Mẫu, Toà Thánh Tây Ninh.

Xin viết lại bằng văn xuôi tiếng Việt cho dễ hiểu: Xác thân người phàm đương nhiên là dơ bẩn rồi. Nhưng đâu phải vì vậy mà kinh nguyệt không hợp với linh hồn. Chuyện nam nữ là lẽ tự nhiên của trời đất. Gặp nhau kết hợp như bèo gặp nước vậy. Ông Trời ví như người thợ rất giỏi. Chính Ngài đã tạo ra thể xác của con người. Cho nên Ngài đâu có chê đồ của mình tạo ra. Thật ra, tốt, xấu, sạch, dơ là do người thế gian tự nghĩ ra thôi.

Đây là một quan điểm rất cấp tiến so với thời điểm mở đạo Cao Đài. Việc xem thường phụ nữ đã từ Trung Hoa truyền sang và ăn sâu vào đầu óc của người Việt Nam. Phụ nữ không được đi học hay đi thi để làm quan, không được cha mẹ chia nhiều của cải bằng con trai, không được học những nghề gia truyền. Và trắng trợn hơn, cả xã hội cho rằng phụ nữ không có ích lợi gì mà còn dơ bẩn vì có kinh nguyệt nữa. Mỉa mai thay, những người chủ trương như vậy, nếu lên làm vua, đầu tiên sẽ lập tam cung lục viện, nghĩa là gom hết dơ bẩn của thế gian làm của riêng! Ngay cả hiện nay, các nước Châu Á, thường là kém văn minh hơn, vẫn còn xem thường phụ nữ hơn là người Âu Mỹ.

Trở lại bài thơ của Bát Nương Nữ Phật, đây là một ý tưởng rất hợp với khoa học hiện đại của Cao Đài. Rõ ràng, cơ thể con người cả nam và nữ là một tác phẩm hoàn hảo của Đức Chí Tôn. Khoa học ngày nay vẫn chưa hiểu hết công năng của nội tạng con người mà. Kinh nguyệt phụ nữ là biểu hiện hoạt động khoẻ mạnh của hệ sinh sản vô cùng tinh vi của loài người. Kinh nguyệt không hề dơ bẩn mà chỉ có người không biết giữ vệ sinh mới dơ bẩn nên dễ bị bệnh tật thôi.
Trạm không gian ISS
 
Hơn nữa về mặt khoa học mà nói, chuyện sạch dơ theo suy nghĩ người xưa ngày nay chỉ có giá trị tương đối. Thí dụ, trên trạm không gian ISS, vì không thể tích trữ nhiều nước, người ta dùng máy để lọc nước thải và nước tiểu của các phi hành gia để dùng lại. Nước từ máy lọc này thậm chí còn sạch hơn nước uống ở một số nơi trên mặt đất nữa. Tóm lại, không thể đánh giá hiện tượng tự nhiên của cơ thể là sạch hay dơ. Chính chúng ta phải giữ vệ sinh cơ thể để những hoạt động như kinh nguyệt, tiết mồ hôi, tuần hoàn máu v.v… được diễn ra trôi chảy.

Bát Nương dy v cách học.
Đêm 13 tháng chạp Tân-Mão ( 9/1/1952 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Tỹ, Du, Hưỡng.
BÁT NƯƠNG
……….
“Mỗi khi cần học hỏi điều gì, phải đem hết trí lực mà phán đoán, tầm cho đủ mọi lẽ. Xong rồi suy gẫm lại các lẽ đã tìm ra, rồi tầm trong ấy, một lý lẽ bất di bất dịch. Khi đã nhận định rõ-ràng rồi, phải tự mình kiếm lấy câu hỏi, để tự trích điểm (phê bình, tra xét) lý lẽ đã tìm ra. Khi đã nhận rõ, không còn một điều có thể trích điểm nữa, thì lý lẽ ấy là đúng đó vậy”.
………
(Luật Tam Thể - Hiền Tài Trần Văn Rạng sưu tầm)
 
Trong đoạn này, đáng để ý nhất là từ trích điểm (trích = phê bình, chê trách; điểm = tra xét kỹ càng). Có thể rút gọn lại là Bát Nương dạy phải nhìn một vấn đề bằng luận lý (logic). Rồi tự đặt câu hỏi phê phán lý lẽ mình tìm ra. Nếu lý lẽ mình đứng không vững thì coi như không có giá trị. Phải tìm lý lẽ khác rồi lại phê phán tiếp cho tới khi nào không phê phán được nữa thì mới dùng lý lẽ đó.

Thực ra, vào thập niên 50 thì lời dạy của Bà là một cuộc cách mạng lớn lao trong giáo dục. Học sinh lúc bấy giờ phải xem lời dạy trong Tứ Thư Ngũ Kinh là đúng tuyệt đối. Đặt câu hỏi phê phán là vô lễ, không biết kính trọng tiền nhân. Chủ yếu là học thuộc lòng và có thể nhắc lại ngay không sai là đạt yêu cầu.

Giờ đây, gần một thế kỷ sau, lời dạy của Bà lại thích hợp với nền giáo dục hiện đại. Các nhà giáo dục phương Tây đều đồng ý là phải dạy học sinh cách tư duy phê phán hay tư duy phản biện (dịch từ tiếng Anh critical thinking). Được trang bị cách suy nghĩ này, con người mới có sáng tạo và phát minh. Hiện các trường học ở Hoa Kỳ đang dẫn đầu trong phong trào này[3]. Và ý kiến riêng của tôi là tín đồ Cao Đài rất cần cách học này. Học đạo không phải thuộc lòng và hiểu hết kinh sách là xong. Học đạo rất cần suy nghĩ ở mức độ cao mới mong có những khoảnh khắc giác ngộ.
Tuy nhiên, muốn làm theo lời dạy của Bát Nương, nhất là khi học đạo hay truyền đạo thì cần phải có hai điều kiện tiên quyết. Thứ nhất, phải học cách lý luận để tránh nguỵ biện. Nguỵ biện là đưa ra lý lẽ sai để chứng minh mình đúng. Nói theo kiểu bình dân là “nói ngang ba làng cãi không lại”. Hiện giờ, phần lớn tín đồ chúng ta chưa được trang bị những cách lý luận đúng nên bị người ta phê phán là chỉ biết giáo điều một chiều[4]. Thứ hai, phải hết sức khách quan. Nghĩa là khi tự phê phán mình thì đừng nể nang, bỏ qua những điểm nhỏ nhặt.

Nói thẳng ra, điều Bà dạy ở trên cho tới nay là một thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa làm được. Điều chúng ta làm giỏi nhất hiện nay là quanh quẩn tự khen ngợi mình và chê bai người có ý kiến khác với mình. Nói thật, những lối mòn đó chỉ dẫn đến tranh chấp chứ không dẫn tới giác ngộ. Thôi thì đành chờ vài trăm năm nữa, may ra lớp Thần Thông Nhơn sẽ làm chuyện phổ độ vậy.
 
Kết luận.
Như vậy, các đấng thiêng liêng không chỉ dạy về triết lý mà thôi mà còn cẩn thận dạy chúng ta nhiều vấn đề khác nữa như tôn giáo (phần 1 và 2), khoa học (phần 3) và giáo dục (phần 4). Đó là lý do chúng ta phải đọc đi đọc lại Thánh Ngôn và nâng tầm suy nghĩ của mình lên. Hãy áp dụng cách học của Bát Nương khi đọc kinh sách. Và quan trọng là hãy đọc nhiều kinh sách của các tôn giáo khác nữa để thoát khỏi cái giếng làng, nơi mà chúng ta nhìn lên, thấy bầu trời chỉ là một cái sàng gạo bé nhỏ.
* Từ Chơn. 
Sài Gòn June 11 202


[1] Có tài liệu ghi là Giáo Sư Hương Hiếu (vợ của Đức Cao Thượng Phẩm). 
[2] Dị bản:
Thể chất phàm phu trược đã đành
     Đừng vì nguyệt huyết kỵ anh linh.
     Tương thân nam nữ  hoa trêu bướm,
     Hòa ái âm dương thủy nhập bình.
     Tạo hóa là tay xây đảnh trí,
     Chúng sanh như bột tạo khuôn hình
     Thợ Trời nào nở chê đồ tạo,
      Xấu tốt sạch dơ bởi miệng mình”.
[3] Mời xem thêm ở Encyclopedia Britannica hoặc Wikipedia.
[4] Giáo Sư Jeremy Davidson thuộc Đại Học London phát biểu ngày 29/11/70. Trích Triết Lý Cao Đài - tác giả Đồng Tân - nhà xuất bản Cao Hiên Sài Gòn 1974.

Home.  Mục Lục: 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]